Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”
Nguyên Giác
Có cách nào nói ngắn gọn về tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của tác giả Đào Văn Bình? Hình như không thể nói kiểu đơn giản cho dễ nhớ, vì sức quyến rũ rất lạ kỳ; nơi đây độc giả khi mới đọc qua vài trang là sẽ được thu hút vào một thế giới rất riêng –văn phong rất cư sĩ như một Bồ tát vào đời, rất yêu nước đằm thắm để quên những nỗi đau tư riêng, rất thâm sâu như nhìn suốt hết những uẩn khuất trong lòng người, và rất ẩn mật trong một cõi tâm linh ẩn sĩ.
Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ. Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam quan tới mũi Cà Mau. Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tinh yêu hóa giải các đau đớn trong đời. Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường.
Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.
oOo
Tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản, dày 560 trang, đang phát hành trên mạng Amazon, gồm 52 bài viết.
Tiểu sử sơ lược của tác giả như sau.
- Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng, quê cha đất tổ ở Khúc Thủy, Hà Đông.
- Năm 1954 theo cha mẹ vào Nam.
- Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa- Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1966.
- Tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh – Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1968.
- 1973-1975: Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi và Kiến Hòa.
- 1984 vượt biển đến Mã Lai.
- Định cư vào San Jose, California từ năm 1985.
- 18 năm làm việc cho Học Khu Oak Grove School District, San Jose, California.
- Về hưu năm 2007 và tập trung vào các đề tài Phật Giáo và Chính Trị Thế Giới.
- Sự nghiệp viết văn: Đã xuất bản 8 tác phẩm văn chương bao gồm: Thơ, Trường Thi, Hồi Ký, Truyện Ngắn, Truyện Dài, Kịch. Dịch toàn bộ tác phẩm Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck. Bản dịch được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1996.
Nhà văn Đào Văn Bình tâm sự, rằng đây là cuốn sách về Phật Giáo duy nhất của đời ông, gồm những bài viết khoảng năm 1980 khi, theo lời ông, “tôi bỗng gặp được Ông Phật ở trong tù. Qua Mỹ tôi vẫn tiếp tục viết về Phật Giáo, mạnh nhất là thập niên 1990, mãi tới nay mới hoàn thành, tính ra cũng khoảng hơn 20 năm. Một số bài đã được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Tôi viết dưới dạng hơi “phóng túng” pha chút “văn chương” đôi khi là Thơ nhưng tuyệt nhiên không dám xa rời Chánh Pháp.”
oOo
Bài đầu tiên trong tuyển tập là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” – trong đó, là lời mời gọi:
“...nếu không phục hồi lại khí phách và tâm linh dân tộc thì không thể nào đoàn kết để đối đầu với những cuộc xâm lăng của đủ thứ loại ngọai bang, công khai cũng như ngấm ngầm dưới mọi hình thức.” (trang 2)
Nhưng tâm linh dân tộc là gì?
“Đối với người Việt Nam, tâm linh của dân tộc rất linh thiêng nhưng không huyền bí. Nó không huyền bí vì nó không dựa vào Thần Linh. Đó là niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, rồi từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao nhất, rồi chan hòa trong cuộc sống qua một thời gian rất dài rồi trở thành truyền thống dân tộc.” (tr.3)
Trong đó, chùa là:
“Còn Ngôi Chùa là nơi thờ Phật và hiển nhiên là biểu tượng tâm linh của dân tộc.” (tr.4)
Tác giả nói chi tiết thêm, rằng chùa là nơi giải oan cho bất kỳ oan nghiệt nào, rộng mở cho bất kỳ dị biệt nào, cứu khổ độ sanh cho bất kỳ chúng sinh nào, giúp cô nhi và dân nghèo cho bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào... (tr. 5-6).
Bài cuối trong tuyển tập là bài "Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài" -- nơi đây, Đào Văn Bình viết như lời người anh dặn dò người em. Trước tiên, tác giả nói về lý của chữ Tâm trong nhà Phật:
“Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm. Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không. Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai. Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.” Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.
Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được chỉ bảo và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ.”(tr. 350, 351)
Tác giả nhắc tới các chữ "bất" trong Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là nhìn từ Bắc Tông.
Khi nhìn từ Nam Tông, sẽ thấy trong Tạng Pali, ở Kinh AN 1.49-52 - Pabhassara Sutta, cũng nói rằng Tâm này tiên nghiệm (có sẵn trước khi sinh ra), bị bụi tham sân si nhiễm vào, nhưng cũng thực sự là không hề bị nhiễm gì hết, mà chỉ tạm nhiễm thôi, vì nếu có thực nhiễm ô thì làm sao mà giải thoát ("Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements.")
Đó là nói về lý, khi giải thích qua sự, Đào Văn Bình nói về Tâm là tấm lòng: ngay thẳng, cảm thông, tha thứ, bao dung, từ bi, biết an ủi, cởi mở, hy sinh, bố thí... Và ông viết:
“Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.” (tr. 352)
oOo
Gần như tất cả các bài viết của Đào Văn Bình vừa mang đặc tính uyên áo của giáo lý nhà Phật, vừa đưa ra những giải thích đời thường rất cụ thể.
Nhưng xuyên suốt tất cả các trang sách là chất thơ. Không mấy người viết văn xuôi mang nhiều chất thơ như thế. Và bạn có thể mở ra bất cứ trang nào của tuyển tập cũng thấy chất thơ.
Thí dụ, nơi đây sẽ trích phần đầu và phần cuối của bài “Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn” (tr. 269, 271). Trong trích đoạn, sẽ thấy tác giả dùng câu ngắn xen lẫn câu dài để tạo ra âm nhạc, thích nghi với chủ đề, dùng hỉnh ảnh cụ thể chung quanh thay cho những ý tưởng trừu tượng để ngay cả các em thiếu niên cũng hiểu được. Nhà văn Đào Văn Bình mời gọi:
“Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.
Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.
Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.
Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.
Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.
Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm của con người.
... ...
Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.
Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát.
Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.
Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.
Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.
Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.
Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn.
Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.
Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.
Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.”
.
Có thể nói ngắn gọn, đây là một tập thơ bằng văn xuôi, viết để ngợi ca cuộc sống, nơi đó tác giả gắn liền với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Tuyển tập này cần có trong mọi tù sách trường học và gia đình.
Độc giả ngoài Việt Nam tìm mua, xin vào trang https://www.amazon.com/ và gõ (không cần dấu tiếng Việt): “dao van binh” để mua.
Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.
Độc giả trong Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:
và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở VN.
TÌNH ĐỜI Ý ĐẠO
trong tuyển tập
ĐẠO PHẬT: ĐẤT NƯỚC, CUỘC SỐNG và TÂM LINH
của nhà văn Đào Văn Bình
Chúng tôi thật hân hạnh được nhà văn Đào Văn Bình yêu cầu nói vài lời giới thiệu tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của tác giả trong buổi lễ ra mắt ngày hôm nay. Lời đầu tiên chúng tôi xin được thưa với quý vị là sau khi đọc xong tác phẩm này thì người đọc mãi lâng lâng trong tình đời ý đạo qua văn phong trong sáng, nhẹ nhàng và chân thành của tác giả như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết,
Kiếp trước đời sau tình vẫn một,
Thời gian xuôi gửi tiếc thương về.[1]
“Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” là một tác phẩm văn học hiện đại Phật giáo, qua đó tác giả thể hiện cảm hứng cá nhân bắt nguồn từ hiện thực xã hội mà xuyên suốt 355 trang giấy với 52 chủ đề trong ba phần Đất Nước, Cuộc Sống, và Tâm Linh đều nhất quán ươm đượm nội dung Phật lý thâm sâu qua hình ảnh giản dị trong cuộc sống của mỗi một con người chúng ta. Tác giả nghĩ về quê hương đất nước, ưu tư về cuộc sống trong xã hội, và nhìn về những sinh hoạt tâm linh như một gắn bó cơ cấu giữa dân tộc Việt và Phật Giáo Việt tự ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi đến ngàn sau.
Tác phẩm trải dài qua 52 chủ đề với Phần I về Đất Nước có 6 chủ đề, Phần II về Cuộc Sống có 18 đề tài, và Phần III về Tâm Linh gồm 28 bài viết. Vì thời gian quá ít nên mỗi Phần sẽ được trưng dẫn một đề tài như là một hình ảnh tiêu biểu của Phần đó trong tác phẩm.
I.- Bài viết đầu tiên trong Phần I về Đất Nước là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc.”Cùng một đề tài này, cố Hòa thượng Thích Mãn Giác đã viết bài thơ thật cảm động.
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.[2]
Và nhà văn Phạm Phú Minh đã viết bài bút ký “Chùa Là Cái Thiện Của Làng” thật văn chương, nhưng “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” của tác giả Đào Văn Bình mới thật là tha thiết tình đời nghĩa đạo, mới gắn bó tình tự quê hương, đất nước, dân tộc và Đạo Pháp hòa vào nhau thành một khối trải dài qua lịch sử hơn hai ngàn năm, khởi nguyên từ trung tâm Phật Giáo Luy Lâu trước Tây Lịch những hơn một thế kỷ như nhà thơ Trần Nguyên Liêm đã viết,
Hãy ngoảnh nhìn dãy đất Việt Nam,
Một dãy giang sơn mà Phật lý vẫn trường kỳ,
Cho đến ngày nay hằng bao thế kỷ,
Cho đến cỏ cây thấm nhuần Phật lý. [3]
Tác giả Đào Văn Bình đã ghi lại hình ảnh sinh hoạt trong xã hội Việt Nam qua văn hóa truyền thống đượm tình người, không duy linh, không duy vật mà vạn sự khởi từ tâm là bản sắc dân tộc, “Tất cả những gì nói trên, những sinh hoạt của Đình, Chùa, Miếu, Đền của làng quê Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa từ mấy ngàn năm để trở thành bản sắc dân tộc …”(tr. 4)
Chùa không những là nơi sinh hoạt tâm linh mà chùa còn là nơi gặp gỡ của thanh thiếu niên nam nữ như là thiên duyên tiền định của những mối tình trong sáng ngọc ngà như bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Tác giả viết, “Chính vì thế mà Hội Chày Chùa Hương là một hội lớn của dân tộc, giống như những cuộc hành hương về Mecca mỗi năm của hàng triệu người Hồi giáo.”
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng thầy mẹ em dậy,
Em vấn đầu soi gương.” (tr. 7)
II - Bài viết đầu tiên trong Phần II về Cuộc Sống là “Những Khác Biệt Văn Hóa Đông Tây.” Với kinh nghiệm của một nhà hành chánh tại Việt Nam và kinh nghiệm của một nhà giáo tại Hoa Kỳ, nhà văn Đào Văn Bình đã đưa ra 41 tình huống như là các trường hợp điển hình về sự cư xử khác biệt giữa Đông Phương và Tây Phương, giữa người Việt và người Mỹ để so sánh nhằm giúp người Việt chúng ta dễ nhận ra nguyên nhân của những khác biệt và để điều chỉnh tác phong thích hợp trong môi trường sinh sống mới của xã hội Tây Phương khi sự điều chỉnh là thật sự cần thiết.
Tác giả Đào Văn Bình viết, “Do bối cảnh địa lý, kinh tế, văn minh, triết lý và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, mỗi xã hội có một nền văn hóa khác nhau. Một nền văn hóa có thể thích hợp cho nước này nhưng chưa hẳn tốt lành cho xứ khác.”(tr. 73)
Nhưng tại sao lại có tác phong và thái độ khác nhau giữa người Đông Phương và người Tây Phương như thế? Tác phong khác nhau đó khởi xuất từ quan niệm của mỗi dân tộc về năm giá trị văn hóa dẫn đạo (value orientations) trong hệ thống giá trị văn hóa thường được gọi là tín niệm hệ (cultural value system) sau đây.
Người ta quan niệm thế nào về bản tính con người (human nature), về tương quan giữa con người và thiên nhiên (man-nature relation), về thời gian và không gian (time and space), về hoạt động cá nhân (activity), và về tương quan giữa người và người (relational orientation)?[4]
Trong khi người Mỹ cho rằng bản tính con người là xấu nhưng có thể cải thiện được thì người Việt cho rằng bản tính con người là tốt nhưng có thể trở nên xấu do môi trường sinh hoạt; cũng vậy, người Mỹ chinh phục thiên nhiên, người Việt thuận theo thiên nhiên để hình thành hoạt động thích hợp; người Mỹ xem thời gian rất chặt chẽ, và không gian rất rộng lớn nhưng người Việt thì xem thời gian rất rộng rãi mà không gian thì rất hạn chế.
Cơm vua, ngày trời; đi trễ, về sớm … .
Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn… .
Người Mỹ sống thành thật với chính mình (being), và thực hiện (doing) như là mục đích của cuộc sống qua các thành ngữ “getting things done”, “let’s do something about it” thì người Việt sống để trở hành (being-in-becoming), sống tự chế (self-control), sống như là một mẫu mực cho con cháu.
Tương quan giữa người và người của người Mỹ là tôn trọng, bình đẳng, tranh đua trong công bằng, thương người và thương súc vật trong tinh thần bác ái của Thiên Chúa Giáo; người Việt thì tôn ti trật tự, tôn lão kính trưởng, hài hòa, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, ở hiền gặp lành, hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em và thầy bạn, và thương người, thương động vật, thương thực vật trong tinh thần từ bi của Phật Giáo …
Trong bối cảnh khác biệt văn hóa giữa người Mỹ và người Việt như thế thì tác giả Đào Văn Bình đã đưa giáo lý từ bi, bình đẳng, tứ diệu đế và bát chánh đạo của Đức Phật đến mọi gia đình người Việt như là một mô thức sinh hoạt thiện lành để cha mẹ hướng dẫn và dạy dỗ con cháu của họ.
III - Bài viết cuối cùng trong Phần III về Tâm Linh và cũng là bài thứ 52 cuối cùng của tác phẩm là “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài.” Đọc đến bốn trang cuối của tuyển tập này thì tôi lại càng cảm mến và thán phục nhà văn Đào Văn Bình hơn nữa qua lời nhắn nhũ khép lại quyển sách bằng hai câu thơ của cụ Tiên Điền vô cùng từ ái và liễu nghĩa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Bằng một cách viết đơn giản, nhà văn Đào Văn Bình đã trình bày thật dễ hiểu một phạm trù triết học khó nhất, căn bản nhất, rốt ráo nhất của Phật học ở bình diện học thuật và của Phật Giáo ở bình diện sinh hoạt tâm linh và tôn giáo.
Với truyền thống văn học Bắc truyền thì Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suramgama) tập trung giảng giải cái Tâm của con người, và từ cái Tâm thì con người mới có Thức là sự thấy biết, nghe biết, nếm biết, ngửi biết, nhận biết và hiểu biết. Nhưng cái Tâm ở trong, ở ngoài, ở trên, ở dưới, ở trước, ở sau cái căn (như nhãn căn là con mắt) hay ở giữa cái căn và cái trần (như nhãn trần là đối tượng của con mắt). Tâm ở đâu và Tâm có từ bao giờ?
Với truyền thống văn học Nam truyền thì Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) ghi lại lời Đức Phật thuyết giảng về Tâm. Đức Phật Ngài dạy: “Nầy các Tỳ Kheo, tâm là tính tỏa sáng. Và tâm bị lu mờ bởi phiền não bám vào.”
“Nầy các Tỳ kheo, tâm là tính tỏa sáng. Và tâm được giải thoát khỏi phiền não.”
(Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. [I,v,9]. Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements. [I,v,10])
Ngài giảng rất rộng về Tâm, Tâm như một chiếc gương soi hay như một thau nước mà người nữ có thể soi vào để thấy mặt bị dơ thì đi rửa nhưng gương và thau nước vẫn có thể bị dơ thì trước khi soi phải lau sạch gương hay phải để lắng bụi trong nước xuống thì mới soi được … . Tâm cũng vậy, phải để Tâm lắng xuống thì Tâm mới tỏa sáng được.
Để hiểu về Tâm là một việc rất khó thế mà qua ngòi bút của nhà văn Đào Văn Bình thì Tâm là lãnh vực có thể hiểu được vì “Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm. Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không. Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai. Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.” [5] Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.” (tr. 350-51)
Tâm vì thế, theo tác giả, mang nội dung lòng trắc ẩn, ngay thẳng, thành thật, cảm thông, tha thứ, bao dung, chia xẻ, giúp đỡ, từ bi, hỷ xả, hy sinh, bố thí, v.v… . Và đặc biệt, tác giả đã viết bài “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài” này với hình thức một lá thư gửi cho người hiền nội “ Em yêu dấu”, như là một lời nhắn nhũ đầy yêu thương của một người chồng lương hảo dành riêng lời tâm tình cho người vợ hiền đầy yêu thương của mình. Một lá thư phân biệt rạch ròi thế nào là chân tâm và thế nào là vọng tâm mà không phải bận tâm “vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?”
Kính thưa quý vị,
Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã nhận xét tác phẩm này thật sâu sắc như sau, “Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ. Khi viết về đất nước, ôngđứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tình yêu hóa giải các đau đớn trong đời. Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường. Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.”
Tác phẩm “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của nhà văn Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản. Độc giả có thể đặt mua sách qua https://www.amazon.com/ và gõ “dao van binh” (không cần dấu tiếng Việt). Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards. Độc giả trong nước Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào: https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi
và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở Việt Nam.
Nguyên Toàn Trần Việt Long
(California ngày 29/7/2017)
[1]Vũ Hoàng Chương,Vân Muội (thơ)
[2] Thích Mãn Giác,Nhớ Chùa (thơ)
[3] Trần Nguyên Liêm,Phật giáo Việt Nam (thơ)
[4] Florence R. Kluckhohn and Fred L. Strodtbecck, Varieties in Value Orientations (Evanston: Peterson and Company, 1961), pp. 4 & 63.
Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên trên cù lao Ông Chưởng, bên dòng sông Hậu giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay trường, thương súc vật và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật (Ajanta, 印度古代佛教阿旃陀石窟) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nghìn năm tuyệt tác, tọa lạc trên vách núi Maharashtra Dayak, phía Bắc của bang Maharashtra, Ấn Độ với 30 hang động được xây dựng từ thế kỷ thứ 2-7 trước Tây lịch.
Trong A Chiên Đà Thạch quật có rất nhiều tranh cổ và một số bức bích họa được xem là ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo. Hang động vòng vách núi hình lưỡi liềm, tường thấp, trải dài hơn 550 mét. Với kiến trúc mỹ thuật tráng lệ, nét chạm khắc và bích họa tinh tế hoành tráng, là một Thánh địa Phật giáo, một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất phía Nam Ấn Độ.
Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay.
Theo UNESCO, đây là những kiệt tác của Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật Ấn Độ sau này. Các hang động được xây dựng thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 TCN và giai đoạn
Do sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hội Đồng Hoằng Pháp của chúng con/chúng tôi rất hoan hỷ để kính trình Quý Ngài và Quý Vị chương trình giảng dạy tiếng Phạn cơ bản cho Tăng Ni cũng như Quý Phật Tử nào có tâm muốn trau dồi Phạn ngữ trên hệ thống Online như thư chiêu sinh của Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo có gửi kèm theo thư nầy. Mục đích chính là để tiếp nối truyền thống đọc được kinh điển trực tiếp từ tiếng Phạn và có khả năng đọc cũng như dịch giải những bản Kinh bằng tiếng Phạn về sau nầy; nên bắt đầu từ tháng 9 năm 2021 việc chiêu sinh được thực hiện, nếu số lượng Tăng Ni và Phật Tử ghi danh đầy đủ như về số lượng và những điểm yêu cầu khác cho một người muốn học Phạn ngữ (xin xem điều kiện có gửi kèm ngay bên dưới). Vậy kính xin Quý Ngài tạo điều kiện cho tử đệ của mình tham gia học ngôn ngữ nầy để tiếp nối con đường của những bậc tiền nhân đã đi trước. Việc học nầy không hạn chế là Tăng Ni hay Phật Tử, miễn sao Quý Vị đáp ứng thỏa đáng được nhu cầu cần có và đủ của một người
Sau giờ tan trường, Dung thong thả đạp xe về nhà dọc theo đại lộ Thống Nhất. Đến ngã tư Thống Nhất-Hai Bà Trưng gặp đèn đỏ, Dung rẽ phải về hướng Tân Định. Với mái tóc thề đen mướt xõa trên vai áo dài màu tím của trường Nữ Trưng Vương làm cho nhiều người đang chờ đèn xanh không khỏi chú ý. Vài phút sau, bỗng có một chiếc xe Jeep chạy qua mặt Dung rồi dừng lại. Dung đạp xe đến gần, bất ngờ một thanh niên trong bộ quân phục sĩ quan Hải quân màu trắng từ trên xe nhảy xuống chặn làm Dung hốt hoảng dừng lại, lảo đảo suýt ngã xe. Anh chàng vội vàng đỡ xe cho Dung và nói:
- Xin lỗi cô về cử chỉ đường đột của tôi. Cô cho tôi hỏi thăm, cô có phải là Dung, người Phan Rang không?
- Xin lỗi, anh là ai mà hỏi tôi như thế?
- Tôi là Thanh, bạn ngày xưa của Đạt, anh của Dung…
- Vậy sao?…
Dung chau mày, cơn bàng hoàng sợ sệt chưa dứt, trong đầu cố nhớ lại vì đã lâu lắm rồi không nghe anh Đạt nhắc đến. Thanh giải thích thêm để trấn an và chờ cho Dung hồi tưởng
Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm.
Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp.
Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh.
Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown).
Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ.
Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo.
Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau:
Bát Nhã hội
Bát Nhã hội
Bát Nhã hội
Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát Nhã âm
Phổ nguyện pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập Bát Nhã
Ba La Mật môn
Ba La Mật môn
Ba La Mật môn.
Trước đây Tôi không hề nghĩ rằng: “mình sẽ có ngày trình pháp với Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng sau mỗi bài pháp thoại của Ngài”, dù cho tôi không mang một tư tưởng phân biệt Nam Tông và Bắc Tông, nhưng có lẽ tri thức tôi có rất nhiều sai lầm và vướng mắc do không tiếp xúc nhiều với các đạo tràng, mà chỉ quẩn quanh đọc kinh sách và chỉ là cái túi đựng sách!
Có ngờ đâu đại dịch của thế kỷ 21 bắt đầu....theo như đa số mọi người lầm tưởng (trong đó có tôi) ....chỉ là cơn bão thoáng qua, không ngờ đã diễn biến càng ngày càng trầm trọng. Và với lòng từ bi, TT Giảng Sư đã tổ chức các buổi nghe pháp thoại online và ...với thì giờ nhàn rỗi trong những ngày bị lockdown, tôi đã chăm chú nghe từ một vài lần trong tuần sau đó, đổi thành liên tục mỗi ngày và bắt đầu nghiện ... khi thiếu vắng mỗi khi Giảng Sư có Phật Sự bên ngoài ...
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.