Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 11: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, Tổ của Quy Ngưỡng tông

01/11/202121:12(Xem: 6452)
Quyển 11: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, Tổ của Quy Ngưỡng tông

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 11

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng


 

 

Đệ Tử Đời Thứ Tư Của Nam Nhạc Hoài Nhượng:

A- Pháp Tự Của Thiền Sư Qui Sơn Linh Hựu Ở Đàm Châu: 43 người, 10 người được ghi chép.

01- Thiền sư Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch ở Viên Châu

02- Thiền sư Trí Nhàn chùa Hương Nghiêm ở Đặng Châu

03- Thiền sư Diên Khánh Pháp Đoan ở Tương Châu

04- Thiền sư Kính Sơn Hồng Nhân ở Hàng Châu

05- Thiền sư Linh Vân Chí Cần ở Phước Châu

06- Hòa thượng Ứng Thiên ở Ích Châu

07- Thiền sư Cửu Phong Từ Tuệ ở Phước Châu

08- Hòa thượng Mễ ở Kinh Triệu

09- Hòa Thượng Hoắc Sơn ở Tấn Châu

10- Thường thị Vương Kính Sơ ở Tương Châu

B- Pháp Tự Của Thiền Sư Đại An Viện Trường Khánh Phước Châu: 10 người, 8 người được ghi chép.

1- Thiền sư Đại Tùy Pháp Chân ở Ích Châu

2- Thiền sư Linh Thọ Như Mẫn ở Thiều Châu

3- Thiền sư Thọ Sơn Sư Giải ở Phước Châu

4- Hòa thượng Nghiêu Sơn ở Hiểu Châu

5- Đại sư Tuệ Nhật Sùng Phước Bổ Điền ở Tuyền Châu

6- Hòa thượng Phù Giang ở Thai Châu

7- Hòa thượng Lục Thủy ở Lộ Châu

8- Thiền sư Viên Minh viện Văn Thù ở Quảng Châu

C- Pháp Tự Của Thiền Sư Giám Tông Kính Sơn Ở Hàng Châu:

1- Thiền sư Thiên Đồng Hàm Khải ở Minh Châu

2- Thiền sư Đối Sơn ở Hàng Châu

3- Thiền sư Hành Mãn núi Đại Từ ở Hàng Châu

(Cả 3 người này không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

D- Pháp Tự Của Thiền Sư Triệu Châu Tùng Thẫm Ở Đông Viện: 13 người, 7 người được ghi chép.

1- Tôn giả Nghiêm Dương Tân Hưng ở Hồng Châu

2- Thiền sư Tuệ Giác viện Quang Hiếu ở Dương Châu

3- Thiền sư Phụng Viện Quốc Thanh ở Lũng Châu

4- Thiền sư Mộc Trần Tùng Lãng ở Vụ Châu

5- Thiền sư Tân Kiến ở Vụ Châu

6- Hòa thượng Đa Phước ở Hàng Châu

7- Hòa thượng Tây Mục ở Ích Châu

E- Pháp Tự Của Thiền Sư Lợi Tung Tử Hồ Nham Ở Cù Châu: 4 người được ghi chép.

1- Hòa thượng Thắng Quang ở Thai Châu

2- Hòa thượng Thạch Phù ở Chương Châu

3- Hòa thượng Tử Đồng

4- Hòa thượng Nhật Dung

F- Pháp Tự Của Thiền Sư Tính Không Chùa Hiếu Nghĩa Cát Châu: 1 người.

- Thiền sư Thủ Nhàn viện Thọ Hưng Cung Châu

(Không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

G- Pháp Tự Của Hòa Thượng Phù Du: 1 người được ghi chép.

- Hòa thượng Thạch Khê

H- Pháp Tự Của Hòa Thượng Thiên Long: 1 người được ghi chép.

- Hòa thượng Câu Chi núi Kim Hoa ở Vụ Châu

I- Pháp Tự Của Thiền Sư Trường Sa Cảnh Sầm: 2 người, 1 người được ghi chép.

1- Thiền sư Thương Thông núi Tuyết Đậu ở Minh Châu

2- Thiền sư Nghiêm Linh núi Kim Hoa Vụ (Không cơ duyên ngữ cú nên không ghi chép)

F- Pháp Tự Của Thiền Sư Đại Chứng Nước Triều Tiên: 2 người

1- Văn Thánh đại vương

2- Hiến An đại vương

(Hai người này không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

M- Pháp Tự Của Thiền Sư Tiểu Mã Thần Chiếu: 1 người.

- Thiền sư Hữu Duyên viện Liên Vân quận Tấn Vân (Không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

N- Pháp Tự Của Hòa Thượng Cao An: 1 người được ghi chép.

- Ni Liễu Nhiên Mạt Sơn ở Quân Châu

O- Pháp Tự Của Thiền Sư Hồng Trực Nước Triều Tiên: 2 người:

1- Hưng Đức đại vương

2- Tuyên Khương thái tử.

(Hai người này không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

P- Pháp Tự Của Hòa Thượng Vô Tích Ở Hứa Châu: 1 người.

- Thiền sư Đạo Toại (Không cơ duyên, ngữ cú nên không ghi chép)

 

 

 

 

THIỀN SƯ TUỆ TỊCH NGƯỠNG SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ QUI SƠN LINH HỰU

 

Thiền sư Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch ở Viên Châu (nay là Nghi Xuân Giang Tây) là người Hoài Bắc Thiều Châu (nay là Quảng Đông Thiều Quan), họ Diệp. Năm 15 tuổi, sư định xuất gia nhưng cha mẹ không cho. Hai năm sau. Sư chặt đứt hai ngón tay, quỳ trước mặt cha mẹ thề đắc chân đế của Phật pháp để báo đáp ơn dưỡng dục. Rồi sau đó, sư theo Thiền sư Thông ở chùa Nam Hoa xuống tóc, nhưng không thọ giới cụ túc, lên đường du phương.

Ban đầu, sư đến bái Thiền sư Đam Nguyên, ngộ được huyền chỉ. về sau, sư đến tham vấn Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu và thành đệ tử ruột được lên pháp đường trong thất.

Thiền sư Linh Hựu hỏi sư:

- Ông là sa-di có chủ hay là sa-di không có chủ ?

Sư đáp:

- Là sa-di có chủ.

Linh Hựu hỏi:

- Chủ ông ở đâu ?

Sư đi từ Tây qua Đông rồi đứng sững. Do đó, Linh Hựu biết sư không phải thuộc loại tầm thường, bèn quyết định trao cho sư giáo pháp.

***

Sư hỏi:

- Làm thế nào để nắm được Thiền ngộ chân chánh (chỗ trụ của chân Phật) ?

Linh Hựu nói:

- Thiền ngộ chân chánh không kiến lập tại cơ sở thương lượng hay không thượng lượng mà căn bản vượt khỏi tư lượng và không tư lượng, nhiệm vận tự tại, biểu hiện sanh cơ vô cùng của Phật tánh tự tâm. Thiền giả chân chánh lấp bỏ tư lượng hay không tư lượng mà nắm vững sinh mệnh thực tại hoạt bát. Mặt khác, trong sinh hoạt hiện thực quảng tế chúng sanh, mà không làm mất đi tuệ cảnh đã khai ngộ. Mặt khác nữa, không trước cảnh giới khai ngộ mà sống qua tâm bình thường, chỉ có như thế mới gọi là nắm bắt được cảnh giới như như của chân Phật.

Tuệ Tịch vừa nghe qua là đốn ngộ. Từ đó, giữ lễ đệ tử mà phụng sự Thiền sư Linh Hựu. Sau đó không lâu, sư đến Giang Lăng (nay là Hồ Bắc) thọ giới cụ túc, tại nơi này trải qua một mùa kiết hạ an cư, đồng thời nghiên cứu Luật tạng.

Về sau, sư tham yết Nham Đầu. Nham Đầu dựng cây xơ quất lên, sư trải tọa cụ ra. Nham Đầu đưa cây xơ quất ra sau lưng, sư liền cuốn tọa cụ lại để lên vai mà đi ra. Nham Đầu nói:

- Ta không ấn khả việc ông buông ra mà chỉ ấn khả việc ông thu vào.

***

Sư lại đến tham vấn Thiền sư Thạch Thất, hỏi:

- Phật với đạo khác nhau bao nhiêu ?

Thạch Thất nói:

- Đạo như mở xòe bàn tay, Phật như nắm lại thành nắm tay.

Sư bèn vái chào Thạch Thất từ giã ra đi. Thạch Thất đưa ra tới cổng chùa, nói:

- Ông đừng có đi mà không trở lại, sau này xin hãy về bên ta !

***

Vi Trụ tham kiến Qui Sơn, định xin Qui Sơn một bài pháp kệ.

Qui Sơn nói:

- Phật tại trước mặt ông, ông còn là kẻ độn căn. Huống hồ lại còn hình thành nơi giấy bút thì cách Phật biết là bao xa ?

Vi Trụ lại đến nhờ Ngưỡng Sơn, sư viết trên giấy cho Vi Trụ một hình tròn, rồi chú ở dưới rằng: “Tư lượng mà biết là rơi hạng thứ hai. không tư lượng mà biết là rơi xuống hạng thứ ba.

***

Ngày kia, Ngưỡng Sơn cùng Qui Sơn đi khai điền. Sư hỏi Qui Sơn:

- Tại sao ruộng đầu này quá cao, còn đầu kia lại quá thấp ?

Qui Sơn nói:

- Nước có thể làm bằng phẳng mọi vật, vì tánh của nước là bằng phẳng.

Sư nói:

- Nước không dựa vào gì thì không thể nói là bằng phẳng, cho nên có thể nói nước ở chỗ cao là bằng phẳng cao, nước ở chỗ thấp là bằng phẳng thấp.

Linh Hựu đồng ý.

***

Có thí chủ đem lụa đến cúng dường Qui Sơn, sư hỏi:

- Hòa thượng nhận vật phẩm cúng dường của thí chủ, lấy cái gì mà báo đáp lại ?

Qui Sơn gõ giường thiền ngầm khải thị sư, sư nói:

- Hòa thượng sao có thể đem phẩm vật của nhiều người biến thành thứ hưởng riêng của một cá nhân ?

Qui Sơn bỗng nhiên hỏi sư:

- Từ đâu tới ?

Sư đáp:

- Từ trong ruộng đến.

Qui Sơn hỏi:

- Trong ruộng có người nhiều ít ?

Sư chẳng đáp lại, chỉ chống cây cào mà đứng. Qui Sơn nói:

- Hôm nay nhìn lại không ít người cắt tranh ở Nam Sơn.

Sư cầm cào lên mà đi khỏi.

***

Lúc sư ở trong hội Qui Sơn chăn bò, đệ nhất tọa đến chỗ sư nói:

- Trăm ức đầu cỏ (phàm phu) biến thành trăm ức sư tử (Thánh).

Sư cũng chẳng trả lời, quay về lễ đường đứng hầu. Lúc đó, đệ nhất tọa đến tham vấn Qui Sơn. Sư hỏi ông ta:

- Mới vừa rồi ông hỏi tôi ‘Trăm ức đầu cỏ biến hiện thành trăm ức sư tử’ phải không ?

Đệ nhất tọa đáp:

- Đúng vậy.

Sư hỏi:

- Chính lúc đương biến hiện là ở trước đầu cỏ hay ở sau đầu cỏ ?

Đệ nhất tọa đáp:

- Lúc biến hiện không có trước sau.

Sư bèn đi ra, Qui Sơn nói:

- Sư tử (chỉ Ngường Sơn) gãy lưng rồi !

***

Lại có lần đệ nhất tọa đưa cây xơ quất lên nói:

- Nếu có ai nói được điều đạo lý thì ta sẽ cho cây xơ quất này.

Sư nói:

- Nếu tôi nói được điều đạo lý, ông có cho tôi cây xơ quất không ?

Đệ nhất tọa nói:

- Chỉ cần nói ra được điều đạo lý là được cây xơ quất.

Sư liền giựt cây xơ quất đi tuốt.

***

Có một hôm trời đang mưa, đệ nhất tọa nói:

- Tịch xà-lê, mưa tốt quá !

Sư hỏi:

- Tốt ở chỗ nào ?

Đệ nhất tọa không nói được tốt ở chỗ nào, sư nói:

- Tôi có thể nói mưa tốt ở chỗ nào đấy !

Đệ nhất tọa hỏi:

- Tốt ở chỗ nào ?

Sư chỉ dùng ngón tay chỉ mưa.

***

Hôm nọ, Qui Sơn cùng sư đi dạo núi, bỗng nhiên có con quạ tha trái hồng thị làm rơi trước mặt hai người. Qui Sơn lượm trái hồng thị đưa cho sư, sư nhận lấy rửa nước sạch sẽ, rồi trao lại Qui Sơn. Qui Sơn hỏi:

- Ông được trái hồng thị này nơi đâu ?

Sư nói:

- Đây là kết quả đạo đức cảm hóa của Hòa thượng.

Qui Sơn nói:

- Ông cũng không thể chẳng có phần.

Nói đoạn bẻ đôi trái hồng thị đưa cho sư một nửa.

***

Sư đang giặt giũ quần áo. Đam Nguyên nói:

- Chính lúc ấy thì làm thế nào ?

Sư nói:

- Chính đang lúc ấy thì thấy nơi đâu ?

***

Sư lẩn quẩn Qui Sơn trước sau cỡ 15 năm. Phàm có Thiền nhân nào chấp trước nơi ngữ cú, ngôn giáo, đều bị sư chiết phục. Cho đến khi Qui Sơn mật truyền tâm ấn, sư bèn dẫn chúng đến núi Vương Mãn dựng đạo tràng, nhân cơ duyên giáo hóa chưa khế hợp nên lại quay về Ngưỡng Sơn. Từ đó đồ chúng đông dần. Thiền hội thạnh dần.

Sư thượng đường khai thị Thiền chúng:

- Chư vị nên hướng vào bên trong mà phản tỉnh, mà ngộ tự tâm, không nên chấp trước ngữ cú, ngôn giáo của ta. Từ vô thỉ kiếp đến nay, hễ chấp mê là không ngộ, vọng tưỏng căn sâu, khó mà dẹp trừ. Do đó mà phải mở ra pháp môn phương tiện, đoạt lấy chấp trước của quí vị, quét sạch cáu bẩn. Điều đó giống như có người đem vàng ròng trộn lẫn với bách hóa mở ra tiệm bán tạp hóa. Trong lúc bán hàng hóa, chỉ căn cứ vào nặng nhẹ, mà không cần biết cái quí vị cần là cứt chuột hay vàng ròng. Tiệm của Thạch Đầu bên kia là tiệm vàng 9999, tiệm của ta bên này là tiệm tạp hóa. Có người đến cần cứt chuột, ta đưa họ cứt chuột. Người khác đến cần vàng ròng, ta cũng tìm đưa cho họ.

Lúc đó, có ông tăng bước ra nói:

- Cứt chuột con đây không cần, xin Hòa thượng ban cho vàng ròng !

Sư nói:

- Mài giủa răng lưỡi bén nhọn như đầu mũi tên để mở miệng là mãi mãi không gặp chân Phật. Ta nếu nói Thiền tông thì bên mình tìm một người bầu bạn cũng không có, huống hồ có đâu năm trăm, bảy trăm người. Ta nếu nói Đông nói Tây, tức mọi ngươi chụm đầu lại thu nhặt, giống như dùng tay không gạt con nít, đều không phải chỗ thật. Ta nay rành rõ hướng về các ông nói chuyện bên mình Thánh chẳng nên đem tâm mà đáp vào, mà nên hướng vào biển tánh như thật mà tu. Không cần ba minh sáu thông, tại sao thế ? Ấy là chuyện bên mình Thánh mạt vậy !

Tăng không có lời lẽ đối đáp.

Sư tiếp lời:

- Các vị giờ đây nên thức kiến tự tâm, thông đạt bản thể. Nếu chưa ngộ tự tâm và bản thể, bất kể tham học thế nào cũng đều chẳng nên việc. Chư vị đừng có nói là chưa từng nghe Hòa thượng Qui Sơn nói: ‘Vượt khỏi phàm Thánh, chân tánh hiển lộ. Lý sự không hai, tức là như như Phật’ nhé !

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư ?

Sư chỉ tay trong khoảng không vạch một vòng tròn, trong vòng tròn đó viết một chữ ‘Phật’. Ông tăng không lời đối đáp, sư nói với đệ nhất tọa:

- Không nghĩ điều thiện, không nghĩ điều ác. Ngay lúc đó thì thế nào ?

Đệ nhất tọa nói:

- Trong lúc đó là nơi mỗ an ổn buông thả thân tâm tính mạng.

Sư nói:

- Sao không hỏi lão tăng ta ?

Đệ nhất tọa nói:

- Trong lúc đó không thấy Hòa thượng.

Sư nói:

- Ông không thể làm cho Thiền giáo của ta phát dương sáng rộng được !

***

Có lần sư trở về Qui Sơn thăm sư phụ Linh Hựu, Linh Hựu hỏi:

- Ông hiện nay có thể gọi là bậc thiện tri thức hàng trên, nhưng ông có thể nói cho ta biết hay không, ông biện biệt cách nào đạo hạnh của người tham Thiền học đạo các nơi, bọn họ là ngộ thật hay ngộ giả, có sư thừa hay không sư thừa, luôn cả việc thuộc nghĩa học hay huyền học ?

Sư nói:

- Tuệ Tịch con có biện pháp nghiệm chứng, tỉ như thấy tăng các nơi đến tham Thiền, con liền dựng cây xơ quất lên hỏi họ: ‘Này chư vị đại đức các nơi, nói hay không nói cái này đây ?’. Hoặc giả không phải kiểu đó, như con hỏi: ‘Lão túc các nơi tuyên dương ý chỉ gì ?’

Linh Hựu khen rằng:

- Các cái đó là nanh vuốt của Tông môn xưa.

Linh Hựu lại hỏi:

- Bời bời chúng sanh, nghiệp thức đầy dẫy, không có căn bổn mà dò thì ông làm sao biết có bổn hay không bổn ?

Sư nói:

- Tuệ Tịch con tự có phương pháp.

Lúc đó có một ông tăng đi ngang qua mặt Ngưỡng Sơn, sư liền gọi một tiếng ‘Xà-lê’. Ông tăng nọ ngoái dầu lại, sư liền nói với Linh Hựu:

- Đó là nghiệp thức bời bời, không có gốc mà căn cứ.

Linh Hựu nói:

- Đó là ông lấy một giọt sữa sư tử đem pha với sáu hộc sữa lừa.

***

Tướng công Trịnh Ngưu hỏi sư:

- Không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn là như thế nào ?

Sư dựng cây xơ quất lên, tướng công nói:

- Chữ ‘Vào’ không cần mà được.

Sư nói:

- Chữ ‘Vào’ ấy không phải nói với tướng công.

***

Sư hỏi tăng:

- Từ đâu đến ?

Ông tăng ấy nói:

- Từ U Châu đến.

Sư nói:

- Ta chính đang muốn hỏi ông gạo ở U Châu giá thế nào ?

Ông tăng nói:

- Lúc con đến đây không có chuyện gì lại đi qua chợ, vô ý đạp gãy cây cầu.

Sư không còn nói gì thêm nữa. (Sư tiện hưu, có thể dịch “Sư liền thôi”).

***

Sư thấy tăng đến, cất cây xơ quất đang cầm trong tay lên. Ông tăng nọ bèn hét lên một tiếng, sư nói:

- Hét không phải là không thể được, nhưng hãy nói lão tăng không thỏa đáng chỗ nào ?

Ông tăng nói:

- Hòa thượng không nên đem cảnh tướng mà chỉ dạy người.

Sư liền đánh.

***

Sư hỏi Hương Nghiêm:

- Sư đệ gần đây có cao kiến gì ?

Hương Nghiêm nói:

- Đệ chẳng có cao kiến gì, nhưng có một bài pháp kệ:

Nguyên văn:

去 年 貧 未 是 貧

今 年 貧 始 是 貧

去 年 貧 無 卓 錐 之 地

今 年 貧 錐 也 無

Phiên âm:

Khứ niên bần vị thị bần

Kim niên bần thỉ thị bần

Khứ niên bần vô rác trùy chi địa

Kim niên bần trùy dã vô.

Tạm dịch:

Năm qua nghèo chẳng phải là nghèo

Năm nay nghèo mới thật là nghèo

Năm qua không mảnh đất cắm dùi

Năm nay ngay cả dùi cũng không.

Sư nói:

- Đệ chỉ đắc Như Lai Thiền, mà không đắc Tổ sư Thiền

***

Qui Sơn lấy một tấm gương soi gói cẩn thận gởi Ngưỡng Sơn, sư thượng đường đưa tấm gương lên nói:

- Hãy nói xem đây là kính của Qui Sơn hay là kính của Ngưỡng Sơn ? Nếu có người nói được ta sẽ không đập bể gương.

Tăng chúng đều không nói được, sư bèn đập bể gương.

***

Sư hỏi Song Phong.

- Sư đệ gần đây có cao kiến gì ?

Song Phong đáp:

- Theo cái thấy của đệ thì trong đại thiên thế giới không một pháp nào tồn tại.

Sư nói:

- Kiến giải của sư đệ còn chấp nơi cảnh tướng.

Song Phong nói:

- Đệ chỉ có thể như thế, chẳng hay sư huynh thì thế nào ?

Sư nói:

- Sư đệ há không biết cái người biết đại thiên thế giới không còn một pháp nào ru ?

Qui Sơn sau đó nghe được nói:

- Lời nói của Tịch tử nghĩ giết cả người trong thiên hạ.

***

Có ông tăng hỏi:

- Pháp thân biết hay không biết thuyết pháp ?

Sư nói:

- Ta không thể nói Pháp thân biết hay không, nhưng có một người có thể nói.

Tăng hỏi:

- Người biết đó hiện ở đâu ?

Sư đẩy ra một cái gối. Sau đó, Qui Sơn nghe được nói:

- Thiền cơ của Tịch tử bén nhọn như đao kiếm.

***

Sư nhắm mắt ngồi, có ông tăng rón rén bước đến bên sư đứng hầu. Sư bổng mở trợn mắt, sau đó vẽ một vòng tròn trên đất, bên trong vòng tròn viết một chữ ‘Nước’ quày đầu nhìn ông lăng. Ông tăng không nói được lời.

***

Sư quảy một cây Thiền trượng, tăng hỏi:

- Được cây gậy ở đâu vậy ?

Sư cầm Thiền trượng giấu phía sau lưng. Ông tăng nghẹn lời.

***

Sư hỏi ông tăng:

- Ông biết điều gì ?

Ông tăng đáp:

- Biết bói quẻ.

Sư đưa cây xơ quất lên nói:

- Đây là quẻ gì trong 64 quẻ ?

Ông tăng đớ lưỡi. Sư tự nói:

- Mới hồi nãy là quẻ ‘Lôi thiên đại tráng’, bây giờ đã biến thành quẻ ‘Địa hỏa minh di’.

***

Ông tăng hỏi:

- Người xưa nói: ‘Thấy sắc là thấy tâm’, giường thiền là sắc, thỉnh Hòa thượng ly sắc chỉ ra tâm của con.

Sư nói :

- Cái gì là giường thiền, hãy chỉ ra xem ?

Ông tăng không lời đối đáp.

***

Sư cùng một ông tăng đang trò chuyện, bên cạnh có ông tăng nói

- Nói năng là Văn Thù, im lặng là Duy-ma.

Sư nói:

- Không nói năng mà cũng không im lăng, há có phải là ông đó chăng ?

Ông tăng ấy tịt ngòi. Sư nói:

- Vì sao không hiển lộ thần thông ?

Ông tăng ấy nói:

- Không phải con không chịu hiển lộ thần thông, chỉ sợ bị Hòa thượng thu nhập vào giáo.

Sư nói:      

- Xét nơi ông đến, dám chắc là không có con mắt ngoài giáo điển.

Hỏi:

- Thiên đường và địa ngục cách nhau bao xa ?

Sư dùng gậy vạch dưới đất một gạch.

***

Lúc sư trụ ở núi Quan Âm có đưa ra một thông cáo: ‘Trong lúc ta xem kinh, không được hỏi chuyện’. Sau đó, có ông tăng định hỏi chuyện gặp ngay lúc sư đang xem kinh, bèn đứng hầu một bên đợi sư xem xong. Sư cuộn quyển kinh lại, hỏi ông tăng:

- Lãnh hội không ?

Ông tăng đáp:

- Con không xem kinh làm sao lãnh hội được ?

Sư nói:

- Ngày sau ông lãnh hội.

***

Tăng hỏi:

- Tiêu bản đốn ngộ của Thiền tông, rốt lại làm thế nào để nhập môn ?

Sư nói:

- Về điểm này, rất khó mà giảng rõ cho ông hiểu. Đối với người có đầy đủ căn tánh thượng đẳng, trí tuệ thượng hạng mà nói thì chỉ cần một lời là đã triệt ngộ, được đại giải thoát. Còn đối với loại căn tánh u tối, trí tuệ nhỏ nhoi, bậc đại đức Thiền tông xưa đã nói: ‘Nếu chẳng an tâm tọa Thiền, thanh tịnh tư lự thì đến lúc đó chỉ là một mảng mù mờ’.

Ông tăng ấy nói:

- Ngoài điều đó ra còn có pháp môn phương tiện nào dạy kẻ học trò này ngộ nhập Thiền lý chăng ?

Sư nói:

- Ngoài điều đó ra còn có hay không có, chỉ tổ làm cho tâm thêm bất an. Ông là người ở đâu ?

Ông tăng đáp:

- Là người U châu.

Sư hỏi:

- Ông còn tưởng nhớ U Châu không ?

Ông tăng đáp:

- Lúc nào cũng tưởng nhớ.

Sư hỏi:

- Nơi đó đình đài, lầu gác, rừng vườn, hành lang vẽ hình cho đến người cười, ngựa hí, tất cả mọi cảnh tượng náo nhiệt, ông hôm nay có còn tưởng tượng mà thấy ra chăng ?

Ông tăng nói:

- Sau khi con đến đây thì mọi cái nơi đó đều không còn tồn tại.

Sư nói :

- Ngộ giải của ông còn vướng kẹt nơi cảnh. Ông không có Phật tánh, tự tâm của người tỉnh ngộ.

Ông tăng lễ tạ lui ra.

Thiền sư Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch trước trụ Ngưỡng Sơn, sau trụ Quan Âm sơn (nay là Việt Tú sơn tỉnh Quảng Đông), cách sư tiếp dẫn người học, lợi tế chúng sanh, Thiền tông đời sau coi đó là tiêu chuẩn. Trước khi thiên hóa mấy năm, sư có kệ rằng:

Nguyên văn:

年 滿 七 十 七

老 去 是 今 日

任 性 自 浮 沈

兩 手 攀 屈 膝

Phiên âm:

Niên mãn thất thập thất

Lão khứ thị kim nhật

Nhiệm tính tự phù trầm

Lưỡng thủ phan khuất tất.

Tạm dịch:

Tuổi tròn bảy mươi bảy

Tới ngày ra đi rồi

Mặc tính chìm hay nổi

Hai tay chống gối thôi.

Sau tại Đông Bình Thiều Châu nhập diệt đúng 77 tuổi, hai tay ôm gối mà qua đời. Sắc thụy là Trí Thông Đại sư, tháp tên Diệu Quang. Đời sau có người dời tháp về Ngưỡng Sơn.

 

PHẦN PHỤ LỤC:

Tuệ Tịch đang chăn bò ở sườn phía trước núi Qui, thấy một ông tăng lên núi, sau đó không lâu lại xuống núi, sư nói:

- Sao thượng tọa không ở lại núi ít lâu ?

Ông tăng nói:

- Chỉ nhân vì không khế hiệp cơ duyên !

Sư nói:

- Có cơ duyên gì thử nói ra xem !

Tăng nói:

- Hòa thượng hỏi tôi tên gì, tôi nói tên Qui Chân. Hòa thượng hỏi qui chân là qui về đâu, tôi không có lời đối đáp.

Sư nói:

- Thượng tọa hãy trở lên núi nói với Hòa thượng là con đã hồi đáp được rồi. Như Hòa thượng hỏi hồi đáp thế nào thì nói: ‘Trong mắt, trong tai, trong mũi’.

Ông tăng bèn trở lên núi đem lời sư chỉ dạy mà nói lại với Hòa thượng. Qui Sơn nói:

- Kẻ gian xảo kia ! Đây là lời nói của bậc cao tăng giáo hóa 500 người !

(Theo Ngưỡng Sơn ngữ lục)

***

Qui Sơn đang cùng sư chăn bò. Qui sơn hỏi:

- Trong đó có còn Bồ-tát chăng ?

Sư đáp:

- Còn.

Qui Sơn nói:

- Ông thấy cái nào là phải thử chỉ xem !

Sư đáp:

- Hòa thượng nghi cái nào không phải thử chỉ ra xem !

Qui Sơn liền thôi nói.

(Theo Ngưỡng sơn ngữ lục)

***

Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng chu du miền Bắc, tham kiến thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, sau đó trở về thị phụng Tuệ Tịch. Sư hỏi:

- Ông đến đây làm gì ?

Nam Tháp đáp:

- Tham kiến Hòa thượng.

Sư hỏi:

- Có thể thấy Hòa thượng không ?

Đáp:

- Thấy rồi.

Sư hỏi:

- Hòa thượng ta giống hay không giống con lừa ?

Đáp:

- Con thấy Hòa thượng lại cũng chẳng giống Phật.

Sư Hỏi:

- Nếu không giống Phật thì giống cái gì ?

Nam Tháp đáp:

- Như có giống cái gì thì cùng lừa đâu có chi sai biệt ?!

Sư kinh ngạc quá đỗi nói:

- Phàm và Thánh tiêu diệt hết, vọng tình trừ tận, thật thể hiển lộ. Ta dùng câu hỏi này khám nghiệm người đã 20 năm chưa có một ai biện minh rốt ráo. Ông khá bảo trì, củng cố nhé.

Sư thường nói với người khác:

- Đây là Phật thân phàm.

(Theo Ngưỡng Sơn ngữ lục)

***

Quan thị ngự họ Lưu hỏi:

- Chỉ ý khiến tâm minh liễu, có được nghe không nào ?

Sư nói:

- Nếu muốn cho tâm minh liễu thì thật ra chẳng có tâm nào để mà minh liễu. Cái tâm chẳng cần minh liễu mới là sự minh liễu chân chánh.

(Theo Ngưỡng sơn ngữ lục)

***

Sư hỏi ông tăng:

- Gần đây nhất rời xa nơi nào ?

Tăng đáp:

- Phương Nam.

Sư đưa gậy lên nói:

- Các lão Hòa thượng nơi đó có nói cái này không ?

Tăng đáp:

- Không nói.

Sư nói:

- Nếu đã không nói cái này, tức nói cái kia chăng ?

Tăng đáp:

- Không nói.

Sư gọi:

- Đại đức !

Tăng ứng tiếng dạ, sư nói:

- Hãy đến tăng đường tham kiến đi !

Ông tăng liền đi ra. Sư lại gọi:

- Đại đức !

Ông tăng quay đầu lại. Sư nói:

- Bước lại đây !

Ông tăng bước lại. Sư dùng gậy gõ lên đầu ông tăng nói:

- Đi đi!

Vân Môn Văn Yển nói:

- Ngưỡng Sơn nếu không có câu nói sau thì làm thế nào mà biện thức người.

(Theo Ngưỡng sơn ngữ lục)

***

Lưu ngự giá vào núi, sư ra cửa nghinh tiếp. Ngự giá vừa đi tới cổng liền hỏi:

- Ba cửa đều mở, từ cửa nào mà vào ?

Sư đáp:

- Từ cửa tin vào.

Lưu đến pháp đường lại hỏi:

- Chẳng vào cảnh giới mà nhập Phật cảnh giới thì thế nào ?

Sư gặt ngược cây xơ quất điểm ba điểm. Lưu lễ bái, sư lại hỏi:

- Nghe nói ngự giá xem kinh mà ngộ phải không ?

Lưu nói:

- Đệ tử xem kinh Niết-bàn tới câu: ‘Chẳng đoạn trừ phiền não mà vào Niết-bàn’ được phần an lạc.

Sư dựng đứng cây xơ quất nói:

- Chỉ như cái này làm sao vào ?

Lưu nói:

- Một chữ ‘vào’ cũng chẳng được.

Sư nói:

- Một chữ ‘vào’ chẳng vì ngự giá.

Lưu ngự giá dứng dậy ra di.

 

 

THIỀN SƯ TRÍ NHÀN HƯƠNG NGHIÊM

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Sư người Thanh Châu, chán tục từ song thân, quan phương mộ đạo tu tập tại Thiền hội của Qui sơn. Qui Sơn biết sư là pháp khí nên có ý định kích phát ánh sáng trí tuệ của sư. Một hôm. Linh Hựu nói với sư:

- Ta không hỏi kiến giải một đời ông học hỏi, cũng không hỏi các văn cú mà ông nhớ được từ trong thiên kinh vạn quyển mà ông từng đọc qua, mà chỉ hỏi bổn phần sự khi ông chưa lọt bào thai chẳng biết gì cả. Ông thử nói một câu, ta sẽ dự ghi tương lai cho ông.

Sư mờ mịt không hiểu, chẳng thể đối đáp. Suy nghĩ một lúc lâu sư mới nêu vài câu trần thuật kiến giải của mình, đều không được Linh Hựu ấn khả. Sư nói:

- Thỉnh Hòa thượng nói giùm con !

Linh Hựu nói:

- Nếu ta nói thì đó là kiến giải của ta, đối với nhận thức đạo pháp của ông có gì hay đâu.

Sư quay về tăng đường, lục mọi văn cú thu tập được của tùng lâm các nơi trước đây kiểm qua một lượt mà rốt lại chẳng có một văn cú nào có thể đem ra ứng đối. Sư tự than thở: ‘Bánh vẽ không làm người ta no bụng’. Đoạn đem tất cả những gì ghi chép đốt sạch nói:

- Đời này không học Phật pháp nữa, chỉ làm hành cước tăng, mãi mãi ăn cơm cháo thí chủ, khỏi phải lao tâm, thương thần.

Sau đó, sư khóc biệt Qui Sơn ra đi. Đi đến Nam Dương (nay là dãy Đặng huyện Hà Nam), nhìn di tích của quốc sư Tuệ Trung, bèn dừng nghỉ lại đó. Một ngày kia, sư đang giẫy cỏ trong núi, nhân ngói bể gạch vụn văng vào cây trúc phát ra tiếng, ngay lúc đó bỗng nhiên tỉnh ngộ cười ngất. Sư liền quay về chỗ ở tắm gội sạch sẽ, đốt nhang lễ bái Linh Hựu từ xa, tán thán rằng:

- Hòa thượng từ bi quá cha mẹ. Nếu trước kia nói giùm con thì đâu có được tình cảnh hôm nay.

Sau đó, sư làm bài thi cảm ngộ:

Nguyên văn:

一 擊 忘 所 知

更 不 假 修 治

動 容 揚 古 路

不 堕 悄 然 機

處 處 無 蹤 跡

聲 色 外 威 儀

諸 方 達 道 者

咸 言 上 上 機

Phiên âm:

Nhất kích vong sở tri

Cánh bất giả tu trì

Động dung dương cổ lộ

Bất đọa thiểu nhiên ky

Xứ xứ vô tung tích

Thanh sắc ngoại oai nghi

Chư phương đạt đạo giả

Hàm ngôn thượng thượng ky.

Tạm dịch:

Trúc dội quên biết đi

Cũng chẳng cần tu trì

Nhếch mặt đường xưa lộ

Không rơi cơ tí ti

Chốn chốn đều tung lích

Hình tiếng thảy oai nghi

Nơi nơi bậc đạt đạo

Đều cho là thượng ky.

***

Sư thượng đường nói:

- Đạo tại ngộ đạt, không tại lời lẽ. Huống chi thấy mật mật đường đường, chưa từng lúc nào cạn hết. Chẳng mệt tâm ý. Tạm mượn hồi quang. Ngày dùng hết công phu, đường mê tự đổi ngược.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Hương Nghiêm ?

Sư đáp:

- Hoa quả cây cối không phồn vinh.

Hỏi:

- Thế nào là Tiên Đà bà?

Sư gõ giường Thiền nói:

- Lại khỏi chỗ này.

***

Hỏi:

- Thế nào là việc học ngày nay ?

Sứ lấy cây quạt quay vòng để khải thị nói:

- Thấy không ?

Tăng không lời đối đáp.

Hỏi:

- Thế nào là chánh mạng thực ?

Chú: Tăng lữ đi khất thực để duy trì chánh mạng mà tu học gọi chánh mạng thực.

Sư lấy tay chộp một cái để khai thị.

Hỏi:

- Thế nào là vô biểu giới luật ?

Sư nói:

- Đợi chừng nào xà-lê hoàn tục sẽ nói.

Hỏi:

- Thế nào là một câu ngoài thanh sắc ?

Sư đáp:

- Như mỗ đây khi chưa trụ Hương Nghiêm thì nói tại chỗ nào ?

***

Tăng hỏi:

- Khi nào thì chẳng dám nói có sở tại ?

Sư nói:

- Như người huyễn tâm tâm sở pháp.

Tăng hỏi:

- Không mộ chư Thánh, không trọng linh ứng tự kỷ thì thế nào ?

Sư nói:

- Vạn cơ dừng nghỉ, ngàn Thánh không dắt.

Lúc đó, Sơ Sơn tại trong chúng lớn tiếng ụa nói:

- Đó là lời lẽ gì thế ?

Sư hỏi:

- Ai vậy ?

Chúng đáp:

- Sư thúc.

Sư nói:

- Không đồng ý lão tăng chăng ?

Sơ Sơn bước ra nói:

- Đúng vậy.

Sư nói:

- Ông cho là nói được đấy sao ?

Sơn nói:

- Nói được.

Sư nói:

- Ông thử nói xem nào !

Sơn nói:

- Nếu bảo mỗ nói thì phải hoàn lại lễ thầy trò mới được.

Sư bèn hạ tòa lễ bái, rồi nêu lên câu khi nãy mà hỏi. Sơ Sơn nói:

- Sao không nói khẳng trọng chẳng thể toàn vẹn.

Sư nói:

- Cho dù ông như thế cũng cần 30 năm ói mửa. Dù cho trụ núi thì cũng không có củi nấu nướng, ở gần nước cũng không có nước uống. Hãy ghi nhớ cho kỹ nhé.

Sau sư thúc trụ Sơ Sơn, quả như lời sư huyền ký. Tới năm thứ 27 mới hết bịnh, nói:

- Sư huynh Hương Nghiêm dự ghi ta 30 năm ói mửa, nay mới 27 năm, còn thiếu ba năm.

Cho nên mỗi khi ăn xong, đều dùng tay móc họng cho mửa để ứng với lời dự ghi trước.

***

Hỏi:

- Thế nào là câu trước tiếng nói ?

Sư nói:

- Đại đức khi chưa hỏi là đã đáp rồi.

Tăng hỏi:

- Tức thời là thế nào ?

Sư nói:

- Tức thời hỏi đó.

Hỏi:

- Thế nào là trực tiệt nguồn gốc Phật sở ấn ?

Sư ném cây gậy xuống, thỏng tay mà đi.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp ?

Sư nói:

- Năm nay sương xuống sớm, lúa kiều mạch đều không thu hoạch được.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư lấy tay thọc vô bụng rồi móc ra cung thành nắm đấm đưa cho. Tăng liền quì gối, lấy hai tay ra dáng như tiếp nhận. Sư nói:

- Là cái gì ?

Tăng không lời đối đáp.

Hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Cây khô rồng gầm (nguyên văn là ‘khô mộc long ngâm’).

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Con ngươi trong đầu lâu.

Hỏi:

- Rời tứ cú, bỏ bách phi, thỉnh Hòa thượng nói !

Sư nói:

- Trước thợ săn không nên nói giới luật của bổn sư.

***

Một hôm, sư nói với đại chúng:

- Giả như có một người trên mỏm núi cao ngàn trượng, miệng ngậm nhánh cây, thân hình treo tòn ten, chân không chỗ chòi đạp, tay không chỗ vịn níu, bỗng nhiên có người hỏi về chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại. Nếu mở miệng hồi đáp thì tán thân mất mạng, mà nếu không mở lời thì phụ lòng người ta han hỏi. Ngay lúc đó biết tính làm sao đây ?

Lúc ấy, có thượng tọa Chiêu bước ra nói:

- Lúc leo cây thì không nói tới, chỉ hỏi lúc chưa leo cây thì thế nào ?

Sư mỉm cười thôi qua.

***

Sư hỏi tăng:

- Từ đâu lại ?

Tăng đáp:

- Từ núi Qui Sơn lại.

Sư hỏi:

- Hòa thượng gần đây có ngôn cú gì ?

Tăng đáp:

- Người ta hỏi chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại, Hòa thượng dựng cây xơ quất lên.

Sư nghe kể lại thế bèn nói:

- Anh em trong ấy hiểu chỉ ý của Hòa thượng thế nào ?

Tăng đáp:

- Anh em trong ấy thương lượng rằng: Thấy sắc minh tâm, phụ vật hiển lý.

Sư nói:

- Lãnh hội thì lãnh hội liền, không lãnh hội thì trước tử cấp làm chi ?!

Chú: ‘Tử cấp’ không hiểu là nghĩa gì. Chờ chỉ giáo.

Tăng hỏi:

- Ý sư thì thế nào ?

Sư liền dựng cây xơ quất lên.

Sư phàm khai thị học đồ, lời lẽ phần nhiều giản lược thẳng tuột, sư có hơn 200 bài kệ tụng, tùy duyên mà đối cơ, không câu nệ thanh luật trắc bằng gì cả, thịnh hành khắp mọi nơi.

 

 

ĐẠI SƯ PHÁP ĐOAN TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Có người hỏi:

- Con trùn chặt đứt làm hai đoạn, hai đầu đều động dậy, vậy Phật tánh ở tại đầu nào ?

Sư dang hai tay ra.

Động Sơn nói thay:

- Hỏi ở đầu nào ?

Sư qui tịch sắc thụy Thiệu Chân, tháp tên Minh Kim.

 

 

THIỀN SƯ KÍNH SƠN HỒNG NHÂN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Sư họ Ngô, người Ngô Hưng, năm 19 tuổi lễ đại sư Vô Thượng chùa Khai Nguyên xuống tóc. Năm 22 tuổi đến Tung Nhạc thọ luật nghi cụ túc. Sau đó quay về lễ bổn sư. Bổn sư hỏi:

- Ông trong 12 thời thì lấy gì báo bốn ơn ?

Sư không lời đối đáp, ba ngày bỏ ăn, rồi đi hành cước, đến tham yết Vân Nham, nhưng cơ duyên vẫn chưa khế hợp. Sau đến tham yết Qui Sơn, mù mờ ngăn trở liền được trừ bỏ tức khắc. Gặp nạn sa thải đời Đường Hội Xương, chúng đều sầu thảm, sư nói:

- Đại trượng phu chịu cơn ách nạn này, há chẳng phải do mạng đó sao ? Sao lại bắt chước thói đàn bà, con nít vậy !

Năm đầu niên hiệu Đại Trung lại phục hồi tướng sa-môn, quay về viện Tây Phong ở cố hương. Năm thứ sáu đời Đường Hàm Thông lên Kính Sơn. Qua năm sau, bổn sư qui tịch, chúng thỉnh kế nhiệm, làm đời thứ ba Kính Sơn, nhưng đối với pháp thì vẫn là pháp tự của Qui Sơn.

Tăng hỏi:

- Im lìm như tro tàn thì thế nào ?

Sư đáp:

- Vẫn giống như công cán của thời nhân.

Tăng hỏi:

- Sau khi công cán thì thế nào ?

Sư nói:

- Người cày ruộng không trồng lúa.

Hỏi:

- Rốt lại là thế nào ?

Sư nói:

- Lúa chín không ra đồng.

Hỏi:

- Kẻ ở cửa rồng không nương thế gió mà vẫn nhảy vượt qua thì thế nào ?

Sư nói:

- Vẫn là phẩm thứ nhất, thứ nhì.

Hỏi:

- Điều đó nếu đã là thứ bậc, thì con đường hướng thượng thế nào ?

Sư nói :

- Ta không biết có cửa rồng của ông.

Hỏi:

- Như sương, như tuyết thì thế nào ?

Sư nói:

- Vẫn là ô nhiễm.

Hỏi:

- Không ô nhiễm thì thế nào ?

Sư nói:

- Không đồng sắc.

***

Thượng tọa Toàn Minh ở Hứa Châu trước đó hỏi Thạch Sương:

- Một sợi lông xuyên thủng lỗ huyệt nhiều người thì thế nào ?

Thạch Sương nói:

- Phải sau ngàn năm.

Hỏi:

- Sau ngàn năm thì thế nào ?

Sương nói:

- Thi đậu mặc tình ông thi đậu. Bạt tụy mặc tình ông bạt tụy.

Sau đó, Toàn Minh lại đến hỏi Sư:

- Một sợi lông đâm thủng lỗ huyệt nhiều người thì thế nào ?

Sư nói:

- Quang ngoa thì mặc ông quang ngoa (Chờ chỉ giáo!). Kết thúc thì mặc ông kết thúc.

Tăng hỏi:

- Thế nào là dài ?

Sư nói:

- Ngàn Thánh cũng không thể đo lường.

Hỏi:

- Thế nào là ngắn ?

Sư nói:

- Không lắp đầy mắt con sâu tiêu minh.

Ông tăng này không chấp nhận liền đến thuật tự sự với Thạch Sương. Thạch Sương nói:

- Chỉ vì quá gần sự thật.

Tăng hỏi:

- Thế nào là dài ?

Thạch Sương nói:

- Không cong quẹo khuất lấp.

Hỏi:

- Thế nào là ngắn ?

Sư đáp:

- Song lục (con xí ngầu) trong mâm không uống thải (?) (Chờ chỉ giáo !)

***

Trưởng lão Phật Nhật đến thăm sư. Sư hỏi:

- Phục thừa trưởng lão riêng giáo hóa một phương. Lấy gì tiến cử kẻ du lãm đỉnh núi ?

Phật Nhật đáp:

- Trăng sáng treo từng không. Băng sương không tự lạnh.

Sư hỏi:

- Đó phải chăng là thói nhà của trưởng lão ?

Trưởng lão nói:

- Chót vót muôn lớp ải. Trong đó ngậm trăng báu.

Sư nói:

- Đó vẫn là văn từ, ngôn ngữ. Thế nào mới là thói nhà của trưởng lão ?

Trưởng lão nói:

- Hôm nay may mà gặp Phật Nhật ta.

Trưởng lão Phật Nhật lại hỏi sư:

- ‘Ẩn mật toàn chân thời nhân biết là nói không được. Thái tỉnh vô cô thời nhân biết là nói được’. Nơi hai con đường này là chỗ thời nhân lên xuống. Xin hỏi Hòa thượng thân nói, tự nói, nói thế nào ?

Sư nói:

- Chỗ nói của nhà ta là không có cái nói ấy.

Phật Nhật nói:

- Trên đường Như Lai chẳng riêng tư quanh quẹo. Xin thỉnh lời mầu hòa điệu một trường !

Sư nói:

- Mặc ông hai vành chiếu với nhau. Đàm biếc ngoài mây chẳng liên quan.

Phật Nhật nói:

- Xin báo bạc đầu vô hạn chúng. Hồi còn niêu thiếu chẳng về quê.

Sư nói:

- Già trẻ một vành không trái nghịch. Nhà ta huyền lộ chẳng trật sai.

Phật Nhật nói:

- Một lời định thiên hạ. Bốn câu vì ai đây ?

Sư nói:

- Ông nói có ba bốn. Ta nói trong ấy một cũng không.

Sư nhân đó bài kệ rằng:

Nguyên văn:

東 西 不 相 顧

南 北 與 誰 留

汝 即 言 三 四

我 即 一 也 無

Phiên âm:

Đông tây bất tương cố

Nam bắc dữ thùy lưu

Nhữ tức ngôn tam tứ

Ngã tức nhất dã vô.

Tạm dịch:

Đông Tây chẳng nhìn nhau

Nam Bắc cùng ai thông

Ông tức nói ba bốn

Ta thì một cũng không.

Ngày 28 tháng 9 năm Quang Hóa thứ tư, sư báo cùng đại chúng mà viên tịch.

 

 

THIỀN SƯ LINH VÂN CHÍ CẦN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Sư người Trường Khê. Ban đầu, sư ở trong hội của Qui Sơn, nhân nhìn hoa đào mà đại ngộ đạo, có kệ rằng:

Nguyên văn:

三 十 年 來 尋 劍 客

幾 回 落 葉 又 抽 枝

自 從 一 見 桃 花 後

直 至 如 今 更 不 疑

Phiên âm:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách

Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi

Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim cánh bất nghi.

Tạm dịch:

Ba mươi năm qua tìm kiếm khách

Bao lần lá rụng lại đâm chồi

Từ khi vừa thấy hoa đào nở

Cho đến hôm nay hết nghi thôi.

Thiền sư Linh Hựu xem kệ, hỏi điều sư đã ngộ, cùng với ý bài thơ phù hợp nói:

- Theo duyên ngộ đạt, mãi mãi không lui mất, hãy khéo tự hộ trì.

Sư bèn trở về Mân Xuyên, đồ chúng học đạo huyền kéo tới như mây.

***

Sư thượng đường nói với chúng rằng:

- Này các nhân giả, sở hữu dài ngắn, đều đưa đến bất thường. Cứ xem cỏ cây bốn mùa, lá rụng hoa nở. Hà huống từ bao trần kiếp đến giờ, trời người sáu nẻo, đất nước gió lửa thành hoại luân chuyển, nhân quả tiếp nối, ba đường ác khổ, lông tóc chẳng thêm bớt, duy gốc rễ của thần thức thường còn. Kẻ thượng căn gặp bạn tốt bày tỏ sáng rõ, ngay đương xứ mà được giải thoát, đó là đạo tràng. Trung hạ căn ngu si, chẳng thể giác chiếu, chìm mê trong ba giới lưu chuyển trong sanh tử. Đức Thích Tôn vì họ, trên trời, trong cõi người, thiết lập giáo pháp chứng minh, hiển phát trí đạo. Các vị có lãnh hội không ?

***

Hỏi:

-  Thế nào là rời khỏi sanh, già, bịnh, chết ?

Sư đáp:

- Núi xanh nguyên chẳng động. Mây nổi tự tới lui.

Hỏi:

- Quân vương ra trận là thế nào ?

Sư nói:

- Ngoài cửa Xuân Minh không hỏi kinh đô Trường An.

Hỏi:

- Làm thế nào chầu hầu Thiên Tử ?

Sư nói:

- Con hạc đui đáp xuống ao trong. Cá từ dưới chân nó lội qua.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp ?

Sư nói:

- Chuyện lừa chưa xong, chuyện ngựa lại đến.

Tăng chưa hiểu chỉ ý nói:

- Thỉnh chỉ thị lần nữa !

Sư nói:

- Thải khí ban đêm thường động. Tinh linh ngày ít gặp.

Tuyết Phong có bài tiễn Song Phong ra ngoài Lĩnh, câu chót viết: “Sấm dứt chẳng dừng tiếng”, Sư sửa lại là: “Sầm rền không nghe tiếng”.

Tuyết Phong nghe được nói:

- Trên đầu núi có mây linh, trăng xưa hiện.

Tuyết Phong hỏi:

- Người xưa nói: ‘Trước ba ba sau lại ba ba’ ý chỉ như thế nào ?

Sư nói:

- Cá trong nước, chim trên núi.

Tuyết Phong nói:

- Ý chỉ như thế nào ?

Sư đáp:

- Cao có thể bắn, sâu có thể câu.

***

Tăng hỏi:

- Các nơi đều ăn tạp, xin hỏi sư thì thế nào ?

Sư đáp:

- Riêng có xứ Mân Trung khác. Hùng hùng trấn góc bể.

Hỏi:

- Bao năm chiến đấu ngoài xa trường sao công không thành ?

Sư đáp:

- Nếu vua hữu đạo thì ba bên, bốn phía biên cương an tịnh, cần gì phải lao khổ xây dựng trường thành muôn dặm.

***

Hỏi:

- Ngừng bặt can qua, trói tay qui hàng triều đình thì thế nào ?

Sư đáp:

- Mây lành thấm khắp vô biên quốc độ. Cây khô không hoa biết làm sao ?

***

Trường Sanh hỏi:

- Lúc hỗn độn chưa phân minh thì loài hàm sanh từ đâu đến ?

Sư nói:

- Như cây lộ trụ sanh con vậy.

Hỏi:

- Sau lúc phân minh thì thế nào ?

Sư đáp:

- Như một đốm mây điểm trời xanh.

Hỏi:

- Xin hỏi trời xanh còn có bị điểm nữa không ?

Sư nói:

- Nếu thế thì loài hàm sanh không lại vậy.

Hỏi:

- Cho dù thuần trong không có một điểm thì thế nào ?

Sư nói:

- Giống như chân thường tuôn chảy.

Hỏi:

- Thế nào là chân thường tuôn chảy ?

Sư nói:

- Như gương sáng mãi.

Hỏi:

- Hướng thượng còn có sự không ?

Sư nói:

- Có.

Hỏi:

- Thế nào là hướng thượng sự ?

Sư nói:

- Đập bể gương mà thấy.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư nói:

- Dưới giếng trồng cây lâm cầm. (Một thứ cây ăn quả gọi là hoa hồng hay sa quả)

Nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Năm nay đào lý quí, một quả giá ngàn vàng.

Hỏi:

- Ngọc ma-ni không theo sắc các thứ khác, xin hỏi là màu gì ?

Sư nói:

- Màu trắng.

Hỏi:

- Nếu thế thì đã theo màu của thứ khác rồi ?

Sư nói:

- Ngọc Bích nước Triệu vốn không tì vết. Lạn Tương Như gạt vua Tần.

Hỏi:

- Quân vương ra trận thì thế nào ?

Sư nói:

- Lữ tài chôn tai cọp.

Hỏi:

- Chuyện ấy thế nào ?

Sư nói:

- Ngồi thấy trời màu áo trắng.

Hỏi:

- Vua nay ở đâu ?

Sư nói:

- Đừng chạm mặt rồng !

 

 

HÒA THƯỢNG ỨNG THIÊN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Hỏi:

- Người người đều có Phật tánh, thế nào là Phật tánh của Hòa thượng ?

Sư hỏi lại:

- Ông gọi cái gì là Phật tánh ?

Nói:

- Nếu thế thì Hòa thượng không có Phật tánh rồi ?!

Sư bèn kêu:

- Sung sướng ! Sung sướng !

 

 

THIỀN SƯ TỪ TUỆ CỬU PHONG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Ban đầu sư ở trong hội của Qui Sơn. Gặp lúc Thiền sư Hựu thượng đường nói:

- Mấy người các ông chỉ được đại thể chứ không được đại dụng.

Sư rướn người đi ra. Qui Sơn triệu gọi nhưng sư vẫn không quay đầu lại nhìn. Qui Sơn nói:

- Gã này làm được pháp khí đây !

***

Sư ngày nọ từ giã Qui Sơn đi vào Lĩnh nói:

- Mỗ tuy từ biệt Hòa thượng nhưng ngoài ngàn dặm xa xăm vẫn không rời tả hữu.

Qui Sơn mặt lộ vẻ xúc động nói:

- Trên đường cẩn thận !

 

 

HÒA THƯỢNG MỄ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Ban sơ, sư tham học thọ nghiệp tại đạo tràng Qui Sơn. Trong chùa có vị lão túc hỏi:

- Vết dây tơ gợn trong mặt trăng, người đương thời gọi là con rắn, xin hỏi Thất sư thấy Phật thì gọi là gì ?

Sư nói:

- Nếu có Phật thấy được thì giống như chúng sanh.

Lão túc nói:

- Ngàn năm hột đào.

***

Sư sai tăng đến hỏi Ngưỡng Sơn rằng:

- Thời nay còn cần ngộ hay không ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Ngộ thì chẳng không, ngặt nỗi rơi tại đầu thứ hai.

Sư rất đồng ý. Sư lại sai tăng đến hỏi Động Sơn rằng:

- Cái kia cứu cánh thế nào ?

Động Sơn nói:

- Thì phải hỏi y mới được !

Sư cũng đồng ý.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện dưới áo nạp ?

Sư nói:

- Xấu xa quê lậu mặc ông chê, không vác màu Thiên hà.

 

 

HÒA THƯỢNG HOẮC SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Một ông tăng ở chỗ Ngưỡng Sơn đến, tự xưng là Tứ Đằng Điều Thiên Hạ Đại Thiền Phật ở dưới ngọn Tập Vân đến tham vấn.

Chú: Tứ Đằng Điều Thiên Hạ Đại Thiền Phật là hiệt hiệu của Hòa thượng Cảnh Thông ở Hoắc Sơn.

Sư bèn gọi Duy-na đem củi thước lại. Đại Thiền Phật co giò rút lui lẹ.

Sư nghe Hòa thượng Bí Ma Nham hễ có tăng đến tham bái liền lấy chĩa cây nạng cổ, bèn ngày kia đến thăm. Vừa thấy Bí Ma, sư chẳng thèm lễ bái liền sa vào lòng Bí Ma. Bí Ma vỗ lưng sư ba cái, sư đứng dậy vỗ tay nói:

- Sư huynh, đệ từ ngàn dặm đến.

Nói đoạn ra về.

 

 

THƯỜNG THỊ VƯƠNG KÍNH SƠ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUI SƠN LINH HỰU

 

Vương công đang xem xét công văn thì hòa thượng Mễ đến. Vương công bèn đưa bút lên. Mễ hỏi:

- Có phán xét được hư không chăng ?

Công ném bút rút lui vào trong nội sảnh, rốt lại không bước ra nữa. Mễ hoài nghi nên hôm sau bảo tăng cúng dường chủ vào phủ đường thám xét ý của Vương. Mễ cũng theo đến, đứng núp sau tấm bình phong để dò xét. Tăng cúng dường chủ vừa ngồi bèn hỏi ngay:

- Ngày hôm qua Hòa thượng Mễ có lời lẽ gì mà không được ngài tiếp kiến ?

Vương công nói:

- Sư tử táp người, chó hàn lư đuổi theo xương.

Hòa thượng Mễ nghe thế tỉnh ngộ ngay điều lầm lẫn trước, liền bước ra cười nói:

- Lão lãnh hội rồi ! Lão lãnh hội rồi !

***

Công từng có lần hỏi một tăng:

- Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh không vậy ?

Tăng đáp:

- Tất cả đều có.

Công chỉ hình con chó vẽ trên tường hỏi:

- Cái này có không vậy ?

Tăng không lời đối đáp. Công tự đáp thay:

- Coi nó sủa quâu quấu kìa !

 

 

THIỀN SƯ ĐẠI TÙY PHÁP CHÂN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Tăng hỏi:

- Lửa kiếp dậy lên, tam thiên đại thiên thế giới đều hoại diệt, xin hỏi cái đó có hoại diệt không ?

Sư nói:

- Hoại diệt.

Tăng nói:

- Nếu như thế thì tùy theo chúng sanh rồi ?!

Sư nói:

- Tùy theo chúng sanh.

Hỏi:

- Thế nào là tướng đại nhân ?

Sư nói:

- Trên bụng không dán bảng.

***

Sư hỏi tăng:

- Đi về đâu ?

Đáp:

- Đi về chỗ trụ am ở Tây Sơn.

Sư hỏi:

- Ta hướng đầu Đông sơn gọi, ông có đến được không ?

Tăng nói:

- Tức là không được.

Sư nói:

- Ông trụ am chưa được đâu !

***

          Hỏi:

- Sanh tử đến thì làm sao ?

Sư đáp:

- Gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm.

Hỏi:

- Ai nhận cúng dường ?

Sư đáp:

- Nên lấy bình bát.

***

Bên am sư có một con rùa. Tăng hỏi:

- Mọi loài chúng sanh da bọc xương, con vật này xương bọc da thì thế nào ?

Sư giơ giày cỏ bên hông rùa cọ cọ. Tăng không lời đối đáp.

***

Hỏi:

- Thế nào là pháp yếu của chư Phật ?

Sư dựng cây xơ quất lên nói:

- Lãnh hội không ?

Đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Cây xơ quất đuôi nai.

Hỏi:

- Thế nào là tự kỷ của kẻ học này ?

Sư đáp:

- Là tự kỷ của ta.

Hỏi:

- Tại sao lại là tự kỷ của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Là tự kỷ của ông.

Hỏi:

- Thế nào là tháp không lằn hồ ?

Sư đáp:

- Cao năm thước.

Nói:

- Kẻ học này không hiểu.

Sư nói:

- Gạch ngói lộn xộn (1).

Hỏi:

- Hòa thượng trăm tuổi pháp giao lại cho ai ?

Sư nói:

- Hỏa lư trên cây lộ trụ.

Hỏi:

- Có người nhận không vậy ?

Sư đáp:

- Cây lô trụ trên có hỏa lư.

Chú (1): Nguyên văn ‘Cốt lôn’ có nghĩa không phân minh.

***

Có vị hành giả lãnh đạo một nhóm người đến. Sư hỏi:

- Người tham vấn gọi chủ (đông) là gì.

Đáp:

- Không thể gọi là chủ.

Sư nói:

- Gã lừa xấu xí, không gọi là chủ thì gọi là gì ?

Hành giả không lời đối đáp, mọi người đều giải tán

***

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Đất đỏ vẽ cái nia.

Hỏi:

- Thế nào là đất đỏ vẽ cái nia ?

Sư đáp:

- Cái nia có vành, gạo không thể văng ra được.

***

Sư hỏi một ông tăng:

- Giảng giáo pháp gì ?

Tăng đáp:

- Giảng Bách pháp môn luận.

Sư đưa gậy lên hỏi:

- Từ đâu mà khởi ?

Đáp:

- Từ duyên mà khởi.

Sư nói:

- Khổ thay ! Khổ thay !

***

Sư hỏi tăng:

- Đi về đâu ?

Đáp:

- Đi lễ bái Phổ Hiền.

Sư dựng cây xơ quất lên nói:

- Văn Thù, Phổ Hiền đều ở nơi đây !

Tăng vẽ vòng tròn làm dáng quăng ra sau, rồi lễ bái. Sư nói:

- Hãy lấy thêm trà tặng ông tăng này !

***

Ngày nọ, trong lúc chúng tăng đang tham yết, sư méo miệng có vẻ như bị trúng phong nói:

- Có ai trị cái miệng của ta không ?

Lúc đó, chúng tăng tranh nhau đưa thuốc tới. Các tục sĩ nghe nói cũng nhiều người đưa thuốc tới. Sư đều từ chối tất. Bảy ngày sau, sư tự bẻ miệng cho ngay lại rồi nói:

- Trong biết bao lâu phải nhép hai vành môi, vậy mà giờ đây chẳng có ai trị được miệng bịnh của ta.

Chúa đất Thục khâm thượng danh đức của sư sai sứ mấy lần vời thỉnh, sư đều lấy cớ bịnh hoạn già yếu chối từ. Chúa tặng hiệu Thần Chiếu Đại Sư.

 

 

THIỀN SƯ LINH THỌ NHƯ MẪN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Sư người Mân Xuyên. Quảng chúa họ Lưu nối đời khâm trọng, ban hiệu Tri Khánh Đại Sư.

Tăng hỏi:

- Chí lý của Phật pháp thế nào ?

Sư dang tay mà thôi.

***

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Ruộng ngàn năm, tám trăm người chủ.

Hỏi:

- Thế nào là ruộng ngàn năm, tám trăm người chủ ?

Sư nói:

- Nhà cửa điêu tàn không ai sửa sang.

***

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư nói:

- Con nít không phải bị quân dịch.

Nói:

- Thỉnh sư chỉ thị !

Sư nói:

- Ông từ Kiền Châu tới.

Hỏi:

- Vì sao mà khó lãnh hội đến thế ?

Sư nói:

- Xe gió trên đầu thần lửa.

* * *

Có cô ni tặng cái bát bằng sứ cho sư. Sư đưa bát lên hỏi:

- Cái này sản xuất ở xứ nào ?

Cô ni đáp:

- Sản xuất lại Định Châu.

(Pháp Đăng nói thay:

- Không xa dây lắm ! )

Sư bèn đập bể. Cô ni không lời đối đáp.

(Bảo Phước nói thay:

- Kẻ coi thường địch thủ thua rồi!)

***

Hỏi:

- Hòa thượng tuổi cao thấp ?

Sư đáp:

- Hôm nay sanh, ngày mai chết.

Lại hỏi:

- Hòa thượng quê quán ở đâu ?

Sư đáp:

- Mặt trời lên hướng Đông, mặt trăng lặn phía Tây.

Sư hơn 40 năm hóa bị vùng Lĩnh Biểu, có rất nhiều sự tích lạ. Quảng chúa sắp hưng binh đích thân vào viện thỉnh sư đoán xem có tốt không. Sư biết trước ngồi im mà qua đời, chúa nổi giận hỏi tri sự:

- Hòa thượng bịnh hồi nào vậy ?

Tâu rằng:

- Hòa thượng không từng bịnh, vừa mới cách đây ít lâu dán kín một phong thư dặn chừng nào đại vương đến thì đưa trình.

Chúa mở phong bì thấy một lá thơ viết rằng: ‘Mắt trời người trong nhà ngồi’. Chúa lãnh ngộ ý chỉ bèn bãi binh, rồi gọi đệ nhất tọa khai đường thuyết pháp (Tức Hòa thượng Vân Môn Văn Yến sau này). Sư toàn thân không tan, dụng cụ chôn cất cùng tháp và khám thờ đều do Quảng chúa cụ biện. Nay gọi sư là Linh Thọ, tháp tên Chân Thân.

 

 

THIỀN SƯ THỌ SƠN SƯ GIẢI

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Lúc đi hành cước, sư đến pháp tịch của Động Sơn. Động Sơn hỏi:

- Xà-lê quê quán ở đâu ?

Sư nói:

- Nếu Hòa thượng hỏi thật tình thì là người Mân Trung.

Sơn hỏi:

- Cha ông tên gì ?

Sư nói:

- Hôm nay mong ơn Hòa thượng đặt cho câu hỏi đó khiến quên ngay trước sau.

***

Sư thượng đường nói:

- Này các vị thượng tọa, hân hạnh có lời lẽ khuyên bảo nhau. Này các anh em, ai ai cũng nên tự thể tất. Phàm Thánh tình tận, thể lộ chân thường. Nên nhất thời cởi bỏ cái tâm dơ bụi, nắm bắt hư vọng trước kia đi. Như tướng hư không, như lúc khác, ngày sau nên hiểu được phần nào lành dữ.

***

Mân sư (1) hỏi:

- Thọ Sơn tuổi thấp cao ?

Sư đáp:

- Cùng hư không bằng tuổi.

Hỏi:

- Hư không tuổi thấp cao ?

Sư đáp:

- Cùng Thọ Sơn bằng tuổi.

Chú (1): Nghi là Mân Súy mới đúng.

 

 

HÒA THƯỢNG NGHIÊU SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư đáp:

- Giữa mùa đông trời lạnh lắm !

Hỏi:

- Thế nào là chỗ sâu kín của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Đợi chừng nào lưỡi ông rơi xuống đất, mới nói cho ông nghe !

Hỏi:

- Thế nào là thân vàng trượng sáu ?

Sư nói:

- Phán quan xử án, tướng công sửa đổi.

***

Trường Khánh hỏi:

- Tông thừa từ trước nơi đây ngôn luận thế nào ?

Sư đáp:

- Có lời nguyền không phụ Tiên Thánh.

Trường Khánh hỏi:

- Làm thế nào không phụ tiên Thánh ?

Sư đáp:

- Không lộ ra.

Trường Khánh nói:

- Thế nào là thỉnh sư lĩnh thoại ?

Sư nói:

- Từ đâu đến vậy ?

Trường Khánh đáp:

- Chỉ có cái từ đâu lại.

 

 

ĐẠI SƯ TUỆ NHẬT

ĐỆ TỬ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Sư họ Hoàng, người Quan Hầu Phước Châu. Sư sanh ra có tướng khác thường. Lớn lên tên Văn Cự làm lính coi ngục tại huyện. Sư thường thỉnh thoảng bỏ nhiệm vụ đến chỗ hòa thượng Linh Quan hoặc nơi Tây Viện của thiền sư Đại An, trưởng quan không thể ngăn cấm được. Sau đó, sư đến tham yết thiền sư Đàm Không ở tháp Vạn Tuế mà xuống tóc, nhưng không mặc áo cà-sa, cũng không thọ giới cụ túc, chỉ lấy vải vụn kết lại làm áo mặc. Sư đến chỗ hòa thượng Linh Quan, Quan nói:

- Ta không phải là thầy của ông. Ông hãy đến tham yết Tây Viện đi !

Sư cầm một cây gậy trúc xanh nhỏ đi vào pháp đường Tây Viện. Đại An từ xa thấy cười rằng:

- Vào Niết-bàn đường đi !

Chú: Trong Thiền viện có thiết lập Niết-bàn đường, là chỗ để các tăng nhân bịnh nặng hết thuốc chữa vào đó nằm chờ chết.

Sư vâng dạ cầm gậy trúc đi vào Niết-bàn đường. Lúc bấy giờ, có khoảng 500 tăng nhân bị nhiễm bịnh thời khí. Sư cầm gậy tuần tự điểm từng ông, ông nào được điểm xong, đều trở dậy được.

Mân Vương lễ trọng xây Thiền Uyển Quốc Hoan để sư ở. Về sau có khá nhiều linh tích. Năm Đường Càn Ninh, sư thị diệt.

 

 

HÒA THƯỢNG LỤC THỦY

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư hỏi:

- Có thấy giàn hoa dược trước sân không ?

Tăng không lời đối đáp.

 

 

HÒA THƯỢNG PHÙ GIANG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Hòa thượng Tuyết Phong dẫn chúng đến hỏi:

- Như nay có 200 chúng ký túc nơi viện quá hạ an cư được không ?

Sư lấy gậy vạch dưới đất một cái nói:

- Trước bất đắc tất đạo. (Chờ chỉ giáo)

Tuyết Phong không lời đối đáp.

 

 

THIỀN SƯ VIÊN MINH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Sư họ Trần, người Phước Châu, vốn tham vấn Đại Qui mà đắc chỉ ý. Sau đến Tuyết Phong hỏi pháp, pháp hai nơi không có vị khác. Sư từng có lần du hành núi Ngũ Đài thấy Văn Thù hóa hiện, bèn tùy nơi mà xây cất viện, lấy hai chữ Văn Thù làm biển ngạch. Niên hiệu Khai Bảo, Tiền khu mật sứ Lý Sùng Cự tuần hộ miền Nam, nhân vào viện của sư nhìn tượng Bồ-tát Địa Tạng, hỏi tăng rằng:

- Bồ-tát Địa Tạng sao lại dang tay làm chi ?

Tăng đáp:

- Viên trân châu trong tay bị trộm lấy mất rồi !

Lý lại hỏi sư:

- Đã là Địa Tạng sao còn bị trộm ?

Sư đáp:

- Hôm nay bắt được rồi !

Năm thứ nhất niên hiệu Thuần Hóa, sư thị diệt, thọ 136 tuổi (?!)

 

 

TÔN GIẢ NGHIÊM DƯƠNG TÂN HƯNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH ĐẠI AN

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật ?

Sư đáp:

- Là khối đất.

Hỏi:

- Thế nào là pháp ?

Sư nói:

- Đất động đấy !

Hỏi:

- Thế nào là tăng ?

Sư đáp:

- Ăn cháo, ăn cơm.

Hỏi:

- Thế nào là nước của Tân Hưng ?

Sư đáp:

- Trong sông trước mặt.

Hỏi:

- Thế nào là nương vật hiện hình ?

Sư nói:

- Đem giùm ta cái giường lại đây !

Sư thường có một con rắn và một con cọp theo hai bên mình. Sư đích thân lấy tay đút cho chúng ăn.

 

 

THIỀN SƯ TUỆ GIÁC viện QUANG HIẾU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Tăng hỏi:

- Hoa giác vừa bừng nở khắp Ta-bà. Tổ Ấn từ Tây lại, nên bàn luận chuyện gì ?

Sư nói:

- Tình sanh trí cách.

Tăng nói:

- Đó là giáo ý.

Sư hỏi:

- Ông mặc y phục gì ?

Tăng hỏi:

- Một gậy đả phá hư không thì thế nào ?

Sư nói:

- Mệt tức nghỉ thôi.

***

Sư hỏi Tống Tề Khâu:

- Có lãnh hội đạo không ?

Tống nói:

- Đạo làm không được.

Sư nói:

- Làm không được có, hay làm không được không ?

Tống nói:

- Trọn không phải như vậy.

Sư nói:

- Là làm không được đấy.

Tống không lời đối đáp.

***

Sư dẫn chúng ra ngoài thấy cây lộ trụ, chấp tay nói:

- Xin hỏi Thế Tôn !

Một ông tăng hỏi:

- Hòa thượng là cây lộ trụ à ?

Sư nói:

- Kêu tới máu chảy không dùng chỗ nào được, không bằng ngậm miệng qua xuân tàn.

***

Hỏi:

- Xa xôi đến đầu bôn nơi sư, ý sư thế nào ?

Sư nói:

- Nhà quan đặt lịnh nghiêm khắc, chẳng dám an bày.

Hỏi:

- Há chẳng có phương tiện sao ?

Sư nói:

- Hãy hướng trong đám lửa ngủ qua một đêm.

***

Cư sĩ Trương hỏi:

- Ngặt nỗi già rồi biết làm sao ?

Sư hỏi:

- Tuổi bao nhiêu ?

Đáp:

- Đã tám mươi.

Sư nói:

- Đúng là già thật !

Hỏi:

- Rốt lại thì thế nào ?

Sư nói:

- Cho tới ngàn năm cũng chưa trụ.

***

Có người hỏi:

- Mỗ đây bình sanh thích sát sanh, như vậy có tội không ?

Sư đáp:

- Không tội.

Hỏi:

- Tại vì sao không tội ?

Sư nói:

- Giết một, hoàn một.

 

 

THIỀN SƯ PHỤNG viện QUỐC THANH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Hỏi:

- Tổ ý (Thiền) và Giáo ý (Giáo) giống hay là khác nhau ?

Sư đáp:

- Mưa nhuần cây cỏ tốt. Gió xuân chẳng che đầu.

Hỏi:

- Thế rốt lại là một hay là hai ?

Sư đáp:

- Mây lành tranh nhau nổi. Hang động chẳng thiếu chi.

***

Hỏi.

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Ghế dựa trên mâm đá, cửa sổ trong lò lửa.

Hỏi:

- Thế nào là người xuất gia ?

Sư đáp:

- Đầu đồng, trán sắt, mỏ chim, mình nai.

Hỏi:

- Thế nào là bổn phần sự của người xuất gia ?

Sư đáp:

- Sáng dậy ‘Xin hỏi’, tối đến ‘Tạm biệt’.

***

Hỏi:

- Ngưu Đầu Pháp Dung khi chưa gặp Tứ Tổ Đạo Tín thì sao lại được trăm chim hiến hoa ?

Sư đáp:

- Như người Lũng phủ đưa tiền tài cho bò sắt.

Hỏi:

- Sau khi gặp rồi tại sao chim không ngậm hoa hiến dâng nữa ?

Sư đáp:

- Ngựa gỗ vừa hừng sáng chạy tám trăm dặm.

***

Hỏi:

- Mười hai thời trong ngày làm sao hàng phục cái tâm ?

Sư đáp:

- Khều nước đá tìm lửa, bao kiếp cũng không gặp.

Hỏi:

- Mười hai phần giáo là nghĩa chân đế. Rời khỏi chân đế thỉnh sư nói một câu ?

Sư nói:

- Bé gái tóc rẻ trái đào ở trên đỉnh núi cheo leo.

***

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp ?

Sư nói:

- Đức Thích Ca là lính đầu trâu coi ngục dưới âm phủ. Tổ sư là quỷ a bàng mặt ngựa ở âm cung.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư đáp:

- Vách Đông đánh vách Tây.

Hỏi:

- Thế nào là câu đập không bể ?

Sư đáp:

- Chẳng cách đầu sợi lông vậy mà thời nhân cách xa.

 

 

THIỀN SƯ TÙNG LÃNG MỘC TRẦN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Tăng hỏi:

- Thả hạc ra khỏi lồng đi trong tuyết thì thế nào ?

Sư đáp:

- Đạo ta không một sắc, nhân kim cương mà té xuống đất.

Tăng hỏi:

- Đã là thân kim cương không hư hoại lại sao lại còn té xuống đất ?

Sư gõ giường Thiền nói:

- Đi, đứng, ngồi, nằm.

Sư sắp qui tịch có bài tụng rằng:

Nguyên văn:

三 十 年 來 住 木 陳

时 中 無 一 假 功 成

有 人 問 我 西 來 意

展 似 眉 毛 作 麼 生

Phiên âm:

Tam thập niên lai trụ Mộc Trần

Thời trung vô nhất giả công thành

Hữu nhân vấn ngã tây lai ý

Triển tự mi mao tác ma sanh.

Tạm dịch:

Ba mươi năm qua trụ Mộc Trần

Trong thời gian ấy chẳng cần gì

Có kẻ hỏi ta Tây lai ý

Triển tự mi mao để mà chi.

 

 

THIỀN SƯ TÂN KIẾN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Sư chẳng độ các chú tiểu. Có tăng hỏi:

- Hòa thượng già rồi sao không nuôi một chú điệu để thị phụng minh ?

Sư nói:

- Nếu có đứa mù điếc nào thì tìm giùm đem lại cho ta.

***

Tăng từ giã, sư hỏi:

- Định đi về đâu ?

Tăng đáp:

- Đi về chùa Khai Nguyên ở dưới phủ.

Sư nói:

- Ta có một phong thư trao cho tự chủ Liễu, ông mang giùm được không ?

Tăng đáp:

- Xin tuân theo yêu cầu.

Sư nói:

- Tưởng ông cũng chẳng nề hà gì.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐA PHƯỚC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là một lùm trúc của Đa Phước ?

Sư đáp:

- Một cành, hai cành cong.

Tăng nói:

- Kẻ học này không hiểu.

Sư đáp:

- Ba cành, bốn cành gấp khúc.

Hỏi:

- Thế nào là chuyện dưới áo nạp ?

Sư đáp:

- Có rất nhiều người nghi đấy.

Hỏi:

- Tại sao lại như thế ?

Sư nói:

- Trong trăng giấu đầu.

 

 

HÒA THƯỢNG TÂY MỤC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của TRIỆU CHÂU TÙNG THẨM

 

Sư thượng đường, có một tục sĩ đưa tay lên nói:

- Hòa thượng đúng là một con lừa !

Sư nói:

- Lão tăng bị ông cưỡi.

Tục sĩ không lời đối đáp, ba ngày sau tục sĩ trở lại tự nói:

- Ba hôm trước đây mỗ làm giặc.

Sư đưa gậy lên đánh đuổi ra pháp đường.

***

Sư có lúc bỗng gọi thị giả. Thị giả ứng tiếng dạ, sư nói:

- Canh thâm đêm tịnh cùng ông thương lượng.

 

 

HÒA THƯỢNG THẮNG QUANG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LỢI TUNG TỬ HỒ NHAM

 

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Cây vải (lệ chi) ở Phước Châu, cây đồng gai ở Tuyền Châu.

Hỏi:

- Thế nào là hai chữ ‘Phật pháp’?

Sư đáp:

- Tức nói ngay.

Nói:

- Thỉnh sư nói !

Sư nói:

- Ông tăng Ấn Độ đeo khoen tai cười gật đầu.

***

Hòa thượng Long Hoa Chiếu đến, sư chụp lấy hỏi:

- Làm gì đây ?

Chiếu nói:

- Đừng có lầm.

Sư buông tay ra. Chiếu nói:

- Từ lâu ngưỡng mộ Thắng Quang.

Sư nín lặng. Chiếu bèn từ giã. Sư đưa ra tận cổng nói:

- Từ nay chia tay, nơi nào gặp lại đây ?

Chiếu cười ha hả mà đi.

 

 

HÒA THƯỢNG PHÙ THẠCH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của LỢI TUNG TỬ HỒ NHAM

 

Sư thượng đường nói:

 - Sơn tăng ta mở tiệm bói toán, có thể đoán người giàu nghèo, định người sống chết.

Lúc ấy, có ông tăng bước ra nói:

- Rời khỏi sống chết giàu nghèo, không rơi vào ngũ hành, thỉnh sư nói thẳng !

Sư nói:

- Kim loại, cây, nước, lửa, đất.

 

 

HÒA THƯỢNG TỬ ĐỒNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của LỢI TUNG TỬ HỒ NHAM

 

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Tử Đồng ?

Sư nói:

- Trong con mắt ông bôi cát được không ?

Nói:

- Tử Đồng ngon lành vậy mà cảnh cũng không biết.

Sư nói:

- Ta không kiêng húy chuyện ấy.

Tăng ấy đi ra. Sư bước xuống giường thiền chụp giữ lấy nói:

- Hôm nay là công án tốt đây ! Lão tăng chưa được một văn tiền vào tay.

Tăng nói:

- May gặp mỗ đây là tăng.

Sư nói:

- Họa không đến một mình.

 

 

HÒA THƯỢNG NHỰT DUNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của LỢI TUNG TỬ HỒ NHAM

 

Thượng tọa Khoát đến tham yết, sư vỗ tay ba cái nói:

- Cọp mạnh chận đầu xe hiên, ai là người đương cự nổi ?

Khoát nói:

- Chim ó nhanh nhẹn bay vọt trời cao, ai mà bắt được ?

Sư nói:

- Đó cùng đây đều không đương cự được.

Khoát nói:

- Hãy ngưng đừng quyết đoán công án này !

Sư đưa gậy lên múa lui vào phương trượng. Khoát không lời đối đáp. Sư nói:

- Chết toi gã này rồi !

 

 

HÒA THƯỢNG THẠCH THÊ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÙ DU ở NGẠC CHÂU

 

Tăng mới đến đứng trước sư một lát thôi rồi đi ra. Sư hỏi:

- Có chỗ biện bạch gì ?

Tăng đứng lại giây lâu. Sư nói:

- Biện bạch được rồi đấy ! Biện bạch được rồi đấy !

Tăng nói:

- Sau biện bạch thì thế nào ?

Sư nói:

- Chôn được rồi đấy !

Tăng nói:

- Ối trời ôi ! Ối trời ôi !

Sư nói:

- Mới hồi nãy thế nào mà giờ không nhận ?

Tăng liền đi ra.

 

 

THIỀN SƯ CÂU CHI NÚI KIM HOA

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của HÒA THƯỢNG THIÊN LONG

 

Ban đầu sư trụ am. Có ni cô tên Thật Tế đến am của Sư, đầu đội nón mê, tay cầm tích trượng, đi quanh sư ba vòng, nói:

- Như sư nói được thì con lột nón.

Hỏi ba lần sư đều không đối đáp được, ni cô bèn ra ngoài, sư nói:

- Mặt trời đà gác núi, hãy tạm lưu lại đây một đêm !

Ni cô nói:

- Nói được thì con lưu lại đêm.

Sư lại cũng không cách nào đối đáp được. Ni cô đi khỏi rồi, sư than thở:

- Ta tuy có bộ dạng đàn ông nhưng lại không có khí khái của đàn ông.

Thế là sư định bỏ am viện, đi đến Thiền lâm các nơi tìm sư, học đạo. Đêm đó thần núi nói với sư:

- Không cần rời đây đâu, sẽ có Bồ-tát đến thuyết pháp.

Quả nhiên chừng mươi hôm sau là có thiền sư Thiên Long đến am. Sư vội vàng làm lễ nghinh tiếp rồi đem tự sự trước đó thuật lại cho Thiên Long nghe. Thiên Long đưa một ngón tay về phía sư thị ý. Ngay đó sư hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó về sau, hễ có ai đến tham kiến, sư chỉ đưa một ngón tay lên mà chẳng dùng lời gì khai thị cả. Sư có một đồng tử đi ra ngoài bị người ta hỏi:

- Hòa thượng thuyết pháp yếu gì ?

Đồng tử cũng đưa một ngón tay lên hồi đáp, sau đó về thuật lại cùng sư. Sư bèn dùng dao chặt đứt đầu ngón tay đồng tử. Đồng tử kêu la thảm thiết vùng ra chạy khỏi. Sư gọi đồng tử. Đồng tử quay lại, sư đưa một ngón tay lên, đồng tử liền khoát nhiên tỉnh ngộ. Lúc sắp qua đời, sư nói cùng đại chúng:

- Ta được ‘Một đầu ngón tay của Thiên Long’, một đời dùng không hết.

Nói xong tắt hơi.         

 

 

THIỀN SƯ THƯỜNG THÔNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TRƯỜNG SA CẢNH SẦM

 

Sư họ Lý, người Hình Châu, xuất gia ở Thước Sơn. Năm 20 tuổi thọ giới cụ túc tại chùa Khai Nguyên ở bổn châu, học tập kinh luật trong 7 năm, bèn nói:

- Ma Đằng vào đất Hán dịch kinh luật này. Đạt-ma đến nước Lương làm sáng chuyện gì ?

Liền đi xa, đến tham yết thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm. Cảnh Sầm hỏi:

- Đạo ta không từ đó đến.

Sư nói:

- Hòa thượng có thường trụ nơi đó không ?

Sầm rất đồng ý, bèn cho vào hàng đệ tử nhập thất. Sau sư đến tham yết Động Sơn và Thạch Sương, nhưng pháp hai nơi này cũng không có vị khác. Năm cuối niên hiệu Đường Hàm Thông, sư du lịch Tuyên Thành. Quận thú tại núi Tạ Tiên tâu vua ban hiệu Thiền uyển là viện Thoại Thánh, thỉnh sư đến ở.

Tăng hỏi:

- Thế nào là mật thất ?

Sư đáp:

- Không thông gió.

Hỏi:

- Thế nào là người trong mật thất ?

Sư đáp:

- Chư Thánh cầu gặp không chịu gặp.

Lại nói:

- Ngàn Phật không thể suy tư, muôn Thánh không thể nghĩ bàn. Trời đất hoại cũng không hoại, hư không bao chẳng bao, tất cả đều không sánh nổi, tam thế gọi chẳng dậy.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ ba đời chư Phật xuất thân ?

Sư nói:

- Y không chịu biết có ba đời của ông.

Sư nín lặng hồi lâu hỏi:

- Lãnh ngộ không ? Nếu không lãnh hội thì hướng về chỗ trước chư Phật chẳng được mà thể thủ. Trong 12 thời thường tự tại. Thức dứt, công quên, bỗng nhiên trở dậy mà còn làm thương tổn y, huống là lời lẽ, câu cú ư ?

Trong niên hiệu Quang Khải, giặc chòm dậy lên, sư dẫn chúng đến Tứ Minh. Năm thứ hai niên hiệu Đại Thuận, quận thú thỉnh sư trụ chùa Tuyết Đậu, nơi này liền thạnh hóa hẳn lên. Tháng 7 năm Ất Sửu nhằm năm thứ hai niên hiệu Thiên Hựu sư bịnh nặng, tập hợp đồ chúng, thắp hương dặn dò xong chấp tay mà thiên hóa, thọ 72 tuổi. Ngày mùng 7 tháng 8 cùng năm đó xây tháp đá tại góc Tây Nam của viện.

 

 

HÒA THƯỢNG QUAN NAM ĐẠO NGÔ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG  PHÁP TỰ của THIỀN SƯ QUAN NAM ĐẠO THƯỜNG

 

Ban sơ, sư đi trong thôn dã, nghe thầy đồng bóng trỗi nhạc triệu thần nói: ‘Thức thần vô sư’ bỗng nhiên tỉnh ngộ. Sau sư đến tham yết thiền sư Đạo Thường, được Thường ấn khả sở giải của mình. Sau đó, sư đến pháp tịch của Đức Sơn, pháp vị càng mặn mòi. Sư mỗi khi thượng đường dạy chúng đồ đệ thì đầu đội nón mê hoa sen, mình mặc áo lạn, tay cầm thẻ tre, đánh trống, thổi sáo, miệng tự xưng là Lỗ Tam Lang.

Có lúc nói:

- Đánh lên trống Quan Nam, hát lên bài ca Đức Sơn.

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư lấy thẻ tre vái chào nói:

- Vâng.

***

Sư có lúc cầm kiếm gỗ đưa ngang vai mà múa. Tăng hỏi kiếm trong tay có được từ đâu thì sư quăng kiếm xuống đất. Tăng bèn lượm lên đưa vào tay sư thì sư hỏi:

- Từ đâu có được vậy ?

Tăng không lời đối đáp, sư nói:

- Cho ông trong ba ngày hạ thủ một lời.

Tăng cũng không đối đáp được. Sư tự đáp thay bằng cách đưa kiếm lên vai múa nói:

- Phải như thế này mới được.

***

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng ?

Sư bước xuống giường thiền làm ra dáng phụ nữ lạy, nói:

- Cám ơn ông từ xa đến, đều chẳng đối đãi.

***

Sư hỏi Quán Khê:

- Làm thế nào ?

Quán Khê đáp:

- Vô vị.

Sư nói:

- Há đồng hư không chăng ?

Quán Khê nói:

- Gã đồ tể này !

Sư nói:

- Có thú để giết thì không mệt mỏi.

 

 

HÒA THƯỢNG LA HÁN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của QUAN NAM ĐẠO THƯỜNG

 

Ban đầu, sư nơi thiền sư Quan Nam Đạo Thường mà đắc chỉ, bèn làm bài ca rằng:

Năm bảy Hàm Thông mới tham đạo

Tới chốn gặp lời chẳng hiểu lời

Nghi hoặc trong tâm như cái rổ

Ba năm rừng suối có chi vui

Bỗng gặp pháp vương ngồi trên nĩ

Liền trình nghi hoặc ở trước sư

Sư ngồi trên nĩ định Na Già

Áo hở ngay ngực giộng một thoi

Sợ tan nghi đoàn kiệt đản rơi (Kiệt đản: Một giống thú như con chó sói)

Ngửng đầu nhìn thấy mặt Nhật tròn

Từ đấy ngác ngơ như hòn đá

Cho đến hôm nay mới thấy vui

Chỉ nghe trong bụng trương phình no

Không cần trì bát Đông cùng Tây.

Sư lại thuật một bài kệ:

Nguyên văn:

宇 内 為 閑 客

人 中 作 野 僧

任 從 他 笑 我

隨 處 自 騰 騰

Phiên âm:

Vũ nội vi nhàn khách

Nhân trung tác dã tăng

Nhiệm tùng tha tiếu ngã

Tùy xứ tự đằng đằng.

Tạm dịch:

Đất trời là nhàn khách

Cõi người làm dã tăng

Mặc cho người cười tớ

Tùy nơi tự đằng đằng.

Chú: Đằng đằng hoặc đằng đằng nhiệm vận là vô vi, thong dong tự tại.

 

 

NI LIỄU NHIÊN MẠT SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ TƯ của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ ĐẠI NGU CAO AN

 

Lúc Hòa thượng Nhàn ở Quán Khê du phương đến núi nói trước:

- Nếu tương đương thì trụ, nếu không được thế thì xô ngã giường thiền.

Nói xong vào pháp đường, Ni Nhiên sai thị giả ra hỏi:

- Thượng tọa vì đi chơi núi mà đến hay vì Phật pháp mà đến ?

Nhàn đáp:

- Vì Phật pháp mà đến.

Ni Nhiên liền thăng tòa, Nhàn bước lên tham yết. Ni Nhiên hỏi:

- Thượng tọa hôm nay rời nơi nào đến đây ?

Nhàn đáp:

- Rời lộ khẩu.

Ni Nhiên hỏi:

- Sao không che lại ?

Nhàn không lời đối đáp, mới chịu lễ bái hỏi:

- Thế nào là Mạt Sơn ?

Ni Nhiên đáp:

- Không lộ đỉnh.

Nhàn hỏi:

- Thế nào là chủ Mạt Sơn ?

Ni Nhiên đáp:

- Không tướng nam nữ.

Nhàn liền hét rằng:

- Sao không biến đi ?

Ni Nhiên nói:

- Không phải thần, không phải ma, biến thế nào được ?!

Nhàn bấy giờ mới thán phục, quay đầu tròn ba lần

***

Có tăng đến tham yết, ni Nhiên hỏi:

- Sao mà rách rưới quá vậy ?

Tăng nói:

- Tuy là như thế, nhưng có đầy đủ chất sư tử đấy !

Ni Nhiên nói:

- Nếu đã là sư tử, sao lại còn bị Bồ-tát Văn Thù cưỡi ?

Tăng không lời đối đáp.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là tâm của Phật xưa ?

Ni Nhiên đáp:

- Thế giới nghiêng đổ băng hoại.

Hỏi:

- Thế giới vì sao nghiêng đổ băng hoại ?

Ni Nhiên nói:

- Nên không có ngã thân./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/05/2013(Xem: 3070)
Sống đời hay hành đạo chung qui chỉ là hành trình tìm thấy những cái duyên để mình vui hơn hay buồn hơn, tốt hơn hoặc xấu hơn, lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn, và rốt ráo nhất, là nhận diện được cái duyên nào để mình ra khỏi hay trở lui cái vòng lẩn quẩn của cuộc trầm luân. Hắn hồi quận. Như chiếc lá về cội, như giọt nước về sông, như mưa về đất. Đơn giản thế thôi, không gì hơn nữa. Và ba lần bảy ngày làm nên con số hăm mốt nhỏ xíu như giấc chiêm bao trong một giấc ngủ ngày, nóng bức mệt mỏi. Nhỏ, nhanh, ngắn, mà cái gì cũng có đủ. Như một cuốn phim ngắn hoàn chỉnh nhất. Tái ngộ, sơ ngộ và trong đó dĩ nhiên còn là những hạnh ngộ.
20/04/2013(Xem: 6393)
Đào tạo chương trình Tiến sĩ là một trong những hoạt động trụ cột của các đại học. Một chương trình đào tạo Tiến sĩ[i] nổi tiếng sẽ làm vẻ vang cho đại học và một chương trình Tiến sĩ thành công không thể không bắt nguồn từ các quyết định của một cơ cấu tổ chức đại học đa ngành với những chính sách, chủ trương phản ánh khát vọng tìm kiếm các giải pháp cho một tương lai phát triển và ổn định. [i] Tiến sĩ = Doctor of Philosophy. Mỹ viết tắt là Ph.D.. Anh viết PhD (không có dấu chấm sau Ph và D).
10/04/2013(Xem: 3703)
Nhiều khi trong đời có những chuyện vớ vẩn mà cứ bắt mình phải bận lòng đến thê thiết mới lạ. Sáng nay tôi đọc báo thấy giới nhà giàu trong nước có người dám bỏ ra cả tỉ đồng, tức khoảng năm bảy chục ngàn Mỹ kim, để mua vài con cá kiểng loại quý hiếm về nuôi trong nhà cho vui. Ngó ảnh chụp mấy con cá đắt tiền đó, tôi chợt nghĩ đến một chuyện thiệt ngộ.
10/04/2013(Xem: 10338)
Thơ là nhạc lòng, là tình ca muôn thuở của ý sống, của nguồn thương, của mầm xuân mơn mởn được thể hiện qua âm điệu vần thơ, qua câu hò, tiếng hát, lời ru, ngâm vịnh,..v..v.... mà các thi nhân đã cảm hứng dệt mộng, ươm tơ. Những vần thơ của các thi sĩ nhả ngọc phun châu là những gấm hoa sặc sỡ, những cung đàn tinh xảo, những cành hoa thướt tha kết thành một bức tranh đời linh hoạt, một bản nhạc sống tuyệt trần, một vườn hoa muôn sắc ngát hương làm tăng thêm vẻ đẹp cả đất trời, làm rung cảm cả lòng người xao xuyến. Đối tượng của vần thơ là chất liệu men đời được sự dung hợp của đất trời, sự chuyển hoá của vạn vật và sự hoà điệu của lòng người qua khắp nẻo đường trần biến thể, có lúc mặn nồng bùi ngọt, có khi chua chát đắng cay, tủi hờn chia ly, thất vọng chán chường sau những cuộc thế bể dâu, những thăng trầm vinh nhục, chính là nguồn suối mộng rạt rào của các nhà thơ say mơ. Tôi mặc dù không phải là thi sĩ, nhưng cũng biết thiết tha ho
09/04/2013(Xem: 17149)
Nếu nói 20 năm là một thế hệ, thì những bài viết trong quyển sách thứ 36 nầy đã hơn một thế hệ rồi. Đó là 25 năm của một chặng đường lịch sử mà chúng tôi đã đi qua.
09/04/2013(Xem: 2707)
Với thế kỷ mà xã hội đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa, việc chúng ta nghiên cứu văn hóa Phật giáo Trung Quốc là việc làm có ý nghĩa gì? Làm thế nào để sự nghiên cứu của chúng ta có lợi đối với cuộc sống hiện thực và kiến thiết nền văn hóa mới cho đất nước Trung Hoa? Tôi cho rằng trong sự tồn tại trường kỳ một hiện tượng văn hoá thì tự bản thân văn hóa ấy đaõ có tính tất nhiên, sâu xa của nó.
08/04/2013(Xem: 16332)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 13658)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 2834)
Nếu như những suy nghĩ dưới đây không được hiểu theo nghĩa tích cực, trong sáng thì hãy xem như nỗi oan ức như chính thiện ý việc tổ chức cuộc "Tuyên Dương Công Đức" (TDCĐ) Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo nhân Phật Đản 2544 vừa qua, đã không tròn vẹn tâm nguyện, tình ngay mà lý không thuận.
08/04/2013(Xem: 828)
Gần đây, ở mục "Nhìn lại lịch sử" trên tạp chí Thế Giới Mới (1), tạp chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đăng bài viết của Phan Duy Kha (PDK), nhan đề Chuyện cây gạo làng Dương Lôi, sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com