Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 6: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu (Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc

31/01/202306:38(Xem: 9580)
Bài 6: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu (Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc

phat thanh dao

Học Phật Trong Mùa Đại Dịch
( 6)
Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
(Tiếp Theo 5)

Bài viết của Cư Sĩ Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài
do Phật tử Diệu Danh diễn đọc






D. ĐÚC KẾT :

Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh,  là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.

Qua bài kinh chúng ta không đọc thấy một phù phép, thần thông gì được thực hiện. Cho dù bản Chú Giải có mô tả một trận mưa lớn đã đổ xuống, quét sạch các xác chết, dọn đường sạch sẽ để nghênh đón Đức Phật từ thành Rajagaha khởi hành đến thành Vesali và khi ngài Ananda đi vòng quanh thành Vesali ba vòng, vẩy nước từ bình bát của Đức Phật, đọc tụng bài Kinh Châu Báu với lời kết thúc : “Bất cứ điều gì cũng chẳng hệ gì”  thì các Phi Nhân bỏ chạy trốn ra ngoài thành, các vết thương trên tay chân được chữa lành. Với những sự kiện như thế chúng ta cũng có thể cho đó là do thần thông, thần lực của Phật hay của tôn giả Ananda, song không có sự khẳng định nào trong Kinh hay Chú Giải thì chúng ta chỉ có thể nghĩ đó là nhờ đức độ cao dày, do cái Tâm Đại Từ Đại Bi của Đức Phật và Thánh tăng Ananda với lời Chúc Phúc mong cho mọi người được hạnh phúc mà chiêu cảm điều lành. Điều lành đã thật sự xảy ra.

Ở cuối mỗi câu Kệ chúng ta đọc được câu Chúc Phúc thường được lập đi lập lại của đức Phật : Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc. Đây là một Chân Ngôn và Chân Ngôn có thể được xem như là Thần Chú, vì giản dị, ý nghĩa của Thần Chú là lời nói Chân Thật, vì Chân Thật nên có năng lực không thể nghĩ bàn, chuyển tải từ cái tâm lượng bao la vĩ đại, phát xuất từ bản tính thanh tịnh, không ô nhiễm phiền não, tham sân si mà chất chứa cái lòng Đại Từ Đại Bi, do đó Chân Ngôn có thể chuyển hóa Tâm, chuyển hóa hoàn cảnh chung quanh, chuyển hóa nghiệp ác, nghiệp chướng thành duyên lành, quả thiện. Nếu không có năng lực đó thì Đức Phật sẽ không thốt lên Chân Ngôn vào mỗi cuối câu Kệ như vậy.

Ngoài ra, ngay nơi đoạn kệ số 2 của bài Kinh, Đức Phật đã khuyên các chư Thiên và cả Phi Nhân, bài Kinh dùng chữ Sanh Linh, hãy hộ trì dân chúng thành Vesali vì họ đã ngày đêm đem phẩm vật cúng dường cho các vị này. Như vậy, Tha Lực, không phải là điều hoang tưởng, mê tín, dị đoan, không có thực. Chư Thiên hay Phi nhân đều có khả năng giúp đỡ cũng như phá phách, nhiễu hại nhân loại. Một lời thỉnh cầu, một phẩm vật cúng dường các vị đó không phải là điều xấu xa, tệ hại, nhất thiết cần bác bỏ, chê bai. Chúng ta đã đọc qua lời Phật dạy về 7 điều kiện để một quốc gia hưng thịnh, Phẩm Bạt Kỳ, Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm Bảy Pháp : “Này Ananda, khi nào dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã có từ trước, đã làm từ trước với đúng qui pháp thì này Ananda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.” Vậy thì chúng ta cũng không nên quá cực đoan bài bác việc cúng tế.

Khi Đức Phật thuyết pháp cho nhân loại, chư Thiên cũng có thể nghe, tham dự Pháp Tràng và trở thành những vị Hộ Pháp. Mỗi thời tụng kinh, nghe Pháp chúng ta đều có thể thỉnh chư Thiên cùng tham dự. Theo cuốn Nhựt Hành của người tại gia tu Phật, của Tỳ Kheo Hộ Tông, chúng ta tìm thấy Bài Thỉnh Chư Thiên như sau :

“Xin thỉnh chư Thiên ngự trên cõi Trời Dục Giới, cùng Sắc Giới, chư Thiên ngự trên đảnh núi hoặc nơi hư không, ngự nơi cồn bãi, đất liền, hoặc các châu quận, ngự trên cây cối rừng rậm hoặc rừng vườn, chư Dạ Xoa, Càn Thát Bà cùng Long Vương dưới nước, trên bờ hoặc nơi không bằng phẳng, gần đây, xin thỉnh hội lại đây. Lời nào là kim ngôn của Đức Thích Ca Mâu Ni mà chúng tôi tụng đây, xin các bậc hiền triết, nên nghe lời ấy. Xin các ngài Đạo Đức, giờ này là giờ nên nghe Pháp Bảo.”

Như vậy chư Thiên hay Phi Nhân đều là những vị sống chung quanh thế giới của con người chúng ta, chỉ vì con mắt phàm của chúng ta không cho chúng ta thấy mà thôi. Nhận biết sự hiện diện của các vị này không phải là điều vô ích mà lợi lạc cho cả hai bên. Phật tử chúng ta thường quen thuộc với bài kệ Hồi Hướng chư Thiên sau mỗi thời kinh :

Trời, A Tu La, Dạ Xoa thảy
Đến nghe pháp đó nên chí tâm
Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn
Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy.
Bao nhiêu người nghe đến chốn này
Hoặc trên đất liền hoặc hư không
Thường
với người đời sinh lòng từ
Ngày đêm tự mình nương pháp ở.
Nguyện các thế giới thường an ổn
Phước trí vô biên lợi quần sanh
Bao nhiêu tội nghiệp thảy đều trừ
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Hằng dùng giới hương xoa vóc
sáng
Thương gìn định phục để giúp thân
Hoa mầu Bồ đề khắp trang nghiêm
Tùy theo chỗ ở thường an lạc.

Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát.

Chúng ta đề cập khá dài dòng về chư Thiên vì chính bài Kinh Châu Báu đã bắt đầu với các bài Kệ mời gọi chư Thiên hộ trì dân chúng thành Vesali. Vậy trong sự tu tập, chúng ta không thể quên sự lợi lạc mà chư Thiên có thể đem lại cho chúng ta và ngược lại, chính chúng ta cũng có thể đem lại lợi lạc cho chư Thiên.

Theo Chú Giải, khi đến thành Vesali, đức Phật có kêu gọi thực hiện một nghi lễ Cầu An với lời lẽ như sau : “Hỡi Ananda, hãy lắng nghe Kinh Châu Báu này, và cùng với các vị Hoàng Tử người Licchavi hãy thực hiện một nghi lễ cầu an trong một cuộc rước quanh những khoảng cách ba vòng tường thành, hãy mang theo với các người, các của cải vật chất để thực hiện nghi lễ dâng cúng.”

Và y theo cuốn Nhựt Hành đã nêu bên trên, chúng ta có bài Thỉnh Tỳ khưu Tăng tụng kinh Cầu An như sau :

Cầu xin các Ngài tụng kinh cầu an để ngăn ngừa tránh khỏi các điều rủi ro tai hại, cho đặng thành tựu những hạnh phúc, khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và bịnh hoạn đều tiêu tan.

Như vậy Cầu An không phải là một nghi lễ phát xuất từ sự mê tín, dị đoan và cần phải bác bỏ. Chỉ nên tránh nhưng nghi lễ quá câu nệ về hình thức, phẩm vật cúng dường, quá tốn kém và phải giết hại súc vật hay có thể tổn thương, gây phiền toái cho kẻ khác. Chúng sinh ngoài bốn sự khổ lớn Sinh Lão Bệnh Tử còn phải chịu vô lượng khổ khác từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm, hạnh phúc thì mong manh, ngắn ngủi mà đau khổ thì dày vò năm này qua tháng nọ, khó vơi, khó cạn. Những lời kinh Cầu An giúp cho chúng sinh bớt sợ hãi, âu lo, buồn khổ, vững mạnh hơn, sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn để tiếp tục cuộc sống còn nhiều biến chuyển do Vô Thường, chúng sinh cần sức mạnh để kham nhẫn trước mọi khó khăn, mọi đổi thay bất ngờ, bất trắc, bất như ý…Nghi lễ Cầu An là một hình thức của Pháp Thí vàVô Uý Thí.

Cầu An không đi sai lời Phật dạy tuy vậy chúng ta thường nghe nói Đạo Phật không phải là một đạo cầu xin, van vái, không có ai ban thưởng, giáng họa, không ai chịu thay cái khổ của kẻ khác, không ai làm cho tội nghiệp tiêu trừ, chỉ có tự mình, theo luật Nhân Quả, theo Nghiệp mà lảnh chịu tất cả hậu quả, tự mình gây, mình tạo.

Đúng như vậy, con người tự tạo Nghiệp và phải hứng chịu mọi hậu quả, không than, không trách, không thể đổ thừa cho ai cả. Con người phải biết nhận lấy trách nhiệm của mình. Dù muốn dù không, cũng phải lảnh hậu quả của cái nhân đã gieo, chẳng trốn vào đâu được như Đức Phật đã dạy :

Hoặc trên trời dưới biển

Hay trốn vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả ác nghiệp.
( Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác Kệ 127 )


Nhưng con người cũng thật đáng thương vì trôi lăn bao muôn kiếp, tạo bao nhiêu là ác nghiệp, chịu bao nhiêu thống khổ nhưng đâu phải ai cũng hiểu, cũng biết đó là hậu quả của các hành động do mình tự gây tự tạo. Khi phải hứng chịu khổ đau thì chúng sinh như kẻ đang chết chìm, vùng vẫy để thoát dòng nước cuốn nhưng không biết cách nào, nếu có kẻ đứng trên bờ đưa tay kéo lên hoặc quăng cho cái phao để bám vào thì mới mong thoát khỏi. Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền, chư Tăng và cả chư Thiên là những vị đứng trên bờ an ổn có thể làm được việc này, đưa tay cứu vớt. Các vị đâu thể làm ngơ thấy kẻ chết chìm, chẳng khác nào đương tâm dìm cho họ sâu xuống đáy nước. Trong khả năng của các vị, đức độ hơn người, Thần Thông có, mà Trí Tuệ cũng có, nhất định các vị sẽ cứu giúp nếu chúng sinh có lời khẩn cầu và hướng tâm về các vị để nương nhờ, trông cậy. Lời cầu nguyện, khấn vái của chúng sinh chẳng phải là vô ích, là hèn nhát, nhu nhược, sợ hãi, không chịu nhận lỗi lầm và gánh chịu hậu quả. Chỉ vì nỗi khổ bức bách thân tâm, thần kinh rối loạn, tâm tư dao động, không còn đủ bình tĩnh, sáng suốt để có thể tự mình tìm ra giải đáp hay lối thoát cho các vấn đề, chưa kể nếu còn bị chồng chất thêm với những hoạn nạn, tai họa khác do bên ngoài đem đến mà con người hoàn toàn không thể chế ngự như thiên tai, dịch bệnh, giặc giã, đói khát…Thân phận con người trở nên nhỏ bé và yếu đuối. Đang dồi dào sức khoẻ, bỗng chốc liệt giường liệt chiếu, đang sung túc giàu sang, bỗng chốc của mất nhà tan, đang quyền cao chức trọng, bỗng chốc bần cùng hạ liệt. Lời cầu khẩn, xin sự giúp sức của những vị mạnh mẽ hơn mình là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi con người cảm thấy bất lực, không thể tự mình chống chọi, vươn lên trước hoạn nạn. Cũng không phải xấu hổ khi so sánh con người ở đây như một đứa trẻ con khi bị té, bị vấp thì khóc thét lên và tiếng gọi cầu cứu đầu tiên, nhanh nhất được thốt ra là Mẹ ơi ! Cha ơi ! Cứu con với !

Hiểu như vậy để mở lòng thương tưởng những ai thực sự đang gặp cảnh khổ, tâm tư rối bời và thường van vái, cầu nguyện. Không giúp được người thì thôi, chẳng khinh chê người hèn nhát, nhu nhược, hành động không đúng lời Phật dạy… Chắc chắn là có trường hợp những người không thực sự khổ  mà do lòng tham vô đáy, cầu xin, van vái không bao giờ đủ, chỉ mong cầu lợi lạc, thụ hưởng vật chất cho riêng mình, điều này tất nhiên là không đúng.

Chư Phật, Bồ Tát, chư Thánh Hiền, chư Tăng, và chư Thiên trong khả năng giới hạn của mình, đều có thể giúp con người nhưng nếu không có kết quả thì con người cũng nên biết chấp nhận, không hối tiếc đã cầu xin vì lời cầu nguyện cũng đã an tâm mình, giúp mình bình tĩnh, sáng suốt hơn, sẽ tự hiểu ra nghiệp chướng quá nặng nề, đã thuần thục, nghiệp phải trổ quả mà thôi, không thể làm gì hơn. Nhưng chịu khổ thì trả xong nghiệp, nhẹ gánh vậy. Điều tích cực là đây. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng đã cho thấy, đôi lúc một rủi ro này lại là một cái may khác, đôi lúc nhờ khổ mà mở mắt ra, tự nói ồ nhờ khổ mà tôi mới hiểu, tôi đã học được bài học, tôi đã vươn lên, mạnh mẽ hơn…Nhờ có thiên tai, dịch bệnh, đói khát, giặc giã, con người mới thực sự nhận ra “Thế gian Vô Thường, Quốc độ nguy thúy” mà Đức Phật đã dạy, khởi lòng tin vào Giáo Pháp của Phật, quay về nương tựa Phật. Và cũng nhờ tụng kinh Cầu An, con người đã gieo duyên với Phật Pháp, sẽ được Tăng Chúng hay thiện tri thức dẫn dắt thêm trong sự tu tập Giới Định Tuệ, biết sám hối, tạo thiện nghiệp, sửa đổi tâm tánh và rồi sẽ được an lạc hạnh phúc thực sự. Với tấm lòng từ bi vô hạn, chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, chư Thiên luôn giúp con người, không cách này thì cách khác, chẳng qua là mắt phàm phu và trí óc hạn hẹp của chúng ta không cho chúng ta nhận ra mà thôi.

Bàn về Nghiệp thì chúng ta cũng đừng quên Đức Phật đã cảnh giác trí óc của phàm phu chúng ta không thể nghĩ tới, Quả dị thục là một trong Bốn Điều Bất Khả Tư Nghị. ( Xem lại phần viết về Nghiệp.)

Đức Phật đã Bố Thí Pháp, dùng Pháp để giáo hóa. Vì Pháp chính là nơi nương tựa vững chắc nhất. Chư Thiên tuy phước lớn hơn con người thế gian nhưng cũng chưa ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi. Chư Thiên cũng cần phải nương tựa vào Pháp để được giải thoát, đạt được Chân Hạnh Phúc. Kinh Châu Báu là bài Pháp Thoại mà đức Phật đã ban bố cho tất cả các sanh linh, chư Thiên, Nhân và Phi Nhân. Với lời kêu gọi chư Thiên, Phi Nhân hãy có cái tâm hoan hỉ để nghe Pháp và tâm từ mẫn để hộ trì cho dân chúng thành Vesali vì dân chúng này đã từng ngày đêm cúng dường họ, chính lời kêu gọi của Đức Phật với bài Pháp Thoại là bài Kinh Châu Báu đã chuyển tâm của chư Thiên và Phi Nhân, các vị này trở lại hộ trì dân chúng thành Vesali. Chư Thiên không bỏ đi và Phi Nhân không lộng hành, dịch bệnh được tiêu trừ. Đức Phật kêu gọi chư Thiên và con người thì khẩn cầu chư Thiên bởi vì con người kém phước đức hơn chư Thiên, việc làm này không phải là một điều đáng chỉ trích, chê bai. Nếu bản thân ai đó tự thấy mình có đủ sức để vươn lên nghịch cảnh, chướng ngại, không cần một lời cầu khẩn nào thì thật đáng mừng nhưng không khinh chê người yếu đuối hơn, cần sự giúp sức bên ngoài, cần đến Tha Lực. Chúng ta đã có lần đề cập đến Tha Lực ở các phần trước, thái độ đúng đắn là chúng ta không quá ỷ y vào Tha Lực, song song với sự khẩn cầu, còn có sự cố gắng hoàn thiện nơi bản thân, tu dưỡng thân tâm, sám hối tội nghiệp, tạo thiện nghiệp, làm phước, giúp người, không hại vật, nhưng chắc chắn chúng ta không bác bỏ Tha Lực. Tự Lực hiển nhiên là căn bản nhưng Tha Lực không phải là không có, chỉ chúng ta không nhận ra mà thôi. Chúng ta chỉ dựa vào điều mong cầu không toại nguyện thì cho là không có Tha Lực, nhưng Tha Lực không chỉ giản dị như vậy.

Rõ ràng nơi Kinh Châu Báu, được xem là một Kinh Cầu An, Đức Phật khi xướng lên bài Kinh, đã ban bố bài Pháp Thoại để giúp chúng sinh mở mang trí tuệ đồng thời ban cho sự không sợ hãi. Tha Lực được thể hiện ở đây. Theo Chú Giải, khi nhận lời đến thành Vesali, Đức Phật đã quán xét và biết rằng : “Khi nào Kinh Châu Báu được công bố tại thành phố Vesali thì An Toàn đó sẽ lan tràn khắp cả Thập vạn Đại Thiên Ta Bà Thế Giới và khi kết thúc công bố kinh đó, có tới Tám mươi tư ngàn sanh linh sẽ chứng đắc Pháp.” Khi bài Kinh được đọc lên thì An Toàn sẽ lan tràn khắp nơi mà mắt trần của chúng ta không thể nhìn tới, và sau khi nghe Kinh, vô số chúng sinh đắc Pháp, tức là có được Trí Huệ để thông hiểu, thực hành Giáo Pháp đúng như thật nghĩa, đúng như lời Phật đã truyền trao, với trí óc cạn cợt, mờ ám của phàm phu chúng ta thì cũng không thể nào suy lường, không thể nào thấy được vô số chúng sinh này. Nhưng chắc chắn là Đức Phật có ban bố sự An Toàn cho thế gian trong nghĩa tương đối và sự An Toàn trong nghĩa tuyệt đối chính là bài Pháp Thoại làm cho muôn vàn sanh linh chứng Pháp. Đừng quên là mỗi khi Đức Phật thuyết pháp thì không phải chỉ có những người hiện diện, mà mắt phàm phu chúng ta nhận ra được, vây quanh Đức Phật mới nghe, thấy mà chính các chư Thiên của Tam Giới, các Long Vương, A Tu La, phi nhân…v.v…cũng đều nghe, thấy được.

Chúng ta tìm hiểu khá cặn kẽ ý nghĩa của Cầu An vì đây là một bài Kinh Cầu An. Nếu chúng ta tìm hiểu về Cầu Siêu thì ý nghĩa sẽ không khác gì Cầu An. Vì sao ? Cầu An giúp con người đối phó với hoàn cảnh hiện tại, Cầu Siêu giúp con người đối phó với hoàn cảnh vừa tách rời khỏi cái hiện tại để đi vào tương lai nhưng là một tương lai hoàn toàn mù mịt. Giữa cái hiện tại vụt tắt những tia sáng cuối cùng và cái tương lai mà mặt trời cũng chưa ló dạng thì tâm tư con người cũng rối bời, hỗn loạn ! Một lời kinh cầu sẽ làm tan đi cơn sợ hãi. Đằng nào, Cầu An hay Cầu Siêu, con người cũng phải bước tới, không thể thụt lùi vì không có con đường nào khác. Bước tới với cái tâm an nhiên định tịnh vẫn hơn là bước tới với cái tâm dao động và sợ hãi ! Cầu An khi còn sống trong cõi người và Cầu Siêu cũng là Cầu An cho con người khi bước qua cõi khác mà thôi.

Có điều chúng ta nên chú ý, chúng sinh thì cầu xin, nhưng Bồ Tát thì phát nguyện, mong cầu những điều tốt lành cho chúng sinh. Chẳng chờ đợi chúng sinh cầu xin, Bồ Tát đã mở lòng từ bi thương xót. Với hạnh nguyện độ sinh, Bồ Tát hồi hướng tất cả công đức cho chúng sinh được thoát khổ, cái khổ lớn nhất là bị Vô Minh che mờ trí tuệ, không thể thấy con đường giải thoát. Hạnh Nguyện của chư vị Bồ Tát thì vô số, không thể tính đếm, không giới hạn cả không gian và thời gian. Nhất cử nhất động của chư vị, bất cứ ở đâu, bất cứ làm gì, nhớ nghĩ gì, khi thức, khi ngủ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, nằm…đều phát nguyện độ cho chúng sinh có trí tuệ, thông hiểu Chánh Pháp, thanh tịnh tam nghiệp, không tạo lỗi lầm, thành tựu các hạnh lành, cho đến Giác Ngộ…Thật không thể nghĩ bàn tâm lượng từ bi, bao dung của chư vị Bồ Tát. Như vậy, một mặt chúng ta Cầu và cũng không quên Nguyện.

 Đọc Kinh Bổn Nguyện của Địa Tạng Bồ Tát, chương 13, chúng ta tìm thấy đoạn Đức Phật ân cần phó chúc Bồ Tát tế độ chúng sinh như sau : “…về đời sau, nếu có thiện nam thiện nữ nào trong cõi Trời, Người, gây được một chút thiện căn trong Phật Pháp, dù nhỏ bằng sợi tóc, mẩy bụi, hạt cát, giọt nước, thì Bồ Tát nên lấy Đạo Lực ủng hộ cho người ấy dần dần tu chứng Đạo Vô Thượng, chớ để cho họ thoái lui.” Bồ Tát Địa Tạng bạch Phật : “ Lạy Đức Thế Tôn, cúi xin Đức Thế Tôn đừng bận tâm nữa, về đời sau, nếu thiện nam thiện nữ, đối với Phật Pháp, cung kính được giây phút, con cũng xin dùng trăm nghìn phương tiện độ cho người ấy chóng được thoát vòng sinh tử. Huống chi những người ấy nghe, thấy, làm những việc thiện, một niệm tu hành, tất nhiên là chứng được Đạo Vô Thượng, không bao giờ còn thoái chuyển nữa.”

Chư vị Bồ Tát chính là Tha Lực mà chúng ta có thể nương tựa. Lợi ích không thể nghĩ bàn. Nương tựa vào các vị ấy là chúng ta có được An Toàn. Nhắc nhở chúng ta nương tựa các Bồ tát vì chư vị Bồ Tát cũng thuộc Tăng Chúng chứ có ai khác đâu. Tuy cũng có Bồ Tát là cư sĩ tại gia. Nương vào các vị Bồ Tát để cầu an, cầu khẩn điều tốt lành cho chính mình thì cũng không quên noi gương chư vị mà Hồi Hướng, Phát Nguyện điều tốt lành, an ổn cũng đến với tất cả chúng sinh. Như thế, sự việc cầu an càng thêm ý nghĩa và giá trị.

Ở đoạn cuối bản Chú Giải, đức Phật có giải thích cho Tăng Chúng khi các vị này thắc mắc và bàn tán về quyền phép của Đức Phật, vì Ngài đã được đón tiếp thật long trọng từ chuyến khởi hành đến thành Vesali cho đến khi trở về lại nơi cư trú của mình, đường xá được dọn dẹp, san bằng, phủ đầy bông hoa, nước sông cũng phủ đầy hoa sen ngũ sắc, phan lọng trương lên đến cõi Phạm Thiên. Đức Phật đã dạy rằng : “Chẳng phải do bất kỳ quyền phép nào của ta cả đâu với tư cách là một vị Phật, cũng chẳng phải do sức mạnh và quyền hạn của Long Vương, hay các chư Thiên hay các Phạm Thiên nào đâu, mà việc này diễn ra do quyền phép của những hành vi quá khứ, ta đã từ bỏ các của cải có giá trị tương đối.”

Điều đáng chú ý ở đây là Đức Phật  không nói đến quyền phép, nên hiểu là quyền lực, sức thần thông biến hóa của bất cứ ai, của Ngài cũng như của các vị Thiên, Long vương mà những gì tốt đẹp đã xảy ra phát xuất từ cái Quả của những hành vi quá khứ mà Ngài đã từng thực hành. Những hành vi từ bỏ của cải có giá trị tương đối. Những của cải vật chất, có đó rồi mất đó. Con người thì chỉ lo sợ mất mát những thứ không bền vững, tương đối này.

Tiếp đến Đức Phật cắt nghĩa rõ gì là những hành vi từ bỏ của cải có giá trị tương đối này: Trong một đời quá khứ Ngài từng là một vị Bà La Môn tên là Sankha và có người con trai tên là Susima. Susima từ giã người cha từ năm mười sáu tuổi để đi tầm sư học đạo, Susima tu hành đắc đạo, thành một vị Phật Độc Giác và viên tịch ít lâu sau đó. Khi tìm đến con mình thì vị Bà La Môn chỉ có thể thấy ngôi tháp thờ vị Độc Giác này, vị Bà La Môn này đã  kính lễ tháp kệ, dọn dẹp sạch sẽ, tưới nước, chưng hoa, treo phang lọng, rải cát…Do nhờ thiện nghiệp đã thực hiện bố thí những gì được coi là có giá trị nhưng lại là tương đối, vì chỉ có giá trị đối với thế gian, mà thế gian là vô thường, biến hoại, tuy vậy, nhờ quả báu của sự bố thí mà nơi đời này, Ngài, Đức Phật Thích Ca, đã được nghinh đón trọng thể với các nghi lễ cùng phẩm vật cúng dường, diễn ra từ cuộc khởi hành đến thành Vesali cho đến khi quay trở về nơi Ngài trú ngụ. Qua bài học này Đức Phật dạy chúng ta thực hành Bố Thí, Cúng Dường để xả bỏ lòng tham. Chính bỏ được lòng tham thì lại hưởng được quả báu không hề bị thiếu thốn.

Nơi phần học về Pháp Bảo, chúng ta đã tìm hiểu về Nghiệp, Nhân Quả thì chuyện kể trên của đức Phật cũng chính là thuyết giảng về Quả Báu của Nghiệp. Chính xác hơn nữa, đó là Quả báu của sự Bố Thí, Cúng Dường. Cúng Dường được quả báu to lớn nhất chính là cúng dường Phật Pháp Tăng.

Vậy, chúng ta cũng cố gắng tinh tấn thực hành hạnh Bố Thí, Cúng Dường, tùy khả năng, tùy hoàn cảnh của mình để đem theo Tư Lương cho đời sau. Và học về Nghiệp thì chúng ta cũng không quên rằng Nghiệp có thể chuyển hóa, tiêu trừ, đoạn diệt do biết hối lỗi, không tái phạm và cố sức thực hành các Nghiệp Vô Vi hay Vô Lậu, cũng chính là Giới Định Tuệ, Tam Vô Lậu Học. Chúng ta đã học được nơi Tăng Bảo, các vị Thất Lai ( Dự Lưu, Tu Đà Hoàn ) do không che dấu tội lỗi, biết sám hối, không tái phạm, nhờ vậy không đọa vào ác đạo. Nếu không thì Đức Phật đã không thuyết giảng Đạo Đế, con đường giải thoát con người khỏi xiềng xích trói buộc của Nghiệp Lực. Xin nhắc lại một câu nói của Đức Phật về Nghiệp: “… này các Tỷ kheo, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.” (Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp)

Theo Kho Tàng Pháp Học của Tỳ Kheo Giác Giới, chúng ta có Nghiệp Đoạn Diệt hay Đoạn Nghiệp (Upaghātakamma), là nghiệp có khả năng phá vỡ hiệu lực trổ quả của nghiệp khác, làm cho nghiệp khác mất hiệu quả. Và Vô Hiệu Nghiệp (Ahosikamma), là nghiệp không còn khả năng trổ quả, tức là sự mất hiệu lực của hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp.

Tuy nhiên nghiệp không dễ dàng tiêu mất như vậy, chúng ta cần có sự tu tập như Phật đã dạy : : Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều”.

Hiểu như vậy để chúng ta không dễ duôi, hết sức thận trọng không tạo nghiệp qua thân khẩu ý. Chắc chắn con người mang trên vai gia tài của nghiệp quá khứ, song đừng quên nơi hiện tại, con người có khả năng và cơ hội để trút bỏ gánh nặng quá khứ do nương vào sự thực hành Đạo Đế. Lại nữa, chúng ta cũng hiểu không chỉ có nghiệp quá khứ quyết định cái hiện tại, cái hiện tại không chỉ là kết quả độc nhất do nghiệp quá khứ tạo ra. Hiểu cho rốt ráo về cái quả của nghiệp vẫn là một điều Bất Khả Tư Nghị như Phật đã dạy. Như vậy để chúng ta không vội vàng đưa ra một kết luận nào khi thấy người ở hiền lại không gặp lành, nhân nào lại không quả nấy, van vái khẩn cầu được toại nguyện mà cũng có thể không toại nguyện.

Con người chúng ta bất an vì nhận ra cõi trần thế là vô thường, những điều bất trắc, bất như ý, hoạn nạn bất ngờ đều có thể xảy ra và chúng ta không thật sự làm chủ được tất cả mọi tình huống, mở mắt thức dậy mới biết mình còn sống và cũng không thể chắc chắn chuyện gì có thể xảy đến, tốt hay xấu, một chút phiền não là động tâm, là tham sân si, là thân khẩu ý có cơ hội tạo nghiệp xấu, đa số chúng ta đều ý thức điều này nên chúng ta cầu an. Cầu an lúc vẫn còn an ổn, không chờ đợi tới lúc gặp nghịch cảnh mới vái khắp tứ phương ! Phật tử chúng ta vẫn thường nguyện :

Nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời thường an lành. Tất cả các thời đều an lành. Nguyện chư Tam Bảo, (Hộ Pháp…) thường ủng hộ.

Qua bài Kinh Châu Báu, chúng ta đã lần lượt học và tìm hiểu về Chư Thiên, về sự việc Cầu An, về Quả báu của sự Bố Thí, Cúng Dường. Tiếp đến, chúng ta học cho rõ nghĩa thêm về hai chữ Đảnh Lễ mà đức Phật đã khuyên trong việc thực hành là Đảnh Lễ và Cúng dường Tam Bảo.

Đảnh Lễ nói đầy đủ là Đầu Đảnh Kính Lễ, tức là đỉnh đầu kính lạy. Một cử chỉ để tỏ lòng tột cùng cung kính đối với Phật Pháp Tăng. Thời Đức Phật đã có tục lệ kính lễ Phật bằng cách cúi thấp đầu đặt trên hai bàn chân của Phật hoặc cúi rạp người với hai bàn ngửa ra để nâng chân Phật. Với người đời, chúng ta chỉ cần cúi đầu, bắt tay hoặc cũng có thể chắp tay xá. Nhưng Đảnh Lễ là năm vóc phải sát đất, hai tay, hai chân và đỉnh đầu đều chạm xuống đất, còn gọi là Ngũ Thể Đầu Địa hay Tiếp Túc Lễ. Đảnh Lễ như vậy mới nói lên được cái lòng tôn kính tột bực của chúng ta đối với Tam Bảo và xả bỏ cái tâm ngạo mạn, chấp Ngã. Khi chúng ta biết buông bỏ cái Tôi, cái Ta không thật này, nhưng gây vô vàn chướng ngại và khổ đau, thì đã là một bước tiến vào con đường Đạo, là đang thực hành Vô Ngã mà Bậc Đạo Sư đã chỉ dạy.

Khi tuyên dương tán thán Tam Bảo là Châu Báu Thù Diệu, xứng đáng cho chư Thiên và loài người Đảnh lễ là Đức Phật đã giúp cơ hội cho chúng ta tu tập, tạo công đức, được hưởng phước báu. Tam Bảo chính là nơi mà chúng sinh cần qui ngưỡng.

Giá trị của Tam Bảo chúng ta đã học cặn kẽ từng phần, ở phần Đúc Kết này chỉ tóm tắt vài điều cần ghi nhớ :

Phật Bảo, phải hiểu là tất cả chư Phật trong ba thời Quá Khứ,  Hiện Tại và Vị Lai, không chỉ nói riêng Đức Phật Thích Ca. Đức Phật, Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, cao quí hơn tất cả các vị Phật Độc Giác vì các vị này không trao truyền Giáo Pháp lại cho chúng sinh để cùng giải thoát. Các vị A La Hán tuy đã giác ngộ giải thoát, chứng Niết Bàn vô sanh, tịch diệt nhưng cũng không thể ngang hàng với Phật, Phật có đầy đủ Mười Hiệu, Mười Lực, Bốn Vô Sở Uý, Bốn Vô Ngại Trí, Mười Tám Pháp Bất Cộng, Đại Từ - Đại Bi…( Xem chi tiết ở phần Phật Bảo ) mà các vị A la Hán không có.

Đảnh Lễ và Cúng Dường Phật Bảo là chúng ta Đảnh Lễ Cúng Dường tất cả chư Phật của ba đời và khắp mười phương thế giới.

Pháp Bảo, là Giáo Pháp, Chánh Pháp đã được Đức Phật Thích Ca giảng dạy, trao truyền từ các đệ tử đầu tiên cho đến Tăng Đoàn khắp toàn cầu, còn tồn tại cho đến ngày nay. Giáo Pháp được tuyên nói với bài Kinh Chuyển Pháp Luân, dạy về Tứ Thánh Đế, tiếp đến là Kinh Vô Ngã Tướng, Duyên Khởi Pháp, Nghiệp, Nhân Quả, Luân Hồi, 37 Phẩm Trợ Đạo, bao hàm đầy đủ các Pháp Ấn như Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn. Là những gì căn bản và chính yếu để theo đó tu tập, là Sự Thật, không ai có thể nói khác, Sự Thật này giúp mở mang trí tuệ, phá màn vô minh, chấm dứt luân hồi sinh tử, chứng đắc Niết Bàn tịch diệt. Sau khi Đức Phật nhập diệt, cho dù có sự phân chia bộ phái, tông phái, không đồng nhất về kinh điển và quan điểm nhưng điểm tựa vững vàng, không sai biệt, không thể xa rời, nền tảng căn bản vẫn là Giới Định Tuệ.

Tăng Bảo, là Tăng Chúng hay Tăng Đoàn, những vị xuất gia cùng một bật Đạo Sư là Đức Phật Thích Ca, cùng thực hành  một Giáo Pháp, cùng đi chung một con đường có Giới, có Định, có Tuệ. Cùng hướng đến một mục đích là giải thoát khổ đau cho chính mình cũng như cho chúng sinh. Như Đức Phật Thích Ca đã truyền trao Giáo Pháp, chỉ dạy con đường mà Ngài đã tự tìm ra và thực hành có hiệu quả. Ngài đã thành Phật nhưng không giữ Giáo Pháp cho riêng mình vì Ngài biết bất cứ ai tu tập theo thì cũng sẽ đạt thành quả như chính mình. Ngài thâu nhận đệ tử, thành lập Tăng Đoàn, và trở lại, Tăng Đoàn tiếp tục công trình mà Ngài đã tạo dựng, loan truyền Chánh Pháp, tự mình tu tập, chứng đắc và dìu dắt những ai còn trong vòng vô minh, chịu khổ sinh tử luân hồi.

Tam Bảo đích thực là Châu Báu Thù Diệu không có gì giá trị hơn trong đời này, đời sau và so với cả Thiên Giới, cũng không thể có gì giá trị hơn. Lời khuyên bảo của Đức Phật qua bài Kinh Châu Báu là chúng sanh, trong đó bao gồm chư Thiên và loài người, tất cả các sanh linh nào có thể hiểu và tu tập Giáo Pháp thì nên Qui Y Tam Bảo, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất, ví như một Nhân, một Duyên đã được gieo, nếu chẳng gieo Nhân, gieo Duyên thì làm gì mà mong có Quả, vậy nương tựa vào Tam Bảo là bước thứ nhất, bước tới nơi bảo đảm nhất, an toàn nhất, vững chắc nhất vì Tam Bảo dẫn dắt chúng sinh ra khỏi con đường bấp bênh, trôi nổi của biển khổ sinh tử luân hồi. Và để cho Tam Bảo có thể trường tồn thì cần hộ trì bằng sự cung kính, tôn trọng, cúng dường vật chất để Tăng Chúng có thể tồn tại, đó là bước thứ hai. Cho dù Phật không còn tại thế, nhưng hình ảnh, tượng Phật cũng có thể thay thế Ngài để nhắc nhở con người không quên Bậc Đạo Sư đã từng xuất hiện trên đời, xứng đáng cho chúng sinh mãi tri ân và báo đáp ân sâu dày bằng sự tự nổ lực tu tập, tuyên dương Chánh Pháp, đây là bước thứ ba cần thực hành. Bản thân mình có thực hành thì mới duy trì Chánh Pháp được trụ thế lâu dài ở đời. Chỉ có Chánh Pháp mới đem lại hạnh phúc an lạc tuyệt đối, vĩnh cữu. Không có Chánh Pháp thì chúng sinh mãi mãi sống trong cái hạnh phúc tương đối, thuộc Pháp Hữu vi, Hữu Lậu, không trường cữu, gây đau khổ, tiếp tục tạo nghiệp, tiếp tục trôi lăn theo luân hồi sinh tử.

Khi nói Kinh Châu Báu, Đức Phật không những đã cứu dân chúng thành Vesali thoát khỏi cái khổ của thế gian tương đối, gián tiếp qua sự kêu gọi chư Thiên hộ trì, mà còn ban bố cho Chánh Pháp, là Pháp Vô Vi, Xuất Thế Gian, là chìa khóa mở cánh cửa của an lạc, hạnh phúc chân thật, tuyệt đối là Niết Bàn tịch diệt. Ban bố Chánh Pháp không chỉ dành cho dân chúng thành Vesali mà tất cả các sanh linh có khả năng nghe và hiểu, để rồi thực hành Chánh Pháp.

Chúng ta đã học, đã hiểu Kinh Châu Báu và phần thực hành là Qui Y Tam Bảo, Hộ Trì Tam Bảo, đồng thời bản thân mình phải nương theo Tam Bảo để tu tập, chính là thực hành Con Đường, Đạo Đế, tuy Con Đường còn rất dài, song nếu chúng ta đã cất bước lên đường thì chắc chắn sẽ đến đích. Chúng ta đã có cái may mắn ra đời vào thời có Phật, cho dù Phật ra đời đã hơn hai nghìn năm trăm năm, có Pháp, vì kinh điển vẫn được lưu giữ, đọc tụng, loan truyền, có Tăng, bậc tu hành có đức hạnh và trí tuệ, đi khắp nơi để giáo hoá, và chúng ta không ở trong Tám Nạn, rơi vào đó thì chẳng biết lúc nào có lối thoát, vậy để báo đáp ân đức cao dày của Tam Bảo không gì hơn là chúng ta phải tinh tấn thực hành Con Đường không mỏi mệt, ngày đêm không xao lãng. Con đường ấy không phải chỉ thực hành cho chính bản thân mình mà là Con đường phụng sự Phật, phụng sự Pháp, phụng sự Tăng và phụng sự cả Chúng Sinh như Hạnh Nguyện của Bồ Tát vậy. Chính Đức Phật cũng là một vị Bồ Tát trước khi thành Phật.

Noi gương Bồ Tát, vì Bồ Tát cũng noi theo lời Phật dạy, chúng ta vẫn thường phát nguyện sau mỗi thời kinh, không phật tử nào không thuộc :

Tự quy y Phật, nên nguyện chúng-sanh, nối thạnh Phật chủng, phát tâm vô-thượng.
Tự quy y Pháp, nên nguyện chúng-sanh, sâu vào kinh tạng, trí-huệ như biển.
Tự quy y Tăng, nên nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, tất cả vô ngại.

Tham khảo thêm : https://thuvienhoasen.org/a529/11-pham-tinh-hanh ( Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tịnh Hạnh, HT Thích Trí Tịnh dịch )

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đức Phật đã nói Kinh Châu Báu và Kinh này vẫn còn được lưu truyền. Chúng ta được đọc tụng ngày hôm nay thì mong rằng Kinh này sẽ còn mãi được lưu truyền lâu xa về sau nữa. Chúng ta được biết có sự hiện hữu của chư Thiên cũng như của toàn thể các sanh linh mà chính Đức Phật đã kêu gọi khởi tâm bi mẫn hộ trì dân chúng thành Vesali và hoan hỉ nghe Pháp. Như vậy trước tai họa của dịch bệnh, thiên tai, giặc giã, đói khát đang đe dọa nhân loại hiện nay, chúng ta hãy thỉnh cầu chư Thiên, các sanh linh khởi lòng bi mẫn mà hộ trì chúng ta. Thỉnh cầu đồng thời phát nguyện tốt lành trở lại Hồi Hướng cho các vị.

Tóm lại, ba bước cho chúng ta và tất cả các Sanh linh cần thực hành sau khi nghe, đọc, tụng kinh Châu Báu là Qui y Tam Bảo, Hộ Trì Tam Bảo và tu tập Chánh Pháp.

Đại dịch Covid 19 đã bùng phát vào đầu năm 2020 và để trấn an tinh thần của phật tử nói chung và Đạo Tràng chúng ta nói riêng, chương trình Học Phật Trong Mùa Đại Dịch đã thực hiện khóa tụng và nghe giảng Kinh Châu Báu, tiếp theo sẽ là Kinh Phổ Môn. Xin hẹn toàn thể Đạo Tràng cùng các độc giả bốn phương vào kỳ học sau.

Nam Mô Phật. Nam Mô Pháp. Nam Mô Tăng. Nguyện cầu Tam Bảo thường gia hộ cho Đạo Tràng chúng ta tinh tấn mãi trên con đường Học, Hiểu và Hành Chánh Pháp.

Tất cả Đạo Tràng chúng con thành kính tri ân Thượng Tọa Trụ Trì Trúc Lâm Thiền Viện Paris, đã tụng và giảng giải Kinh Châu Báu cho chúng con.

Nguyện đem công đức này Hồi Hướng hết thảy chư Thiên, Long, Bát Bộ, Hộ Pháp Thần Vương, nhứt thiết Thiện Thần, cùng tất cả chúng sinh, đồng thành Phật Đạo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhật Duyệt LKTH

 

 *************************

 

* Bài liên quan:

Bài 1: Học Phật Trong Mùa Đại Dịch

Bài 2: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 3: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 4: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu
Bài 5: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu

Bài 6: Học, Hiểu và Hành Kinh Châu Báu



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2016(Xem: 13525)
Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp
01/03/2016(Xem: 13712)
Thầy Tuệ Sỹ là một vị danh Tăng, một thạch trụ già lam, vị tu sĩ uyên bác mà cả hàng triệu người trên thế giới biết đến. Hồn thơ và sắc thái của Tuệ Sỹ vốn thanh tao và giải thoát, vốn lai láng và cao siêu—đã và đang làm nhiều người say mê, học hỏi và thả hồn mình trong nguồn suối từ miên viễn này.
24/02/2016(Xem: 13985)
Bình Định Quê Hương Tôi
01/02/2016(Xem: 22315)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 51 , tháng 2 năm 2016, • THƯ TÒA SOẠN, trang 2 • NGÀY XUÂN - LỄ PHẬT ĐẦU NĂM (Nguyên Siêu), trang 3 • HUYỀN NGHI, ÂM HƯỞNG, HOÀI CẢM (thơ Phù Du), trang 4 • Ý NIỆM VỀ MÙA XUÂN DI LẶC (Tuệ Như), trang 5 • TRÀ KHUYA & TRĂNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 6 • ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN HÁI LỘC (Pháp Hỷ), trang 7 • ĐẦU XUÂN KÍNH NGUYỆN (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 • MÙA XUÂN HOA NGHIÊM (Nguyễn Thế Đăng), trang 9 • BẢN HOÀI CỦA TU SĨ (Ns. Thích Nữ Trí Hải), trang 11 • BIỂN VÀ THƠ (thơ Minh Lương), trang 12 • SÁU PHÁP MÔN MẦU NHIỆM (Thích Thái Hòa), trang 13
22/01/2016(Xem: 5402)
Trong lịch sử văn hóa TQ (Trung Quốc), phải công nhận là các học giả Hán xưa kia rất chịu khó viết lách và đã để lại nhiều tài liệu phong phú cho hậu thế. Tuy nhiên, các chủ đề được ghi nhận qua chữ Hán không có nghĩ là chúng có xuất xứ từ TQ, mà đa số từ quá trình giao lưu văn hóa ngôn ngữ theo dòng thời gian - càng lâu bao nhiêu thì lại càng khó truy nguyên và xác định nguồn bấy nhiêu.
09/01/2016(Xem: 14593)
Thiên nhân hỏi: - Thanh kiếm nào sắc bén nhất? Chất độc nào tàn hại nhất? Ngọn lửa nào dữ dội nhất? Bóng đêm nào đen tối nhất? - Đức Phật trả lời: Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất.
27/12/2015(Xem: 11565)
Có chàng lãng tử lưu lạc giang hồ từ thuở thiếu thời, bỗng một hôm nghe hung tin người cha già rời bỏ trần gian, lòng bồi hồi nhớ đến lời dặn dò năm xưa của cha, lời rằng, “Dù vui, buồn giữ mãi cái tâm trong.” Chàng lãng tử đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, một trong mười nhà thơ -- gồm Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thanh Huy, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn, và Tuệ Lạc -- có mặt trong tuyển tập thơ Tâm Trong vừa mới được nhà sách lớn nhất thế giới Amazon phát hành vào trung tuần tháng 12 năm 2015.
22/12/2015(Xem: 3771)
Năm cũ của nhân loại được khép lại với nhiều xáo trộn, bất ổn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của mỗi quốc gia, và cộng đồng quốc tế, của mỗi dân tộc và từng cá thể. Nơi nầy nơi kia, chiến tranh, khủng bố, độc tài, kỳ thị, áp bức, bất công… vẫn tiếp tục gieo rắc sự chết chóc, tù đày, bất an và sợ hãi. Khổ đau của con người có khi dâng cao cùng tận, đến độ có thể đẩy xô hàng trăm nghìn, cho đến hàng triệu người phải gạt lệ rời bỏ quê hương, hoặc chối bỏ quyền làm công dân bình thường trên chính đất nước của mình.
18/12/2015(Xem: 7121)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
17/12/2015(Xem: 13233)
Trong mùa tu gieo duyên năm nay tại chùa Viên Giác Hannover bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 7 năm 2015, có chừng 50 đến 70 Phật Tử tại gia khắp nơi về tham dự. Có người tu liên tục trong 10 ngày, nhưng cũng có người chỉ tham gia trong 5 ngày miên mật cuối cùng, dưới sự hướng dẫn của Thầy Hạnh Giới, Trụ Trì chùa Viên Giác. Đạo Hữu Thông Giác là một Phật Tử tại gia đến từ Neuss, có mang theo một quyển sách thật dày của Thiền Sư Nhất Hạnh do Nắng Mới tại Đức xuất bản tặng cho tôi. Tôi thấy sách dày thì không ngán, nhưng chỉ ngán là không có thời gian. Vì lẽ, tôi hay đọc Đại Tạng Kinh, có quyển dày đến hơn 1.000 trang cũng chẳng có sao cả. Rồi tôi cứ để mặc đó, nhưng kỳ nầy trước khi đi Chicago Hoa Kỳ tham dự lễ tang của Thầy Hạnh Tuấn và đi Ấn Độ, mỗi nơi chỉ có 3 ngày và tôi lợi dụng thời gian ngồi trên máy bay hay thời gian chờ đợi ở phi trường để đọc cho xong tác phẩm nầy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]