Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô Thường

10/05/201817:14(Xem: 3947)
Vô Thường

 
hoa sen 2a



VÔ THƯỜNG

 


Những biến động đàn áp Phật Giáo khởi đầu vào năm 63. Lúc ấy tôi cũng vừa tròn 13 tuổi. Cái tuổi của thắt nơ tóc bím đầy thơ mộng. Thì cũng chính vào những năm tháng thơ mộng nhất của đời tôi, tôi lại trực nhận rõ rằng cuộc đời quả là khổ, quả là vô thường !

 

Lần trở về quá khứ của 33 năm về trước…

Một buổi sớm mai, trời chưa sáng hẳn, khoảng chừng bốn giờ sáng, đang ngủ ngon giấc, tôi choàng thức dậy vì tiếng ồn ào xôn xao trong nhà. Đèn bật sáng. Các anh chị em tôi ai cũng lần lượt nhảy ra khỏi giường, nhốn nháo, ngơ ngác…Chuyện gì thế ? Cha mẹ tôi, khuôn mặt lo âu, nhỏ to điều gì tôi không nghe rõ.

 

Tiếng đập cửa dồn dập. Người quản gia già hốt hoảng chạy tìm cha tôi : « Thưa ông, có mấy ông công an cảnh sát đòi vào nhà !»

Cha tôi nói vài câu gì rồi thì người quản gia vội vàng đi mở cửa, mời các ông…kẹ kia vào nhà.

Tôi còn nhớ rõ, lúc ấy cha tôi đang còn mặc bộ quần áo ngủ. Sau khi tiếp chuyện khoảng năm mười phút với họ, cha tôi lên phòng thay quần áo chỉnh tề, nhắn nhủ đôi lời với mẹ, không nói năng gì với chúng tôi, chỉ ngước mắt nhìn chúng tôi rất nhanh rồi đi theo mấy ông công an cảnh sát kia.

 

Anh chị em chúng tôi chỉ đứng thấp thó đằng sau để quan sát. Mẹ tôi thì theo chân cha tôi cho đến tận cửa. Cha tôi quay lại, tháo đồng hồ đeo tay đưa cho mẹ, lẳng lặng bước ra khỏi nhà, hai ông công an kèm hai bên.

Chúng tôi nhao nháo chạy ù ra nơi cửa sổ, ngoái nhìn cha tôi leo lên chiếc xe được che kín hết các cửa sổ, chúng tôi gọi những chiếc xe mà công an dùng để đi bắt người là xe « bít bùng ».

Chúng tôi dõi mắt nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất dần. Mặt trời cũng bắt đầu ló dạng. Và tim tôi cũng đập từng hồi. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là lo và sợ.

 

Khuôn mặt lạnh lùng của mấy ông công an. Nỗi lo âu trên khuôn mặt của cha, của mẹ. Tất cả mọi hình ảnh hằn lên trong trí nhớ.

Trước sự việc vừa xảy ra, anh chị em chúng tôi ngơ ngác như nai lạc đàn. Mẹ tôi cố gắng bình tĩnh, không nói gì nhiều, chỉ khuyên chúng tôi trở về giường ngủ, sáng còn phải dậy lo đi học.

Chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ, không dám hỏi han gì nhiều. Nhưng chắc chắn làm sao mà chúng tôi có thể chớp mắt, tiếp tục ngủ lại được.

 

Sáng hôm đó chúng tôi vẫn đi học bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra, trong khi đó thì một biến cố quan trọng vừa xảy đến với chúng tôi, cha chúng tôi vừa mới bị công an bắt đi trên chiếc xe bít bùng !

Chúng tôi đến trường với tâm tư nặng trĩu, những câu hỏi dồn dập trong trí óc : cha sẽ bị nhốt ở đâu, có bị tra tấn hành hạ không, sẽ còn sống sót hay bị thủ tiêu, có được thả về không, rồi mẹ, mẹ làm sao sống với bầy con mười một đứa ?

 

Thế rồi nhiều tháng trời đã trôi qua. Không một tin tức gì về cha tôi. Không một ai biết gì. Mẹ tôi hoàn toàn không một lần được gặp cha. Không biết ờ đâu mà tìm. Đi hỏi chỗ này họ chuyền chỗ kia. Đi chỗ kia họ chuyền chỗ nọ. Cứ thế mãi. Đồ ăn, đồ dùng, quần áo, mẹ tôi vẫn gói xách theo nhưng có biết tới tay cha ?

 

Mẹ ốm o, gầy gò và già hẳn ra. Anh chị em chúng tôi cũng lo ra, lơ là việc học.

Ôi cái năm 63 quả là cái năm của hoạn nạn sóng gió !

Phật Giáo Việt Nam chịu bao điều khổ hạnh, tang tóc. Những cuộc tự thiêu nối tiếp. Lửa, máu và nước mắt. Những trái tim Bồ Tát vẫn không đủ để xoa dịu nỗi khổ đau của người phật tử thời đó.

 

Mẹ tôi bôn ba chạy ngược chạy xuôi vẫn không một lần gặp được cha. Một ngày trôî đi là một ngày sống trong lo âu, hồi hộp và sợ hãi.

 

Biến động bên trong, biến động bên ngoài càng ngày càng dữ dội. Để trấn an tinh thần, chị thứ ba của chúng tôi, tụ họp chúng tôi mỗi tối để tụng kinh cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Lần đầu tiên trong đời tôi được biết danh hiệu của vị Bồ Tát này và từ đó Ngài không bao giờ rời tôi, hay nói cho đứng phần cung kính thì tôi chẳng bao giờ rời Ngài. Bởi suốt cả cuộc đời ba chìm bảy nổi của tôi, nếu không có bàn tay cứu độ của Ngài, chắc tánh mạng tôi cũng tiêu vong từ lâu. Vị Bồ Tát này quả đúng như lời Phật dạy trong kinh điển : « Ngài có nhân duyên rất lớn đối với chúng sinh »

 

Tôi không còn nhớ rõ cha tôi bị cầm tù bao lâu nữa nhưng tôi nhớ rõ hnìh ảnh mẹ tôi lúc bấy giờ. Dù khó khăn, lo âu như thế nào, mẹ vẫn can đảm, bình tỉnh để quán xuyến mọi việc. Anh chị em chúng tôi vẫn sống bình thường không hề thiếu thốn, việc học không bị gián đoạn, trừ những ngày có biểu tình lớn, những vụ xuống đường, tự thiêu, những ngày không có an ninh.

 

Có lẽ bấy giờ, dù còn bé, không hiểu nhiều, nhưng nhịp tim của chúng tôi cũng đập theo phong trào tranh đấu Phật Giáo và cũng hiểu được lý do của sự bắt bớ cha tôi, nên tinh thần của mẹ và của anh chị em chúng tôi đều vững vàng. Bởi cùng hướng về một mục đích lớn lao và cao cả, chúng tôi đều cảm tưởng như có một sức mạnh vô hình nào đó đã nâng chúng tôi lên và sẽ che chở chúng tôi để vượt qua mọi khó khăn, đau khổ.

 

Thế rồi mọi khó khăn đau khổ cũng được đền bù.

Gia đình họ Ngô bị ám sát. Chế độ nhà Ngô bị lật đổ. Chỉ ít ngày sau đó thì cha tôi cũng được ra tù.

 

Khi cha tôi vừa bước chân tới nhà thì người ở đâu mà ùn ùn xông đến đầy nghẹt cả sân. Nào bà con, hàng xóm, láng giềng, nào cả bệnh nhân, thân chủ của cha tôi, nào cả những bác đạp xích lô, chị bán bánh bèo, mụ bán chè, o bán bún !

Những bàn tay nắm chặt, những nụ cười, những giọt nước mắt chan hòa tình nghĩa. Tôi không ngờ cha tôi được mọi người thương quí đến mức đó.

Tôi cũng thấy mắt mình mờ đi vì lệ, nửa sung sướng, nửa hãnh diện làm sao !

 

Sau khi đã trải qua những khổ riêng cũng như Pháp nạn chung, lúc bấy giờ gia đình chúng tôi lại sum họp. Những ngày u tối, vợ không chồng, cha không con đã chấm dứt. Ánh sánh hạnh phúc đã trở lại soi sáng căn nhà ấm cúng. Bầy con đông đúc bao quanh hai bậc cha mẹ thật khả kính. Chẳng trách về sau, tôi lập gia đình cũng chỉ mơ tưởng lập lại hình ảnh một gia đình đông con vui nhộn, cha mẹ yêu thương, hiền hòa, gương mẫu !

 

Cũng từ biến cố Phật Giáo này mà sẽ tiếp diễn những đổi thay lớn trong đời cha tôi và của cả chúng tôi.

 

Khi tướng Dương Văn Minh lên nắm chính quyền thì cha tôi được mời ra tham chính. Là đấng trượng phu quân tử, luôn thao thức với con ngưòi và đất nước, làm sao mà cha tôi có thể từ chối trách nhiệm phải gánh vác vận nước khi cần.

Nhưng vận nước thời bấy giờ thì lao đao và bấp bênh như thuyền không người lái giữa đại dương bát ngát !

 

Cha tôi ra tham gia chính trường được một năm thì tướng Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chính quyền. Tướng này, chắc lo ngại ảnh hưởng của cha tôi, không lợi cho ông ta hay vì những xuyên tạc không đúng sự thực về cha tôi nên đã bắt cha tôi cầm tù.

Thế là chúng tôi lại một lần nữa lo âu khổ sở.

Nhưng lần này thì nhanh hơn lần bị cầm tù thời Đàn áp Phật giáo. Cha tôi được thả tự do ở Sàigòn. Mất hết tất cả chức vị. Sự nghiệp hầu như tiêu tan. Cũng chỉ vì lao theo vận nước.

Sau vụ bắt bớ này thì cha tôi định cư ở Sàigòn, không trở về Huế nữa, nơi mà cha tôi đã tạo dựng sự nghiệp và tên tuổi, từ Giám đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế cho đến Giám đốc Trường Cán Sự Điều Dưỡng, đào tạo các cán sự y tế, Khoa trưởng Đại Học Y Khoa Huế, vị khoa trưởng đầu tiên. Phòng mạch của cha tôi thì lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân, mỗi ngày cha tôi chỉ có biết làm việc, từ sáng sớm tới chiều tối. Nhưng tính tình lúc nào cũng vui vẻ, giản dị nên đuợc mọi người yêu quí. Cha tôi lại cũng rất thích đá banh nên đã lập ra đội cầu thủ « Ngôi Sao Y Tế », nhờ đó, hồi nhỏ, anh chị em chúng tôi cũng thường được xem đá banh. Ngoài ra cha tôi còn là chủ nhiệm tờ báo « Lành Mạnh » vì ông cũng vốn rất thích văn chuơng thơ phú, ngoài những bài vở liên quan đến y học, thường vẫn có nhưng trang thơ, văn của nhiều thi sĩ thời đó mà tôi còn nhớ tên như Quách Tấn, Trụ Vũ…Tôi luôn là độc giả tí hon, trung thành với báo Lành Mạnh, mục gì tôi cũng « ngấu nghiến, ghiền gẫm » không bỏ sót dù chẳng hiểu hết. Tuy làm việc rất nhiều nhưng cha tôi cũng thích chơi đùa với con cái, ông thường hay đặt một đề tài gì đó và biểu anh chị em chúng tôi hoặc làm thơ, hoặc viết văn và ông sung sướng đọc rồi cười thích thú.

Vào dịp sinh nhật của một thành viên nào trong gia đình thì anh chị em chúng tôi thường làm một buổi văn nghệ, có sân khấu hẳn hòi trong nhà, đứa hát, đứa múa, đứa đóng kịch, đứa làm hề, đứa đàn piano…và cha mẹ tôi luôn luôn tham dự một cách trịnh trọng.

 

Mẹ tôi đúng là phẩm chất của một phu nhân mà tôi nghĩ người đàn ông nào muốn có sự nghiệp đều ao ước. Đầy đủ công dung ngôn hạnh, đảm đang quán xuyến gia đình, lại xinh đẹp và có tài, biết chơi đàn, cốt cách thanh lịch, thông minh, nói được cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Không những thế lại còn sát cánh với cha tôi. Khi cha tôi soạn thảo cuốn Danh Từ Y Học thì mẹ cũng bên cạnh, dù chỉ là sắp xếp giấy tờ, tài liệu cho đâu vào đó, gọn gàng, dễ tìm dễ thấy, điều đó cũng lợi cho cha nhiều lắm, không mất thì giờ vào những chuyện lặt vặt.

 

Nhưng làm gì có một hạnh phúc hoàn hảo và thường còn trên cõi đời này nhỉ !

 

Thế là vào năm 65, gia đình tôi định cư ở Sàigòn. Mất hết tất cả sự nghiệp gầy dựng hơn bốn mươi năm ở Huế, cha tôi mở phòng mạch, làm lại cuộc đời từ số không, như một bác sĩ mới hành nghề. Nhưng rồi cha tôi cũng trở lại địa vị xứng đáng với tài năng và đức độ của mình. Cha tôi đảm nhận điều hành bệnh viện Sùng Chính ở Sàigòn, cuộc sống được bình thưòng hóa thêm mười năm thì một biến cố khác của đất nước lại xảy đến, thêm một lần nữa cuộc đời cha tôi cũng chao đảo theo.

 

Năm 75 dồn dập đến thật bất ngờ, không ai chờ đợi, không ai mong muốn cả. Đúng là biển dâu. Mọi sự xoay chiều đổi hướng, xã hội đảo lộn, vật đổi sao dời, giàu thành nghèo, nghèo bỗng hóa giàu, tự dưng đâu mà có nhà có cửa có đất có đai, bỗng chốc đâu mà mất hết của cải và cả người thân, người mất mát, người được hết, người được làm, người không được làm gì hết, người được quyền, người bị tước quyền, người được học, người không cho học, người dốt thì dạy lại ngưòi giỏi…Bao nhiêu điều trớ trêu ngang trái, nói không kể xiết.

 

Tôi không là nạn nhân của cuộc biển dâu, cũng chẳng chứng kiến gì vì tôi đã ở một phương trời khác xa xôi, tôi chỉ được nghe, thuật lại từ ngưòi thân, quen chung quanh tôi nhưng cũng đau lòng lắm thay !

 

Năm 78 cha tôi vĩnh viễn ra đi. Chỉ mới 63 tuổi. Có lẽ cũng quá mỏi mệt với những biến cố dồn dập của đời mình.

Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi mà một màu tang tóc phủ xuống gia đình tôi, bà nội, ông ngoại, bà ngoại tôi cũng lần lượt ra đi.

Tôi không thể ngờ đưọc lần từ giã ông bà cha mẹ để lên đường du học lại là lần đã nói lời vĩnh biệt, lần cuối cùng còn thấy nhau. Tôi chẳng bao giờ còn dịp gặp lại được những người thân quí nhất đời tôi.

 

Ôi vô thường là vô thường !

 

Riêng tôi, năm 65, khi gia đình đã dọn vào Sài gòn, tôi còn nấn ná xin ở lại Huế học cho hết trung học, ở nội trú bà xơ Jeanne D’Arc, sau khi đậu brevet thì phải nhảy qua học chương trình Việt, vì ở bà xơ không có lớp cao hơn theo chương trình Pháp. Vậy là tôi nhảy qua học liền tú tài phần một, đậu xong là vào Sài gòn, cha mẹ tôi không muốn tôi nấn ná thêm, quả đúng, tôi đã rời Huế kịp thời tránh được Mậu Thân thảm khốc. Biến cố này đã gây một vết thương quá ư nặng nề cho Huế, một vết thương mà vết sẹo không bao giờ lành. Nhưng thử hỏi có vết sẹo nào mà có thể lành lặn ?

 

Huế của tôi hiền hòa mà Huế của tôi cũng quá ư dữ dội !

 

Thôi thì hãy nói những gì hiền hòa trước. Nhắc đến Huế cũng là nhắc đến quãng đời thơ mộng nhất của tôi, tuy rằng Paris với tôi cũng thơ mộng không kém. Nếu phải có sự lựa chọn giữa Huế và Paris thì có lẽ trái tim tôi phải xẻ làm hai.

Biết bao thi nhân, văn nghệ sĩ đã rung động vì Huế, cũng như Paris. Nhưng thôi, hãy chỉ nói về Huế ở đây. Paris sẽ đề cập đến vào một dịp khác. Xin hứa với bạn đọc như thế nhé.

 

Huế có vẻ đẹp thầm lặng mà khó tìm thấy ở các nơi khác. Sinh trưởng và lớn lên ở Huế suốt 17 năm trời, với những trận mưa dai dẳng, những trưa hè gay gắt, những đêm đông lạnh buốt, dòng Hương trong xanh êm đềm hay gợn đục ngầu vàng của mùa bão lụt, tất cả những sương khí hồn thiêng của Huế như đã ngấm vào xương vào máu vào óc não. Làm sao quên được con đường đi vào Thành Nội, cổng Tam Quan, trường Quốc Gia Âm Nhạc, nơi đã nuôi dưỡng tôi với dòng nhạc ướt át tình cảm, ngôi trường Jeanne d’Arc ấm cúng như một mái gia đình, những chiều nội trú lặng lẽ đã ấp ủ biết bao vần thơ muôn điệu, hồ Tịnh Tâm với những búp sen hiền lành gợi bóng từ bi, cầu Tràng Tiền biết bao lần nối nhịp cho bước chân tôi đi qua và lớn lên thành cô thiếu nữ đầy ấp mộng mơ, biết bao bóng dáng thân yêu đã đi đã về đã khuất bóng bên dòng đời luân lưu, những cung điện, lăng tẩm còn hằn lên những gì bí ẩn, uẩn khuất nhất của lịch sử Việt Nam và cả cuộc đời, bao nhiêu triều đại vua chúa đã đi qua, những nỗi niềm trắc ẩn của cung phi mỹ nữ dường như vẫn còn nặng trĩu, những điệu Nam Bình, Nam Ai nghe mà não lòng đứt ruột.

Biết bao là hình ảnh, là âm thanh gợi nhớ những tháng năm dữ dội đầy sóng gió. Những cuộc biểu tình, xuống đường, hô hào đấu tranh, tuyệt thực, tự thiêu, những chiếc bàn thờ trên đường phố, những vụ bắt bớ, đêm khuya hoảng hốt, sợ hãi, lo âu, những đợt pháo kích, người tan xác, nhà cửa tường xiêu vách đổ, khói lửa thiêu cháy, cái hình ảnh ghê rợn của một Ngô Đình Cẩn bị xử bắn, những vết tích của bạo động, giết chóc, chiến tranh, khổ đau, nghèo đói đều hiện diện nơi Huế thâm trầm tĩnh lặng.

Ôi Huế mộng, Huế thơ và Huế tàn bạo !

Những oan hồn Mậu Thân vẫn còn vất vưởng lang thang đâu đó.

Huế cô hồn và Huế ma quái !

Huế linh thiêng và Huế siêu việt với những ngôi chùa Thiên Mụ, Thuyền Tôn, Bảo Quốc, Quốc Ân, Từ Hiếu, Diệu Đế…hay những nhà thờ trang nghiêm, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phanxicô, nhà thờ Phủ Cam, nhà thờ Kim Long…

Tất cả đều cưu mang hồn của Huế, của người con Huế.

 

Khi tôi rời xa Huế là gần như mãi mãi rời xa Huế. Phải bốn mươi năm sau tôi mới trở lại. Tất cả chỉ là hoài niệm. Không thể tìm đâu ra Huế của một thời xa xưa. Tôi chợt hiểu chân lý : quê hương chỉ tồn tại trong tim ta. Thời gian và Vô thường đã cướp mất tất cả rồi. Đã cuốn theo muôn chiều gió, đã lùa ra tận biển cả, đã nhận chìm vào đáy sâu.

 

Nếu không vẽ một mảnh đất quê hương trên bản đồ của con tim thì cho dù có đi mãi đi hoài cũng không thề nào tìm ra quê hương vì quê hương là Vô Thường. Đất đai là thế. Nương dâu thành biển, biển thành nương dâu. Vận nước là thế, các triều đại nối tiếp, đổi thay lên xuống như nước thủy triều. Vua chúa, quan dân gì cũng thế, hôm nay còn thấy, ngày mai mất đâu. Gia đình, người thân, bạn bè cũng thế, hôm nay sum họp, ngày mai ly tán…

 

Những gì giữ lại trong tim, trong Tâm thì còn. Đừng đi tìm đâu nữa cả. Để rồi chỉ lại thấy bóng dáng của Vô thường luôn luôn chực sẳn. Một khi nó ló mặt ra thì mọi sự hầu như đã trễ tràng. Chỉ còn biết nói lời ly biệt !

Ôi Vô Thường ! Ta thật sự chán ghét mi !

 

 

                                                          Lê KhắcThanhHoài

                                                     Paris, Mùa Báo Hiếu 96

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/09/2018(Xem: 17269)
Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng. Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế. Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế. Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe. Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển lộ qua cách thõng tay vào chợ. Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/không, dứt bặt đúng/sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều thập niên qua.
03/09/2018(Xem: 11742)
Cảm Đức Từ Bi (sách pdf) của Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
28/08/2018(Xem: 6292)
Trong bài Đôi dòng cảm nghĩ về cuốn Võ Nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2001, Giáo sư Mạc Đường, nguyên viện trưởng viện Khoa Học xã hội TP.HCM có cho biết rằng, họ Quách, mặc dù ông tổ vốn dòng Mân Việt nhưng không chịu sống dưới chế độ Mãn Thanh nên đã rời bỏ Trung Quốc di dân sang Việt Nam. Đến thế hệ Quách Tấn và con là Quách Giao đã trên 300 năm. Vì sống tại Tây Sơn đã nhiều thế hệ “ nên họ Quách có biết dược nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương. Nhất là thời đại Tây Sơn và phong trào Cần Vương. Gia phả của họ Quách đều có ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng này.
26/08/2018(Xem: 3679)
Những ngày cuối hạ oi bức, không làn gió thoảng. Cây cối trơ ra như những tượng đá trong vườn thần chết. Mọi thứ như dừng đứng để chờ đợi một phép lạ. Tuần trước, rừng ở quận hạt lân cận bị cháy suốt mấy ngày khiến bầu trời mù mịt khói đen, nắng không xuyên qua được, chỉ ửng lên cả một vùng trời màu vàng nghệ lạ thường. Nay thì trời trong không một gợn mây. Bầy quạ đen lại tranh nhau miếng mồi nào đó, kêu quang quác đầu hè. Rồi im. Bầy chim sẻ đi đâu mất dạng gần một tháng hè gay gắt nắng. Bất chợt, có con bướm cánh nâu lạc vào khu vườn nhỏ. Và gió từ đâu rung nhẹ những nhánh ngọc lan đang lác đác khai hoa, thoảng đưa hương ngát hiên nhà. Phép lạ đã đến. Gió đầu thu.
20/08/2018(Xem: 4637)
Đọc “Đường vào luận lý” (NYÀYAPRAVESA) của SANKARASVAMIN (Thương Yết La Chủ), Cầm quyển sách trên tay độ dày chỉ 290 trang khổ A5 được nhà xuất bản Hồng Đức tại Việt Nam in ấn và do Thư Viện Huệ Quang ở Sài Gòn phát hành, lại chính do Giáo Sư Lê Tự Hỷ ký tặng sách giá trị nầy cho chúng tôi vào ngày 14 tháng 7 năm 2018 nầy, nên tôi rất trân quý để cố gắng đọc, tìm hiểu cũng như nhận định về tác phẩm nầy.
15/08/2018(Xem: 7688)
Nếu chúng ta từ phương diện thư tịch nhìn về quá trình du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam, cho thấy số lượng kinh sách trước tác hay dịch thuật của người Việtquá ư khiêm tốn,nội dung lại thiên về thiền họcmang đậm nét cách lý giải của người Hoa về Phật học Ấn Độ, như “Khóa Hư Lục”, “Thiền Uyển Tập Anh” (禪苑集英), “Thiền Tông Chỉ Nam”, “Thiền Tông Bản hạnh”…Điều đó minh chứng rằng, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu nặng cách lý giải Phật học của người Hoa. Nguyên nhân nào dẫn đến sự ảnh hưởng này, theo tôi ngoài yếu tố chính trị còn có yếu tố Phật giáo Việt Nam không có bộ Đại tạng kinh bằng Việt ngữ mang tính độc lập, để người Việt đọc hiểu, từ đó phải dựa vào sách của người Hoa, dẫn đến hiểu theo cách của người Hoa là điều không thể tránh. Nếu thế thìchúng ta nghĩ như thế nào về quan điểm độc lập của dân tộc?Tôi có cảm giác như chúng ta đang lúng túng thậm chí mâu thuẫngiữa một thực tại của Phật giáo và tư tưởng độc lập của dân tộc.
13/08/2018(Xem: 4304)
Nếu “lá sầu riêng„ chúng ta ví biểu tượng của sự hy sinh, kham nhẫn, nhịn nhục, chịu sầu khổ riêng mình không muốn hệ lụy đến ai, thì Lá Sầu...Chung, một giống lá mới trồng hôm nay phát sinh từ lòng nhỏ nhen, ích kỷ sẽ đem sầu khổ chung cho bao người. Đó là nội dung của vở bi kịch sau đây qua sự diễn xuất của hai mẹ con. Kính mời Quí vị thưởng thức. Đây, bi kịch “Lá Sầu Chung„ bắt đầu.
11/08/2018(Xem: 11601)
Bà hiện còn khỏe, minh mẫn, sống ở Nha Trang. Bà thành hôn với nhà văn B.Đ. Ái Mỹ 1940, cuộc tình sau 47 năm (tức năm phu quân mất 1987), bà sinh hạ 14 người con: 7 trai, 7 gái. Tất cả 14 người con của bà đều say mê âm nhạc, thích hát và hát hay, nhất là người con thứ ba - Qui Hồng. Hơn ½ trong số này cầm bút, làm thơ, viết văn, vẽ, điêu khắc và dịch thuật. Người có trang viết nhiều nhất là người con thứ 10: Nhà văn Vĩnh Hảo, với 13 đầu sách đã phổ biến… Bà là nữ sĩ nổi tiếng không những về thơ ca mà còn cả thanh sắc, thêm vào tính tình hiền diu, đằm thắm nên được văn thi hữu thời bấy giờ quí trọng. Bà là nữ sĩ nổi danh từ thập niên 30 vế cả ba mặt Tài, Sắc và Đức.
09/08/2018(Xem: 7908)
Nghĩ Về Mẹ - Nhà Văn Võ Hồng, Xót người tựa cửa hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ. Sân Lai cách mấy nắng mưa, Có khi gốc tử đã vừa người ôm. Tựa cửa hôm mai là lời của mẹ Vương Tôn Giả. Mẹ bảo Vương: "Nhữ chiêu xuất nhi vãng lai" mày sáng đi mà chiều về, "tắc ngô ỷ môn nhi vọng" thì ta tựa cửa mà trông. "Mộ xuất nhi bất hoàn" chiều đi mà không về, "tắc ngô ỷ lư nhi vọng" thì ta tựa cổng làng mà ngóng. Hai câu mô tả lòng mẹ thương con khi con đã lớn. Trích dẫn nguyên bản để đọc lên ta xúc cảm rằng bà mẹ đó có thật.
09/08/2018(Xem: 6235)
sáng hôm nay, chúng tôi vào lớp đựơc nửa giờ thì đoàn Thanh niên Phật Tử kéo đến đóng cọc chăng dây chiếm nửa sân trường. Tiếp tới, họ chia nhau căng lều đóng trại. Tôi thì thầm hỏi Nhung: --Không nghỉ lễ mà sao họ cắm trại? Nhung che miệng - sợ thầy ngó thấy - nói nhỏ: --Ngày rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan. Tôi mừng quá: ngày mai được nghỉ lễ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]