Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Võ phái Hồ Công

29/01/201817:07(Xem: 4846)
Võ phái Hồ Công

ton vinh vo thuat co truyen viet nam


Võ phái Hồ Công
 
Châu Yến Loan

 

Quan hệ gắn bó Nghệ An – Quảng Nam không chỉ thể hiện ở mặt Văn học mà còn để lại những dấu ấn sâu sắc nơi Võ học. Bên cạnh các thầy Đồ Nghệ dày công vun đắp cho văn học Quảng Nam phát triển rực rỡ còn có các võ sư xứ Nghệ đã giúp cho nền võ học Quảng Nam trở nên lừng lẫy một thời với các võ sĩ “bất khả chiến bại” trên võ đài và đóng góp nhiều vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.

Tại làng Châu Bí (nay là xã Điện Tiến, huyện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nằm dưới chân núi Bồ Bồ, được bao bọc bởi hai con sông Bình Phước và sông Yên,  có một dòng tộc đã sáng chế ra những thế võ độc đáo, xây dựng dòng tộc mình thành một dòng võ nổi tiếng, đó là võ phái Hồ Công.

Tương truyền, người khai sáng ra võ phái này là tướng quân Hồ Công Sùng. Ông xuất thân từ làng Quỳnh Đôi, Nghệ An làm quan dưới triều nhà Mạc đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu thế kỷ XVII, ông từ quan dẫn ba người con trai là Hồ Công Vạn, Hồ văn Bền (người thứ ba không biết tên) đều là tướng quân vào miền đất Châu Bí khai hoang lập làng cùng các vị tổ họ Dương, Trần, Nguyễn. Thủa ấy, đất này là rừng thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, nên ông phải tìm cách tự vệ, và việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, có tên là võ Long Xà.

“Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật, bắt mồi của loài rắn, phối hợp cương nhu làm cho thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Khi ra đòn thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương đón đỡ nặng tựa ngàn cân.

Đặc điểm võ nghệ của Hồ Công Sùng truyền lại là luồn lách nhập nội, đánh đòn ngắn, hiểm độc, có hiệu quả thực dụng, những đòn dài chỉ là đòn gió đề luồn lách”... (1)

Võ Long Xà không truyền cho người ngoại tộc, kể cả con gái họ Hồ cũng không được học những thế võ bí truyền ấy, chỉ có con cháu trai mới được đặc truyền. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, do yêu cầu của lịch sử, võ sĩ Hồ Công hầu hết tham gia các phong trào yêu nước chống xâm lược, họ đã đem kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra huấn luyện cho nghĩa quân, do đó quy luật “ngoại tộc bất truyền” mới được bãi bỏ.

Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, tộc Hồ Châu Bí có nhiều người tham gia. Các ông Hồ Công Cung, Hồ Quảng Ngôn, Hồ Xuyến cùng với các ông Phan Phú Dinh và Phan Bá Thiều mở các lớp dạy võ tại Cấm Lớn huấn luyện nghĩa quân cho phong trào.(2)

Võ phái Hồ Công ở Châu Bí đã đào tạo cho Quảng Nam những võ sĩ tài ba, danh tiếng lừng lẫy, “bất khả chiến bại” như Hồ Hương, Hồ Cưu, Hồ Cập…

 

Võ sư Hồ Hương, truyền nhân đời thứ 7 của võ phái Hồ Công, rất giỏi thuật phi thân (khinh công). Hai tay xách hai giỏ đựng đầy đá, ông nhún mình một cái tức thì từ dưới đất vọt lên trên nóc nhà. Thời ấy, khi trong làng, xã có nhà bị cháy, ông tung người nhảy lên các mái nhà bên cạnh, giở tranh ném xuống đất để khỏi bị lửa cháy lan. Trong trường hợp khẩn cấp, ông có thể "bốc" từng người ném lên các mái nhà để họ cùng giở tranh với ông.

Ngoài việc rèn luyện tinh thông quyền pháp võ Long Xà, Hồ Hương còn học thêm võ thuật với một võ sư người Pháp tên là Big Bag. Sau gần một năm rèn luyện, Big Bag nói rằng đã dạy hết các thế võ cho Hồ Hương chỉ còn dành lại một tuyệt chiêu để “phòng thân”. Nếu Hồ Hương đánh trúng ông 5 roi thì ông sẽ dạy nốt tuyệt chiêu này. Hồ Hương suy nghĩ, tìm tòi sáng chế ra 5 đường roi tuyệt kỹ công phu, khi giao đấu với thầy, 5 đường roi xuất ra một cách thần tốc, tài tình làm cho võ sư Big Bag không kịp trở tay phải nhận đủ 5 đòn vào người.(3)

Võ sư Hồ Công Vinh lại kể rằng: "Ở phủ Điện Bàn có một ông quan võ gọi là Đội Du, rất giỏi về Roi. Nhân chuyến về quê, ông Đội Du thách ông Hồ Hương đấu roi với ông vào dịp lễ hội của phủ Điện Bàn. Dân chúng trong phủ nghe tin ai cũng háo hức đợi xem. Trong khi tập luyện chuẩn bị lên sàn, ông Hồ Hương đã sáng chế được 5 “đường roi” tuyệt kỹ. Đến ngày thi đấu, 5 đường roi được triển khai như giông bão, khiến ông Đội Du tối tăm mặt mày, phải bó tay chịu thua trong chốc lát.

Ông Hồ Hương cùng với các ông Đoàn Cử, Nguyễn Phổ lập ra Hội Võ và tổ chức đấu võ tại đình làng Châu Bí vào các dịp Tết Nguyên Đán đầu thế kỷ XX, làm cho phong trào dạy võ, học võ ở đây lên rất cao.(4)

 

Võ sư Hồ Điệp, vừa là học trò vừa là cháu gọi ông Hồ Hương bằng bác ruột, ông học võ với bác từ năm 7 tuổi. Ông là truyền nhân đời thứ 8 của võ phái, và đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc  có Hồ Cưu và Hồ Cập là 2 anh em ruột.

Võ sư Hồ Điệp là người tài ba, đức độ, ngoài 90 tuổi mỗi ngày vẫn múa roi đi quyền. Năm 2001, ông bị ốm rồi qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.

 

Võ sư Hồ Cưu sinh năm Quý Sửu (1913), chết năm Mậu Tý (22-1-1948) còn gọi là “Thắng Cưu”. Mỗi khi bước lên võ đài, đặt bút ký bản cam kết “chết không khiếu nại”, bao giờ ông cũng mỉm cười tự tin và cuối cùng luôn là người chiến thắng.

Từ năm 14 tuổi, ông theo học với chú ruột là võ sư Hồ Điệp gần 10 năm trên đỉnh Đồi Mồi. Ông nổi tiếng với biệt tài “hốt ngựa” túm đối phương ném xuống đài. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937-1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.

Danh tiếng Hồ Cưu đã làm cho nhiều môn phái khác ghen tị. Một hôm võ sư Quỳ ở làng Cẩm Sơn biết Hồ Cưu đi Hạ Nông (Kỳ Lam), liền tập hợp thêm 3 võ sư và 70 võ sinh, mang theo vũ khí, đón tại đình Thái Cẩm trên đường về Châu Bí, quyết tâm hạ sát Hồ Cưu. Nhưng âm mưu của võ sư Quỳ và đồng bọn bị người em gái của Quỳ báo cho Hồ Cưu biết và khuyên ông tìm đường khác để lánh nạn. Ông cười đáp: “Cô em yên tâm, chẳng ai có thể hại được Cưu này đâu” rồi ông cứ đi đường chính từ Hạ Nông trở về. Đến đình Thái Cẩm, gặp lúc trong đình có hát bội, ông vào xem. Thế là bị lọt vào giữa vòng vây của đoàn võ sĩ đang lăm lăm dao rựa trên tay. Đám hát sợ quá bỏ chạy, Hồ Cưu vớ được cái mâm gỗ làm chiếc khiên đỡ. Dao, rựa của phe võ sư Quỳ thi nhau chém xuống chiếc mâm. Có người trông thấy hoảng hốt chạy tới võ đường Long Xà báo cho võ sư Hồ Điệp rằng Hồ Cưu đã bị băm nát xác. Trong khi đoàn ứng cứu đang trên đường kéo về đình Thái Cẩm giải vây thì cái mâm gỗ vỡ tan, Hồ Cưu phải dùng thế võ “hốt ngựa” túm lấy đối phương để chống đỡ.

Sau trận này quan phủ Điện Bàn đã gọi ông và võ sư Quỳ lên phủ hạch hỏi về tội quấy rối an ninh trật tự. Hồ Cưu đưa ra chiếc áo dài ông mặc đã bị đối phương đâm thủng. Quan phủ đếm trên tấm áo có 21 vết dao, rựa nhưng người ông thì không có vết thương nào đáng kể nên cảm phục cho về…

Từ năm 1942 đến 1948, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ và huấn luyện võ thuật cho đội Quyết Tử của tổng Định An.

Hồ Cưu hy sinh năm 1948 trong một lần vượt sông Thu Bồn, hưởng dương 36 tuổi. Ông được đưa về an táng trên đỉnh Đồi Mồi.(5)

 

Võ sư Hồ Cập, em ruột của Hồ Cưu cũng là một võ sĩ “bất khả chiến bại” trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B, Hồ Cưu vô địch ở hạng A.

Võ sĩ Hồ Cập nổi tiếng với thế võ “Nghịch cước xuyên tâm” trong trận thắng “Long Hổ Hội” tại Đại Lộc vào năm 1960.

Long Hổ Hội là một võ đoàn đấu võ đài lưu động gồm hàng trăm võ sĩ danh tiếng do ông Tôn Ngọc Sách phụ trách. Đoàn có võ sĩ Tôn Ngọc Lực, 40 tuổi, cao 1,7m nặng 75kg là cao thủ võ lâm chuyên hạ đối thủ bằng những  độc chiêu. Cuối tháng 4–1960, võ đoàn “Long Hổ Hội” đến lập đài ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, suốt 5 đêm liền chưa có một võ sĩ nào của tỉnh Quảng Nam chịu đòn với Tôn Ngọc Lực được 2 phút. Lúc này, võ sĩ Hồ Cập đã 57 tuổi, cao 1,63m, nặng 56kg, nghe tin đoàn “Long Hổ Hội” đang “làm mưa, làm gió”, khinh thường Quảng Nam không có nhân tài, ông bèn cùng với một số người làng Châu Bí bơi qua sông Vu Gia đến Ái Nghĩa. Giữa lúc Tôn Ngọc Lực vừa mới đánh trọng thương một võ sĩ thì ông nhún mình vọt lên đài xin giao đấu. Hai bên xuất chiêu, lúc đầu, với sức thanh niên sung mãn Tôn Ngọc Lực ra đòn tới tấp, áp đảo Hồ Cập khiến khán giả có lúc phải nín thở vì lo sợ cho tính mạng của ông. Thế nhưng, đến phút thứ ba, bỗng nghe một tiếng ‘hự” rất lớn rồi thấy Tôn Ngọc Lực ngã trên sàn đấu. Được cấp cứu Tôn Ngọc Lực mới tỉnh và ngày hôm sau, võ đoàn “Long Hổ Hội” rút đi khỏi đất Quảng Nam. Về sau Hồ Cập mới cho biết ông đã hạ đối phương bằng đòn “nghịch cước xuyên tâm”… Đó là thế võ bí truyền của phái Long Xà được võ sĩ Hồ Cập sáng tạo bằng cách áp sát đối thủ và tung ra cú đá hiểm hóc, chưa có người nào hoá giải được nên nghịch cước xuyên tâm còn có tên là “câu hồn cước”. (6)

Ông mất năm 1968.

 

Võ sư Hồ Công Vinh

Con của Võ sư Hồ Điệp, là truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công từ năm 2001 khi thân phụ qua đời. Ông sinh năm 1955, học võ với cha từ thuở nhỏ và thượng đài đấu võ lần đầu tiên vào năm 16 tuổi (1971) tại võ đài Ngô Văn Sở Đà Nẵng. 

Năm 1981, Hồ Công Vinh mở võ đường Long Xà ở Châu Bí, ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc như: Nguyễn văn Trị (2 huy chương vàng huyện Điện bàn),  Đỗ Thanh An (huy chương đồng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng), Trần Văn Đạt (2 huy chương bạc tỉnh QNĐN), Lê Văn Tâm (huy chương vàng tỉnh QNĐN), Hồ Công Thạch (con của võ sư Hồ Công Vinh, huy chương vàng Giải trẻ toàn quốc, huy chương bạc giải vô địch quốc gia), Võ Thành Long huy chương vàng giải vô địch quốc gia 3 năm liền 2004-2006)...(7)

Trong cuộc hội thảo võ thuật tại Ninh Thuận, Hồ Công Vinh đã biểu diễn đòn “Nghịch cước xuyên tâm” của võ phái Long Xà khiến các võ sư vô cùng thán phục. Đây là một đòn khác thường rất sáng tạo vì nguyên tắc võ thuật là “roi liên, quyền nội”, chứ ít ai dùng cước trong khi áp sát đối thủ. Và tuyệt kỹ này được hội nghị chọn vào danh sách 28 thế đối kháng của võ thuật cổ truyền dân tộc…(8)

Võ sư Hồ Công Vinh đang tập hợp tất cả những quyền pháp võ Long Xà để viết lại thành cuốn sách “Võ Long Xà” lưu truyền hậu thế.

Hiện nay tại nghĩa trang tộc Hồ làng Châu Bí, xã Điện Tiến có đến 6 tấm bia mộ ghi danh hiệu “Võ sư” của tộc . (9)

 

                    

 vo su ho cong vinh

                                  Võ sư Hồ Công Vinh múa roi biểu diễn trước sân nhà thờ tộc Hồ Công

                                        Nguồn:  http://baoquangnam.vn


 

Từ Quỳnh Đôi xứ Nghệ, võ tướng Hồ Công Sùng và các con đã chọn núi rừng Châu Bí làm quê hương thứ hai, khai sinh ra Võ phái Long Xà lưu truyền trong dòng tộc với những cao thủ võ lâm làm rạng rỡ cho nền võ học Quảng Nam . Sự nghiệp đó mãi mãi được người dân xứ Quảng ghi nhớ đúng như 2 câu đối ở nhà thờ tộc Hồ Công:

"Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ,

Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi"

( Khai cuộc dẫn đầu, công đức ngàn sau lưu dấu.

Hưng công mở mối, cháu con tiếp bước noi truyền)

                                      (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

 

                                                                              Châu Yến Loan

 

 

 

 

 

Tham khảo:

 

(1), (4), (7) (9) “Tộc Hồ và võ phái Hồ Công” của võ sư Trần Xuân Mẫn. Nguồn: vo-thuat.net

(2) “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Tiến    (1930-1977)”. NXB Đà Nẵng, năm 2001, trang 21, 37, 105.

(3)“Võ tướng Hồ Công Sùng và võ phái Long Xà” Nguồn: vocotruyenvn.net

(5), (6), (8) “Tìm lại những trận giác đấu của võ sĩ Long Xà”  -Nguồn:Võ đường Vĩnh Xuân Vũ gia thân pháp- VinhxuanVietnam.Vn

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2011(Xem: 3344)
Hãy sống như những người con Phật, mở lòng ra, nắm lấy những giờ phút đang có này, vứt bỏ mọi ức, hoài niệm, và nở nụ cười.
05/05/2011(Xem: 12082)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã số hóa tạp chí này, bắt đầu từ số 1 năm 1967 cho đến số cuối cùng vào tháng 3 năm 1975 thì tự đình bản do hoàn cảnh đổi chủ của miền Nam Việt Nam.
11/04/2011(Xem: 3231)
Cái biết sáng ngời hay Phật tánh, Chân tâm, Tánh giác… thật ra không có tên gọi, không thể dùng lời diễn tả, không thể tưởng tượng suy lường.
10/03/2011(Xem: 3032)
Ngày xưa, có một người xay bột nghèo mà lại có một cô con gái xinh đẹp. Có lần, bác ta tình cờ được nói chuyện với nhà vua.
27/02/2011(Xem: 4186)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
19/02/2011(Xem: 17606)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người. Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
02/02/2011(Xem: 10030)
Sự hiện hữu đột biến phản diện của một đóa mai đã đánh lay tâm thức của người đọc một cách bất ngờ, tạo ra một mối nghi tình cho hành giả, trong hai câu song thất kết thúc của bài kệ, mà thiền sư Mãn Giác đã trao cho những người đi sau, nhân lúc cáo bệnh thị chúng của ngài, chúng vẫn còn tiếp tục chảy không biết bao nhiêu bút mực để nói về sự hiện hữu của chúng.
21/01/2011(Xem: 3929)
Mỗi khi mỏi bước trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ mình: ” Tiếp tục đi… đừng dừng lại. Mỗi bước có thể khó khăn hơn nhưng đừng dừng lại. Viễn cảnh đẹp nhất là lúc ở trên đỉnh”. Hãy luôn thúc đẩy mình bằng cách nghĩ về viễn cảnh hạnh phúc ở tương lai bạn nhé.
20/01/2011(Xem: 3387)
Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah Pong của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một câu truyện về làm thế nào để hái một trái xoài. Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức Phật. Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng theo lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta cũng không cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng xuống.
20/01/2011(Xem: 3235)
Đêm im lặng, lắng nghe hương về sáng Mùa xuân tràn, có vạn cánh chim bay Cành mai ngủ vừa giật mình thức giấc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]