Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viết cho Đức Hạnh (bài viết của Ôn Tuệ Sỹ, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

16/06/202304:50(Xem: 3491)
Viết cho Đức Hạnh (bài viết của Ôn Tuệ Sỹ, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
ht tue sy


Viết cho Đức Hạnh

Bài viết của HT Thích Tuệ Sỹ
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh




Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi mình còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú Hạnh, một thời ở Già Lam cùng với chú Sỹ.

Hồi ấy, khoảng từ 1962-1963, Già Lam chỉ mới có một dãy nhà tranh cho các chú, với ba gian nhà gạch; gian giữa thờ Phật; một gian để dành cho thầy trù trì. Gian còn lại, thỉnh thoảng Thượng Tọa Giám Viện từ Nha Trang vào trông chừng các chú tu học như thế nào, và thường xuyên hơn là Thượng Tọa Thiện Minh. Già Lam, tức Tăng-già-lam của Phật học viện, hình thức như một cư xá cho lưu học sinh. Phật học viện trung phần dùng đây làm chổ tu học cho các chú đã đậu tú tài II từ các trường trực thuộc. Một số theo học tại các phân khoa của Viện Đại học Sàigòn. Một vài chú khác được viện gởi vào để theo học các lớp Anh văn của Hội Việt Mỹ. Chú Hạnh ở trong số các chú này. Còn tôi trước đó thuộc loại tiểu giang hồ, lang thang qua nhiều chùa ở miền Nam mà không đủ điều kiện nhập chúng. Rồi do thầy trù trì giới thiệu, được Thượng tọa Giám viện thương tình cho về Già Lam tá túc. Dù không thân, rồi cũng trở thành thân thiết. Tình huynh đệ trong chốn thiền môn là vậy.




Dễ chừng cũng hơn ba mươi năm, kể từ ngày tôi hành cước sang Vạn Hạnh. Hình chú vân du lên vùng thượng nguyên, dạy Anh văn tại các trường Trung học Bồ Đề.

Ba mươi năm, vật đổi sao dời. Đất nước hòa bình nhưng con người ly tán. Tan ở chổ này, để tụ lại ở nơi khác. Mỗi người ra đi theo mỗi hướng khác nhau, mà trong sâu thẳm của tâm tư vẫn còn ủ kín sơ tâm học đạo dù chí nguyện chưa tròn. Riêng phần tôi, trong ngần ấy năm, trầm luân qua gần đủ sáu nẻo luân hồi trong một kiếp nhân sinh. Khi được đưa về cảnh cũ, huynh đệ cũ không còn ai cả. Phố phường thị tứ náo nhiệt hẳn lên. Chùa chiền cũng náo nhiệt theo, trào lưu và thời thượng. Hai thứ tóc, bỗng thấy mình bối rối. Cho nên, khi bất chợt đọc được những trang sách, mà thoạt đầu cảm thấy lạ, rồi nhận thấy thân quen, như nghe lại âm hưởng của một thời hành điệu. Người trở về, thời gian đã đổi. Nhưng người đi xa, gốc cổ thụ vẫn còn hắt bóng qua nửa phuơng trời. Hạt giống bồ đề qua biết bao lần lữa thiêu, nước cuốn; hình hài có thay đổi, mầm sống không hư hao. Tôi đọc những trang sách ấy, khám phá lẽ đời và lẽ đạo từ một mảng đời phiêu bạt của người bạn đồng học, đồng tu cũ.

Tôi vốn làm thân con mọt sách. Chìm nổi qua gần đủ sáu nẻo luân hồi trong một kiếp nhân sinh, khi trở về, vẫn là con mọt sách. Đức Hạnh có lẽ là hạt cải lăn lóc giữa đường đời bụi bặm. Mỗi dặm đường, thêm một lớp bụi, tưởng chừng hạt nhân bên trong héo quắt. Thế giới này tuy chợt có chợt không; cõi nhân sinh tuy bị cuốn hút trong ái dục, cuồng vọng; nhưng từ trong tự tính huyền vi, nguồn sữa từ thai tạng của Như Lai vẫn ngọt ngào nuôi dưỡng chủng tử bồ đề cho tuỳ thời lớn mạnh. Rồi hạt cải nảy mầm, có phải như vậy không? Tôi không biết rõ điều đó, nhưng biết khá rõ một điều khác: khổ hải thao thao, hồi đầu thị ngạn.

Chúng tôi mỗi người từ một góc trời riêng biệt, từ những đường đời gập gềnh bên ngoài Phật học viện, bất chợt cảm thấy đang cùng nhìn về những ngày cũ, nhìn lại tâm nguyện ban sơ, thấy lại ước vọng một thời thanh xuân vẫn còn thấp thoáng dưới bóng chùa. Những trang sách của chú khiến tôi cảm nhận được một nguồn an lạc của nhiều ngây thơ từ những ngày bé bỏng. Rồi Chú gởi thiếp theo một loạt đang viết cho quyển sách dự định xuất bản. Tôi đọc không như một đọc giả đi tìm những ý tưởng hay những quan điểm mới lạ, tìm những gì mà mình chưa nghĩ đến trong kho tàng Thánh điển bao la. Tôi đọc những bài viết này với tâm trạng của một người ước mong khám phá những gì chưa biết về một người bạn, tưởng chừng như quên hẳn. Ở đấy, vẫn những điểm giáo lý quen thuộc, mà một thời đã cùng chung học tập, và cũng có khi tranh luận. Với tôi, nền tảng giáo lý ấy theo thời gian được chồng thêm nhiều lớp sở tri đông tây kim cổ, tưởng như mãi mãi bị khuất kín dưới lớp kiến văn quảng bác. Rồi bổng nhiên, từ những trang sách tình cờ, quá khứ một thời sống dậy, với tất cả tình cảm và tri thức. Khi ấy tôi cũng nhận ra rằng, cũng những điểm giáo lý ấy nơi Đức Hạnh tưởng là đã chôn vùi, quên lãng dưới những lớp bụi đời; nhưng không, những điểm giáo lý quá đơn sơ, mỏng và nhẹ vừa đủ cho những Chú sa-di non nớt cả về lẽ đạo và nghĩa đời cất giữ trong tâm tư, làm hành trang cho đường đi sắp tới; những điểm giáo lý ấy bây giờ chợt lục lại, mới hay đấy là những mầm giống tuy rất dể mục rã với thời gian, nhưng bởi tự tính là chất kim cang bất hoại nên vẫn tiềm tàng đâu đó trong đáy sâu của tâm thức, khi thời tiết nhân duyên đến, lại xuất hiện.

Bất hạnh thay, chúng tôi đều sinh vào thời của nhiều ma chướng, cao đồ sộ như bóng núi Thiết vi che kín cả mặt trời Tuệ giác. Thỉnh thoảng ánh sáng bồ đề từ tâm nguyện ban sơ chợt hiện, như đốm sao duy nhất trong đêm tối mịt mù. Tuy vậy, mỗi người vẫn cố đi tới, theo cách riêng của mình, bằng phương tiện và cơ duyên mà mình có. Vì vậy, tôi cảm thấy hân hoan, muốn góp mấy lời vào đầu tác phẩm này của Đức Hạnh. Nhiều khi cảm thấy những gì mình đã viết quá xa với thực tế, góp chặt từ nhiều trang Kinh Luận rồi ghép lại; do đó, khi đọc được những dẫn giải Phật pháp từ chính những vấn đề tế toái của cuộc sống thường nhật, tôi cảm thấy thú vị khi có thể chiêm nghiệm những gì vốn được chiêm nghiệm bằng tư duy luận lý siêu hình. Không chỉ là thể nghiệm, mà trong giới hạn nào đó của cuộc sống, đó còn là sự thể nghiệm chân lý trong sinh hoạt thường nhật. Nói một cách khác, đó là sự thể nghiệm yếu tính của Phật Pháp phiền não tức bồ đề.

Bởi phiền não tức bồ đề, cho nên người cư sĩ sống giữa cõi đời ô nhiễm, bị trói buộc bởi nhiều sợi dây ân oán, vẫn tự thấy bản thân không bị cách ly Thánh đạo. Người cư sĩ học Phật thì nói nhiều hơn làm, đó là giới hạn tất nhiên rất ít ai có thể vượt qua. Nhưng giáo lý Duy thức cũng nói về danh ngôn huân tập. Nói về lẽ thiện, tuy chưa thể hoàn toàn sống đúng với điều mình nói, nhưng tự tính ngôn ngữ có tính huân tập, giống như một thứ tự kỷ ám thị, mầm giống Thánh đạo được xông ướp một cách vô tình hay vô tri, trải qua nhiều thời gian, có khi trải qua mấy a tăng-kỳ kiếp, hạt giống thánh đạo được tích lũy bằng danh ngôn huân tập sẽ đến hồi nãy lộc. Vả lại, người Phật tử học Phật dựa trên ý nghĩa rằng y pháp bất y nhân. Phật pháp không chỉ để nghe suông, mà cần chiêm nghiệm, thực hành, để tự mình phát hiện chân lý. Cho nên, như Phật đã dạy, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nói bởi truyền thống, xuất phát từ chổ được nói là có thẩm quyền, được giảng dạy bởi Đạo sư của mình. Tôi muốn nói đến sứ mạng hoằng truyền Chánh pháp. Những người xuất gia đã dứt bỏ mọi ràng buộc của thế tục, cho nên sự hành đạo và hóa đạo là thuận duyên, và lời giảng pháp là những kinh nghiệm thực chứng. Điều đó thật hữu ích cho người nghe. Nhưng, trong xã hội càng lúc càng phức tạp với đủ loại quan hệ nhân sinh. Kinh nghiệm của người xuất gia về sự thật của thế gian càng lúc càng thu hẹp. Do đó, những lời giảng tuy là từ chứng nghiệm bản thân nhưng nhiều khi xa rời thực tế xã hội khiến người tại gia tuy nghe thì nghe hay thật đấy nhưng khi hành thì lại gặp nhiều tai biến. Chuột nhắt không sợ sư tử, mà chắc chắn là sợ mèo . Đó là điều mà kinh gọi là đối trị tất-đàn. Chân lý của chánh pháp được đánh giá bằng thực tế đối trị. Tất nhiên, căn bản phiền não cần đối trị là tham, sân, si. Giáo lý cao siêu trong nhiều trường hợp trở thành trò lý luận viển vông. Không thể trao gươm thái ất cho trẻ nhỏ đi đập hạt dẻ. Bất cứ viên đá cuội tầm thường nào cũng đều có hiệu quả rất đáng hài lòng hơn.

Đó là vài cảm nghĩ của tôi khi đọc các bài viết Phật pháp của Đức Hạnh. Tôi nghĩ rằng những bài viết về những điểm giáo lý căn băn này được nhìn từ những khía cạnh đời thường cũng sẽ gợi được nhiều hứng vị cho người đọc; từ cảm hứng ấy mà chiêm nghiệm về những vấn đề nhân sinh của chính mình với Phật pháp. Mỗi người có những chứng nghiệm riêng của bản thân, để rồi hiểu rõ càng lúc càng sâu sắc hơn ý nghĩa Phật pháp bất ly thế gian Pháp.

Quảng hương Già Lam

Mùa an cư Phật lịch 2546,

Tuệ Sỹ




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2013(Xem: 4392)
Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm, đã thấy ông thầy chùa đầu tiên trong đời, thỉnh thoảng đi về trên con đường xuyên qua xóm. Ba tôi dặn : - Không được kêu là : "Ông thầy chùa" nghe chưa ? Hỗn. Nhưng lại không bày tôi một cách kêu khác. Trong câu chuyện, khi nhắc tới ông thầy... đó thì ba tôi dùng ba chữ "Thầy Châu Lâm". Giọng kính cẩn có pha chút thân tình, Những người trong xóm khi nhắc đến tên thầy đều có chung một giọng như thế.
08/02/2013(Xem: 12928)
Nhân một hôm đến tại tư thất thăm cụ Ngô Trọng Anh, Giác Lượng đọc được bài thơ của Cụ Hoàng Văn Minh, tức nhà thơ Điền Viên, đăng trên Đặc San của Hội Người Việt Cao Niên, vùng Hoa Thịnh Đốn Xuân Kỷ Sửu (2009). Với tựa đề: NƯỚC NON
04/02/2013(Xem: 13384)
Không được gọi là nhà thơ nhưng rất nhiều người VN vẫn có thể làm thơ. Thơ phổ biến khắp nơi với đủ loại người. Thơ không đọc bình thường như văn mà ngâm lên du dương trầm bổng, lại thêm các loại đàn sáo, tranh, bầu... sau thêm đàn nguyệt phụ họa nên ngâm thơ là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, thuần túy VN. Ai cũng có thể đọc thơ một cách diễn cảm nhưng để ngâm thì phải biết cách. Bồng mạc, sa mạc, lẩy Kiều... Để nắm những cách thức ấy phải là người chuyên môn, thường xuyên luyện giọng chứ không phải tự nhiên ai cũng ngâm được.
27/01/2013(Xem: 3118)
Cảm nhận nguồn sông trăng, Cảm ơn tác giả: Nữ sĩ Tuệ Nga đã gởi tặng tập thơ “Từ Giòng Sông Trăng” do Cội Nguồn xuất bản vào giữa năm 2005, sách dày 400 trang giấy thắm, chuyên chở ý thơ như giòng suối tràn tuôn từ dòng tư tưởng ảnh hiện bóng trăng, soi qua cuộc đời trong sáng, với những giòng sông mênh mông tràn về biển cả. “Từ giòng Sông Trăng” chẳng những một đề tài đơn độc của tập thơ nầy để diễn tả sự mầu nhiệm của trăng mà chúng ta không thể dùng lời nói hết. Riêng Nữ sĩ Tuệ Nga có cái biệt tài đưa trăng vào thơ một cách tự nhiên không hề gượng ép. Mỗi chữ trăng là mỗi vần thơ. Mỗi dòng hạ bút là thơ trăng huyền.
21/01/2013(Xem: 10946)
Một lòng yêu nước với yêu quê Sang lánh trời Tây vẫn nhớ về Non nước đớn đau lòng tu sĩ Đêm về gợi nhớ bóng hương quê Nghìn năm văn hiến giờ đâu thấy Nghĩa lý luân thường mất đã lâu Khổ đau oằn quại triền miên kiếp
20/01/2013(Xem: 2981)
Cuộc đời bầm dập nổi trôi của một em học trò cũ đã thôi thúc tôi viết nên truyện này. Người ta thường bảo „sông có khúc, người có lúc“ nhưng phải nhìn nhận cả cuộc đời của em đã phản ảnh lại nhận xét trên. Bao đau thương đã dồn dập lên đôi vai yếu ớt của em, nhiều lúc tưởng chừng như không còn gượng đứng dậy được nữa, nhưng em vẫn phải sống, vẫn phải đương đầu với mọi khổ đau tràn ngập vây quanh.
15/01/2013(Xem: 6233)
Chiến tranh và hòa bình (tiếng Nga: Война и мир) là nhan đề một tiểu thuyết của Lev Nikolayevich Tolstoy, xuất bản rải rác trong giai đoạn 1865 - 1869.
30/12/2012(Xem: 4215)
Bước lên chiếc Lambretta hàng, tôi tự nhiên thấy Trâm ngồi thu hình ở một góc xe. Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẵng thì có giấy đổi vào Nha Trang. Hôm mới vào nàng tìm đến địa chỉ tôi do lời dặn của anh Hiệp, anh rể nàng. Hiệp là bạn học của tôi hồi ở trường Khải Định. Có một cô em làm việc bị đổi đi tỉnh xa Hiệp viết thư giới thiệu cho tôi, gián tiếp thay anh để tuỳ cơ giúp đỡ cô em nhút nhát. Sau khi đọc thư của Hiệp, tôi hỏi:
17/12/2012(Xem: 4444)
Cách đây mấy năm, trên một chuyến xe đò muộn về thăm quê. Khi xe đi ngang qua cầu Ngân Sơn, thì lúc ấy đã 5 hay 6 giờ chiều. Dù đã nhiều lần đi qua đây, nhưng có lẽ buổi chiều cuối xuân năm ấy, là buổi chiều mà tôi đã nghĩ nhiều nhất về Võ Hồng. Tôi tưởng tượng rằng, hồi còn nhỏ chắc mỗi chiều ông vẫn thường ra đứng ở nơi này, để nhìn ráng đỏ nơi rặng núi phía Tây kia ? Rồi nhìn bóng chiều xuống chậm trên dòng sông này? Chắc phải vậy! Vì trong tác phẩm của Võ Hồng thì cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của đất trời, tôi cho là những cái đẹp mà Võ Hồng đã viết hay nhất. Nhưng trong cái đẹp đó, Võ Hồng luôn luôn đưa vào thiên nhiên một chút sầu, hay ngậm ngùi cho một cái gì đó đã hay đang sắp mất đi trên cuộc đời này. Tại ông bi quan chăng? Hay tại vì cái đẹp mong manh của những buổi chiều tà trên dòng sông tuổi thơ dạo nào cứ ám ảnh ông mãi.
10/12/2012(Xem: 3200)
Đúng là những ngày tháng không quên thật! Sau 30.4.75, tôi bị ở lại Việt Nam là một điều quá ngu xuẩn rồi. Tự mình làm hại mình và hại cả tương lai con cái nữa. Niềm đau này thật không làm sao phôi pha được với thời gian, vết thương trong lòng tôi cứ chua xót ngậm ngùi!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]