Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chí Nhỏ Chí Lớn

20/05/201909:58(Xem: 4049)
Chí Nhỏ Chí Lớn
duc the ton 2a


CHÍ NHỎ, CHÍ LỚN

 

Vĩnh Hảo

 

 

Thử nhìn con người qua những giai tầng xã hội:

Chí lớn mà tài kém, cả đời chẳng làm nên đại sự gì.

Chí nhỏ tài cao, vào đời chỉ biết dọn đường mở lối cho tiểu nhân cầm cờ đứng lên.

Chí nhỏ không tài, nhờ ranh ma qua mặt kẻ dưới, lòn cúi dua nịnh người trên, có thể được thành công (trên thương trường hay chính trường), chễm chệ ngồi trên chóp đỉnh vinh quang.

Chí lớn tài cao mà không gặp thời vận, cũng trở thành kẻ bất đắc chí, lất lây một đời với nghèo khổ, bất hạnh; cố gắng bon chen để tìm một nấc thang nào đó trong xã hội thì bị đày đọa chèn ép bởi những kẻ bất tài, vô đức.

 

Nhưng chí lớn là chí như thế nào?

Kiếm tiền, làm giàu, bủn xỉn chắt mót từng xu để dành cho được số tiền lớn; mỗi ngày nhìn số tiền trong tài khoản ngân hàng tăng dần mà toại chí thành công?

Khổ nhọc học hành, quên ăn bỏ ngủ cho có được bằng cấp để hãnh diện, khoe khoang với người; không có thì tìm cách mua cho có… mới hài lòng, thỏa chí?

Lao tâm, khổ trí, dua nịnh kẻ có quyền, bợ đỡ đảng cầm quyền, dùng miệng lưỡi ru ngủ, dối gạt người để trèo lên đỉnh cao danh vọng quyền thế, hầu mặc sức nhũng lạm lợi ích cho cá nhân và gia đình bè phái, có phải chí lớn?

 

Chí lớn của kẻ sĩ ở đời, từ xưa đến nay, thực ra, không phải ở chỗ có được danh vọng, quyền thế, cũng không nhất thiết phải nắm được quyền bính để “trị quốc, bình thiên hạ” (1), vì không phải ai cũng có cơ hội này. Cốt lõi của trị quốc, an dân, cũng là chỗ mà chí lớn vươn tới, chính là mang lại lợi ích cho số đông, cho nhân quần xã hội. Có thể mượn hình ảnh của những nhà từ thiện vĩ đại như tỷ phú Bill Gates, Ni sư Chứng Nghiêm (2), v.v… làm biểu trưng cho chí nguyện lớn lao trên trần thế này. Tất nhiên nhờ có tài sản lớn mà họ có thể thực thi được nhiều điều ích lợi cho hàng triệu người trên trái đất; nhưng không phải ai có tiền cũng làm được điều họ làm. Điều to tát vĩ đại họ đem lại cho con người và cuộc đời được khởi đi từ Lòng Thương Rộng Lớn - Đại Bi Tâm. Họ không nắm quyền lực chính trị, không điều hành guồng máy quốc gia (theo nhiệm kỳ, hay độc tài vô thời hạn), nhưng ảnh hưởng của họ là rộng khắp, dài lâu, không có giới hạn thời gian.

Còn như nói chí lớn của kẻ trị quốc, theo quan điểm Phật giáo, không phải ở chỗ quốc gia đó lớn hay nhỏ, có tầm hạn cục khu vực hay tầm quốc tế, mà chính là ở chỗ vị “quân vương” đó có tâm chí và thuật trị quốc an dân như thế nào để xứng đáng được tôn xưng là “Chuyển Luân Thánh Vương.” (3) Vị quân vương ấy trước hết phải có từ tâm của bậc Thánh, hành xử của bậc Thánh, truyền rộng Chánh Pháp khắp nơi, mang lại lợi ích an vui cho toàn thế giới.

 

Và bây giờ, hãy nói về chí lớn của người tại gia và xuất gia đệ tử Phật.

Mục tiêu tối hậu của tất cả pháp hành là giải thoát, giác ngộ: giải thoát tự thân, giải thoát cho người; giác ngộ tự thân, giác ngộ cho người. Tâm nguyện hướng về mục tiêu ấy là chí lớn. Chí lớn ấy cũng khởi phát từ bi-nguyện cứu khổ chúng sinh. Vì khổ não của thế gian mà đem cả thân tâm, hướng về giải thoát, giác ngộ. Nói rõ hơn thì chí lớn của người tu Phật là thành Phật, tức là được giải thoát và giác ngộ hoàn toàn như Đức Phật để có thể cứu độ tất cả chúng sinh.

Không nuôi dưỡng và thực hiện chí nguyện cao xa này thì dù tại gia hay xuất gia, cũng chỉ là lạm xưng: không thể là kẻ “thừa tự Chánh pháp”(4).

Đừng nói chí lớn là tạo dựng chùa chiền nguy nga “hoành tráng” hay những kỷ lục quốc gia, châu lục, thế giới… (trong khi muôn dân đói rách lầm than).

Đừng nói chí lớn là nỗ lực leo hết những thang bậc giới phẩm trong giáo hội hay chức vụ trong thế quyền (mà không nhớ rằng tất cả danh vọng, quyền lợi của thế gian đối với bậc hiền trí vô tham đều phù phiếm như đôi dép bỏ).

Đừng nói chí lớn là gán ghép Đức Phật song hành với một lãnh tụ chính trị, hoặc hệ thống tổ chức Phật giáo đồng hành với một đảng phái thế tục bất nhân, bất cận nhân tình. (Song hành và đồng hành thế nào được giữa Phật và Ma, giữa Chánh và Tà, giữa Thiện và Ác… trong khi sinh linh rên siết thống khổ mà người con Phật thờ ơ, không khởi lên được chút từ tâm để dang tay cứu độ!)

 

Chí nguyện của người con Phật, đặc biệt là người xuất gia, thật phi thường, cao viễn; không có thước đo hay bằng khen thưởng nào của thế gian có thể chạm đến được. Chí nguyện thâm thiết ấy đã được cất lên từ khi mới bước vào thiền môn, cạo bỏ tóc xanh, tham dự hàng ngũ xuất trần:

“Hủy hình thủ khí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Phật đạo

Thệ độ nhất thiết nhân.” (5)

Dù đã trải qua 20 năm, 30 năm, cho đến nửa thế kỷ hay gần một thế kỷ tu tập, những vị trưởng tử Như Lai cũng cần khắc ghi và thắp sáng chí nguyện ban sơ này.

Vì lợi ích cho số đông mà hoằng truyền Chánh Pháp. Vì thương chúng sinh mê mờ khổ ách mà nguyện dấn thân độ khắp. Chí nguyện như vậy, trùm khắp nhân gian, có đâu mà lẩn quẩn trong lợi danh, quyền thế bé nhỏ tầm thường.

 

California, ngày 19 tháng 5, năm 2019

Kỷ niệm ngày sinh Đức Từ Phụ

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

__________________

 

(1)      “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (4 trong 8 mục để thực hiện cương lĩnh của Nho giáo - gồm có: Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, do Khổng Tử đề ra trong sách Đại Học - một trong Tứ Thư).

(2)      Pháp sư Chứng Nghiêm, 1937, vị danh Ni của Phật giáo Đài Loan, đệ tử của Đại Sư Ấn Thuận. Pháp Sư Chứng Nghiêm thành lập Hội Công Đức Từ Tế vào năm 1966 với 30 thành viên là các phụ nữ nội trợ và số tiền dành dụm ít ỏi. Hiện nay thành viên của Hội Từ Tế đã lên đến 5 triệu người trên 30 quốc gia từ Đông sang Tây; hoạt động rộng khắp cho công ích xã hội với việc cứu trợ nghèo đói, thiên tai, đóng góp to lớn cho y tế, giáo dục quốc gia và quốc tế.

(3)      Theo kinh Phật, Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua “…trị vì quả đất này cho đến hải biên, dùng Chánh pháp trị nước, không dùng trượng, không dùng kiếm…” Ở một đoạn khác, khi vị thái tử nối ngôi Chuyển Luân Thánh Vương hỏi vua cha ‘Thế nào là Thánh Vương Chánh Pháp?’ thì được trả lời: “Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà la môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa môn, Bà la môn, cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con… Con hãy ngăn chận họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện. Này con thân yêu, như vậy là Thánh vương Chánh pháp.” (Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 26. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, HT. Thích Minh Châu dịch)

(4)      “Thừa tự Chánh pháp” là thừa kế sự nghiệp của Đức Thế Tôn bằng cách thực hành Chánh Pháp. Kinh Bất Đoạn trong Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, có câu tán thán Thánh giả Sariputta (Xá-lợi-phất) như sau: "Người này là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất."

(5)      Hủy hình giữ khí tiết / Cát ái, xa người thân / Xuất gia hoằng Phật đạo / Thề độ hết chúng sinh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024(Xem: 858)
Bão bùng mưa gió rồi cũng qua đi, giọt xí thoát ra khỏi mọi hệ lụy của hình tướng ở thế gian này, không còn ràng buộc bởi bất cứ sự dụ hoặc nào. Giọt Xí sung sướng ngao du khắp mười phương, không chỗ nào là không có mặt, có mặt khắp mọi nơi mà như thể không hề có mặt. Giọt Xí ung dung tự tại trong trời đất, núi rừng, sông hồ, biển khơi, đô thành, tiểu trấn, đồng quê kể cả ở sa mạc hoang vu, tha ma mộ địa…
22/07/2024(Xem: 2437)
“Lo hoán cốt”. Lo nghĩa là chăm lo. Hoán nghĩa là làm thay đổi. Cốt là xương. Lo làm thay đổi xương cốt của mình. Xương cốt của mình là xương cốt của nghiệp. Bởi thân mình là thân nghiệp. Vì vậy tham dự khóa học, hằng ngày hằng giờ hằng phút hằng giây mình tu tập tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, sám hối, nghe pháp, công phu công quả làm các việc lành là nhằm để chuyển hóa xương cốt của thân nghiệp của mình để cho thân của mình mỗi ngày mỗi nhẹ mỗi giờ mỗi nhẹ, mỗi phút mỗi nhẹ mỗi giây mỗi nhẹ.
15/07/2024(Xem: 4762)
Ba Mươi Năm vun bồi ngôi nhà Tâm Linh Phước Huệ Hạt giống Phật tưới tẩm thương yêu hiểu biết đơm hoa Chữ Duyên trong đạo Phật thật thâm trầm áo nghĩa, đất Thục-quỳnh-mai, nơi Đạo Tràng Phước Huệ thành lập và sinh hoạt đến nay đã tròn Ba Mươi Năm, cũng từ chữ “duyên” đó. Khởi đi là, vào một ngày đẹp trời đầu tháng 8, năm 1994, Thầy Tâm Ngoạn lái xe từ Seattle về Los Angles, mời chúng tôi lên xe, cùng Thầy thăm viếng miền Tây Bắc Hoa Kỳ vì, trước đây đã ba lần, mỗi lần về LA, Thầy rất chân thành mời chúng tôi đến Seattle lập chùa, nhưng, chúng tôi đều một mực từ chối
30/06/2024(Xem: 3883)
Trúc Lâm Đầu Đà, Ngài tên thật là Trần Khâm. Sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, ở ngôi 15 năm từ 1278 đến 1293, nhường ngôi cho con lên làm Thượng hoàng 6 năm từ 1293 đến 1299, sau đó ngài đi tu 9 năm từ năm 1299 đến năm 1308. Năm 1308 ngài viên tịch. Trụ thế 50 tuổi Tây, 51 tuổiTa. Đó là cuộc đời của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là anh hùng dân tộc, là một bậc minh quân, là vị tổ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam. Hồi Thứ Nhất:
30/06/2024(Xem: 909)
Hôm nay, chúng con lại có duyên lành đến cúng dường Tăng an cư tại trú xứ Tăng Già lam-Quảng Hương, Phật lịch 2568, thấy chư Tôn đức Tăng hiện tiền hòa hợp thanh tịnh; nhưng nhìn lên Hương thất, thấy Tôn dung Trí Quang Thượng nhân không còn mà vẫn còn phảng phất hương thơm; nhìn kỹ trong đại chúng, không thấy hình ảnh từ hòa, đôn hậu của Hòa thượng Thích Đức Chơn, người mà mới ngày nào đó dạy dỗ chúng con và cùng chúng con đi Canada dự lễ về nguồn tại chùa Phổ Đà Sơn của Hòa thượng Thích Bổn Đạt và lại cũng không thấy bóng dáng Hòa thượng Thanh Huyền đang ở nơi đâu, giữa cõi đời “Không không sắc sắc” này. Nhìn vào Thị ngạn am, bậc Thượng sĩ đã “Thiên lý độc hành”, chỉ thoáng thấy bóng dáng hao gầy và nghe tiếng đàn Dương cầm hay Piano từ tâm thức kính thương của chúng con vọng lại
29/06/2024(Xem: 2647)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
27/06/2024(Xem: 2899)
Phát hành vào tháng 7 năm 2024 Nhân Kỷ Niệm 45 Năm Thành Lập Chùa Viên Giác Đức Quốc và 45 Năm Xuất Bản Báo Viên Giác, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề "Người Cư Sĩ Phật Giáo" để chào mừng những sự kiện nêu trên. Đặc San năm 2024 này (lần thứ sáu) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 4 họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Sách in màu, 658 trang, khổ 6x9 inches.
24/06/2024(Xem: 1021)
Đến, vào rồi ra khỏi trên 100 ngôi già lam thánh chúng trong tỉnh, tôi đều gặp thuận duyên. Thuận, có nhiều kiểu thuận khác nhau. Nếu đến các ngôi chùa mình đã từng thường lui tới, xem là "chùa nhà" (như Hải Ấn Ni Tự, Kỳ Viên Trung Nghĩa, Sắc Tứ Kim Sơn...) thì đương nhiên là quá thuận rồi. Đến các ngôi chùa với tờ giấy giới thiệu của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội, tờ giấy có con dấu đỏ như giấy thông hành, như "bùa hộ mệnh", khi trình ra là được đón tiếp cho dù là niềm nở và cởi mở hay thận trọng và nghi ngại, thì rốt cuộc cũng là được thuận lợi, nhiệm vụ hoàn thành. Đến những ngôi chùa được các vị trụ trì có nhã ý mời tham dự lễ lạt thì dĩ nhiên không có gì là chướng ngại, là rào cản. Có nhiều chùa tôi thuận duyên đến mà không được gặp vị trụ trì, phải lần thứ hai, thứ ba mới được yết kiến, nhưng đó cũng là thuận, là chưa đúng thời điểm, chưa hội đủ duyên lành chứ không phải nghịch duyên, chướng duyên.
22/06/2024(Xem: 2224)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
21/06/2024(Xem: 3012)
Trong lúc dọn dẹp lại thư viện kinh sách bé nhỏ của mình, người viết vừa nâng niu, vừa bâng khuâng xao xuyến khi nhìn kỹ lại hơn 50 tác phẩm được biên soạn bằng chính năng lực, trí tuệ của quý danh tăng của thế kỷ 20 -21 đã ký tặng( mà người viết cho đấy là sách giáo khoa hàn lâm về Phật Giáo ) với những dòng chữ thật trân quý đầy tinh thần nhân văn cao cả của lý tưởng, lại mang đậm các giá trị đạo đức truyền thống trong Phật Giáo mà trong suốt đời tu học, khoảng 10 năm gần đây người viết mới được tiếp xúc những bậc hiền triết này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]