Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

82. Kinh Ratthapàla

19/05/202010:52(Xem: 10056)
82. Kinh Ratthapàla

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


82. Kinh RATTHAPÀLA

( Ratthapàla sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Ứng Cúng  

          Du hành giữa dân chúng Ku-Ru  (1)

              Cùng với đại chúng Phích-Khu  (2)

       Đến thị trấn dân Ku-Ru, tên là

          Thun-La-Kốt-Thi-Ta (3) an trú.

 

          Bà-La-Môn, Gia Chủ gần xa

              Được nghe tin tức truyền ra :

    “ Sa-Môn Thích tử Gô-Ta-Ma này

          Dòng họ Ngài Thích Ca vương tộc

          Bỏ lợi lộc quyền tước, xuất gia.

              Đến Thun-La-Kốt-Thí-Ta  (3)

       Cùng Chúng đệ tử xuất gia tịnh hòa

          Những tiếng đồn lan xa từ đó :

          Sát-Đế-Lỵ giòng họ Thích Ca

             Xuất thân vương tộc, xuất gia

       Thành đạt đạo quả cao xa nhiệm mầu.

 

          Mười tôn hiệu cao sâu diệu ngữ :

          Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu,

             Phật, Thế Tôn, Thiên Nhân Sư,

       Chánh Đẳng Chánh Giác đại từ uy linh

          Vô Thượng Sĩ hay Minh Hạnh Túc,

          Bậc Thiện Thệ, Ứng Cúng, Như Lai,

     ________________________

 

  (1) : Xứ Kuru .  

  (2) : Bhikkhu  – Tỳ Khưu hay Tỷ Kheo, có nghĩa là vị Khất sĩ.

  (3) ; Thị trấn Thullakotthita .

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  100

 

             Do sự chứng ngộ tự Ngài

       So với Thiên giới, Ma loài, Phạm Thiên

          Với các chúng chư Thiên, Nhân loại

          Bà-la-môn với lại Sa-môn

             Hiển thị mọi loài, tuyên ngôn

       Rồi lại tuyên thuyết Pháp môn nhiệm mầu

          Thuyết Sơ Thiện, rồi sau Trung Thiện

          Thuyết Hậu Thiện, văn nghĩa đủ đầy

             Trình bày Phạm hạnh từ đây

       Pháp thân thanh tịnh, bậc Thầy Nhân Thiên.

          Thật đáng quý nếu tìm yết kiến

          Đại La-Hán thị hiện cõi đời.

 

              Rồi thì Gia Chủ các nơi

       Bàn-Môn các vị đồng thời hợp nhau

          Họ đi mau đến nơi cốt để

          Yết kiến đấng Thiện Thệ Trọn Lành,

              Một số đảnh lễ chí thành

       Rồi ngồi xuống cạnh tịnh thanh Phật Đà,

          Một số người thốt ra lời nói

          Để chào hỏi, rồi ngồi xuống mau,

              Một số chắp tay vái chào

       Hoặc xưng tên họ, làm màu xã giao,

          Hoặc im lặng ngồi vào chỗ kế.

 

          Đấng Thiện Thệ thuyết giảng pháp lành

              Khích lệ, khiến họ phát sanh

       Thích thú, phấn khởi, tâm thành, hỷ hoan

          Cho các hàng Bàn-môn, Trưởng-giả

          Thun-La-Kốt-Thi-Tá cư dân.

 

              Bấy giờ thanh niên ngồi gần    

       Rát-Thá-Pa-Lá, thành phần thượng lưu 

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  101

 

          Thiện-nam-tử nhiều ưu điểm lạ

          Đang ngồi với thính giả nơi này

              Thiện nam tử bỗng nghĩ ngay :

    “ Như ta nghe được đủ đầy Pháp siêu

          Được Thế Tôn đã nhiều lần nhắc

          Đời tại gia quả thật khó hành

              Phạm hạnh không dễ thực hành

       Hoàn toàn trong sạch, tịnh thanh như là

          Màu vỏ ốc. Vậy ta phải cố

          Hãy cạo bỏ râu tóc, xuất gia

              Từ bỏ gia đình, cửa nhà,

       Đắp ca-sa, sống tịnh hòa độc cư ”.

 

          Các Bàn-môn cũng như Trưởng-giả  

          Thun-La-Kốt-Thi-Tá nơi này

              Sau khi nghe Phật giảng bày

       Pháp thoại khích lệ, mặt mày vui tươi,

          Rồi mọi người hoan hỷ tín thọ

          Và sau đó đảnh lễ Như Lai

              Thân bên hữu hướng về Ngài

       Từ giã. Nhưng tại nơi đây vẫn còn

          Thiện-nam-tử là con quý tộc

          Chờ mọi người lục tục rời xa,

              Chàng đến đảnh lễ Phật Đà

       Một bên ngồi xuống, thưa qua Phật rằng :

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Con hằng hiểu rõ

          Khi lảnh thọ lời Ngài thuyết ra.

              Quả thật đời sống tại gia

       Khó hành Phạm hạnh trải qua hoàn toàn

          Được viên mãn, hoàn toàn trong sạch

          Và trắng bạch như vỏ ốc kia.   

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  102

 

              Bạch Phật ! Con muốn xa lìa,

       Từ bỏ nhà cửa, xa lìa người thân

          Để xuất gia, cạo phần râu tóc

          Đắp ca-sa, tu học Pháp môn.

              Kính mong lượng cả Thế Tôn

       Cho thọ đại giới, được tròn nguyện riêng ”.

 

     – “ Này thanh niên Rát-Tha-Pa-Lá      ( Ratthapàla )

          Có được cả cha mẹ bằng lòng

              Cho con xuất gia hay không ? ”.

 

 – “ Bạch Phật ! Chưa có bằng lòng mẹ cha

          Cho xuất gia theo chân Giác Giả ”.

 

    – “ Này Rát-Tha-Pa-Lá ! Như Lai

              Không cho bất cứ một ai

       Được xuất gia nếu người này thật ra

          Chưa được cả mẹ cha chấp thuận

          Theo ý nguyện con muốn xuất gia ”.

 

        – “ Như vậy, bạch đức Phật Đà !

       Con sẽ thưa lại mẹ cha tức thì.

          Con sẽ làm những gì cần thiết

          Để được phép, với quyết tâm mình

              Xuất gia, từ bỏ gia đình

       Độc cư hành đạo, an bình trải qua ”.

 

          Rồi Rát-Thá-Pa-La đứng dậy

          Đảnh lễ Phật, phía phải hướng Ngài.

              Trở về gặp mẹ cha ngay

       Thưa rằng : “ Đời sống hằng ngày đảo điên

          Đầy não phiền, khó hành Phạm hạnh,

          Muốn xa lánh chỉ có xuất gia.

              Con muốn từ bỏ cửa nhà

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  103

 

       Lìa xa quyến thuộc, ca-sa đắp vào,

          Cạo râu tóc, thỉnh cầu thọ giới,

          Xin cha mẹ thuận với lời con ”.

 

        – “ Rát-Thá-Pa-Lá này con !

       Đứa con độc nhất vẫn còn mẹ cha

          Khả ái, dễ thương và hảo tướng

          Được nuôi dưỡng bảo bọc, nâng niu

              Không để đau khổ sớm chiều

       Con hãy hưởng thụ bao điều sướng vui.

          Hãy ăn chơi, thụ hưởng ái dục

          Rồi làm phúc để hưởng về sau.

 

              Cha mẹ quyết không thể nào    

       Cho con từ bỏ, ngõ hầu xuất gia

          Thậm chí là chẳng may con chết

          Con cũng chết ngay tại gia đình,

              Huống gì con sống rành rành

       Từ ly cách biệt sao đành, con ta ! ”.

 

          Lần thứ hai, thứ ba ròng rã  

          Thiện-nam-tử Rát-Thá-Pa-La

              Tha thiết xin với mẹ cha

       Chấp thuận cho được xuất gia tu hành.

          Bị cha mẹ đồng thanh từ khước,

          Chàng không được toại ý xuất gia,

              Thất vọng, Rát-Thá-Pa-La

       Nằm ngay xuống đất, thốt ra lời này:

 

     – “ Ta được xuất gia hay sẽ chết ”.

 

          Cha mẹ chàng đã hết lời khuyên 

              Hãy bỏ ý xuất gia liền

       Thụ hưởng dục lạc, bạc tiền, ăn chơi.

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  104

 

          Dù dùng lời khuyên con nhiều bận

          Người con vẫn im lặng, lơ là

              Cuối cùng cha mẹ chàng ta

       Tìm các thân hữu Rát-Tha-Pa-Là :

 

     – “ Này các cháu ! Xảy ra cớ sự

          Thiện-nam-tử bạn các cháu đây

              Hiện nằm trên đất, nói vầy :

      ‘Hoặc ta sẽ chết hoặc rày xuất gia’,

          Các cháu hãy đến nhà khuyên nhủ 

          Nói đầy đủ những lời của ta

              Với bạn Rát-Thá-Pa-La

       Hãy kiên nhẫn khuyên con ta chuyển lòng ”.

 

          Nhưng nhóm bạn vẫn không thể chuyển 

          Về phương diện ý của bạn mình,

              Chàng ta vẫn cứ làm thinh

       Dù họ ba lượt cố tình khuyên lơn.

          Không thể làm gì hơn, các bạn

          Nói với cha mẹ bạn của mình :

 

        – “ Thưa hai bác ! Theo tình hình

       Rát-Thá-Pa-Lá quyết tình xuất gia.

          Nếu ngăn cản, chàng ta sẽ chết

          Hai bác hết có dịp thấy chàng.

              Còn nếu hai bác dễ dàng

       Thuận cho chàng được có đàng xuất gia

          Thời mẹ cha vẫn còn nhiều dịp

          Được thấy tiếp Rát-Thá-Pa-La

              Dù là chàng đã xuất gia.

 

       Còn như đời sống xuất gia mọi bề 

          Không thích hợp, không hề hoan hỷ

          Thì chàng chỉ còn một đường đi :

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  105

 

              Hoàn tục, trở về nhà ni,

       Vậy hai bác hãy nghĩ suy kỹ càng ”.

 

    – “ Này các cháu ! Con đàng cháu vạch

          Chỉ còn cách như vậy mà thôi.

              Hai bác nay bằng lòng rồi,

       Cho con hai bác sống đời xuất gia.

          Nhưng sau khi xuất gia, cần phải

          Về thăm lại cha mẹ khi cần ”.

 

              Các bạn liền đến nói rằng :

 – “ Này bạn ! Hai bác đã bằng lòng cho.

          Bạn là do hai bác sinh dưỡng

          Con độc nhất, thụ hưởng mọi điều.

              Hãy đứng dậy, ăn uống đều,

       Cha mẹ của bạn đã chiều ý con

          Thuận cho con xuất gia hành thiện

          Nhưng có dịp, phải viếng mẹ cha ”.

 

              Rồi chàng Rát-Thá-Pa-La

       Sau khi dưỡng sức, tâm hòa thân an

          Liền hoan hỷ đi sang trú xứ

          Của Điều Ngự, vào hương thất liền

              Đảnh lễ  Phật rồi ngồi bên

       Đoạn thiện-nam-tử thưa lên Phật rằng :

 

    – “ Cha mẹ con đã bằng lòng cả  

          Nên họ đã cho con xuất gia

              Kính xin Thế Tôn Phật Đà

       Cho con nay được xuất gia hành trì ”.

 

          Đấng Toàn Tri liền cho chàng ấy

          Được xuất gia, thọ đại giới ngay.

              Sau khi vị Tôn-giả này 

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  106

 

     ( Rát-Thá-Pa-Lá ) nhiều ngày trú qua

          Thun-Lá-Kốt-Thi-Ta, Tôn-giả

          Liền khởi hành đi Sá-Vát-Thi

              Trú tại Kỳ Viên một thì,

       Vị Cấp-Cô-Độc hộ trì trải qua.

 

          Rồi Tôn-giả Rát-Tha-Pa-Lá

          Là hành giả độc cư, viễn ly

              Nhất tâm, tinh tấn mọi thì

       Tâm không phóng dật, hộ trì các căn

          Không bao lâu đạt phần thực tiễn

          Mà các thiện-nam-tử xuất gia

              Từ bỏ gia quyến, cửa nhà

       Hướng đến mục đích thiết tha của mình

          Là tự chứng ngộ minh thắng trí,

          Chứng đạt vị, an trú ngay trong

              Hiện tại vô thượng viên thông

       Cứu cánh Phạm hạnh, trong lòng biết nhanh:

         ‘Sanh đã tận, tựu thành Phạm hạnh

          Những việc làm chân chánh đã làm

              Không còn trở lại cõi phàm’,

       Đạt A-La-Hán, bao hàm tinh hoa.

 

          Rồi Tôn-giả Rát-Tha-Pa-Lá  

          Đến đảnh lễ Giác Giả Phật Đà

              Thưa rằng : “ Bạch đức Phật Đà !

       Con muốn thăm viếng mẹ cha của mình

          Tại gia đình, nếu Ngài chấp thuận ”.

 

          Đức Phật muốn tìm hiểu sâu xa

              Tâm của Rát-Thá-Pa-La,

       Tha tâm thông, Phật nhìn ra rõ bày

           Tôn-giả này không thể từ bỏ

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  107

 

          Để hoàn tục, từ bỏ xuất gia.

              Ngài bảo Rát-Thá-Pa-La :

 

 – “ Con hãy làm những điều mà tự thân 

          Nghĩ hợp thời, không phần sai trái ”.

 

          Tôn-giả ấy đứng dậy an hòa

              Chí thành đảnh lễ Phật Đà

       Thân hữu hướng Phật, trở ra tịnh phòng,

          Thu xếp xong chỗ ở an lạc

          Mang y bát, hướng đến quê nhà

              Xứ Thun-Lá-Kốt-Thí-Ta,

       Đến nơi trú tại vườn hoa gần hồ

          Lộc Uyển của vua Kô-Ráp-Dá.     ( Koravya )

 

          Rồi Tôn-giả buổi sáng đắp y  

              Mang bát, khất thực hành trì

       Tại thị trấn ấy, ngài đi từng nhà

          Đứng khất thực, lần qua cả chỗ

          Căn nhà tổ cha mẹ ở đây.

 

              Lúc ấy, người cha của ngài

       Đang chải tóc giữa phòng ngay cửa tròn,

          Thấy dạng vị Sa-môn đi tới

          Ông bực bội, lên tiếng nói mau :

 

           “ Vì những Sa-môn trọc đầu

       Đứa con độc nhất, con cầu-tự đây

          Khả ái thay, dễ thương vô kể !

          Đã từ bỏ nhà để xuất gia ”.

 

              Và ngài Rát-Thá-Pa-La

       Từ ngôi nhà của mẹ cha mình này

          Không một ai quan tâm bố thí,

          Tôn-giả chỉ nhận được những lời

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  108

 

              Mắng chưởi, sỉ nhục mà thôi.

       Lúc ấy, người nữ tỳ nơi nhà này

          Muốn quăng bỏ cháo ngày hôm trước,

          Tôn-giả bước đến gặp, nói rằng :

 

        – “ Này chị ! Nếu cần phải quăng

       Cháo cũ, thì hãy đổ phần cháo đây

          Vào bát này của tôi, đừng bỏ ”.

 

          Nữ tý đó khi đổ cháo này

              Vào bát của Tôn-giả ngay

       Nhận diện được tướng chân tay của ngài 

          Cùng giọng nói hằng ngày lúc trước,

          Nên liền bước nhanh trở vào nhà

              Gặp mẹ của ngài thưa qua :

 

 – “ Thưa Tôn Chủ Mẫu ! Thật là phước đa !

          Cậu ấm nhà Rát-Tha-Pá-Lá

          Là Sa-môn, nay đã về rồi ”.

 

        – “ Nếu ngươi nói đúng như lời

       Ngươi sẽ thoát khỏi cuộc đời nữ nô ”.

 

          Rồi người mẹ đi vô để gặp

          Cha Tôn-giả, nói gấp như vầy :

 

        – “ Thưa ông Gia Trưởng nhà này !

       Rát-Thá-Pa-Lá hôm nay về rồi ”.

---------------

          Lúc bấy giờ đang ngồi an hảo

          Dựa bức tường ăn cháo hôm qua

              Tôn-giả Rát-Thá-Pa-La

       Bỗng thấy xuất hiện người cha đến gần.

 

          Ông nói rằng : “ Này con thân ái !

          Con có phải ăn cháo cũ không ?

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  109

 

               Cha mẹ thương con hết lòng,

       Con phải cư trú ngay trong nhà mình ! ”.

 

    – “ Thưa Gia Chủ ! Gia đình đâu tá ?

          Chỗ nào đã là nhà chúng tôi ?

              Những người đã xuất gia rồi

       Gia đình từ bỏ, xa rời người thân.

          Là đạo nhân, không gia đình cả.

          Bần tăng đã đến nhà của ngài,

              Thưa Gia Chủ ! Nhưng tại đây

       Không được bố thí, nhận ngay những lời

          Toàn sỉ nhục, những lời chưởi mắng ”.

 

    – “ Con thân yêu ! Hãy thẳng về nhà ”. 

 

        – “ Thôi vừa rồi, thưa Chủ Gia !   

       Hôm nay tôi đã dùng qua bữa rồi ”.

 

     – “ Này con ! Hãy nhận lời ta tỏ

          Đến dùng cơm vào ngọ ngày mai ”.

 

              Ngài im lặng nhận lờì này.

       Người cha biết vậy, về ngay nhà liền

          Chất vàng nén và tiền vàng trữ

          Thành một đống, che phủ bằng màn.

              Gọi các vợ cũ của chàng

       Rát-Thá-Pa-Lá, bảo ban các nàng :

 

    – “ Các con dâu ! Hãy trang điểm kỹ 

          Với những mỹ phẩm tốt ngày xưa,

              Khiến chồng các con thích ưa

       Ngày mai chàng sẽ được vừa lòng ngay ”.

 

          Rồi ông chuẩn bị ngay thật kỹ

          Các món ăn thượng vị, cứng mềm.

              Đến khi đã mãn màn đêm

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  110

 

       Cho gia nhân đến và đem lời là :

    – “ Thưa Tôn-giả Rát-Tha-Pá-Lá !

          Cơm canh đã sẵn sàng, mời ngài ”.

 

              Tôn-giả trong buổi ban mai

       Đắp y mang bát, khoan thai đến nhà.

          Khi vào nhà, ngồi chỗ soạn sẵn.

          Người cha liền lẳng lặng tự mang

              Đống vàng nén, đống tiền vàng

 

       Nói với Tôn-giả : “ Số vàng bạc đây 

          Là tiền tài của cha, của mẹ

          Mà con sẽ thừa hưởng hoàn toàn,

              Có thể làm phước dễ dàng,

       Con hãy từ bỏ con đàng xuất gia,

          Hãy hoàn tục, về nhà hưởng thụ

          Và làm chủ tài sản lớn này ”. 

 

        – “ Thưa Gia Chủ ! Có lời này :  

       Gia Chủ nay hãy chất đầy lên xe

          Đống vàng nén chồng đè cùng với

          Đống tiền vàng, chở tới sông Hằng

              Trút hết xuống giữa sông Hằng.

       Vì sao vậy ? Đó là nhân chẳng lành,

          Làm phát sanh ưu bi, sầu khổ,

          Là nhân tố sinh tử luân hồi ”.

 

              Các bà vợ cũ nghe rồi  

       Ôm chân chồng cũ, nói lời như van :

 

    – “ Thưa phu quân ! Khi chàng xa lánh

          Sống phạm hạnh vì thiên nữ nào ? ”.

 

        – “ Này các bà chị ! Không đâu !

       Ta không vì thiên nữ nào xuất gia ”.

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  111

 

    – “ Ôi ! Phu quân Rát-Cha-Pá-Lá                    

          Gọi là ‘chị’ tất cả chúng ta ”.     

 

              Than rồi, bất tỉnh ngã ra.

       Rồi ngài Rát-Thá-Pa-La nói là :

 

    – “ Thưa Gia Chủ ! Nếu mà có ý

          Muốn bố thí đồ ăn đến tôi

              Thì hãy bố thí cho rồi,

       Chớ đừng phiền nhiễu, lôi thôi thêm phiền ”.

 

          Người cha liền tự tay thết đãi

          Để Tôn-giả thoải mái dùng dần

              Món ăn thượng vị quý trân,

       Đến khi Tôn-giả đã ngưng dùng rồi,

          Tay rời bát, từ nơi ngồi ghế

          Đứng dậy, nói bài kệ sau đây :

 

       “ Hãy nhìn thân trang sức này

         Một khối tích tụ như đầy vết thương

         Bệnh nhiều, tham tưởng nhiều phương,

         Nhưng không kiên cố và thường-tại đâu !

         Hãy nhìn dung mạo đẹp sao !

         Với các châu báu, biết bao ngọc ngà,

         Chỉ là bộ xương phủ da

         Y phục, trang sức sáng lòa xênh xang

         Chân sơn son bột rỡ ràng

         Mặt thoa phấn sáp để càng ôn nhu

         Đủ làm mê hoặc kẻ ngu,

         Nhưng vô phương trước người tu thoát trần.

 

         Tóc uốn bảy lớp, bảy lần

         Mặt trang điểm phấn với phần son chu

         Đủ làm mê hoặc người ngu

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  112

 

         Nhưng vô phương trước người tu thoát trần.

 

         Như hộp thuốc chạm thanh tân

         Thân uế trược điểm tô dần công phu

         Đủ làm mê hoặc người ngu

         Nhưng vô phương trước người tu thoát trần.  

 

         Thợ săn bẫy rập khắp giăng   

         Loài nai khôn chẳng chạm chân bẫy này,

         Ăn mồi xong, chúng chạy ngay

         Mặc cho những kẻ bắt nai khóc ròng ”.

 

          Đọc kệ xong, Rát-Tha-Pa-Lá

          Vị Tôn-giả từ biệt đi ngay

              Đến tại Lộc Uyển – Vườn Nai

       Do Kô-Ráp-Dá vua này lập ra,

          Dưới gốc cây, an hòa ngồi nghỉ.

          Lúc ấy, vị vua bảo thợ săn :

 

        – “ Đến Lộc Uyển dọn vườn, sân                      

       Ta muốn thăm chốn vô ngần đẹp xinh ”.

 

          Người thợ săn cúi mình vâng lệnh

          Lập tức đến Lộc Uyển dọn qua,

              Thấy ngài Rát-Tha-Pa-La

       Đang ngồi dưới gốc cây mà nghỉ trưa.

          Liền trở về tâu vua câu chuyện :

 

    – “ Tâu Đại Vương ! Lộc Uyển dọn rồi,

              Nhưng ở Vườn Nai hiện thời

       Sa-môn một vị đang ngồi nghỉ đây

          Tôn giả này Rát-Tha-Pa-Lá

          Là con cả của một thế gia

              Tại Thun-Lá-Kốt-Thi-Ta,

       Người ngài thường nhắc nhở và tán dương ”.           

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  113

 

    – “ Này thợ săn ! Đến vườn thăm-thú 

          Thế là đủ cho ngày hôm nay,

              Chúng ta hãy đến nơi này

       Cúng dường cung kính đến ngài Sa-môn ”.  

 

          Rồi đức vua liền đôn đốc gấp     

          Và nói rằng : “ Hãy sắp lên xe

              Tất cả món ăn thuộc về

       Loại mềm, loại cứng ê hề, quý trân

          Đó là phần bố thí, cung dưỡng ”.

 

          Ra lệnh cho binh tướng sẵn sàng

              Thắng nhiều cỗ xe huy hoàng

       Đẹp sang thù thắng lên đàng đi qua

          Vua ngự lên ngự xa thù thắng

          Vầy một đoàn tiến thẳng đến vườn

              Với uy vệ bậc đế vương,

       Xe đi đến chỗ cuối đường để đi,

          Vua xuống xe, uy nghi rảo bước

          Cùng các vị vương tước, đại thần

              Vua tôi tiến bước đến gần

       Rát-Thá-Pa-Lá, vị Tăng sĩ này.

 

          Khi đến nơi, chào ngài Tôn-giả  

          Cùng chúc tụng lời xã giao lên

              Rồi tất cả đứng một bên

       Vua Kô-Ráp-Dá này bèn thốt ra :

 

    – “ Mời Tôn-giả Rát-Tha-Pa-Lá

          Nệm bành voi Tôn-giả hãy ngồi ”.

 

         – “Đại Vương ! Đừng lo cho tôi

       Tôi đã ngồi tại chỗ ngồi của tôi,

          Mời Đại Vương cứ ngồi trên nệm ”.

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  114

 

          Vua liền đến ngồi xuống an hòa,

              Ngồi xong, vua Kô-Ráp-Da

       Bạch ngài Rát-Thá-Pa-La như vầy :

 

    – “ Bạch Tôn-giả ! Đời này có bốn

          Sự suy vong, hao tổn sâu dày

              Do thành tựu bốn sự này

       Cho nên nhiều vị ở đây quyết lòng

          Đắp ca-sa, cạo xong râu tóc

          Nguyện thực hành Tam học, xuất gia

              Từ bỏ gia đình, cửa nhà

       Suy vong bốn sự gì mà phải thông ?

          Lão suy vong, bệnh suy vây bọc,

          Tài sản suy, gia tộc suy vong.

 

          * Thế nào là ‘Lão suy vong’ ?  

       Tôn-giả ! Nhân thế trong vòng trầm luân

          Già lão đến, tuổi luôn tăng trưởng

          Sống mãn ký, gần hướng mệnh chung,

              Vị ấy suy nghĩ mông lung :

 

     ‘Nay ta sắp đến tận cùng đời ta   

          Đã đến lúc tuổi già thử thách

          Không dễ gì thâu hoạch tiền tài

              Chưa thâu hoạch được đến nay

       Hay làm tăng trưởng thêm tài sản ta.

          Vậy ta hãy xuất gia hành đạo

          Đắp ca-sa và cạo tóc râu’.

              Vị này do thành tựu mau

     ‘Lão suy vong’ nên đứng vào hàng Tăng.

 

          Nhưng về phần Tôn-giả còn trẻ

          Còn thanh niên, đẹp đẽ, tóc xanh,

              Thanh xuân, tương lai sẵn dành    

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  115

 

       Chưa ‘suy vong lão’, sao đành xuất gia ?

          Đã biết gì hay là đã thấy

          Những điều gì mà lại xả ly ?   

              Hay đã nghe được những gì

       Gia đình từ bỏ để đi tu vầy ?

 

       * Thưa Tôn-giả ! Còn đây điều tiếp

         ‘Bệnh suy vong’ hiểu kịp thế nào ?

              Có người trọng bệnh khổ đau

       Vị ấy suy nghĩ : ‘Bệnh, đau hoành hành

          Khổ phát sanh thân ta đủ cách

          Không dễ gì thâu hoạch dồi dào

              Các tài vật chưa thâu vào

       Hay làm tăng trưởng dài lâu tiền tài

          Vậy ta hãy cạo ngay râu tóc

          Đắp ca-sa tu học xuất gia

              Từ bỏ gia đình, cửa nhà’.

      ‘Bệnh suy vong’ khiến người ta tu hành.

 

          Còn Tôn-giả tuổi xanh ít bệnh     

          Sự khổ não ít đến quấy qua

              Sự tiêu hóa được điều hòa

       Không quá lạnh, nóng  – Thật là khỏe thay !    

         ‘Bệnh suy vong’ ngài nay đâu có

          Tôn-giả đâu lảnh thọ suy vi ?

              Ngài đã thấy, biết, nghe gì

       Gia đình từ bỏ để đi tu vầy ?

 

       * Thưa Tôn-giả ! Điều này được giảng    

          Thế nào là ‘tài sản suy vong’ ?

              Có người tài sản chất chồng

       Giàu sang phú quý, của trong của ngoài,

          Nhưng người này bỗng nhiên khánh kiệt       

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  116

 

          Dù than tiếc cũng chẳng còn đâu !

              Vị ấy suy nghĩ như sau :

     ‘Trước ta giàu có không sao đếm lường

          Nhưng vô thường xảy ra chới với

          Tài sản ta đi tới suy vong,

              Tài vật chưa thu hoạch xong

       Dễ gì thu hoạch. Đừng hòng gia tăng

          Những tài vật đã hằng thu hoạch.

          Chỉ còn cách đắp y ca-sa

              Cạo bỏ râu tóc, xuất gia’.

     ‘Suy vong tài sản’ chính là điều đây.

 

          Nhưng Tôn-giả trước nay đều tốt,

          Là con một đệ nhất phú gia

              Tại Thun-Lá-Kốt-Thi-Ta

       Suy vong tài sản đâu mà từ ly ?

          Tôn-giả đã biết gì, đã thấy

          Hay nghe gì mà lại xuất gia ?

 

           * Tôn-giả Rát-Thá-Pa-La !   

      ‘Suy vong thân tộc’ này là thứ tư.

          Sinh trưởng từ mẹ cha, huyết thống

          Đông thân quyến. Nhưng bỗng xảy ra

              Bà con tử vong dần dà,

       Suy vong thân tộc chính là điều đây.

          Rồi người này đắp y, cạo tóc

          Xuất gia do ‘thân tộc suy vong’.

 

              Nhưng trẫm vẫn chưa hiểu thông

       Thân tộc Tôn-giả suy vong đâu nào ?

          Nhiều bạn hữu trước sau thân thiện,

          Đông huyết thống thân quyến, mẹ cha

              Tại Thun-Lá-Kốt-Thi-Ta,

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  117

 

       Tại sao Tôn-giả xuất gia như vầy ?

          Ngài biết hay nghe gì, hoặc giả

          Thấy gì khiến Tôn-giả xuất gia ? ”.

 

           – “ Thưa Đại Vương ! Đấng Phật Đà  

       Thuyết giáo Chánh Pháp, phân ra bốn điều.

          Thế nào là bốn điều được tả

          Mà bậc Tri & Kiến-giả, Thế Tôn,        

              Chánh Đẳng Giác, Đại Sa-Môn,

       Đại A-La-Hán – pháp môn giảng bày ?

 

          Đại Vương này ! Bốn điều nên biết :

 

      * ‘Thế giới dần hủy diệt, vô thường’.

              Đó là lời đấng Pháp Vương

       Khiến tôi quyết chọn con đàng xuất gia

          Bỏ thân quyến, cửa nhà, tài sản

          Sống đơn giản, không có gia đình.

 

          * Thứ hai, Thế Tôn cao minh    

       Thuyết giáo Chánh pháp đinh ninh, đó là :   

         ‘Thế giới là vô hộ, vô chủ’.

          Tôi đã biết, căn cứ nghe, nhìn

              Nên đã từ bỏ gia đình

       Xuất gia hành đạo, một mình thiền-na.

 

      * ‘Thế giới là vô sở hữu’ đó   

          Ra đi phải từ bỏ hết thôi’.

              Đức Phật đã thuyết giáo rồi

       Do biết, nghe, thấy tôi thời xuất gia .

 

      * ‘Thế giới là thiếu thốn, khao khát

          Nô lệ các tham ái’ khư khư

              Đó là thuyết giáo thứ tư

       Chánh Pháp do đấng Đại Từ giảng ra

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  118

 

          Tôi xuất gia do biết, nghe, thấy,

          Bốn điều ấy chân thật, sâu xa ”.

 

         – “ Tôn-giả Rát-Thá-Pa-Lá !

       Ngài nói : ‘Thế giới thậm đa vô thường,

          Biến khôn lường, đi đến hủy diệt’.

          Ý nghĩa cần hiểu biết thế nào ? ”.

 

         – “ Đại Vương ! Ngài nghĩ ra sao

       Khi còn tuổi trẻ, bước vào hai mươi

          Hay hăm lăm, thì Người hằng bữa

          Có thiện nghệ voi, ngựa, chiến xa,

              Thiện nghệ cung kiếm, hay là

       Cánh tay, bắp vế thật là mạnh gân,

          Có khả năng thiện nghệ đánh giặc ? ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả ! Trẫm chắc chắn là  

              Khi còn hai mươi tuổi hoa

       Hay hăm lăm tuổi, thật là dũng nhân

          Rất thiện nghệ các phần kể ấy

          Đôi lúc tôi cảm thấy tự tôi

              Có nhiều thần lực, đồng thời

       Không ai sức mạnh bằng tôi hằng ngày ”. 

 

     – “Đại Vương này ! Vậy thì hiện tại 

          Ngài có thấy bắp vế, cánh tay

              Vẫn còn mạnh mẽ hăng say

       Thiện nghệ đánh giặc vẫn đầy khả năng ? ”. 

 

    – “ Thưa Tôn-giả ! Nay thân già yếu   

          Đã giảm thiểu sức mạnh, hăng say.

              Niên cao tuổi lớn như vầy

       Đã tám mươi tuổi, gần ngày mệnh chung,

          Nét oai hùng ngày xưa đã biến

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  119

 

          Khó điều khiển thân thể, chân tay ”.

 

        – “ Chính liên hệ với nghĩa này

       Mà Thế Tôn dạy : ‘Cõi đây vô thường’

         ‘Biến khôn lường, đi đến hủy diệt’.

          Tôi đã biết, nghe, thấy đủ đầy

              Nên tôi xuất gia như vầy ”.

 

 – “ Tôn-giả ! Thật hy hữu thay ! Diệu kỳ !

          Đấng Thế Tôn, bậc Tri & Kiến giả,

          Đấng Giác Giả, bậc Chánh Biến Tri

              Đã khéo nói lên điều ni

       Vô thường hoại diệt mọi thì thế gian.

 

       * Nhưng vương quốc này đang hùng bá

          Các đội quân tượng, mã, chiến xa,

              Bộ quân, mã quân hằng hà

       Khi bị vây khốn hay là hiểm nguy

          Chúng tôi được tức thì bảo vệ

          Sao Tôn-giả lại kể ra rằng

            ‘Thế giới vô chủ’ và hằng

      ‘Không được bảo hộ’. Về phần điều đây

          Cần hiểu ý nghĩa này sao vậy ? ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Ngài thấy, nghĩ sao

              Có mắc bệnh kinh niên nào ? ”.

 

  – “ Tôn-giả ! Trẫm có mắc vào chướng duyên

          Bị bệnh phong kinh niên thường phát

          Nhiều khi các thân quyến, bạn thân

              Đứng ở chung quanh, nói rằng :

      ‘Nay Đức Vua sẽ mãn phần không lâu

          Sẽ mệnh chung, không sao tránh khỏi ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Ngài nói điều này

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  120

 

              Có thể yêu cầu như vầy

       Với các quyến thuộc, con hay bạn ngài :

         ‘Mong các vị ở đây giúp hộ

          Làm vơi nhẹ đau khổ dâng tràn  

              Để được cảm thọ nhẹ nhàng’,

       Hay Đại Vương chỉ khổ mang một mình? ”. 

 

     – “ Thưa Tôn-giả ! Thật tình dù có    

          Van xin họ san sẻ nỗi đau

              Việc đó cũng không thể nào

       Trẫm chỉ thọ lãnh khổ đau một mình ”.

 

    – “ Chính liên hệ sự tình như thế

          Đấng Thiện Thệ đã dạy rõ ràng :

             ‘Thế giới vô chủ’ bất toàn

      ‘Không được bảo hộ’ nên càng hiểm nguy.

          Tôi sau khi biết và nghe, thấy

          Đã xuất gia từ đấy đến nay ”.

 

        – “ Tôn-giả ! Thật vi diệu thay ! 

       Lời Đức Phật về điều này sâu xa.

 

       * Nhưng thưa ngài Rát-Tha-Pá-Lá !

          Vương quốc này đầy cả bạc vàng

              Rất nhiều vàng nén, tiền vàng

       Trên đất, dưới đất vô vàn, hằng sa

          Nhưng điều mà Tôn-giả cho biết

         ‘Thế gian thiệt vô-sở-hữu’ đây

             ‘Ra đi tất cả mất ngay’

       Cần phải hiểu ý nghĩa này ra sao ? ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Thế nào ngài nghĩ

          Năm món dục hậu hỷ mê say

              Đại Vương thụ hưởng dẫy đầy  

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  121

 

       Tài sản đồ sộ thế này của ta

          Ta hưởng thụ trải qua mãi mãi

          Hay người khác, con cái kế thừa

              Ta đi theo nghiệp dắt đưa ? ”.

 

 – “ Thưa Tôn-giả ! Người khác thừa hưởng ngay

          Tài sản này cùng năm món dục,

          Trẫm tiếp tục theo nghiệp mình gây ”.

 

        – “ Chính liên hệ với nghĩa này

       Phật day : ‘Thế giới đây mọi thì

         ‘Vô sở hữu’, ‘Ra đi bỏ cả’.

          Sau khi đã biết, thấy, nghe qua

              Tôi liền từ bỏ, xuất gia ”.

 

 – “ Tôn-giả Rát-Thá-Pa-La ! Điều này

          Vi diệu thay ! Và hy hữu thực ! 

          Đã được đức Chánh Đẳng Phật Đà

              Tri giả, Kiến giả tịnh hòa

       Đại A-La-Hán chỉ ra lộ đồ

          Dạy : ‘Thế giới là vô sở hữu’,

          Không vĩnh cửu, ‘phải mất’ đó mà ! ”.

 

     * – “ Tôn-giả Rát-Thá-Pa-La     

       Đã nói rằng : ‘Thế giới ta sống này

          Là ‘thiếu thốn, dẫy đầy ‘khao khát’

         ‘Nô lệ các tham ái’ đêm ngày

              Ý nghĩa của lời nói này

       Cần phải được hiểu ở đây thế nào ? ”.

 

    – “ Thưa Đại Vương ! Ra sao ngài nghĩ      

          Có phải ngài cai trị đường đường

              Ku-Ru, một nước thịnh cường ? ”.

 

 – “ Thưa vâng, Trẫm đã một phương trị vì      

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  122

 

           Nước Ku-Ru quang huy cường thịnh

          Đông bá tính thôn ấp, thị phường ”.          

 

        – “ Ngài nghĩ sao, thưa Đại Vương !

       Nếu có một kẻ nào thường đáng tin

          Tính chính trực, phân minh lanh lợi

          Từ phương Đông đã tới gặp ngài

              Sau đó tâu lên như vầy :

 

    ‘Đại Vương có biết điều này hay không ? 

          Hạ thần từ phương Đông đã thấy

          Ở nơi ấy có một quốc gia

              Phú cường, thịnh vượng, phồn hoa

       Dân cư trù mật, ruộng đà phì nhiêu

          Nơi có nhiều đội voi, đội ngựa,

          Và nhiều nữa quân đội, chiến xa,

              Có nhiều thiếu nữ, đàn bà

       Đại Vương hãy chinh phục qua nước này,

          Vì vũ lực của ngài có thể

          Chinh phục dễ quốc độ này mau’. 

              Đại Vương sẽ hành động sao ? ”.

 

 – “ Tôn-giả ! Nếu có nơi nao như vầy

          Trẫm sẽ chinh phục ngay tức khắc

          Rồi cai trị cả đất nước này ”.

 

        – “ Đại Vương nghĩ thế nào đây ?

       Người từ phương Bắc, phương Tây, hay kìa

          Từ phương Nam, bên kia bờ biển

          Được có tiếng chánh trực, đáng tin

              Đến tâu Đại Vương tình hình :

 

     ‘Đại Vương có biết sự tình này chăng ?

          Hạ thần hằng sống quốc độ ấy

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  123

 

          Nên được biết nơi đấy phú cường

              Nơi đây chính là địa phương

       Dân cư đông đúc, phố phường phồn vinh

          Đời sống của dân tình sung thịnh,

          Đông quân lính, voi, ngựa, chiến xa

              Lại có ngà voi hằng hà

       Vàng nén, kim tệ đã ra, đang làm

          Nhiều đàn bà, bao hàm thiếu nữ

          Đại Vương có thể tự thân chinh sang

              Chinh phục nước ấy dễ dàng

       Với vũ lực của ngài đang có này’.

 

          Được tấu trình như vầy mọi lẽ

          Đại Vương sẽ hành động ra sao ? ”.

 

        – “ Tôn-giả ! Trẫm tấn công mau 

       Chinh phục rồi trẫm ngôi cao trị vì ”.

 

     – “ Liên hệ với nghĩa ni như thế

          Đấng Thiện Thệ đã giảng giải sâu :

            ‘Thế giới thiếu thốn, khát khao’

      ‘Nô lệ tham ái’ trước sau mọi thì’.

          Sau khi biết, sau khi nghe, thấy,

          Tôi xuất gia từ đấy đến nay ”.

 

        – “ Tôn-giả ! Thật vi diệu thay !      

       Thật là hy hữu ! Bậc Thầy Nhân Thiên

          Đấng vô biên Tri giả, Kiến giả

          Đại A-La-Hán đã thuyết ra

              Bốn sự thuyết giáo sâu xa ”.

 

       Vua hỏi Rát-Thá-Pa-La ngài này

          Nên Tôn-giả giảng ngay như thế

          Lại nói thêm bài kệ đồng thời :

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  124

 

    “ Thấy người giàu sang trên đời

       Mà không bố thí do thời si mê

       Tích tụ tài vật mọi bề

       Chạy theo dục vọng, tham về liên miên

       Dùng bạo lực chinh phục liền

       Cai trị cho đến hải biên chạy dài

       Không thỏa mãn phía bờ này

       Tiếp tục chinh phục, xéo dày bờ bên

 

       Vua cùng loại người như trên

       Ái chưa ly, mạng đã bèn mất ngay,

       Bị thiếu thốn đeo thân hoài

       Không thỏa lòng dục dẫy đầy thế gian.

       Quyến thuộc tán loạn khóc than :

    “ Người không bất tử, hỡi Hoàng Thiên ơi !

       Thân xác vải bao phủ rồi

       Thân quyến đốt lửa, lễ rồi hỏa thiêu.

 

       Bị thiêu đốt, thân cháy tiêu

       Chỉ vải quấn, của tiền nhiều hoàn không !

       Bỏ lại. Quyến thuộc dù đông

       Người chết đâu chỗ nào hòng tựa nương !

       Kẻ thừa tự hưởng vô lường

       Riêng người chết đi theo đường nghiệp duyên

       Tài sản đâu có theo bên

       Vợ con, quyền bính, tài nguyên dứt rồi !

       Tài sản không mua sống đời

       Phú quý chẳng tránh đến hồi già suy.

 

       Kẻ Trí nói đời ngắn, nguy

       Vô thường biến đổi, có gì mãi đâu

       Giàu nghèo cảm xúc như nhau

       Trí ngu cảm thọ đồng câu trầm phù.

Trung Bộ ( Tập 3 ) Kinh 82 :  RATTHAPÀLA        *  MLH –  125

 

       Kẻ ngu đánh ngã người ngu,

       Bậc trí cảm xúc cương nhu sợ gì !

       Trí thắng tài vật mọi thì

       Chính nhờ trí tuệ chung quy viên thành.

       Hữu, phi hữu không mãn thành

       Kẻ ngu tạo nghiệp chẳng lành, ác danh

       Nhập thai cõi khác thác sanh

       Luân hồi nên tiếp tục sanh mãi hoài !

 

       Thiểu trí, ắt hẳn kẻ này  

       Nhập thai sanh đến những loài khác nhau,

       Như trộm bắt khi đụng đầu

       Ác tánh do tự nghiệp mau hại mình.

  

       Cũng vậy, sinh tử chúng sinh   

       Tự làm, ác tánh hại mình biết bao !

       Dục vọng nhiều loại ngọt ngào,

       Nhiều hình thức nhiễu loại vào tâm ta.

 

       Thấy dục tăng, họa sâu xa

       Đại Vương ! Tôi đã xuất gia tu hành.

       Người chết như quả rụng nhanh

       Cả già lẫn trẻ mạng đành mất ngay,

       Tôi xuất gia do thấy vầy

       Sa-môn tối thắng hạnh đây thực hành ”./-

 

        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt  Kinh  số 82  :  RATTHAPÀLA   –

RATTHAPÀLA   Sutta  )

    




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/04/2012(Xem: 3918)
Tôi thường mong mỏi những người biết chữ tuổi chặng 50 trở lên thì giờ rảnh viết lại những gì mình nghe, mình thấy, mình biết ở nơi quê hương mình. Nay nhân 20.11, kỷ niệm Ngày nhà giáo, tôi xin khoanh gọn: hãy viết về những Thầy Cô giáo cũ ở địa phương mình, tả dáng dấp, nói qua đời sống gia đình của thầy, cả tính đặc biệt và vài mẫu chuyện về thầy.
30/03/2012(Xem: 3311)
- Bác gắng tăng thêm tốc độ. - Dạ. - Gắng tăng thêm nữa. - Dạ. Người tài xế bặm môi nhíu sát hai lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải rộng, trải dài, lác đác có thôn ấp nấp sau những lũy tre. Chúng nằm bất động, cản ngăn tầm mắt khiến tôi có cảm tưởng là xe vẫn còn chạy chậm. Tôi muốn giục thêm bác tài nhưng tự nhiên thấy mình khiếm nhã. Tôi đã giục nhiều lần rồi. Giục thêm, có khác nào bảo rằng bác ta thiếu thiện chí hay kém tài năng.
30/03/2012(Xem: 6222)
Ông bạn rót thêm tách trà đẩy về phía tôi: - Mời thêm tách nữa, trà này coi vậy mà uống được. Im lặng chợt ông ngước mặt nhìn tôi: - À! Chợt nhớ ra. Hôm Phật Đản cách nay mười năm, tôi lên chùa Long Sơn dự lễ. Lễ đường chật ních người. Các giáo phẩm, các đạo hữu, các khuôn hội, các thầy trò trường Bồ Đề, chuông trống vang rền, ai nấy quỳ xuống. Mà sao tôi thấy ông lẽ loi đứng chắp hai tay mắt hướng nhìn tượng Phật?
28/02/2012(Xem: 3073)
Kể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế. Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?
18/02/2012(Xem: 12596)
Thiếu CHÁNH KIẾN trong sự tu hành chẳng khác gì một kẻ đi đường không có BẢN ĐỒ, không có ÁNH SÁNG rất dễ bị dẫn dụ đi theo đom đóm, ma trơi.
01/02/2012(Xem: 17101)
Một tấm lòng, một con tim hay một thông điệp mà Mặc Giang nhắn gởi: “Cho dù 10 năm, 20 năm, 30 năm. Năm mươi năm nửa kiếp còn dư, Trăm năm sau sỏi đá còn mềm...
01/02/2012(Xem: 10439)
Muôn nhờ Đức Phật từ bi Giải oan cứu khổ độ về Tây Phương (Nguyễn Du) Mỗi khi gặp nhau, những người Phật tử Việt Nam thường chào hỏi với nhau bằng cách chắp tay trước ngực và niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà, và khóa tụng kinh buổi tối thì gần như hầu hết các chùa, nhất là các chùa ở miệt nhà quê không gọi là đi tụng kinh mà gọi là đi Tịnh Độ. Điều ấy chứng tỏ rằng tín ngưỡng Di Đà đã gần như được tuyệt đại đa số xuất gia cũng như tại gia, trí thức cũng như bình dân đều hết lòng tin theo và thọ trì.
24/01/2012(Xem: 13580)
Vănhọc Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng dứt khoát phải thể hiện giáo lý nhà Phật, mà cụ thể là thểhiện vấn đề về bản thể luận, về giải thoát luận và những con đường tu chứng. Để biểu lộ nội dung trên, văn học Phật giáo phải có một nghệ thuật tương xứng. Ở bài viết này sẽ đề cậpmấy nét đặc sắc về nghệ thuật của văn học Phật giáo. Khi trình bày vấn đề, chúng tôi chọn văn học Phật giáo Lý-Trần đểminh họa, bởi lẽ văn học Phật giáo Lý- Trần là kết tinh của những tinh hoa văn học Phật giáo Việt Nam.
24/01/2012(Xem: 2955)
Trong nhiều năm tôi đã nhớ mình viết bài luận văn “Khai bút” vào đêm giao thừa. Bài đó được chấm mười một điểm rưỡi trên hai mươi. Trong khung lời phê, cô giáo ghi...
23/01/2012(Xem: 17497)
Xuân hiểu là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt xinh xắn, trong trẻo, hồn nhiên, thuần túy tả cảnh buổi sớm mùa xuân thật thơ mộng. Bài thơ có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông còn trẻ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]