Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

106. Kinh Bất Động Lợi Ích

15/08/202113:54(Xem: 5834)
106. Kinh Bất Động Lợi Ích

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]



106. Kinh BẤT ĐỘNG LỢI ÍCH

( Anenjasappàya sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Điều Ngự
          Tại Kú-Rú ( Câu-Lâu ) trú an   (1)
              Thị trấn Kiềm-Ma-Sắc-Đàm  (1)
       Tức là Kam-Mát-Sá-Đam-Ma  (1) này
          Thị trấn đây của dân chúng ấy,
          Chính tại đấy, Đại Giác bảo rằng :
 
        – “ Này các Tỷ Kheo Chúng Tăng ! ”.
 
 – “ Thưa vâng, bạch đấng Xuất Trần Thế Tôn ! ”.
 
    – “ Này các ông ! Dục là trống rỗng,
          Là vô thường, hư vọng cực kỳ   
              Các dục thuộc tánh ngu si.
       Này chư Phích-Khú ! Chung quy đó là
          Lời nói ra của kẻ ngu xuẩn
          Đưọc xây dựng trên giả dối vầy.
              Các dục hiện tại, tương lai,
       Dục tưởng hiện tại, tương lai – đều là 
          Thuộc lãnh vực của ma trưởng dưỡng.
          Là cảnh giới, dinh dưỡng của ma,
              Là chỗ ăn uống của ma.
 
Bất động :
 
       Các bất-thiện-ý ác tà bất nhân
    ____________________________
 
( ) : Thị trấn Kammassadhamma ( Kiềm-Ma-Sắc-Đàm ) của Xứ
       Kuru ( Câu-Lâu ).                
 
          Là tham dục, hận sân, khích động,
          Những pháp ấy mau chóng tác thành
              Những điều chướng ngại, chẳng lành
       Cho Thánh-đệ-tử tịnh thanh tu trì.
 
          Thánh-đệ-tử nghĩ suy : “ Các dục
          Hiện tại và các dục tương lai,
              Các ác-bất-thiện-ý này
       Tác thành chướng ngại ở đây mọi bề
          Cho Thánh-đệ-tử về tu tập
          Ta phải gấp an trú với tâm
              Thật quảng đại, đại hành tâm,
       Sau khi chiến thắng trong tầm thế gian.
 
          Xác định sang vị trí của ý,
          Các bất-thiện-ý : Hận sân,
              Tham dục, khích động… các phần
       Không khởi lên được, và nhân như vầy
          Tâm ta đây không thành hạn hẹp,
          Trái lại thành tốt đẹp, vô lường 
              Khéo tu tập. Trong khi thường
       Hành trì như vậy, an tường trú ngay
          Nhiều lần vầy, tâm thành an tịnh
          Trong giới xứ, và chính tịnh yên
              Được thành tựu Bất động liền
       Trong thời hiện tại, hay thiên nặng về
          Thuộc vấn đề trí tuệ như vậy.
          Sau khi đã thân hoại mạng chung
              Sự tình này xảy ra cùng
       Là ‘Thức diễn tiến’ tựu trung điều này
          Tùy theo đây đạt Bất động ấy ”.
          Các Tỷ Kheo ! Như vậy gọi là
              Đệ nhất hành đạo trải qua
       Về lợi ích Bất động, mà y theo.
 
          Các Tỷ Kheo ! Thánh-đệ-tử ấy
          Nghĩ : “ Các Dục hiện tại, tương lai,
              Dục tưởng hiện tại, tương lai,
       Phàm bất cứ sắc pháp hay những trò
          Bốn đại chủng & Sắc do bốn đại
          Tạo thành. Khi vị ấy hành trì
              Và an trú nhiều lần, thì
       Tâm thành an tịnh trở đi tức thời
          Thuộc trong nơi giới xứ (của nó)
          Và vị đó với tâm tịnh yên
              Đạt thành tựu Bất động liền 
       Trong thời hiện tại, hay thiên nặng về
          Thuộc vấn đề trí tuệ như vậy.
          Sau khi đã thân hoại mạng chung
              Sự tình này xảy ra cùng
       Là ‘Thức diễn tiến’ tựu trung điều này
          Tùy theo đây đạt Bất động ấy.
          Các Tỷ Kheo ! Như vậy gọi là
              Đệ nhị hành đạo trải qua
       Về lợi ích Bất động, mà y theo.
 
          Các Tỷ Kheo ! Thánh-đệ-tử ấy
          Nghĩ : “ Các Dục hiện tại & tương lai,
              Dục tưởng hiện tại & tương lai,
       Sắc pháp hiện tại & tương lai – cùng là
          Sắc tưởng tương lai và hiện tại,
          Cả hai loại đều là vô thường,
              Mà hễ cái gì vô thường
    Không đáng hoan hỷ, không thường hoan nghênh
          Không đáng nên chấp trước điều đấy ”.
          Khi vị ấy hành trì như vầy,
              An trú nhiều lần như vầy,
       Tâm trí thành thanh tịnh ngay tức thời
          Thuộc trong nơi giới xứ (của nó),
          Và vị đó với tâm tịnh yên
              Đã thành tựu Bất động liền
       Trong thời hiện tại hay thiên nặng về
          Thuộc vấn đề trí tuệ như vậy.
          Sau khi đã thân hoại mạng chung,
              Sự tình này xảy ra cùng
       Là “Thức diễn tiến” tựu trung điều này
          Tùy theo đây đạt Bất động ấy.
          Các Tỷ Kheo ! Như vậy gọi là
              Đệ tam hành đạo trải qua
       Về lợi ích Bất động mà y theo.   
 
Vô-sở-hữu Xứ :
 
          Các Tỷ Kheo ! Thánh-đệ-tử ấy     
          Suy nghĩ các điều đấy như vầy :
 
           “ Những dục hiện tại & tương lai,
       Dục tưởng hiện tại & tương lai – cùng là
          Sắc pháp tương lai và hiện tại,
          Và sắc tưởng hiện tại & tương lai,
              Những bất-động-tưởng đó đây,
       Tất cả tưởng, chỗ nào ngay tưởng này
          Không dư tàn, từ đây đoạn diệt,
          Là tịnh khiết, thủ diệu như vầy
              Tức là Vô-sở-hữu đây ”.
       Hành trì như vậy, đêm ngày trú an 
          Tâm tịnh an ở trong giới xứ
          Đạt Vô-sở-hữu-xứ tịnh yên
              Ở ngay trong hiện tại liền
       Khuynh hướng trí tuệ hay thiên nặng về
          Ngay sau bề mạng chung thân hoại
          Sự tình này liền tải qua ngay :
              Có thể ‘Thức diễn tiến’ này
       Đạt Vô-sở-hữu-xứ đây, còn tùy.
          Như vậy thì, Tỷ Kheo Tăng Chúng !  
          Đệ nhất hành đạo đúng điều đây
              Về lợi ích của Xứ này. 
 
       Lại nữa, vị Phích-Khú này đi ngay
          Đến khu rừng, gốc cây nào đấy,
          Rồi vị ấy suy nghĩ như vầy :
           “ Trống không là tự ngã, hay
       Ngã này sở hữu ? ”. Vị đây hành trì
          Và tức thì trú an nhiều lượt
          Tâm trí được an tịnh đủ đầy
              Trong giới xứ (của nó) ngay
       Này các Phích-Khú ! Tâm rày an nhiên
           Ngay hiện tại, vị này thành tựu
           Vô-sở-hữu, trí tuệ thiên về.
               Sau khi thân hoại, vấn đề
       Thức-diễn-tiến ấy tùy bề ở đây
          Đạt đến ngay Vô-sở-hữu Xứ
          Đệ nhị hành đạo thứ đệ vầy
              Về lợi ích của Xứ đây.   
 
       Lại nữa, vị Phích-Khú này nghĩ sâu :    
        “ Ta không có chỗ nào bất cứ
          Trong hình thức nào, giữ cho ai
              Và sở thuộc của ta đây.
       Không có bất cứ cho ai, chỗ nào,
          Trong hình thức thế nào cũng vậy ”,
          Khi vị ấy hành trì như vầy,
              An trú nhiều lần như vầy,
       Tâm an trong trú xứ ngay như vầy,
          Tâm an tịnh, vị này thành tựu
          Vô Sở Hữu Xứ ngay lúc này,
              Hoặc thiên về trí tuệ đây.
       Sau khi chết, sự tình này xảy ra
          Thức-diễn-tiến trải qua thành tựu
          Vô-sở-hữu Xứ ấy đạt ngay.
              Như vậy, các Tỷ Kheo này !
       Đệ tam hành đạo gọi đây vấn đề 
          Lợi ích về Vô-sở-hữu Xứ.
 
Phi tưởng phi phi tưởng Xứ :
 
          Lại nữa, vị Phích Khú nghĩ vầy :
            “ Những dục hiện tại, tương lai
       Dục-tưởng hiện tại, tương lai – cùng là
          Sắc-pháp tương lai và hiện tại
          Và sắc-tưởng hiện tại, tương lai
              Những bất-động-tưởng ở đây,
       Vô-sở-hữu-xứ-tưởng này trước sau
          Tất cả tưởng… chỗ nào các tưởng
          Được đoạn diệt, không hướng dư tàn,
              Vậy là tịch tịnh lạc an
       Thủ diệu, tốt đẹp mọi đàng khả thi
          Tức Phi-tưởng-phi-phi-tưởng Xứ
          Vị ấy cứ an tịnh hành trì
              Đạt Xứ Phi-tưởng-phi-phi
       Ngay hiện tại, trí tuệ duy thiên về 
          Sau khi chết, vấn đề có thể
          Thức-diễn-tiến tùy thế đạt ngay
              Xứ Phi-tưởng-phi-phi đây
       Gọi là hành đạo, lợi này phạm vi
          Của Phi-tưởng-phi-phi-tưởng Xứ ”.
 
Niết Bàn :
 
          Được nghe đấng Điều Ngự thuyết ra
              Vị Tôn-giả A-Nan-Đa
       Thưa rằng : “ Bạch đức Phật Đà ! Ở đây
          Tỷ Kheo này hành trì như vậy
          Và suy nghĩ : ‘Trước đấy trải qua
              Không có như vậy, thời là
       Có thể không phải của ta điều này.
          Nay không có, như vầy có thể
          Điều đó sẽ không là của ta.
              Những gì hiện có, hay là
       Những gì đã có thì ta đoạn trừ’.
 
          Vị ấy được xả như vậy đó !
          Bạch Thế Tôn ! Nếu có như vầy
              Vậy thì vị Tỷ Kheo này
       Niết-bàn cứu cánh có rày chứng qua ? ”.
 
    – “ A-Nan-Đa ! Một số Phích-Khú
          Có thể chứng, an trú Niết-Bàn,
              Một số Tỷ Kheo dở dang
       Không chứng cứu cánh Niết Bàn được đâu ! ”. 
 
    – “ Do nhân nào, duyên gì, bạch Phật !
          Mà quả thật một số Tỷ Kheo
              Cứu cánh Niết-bàn chứng đều.
       Một số vị khác không theo điều này ? ”.
     – “ A-Nan-Đa ! Ở đây có vị
          Tỷ Kheo nọ chăm chỉ hành trì    
              Rồi Tỷ Kheo ấy nghĩ suy :
     ‘Nếu trước không có, vậy thì suy ra
          Có thể không của ta điều ấy.
          Nay không có như vậy, thì là
              Nó sẽ không là của ta.
       Ta diệt điều kiện có và những chi
          Đã có’. Như vậy thì được xả    
          Vị ấy vui trong xả ấy ngay,
              Hoan nghênh, chấp trước xả này,
       Nên thức lệ thuộc xả đây tức thì
          Và thủ trước xả ni. Như vậy
          Không chứng lấy cứu cánh Niết Bàn ”.
 
        – “ Bạch Phật ! Xin giảng rõ ràng    
       Tỷ Kheo thủ trước, chấp sang chỗ gì ? ”.
 
    – “ Là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ ”.
 
    – “ Bạch Điều Ngự ! Thủ-trước này là
              Sự thủ-trước tối thượng mà ! ”.
 – “ Thủ-trước ấy, A-Nan-Đà ! Kể ra
          Đó đúng là thủ trước tối thượng
          Phi tưởng phi phi tưởng xứ này.
              Tỷ Kheo hành trì như vầy
       Và suy nghĩ : ‘Nếu trước đây (lâu rồi)
          Không có như vậy, thời có thể
         (Điều như thế) không là của ta.
              Nếu nay không có, vậy là
      (Điều ấy) có thể không là của ta.
          Ta diệt qua những gì hiện có
          Và những gì đã có (lâu nay)’  
              Nên vị ấy được xả ngay,
       Không hoan hỷ trong xả này nêu lên,
          Không hoan nghênh, chấp trước xả ấy.
          Do vị đấy không vui điều trên
              Không thủ-trước, không hoan nghênh
       Thức không lệ thuộc xả, nên như vầy
          Không thủ-trước xả này, hờ hững,
          Vị ấy chứng cứu cánh Niết-bàn ”. 
 
        – “ Bạch đức Thế Tôn ! Rõ ràng
       Thật là hy hữu, minh quang sáng ngời
          Thật vi diệu ! Chính mười y cứ
          Vào sự này hay sự khác đây
              Vượt thoát dòng thác mạnh ngay,
       Đã được Phật nói đủ đầy, thanh cao
          Nhưng thế nào là Thánh giải thoát ? ”.
 
    – “ Hỡi này các Phích-Khú ! Ở đây
              Vị Thánh-đệ-tử nghĩ vầy :
      ‘Những dục hiện tại, tương lai – cùng là
          Dục tưởng tương lai và hiện tại
          Những sắc pháp hiện tại, tương lai
              Những bất-động-tưởng vần xoay
       Vô-sở-hữu-xứ tưởng, hay bất kỳ
          Tưởng  Phi tưởng phi phi tưởng xứ
          Thuộc tự thân là tự thân mà !
              Đây là bất tử, tức là
       Tâm giải thoát đó không qua buộc ràng.
 
          Này A-Nan ! Đây là đạo lộ 
          Lợi ích chỗ Bất động, đồng thì
              Về Vô-sở-hữu-xứ ni
       Hay về Phi-tưởng-phi-phi-tưởng này
           Được Như Lai thuyết giảng như trước
           Là sự vượt dòng thác mạnh ngay
               Y cứ sự kia sự này
       Thánh-giải-thoát được Như Lai trình bày.
 
          A-Nan này ! Những gì từng trải
          Vị Đạo Sư cần phải làm mau
              Vì lòng từ mẫn, mưu cầu
       Hạnh phúc cho đệ tử nào hữu duyên,
          Từ mẫn với cả riêng ông đó !
          Đây là gốc đại thọ bạt ngàn,
              Là những khoảng trống thênh thang,
       Hãy tu thiền, hỡi A-Nan ! Tinh cần  
          Chớ để phần phóng dật kiềm tỏa
          Về sau đó, chớ khá ăn năn !
              Là lời Ta dạy A-Nan
       Vấn đề như vậy phải hằng nhớ ghi ”.
 
          Nghe đức Chánh Biến Tri thuyết giảng      
          Pháp viên mãn, nghĩa lý sâu xa
              Vị Tôn-giả A-Nan-Đa
      Hoan hỷ tín thọ Phật Đà kim ngôn ./-
 
        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )
 
*
*  *
 
(  Chấm dứt  Kinh  số 106 :  BẤT ĐỘNG LỢI ÍCH  – 
ANENTASAPPÀYA  Sutta  )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2014(Xem: 22215)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
06/10/2013(Xem: 71442)
Trước khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã có một thời gian dài sống tại Lăng Cha Cả, gần nhà thờ Tân Sa Châu. Để đến được trung tâm Sài Gòn, từ Lăng Cha Cả phải đi qua những con đường Trương Minh Ký – Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ). Ở đoạn chân cầu Trương Minh Giảng có một cái chợ mang cùng tên và sau này
22/09/2013(Xem: 16584)
Bản Tin Khánh Anh
19/09/2013(Xem: 27253)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
11/09/2013(Xem: 6681)
Có phải bất công lắm không khi hằng năm vào dịp Vu Lan, trên thế gian này không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ múa bút tán tụng tình Mẹ: Huyền thoại mẹ, Phật giáo tôn vinh giá trị những bà mẹ, lạm bàn về mẹ, tản mạn về mẹ v.v... và v.v... bên cạnh đó, dường như mọi người đã vô tình bỏ quên một thứ tình cũng nồng nàn không kém, đôi khi còn thắm thiết hơn, đó là tình cha. Vâng, tôi có một người cha như thế.
11/09/2013(Xem: 7695)
Khi bước xuống thuyền vượt biên ai cũng mang đầy hy vọng, mơ ước... Có kẻ mơ ước một tương lai xán lạn ở chân trời mới, có người chỉ mong những giấc mộng bình thường: Ngày hai bữa đủ no, tự do yên ổn...
28/06/2013(Xem: 2561)
Người lãng tử đã rong ruổi qua bao đoạn đường đời, trên những bước dài phiêu bạt. Đôi khi nghe trên vai hằn lên những dấu ấn, nặng nề, vương mang. Phải chăng cuộc làm người là ảo mộng, là phù du như sương đọng sớm mai, trên cành lá muôn lần thay hoa đổi lá.
27/06/2013(Xem: 3101)
GS TS Trần Văn Khê nói về âm nhạc Phật giáo Việt Nam
22/06/2013(Xem: 2985)
Hạc đi dọc theo con đường nhỏ, mặt trời đang xuống chầm chậm, cái nắng gắt gay của mùa hạ chỉ còn lại những oi nồng khó chịu. Cơn mệt từ đâu ập đến, Hạc chợt muốn ngồi bệt xuống lề đường, gục đầu vào hai cánh tay chìm thẳng vào giấc ngủ. Hai chân rời rã, cổ họng khát khô, cái mệt, cái buồn đổ ập lên cô, con đường thật vắng, cái nắng quái buổi chiều thật buồn, vậy mà trời đang vào Tết đó, cái Tết đang ở đâu khi cái tôi đang rã rời trong một khí hậu kỳ quặc ở đây.
22/06/2013(Xem: 4295)
Buổi sáng ra vườn, nhìn lên trời cao bồng bềnh mây trắng Nhìn xuống khu vườn, còn thơm ngát sương lan, Nhìn ra đầm sen, nở rộ những cánh sen hồng, Xin thành khẩn hái mười đóa sen dâng Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]