Có một thói quen thú vị của tôi rằng trừ những chuyến đi công tác chính thức và theo yêu cầu của ban tổ chức hoặc hội nghị thì ở khách sạn, còn những chuyến đi tự do tôi thích ở nhà riêng với chủ nhà mà tiếng anh gọi là home stay. Quả thật là luôn thú vị, bởi mỗi gia đình một cách sống, mỗi quốc gia một nền văn hóa, mỗi lần ở là vô vàn bài học hữu ích và thú vị. Trong gần 20 ngày qua, tôi đã đến 3 quốc gia là Đức, Italy và Pháp, đã có mặt ở nhiều nơi như Frankfurt, Cologne, Rome, Venice, Milan, Paris,… tôi luôn ở home stay và đã có những trải nghiệm khó quên, những bài học quá đặc biệt, thậm chí là bất ngờ. Mà Paris là một ví dụ.
Ở Paris tôi ngủ 2 đêm. Chủ nhà là bác Fabrice. Bác là người Pháp chính gốc và thuộc tầng lớp trí thức, văn hóa cao. Điều này tôi nhận ra ngay khi liên lạc đặt phòng và qua các email đi lại giữa 2 bên, trước khi từ Milan bay đến Pháp. Một bài học nhắc tôi thêm 1 lần nữa rằng, văn hóa thể hiện ngay trên mọi phương diện ứng xử, không chỉ qua ăn, uống, nói chuyện, giao lưu trực tiếp, cách sống và sinh hoạt hàng ngày mà qua cả email, nhắn tin và điện thoại.
Mới đến nhà bác Fabrice, tôi bất ngờ về số sách bác đang có. Sách rất nhiều và có ít nhất 3 tủ sách ở phòng khách và hành lang. Căn hộ nhà bác không rộng, chỉ có 2 phòng ngủ, mà bác đã dành hết, chỉ để cho thuê. Bác Fabrice ngủ ở ngay đi văng trong phòng khách. Mới đến bác đã nói với tôi rằng, khi nào cửa phòng khách mở tức là chúng tôi có thể ra vào thoải mái: vào chơi, uống trà, đọc sách, nói chuyện nhưng khi cửa đóng tức bác đang nghỉ ngơi.
Tôi may mắn đã đọc các tác phẩm lớn của Pháp như Balzac, Victor Hugo, A. Duma, Voltaire, … từ ngày xưa bằng tiếng Pháp nên chúng tôi tha hồ bàn luận về các tác phẩm, từng tác giả. Có nhiều cái tôi chưa biết. Có những cái bác không biết. Trao đổi và nói chuyện rất thú vị. Tôi học được rất nhiều. Nhiều lắm. Quý giá hơn nữa rằng vốn tiếng Pháp bị lãng quên của tôi đã dần dần được khôi phục lại. Vui quá chừng!
Bác có rất nhiều sách cổ, cũ, thuộc dòng quý hiếm. Tôi cầm trên tay và ngắm, chơi rồi đọc những cuốn sách từ thế kỷ thứ 18, 19 của bác. Sách rất thơm tho. Giấy rất đẹp. Đọc có cảm giác thích hơn nhiều so với sách của thế kỷ 20 và 21, thời của tôi và chúng ta. Tôi thật sự được chơi với sách, thú đam mê của tôi từ mấy chục năm nay.
Bác Fabrice học ngành khí tượng thủy văn nên bác rất giỏi về khoa học. Bác nói nhiều về thời tiết, các hiện tượng thiên nhiên. Bác phân tích về ngày và đêm, về các vùng miền, về các mùa trong năm. Tôi như 1 cậu sinh viên đang hàng ngày nghe vị giáo sư Fabrice giảng vậy. Và cứ mỗi khi chúng tôi định đi đâu bác lại hướng dẫn đường đi và cách tham quan rất riêng, rất Fabrice chứ không phải như khách du lịch vẫn làm.
Một ví dụ nhỏ, khi chúng tôi chuẩn bị đi đồi Mông Mác để tham quan và vào Sacré Ceur trên đỉnh đồi để khám phá và thưởng thức, bác Fabrice khuyên rằng nên leo theo hình zích zắc, đi bộ chậm chứ không nên trèo thẳng 1 mạch theo đường thẳng lên nhà thờ. Bác kể chuyện về những lần được ngủ qua đêm trên đồi và khuyên tôi nên tìm cơ hội như vậy. Bác cũng giới thiệu về vùng đất ngầm, khu kho báu bí mật ngầm dưới đồi. Nếu không có bác tôi đâu có biết và có thể lại đi thăm quan nơi này kiểu như một khách du lịch thông thường. Bác nói rằng để thăm hết quả đồi Mông Mác này cần ít nhất 4 tiếng, riêng bác đã thường đưa các con đến chơi từ 9h sáng đến 20 h tối và tổ chức biết bao trò chơi khám phá quả đồi kỳ diệu này.
Nói rồi bác mang ra rất nhiều kỷ niệm về riêng đồi Mông Mác. Các bức vẽ của các con bác. Những tác phẩm mà 3 đứa con bác hoàn thành trong 1 ngày ở đồi. Bài tập cuối cùng bao giờ cũng là: vẽ bản đồ những điểm ở đồi Mông Mác đã đi qua trong 13 tiếng đồng hồ vừa qua. Tôi ngắm nhìn những tác phẩm của các con bác mà mê quá. Lại thêm 1 bài học để áp dụng cho các cháu nhỏ. Lại thêm một trò chơi để ứng dụng tại công ty sách Thái Hà và Vườn Yêu Thương của chúng tôi.
Bác Fabrice nói về cách cảm nhận một nơi mới, một danh lam. Rằng nên cảm nhận qua mắt, qua tai, qua mũi, qua tất cả các giác quan. Cảm nhận 1 cách trọn vẹn, không bỏ sót. Bác rất khuyên nên có cảm nhân cả ban ngày lẫn ban đêm bởi cùng 1 nơi nhưng 2 cảm giác hoàn toàn khác nhau. 2 cảm giác ở cùng nơi đó của mùa hè với nắng nóng và mùa đông với tuyết băng là 2 cảm giác hoàn tàn rất khác biệt và thú vị.
Nhà bác Fabrice rất sạch. Sạch và gọn lắm. Đồ chơi và đồ lưu niệm thì nhiều vô cùng. Bác mua ở đâu mà lắm đồ lưu niệm vậy không biết. Hỏi thì bác bảo không đi quá nhiều nước nhưng nhiều thứ mua ngay tại Pháp. Tôi ngắm nhìn từng món đồ và thấy mình may mắn được sống trong ngôi nhà vừa là 1 thư viện sách cổ, vừa là 1 bảo tàng đa dạng và phong phú. Hạnh phúc vô cùng. Chợt nghĩ, bao đồ lưu niệm tôi mua mấy chục năm nay bây giờ không biết phiêu bạt nơi đâu. Có lẽ nên học bác Fabrice để quy tụ sách và các vật phẩm thành 1 bảo tàng nhỏ của riêng mình. Và mời mọi người đến tham quan, chơi, ngủ lại với sách và bảo tàng tư nhân nhỏ bé riêng tư. Bởi đi mỗi nước tôi đều mua đồ lưu niệm, riêng chuông có lẽ có vài chục cái.
Nhớ lại 1 chút về buổi sáng hôm trước chúng tôi tặng bác tấm bưu thiếp làm bằng tay có hình cô gái Việt Nam đội nón lá, mặc áo dài, đạp xe đạp có 1 giỏ hoa phía trước. Bác mở to mắt trầm trồ khen ngợi. Nhìn là tôi hiểu bác rất thích. Bác trân trọng nhận và nói rằng ngôi nhà bác từ nay có thêm 1 hiện vật nữa đến từ Việt Nam. Chúng tôi vui lắm.
Bác Fabrice không uống sữa. Bác bảo vì tôi chưa nhìn thấy bò bị vắt sữa nên mới uống. Bác kể, “Bây giờ nếu người ta trói mình lại, vắt sữa mình cho người khác uống thì bạn có thấy kinh khủng không”. Bác nói nên thương bò. Bò ăn cỏ, ăn lá cây. Bò đâu có ăn thịt như con người. Co bò nó hiền lắm, hiền lành vô cùng. Người ta nuôi động vật bây giờ rất công nghiệp. Bác tuyên bố rằng ở nhà bác, các con bác không bao giờ uống sữa. Không bao giờ. Trời đất ơi, tôi vẫn cứ nghĩ người phương tây nhất là người Pháp phải uống nhiều sữa chứ, tại sao gia đình bác lại đặc biệt đến vậy!
Bác kể về những gì biết về cách nuôi động vật phục vụ thịt cho con người tiêu thụ mỗi ngày. Bác bảo tôi hãy biết rằng mỗi con động vật chỉ có 3 mét vuông. Thậm chí bé hơn. Bị nhốt lại. Không được ra ngoài. Không nhìn thấy ánh mặt trời. Thiên nhiên là của động vật mà họ không hề được thưởng thức. Đấy, tất cả để nuôi con người. Bác nói và nước mắt rơm rớm. Tôi cũng xúc động. Ôi bác Fabrice yêu thương của tôi.
Bác Fabrice theo Thiên chúa giáo. Bác biết rất nhiều về nhà thờ, về tôn giáo, về chúa Jesu. Khi hỏi về vấn đề tôn giáo, bác bảo rằng đây là câu hỏi khó. Cuối cùng bác nói rằng tôn giáo tôt nhất là không chính trị. Một câu trả lời rất ngắn và đầy đủ. Tôi cũng vậy, sợ nhất là các âm mưu chính trị bị lồng vào tôn giáo và khi đó rất nguy hiểm.
Tôi bất ngờ khi biết bố bác Fabrice đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 6 năm. Bác bảo rằng bố bác thường xuyên kể cho bác về Việt Nam và những kỷ niệm ở đây, rằng hình như Việt Nam là cái gì đó không thể thiếu trong đời sống của bố bác. Khi tôi hỏi rằng bác đã đi Việt Nam chưa, bác bảo rằng chưa. Thì ra bố của bác Fabrice đến đất nước của tôi khi bác chưa sinh ra trên đời này. Tôi thành khẩn và tha thiết mời bác đến Việt Nam và tôi cam kết sẽ đón bác thật chu đáo để tỏ lòng biết ơn bác và để những kỷ niệm của bố bác về Việt Nam đã kể cho bác đúng như sự thật ngày nay.
Bác Fabrice nói rằng rất thích đồ ăn Việt Nam. Bác khen ngon. Bác mang ra khoe 1 con tàu đươc làm ở Việt Nam. Con tàu này lên giây cót và thả xuống nước là có thể chạy được. Bác bảo rằng bác rất quý con tàu lưu niệm này cũng như là quý chiếc tàu thật của bác. Bác cũng có 1 chiếc tàu và đã thường xuyên lái đi để khám phá, tham quan. Nhờ những chuyến đi này bác biết thêm nhiều hơn về nơi, về không khí, khí hậu và các vùng miền khác nhau. Bác cho rằng du lịch là rất quan trọng.
Sáng nào bác Fabrice cũng dậy sớm và chuẩn bị đồ ăn sáng cho chúng tôi. Thú vị nhất rằng chúng tôi mua bánh mỳ về, bác bảo cất đi. Bánh mỳ ăn sáng phải là loại khác. Hóa ra bác quy định rất rõ từng loại bánh mỳ, loại nào ăn sáng, loại nào ăn trưa, loại nào ăn tối. Bánh mỳ bác trực tiếp nướng cho chúng tôi, chuẩn bị sẵn bơ, mứt, trà. Những bữa ăn sáng thật là mộc mạc và ấm cúng.
Lại nói về trứng. bác bảo bác không ăn trứng gà. Lý do rằng gà bây giờ được nuôi công nghiệp. Bác Fabrice miêu tả cho chúng tôi quy trình nuôi gà của thế kỷ 21 như sau: người ta nhốt gà lại, và làm ra ngày nhân tạo chỉ có 12 tiếng. Gà không nhìn thấy ánh mặt trời còn con người tăng dần ánh sáng lên rồi giảm dần đi rồi tối hẳn như đêm. Thế là gà đẻ 2 trứng trong 24 giờ. Bác nói gà có thói quen đẻ theo ngày, mỗi ngày 1 quả. Người ta muốn nhiều trứng nên làm nửa ngày đêm thành 1 ngày đêm và bóc lột thậm tệ con gà. Thế thì làm sao mà ăn trứng được. Mình không thương gà ư. Bóc lột gà quá đáng lắm. Tôi giật mình đánh thót!
Tối qua ngồi chơi bác bảo, mỗi năm bác và tôi (và tất cả chúng ta nữa) uống 1 lít xăng. Tôi không hiểu. Bác ngồi 1 lát và vào lấy ra 1 túi bánh mỳ. Bánh mỳ được trong bọc ny long. Bác hỏi tôi ni long làm bằng gì. Có phải từ từ xăng dầu không. Và bác Fabrice bảo rằng thế nào chẳng có 1 chút chất xăng dầu từ túi ni long cũng ngấm vào bánh mỳ. Rồi khói xăng ngoài phố. Rồi mỗi lần đổ xăng vào xe hơi xe máy, xăng cũng vào cơ thể qua mũi. Nói tóm lại từ mọi nguồn khác nhau 1 năm cơ thể ta nhận 1 lít xăng dầu. Ôi tôi giật mình, nhưng đó là sự thật.
Tối đầu tiên ngủ ở Paris, trước khi chúc ngủ ngon bác Fabrice hỏi tôi có biết ngôi chùa rất đẹp, rất cổ ở París không. Và cuối cùng bác bảo, sáng mai sẽ tặng tôi món quà đặc biệt. Tôi hồi hộp vô cùng.
Sớm sau ngủ dậy, bác nói về ngôi chùa này, vẽ đường đi chi tiết, hướng dẫn nên làm gì khi đến chùa. (Về ngôi chùa rất đặc biệt ở Paris này tôi dành riêng 1 bài viết khác). Tôi giật mình thon thót. Bác Fabrice là người Thiên chúa giáo, không hề là Phật tử mà làm tôi ngỡ ngàng. Nghĩ về mình tôi thấy còn kém cỏi làm sao, thiếu hiểu biết nhường nào. Phải học tiếp và học nữa. Phải học mỗi ngày thôi.
Sáng nay chúng tôi lên tàu ca tốc đi Bordeaux rồi về Saint Foy La Grande, miền tây nam nước Pháp. Bác Fabrice lại pha trà, nướng bánh mỳ, tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi lại nói về sách, về văn hóa, về cuộc sống. Bác tiễn chúng tôi ra cửa và “Chúc chuyến đi may mắn” bằng tiếng Anh chứ không bằng tiếng Pháp như chúng tôi vẫn nói chuyện hàng ngày.
Tôi nhớ nhất bác Fabrice khuyên không nên uống đồ bằng lon. Cả nhà bác, gồm tất cả các con không dùng lon. Lý do rằng lon được làm bằng nhôm. Khi bật nắp lon thế nào cũng có 1 chút bụi nhôm vỡ ra và rơi vào lon nước. Vậy là ta đưa nhôm vào cơ thể. Bác phân tích về nhôm và nói rằng kim loại này rất nguy hiểm, nhôm thật sự nguy hiểm khi nằm trong cơ thể ta. Nhiều bệnh tật phát sinh từ nhôm. Tôi lại giật mình. May thay tôi không uống bia, tuyệt đối không Cola, Pepsi hay các loại nước uống đóng sắn, có ga. May thay tôi thích uống nước lọc đun sôi. Nhất là nước nóng ấm.
Nhà bác Fabrice quá đẹp nhưng con người bác đẹp hơn rất nhiều. Tôi nhớ nhất nụ cười nghiêm khắc nhưng rất hièn hậu của bác. Đẹp và thánh thiện lắm. Tôi thật sự muốn ở nhà bác ít nhất 1 tuần. Thôi thì khi quay về Paris ít nhất sẽ ngủ ở đây ít nhất 1 đêm. Tuy nhiên khi hỏi, bác bảo rằng phải đặt qua mạng internet, bác không nhận đặt trực tiếp. Cứ đặt online, thanh toán online thì OK. Thế là chúng tôi lại mất thêm ít phút để cùng bác đặt phòng của chính nhà bác. Thêm 1 bài học lớn nữa, bạn có nhận ra không.
Giờ này tôi đang ngồi trên tàu cao tốc TGV rời Paris đi hướng Bordeaux và chuyển tàu về Foy La Grande rồi đến Làng Mai Pháp. Hôm nay, thầy Thích Nhất Hạnh của chúng ta nhận giải thường lớn Hòa bình của Thiên chúa giáo. Tôi cũng đang tiếp nối Thầy làm ngoại giao nhân dân – people diplomacy giữa Việt Nam, Đức,Pháp và rất nhiều nước khác nữa. Tôi cũng đang học theo thầy Nhất Hạnh kết nối các tôn giáo. Ít nhất là với bác Fabrice ở thủ đô văn minh, thủ đô ánh sáng Paris trong những ngày qua thật là tuyệt. Nhất định bác sẽ thích trà Việt Nam và café Trung Nguyên mà chúng tôi mới tặng. Thật mà. Trà và café của chúng ta ngon lắm mà. Nhất là khi tôi đã gửi vào đó, cho vào đó rất nhiều yêu thương và long biết ơn.
Nguỵên mong cả thế giới bình an. Nguyện mong bình an đến với muôn người, muôn loài và mọi chúng sinh. Ngay lúc này. Dù rằng ở bất cứ nơi đâu. Hạnh phúc không nằm ở điểm đến. Hạnh phúc là trên con đường mà chúng ta đang đi, trên cả 2 con đường theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Hạnh phúc trong mỗi bước chân, mỗi cử chỉ, trong từng hơi thở, trong mỗi câu nói và hành động. Thật mà. Bạn không mơ đâu mà.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Paris, France 31-10-2015