Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tần Phụ Ngâm (Việt dịch và diễn thơ)

01/04/202222:24(Xem: 8610)
Tần Phụ Ngâm (Việt dịch và diễn thơ)

tan phu ngam

TẦN PHỤ NGÂM

Việt dịch và diễn thơ

 

 

            Nếu có những khúc ngâm đoạn trường trong văn học thi ca làm cho người đọc qua nhiều thế hệ trải mấy nghìn năm vẫn còn cảm xúc đòi đoạn thì Chinh Phụ NgâmCung Oán Ngâm Khúc là hai khúc ngâm tiêu biểu trong văn chương Việt Nam; cũng như Trường Hận Ca, Tam Lại Tam BiệtTần Phụ Ngâm được xem là “tam bi hùng ký” trong văn chương Trung Quốc thời Hậu Đường.

            Người Việt yêu thi ca thường ưa chuộng dư âm cùng ý vị lãng mạn và bi tráng giàu kịch tính hơn là vẻ bi phẫn và hùng tráng của hiện thực máu xương trong thi ca đượm mùi chinh chiến. Tâm lý nghệ sĩ nầy giúp lý giải một phần câu hỏi còn nằm trong góc khuất văn học là tại sao cho đến nay, hơn cả nghìn năm sau, tác phẩm Tần Phụ Ngâm vẫn chưa có người dịch ra tiếng Việt.

Tần Phụ Ngâm là một bài thơ trường thiên thuộc loại tự sự, do Vi Trang – thời mạt Đường Ngũ đại (923 - 936) – sáng tác.

Bài thơ này là một trường ca với 186 câu nguyên tác và hơn 300 câu Việt dịch mang nội dung tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh. Bản trường ca mượn lời của một thiếu phụ lánh nạn chiến tranh, thuật lại hình ảnh xã hội loạn lạc, tâm lý hãi hùng và cảm xúc uất nghẹn trong thời kỳ giặc Hoàng Sào nổi lên chiếm đóng Trường An vào cuối đời Đường. Bài thơ là một bản cáo trạng tội ác chiến tranh trên thân phận chìm nổi, rách nát tang thương của người dân vô tội.

Toàn bộ bài thơ là một khúc ngâm dài đầy bi phẫn. Trong đó, muôn vàn tình tiết mang nhiều sắc thái lúc dậy sóng, lúc yếu mềm; khi phẫn hận, khi bi thương… tất cả đều được diễn đạt khúc chiết, phong phú với kết cấu chặt chẽ vừa lý, vừa sự. Ngôn ngữ thi ca trong tác phẩm trôi chảy, trau chuốt. Cả hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật đều đạt đến cao độ nên đã được các nhà phê bình văn học thời danh công nhận là một “tòa bia ký” trong khuynh hướng thi ca tự sự thời cổ.

 Nguyên văn đã được người xưa ghi trong phần nhận định cuối bài ca rằng:

Qua Tần Phụ Ngâm, Vi Trang đã được giới tài tử văn chương đương thời xưng danh đầy tao nhã là “Tần Phụ Ngâm Tú Tài”. Người đời sau đem bài thơ này cùng với bài nhạc phủ đời Hán “Khổng Tước Đông Nam Phi”, nhạc phủ đời Bắc Triều “Mộc Lan Từ” coi ngang bằng nhau gọi là “Nhạc Phủ Tam Tuyệt”. Cũng có người công nhận bài thơ này của Vi Trang là kế tiếp bài Tam Lại Tam Biệt của Đỗ Phủ và Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, là Tòa Bia Ký Thứ Ba trong khuynh hướng thơ tự sự thời Hậu Đường. Nhưng Tần Phụ Ngâm đã bị bít kín giữa hai khuynh hướng nghịch chiều vì bài thơ nói về khổ nạn giặc Hoàng Sào. Trong khi các triều đại vua chúa thì cho Hoàng Sào là tướng cướp; nhưng phía nghịch lại thì cho Hoàng Sào là một thủ lãnh của phong trào nông dân bị áp bức vùng lên. Tả hữu bất phân, Tần Phụ Ngâm vắng bóng…

Lần đầu, Tần Phụ Ngâm đã được nhà thơ Hạt Cát, dịch giả Bạch Vân (Cát vàng và Mây Trắng là cùng một người) chuyển ngữ gồm cả dịch âm, dịch nghĩa và dịch thơ theo thể song thất lục bát từ nguyên tác chữ Hán truyền thống dạng phồn thể sang tiếng Việt thuần túy. Cả nghìn năm im lặng, tiếng thơ thiên cổ vọng lên có lẽ không phải bất ngờ mà rất có thể do niềm cảm thông sâu xa và nỗi xúc động vừa dấy lên của cuộc chiến tranh phi lý vừa xảy ra và đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine khi những dòng này đang gõ trên bàn phím.

Nhà thơ Hạt Cát, dịch giả Bạch Vân là một hiện tượng văn học nghệ thuật lạ lùng và quý hiếm của người Việt Nam cả trong và ngoài nước ở thế hệ nầy. Không xuất thân từ một học viện đào tạo ngôn ngữ chuyên biệt nào cả nhưng Hạt Cát đã làm thơ – thơ thuần Hán tự phồn thể – với thi tứ tài hoa.

Tác phẩm thơ Bạch Vân Vô Sở Trú – Mây Trắng Thong Dong được xuất bản năm 2016 tại Philadelphia, Hoa Kỳ đã làm giới văn bút xôn xao, nhất là đối với người có sở kiến về chữ Hán. Nhà văn, nhà nghiên cứu Hán Việt Nguyễn Đức Cung đã nhận định:

“Nếu nói rằng tập thơ chữ Hán “Bạch Vân Vô Sở Trú” dịch tiếng Việt “Mây Trắng Thong Dong” của nhà thơ Hạt Cát xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam ở Hải Ngọai là một hiện tượng độc đáo và quý hiếm thì điều đó quả thật không có gì là ngoa. Độc đáo vì nó là một thi tập gồm 125 bài thơ viết bằng chữ Hán theo lối chữ phồn thể được dùng tại Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và trong các tác phẩm cổ của nền văn học Việt Nam (…)  Toàn bộ các bài thơ đã được (chính tác giả) dịch ra lời thơ bằng tiếng Việt với ngôn từ trau chuốt, bóng bảy, nhẹ nhàng, thanh thoát…”

Trong hội thoại với các bạn thơ, khi nói về nguyên do từ đâu một người thuộc thế hệ tương đối trẻ như Bạch Vân lại có khả năng và tài năng làm thơ chữ Hán được như vậy, Hạt Cát - Bạch Vân trả lời:

“Có lẽ từ suối nguồn Phật giáo…”  và tiếp lời: “Nếu nói bắt đầu học chữ Hán khi nào thì em phải nói là có liên hệ với Phật giáo đấy. Cho nên em nghĩ kiếp trước chắc em là tu sĩ nào đó, nhận cúng dường của bá tánh mà không lo, chỉ lo làm thơ, nên kiếp này… trả! Số là hồi nhỏ, trong nhà có kinh Phật , trong số kinh có quyển Quy Nguyên Trực Chỉ bằng Hán tự nhưng có phiên âm và dịch nghĩa tiếng Việt, lúc ấy em đang học khoảng lớp Nhất (5)  muốn biết tên mình viết theo chữ Hán ra sao, bèn học chữ Hán từ quyển kinh, sau đó bắt gặp văn Hán Việt ở đâu là cắm cổ tìm hiểu…” Và điều đáng ngạc nhiên đáng phục hơn nữa là Hạt Cát bắt đầu làm thơ chữ Hán sau khi qua Mỹ: “Thật ra thì em làm thơ lúc mới qua Mỹ; thập niên 80 gửi thơ cho tạp chí Việt Nam Hải Ngoại đăng cũng khá nhiều nhưng dạo đó em chưa nghĩ đến làm thơ tiếng Hán cho tới khoảng 1985 mới bắt đầu.”

Thử đọc một bài thơ trong hàng trăm bài thơ của người tuổi trẻ Hạt Cát làm thơ chữ Hán với hơi hướm như lão thiền sư và tự dịch âm, dịch thơ như một thi nhân lãng tử.

Nguyên tác:

 

晚夜闻風

燃深夜臘觀星墜,

鼓墓心經誦數行,

 忽闻風月催敲動,

 笑聲誰起冷茫茫!

放經不覺回頭望,

大地山河突變虛,

 禅尼襟衩雲飄拂,

人已空兮有没予?

 

Dịch âm

Vãn Dạ Văn Phong

 

            Nhiên thâm dạ lạp quan tinh trụy,

            Cổ mộ tâm kinh tụng sổ hàng,

            Hốt văn phong nguyệt thôi xao động,

            Tiếu thanh thuỳ khởi lãnh mang mang!

            Phóng kinh bất giác hồi đầu vọng,

            Đại địa sơn hà đột biến hư,

            Thiền ni khâm xái vân phiêu phất,

            Nhân dĩ không hề hữu một dư ?

 

Dịch thơ

            Ngồi Khuya Nghe Gió

 

            Ngồi khuya thắp nến canh sao rụng,

            Gõ mộ, tâm kinh đọc mấy hàng,

            Bỗng nghe trăng gió khua lồng lộng,

            Ai cười vang vọng lạnh mênh mang.

            Buông kinh bất giác quay đầu lại,

Đại địa sơn hà chợt rỗng rang.

Tà áo thiền ni mây phất phới,

            Người đã không rồi, ta có chăng?

 

Trong sinh hoạt văn học Việt Nam thời cận và hiện đại, khi nói đến nghệ thuật dịch thơ Hán - Việt, những tên tuổi thành danh như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng San… đã nổi bật giữa dòng chuyển ngữ. Với dịch giả tài năng, dịch thuật không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ mà còn góp phần thắp sáng nội dung, thăng hoa tư tưởng của nguyên tác. Từ xưa, giới văn bút phương Tây đã dấy lên nỗi hoài nghi về vai trò dịch thuật khi đặt vấn đề “dịch là phản” – traduirec'est trahir (?!) – nhưng thế giới văn học của nhân loại càng ngày càng mở rộng tầm nhìn và phương tiện chuyển tải ngôn ngữ thành một thể “toàn cầu hóa” (globalization) để cả hành tinh nầy thành một “làng địa cầu” (global village) mà lịch sử ba năm Đại Dịch Covid-19 với nỗi lo chung đã chứng minh điều đó.

            Trong dòng văn bút và chuyển ngữ trôi chảy đủ vẻ trong - đục, đủ mùi thanh - tục… , đặc biệt là thời nay, máy dịch các hệ thống ngôn ngữ thế giới đang được ứng dụng toàn cầu thì sự chuyển ngữ đang thành “thông tục hóa” mà tiêu chuẩn “hiểu ý” được coi trọng hơn là “đẹp lời”, nên ngôn ngữ dịch thuật càng ngày càng bị tính thực dụng làm mờ đi vẻ quý phái và trang nhã của ngôn từ nguyên bản. Tuy thế, phần tinh túy của văn chương và nghệ thuật luôn luôn có sự tách biệt gần như tự nhiên; nghĩa là những giá trị tài hoa và tinh túy của nghệ thuật vẫn đời đời tỏa sáng. Hơn 300 năm trước, lời bản dịch Chinh Phụ Ngâm đến bây giờ vẫn còn là phong quang hoa gấm. Mở đầu cho bài ca người vợ có chồng đi chinh chiến phương xa, mới hai câu đầu trong 412 câu của khúc ngâm đã chinh phục và cuốn hút lòng người mà tác động mạnh nhất chính là lời dịch thuần Việt lột tả được hết vẻ bi tráng chiến chinh và thân phận làm người.        

Từ  nguyên tác của Đặng Trần Côn:

 

“Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân?”

 

mà dịch giả Phan Huy Ích – Đoàn Thị Điểm dịch là:

 

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.

 Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

 Xanh kia thăm thẳm tầng trên

            Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…”

 

 thì dịch là sáng tạo, là tái tạo làm thăng hoa ngôn ngữ và nội dung của nguyên tác chứ có đâu bóng dáng của khái niệm “phản” về cả hai mặt chữ nghĩa lẫn tâm tình!

Đâu đó hôm nay, phong cảnh đìu hiu trên đường thiên lý trong nguyên tác Tần Phụ Ca của Vi Trang hơn nghìn năm trước đang bắt gặp nguồn thấu cảm của Hạt Cát - Bạch Vân hơn nghìn năm sau.

Từ nguyên tác của Vi Trang:

東西南北路人絕

綠楊悄悄香塵滅

Đông tây nam bắc lộ nhân tuyệt,

lục dương tiễu tiễu hương trần diệt.

 

Hạt Cát - Bạch Vân đã dịch:

 

Trên đường đi Đông Tây Nam Bắc,

Nhìn trước sau lặng ngắt bóng người,

Hàng dương xanh thẳm mây trời,

Âm thầm cát bụi ngậm ngùi đường xa.

           

            Chuyển ngữ và diễn ý đạt đến được như thế quả là… hảo dịch giả!

            Hạt Cát - Bạch Vân đã dịch Tần Phụ Ngâm theo thể thơ song thất lục bát. Đây là thể thơ đặc thù của Việt Nam xuất phát từ âm điệu ca dao êm đềm lục bát dân tộc kèm với tiếng nhấn đĩnh đạc của hai câu bảy chữ dạo đầu. Dịch giả đã “biến tấu” khúc ngâm Tần Phụ thành 372 câu thơ lục bát sau khi đã gẫm đọc nguyên tác bằng chữ Hán, rồi tuần tự dịch âm ra tiếng Hán Việt, chuyển nghĩa ra tiếng thuần Việt và diễn đạt thành thơ Việt thấm đẫm lòng người.

            Người xưa có nói, văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ. Có lẽ phải thêm ý nữa cho tiến trình chuyển tải, thưởng ngoạn và dịch thuật văn chương là muốn đọc, dịch và thưởng thức tác phẩm văn chương bất hủ cho trọn vẹn thì cũng cần có cảm xúc tương tự, nếu không ngang thì cũng đồng cảm, chung tầm “huyết lệ” với tác giả.

            Sự khen tặng nhiệt tình đối với người cầm bút, không gì quý hơn bằng đọc, chiêm nghiệm và chia sẻ.

            Mời những tấm lòng yêu văn học nghệ thuật – phi thời gian và phi không gian –  ngâm khúc Tần Phụ qua phần dịch giải trong sáng, công phu và tài hoa của một nữ sĩ cầm bút khiêm cung với bút hiệu Hạt Cát và một tâm hồn mây trắng thong dong với tác phẩm thi ca Bạch Vân Vô Sở Trú.

            Mọi người thường có thể khác nhau về hình tướng, nhưng sẽ hiếm khác nhau về tiếng khóc và nụ cười.                                                   

 

                                 Sacramento, tuần đầu Xuân 2022

                               Trần Kiêm Đoàn  

 

***

 

TẦN PHỤ NGÂM

Nguyên tác: Vi Trang

Dịch: Hạt Cát - Bạch Vân

 

 

 

秦婦吟

唐代〕

1.中和癸卯春三月,洛陽城外花如雪。Trung hoà quý mão xuân tam nguyệt, lạc dương thành ngoại hoa như tuyết.
2.東西南北路人絕,綠楊悄悄香塵滅。Đông tây nam bắc lộ nhân tuyệt,

lục dương tiễu tiễu hương trần diệt.
3.路旁忽見如花人,獨向綠楊陰下歇。L bàng hốt kiến như hoa nhân,

độc hướng lục dương âm h tiết.
鳳側鸞欹鬢腳斜,紅攢黛斂眉心折。

Phượng trắc loan y mấn cước tà,

hồng toàn đại liễm my tâm chiết.
4.借問女郎何處來?含顰欲語聲先咽。 vấn nữ lang hà x lai?

Hàm tần dục ngữ thanh tiên yết.

5.回頭斂袂謝行人,喪亂漂淪何堪說!Hồi đầu liễm mệ tạ hành nhân,

táng loạn phiêu luân kham thuyết!
6.三年陷賊留秦地,依稀記得秦中事。Tam niên hãm tặc lưu Tần địa,

y hy đắc tần trung sự.
7.君能為妾解金鞍,妾亦與君停玉趾。Quân năng vị thiếp giải kim yên,

thiếp diệc dữ quân đình ngọc chỉ.
8.前年庚子臘月五,正閉金籠教鸚鵡。Tiền niên Canh lạp nguyệt ngũ,

chính bế kim lung giáo anh vũ.
9.斜開鸞鏡懶梳頭,閑憑雕欄慵不語。 khai loan kính lãn đầu,

nhàn bằng điêu lan dung bất ngữ.20
10.忽看門外起紅塵,已見街中擂金鼓。Hốt khán môn ngoại khởi hồng trần, kiến nhai trung lôi kim cổ.
11.居人走出半倉惶,朝士歸來尚疑誤。 nhân tẩu xuất bán thảng hoàng,

triêu quy lai thượng nghi ngộ.

12.是時西面官軍入,擬向潼關為警急。Th thì tây diện quan quân nhập,

nghĩ ớng Đồng Quan vi cảnh cấp.

13.皆言博野自相持,盡道賊軍來未及。Giai ngôn Bác t tương trì,

tận đạo tặc quân lai v cập.
須臾主父乘奔至,下馬入門痴似醉。

14.Tu du ch phụ thừa bôn chí,

h mã nhập môn si t tuý.

適逢紫蓋去蒙塵,已見白旗來匝地。

15.Thích phùng t cái kh mông trần,

kiến bạch kỳ lai tạp địa.
16.扶羸攜幼競相呼,上屋緣牆不知次。Phù luy hu ấu cạnh tương hô,

thượng ốc duyên ờng bất tri thứ.

17.南鄰走入北鄰藏,東鄰走向西鄰避。Nam lân tẩu nhập bắc lân tàng,

đông lân tẩu hướng tây lân tỵ.
18.北鄰諸婦咸相湊,戶外崩騰如走獸。Bắc lân chư ph hàm tương thấu,

h ngoại băng đằng như tẩu thú.
轟轟昆昆乾坤動,萬馬雷聲從地涌。

19.Oanh oanh côn côn càn khôn động,

vạn mã lôi thanh tùng địa dũng.

20.火迸金星上九天,十二官街煙烘烔。Ho bính kim tinh thượng cửu thiên, thập nhị quan nhai yên hồng đồng.
21.日輪西下寒光白,上帝無言空脈脈。Nhật luân tây h hàn quang bạch,

thượng đế vô ngôn không mạch mạch.
22.陰云暈氣若重圍,宦者流星如血色。Âm vân vựng khí nhược trùng vi,

Hoạn giả lưu tinh như huyết sắc.
23.紫氣潛隨帝座移,妖光暗射台星拆。T khí tiềm tuỳ đế toạ di,

yêu quang ám x đài tinh sách.

24.家家流血如泉沸,處處冤聲聲動地。Gia gia lưu huyết như tuyền phí,

x xứ oan thanh thanh động địa.
25.舞伎歌姬儘暗捐, k ca tần ám quyên,

26.嬰兒稚女皆生棄。 anh nhi trĩ n giai sinh khí.
27.東鄰有女眉新畫,傾國傾城不知價。Đông lân hữu nữ my tân hoạch,

khuynh quốc khuynh thành bất tri giá.
28.長戈擁得上戎車,回首香閨淚盈把。Trường qua ủng đắc thượng nhung xa, hồi thủ hương khuê l doanh bả.
29.旋抽金線學縫旗,才上雕鞍教走馬。Toàn trừu kim tuyến học phùng kỳ,

tài thượng điêu yên giáo tẩu mã.
30.有時馬上見良人,不敢回眸空淚下;Hữu thì thượng kiến lương nhân, bất cảm hồi mâu không l hạ;
31.西鄰有女真仙子,一寸橫波剪秋水。Tây lân hữu nữ chân tiên tử,

nhất thốn hoành ba tiễn thu thuỷ.妝成只對鏡中春,年幼不知門外事。Trang thành ch đối kính trung xuân, niên ấu bất tri môn ngoại sự.
32.一夫跳躍上金階,斜袒半肩欲相恥。

Nhất phu khiêu ợc thượng kim giai,

đản bán kiên dục tương sỉ.
33.牽衣不肯出朱門,紅粉香脂刀下死。

Khiên y bất khẳng xuất châu môn,

hồng phấn hương chi đao hạ tử.
34.南鄰有女不記姓,昨日良媒新納聘。Nam lân hữu nữ bất ký tính,

tạc nhật lương môi tân nạp sính.

琉璃階上不聞行,翡翠簾間空見影。

35.Lưu ly giai thượng bất văn hành,

phí thuý liêm gian không kiến ảnh.
忽看庭際刀刃鳴,身首支離在俄頃。

Hốt khán đình tế đao nhận minh,

thân th chi ly tại nga khoảnh.
36.仰天掩面哭一聲,女弟女兄同入井;Ngưỡng thiên yểm diện khốc nhất thanh, nữ đệ nữ huynh đồng nhập tỉnh;
37.北鄰少婦行相促,旋拆云鬟拭眉綠。Bắc lân thiếu ph hành tương xúc,

toàn sách vân hoàn thức my lục.
38.已聞擊托壞高門,不覺攀緣上重屋。

văn kích thác hoại cao môn,

bất giác phan duyên thượng trùng ốc.
須臾四面火光來,欲下回梯梯又摧。

Tu du t diện hoả quang lai,

dục hạ hồi thê thê hựu tồi.
39.煙中大叫猶求救,梁上懸屍已作灰。Yên trung đại khiếu do cầu cứu,

lương thượng huyền thi tác hôi.
40.妾身幸得全刀鋸,不敢踟躕久回顧。Thiếp thân hạnh đắc toàn đao cứ,

bất cảm trì trù cửu hồi cố.

旋梳蟬鬢逐軍行,強展蛾眉出門去。

Toàn thiền mấn trục quân hành,

ờng triển nga my xuất môn khứ.
41.舊里從茲不得歸,六親自此無尋處。Cựu lý tùng bất đắc quy,

lục thân t thử vô tầm xứ.

42.一從陷賊經三載,終日驚憂心膽碎。Nhất tùng hãm tặc kinh tam tải,

chung nhật kinh ưu tâm đảm toái.
43.夜卧千重劍戟圍,朝餐一味人肝膾。D ngoạ thiên trùng kiếm kích vi,

triêu xan nhất vị nhân can khoái.
鴛幃縱入豈成歡?寶貨雖多非所愛。

44. Uyên vi túng nhập khởi thành hoan?

Bảo hoá tuy đa phi s ái.
45.蓬頭垢面眉猶赤,幾轉橫波看不得。Bồng đầu cấu diện my do xích,

k chuyển hoành ba khán bất đắc.
46.衣裳顛倒語言異,面上誇功雕作字。Y thường điên đảo ngữ ngôn dị,

 diện thượng khoa công điêu tác tự.
47.柏台多士是狐精,蘭省諸郎皆鼠魅。Bách đài đa th hồ tinh,

 lan tỉnh chư lang giai thử mị.
還將短發戴華簪,不脫朝衣纏繡被。

Hoàn tương đoản phát đới hoa trâm,

bất thoát triều y triền tú bị.

48.翻持象笏作三公,倒佩金魚為兩史。Phiên trì ợng hốt tác tam công,

đảo bội kim ngư vi lưỡng sử.
朝聞奏對入朝堂,暮見喧呼來酒市。

Triêu văn tấu đối nhập triêu đường,

m kiến huyên lai tửu thị.
49.一朝五鼓人驚起,叫嘯喧呼如竊語。Nhất triêu ngũ c nhân kinh khởi,

 khiếu khiếu huyên như thiết ngữ.
夜來探馬入皇城,昨日官軍收赤水。

50. D lai thám nhập hoàng thành,

tạc nhật quan quân thu Xích Thuỷ.
赤水去城一百里,朝若來兮暮應至。

Xích Thu khứ thành nhất bách lý,

triêu nhược lai hề mộ ưng chí.
51.凶徒馬上暗吞聲,女伴閨中潛生喜。Hung đ mã thượng ám thôn thanh,n bạn khuê trung tiềm sinh hỷ

皆言冤憤此時銷,必謂妖徒今日死。

Giai ngôn oan phẫn thử thì tiêu,

tất vị yêu đ kim nhật tử.

逡巡走馬傳聲急,又道官軍全陣入。

52.Thuân tuần tẩu mã truyền thanh cấp,

hựu đạo quan quân toàn trận nhập.

大彭小彭相顧憂,二郎四郎抱鞍泣。

Đại bành tiểu bành tương c ưu,

Nh lang Tứ lang bão yên khấp.
沉沉數日無消息,必謂軍前已銜璧。

53. Trầm trầm sổ nhật vô tiêu tức,

tất vị quân tiền hàm bích.
簸旗掉劍卻來歸,又道官軍悉敗績。

k điệu kiếm khước lai quy,

 hựu đạo quan quân tất bại tích.

四面從茲多厄束,一斗黃金一升粟。

54. T diện tùng đa ách thúc,

nhất đẩu hoàng kim nhất thăng túc.
尚讓廚中食木皮,黃巢機上刲人肉。

55. Thượng Nhượng trù trung thực mộc bì, Hoàng Sào thượng khuê nhân nhục.
56.東南斷絕無糧道,溝壑漸平人漸少。Đông nam đoạn tuyệt vô lương đạo, câu hác tiệm bình nhân tiệm thiểu.
57.六軍門外倚僵屍,七架營中填餓殍。Lục quân môn ngoại cương thi,

thất giá dinh trung điền ngạ biễu.
58.長安寂寂今何有?廢市荒街麥苗秀。Trường An tịch tịch kim hà hữu?

Phế thị hoang nhai mạch miêu tú.
59.埰樵斫儘杏園花,修寨誅殘禦溝柳。Thái tiều chước tận Hạnh Viên hoa, tu trại tru tàn Ng Câu liễu.
華軒繡轂皆銷散,甲第朱門無一半。

Hoa hiên cốc giai tiêu tán,

giáp đ châu môn nhất bán.
60.含元殿上狐兔行,花萼樓前荊棘滿。Hàm Nguyên Điện thượng hồ thố hành, Hoa Ngạc Lâu tiền kinh cức mãn.
昔時繁盛皆埋沒,舉目凄涼無故物。

Tích thì phồn thịnh giai mai một,

c mục thê lương c vật.
61.內庫燒為錦繡灰,天街踏儘公卿骨!Nội khố thiêu vi cẩm tú hôi,

thiên nhai đạp tận công khanh cốt!

62.來時曉出城東陌,城外風煙如塞色。Lai thì hiểu xuất thành đông mạch,

thành ngoại phong yên như tái sắc.

63.路旁時見遊奕軍,坡下寂無迎送客。L bàng thì kiến du dịch quân,

pha h tịch vô nghinh tống khách.
霸陵東望人煙絕,樹鎖驪山金翠滅。

Lăng đông vọng nhân yên tuyệt,

th toả Ly Sơn kim thuý diệt.
64.大道俱成棘子林,行人夜宿牆匡月。Đại đạo câu thành cức tử lâm,

hành nhân d túc ờng khuông nguyệt.

65.明朝曉至三峰路,百萬人家無一戶。Minh triêu hiểu chí Tam Phong lộ,

bách vạn nhân gia nhất hộ.
破落田園但有蒿,摧殘竹樹皆無主。

Phá lạc điền viên đãn hữu hao,

tồi tàn trúc th giai vô chủ.
66. 路旁試問金天神,金天無語愁於人。L bàng thí vấn Kim Thiên Thần,

Kim Thiên ng sầu vu nhân.

67.廟前古柏有殘枿,殿上金爐生暗塵。Miếu tiền cổ bách hữu tàn nghiệt,

điện thượng kim lô sinh ám trần.
68.一從狂寇陷中國,天地晦冥風雨黑。Nhất tùng cuồng khấu hãm trung quốc, thiên địa hối minh phong hắc.
案前神水咒不成,壁上陰兵驅不得。

Án tiền thần thuỷ chú bất thành,

bích thượng âm binh khu bất đắc.
69. 閑日徒歆奠饗恩,危時不助神通力。Nhàn nhật đồ hâm điện hưởng ân,

nguy thì bất trợ thần thông lực.
我今愧恧拙為神,且向山中深避匿。

Ngã kim quý nục chuyết vi thần,

th hướng sơn trung thâm t nặc.

70.寰中簫管不曾聞,筵上犧牲無處覓。Hoàn trung tiêu quản bất tằng văn,

diên thượng hy sinh vô x mịch.
旋教魘鬼傍鄉村,誅剝生靈過朝夕。

Toàn giáo yểm quỷ bàng hương thôn,

tru bác sinh linh quá triêu tịch.
71.妾聞此語愁更愁,天遣時災非自由。Thiếp văn thử ngữ sầu canh sầu, thiên khiển thì tai phi t do.
72.神在山中猶避難,何須責望東諸侯!Thần tại sơn trung do tỵ nan,

tu trách vọng Đông chư hầu!

前年又出楊震關,舉頭云際見荊山。

73.Tiền niên hựu xuất Dương Chấn Quan, cử đầu vân tế kiến Kinh sơn.

如從地府到人間,頓覺時清天地閑。

Như tùng địa phủ đáo nhân gian,

đốn giác thì thanh thiên địa nhàn.

74.陝州主帥忠且貞,不動乾戈唯守城。Thiểm Châu ch suý trung th trinh, bất động can qua duy thủ thành.
蒲津主帥能戢兵,千里晏然無犬聲。

B Tân ch suý năng tập binh, thiên yến nhiên khuyển thanh.
75.朝攜寶貨無人問,暮插金釵唯獨行。Triêu hu bảo hoá nhân vấn,

m sáp kim thoa duy độc hành.

76.明朝又過新安東,路上乞漿逢一翁。Minh triêu hựu quá Tân An đông,

l thượng khất tương phùng nhất ông.

77.蒼蒼面帶苔蘚色,隱隱身藏蓬荻中。Thương thương diện đới đài tiển sắc, ẩn ẩn thân tàng bồng địch trung.
問翁本是何鄉曲?底事寒天霜露宿?

Vấn ông bản thị hà hương khúc?

Đ sự hàn thiên sương l túc?
78.老翁暫起欲陳辭,卻坐支頤仰天哭。Lão ông tạm khởi dục trần từ,

khước toạ chi di ngưỡng thiên khốc.
79.鄉園本貫東畿縣,歲歲耕桑臨近甸。Hương Viên bản quán Đông K huyện, tuế tuế canh tang lâm cận điện.
歲種良田二百廛,Tuế chủng lương điền nhị bách triền,

80. 年輸戶稅三千萬。niên thâu h thuế tam thiên vạn.

小姑慣織褐絁袍,中婦能炊紅黍飯。

Tiểu cô quán chức hạt thi bào,

trung ph năng xuy hồng thử phạn.
81.千間倉兮萬絲箱,黃巢過後猶殘半。Thiên gian thảng hề vạn ti tương,

Hoàng Sào quá hậu do tàn bán.
82. 自從洛下屯師旅,日夜巡兵入村塢。T tùng Lạc hạ đồn lữ,

nhật dạ tuần binh nhập thôn ổ.
匣中秋水拔青蛇,旗上高風吹白虎。

Hạp trung thu thuỷ bạt thanh xà,

k thượng cao phong xuy bạch hổ.
83.入門下馬若旋風,罄室傾囊如卷土。Nhập môn h mã nhược toàn phong, khánh thất khuynh nang như quyển thổ.
家財既儘骨肉離,今日垂年一身苦。

Gia tài tận cốt nhục ly,

kim nhật thuỳ niên nhất thân khổ.
一身苦兮何足嗟,山中更有千萬家。

84. Nhất thân kh hề hà túc ta,

sơn trung canh hữu thiên vạn gia.
朝飢山上尋蓬子,夜宿霜中卧荻花!

Triêu sơn thượng tầm bồng tử,

d túc sương trung ngo địch hoa!
85. 妾聞此老傷心語,竟日闌乾淚如雨。Thiếp văn thử lão thương tâm ngữ,

cánh nhật lan can lệ như vũ.
 出門惟見亂梟鳴,更欲東奔何處所?

Xuất môn duy kiến loạn kiêu minh,

canh dục đông bôn x sở?220
86.仍聞汴路舟車絕,又道彭門自相殺。Nhưng văn Biện Lộ chu xa tuyệt,

hựu đạo Bành Môn t tương sát.
87.野色徒銷戰士魂,河津半是冤人血。 sắc đồ tiêu chiến hồn,

tân bán th oan nhân huyết.
88.適聞有客金陵至,見說江南風景異。Thích văn hữu khách Kim Lăng chí, kiến thuyết Giang Nam phong cảnh dị.
89.自從大寇犯中原,戎馬不曾生四鄙。T tùng đại khấu phạm trung nguyên, nhung bất tằng sinh tứ bỉ.
誅鋤竊盜若神功,惠愛生靈如赤子。

Tru s thiết đạo nhược thần công,

hu ái sinh linh như xích tử. 230
90.城壕固護教金湯,賦稅如云送軍壘。Thành hào c hộ giáo kim thang,

phú thuế như vân tống quân luỹ.
91.奈何四海儘滔滔,湛然一境平如砥。Nại hà t hải tận thao thao,

trạm nhiên nhất cảnh bình như chỉ.
92.避難徒為闕下人,懷安卻羡江南鬼。T nan đồ vi khuyết hạ nhân,

hoài an khước tiện Giang Nam quỷ.
93. 愿君舉棹東復東,詠此長歌獻相公。Nguyện quân c trạo đông phục đông, vịnh thử trường ca hiến tướng công.

 

 

July, 2021

 

 

 

 


Dịch nghĩa:
Tần Phụ Ngâm

Vi Trang- Đường Đại

 

1.Năm Quý Mão, Trung Hòa thứ ba,  tháng Ba mùa xuân, ngoài thành Lạc Dương tơ dương liễu bay như bông tuyết.
2.Trên đường Đông Tây Nam Bắc không có bóng người. Hàng dương xanh biếc lặng lẽ không có bụi bay.

3.Bên đường chợt thấy người đẹp như hoa, ngồi một mình nghỉ ngơi dưới bóng mát của dương liễu.

Mũ mạo lệch lạc, đầu tóc rũ rượi, mặt nhíu mày nhăn.

4.Hỏi rằng cô nương từ đâu tới. Chau mày muốn nói nhưng lại nghẹn ngào.

5.Quay đầu chỉnh sửa tay áo cảm tạ người hỏi, đau buồn ly loạn phiêu bạc nổi trôi làm sao nói hết.

6. Ba năm bị giặc bắt đi theo ở lại đất Tần – chỉ Trường An. Tôi vẫn nhớ được sự tình ở đó.

7. Người có thể vì tôi mà cởi yên, xuống ngựa, tôi cũng xin vì người mà dừng gót ngọc kể lể khúc nôi.

8.Năm Canh Ty trước, mùng năm tháng mười hai, đúng lúc đóng cửa lồng vàng dạy chim anh vũ nói.

9. Đã mở hộp gương trang điểm mà lười chảy đầu, nhàn nhã đứng tựa bao lơn  lặng lẽ. 20

10.Chợt nhìn thấy ngoài cổng cát bụi tung bay, đã thấy trên đường có người đánh trống trận cấp báo.

11.Cư dân chạy ra khỏi nhà thần sắc khẩn trương, quan viên triều đình về nhà vẫn còn nghi ngờ nghe lầm.

12.Lúc đấy quan quân từ phía Tây tiến vào thành, dự định đưa về Đồng Quan đối phó tình hình khẩn cấp.

13.Lại nghe nói quân Bác Dã ở kinh thành đã tự chống giữ, quân địch một thời gian chưa tới kịp.

14.Trong khoảnh khắc chủ nhân vì chạy trốn mà đến, xuống ngựa vào cửa người ngây ngây như say rượu.

15.Nói vừa gặp hoàng đế chạy ra khỏi kinh thành, đã thấy bạch kỳ của giặc giăng khắp nơi.

 16.Mọi người dìu dắt người già yếu, trẻ em, đua nhau hô hoán, lên mái nhà, trèo tường không kể thứ bậc.

17.Láng giềng phía Nam chạy lên phía Bắc ẩn náu, cư dân hướng Đông chạy qua hướng Tây lánh nạn.

18.Các phụ nữ láng giềng hướng Bắc đều tụ họp. ngoài cửa binh mã rầm rộ như dã thú chạy loạn.

19.Tiếng bánh xe lăn ầm ầm làm chấn động trời đất, hàng vạn con ngựa hí như tiếng sấm từ dưới đất phóng lên.

20. Lửa bùng cháy ở Trường An lên tận chín tầng trời, mười hai con đường lớn  Trường An khói lửa cháy đỏ sáng rực.

21. Mặt trời lặn xuống hướng Tây ánh sáng lạnh lẽo, tẻ nhạt. Bầu trời không nói năng gì chỉ nhìn chăm chăm.

22. Mây mù khí ám trùng trùng vây bủa, sao băng Thái Giám đỏ như máu.- ý chỉ điềm bất tường

23. Hoàng đế chạy nạn, khí tím -đế vương khí -cũng di chuyển theo. Ánh sáng ma quái ngầm chiếu, đài tinh – chỉ triều thần- bị hủy diệt.

24. Nhà nhà máu chảy như suối phun, nơi nơi tiếng oan khuất vang động trời đất.

25. Kỹ nữ, ca nhi âm thầm quyên sinh,

26. Bé trai bé gái bị bỏ rơi mặc tình sống chết..

27. Láng giềng hướng Đông có con gái mày mới vẽ, sắc đẹp vô giá, nghiêng nước nghiêng thành.

28. Cây mác dài đẩy cô gái lên binh xa, quay đầu nhìn lại phòng khuê lệ đầy mặt.

 

29. Lập tức kéo chỉ vàng học may cờ, lại bị đưa lên yên cho người dạy cỡi ngựa.

 

30. Có lúc ở trên ngựa thấy phu quân, không dám ngoảnh mặt nhìn chỉ có lệ rơi.

31. Láng giềng phía Tây có cô gái đẹp như tiên,

Sóng mắt liếc ngang như nước mùa thu long lanh.

Trang điểm xong chỉ ngắm nhìn trong gương, tuổi nhỏ không biết sự việc xảy ra ngoài cửa.

32. Một tên lính nhảy lên bậc thềm nhà cô, trật nửa vai áo cô ra muốn làm nhục.

33. Cô dằn co níu kéo y áo không chịu ra khỏi nhà, thế là má phấn môi hồng chịu chết dưới lưỡi đao.

34.Láng giềng hướng Nam có cô gái không nhớ họ tên. Ngày hôm qua người mai mối mới nạp sính lễ.

35. Trên thềm lưu ly không nghe tiếng bước đi, trong rèm phỉ thúy chỉ thấy bóng dáng.

Chợt thấy ngoài sân nhà có tiếng khua đao kiếm.Trong chớp mắt đầu đã lìa khỏi thân mình.

36. Ngó lên trời che mặt kêu khóc một tiếng, em gái và chị của cô đều cùng trốn xuống giếng.

37.Thiếu phụ phía Bắc cảm thấy bức bối, lập tức gỡ trang sức trên búi tóc mây, xóa đi mày xanh trang điểm.

38. Nghe được tiếng đập gõ làm hư cánh cửa, không nghĩ suy leo lên mái nhà cao.

Trong phút chốc bốn bề ánh lửa tới, muốn xuống thang nhưng thang lại hư.

 

39. Ở trong khói lửa kêu to cầu người cứu giúp, thi thể treo trên xà nhà đã thành tro bụi.

 

40. Thiếp may mắn thoát được hoạ đao cưa, không dám chần chờ ngoảnh mặt nhìn lâu.Lập tức chảy đầu theo kiểu cánh ve sầu mà đi theo quân giặc.Gắng gượng đưa mày liếc mắt mà đi ra cửa.

 

41.Quê cũ từ đó không được trở về nữa, thân thích họ hàng không biết tìm kiếm nơi đâu.

 

42.Một lần bị cưỡng bức đi theo giặc trải qua ba năm, suốt ngày sợ hãi âu lo tan nát lòng dạ.

 

43. Đêm nằm ngàn lớp đao kiếm bủa vây, bữa ăn sáng chỉ có một vị là gan người băm nhuyễn.

 

44. Buồng the ra vào luông tuồng há có thể vui? Ngọc ngà châu báu tuy nhiều nhưng không phải là thứ tôi yêu thích.

45. Quân giặc đầu bù tóc rối, mặt mũi lấm lem, mày nhuộm đỏ au. Mấy lần liếc ngang thấy không được mắt.

46. Áo quần xốc xếch, tiếng nói lạ lùng, những người có công trên mặt xâm hình khắc chữ.

47.Nhiều quan viên trong Ngự Sử Đài, Lan Tỉnh là yêu quỷ chuột, cáo.

Còn đem tóc ngắn mà cài trâm hoa, đi ngủ không cởi triều phục mà đắp chăn gấm.

48. Làm quan tam công mà không biết cái hốt để làm gì, lật qua lật lại. Làm quan lưỡng sử mà đeo ngược kim bội cá vàng.

Sáng nghe tấu biểu ứng đối trên triều, tối đến người ta nhìn thấy họ kêu réo ồn ào trong tửu lầu, ngoài phố chợ.

49. Một buổi sáng nổi lên năm tiếng trống khiến người người kinh hãi tỉnh giấc, tiếng kêu, tiếng rú ồn ào cũng như tiếng xì xào.

50. Đêm đến quân dọ thám vào thành, cho biết ngày hôm qua quan quân triều đình đã lấy được đất Xích Thủy. Xích Thuỷ cách thành Trường An một trăm dặm, buổi sáng khởi hành thì buổi chiều tới.

51. Bọn giặc hung tợn ở trên lưng  ngựa lén lút tức tối nuốt giọng, các bạn gái trong khuê phòng âm thầm vui mừng.

Tất cả đều nói những nỗi oan khiên phẫn uất đến lúc chấm dứt rồi, tất nhiên là nói bọn yêu ma quỷ quái hôm nay sẽ chết.

52. Trong chốc lát có người cỡi ngựa đến truyền tin khẩn cấp, lại nói rằng quan quân triều đình đã vào thành.

Quân giặc cấp cao cấp thấp cùng lo âu, anh em của Hoàng Sào ôm yên ngựa mà khóc.

53. Mấy ngày lặng lẽ không có tin tức, tất nhiên là nói quân giặc đã đầu hàng.

Ai ngờ bọn giặc vẫy cờ vung kiếm quay trở lại, lại nói rằng quan quân tất cả đại bại.

54. Bốn mặt Trường An bị vây khốn, một đấu vàng đổi một thăng lúa.

55. Trong nhà bếp của Thượng Nhượng, thuộc hạ Hoàng Sào, chỉ có vỏ cây để ăn.Trên bàn ăn của Hoàng Sào là thịt người cắt ra.

56.Đường vận lương phía Đông Nam bị cắt đứt. Hang hố ngày càng đầy thây người chết, người ngày càng ít.

57.Xác người chết đói chất chồng ngoài cửa trại quân binh. Bảy dãy kệ trong doanh trại chất đầy thây người chết đói.

58.Trường An yên bình nay còn gì? Đường phố hoang vu, chợ búa bị bỏ phế lúa mạch bắt đầu mọc lên.

59.Cây cối hoa cỏ ở Hạnh Viên bị chặt để làm củi. Chỉnh sửa trại binh đốn liễu ở thành Ngự Câu.

Ngựa xe hoa mỹ sang trọng đều tiêu tan, phủ đệ kiên cố, lầu son rực rỡ không tới một nửa.

60.Trên điện Hàm Nguyên thỏ, chồn đi rong. Trước lầu Hoa Ngạc đầy dẫy cây cỏ gai gốc.

Thời phồn thịnh xưa đều bị vùi lấp

Ngước mắt nhìn cảnh trí thê lương, không thấy người, vật cũ.

61.Kho chứa bảo vật gấm vóc trong hoàng cung bị đốt thành đống tro tàn, các con đường trong đế đô đầy những hài cốt của công khanh quý tộc.

62.Có lúc buổi sáng đi con đường trên thành phía Đông, ngoài thành gió cuốn khói bay như cảnh sắc ở quan ải.

63.Bên đường  thấy quân lính đi tuần tra, bên dưới sườn đồi lặng lẽ không đón đưa khách viếng thăm.

Nhìn về phía đông Bá Lăng, không bóng người, bóng khói. Ly Sơn cây cối xanh tươi nhưng lầu thúy đài vàng không còn.

64. Đường lớn đều trở thành rừng gai, người đi đường ban đêm ngủ ở chân tường vỡ bị bóng trăng soi thấu.

65.Sáng hôm sau đến đường Tam Phong, trăm ngàn mái nhà giờ không còn một mái.Ruộng vườn bị phá hại chỉ có cỏ hao, vườn trúc không có chủ nhân chăm sóc xơ xác úa tàn.

66. Bên đường thử hỏi Kim Thiên Thần- Thần miếu trên núi Hoa Sơn - Thần không nói gì cũng buồn như người.

67.Cội tùng bách già trước miếu từng bị đốn gốc giờ đã nẫy cành con, lư hương vàng trên chánh điện nhện giăng bụi bám.

68.Kể từ lần bọn giặc điên cuồng chiếm trung tâm đất nước, chỉ Trường An, trời đất hôn ám, mưa gió tối tăm.Yểm bùa vào nước thần trên bàn hương án không thành, điều khiển âm binh trong tranh vẽ trên tường không được.

69. Lúc bình thường thì hưởng dụng lễ vật người dân cúng tế, lúc nguy nan không đem thần thông ra giúp đỡ cho dân được.Ta làm thần mà vụng về như thế thật xấu hỗ, nên ta vào núi sâu mà ẩn trốn.

70. Trong miếu này của ta, tiếng tiêu tiếng sáo không còn nghe nữa, tế phẩm trên chiếu  không biết tìm đâu ra.Tạm thời sai khiến lũ quỷ ếm bên cạnh thôn làng, hại chết chúng sinh để họ cúng tế mà độ nhật.

71. Thiếp nghe lời ấy buồn càng thêm buồn, trời khiến tai họa không phải tự con người có thể làm gì.

72. Thần còn tìm vào núi sâu lánh nạn, sao có thể kỳ vọng ở Đông Chư Hầu- phiên trấn phía Đông của Hàm Cốc quan, ám chỉ Hoài Nam Tiết Độ Sứ Cao Biền.

73. Năm trước lại ra khỏi Đồng Quan, ngẩng đầu nhìn mây khói xa xăm thấy được Kinh Sơn.Giống như từ địa ngục đến nhân gian, đột nhiên cảm thấy thời khắc trời đất bình yên trong lành.

74.Chủ suý Thiểm Châu trung thành lại liêm khiết, chỉ bảo vệ thành trì chứ không gây ra nạn đao binh.

Chủ súy Bồ Tân có thể kềm chế binh lính –không để cho binh lính thừa cơ giặc giã nhiễu loạn dân chúng- Ngàn dặm bình an không tiếng chó sủa.

75-Buổi sáng mang theo vật quý trên đường không ai hỏi tới, buổi tối cài kim thoa chỉ đi một mình.

76-Sáng hôm sau lại qua phía đông Tân An, trên đường đi lúc xin nước uống gặp một lão ông.

77-Sắc mặt xanh mét như rêu, lẫn trốn trong đám cỏ lau sậy.

Hỏi ông vốn là người thôn làng nào, vì sao ngủ ở trong đám lau sậy ngày trời giá rét sương sa?

78. Lão ông vừa mới đứng dậy muốn nói, nhưng lại ngồi xuống, hai tay ôm má ngửa đầu nhìn trời mà khóc.

 

79. Nói quê quán của tôi Hương Viên huyện Đông Kỳ, hàng năm trồng dâu ở vùng ngoại ô, mỗi năm trồng ruộng mầu mỡ hai trăm công,

 

 80. đóng thuế ba ngàn vạn.

Cô gái nhỏ quen việc dệt vải may áo choàng, thiếu phụ thường nấu cơm gạo kê đỏ.

81.Hàng ngàn kho lẫm chứa vạn hộp tơ, giặc Hoàng Sào qua rồi còn lại một nửa.

82. Từ khi quan binh kéo đến Lạc Dương trú đóng, ngày đêm binh lính tuần tra quấy nhiễu thôn làng.Chúng rút kiếm ra khỏi vỏ sáng lóe, phất cao cờ Bạch Hổ

83. Vào cửa xuống ngựa như cơn gió lốc, làm trống rỗng nhà, trống rỗng túi như cuốn đất.Tài sản không còn, cốt nhục ly tán. Bây giờ tuổi già một thân khổ sở.

84. Một thân tôi khổ có đáng kể gì, trong núi còn có thêm hàng ngàn hàng vạn gia đình. Buổi sáng trên núi đói thì tìm cỏ bồng ăn, buổi tối ngủ giữa trời sương trong lau sậy.

 

85. Thiếp nghe lời thương tâm của ông lão ấy, suốt ngày bần thần nước mắt như mưa.

Ra cửa chỉ thấy chim cú kêu loạn, muốn đi chạy trốn thêm về phía đông nhưng không biết đi đâu.

86. Những nghe đường xe, thuyền về Biện kinh- Khai Phong không có, lại nói Bành Thành đang có nội loạn, tướng lãnh tự tàn sát nhau.

87.Hồn phách chiến sĩ lẫn khuất trong màu sắc thê lương nơi hoang dã.

Nước bên bờ Hoàng hà phân nửa là máu kẻ chết oan.

88.Vừa lúc nghe khách ở Kim Lăng tới, nói rằng phong cảnh ở Giang Nam thì khác lạ. Từ khi giặc Hoàng Sào xâm phạm trung nguyên. Bốn bề chưa từng xảy ra nạn binh đao.

89.Chủ soái ở đó diệt trừ trộm cướp năng lực như thần. Yêu thương dân chúng như con đỏ.

90. Thành quách, hào lũy bảo vệ vững chắc. Thu thuế nhiều như mây cung cấp cho thiết bị quân đội.

91.Mặc cho bốn bể đang sóng gió ầm ầm, Kim Lăng vẫn bình lặng như đá mài.

92.Tôi là người kinh thành đang lánh nạn nơi tha hương, khát khao bình an nên hâm mộ ma quỷ Giang Nam.

93. Xin người đi thuyền về phía đông, diễn tả bài trường ca này dâng tặng Tướng Công chủ soái Giang Nam.

 

 

 

 

 

Dịch thơ

 

1.Năm Trung Hoà thứ ba Quý Mão,

Trời tháng Ba thay áo mùa Xuân,

Lạc Dương phong cảnh hàng năm,

Hoa dương như tuyết trắng ngần bay bay.

2.Trên đường đi Đông Tây Nam Bắc,

Nhìn trước sau lặng ngắt bóng người,

Hàng dương xanh thẳm mây trời,

Âm thầm cát bụi ngậm ngùi đường xa.

3.Chợt trông thấy như hoa như ngọc,

Một nữ lang bên gốc liễu dương,

Gương nga dày dạn phong sương,

Xanh xao hương phấn bi thương nỗi niềm.

4.Hỏi cô nương từ miền nào tới,

Chau mày như muốn nói lại thôi,

Nghẹn ngào thốt chẳng nên lời,

Nửa sầu nửa hận đứng ngồi lao đao.

5.Sửa tay áo quay đầu cảm tạ,

Nói sao đây chiến họa nổi trôi,

Lênh đênh đất khách quê người,

Buồn đau ly loạn bời bời ruột gan.

6.Trải ba năm đất Tần với giặc,

Đã bao phen dạ thắt lòng đau,

Tưởng chừng như mới hôm nào,

Hay là một giấc chiêm bao rành rành.

7. Người như đã sự tình muốn rõ,

Xin vì ta tháo gỡ yên cương,

Cùng nhau dừng gót bên đường

Để ta kể nốt tận tường khúc nôi.

8. Mồng năm tháng mười hai năm ấy,

Đó là năm Canh Tý nguồn cơn,

Nhốt chim Anh Vũ lồng son,

Đùa chơi dạy nó véo von chào mời.

9. Mở hộp gương muốn ngồi trau chuốt

Lười chảy đầu dời bước ra hiên,

Tựa lan can ngó mang thiên,

Ngẩn ngơ lặng lẽ đạm nhiên tâm hoài.

10. Chợt trông thấy cổng ngoài xao xác,

Ai đang gieo bụi cát tung trời,

Lại ai nổi trống liên hồi,

Trống trận cấp báo sục sôi quân tình.

11. Kìa dân chúng giật mình hớt hãi,

Vội tìm đường lo chạy thoát thân,

Nọ quan viên với triều thần,

Về nhà còn tưởng nghe lầm hung tin.

12.Vừa lúc ấy quan binh kịp đến,

Từ phía Tây đang tiến vào thành

Định đưa ứng chiến Đồng Quan,

Quân tình khẩn cấp nguy nan trùng trùng.

13. Vừa hay Bác Dã quân cấm vệ,

Ở kinh đô thủ thế chống ngăn,

Làm cho chậm bước địch quân,

Tạm thời còn chút thời gian xoay vần.

14. Trong chốc lát chủ nhân chạy tới,

Người ngả nghiêng chới với tỉnh say,

Xuống ngựa vào cửa như bay,

Hốt hốt hoảng hoảng nói ngay một hồi.

15.  Nói đã thấy vua tôi chạy loạn,

Ra khỏi thành lánh nạn cầu toàn,

Kinh đô cờ trắng giăng tràn,

Xích My đã chiếm Trường An mất rồi.

16. Hô hoán nhau người người kinh hãi,

Giặc đến rồi biết chạy đi đâu,

Trèo tường, lên mái nhà cao,

Trẻ già bất kể miễn sao thoát nàn.

17. Kẻ phía Nam chạy tràn lên Bắc,

Người bên Đông chạy dạt qua Tây,

Biết đâu phương hướng đúng sai,

Miễn sao giữ mạng đợi ngày giặc tan.

18. Hàng nữ lưu thôn lân phía Bắc,

Tụ tập nhau bàn bạc kế mưu,

Chước phương tránh mặt giặc thù,

Chúng như dã thú chẳng từ mồi ngon.

19. Ầm ầm bánh xe lăn chấn động,

Đất bằng như đảo lộn tới nơi,

Vạn thớt ngựa hí rân trời,

Tưởng đâu sấm dậy dưới trời bão giông.

20. Trường An lửa cháy bùng dữ dội,

Chín tầng mây cho tới kim tinh,

Mười hai đường lớn kinh thành

Lửa cháy đỏ rực như sinh phượng hoàng.

21. Cuối trời Tây khói vàng hiu hắt,

Bóng tà dương bàng bạc chiều hôm,

Đấng cao xanh thẳm bầu không,

Chẳng màng lên tiếng chỉ đăm đăm nhìn.

22. Mây tối tăm dặm nghìn vây bủa,

Khí âm u lan toả đầy nơi,

Sao Thái Giám đỏ máu tươi,

Âu là điềm gỡ rủi xui hại nhà.

23. Vua chạy loạn sơn hà có biến,

Khí đế vương màu tím đi theo,

Ánh ma trơi chiếu đình triều,

Quần thần ắt sẽ tiêu điều nay mai.

24.Nỗi bi thương đó đây chồng chất,

Cảnh hoang tàn đổ nát muôn nơi,

Tiếng oan khuất động đất trời,

Nhà nhà máu chảy như ngòi suối phun.

25. Hàng ca, kỹ người run kẻ sợ,

Tránh làm sao được rợ Xích My.

Tránh sao khỏi bị đọa đày,

Thôi đành tự tuyệt sớm ngày vẫn hơn.

26. Lại nói đến trẻ con trai gái,

Mất mẹ cha thơ dại bên đường,

Ai đâu rảnh dạ xót thương,

Mặc tình sống chết thê lương khôn cùng.

27. Nhà láng giềng phía Đông có gái,

Mày mới trau hình thái đẹp xinh,

Cũng hàng nghiêng nước nghiêng thành,

Diễm lệ vô giá riêng mình trời ban,

28. Giặc Xích My đem can qua đến,

Thịt xương so đao kiếm sao bì,

Cam lòng nhắm mắt bước đi,

Lên xe ngoảnh lại lệ thuỳ khuê môn.

29. Trong tay giặc mất còn thoáng chốc,

Đành hạ mình theo học may cờ,

Lên yên sao khỏi sầu lo,

Sợ phàm phu nó dày vò tấm thân.

30. Có lúc thấy phu quân thấp thoáng,

Giữa lao dân cực dáng khổ hình,

Dám đâu ngoảnh lại liếc nhìn,

Âm thầm rơi lệ một mình mình hay.60.

31. Nhà láng giềng phía Tây nào khác,

Có gái trinh bóng sắc như tiên,

Long lanh sóng mắt thu huyền,

Ngây thơ không hiểu não phiền thế gian.

32. Đứa võ phu làm càn quen tật,

Nhảy lên thềm xé toạt áo xiêm,

Giở trò ép uổng một phen,

Muốn đem ngọc khiết vùi chôn đáy bùn.

33. Kinh sợ lại đường cùng ngõ tận,

Biết làm sao chút phận đào tơ,

Y trang níu kéo dằn co,

Thế là má phấn dưới đao đời tàn.

34. Nhà láng giềng hướng Nam cũng thế,

Cô gái kia không nhớ họ tên,

Hôm qua mai mối vừa đem,

Sính lễ đính ước tơ duyên sắc cầm.

35. Thềm lưu ly bước chân chẳng động,

Chỉ lung linh hình bóng rèm thưa,

Chợt nghe tiếng kiếm đao lia,

Phút giây đã thấy đầu lìa khỏi thân.

36. Hận lũ giặc hung tàn bạo ngược,

Thương chị em phút chốc ngàn năm,

Ngó trời một tiếng khóc than ,

Chị em nhảy xuống lánh nàn giếng khô.

37. Lại phía Bắc thôn cư thiếu phụ,

Lòng hoang mang héo rũ gương nga,

Búi tóc mây gỡ kim thoa,

Điểm trang xong vội xóa nhòa mày xanh.

38. Nghe tiếng đập thình thình vỡ cửa,

Không nghĩ suy vội vã trèo cao,

Bốn bề lửa tới lao xao,

Muốn xuống, thang hỏng, biết sao mà lần.

39. Trong khói lửa kêu vang cầu cứu,

Nhưng than ôi lửa dữ không chờ,

Xà ngang bám víu quanh co,

Xác thân phút chốc thành tro bụi tàn.

40. Họa đao cưa thiếp thân may mắn,

Thoát được rồi không dám nhìn lâu,

Vội vàng gắng gượng chảy đầu,

Đưa mày liếc mắt theo sau giặc thù.

41. Chốn quê cũ kể từ dạo ấy,

Không được về thăm lại nhà xưa,

Họ hàng thân thích gần xa,

Anh em cha mẹ biết là về đâu.

42. Suốt ngày những lo âu sợ hãi,

Một lần đi đà trải ba năm,

Thẫn thờ dạ nát lòng tan,

Ép thân tay giặc biết làm gì hơn.

43. Đêm đêm giữa muôn ngàn đao kiếm,

Biết mai này hung hiểm thế nao?

Sáng sáng ruột xót tim đau,

Cắn răng nuốt miếng gan vào cho xong.

44. Chốn phòng the luông tuồng lui tới,

Có gì vui mà khỏi phân vân,

Tuy lắm châu báu kim ngân,

Cũng chỉ là vật ngoài thân quý gì.

45. Binh tướng giặc dị kỳ hình tướng,

Đầu rối bù mày nhuộm đỏ au,

Liếc nhìn thấy chẳng làm sao,

Ngoại nhân dị tộc khác nào mọi man.

46. Lại quần áo phô phang càn dỡ,

Lời nói ra quái gỡ khó nghe,

Có kẻ trên mặt gớm ghê,

Xâm hình khắc chữ ra bề nhiều công.

47. Ngự sử đài Tam Công Lưỡng Sử,

Đều là như chuột quỷ cáo ma,

Tóc ngắn lại cài trâm hoa,

Mặc triều phục ngủ, chăn là quấn quanh.

48. Quan Tam Công không rành tượng hốt,

Lưỡng Sử quan đeo ngược cá vàng,

Sáng nghe tấu biểu triều đường,

Tối đến tửu điếm kỹ phường tranh ngôi.

49. Một sớm nọ năm hồi trống vỗ,

Người hãi kinh tỉnh ngủ giật mình,

Tiếng kêu réo khắp kinh thành,

Xì xào bàn tán thế tình lầm than.

50. Đêm đến nghe quan quân dọ thám,

Báo tin vui thắng trận hôm qua,

Trường An Xích Thủy không xa,

Nay đất Xích Thủy quân ta chủ quyền.

51. Bọn hung bạo trên yên tức tối,

Gái khuê phòng quá đỗi mừng vui,

Oan khiên đến lúc dứt rồi,

Yêu ma quỷ quái chết toi phen này.

52. Trong chốc lát tin bay khẩn cấp,

Quân triều đình đã nhập kinh sư,

Quân giặc cao thấp lo âu,

Hoàng Sào huynh đệ khóc nhàu trên yên.

53. Mấy ngày qua không truyền tin tức,

Ắt hẳn là quân giặc đã hàng,

Ngờ đâu sự thực phũ phàng,

Quan binh đại bại trước Hoàng Sào quân

54. Kể từ đó Trường An đói khổ,

Không nơi đâu là chỗ yên lành,

Giặc bao vây bốn mặt thành,

Đấu vàng thăng lúa dân tình lầm than.

55. Bếp Thượng Nhượng chỉ toàn vỏ gỗ,

Thay thế cơm từng bữa tạm thời,

Bàn ăn dọn món thịt người,

Chỉ Hoàng Sào mới nuốt trôi thịt này.

56. Đường vận lương xưa rày cắt đứt,

Thực phẩm không đến được kinh thành,

Người chết càng lúc càng nhanh,

Đường phố càng lúc vắng tanh bóng người.

57. Kẻ chết đói thây phơi cửa trại,

Trong quân doanh bảy dãy kệ người,

Đâu đâu cũng thấy xác người,

Chết đói chết khát ngút trời oan khiên.

58. Đất Trường An bình yên thuở nọ,

Nay còn đâu xe ngựa phồn vinh,

Đường xá chợ búa điêu linh,

Lúa mạch chen lẫn cỏ xanh mọc càn.

59. Cây Hạnh Viên đem làm than củi,

Liễu Ngự Câu tu sửa trại binh,

Ngựa xe lầu các đài đình,

Lạnh lùng hoang phế mặc tình phong sương.

60. Điện Hàm Nguyên thỏ luồn chồn lách,

Lầu Ngạc Hoa gai gốc đầy nơi,

Thuở nao phồn thịnh lấp vùi,

Ngước nhìn, ôi, cảnh cũ người xưa đâu?

61. Kho vật báo bảo lưu gấm vóc,

Còn lại đây một góc tro tàn,

Đế đô đường phố huy hoàng,

Phơi đầy hài cốt các hàng khanh công.

62. Dạo tường thành phía Đông buổi sáng,

Ngoài xa xa gió thoảng khói bay,

Lặng nhìn nửa tỉnh nửa say,

Tưởng chừng quan ải đâu đây chập chùng.

63. Bên đường lính tuần phòng đi lại,

Dưới sườn đồi không thấy khách thăm,

Bá Lăng người, khói biệt tăm,

Ly Sơn xanh lá lầu vàng tiêu ma.

64. Đường lớn nay toàn là gai gốc,

Khách qua đêm trằn trọc chân tường,

Trăng soi lạnh lẽo thê lương,

Màn trời chiếu đất thảm thương khôn cùng.

65. Sáng hôm sau Tam Phong vừa tới,

Trăm ngàn nhà một mái giờ đâu,

Ruộng đồng còn lại cỏ hao,

Xác xơ vườn trúc ai nào chăm nom.

66. Kim Thiên Thần Hoa Sơn thần miếu,

Gặp bên đường kéo níu hỏi han,

Kim Thiên chẳng nói chẳng rằng,

Sầu tư có khác thế nhân đâu nào.

67. Cội tùng bách già cao trước miếu,

Nãy cành con gốc đẽo ngày xưa,

Lư hương chánh điện phụng thờ,

Nhện giăng trước mặt bụi mờ sau lưng.

68. Kể từ giặc điên cuồng xâm phạm,

Đất Trường An hôn ám gió mưa,

Nước thần khó nỗi yểm bùa,

Binh ma tướng quỷ khó đưa lịnh đòi.

69. Lúc bình thường hưởng người cúng tế,

Khi họa tai không thể giải nàn,

Vụng về xấu hỗ làm thần,

Ta đành tìm chốn ẩn thân non ngàn.

70. Tiếng tiêu sáo hết vang trong miếu,

Tế phẩm dâng trên chiếu không còn,

Tạm sai lũ quỷ vào thôn,

Hại người tìm chút món ngon qua ngày.

71.Nghe lời ấy thiếp rày thắt dạ,

Buồn thêm buồn tai họa trời làm,

Chẳng phải việc tự thế nhân,

Làm gì được với ách nàn khổ đau,

 

 

 

 

 

 

72. Thần còn vào núi sâu lánh nạn,

Trông mong gì phiên trấn Đông Hầu.

Âm thầm gạt ngấn lệ sầu,

Nghĩ thương thân phận bọt bèo thứ dân.

73. Nhớ năm trước Đồng Quan ra khỏi,

Ngẩng đầu nhìn mây khói Kinh Sơn,

Từ địa ngục đến nhân gian,

Đột nhiên cảm thấy bình an trong lành.

74. Tướng Thiểm Châu trung thành ngay thẳng,

Chỉ thủ thành không nạn đao binh,

Bồ Tân quân cũng nghiêm minh,

Không tiếng chó sủa an bình dặm xa.

75. Buổi tối cài kim thoa đi lại,

Đi một mình nào hại chi đâu,

Sớm hôm vật quý mang theo,

Chẳng ai buồn hỏi tiếng nào làm chi.

76. Đông Tân An mãi đi cũng tới,

Nỗi dọc đường gió bụi ngẩn ngơ,

Ghé xin ngụm nước đỡ khô,

Bỗng gặp ông lão xác xơ bên đường.

77. Mặt xanh mét xem dường rêu mốc,

Thấp thỏm ngồi trong gốc sậy lau.

Hỏi ông người ở thôn nào.

Cớ sao ngủ giữa sậy lau lạnh lùng?

78. Ông đứng dậy xem chừng muốn nói,

Lại thụp ngồi tay gối má chen,

Nhìn trời nức nở một phen,

Thương tâm trút cạn nỗi niềm khúc nôi.

79. Rằng Hương Viên già tôi cư trú ,

Huyện Đông Kỳ trù phú trời ban,

Thói nhà chuyên nghiệp tầm tang,

Hai trăm công ruộng mỗi năm nuôi trồng.

80. Ba ngàn vạn tiền nông sưu thuế,

Con gái nhà thiện nghệ dệt tơ,

Khéo tay may áo choàng thô,

Cơm gạo kê đỏ thường chờ bữa ăn.

81. Ngàn kho lẫm chứa ngàn vạn hộp,

Tơ quay xong gom góp chờ thời,

Quân Hoàng Sào kéo qua rồi,

Còn lại một nửa đứng ngồi đau thương.

82. Kể từ binh Lạc Dương trú đóng

Ngày lẫn đêm quấy động thôn làng,

Rút kiếm khỏi vỏ sáng choang,

Phất cờ Bạch Hổ hàng hàng kiểm tra.

83. Như gió lốc vào nhà lục soát,

Tóm thâu như cuốn đất vào tay,

Tan hoang cốt nhục, tiền tài,

Tuổi già cô độc bấy rày sầu bi.

 

 

 

 

 

84. Một thân khổ kể chi chút phận,

Trong núi kia hàng vạn nhân gia,

Cỏ bồng đỡ đói ngày qua,

Đêm nằm lau sậy sương sa giữa trời.

 

85. Nghe lời ấy bùi ngùi không dứt,

Suốt ngày qua nước mắt như mưa,

Cú kêu loạn cửa nhặt thưa,

Muốn đi thêm nữa lại chưa sẵn đường.

86.Lại nghe các ngã đường về Biện,

Đường xe không đường biển cũng không.

Lại nghe nội loạn Bành Môn,

Tướng sĩ đồng đội tự tàn sát nhau.

 

87. Hồn chiến sĩ rầu rầu ngọn cỏ,

Bến sông buồn máu đỏ oan khiên,

Chiến chinh, nội loạn triền miên,

Hỏi ai là chẳng não phiền suy nhân.

 

88.Chợt nghe khách Kim Lăng vừa tới,

Rằng Giang Nam cảnh trí khác thường,

Từ Hoàng Sào khiến nhiễu nhương,

Giang Nam bốn cõi chưa từng lầm than.

 

89.Nọ chủ soái trừ gian diệt bạo,

Đánh dẹp tan trộm đạo như thần.

Xem như con đỏ muôn dân,

Dưới trên hòa thuận mùa màng ấm no

 

90. Thành quách cũ chăm lo bảo hộ,

Hào lũy sâu tu bổ vững vàng,

Như mây thuế má hàng năm,

Cấp cho binh sĩ thêm phần an tâm.

 

91.Mặc bốn bể ầm ầm sóng gió,

Đất Kim Lăng đây đó yên vui,

Bình lặng như phiến đá mài,

Thênh thang hoa cỏ trong ngoài hoan ca.

92.Người kinh thành phương xa lánh nạn,

Mong thanh bình nắng hạn mưa cam,

Chẳng bằng lũ quỷ Giang Nam,

Làm ma cũng được an nhàn thảnh thơi

93. Xin người cho thuyền xuôi Dương Tử,

 Theo đông lưu thăm thú Giang Nam,

Trường ca này hãy vịnh ngâm,

Hiến dâng Tướng Soái con dân lòng thành./.

 

 

 

 

  

 

 

   

     
 ***

facebook

youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/04/2024(Xem: 1431)
Cách đây khá lâu, tôi đã có lần đọc câu chuyện về những người phạm nhân ở trong trại cải tạo và mối tương quan đồng cảm của những người giám thị trại giam dành cho họ, đó là chia sẻ về Phật pháp, đặc biệt là đối với những tử tội. Hãy tưởng tượng rằng những người đang phải đếm ngược cái chết đến từng ngày, từng giờ khi thân thể vẫn còn đang khỏe mạnh, đó chính là nỗi ám ảnh, sợ hãi khiến tinh thần con người có thể trở nên bấn loạn, mất lý trí và họ trở thành người tâm thần, rồ dại có thể dẫn đến những việc làm tiêu cực, chẳng hạn như nguyền rủa người xung quanh, la hét, thậm chí tự vẫn trước ngày thi hành án.
03/04/2024(Xem: 3308)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
03/04/2024(Xem: 1597)
Quả đúng vậy, chỉ vì một ý nguyện muốn đền đáp ân hội ngộ và duyên được cộng tác với Trạng nhà Quảng Đức do TT Thích Nguyên Tạng Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm và Tổng Thư Ký GHPGVNTN tại Hải ngoại Ức Châu & Tân Tây Lan làm chủ biên mà một lần nữa con có đại duyên con được tham khảo lại toàn bộ Cư Trần Lạc Đạo khi đoc qua chi tiết về Tu Viện Quảng Đức để rồi tìm lại một sưu tập cũ thật quý giá có liên quan đến bài Cư Trần Lạc Đạo khiến con suy ngẫm và tư duy nhiều đêm nên cuối cùng kính xin mượn bài viết để nhận sự chỉ dạy của quý Ngài.
03/04/2024(Xem: 3663)
Danh và thực trong đời sống xã hội là nói cái tên gọi và thực chất, chức danh và khả năng, danh vị và tài đức. Danh mà không đi đôi với thực thì gọi là hữu danh vô thực (1). Tổ chức có nhiều kẻ hữu danh vô thực rất dễ dẫn đến sự phân rã, suy yếu, thất bại. Xã hội có quá nhiều kẻ hữu danh vô thực chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn, suy đồi, khó tiến bộ. Ở những địa vị cao trong giai tầng xã hội, danh với thực mà quá cách biệt thì nói không ai nghe, trên dưới không đồng lòng, dù có kế sách gì hay cũng không thực hiện được chu toàn.
01/04/2024(Xem: 32002)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
28/03/2024(Xem: 910)
Trên tay bạn,chiếc đồng hồ đeo tay đắt giá, hoặc người yêu, người thân quý tặng...bạn không thể không dùng nó. Có thể, bạn phải đeo mang nó suốt đời... Bạn muốn buông đi, hơi khó buông : Vì, e bạn đã tự coi thường bạn mình. Khi trao tặng bạn, sở hữu chủ đã hàm ý: Tôi yêu quý bạn trọn cả đời tôi.
27/03/2024(Xem: 3138)
Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác của danh sĩ Đặng Trần Côn, diễn nôm song thất lục bát của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thơ tình kiệt tác của Việt Nam và thế giới. Tập thơ diễn tả nỗi thương nhớ chồng, người chinh phu nơi quan ải, và những đau khổ người khuê phụ thời chiến loạn phải chịu đựng trong sự sự bạo tàn của chiến tranh. Tiếp tục sự đóng góp cá nhân cho công trình bảo tồn và phổ biến văn hóa Việt mà tôi bắt đầu từ tập thơ nhạc song ngữ “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”, gồm khoảng 150 bài thơ và nhạc của nhiều tác giả, tiền chiến và hiện đại, xuất bản năm 2019, cho đến tác phẩm song ngữ “The Tale of Kiều” được phổ biến năm 2023 qua ebook, sách in, trang mạng và youtube videos, rồi năm giáp thìn này, tôi vừa hoàn tất tập thơ song ngữ “Chinh Phụ Ngâm / Lament Song of a Soldier’s Wife”.
08/03/2024(Xem: 1935)
Vào hồi 5h chiều ngày 6/3/2024, trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà (tp Đà Nẵng), tôi rất vui và hạnh phúc được tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông, bà Paula Hurd. Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: các nhà chính trị, các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành… trong và ngoài nước. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ và đây cũng là lần đầu tiên, không gian thưởng trà diễn ra trên một đỉnh núi tràn ngập mây bay, gió thổi, ráng chiều hoàng hôn và tiếng sóng biển rì rầm khi gần, khi xa. Đứng trên đỉnh núi Bàn Cờ có thể nhìn thấy biển xanh, cát trắng và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Cảnh sắc nơi đây vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng và yên tĩnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Buổi thiền trà trở nên đặc biệt, một phần vì thế.
08/03/2024(Xem: 1339)
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, (8/3/2024) một ngày quan trọng để tôn vinh những đóng góp to lớn và đa dạng của phụ nữ đối với xã hội, mỗi năm Liên Hợp Quốc thường chọn một chủ đề nhằm tập trung vào những vấn đề cụ thể và thúc đẩy sự tiến bộ đối với quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, Thường chủ đề hàng năm thường nhấn mạnh việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học và công nghệ, quyền kinh tế, hoặc bình đẳng giới trong lãnh đạo và quyết định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]