Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngút Ngàn Giữa Đại Dương Bát Ngát

25/02/201919:25(Xem: 4011)
Ngút Ngàn Giữa Đại Dương Bát Ngát

dai duong bao lac
NGÚT NGÀN

GIỮA ĐẠI DƯƠNG BÁT NGÁT

 

 

“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ của Tuệ Sỹ mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi trên những chuyến phiêu bạt, giang hồ khắp đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời mình cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi trên nhịp bước sương lồng sông núi lặng: “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.”* Phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương, theo cách điệu tiêu dao du chơi giữa vô thường :

 

“Bước đi nghe cỏ động

Đi mãi thành tâm không

Hun hút rừng như mộng

Tồn sinh rụng cánh hồng”**

 

Bồng phiêu tựa cánh chim trời tung bay giữa muôn trùng cuộc lữ, như Nguyễn Du lang thang qua những ngọn núi đồi ở Hồng Lĩnh, như Basho bộ hành, phiêu lãng khắp xứ hoa Anh đào, Nhật Bản, như Lý Hạ lê la với những âm hồn lênh đênh, như Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng chập chùng trong quá khứ xanh rì, dĩ vãng tuyệt mù xa ở Trung Hoa. Từ đó, nghe ra biết bao niềm giao cảm nên xin hòa âm trên ngõ về Tuệ Sỹ Im Lặng Sấm Sét, đồng thanh tương ứng trên cung bạc thi ca :

 

Những phương trời viễn mộng đi

Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua

Đọa đày một thuở ta bà

Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng

 

Ôi ! Giấc mơ Trường Sơn rung

Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ

Kinh thiên động địa sững sờ

Đâu chân diện mục của Thơ với Thiền ?

 

Mặc như lôi ngồi tịch nhiên

Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm

Những điệp khúc cho dương cầm

Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm

 

Niềm chi mà thâm thiết vang âm, ý gì mà từ vô tận ngân dội về ? Để cho : “Nơi đây, sa mạc cứ vẫn thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan hết những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt”.Tuệ Sỹ đã nói như thế trong Vô Môn Quan giữa một chiều xa xưa bữa nọ, mãi đến bây giờ, vẫn còn nghe đồng vọng lại, khi mình đang lang thang với Thầy, lội suối trèo non, leo lên trên tuyệt đỉnh cô phong, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm giữa trùng khơi, hoang đảo sóng rạt rào, để thấy ra Không Có Cái Chi Là Tự Ngã :

 

Ngút tận mù khơi trời hoang đảo

Trèo lên tuyệt đỉnh núi lặng im

Im lặng lắng nghe mây ngàn hát

Vang vọng nghìn năm biết bao niềm

 

Nghìn năm sóng vỗ trào vô ngã

Rạt rào trên biển lớn mênh mông

Tứ đại phù du bèo bọt nổi

Sóng tan thành nước chảy theo dòng

 

Sóng nước tuy hai mà vốn một

Nên sinh hay diệt vắng lặng rồi

Cũng ngay ngũ uẩn thân mình đó

Phật tính nhiệm huyền hiện hữu thôi

 

Trùng trùng duyên khởi muôn vạn pháp

Đủ duyên thì hiện hết thì tan

Không có cái chi là tự ngã

Hòa chung vũ trụ trỗi cung đàn

 

Cung đàn vang dậy trỗi khúc bồng tênh, lênh láng trên lớp lớp sóng trào, ngoài viễn xứ xa xăm cùng hòa âm theo Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm du dương, thánh thót. Một tập thơ mà Tuệ Sỹ hát ca quá mộng trong bóng tối u huyền, thoảng ngát trời sương trăng tịnh trầm thanh vắng lặng :

 

“Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt

Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng

Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc

Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên”***

 

Vô biên vô lượng tuy hoằng viễn thiên hà mà thực ra vẫn gần gũi quanh đây, ngay nơi đáy lòng bi mẫn, ngân dài khúc điệu vô ngôn. Vô ngôn một cách thâm thúy, diệu kỳ trong ý vị sâu xa. Vì lẽ : “Người thi sỹ xuất chúng, xuất thần, hay có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay là chẳng nghe.”****

 

Bùi Giáng nhận xét về Tuệ Sỹ như thếvà thi nhân cũng lai rai hồi đáp lại : “Bởi vì, cách điệu của Thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du.”** Ngao du trên phong vận tài hoa, nhập cuộc cùng buồn vui, mộng huyễn ta bà :

 

“Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói

Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao”***

 

“Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao” hay “Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao” là điệp khúc Đại từ bi mà tôi nghe được từ cái nhìn sâu thẳm của Tuệ Sỹ, khi ngồi Trên Tuyệt Đỉnh Ngàn Cao, nhìn xuống chập chùng trùng khơi biển nước :

 

Ra vùng biển lớn trùng dương

Lướt trên bão tố vô thường cuồng phong

Rỗng rang tận đáy sâu lòng

Vất đi hết những ngày long đong nào

 

Trèo lên chót vót đỉnh cao

Ồ mây trắng lượn bay trào cuộn dâng

Quá cùng tuyệt hảo vô ngần

Hoát nhiên bừng ngộ lẽ Chân tánh này

 

Ngó nhìn xuống cõi đời say

Dưới kia nhỏ bé đang dày xéo nhau

Lô nhô lúc nhúc loạn nhầu

Cứ tranh giành giật cứ xâu xé hoài

 

Chạnh niềm thương kiếp trần ai

Mãi còn hỗn độn đêm dài vô minh

Sao chưa thức dậy vươn mình

Ca bài giải thoát điêu linh phận người ?

 

Phận người điêu linh, trầm thống không phải mới ngày hôm nay mà xảy ra từ vô lượng kiếp rồi. “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương”. Đức Phật đã từng thấy như vậy. Kể làm sao cho hết nỗi ngậm ngùi, xiết bao khổ lụy… Khi mình nhận thấy sự thống khổ, đảo điên vô cùng tận thì mới phát khởi Đại bi tâm hay Bồ đề tâm : “Bồ đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa, áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ…”***** Tuệ Sỹ khơi mở cho chúng ta một sinh lộ hướng thượng, vượt lên trên thân phận trầm kha, đắm chìm trong mịt mùng u tối, rồi lặng lẽ đi về, lắng nghe giữa hun hút thẳm sâu lòng :

 

“Ta về một cõi tâm không

Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn

Còn yêu một thuở đi hoang

Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya”**

 

Giữa khuya trầm giá lạnh mù sương, khúc cung cầm tâm cảm lại hòa âm theo từng bước chân của người thi sỹ dị thường : “Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu. Bản tình ca vô tận của Đông phương.”* Từ bản tình ca đó, tôi nghe rưng rưng dư vang kéo dài bất tận qua khắp rừng cao lũng thấp, trên mặt đất hư vô, khô cằn sa mạc, vang dội xuống tuyệt cùng hố thẳm tư tưởng, rồi vút bay theo cánh đại bàng ra biển cả ngàn trùng, tung lượn trên sóng vỗ Tịch Không :

 

Cánh đại bàng bay qua đại dương

Lượn vờn chao trào bọt sóng dị thường

Bên ghềnh biển tiền thân về thấp thoáng

Hát lời chi trong nắng tinh sương ?

 

Chợt cơn mưa vừa đổ ngoài hiên

Mà nghe vang pháp vũ mát trinh tuyền

Trên đồi cao núi rừng xanh mới lạ

Đá tảng ngồi thanh thản an nhiên

 

Trăng ngàn khơi chiếu diệu vào trong

Thấy xưa nay mặt mũi hiện giữa lòng

Bản lai diện mục vô ngôn thuyết

Huyền gặp huyền cười giữa Tịch Không

 

Không Tịch minh nhiên giữa biển ngàn hoang vắng, tịch liêu, chìm sâu trong nín thinh, tịnh khẩu. Bàng bạc dưới vầng trăng thiên thu, lắng nghe những lời vô thanh văng vẳng bên đồi, tôi mường tượng, bằng con mắt Hoa Nghiêm, Thầy nhìn thấy toàn thể cuộc đời trùng trùng duyên khởi, đầy ắp giọt lệ và nụ cười trộn lẫn viên dung, rúng động cả hồn vạn cổ, nên tâm từ rải xuống khắp thập loại chúng sinh của Bi Tráng Một Hồn Thơ :

 

Hải đảo hoang liêu ngồi cô tịch

Nắng mưa lộng gió thổi đồi non

Công án tử sinh bừng chiếu diệu

Giữa khuya tuệ giác sáng rực hồn

 

Ngời hiện thiên thu vầng trăng tỏa

Mông mênh trên biển núi lặng trầm

Con mắt Hoa Nghiêm im lặng thấy

Toàn thể cuộc đời giữa diệu tâm

 

Từ ái hoài rung nguồn xúc cảm

Khi chúng sinh đầy nước mắt rơi

Thiên lý độc hành từng chứng kiến

Máu lệ thế gian thấm tận lời

 

Lời thơ bi tráng còn âm vọng

Trong cõi tồn sinh khiến giật mình

Vô thanh mà động hồn vạn cổ

Thương kiếp người ta quá điêu linh

 

Một mình một bóng vào ra giữa thanh âm huyền ngôn, mật ngữ, nghe u hiển tiếng thơ bi tráng từ đáy thăm thẳm ngàn khơi vang vọng lên trên cung bậc Đại bi tâm trầm hậu. Đâu là thể tính siêu việt của Thơ và Thiền ? Đâu là vầng trăng Không Tịch chiếu nguyên sơ ? Không biết nữa, chỉ biết rõ ràng : “Hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống.”** Hương vị cô liêu thoảng ngát chung quanh gành đá tảng, trên đồi cao Vô Trú Am, nằm cạnh một mé triền đồi nhô ra phía biển mênh mông. Tịnh yên, miên mật để cho thần trí nhập cảnh giới Thiền :

 

“Ngã cư không xứ nhất trùng thiên

Ngã giới hư vô chân cá thiền

Vô vật vô nhơn vô thậm sự

Tọa quan thiên nữ tán hoa miên”

 

(Ta ở tầng trời thứ nhất trong cõi không

Cảnh giới của ta thật là cõi thiền

Không vật không người không lắm chuyện

Ngồi xem thiên nữ rải thiên hoa)**

 

Thiền là ngộ. Ngộ là giải thoát. Mình chưa giải thoát, chưa ngộ thì nên im lặng, dù có nói thao thao bất tuyệt về Thiền cũng chỉ hý luận mà thôi. Cõi Thiền bất khả thuyết, bất khả tư nghì, Thiền sư cứ nhập định, đi sâu vào cảnh giới diệu tuyệt huyền hòa Trên Đỉnh Tịch Nhiên :

 

Một mình tịnh khẩu sâu xa

Trên đồi cô tịch căn nhà pháp không

Dựa lưng vào núi mây lồng

Trùng dương trước mặt ngắm mông mênh trời

 

Mỗi ngày một bữa cơm thôi

Đủ cho điệu thở nhẹ vời rỗng rang

Hoang vu hiu quạnh thanh nhàn

Trang kinh vô tự thành trang thơ này

 

Viết lên dòng nước biển mây

Lời chi vi diệu hiển bày nhất nguyên

Sáng bừng thực tại hiện tiền

Trực tâm thầm nhận ngồi yên lặng cười

 

“Cười với nắng một ngày sao chóng thế”* để nghe ra giây phút dội miên trường. Trước khi Thầy nhập thất 3 tháng trời, tôi với vài người bạn thân thiết cùng Thầy leo lên núi Ông Rồng, rồi núi Ma Thiên Lãnh dạo chơi giữa Âm Huyền Xanh Biển Núi :

 

Ngoài hải đảo ngút ngàn vạn dặm

Giữa muôn trùng sóng vỗ mênh mông

Sớm mai bát ngát nhìn vũ trụ

Thấy càn khôn trong một giọt sương lồng

 

Trên tuyệt đỉnh ngàn cao hùng vĩ

Thật không ngờ xuất hiện bóng Thiền sư

Cước căn điểm địa vang đầu gậy

Dội huyền âm rền tâm khúc đại từ

 

Từng nhịp bước vô công dụng hạnh

Rúng ngân dài tận góc bể chân mây

Biển núi ngời reo theo sỏi cát

Hát mừng vui linh địa ở nơi này

 

Linh địa là mặt đất thiêng liêng này, nơi nào Thiền sư bước tới đều trở thành linh địa, nói như Phạm Công Thiện : “Linh địa là ở đây. Nơi chỗ tôi đang đứng”. Với bàn chân nhanh nhẹn, khinh an, đỉnh núi rừng cao chất ngất, thoáng chốc cũng đã được chinh phục, chạm bước chân đến nơi liền. Ồ ! Bỗng nhiên hiện ra một cảnh giới : “Lô Sơn hùng vĩ, phiêu bồng nhưng u ẩn. Lòng núi giấu kín những tâm sự nghìn năm không nói, lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc, những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô Sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát.”****** Đứng trên đỉnh Ông Rồng hay đỉnh Lô Sơn đó, có thể nhìn xuyên suốt mười phương, thấy toàn cảnh ba nghìn thế giới thấp thoáng trong sương khói bồng bềnh, thưởng thức được Hương Vị Cô Liêu :

 

Lên Ông Rồng hay lên Lô Sơn đỉnh

Núi rừng ơi ! Chạm bóng mây trời

Cao xanh lồng lộng bừng nhật nguyệt

Mắt tuệ ngời tỏa chiếu nghìn nơi

 

Trên chót vót ngàn cao nhìn xuống

Muôn trùng xanh đại hải thanh lương

Ba nghìn thế giới đều hiện rõ

Cái sơ nguyên tuyệt mỹ dị thường

 

Hương Chánh pháp cảm từng mạch máu

Từng tế bào vi tế tỏa ngời ra

Vô ngần thần diệu thầm nhận biết

Tuyệt hồn nghe và thấy chan hòa

 

Hương vị đó cô liêu diệu tuyệt

Thưởng thức từ sâu thẳm lòng không

Sáng nay hít thở đầy buồng phổi

Đồi thênh thang bàng bạc khói sương lồng

 

U huyền thanh khí hòa chan giữa thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt hồn nghe biển rừng mênh mông đồng vọng tiếng gầm của Không Lộ thiền sư, từ đèo truông heo hút, muôn thuở xa xôi vọng về. Rồi bồi hồi quay mặt lại, thấy Thầy đang đứng trên đỉnh núi, viết lên bầu trời những vần thơ biếu tặng cho mây trắng, trùng dương, sương ngàn, nắng gió, Hòa Cát Bụi Đời Với Tỉnh Mê :

 

Xưa kia có lão thiền sư nọ

Phiêu hốt một ngày lên núi chơi

Tuyệt đỉnh cô phong gầm một tiếng

Lạnh cả không gian chấn động trời

 

Còn nay có bậc trượng phu ấy

Cũng bỏ lên rừng ngắm đồi hoang

Lấy mây khói quyện làm bút viết

Bài thơ biếu tặng nắng sương ngàn

 

Biếu tự do cho cây lá cỏ

Cho suối nguồn trôi tự tại kia

Tặng hết có không tam giới mộng

Không còn chi giữ chẳng chi lìa

 

Xuống núi lại qua cùng thế sự

Hòa cát bụi đời với tỉnh mê

Huyễn hóa mà thôi cười thương hết

Nên cứ tùy duyên bước đi về

 

Kề cận, thân mật, hoan hỷ, tùy duyên theo nhịp thở khơi vơi với từng ngọn cỏ, lá cây, với mỗi viên sỏi, cục đá lăn lóc dọc đường. Bước đi kỳ cùng cuộc lữ, Tuệ Sỹ thi nhân đã từng mở cuộc Thiên Lý Độc Hành bằng hai bàn chân đi bộ và đi bộ như thi sỹ Basho hay Rimbaud, dãi nắng dầm mưa suốt gần cả năm trời, băng qua khắp đỉnh đèo heo hút gió, bạt ngàn cát bụi, ruổi rong trên cao nguyên, rừng hoang rú rậm Lâm Đồng :

 

“Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông

Rừng mây xanh ngất tạnh vô cùng

Từ ta trải áo đường mưa bụi

Tưởng thấy tiền thân trên bến không”**

 

Cuộc thiên lý độc hành ca ấy đang dừng chân ngoài hải đảo Lại Sơn, ngút ngàn sóng biển Kiên Giang. Thanh thản nụ cười mây trắng, an nhiên ánh mắt mưa xanh. Cơn mưa pháp vũ tuôn tràn xuống cõi bụi phù trần, rồi đọng lại thành những tác phẩm : Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thắng Man Giảng Luận, Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, Tuệ Sỹ Văn Tuyển, Triết Học Về Tánh Không, Luận Thành Duy Thức, Du Già Bồ Tát Giới… gội mát vô lường, khơi mở cho đời xiết bao thông lộ yêu thương. Thưởng thức nguồn xanh thanh khí, tiêu dung năng lượng thanh cao, bổ dưỡng tâm hồn. Còn gì thi vị hơn, khi được ngồi đối diện, uống trà với Thầy trong liêu vắng bên ghềnh biển, như uống từng giọt trăng huyền nguyên trinh, tịch lặng Uống Trà Giữa Bao La :

 

Chén trà chứa cả đại dương

Ôi tình Thầy đó vô lường vô biên

Nâng ly sạch hết ưu phiền

Tan nghìn u tối bừng nguyên sơ này

 

Hương trà thoảng ngát đồi cây

Ấm lòng tỏa quyện hiển bày diệu tâm

Lời thơ trên mắt lặng trầm

Thầm nghe trực tiếp niềm thâm cảm nào

 

Tưởng chừng như lạc chiêm bao

Bàng hoàng ánh nguyệt chiếu vào sâu xa

Mới hay trong một chung trà

Hòa tâm diệu pháp reo ca giữa hồn

 

Chén trà Vi diệu tâm pháp từ bàn tay gầy của Thầy rót xuống giữa đêm trăng rằm hay sớm tinh sương kia bỗng hóa thành thơ, nhạc, rộn ràng qua từng nét chữ linh động, tài hoa :

 

“Sương mai lịm khói trà

Gió lạnh vút tờ hoa

Nhè nhẹ tay nâng bút

Nghe lòng rộn âm ba”*

 

Cũng rộn ràng như vậy, cây lá, hoa vàng, cát sỏi ven triền dốc đồi đá tảng hoang vu, nghiêng xuống biển trời hải đảo, vô cùng hân hoan, khi Thầy bất ngờ vân du đến chơi và dừng gót phiêu bồng lại trên đồi cao gió lộng, ngồi tịch nhiên bất động suốt ba tháng trời giữa đại hải bao la, lắng nghe hòa khúc Đại Dương Cầm âm vang rào rạt :

 

Đại dương như một cung đàn

Ngày đêm vỗ nhịp mênh mang sớm chiều

Dị thường hương vị cô liêu

Thoảng quanh gành đá hải triều âm dư

 

Lẫn trong khói sóng bay mù

Trên đồi cao bóng hoang vu chạm trời

Thiên thu giữa cuộc lữ chơi

Đến đi như vậy thấy rồi như nhiên

 

Thấy chi cũng tuyệt diệu huyền

Miên man sáng tạo cõi uyên nguyên nào

Cung cầm âm khúc tiêu dao

Cảm rung cùng tận nghe rào rạt chi ?

 

Rạt rào bao âm thanh vi diệu nên ngôn ngữ đành im lặng, chẳng miêu tả được thành lời. Mới đó, ba tháng an cư, nhập thất cũng vèo qua chớp thoáng. Sớm nay, Thầy ra thất, thần thái an lạc, sáng ngời với nụ cười thanh tịnh, thong dong trong ánh nắng bình minh. Rồi uống trà, ngắm biển trăng ngời và leo lên tận Trên Đỉnh Núi Đề Thơ cao chớn chở, ngồi thưởng thức những cụm mây trời vạn cổ bay bềnh bồng trong gió nắng reo vui :

 

Núi Đề Thơ gập ghềnh lên tận đỉnh

Nhìn xuống sâu hun hút ngút đồi nghiêng

Hương trời đất lâng lâng vờn lan tỏa

Lồng trong mây trắng lượn khói sương huyền

 

Những tảng đá lạ lùng cao sừng sững

Đứng uy hùng xem lịch sử trôi qua

Gậy Thiền sư gõ trên đầu sử lịch

Mấy nghìn năm vang dội khắp sơn hà

 

Đá nhập định chuyển rung hồn xuất cốt

Bỗng nhiên nghe tiếng vỗ một bàn tay

Một tiếng vỗ vô thanh mà chấn động

Bùng vỡ ra cái thấy hiển lộ bày

 

Hiển lộ bày ra cái thấy mới mẻ trên từng ngón tay gầy sáng tạo, qua ánh mắt thần lực rực ngời, trong giọng nói tiếng cười thân thiện, truyền cảm, tự nhiên gây sự chú tâm. Chú tâm mới nghe ra trong tiếng cười, giọng nói kia, bỗng dội rền lên một tiếng gầm sấm sét, Mặc Như Lôi :

 

Lên đỉnh Đề Thơ nhìn mây trắng

Lặng ngát đồi sương khói dị thường

Bỗng nghe tiếng hét gầm tịch mịch

Dậy sấm sét rền khắp muôn phương

 

Vang vọng truông ngàn khe thung lũng

Bừng lên sinh khí hạo nhiên tràn

Tiếng sư tử rống làm rúng động

Khiếp vía kinh hồn cáo chồn hoang

 

Tháo chốt nhổ đinh rời tù ngục

Mở dây ràng buộc trói cột mình

Bước tiêu dao dạo vô sở trú

Đùa chơi hý lộng với tử sinh

 

Sinh tử có không như huyễn mộng

Sống chơi chết cũng vậy chơi thôi

Chơi không dính mắc vào đâu hết

Nên tự do đi cảm hóa đời

 

Tự do, tự tại, vô quái ngại là phong thái của Thiền sư đi về mặt đất, trần gian này. Chỉ cần ngồi thư thả, lắng nghe Thiền sư nói thôi là cũng đủ hiểu ra lẽ thật của bao nghĩa đời, lý đạo cao siêu… Đạo đời song hành, tương ứng trên cung bậc Bất nhị, tân kỳ hy hữu theo nhịp bước vô úy, đại hoan hỷ rong chơi. Chơi khắp mười phương Đông Tây kim cổ rồi Ẩn Cư Giữa Đại Dương :

 

Gành đá tảng chập chùng ven triền đảo

Dưới huyền trăng ảo diệu chiếu bãi ghềnh

Sớm chiều tịch lặng trên đồi vắng

Một con người đã quên tuổi quên tên

 

Mưa rồi nắng giăng tràn sương gió

Cho rừng cao hoa lá trổ bao dung

Lòng như đại hải mênh mông chứa

Cả vô biên vô lượng cái tuyệt cùng

 

Trùng khơi hỡi bao la hòa sóng vỗ

Vỗ miên man cung bậc đại dương cầm

Âm ba có lúc rung thần khí

Lúc im lìm nín bặt lặng hồn câm

 

Trầm nhịp võng đong đưa thềm lục địa

Giữa hai đầu biển núi ngút mây bay

Bay bay bay hết không giữ lại

Chẳng còn chi ngoài diệu hữu phương này

 

Phương này hay chốn nọ cũng chính là vườn tâm hay cõi tâm mình chứ chẳng ở đâu xa. Dù có phiêu lưu đi khắp cả bốn phương trời, thì cũng không ngoài cõi tâm của mình đây thôi, như đại văn hào Henry Miller đã phát biểu : “Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình và đi vào giữa lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả. Một thi nhân chân chính, một kẻ sáng tạo đích thực thì luôn luôn độc hành, tự do tự tại. Cái mà người thi sỹ cần, chính là sự cô độc, cô đơn, cô liêu…”

 

Cho nên, cuộc Thiên Lý Độc Hành của Tuệ Sỹ cũng là một cách điệu phiêu bồng, ngao du, chơi rong trong cảnh giới tâm linh của mình vậy. Ở đây, tâm và cảnh, ngoài và trong đều dung thông, vô ngại giữa thực tại cái đang là, như thị, như nhiên Quyện Cùng Hương Tích :

 

Suối truông ngập lá ven triền

Trèo lên dốc núi bình yên chốn này

Ngút ngàn hoang đảo chiều nay

Bay nguyên sơ trắng vẹn đầy mây trôi

 

Trời nghiêng khẽ chạm lưng đồi

Rêu xanh thạch động nghe hơi thở trầm

Thoáng vèo qua mấy nghìn năm

Mà rừng sâu vẫn còn thầm ngát hương

 

Hương chi thi vị lạ thường

Quyện cùng hương tích nguồn thương yêu hòa

Kim cang Bát nhã Pháp hoa

Nhập vào thấm tận ruột rà thanh tân

 

 

Tâm Nhiên

(Vô Trú Am 28. 8. 2018)

 

 

 

* Giấc Mơ Trường Sơn. Thơ Tuệ Sỹ. An Tiêm xuất bản, Paris 2002

** Tuệ Sỹ Văn Tuyển (tập III). Hạnh Viên sưu tập. Phương Đông xuất bản, Sài Gòn 2015

*** Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. Thơ Tuệ Sỹ. Phương Đông xuất bản, Sài Gòn 2009

**** Đi Vào Cõi Thơ. Bùi Giáng. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1972

***** Thắng Man Giảng Luận. Tuệ Sỹ. Phương Đông xuất bản, Sài Gòn 2012

****** Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Văn Tuệ Sỹ. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1973

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/10/2010(Xem: 13364)
Trải vách quế gió vàng hiu hắt, Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng, Oán chi những khách tiêu phòng, Mà xui phận bạc nằm trong má đào.
01/10/2010(Xem: 13751)
Có, không chỉ một mà thôi, Tử, sinh đợt sóng chuyển nhồi tạo ra. Trăng nay, trăng cũng đêm qua, Hoa cười năm mới cũng hoa năm rồi. Ba sinh, đuốc trước gió mồi, Tuần hoàn chín cõi, kiến ngồi cối xay. Tới nơi cứu cánh sao đây ? Siêu nhiên tuệ giác, vẹn đầy “Sa ha” (Thích Tâm Châu dịch )
01/10/2010(Xem: 5039)
Là con người, ai cũng có đủ tính tốt và xấu, nên thực tế rất khó nhận định về tính cách của chính mình, của một người khác, huống chi là nói về tính cách của cả một dân tộc. Tuy vấn đề phức tạp và đôi khi mâu thuẫn, nhưng tôi cũng xin cố gắng đưa ra một số nét tiêu biểu của người Nhật.
28/09/2010(Xem: 7216)
Bao gồm nhiều ngạn ngữ dân gian phản ánh đời sống tâm lý của người dân TQ trong xã hội xưa, “ Tăng quảng hiền văn” là sự thể hiện tư tưởng của Nho Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo, mang tính triết lý cao. 1 Tích thì hiền văn, hối nhữ truân truân, tập vận tăng quảng, đa kiến đa văn. Lời hay thuở trước, răn dạy chúng ta, theo vần cóp nhặt, hiểu biết rộng ra. 2 Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim. Xem nay nên xét xa xưa, ngày xưa chẳng có thì giờ có đâu. 3 Tri kỷ tri bỉ , tương tâm tỷ tâm. Biết mình phải biết người ta, đem lòng mình để suy ra lòng người. 4 Tửu phùng tri kỷ ẩm, thi hướng hội nhân ngâm. Gặp người tri kỷ ta nâng cốc, thơ chỉ bình ngâm mới bạn hiền. 5 Tương thức mãn thiên hạ, tri tâm năng kỷ nhân. Đầy trong thiên hạ người quen biết, tri kỷ cùng ta được mấy người. 6 Tương phùng hảo tự sơ tương thức, đáo lão chung vô oán hận tâm. Gặp lại vui như ngày mới biết, chẳng chút ăn năn trọn tới già.
27/09/2010(Xem: 4153)
Có người không hiểu Phật, than Phật giáo tiêu cực, nói toàn chuyện không vui. Từ đó Tăng ni chỉ được nhớ tới trong những ngày buồn như đám tang, cúng thất, cầu an cho người sắp đi. Rồi thì người ta còn đi xa hơn, xuống thấp hơn một tí, là khi nói đến Tăng ni là họ tưởng ngay đến những người mất sạch, một cọng tóc cũng không có. Thậm chí họ cho mình cái quyền châm chọc khiếm nhã khi nhìn thấy Tăng ni đâu đó. Một chuyện mà có uống mật gấu họ cũng không dám làm đối với những người thế tục cạo trọc.
06/09/2010(Xem: 11048)
Văn Tế Thiên Thái Trí Giả Tác giả Đại Sư Tuân Thức Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm *** 1. Nhất tâm đảnh lễ Thiên Thai Trí Giả trong núi Đại Tô tu Tam Muội Pháp Hoa Tâm tâm tịnh thường lại qua pháp giới Như mặt nhật trên không chẳng trụ không Ba ngàn thật tướng tức khắc viên thông Tám vạn trần lao đều đồng chân tịnh. Xưa hội kiến Linh Sơn còn hoài niệm Nay toàn thân bảo tháp thấy rõ ràng Nếu chẳng cùng sư Nam Nhạc tương phùng Ai biết được tướng thâm sâu thiền định?
01/09/2010(Xem: 3254)
Vườn hoa Phật Giáo mênh mông, với nhiều sắc thái thành muôn màu rực rỡ. Mỗi đóa hoa đều có sắc có hương, để thành vẻ đẹp đặc thù của Phật Giáo. Chúng ta thấy đại dương rào rạt bao la không bờ bến, nhưng giọt nước nào cũng mang vị mặn của muối. Chánh Pháp của Đức Như Lai vô lượng vô biên, nhưng pháp nào cũng đều mang hương vị của giải thoát.Mỗi Vị Tôn Đức hoằng pháp đều có một phong cách riêng, có những tư tưởng nhận định riêng. Vị nào còn trẻ khoẻ thì thích đi hoằng pháp các nơi.
28/08/2010(Xem: 2897)
Du Hôn (truyện ngắn của Nhật Hưng)
27/08/2010(Xem: 3296)
Tuy không phải là bạn thân nhưng tôi quen biết anh ấy từ lâu, thời còn ở trung tiểu học. Anh ấy thuộc một gia đình khá giả, bố mất sớm, thông minh học giỏi. Ra trường, làm việc cho một công ty lớn, được cấp nhà ở, và ai cũng có thể thấy ngay anh là một người thành đạt, có một tương lai xán lạn và là niềm hãnh diện cho gia đình. Nhưng…những chữ nhưng thường làm dang dở cuộc đời. Có nhiều chuyện thật oái oăm và không thể lường trước được có thể xảy ra làm thay đổi một cuộc đời. Và những chuyện không ngờ đó một hôm đã xảy ra, đã đưa anh vào cảnh tù tội một cách oan ức.
17/08/2010(Xem: 13705)
Lâu nay tôi thường cùng các thi văn hữu trao đổi với nhau những bài thơ, câu đối như là một thú vui tao nhã. Về thơ thì tôi vừa mới tập hợp thành tác phẩm Mưa Hè (nhà xuất bản Hồng Đức - quý hạ 2013). Riêng về câu đối, với tính chất riêng của nó, tôi tập hợp thành tập Thiền Lâm Ứng Đối hợp tuyển này, bao gồm một số câu đối trước đây đã được in và phát hành dưới dạng “Lưu hành nội bộ”, và một số câu đối đã được làm trong thời gian sau này. Những câu đối trong tập cũ in lại có hiệu đính, phần nhiều ở câu dịch nghĩa. Đa số những câu đối có nhân duyên từ các chùa trong tỉnh, ngoại tỉnh và một số chùa ở nước ngoài nhờ làm để trang trí. có câu còn ghi chú rõ, có câu tôi không còn nhớ làm cho chùa nào, ở đâu. Kính xin chư Tôn đức cùng quí chùa hoan hỉ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]