Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào

09/10/201408:53(Xem: 13294)
Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào
hay yeu










Nói thiệt, tôi chẳng biết ông Lê Hựu Hà nghĩ gì khi viết bảy chữ này. Nhưng tôi đã xem đó như một đề nghị rất Phật giáo. Tôi chưa hề là một thiền sinh nghiêm túc, nói gì là thiền sư. Tôi chỉ là kẻ lãng du trong cõi Phật pháp và thỉnh thoảng ghé chơi dăm khu vườn văn nghệ như một cách nghỉ chân. Và chính bảy chữ đó của người nhạc sĩ họ Lê từ lâu đã là một khẩu quyết cho tôi những khi nghe, đọc, ngắm nhìn cái gì đó tình cờ bắt gặp. Chẳng hạn tôi đã yêu ca dao Việt Nam từ những lời rất lạ. 

 

Tôi đã tự ru tuổi thơ của mình bằng những lời quê hiểu sao cũng xong: Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây. Thân người khó được, chọn sai lý tưởng thì mất toi một đời. Tôi thích hiểu câu ca dao kia bằng cách nghĩ như vậy. Tôi muốn mình suốt đời là một thằng bé chăn trâu trên cánh đồng văn nghệ để giữ lại cái quyền mộng mị theo cách riêng. Cái quyền cảm nhận cuộc đời mà không bị ám ảnh bởi những nguyên tắc, công thức.


Tôi vẫn hiểu có những trường hợp dù muốn hay không, người ta phải chấp nhận một sự thật duy nhất, không thể suy diễn tùy thích. Như trong lĩnh vực khoa học, mọi người phải hiểu trái bom là trái bom. Hiểu khác đi, sẽ không còn dịp hiểu. Hay trên đường đạo, người ta không thể hiểu phá chấp, giải thoát là muốn làm gì cũng được. Bởi khi cho rằng mình tự do vì không bị ai ràng buộc, thì rất có thể người ta đang bị ràng buộc bởi phiền não của chính mình. Tôi phải lạc đề mấy hàng để yên tâm không bị sư phụ mắng cho là đứa ham chơi quên tu. Rào đón xong rồi thì xin trở lại sân chơi.

Hơn hai mươi năm trước, tôi từng học qua bài kinh Chuyển Pháp Luân để tụng ở chùa. Ngày đó cứ thấy lạ với câu xác quyết của đức Phật rằng đây là nhận thức về bốn Thánh Đế mà Ngài chưa từng nghe (ananussuta), nay khởi lên nơi Ngài với một sự quán triệt toàn diện, sâu sắc nhất. Sao lại thế được? Thuở còn là Bồ-tát, Ngài đã chẳng từng ngồi dưới chân bao vị Phật quá khứ để học thuộc như cháo những giáo lý Thánh Đế, Duyên Khởi,... đó sao? 

 

Sao lại bảo là chưa từng nghe? Hơn hai mươi năm sau, lang thang qua những nẻo đường trần, tôi chợt mơ hồ nhận ra một chuyện. Những gì Bồ-tát học thuộc lòng kiếp xưa chỉ là những tấm ảnh không hồn do người khác chụp xong đem trao cho Ngài làm kỷ niệm. Những gì Bồ-tát Tất-đạt chứng nghiệm dưới gốc Bồ-đề sau này mới đúng là của riêng Ngài. Như sau này Ngài cũng từng xác định với tôn giả Kaccāna: Thánh trí ở đây không phải vay mượn từ người khác!

Bỗng nhiên tôi muốn chạy ngay về Bình Ý để đến ngồi bên mộ ông Lê Hựu Hà và nói một lời cảm ơn, cùng một câu hỏi ngu ngơ nhất: Ông đã học A-tỳ-đàm bao giờ để có đề nghị đó. Hãy yêu như chưa yêu lần nào. Và chưa hết, tôi từng hết hồn khi tình cờ nghe một ca từ của Trịnh Công Sơn: Tìm em, tôi tìm... tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Vạn hữu là một dòng chảy bất tuyệt của vô số sát-na sinh diệt. Cái sau thừa tiếp cái trước bằng một lực đẩy có tên gọi chuyên môn là Thường Cận Y Duyên. B không phải là A, nó hoàn toàn tinh khôi và chưa từng xuất hiện, nhưng nó không thể có mặt mà không có A.

Tôi biết có hơn một nửa trong số những người đọc bài viết này đang trách tôi sao làm chuyện tu sĩ ca ngợi nhạc sĩ. Xin thưa, hơn cả Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có nhiều nhất những nhạc khúc mà dù nghe bằng tai hay đọc bằng mắt đều được cả. Vì không muốn các vị buồn lòng rằng tôi đã phá giới khi nghe nhạc Trịnh, tôi đành nói dối rằng tôi đã đọc bằng mắt những ca khúc của Trịnh Công Sơn in kèm trong một số cuốn sách viết về ông sau ngày ông mất, của khoảng hai mươi tác giả trong và ngoài nước (như Bùi Vĩnh Phúc, Bửu Ý, ..).

Không riêng với trường hợp hai nhạc sĩ trên, mà với nhiều nhà khác cũng vậy, tôi yêu tác phẩm của họ theo cách hiểu của riêng tôi. Như đã thưa ở trên, trừ ra vài chuyện sinh tử cấm kỵ, tôi vẫn thích phiêu bồng bằng đôi chân của mình và chẳng vui vẻ gì khi ngắm nhìn thế giới bằng nhãn quan của người khác. Chán chết. Vả chăng, tôi là đứa dốt, rất e ngại những gì mang tính kinh viện bác học. Đó cũng là lý do khiến đến tận tuổi này tôi vẫn cứ là cái thằng người có một nhân thân như các vị có thể đã biết.

Viết dở lại viết dài, đúng là chẳng nên, nhưng buộc tôi phải dừng lại ở đây thì dang dở quá! Chẳng lẽ đến tuổi này gì cũng dở dang sao chứ!? Tôi đang muốn nhắc lại tâm tình của tôi đối với vài nhân vật khác ngoài hai nhạc sĩ vừa nhắc. Thôi thì ngắn gọn vậy. Xem như từ chỗ này về sau là tôi viết cho tôi, không viết ra mai mốt lại quên mất. Già rồi.

Thầy Tuệ Sỹ có rất nhiều thơ hay, nhưng tôi nhớ dở, chỉ nhớ lốm đốm, quên mất xuất xứ, và hôm mai vẫn thỉnh thoảng đọc thầm một mình như thằng khùng đọc thần chú. Đọc với tất cả cảm xúc nồng nàn mà không hiểu thầy muốn nói gì. Thôi thì, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng là cái ao:

“Phút vội vã, bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya, ngồi kể chuyện trăng tàn”.

Nghe ra chút gì đó hiu quạnh nhưng rất đỗi nhà Thiền. Thầy tu cần chừng đó thôi cũng đủ. Một chút nao nao, ngậm ngùi, nhưng không hề tục lụy. Có đọc mấy câu thơ kiểu đó thì mới chịu nổi kiếp đời chẳng giống ai của một thầy tu. Có yêu được xương rồng và cồn cát thì mới mong về chơi sa mạc. Không yêu được cũng nên ráng tìm cách để yêu. Vì thế giới này rộng hay hẹp là nằm ở khả năng thích nghi của mỗi người. Và chỉ có yêu thì mới dễ dàng thích nghi. Tôi còn nhớ thêm hai câu khác của thầy (tạm không dùng chữ Thượng tọa nghe chẳng thơ tí nào):

“Đôi mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ 
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương”.

Ý nghĩa đích thực của hai câu này, tôi chịu! Nhưng tôi yêu chúng theo cách của tôi. Tôi hiểu mắt biếc ở đây là một tấm lòng không hệ lụy nhân gian. Không hệ lụy nhưng không phải vô trách nhiệm. Anh không cần đến những thứ đó, nhưng thiên hạ có người cần đến. Hãy thương lấy người ta. Bồ-tát đứng trên cuộc đời nhưng mắt không rời cuộc đời. Thương người sinh tử, xót kẻ lầm than. Với riêng mình sao cũng được, nhưng thấy thiên hạ đổ lệ thì chẳng đành lòng. Nỗi đau sinh tử, lầm than của nhân sinh đúng là mối hờn thiên cổ. Mắt còn thấy thì lòng còn xót. Có điều xót thì xót, nhưng trước sau lòng tu vẫn phải hồn nhiên đến dại khờ để làm ngơ được trước những trò đời nhắm vào mình, để tiếp tục yêu thương chân tình, không toan tính mặc cả. 

 

Biên cương là mán mọi, khờ khạo. Mưa lũ thì vô tâm vô tri, cứ chỗ thấp thì tìm về. Vô thủy về trước và vô chung về sau, mưa lũ luôn thế. Mãnh liệt, hết mình và thơ ngây, mông muội. Chỉ nhắm đến những khía cạnh tích cực của mưa lũ thì người ta có thể ôm nó vào lòng như một đứa bé hư. Mầy phải có chút hư đốn mới là con của mẹ. Hoàn thiện, ngoan ngoãn quá, có thể mầy làm mẹ thấy xa cách vì không có dịp mắng yêu mầy, hiểu chửa thằng nhóc?

Tôi hiểu hai câu thơ đó của thầy Tuệ Sỹ theo cách nghĩ của tôi, và hình như nhờ vậy tôi đã yêu chúng không chán. Ai đó bắt tôi hiểu chúng theo cách khác, kể cả cách của thầy, có thể tôi sẽ tìm cách quên chúng đi. Vì chúng không còn như tôi nghĩ nữa. Yêu lần hai thì làm sao có thể yêu chúng như chưa yêu lần nào.

Rồi thì ông Phạm Công Thiện. Ông uyên bác từ lúc nhỏ tuổi, nhưng có lẽ vì thế mà xa cách dân gian. Bởi giống hệt thiên hạ thì có gì để nói. Một cách gián tiếp, tôi mang ơn ông nhiều chuyện. Chỉ bực mình một chuyện nhỏ là ông ấy có vẻ chẳng mặn mà với Nam tông. Thế thôi! Nhưng được cái ông chẳng cực đoan. Bởi giỏi đến mấy mà cực đoan thì cũng sâu như cái giếng dầu thôi. Mà thế giới này đâu phải chỉ có một chiều không gian. 

 

Tôi có tất cả sách của ông Phạm Công Thiện. Dễ đọc và giàu tính trách nhiệm nhất trong số đó có lẽ là cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, nghe đâu ông viết năm 25 tuổi. Với mấy cuốn còn lại, tôi phải thề độc rằng hiểu nổi thì chết liền. Kể cả cuốn thơ Ngày Sinh Của Rắn, nói là thơ mà hầu hết vẫn cao xa trừu tượng quá chừng. Tôi nói là hầu hết vì trong tập thơ đó có vài chỗ theo tôi là đủ để làm nên tên tuổi một nhà thơ, với điều kiện nhà thơ đó đừng có chi những bài thơ khác chẳng ngang tầm với chúng. Làm Thôi Hiệu của Việt Nam là ok rồi. Đó là những đoạn thơ đã được nhà văn Vĩnh Hảo và ông Nguyễn Hưng Quốc trích dẫn, nhắc nhở.

Ở đây dĩ nhiên không thể trích dẫn ra hết những chỗ tuyệt vời đó. Tôi chỉ còn đủ thời gian để nhắc lại hai câu của tập thơ trên, như nhiều người vẫn yêu thương chúng:

“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn 
Cây khế đồi cao trổ hết bông”.

Tôi cứ trộm nghĩ, người Việt Nam muốn làm thơ, viết văn và yêu nước thương quê chỉ cần để ý cái hồn của hai câu thơ đó. Giản dị, thiệt thà và gợi cảm quá chừng. Người học Phật nếu chịu để ý sẽ thấy các luận thư đời sau dù có bắt đầu bằng mấy chữ Như Thị Ngã Văn cũng không sao có được cái hồn hậu, giản phác, thâm thúy theo cách CẦN và ĐỦ mà ta luôn bắt gặp trong kinh điển Pāḷi và các tập A-hàm. Yêu tha thiết chân thành cái gì đó, người ta có thể chỉ nói rất ít nhưng chan chứa khôn cùng. Đó cũng là trường hợp của ca dao:

- “Với tay mà ngắt ngọn ngò 
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”.

- “Ngó lên Sở Thượng thêm buồn 
Muốn chăm cội rễ, ngặt đường xa xôi”.

- “Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng về”.

Nhắc tới một người, lại nhớ về bao người khác. Tôi lại muốn nhắc chơi những câu thơ của ông Bùi Giáng, thầy Lê Mạnh Thát, ông Quách Tấn, Thượng tọa Viên Minh, Thượng tọa Triều Tâm Ảnh,... Nhưng ở trên đã trót nói rồi, yêu thì nói ít cũng xong. Yêu thì để trong lòng mà nhớ. Chỉ mong mai này có kẻ tri âm kéo áo bảo viết thêm bài nữa thì có thể xem đó như một nhân duyên mới. Đường dài ngựa chạy biệt tăm...

TOẠI KHANH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/11/2021(Xem: 3927)
Là người thâm tín Phật, cung kính phụng thờ Tam Bảo, thì luôn có một đức tin kiên cố rằng: Dù ở bất cứ thời gian nào, không gian nào vẫn luôn có chân thân các bậc thượng nhân hóa thân hành hoạt cứu nhân độ thế. Các Ngài luôn có mặt giữa cuộc đời để nâng đỡ chúng sanh vạn loại. Vững chải đức tin như thế nên mỗi khi về chùa Phi Lai (hoặc Phi Lai Hòa Thịnh hoặc Phi Lai Biên Hòa, tôi luôn thấy hình bóng chân nhân trưởng lão Tâm Nguyện – Thiện Tu -Thượng DIỆU Hạ TÂM hiện hữu mồn một ở đó. Tôi thấy rất rõ từng bước chân như hoa sen nở Ngài bước đi, như lắng nghe từng tiếng từng lời ngài đang dạy bảo, khuyên lơn, khuyến khích Phật tử chúng ta nuôi dưỡng tâm bồ đề mỗi ngày mỗi lớn hơn lên, từng ngày từng kiên cố hơn. Từ đó tôi thấy : Ngài như chưa từng đến nên Ngài cũng đã chẳng ra đi. Ngài là hiện thân bậc thạc đức “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng . Bất cứ lúc nào Ngài cũng đang có mặt, hiện trú nơi cả hai ngôi chùa Phi Lai Hòa Thịnh Phú Yên và Phi Lai TP Biên Hòa…
08/11/2021(Xem: 10836)
Hiền Như Bụt là tác phẩm biên khảo về Phật Giáo, bút ký pha lẫn văn chương nhưng không phải do một tu sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học sáng tác mà do một trí thức khoa bảng yêu mến và quý trọng Đạo Phật viết ra. Nó là sản phẩm của 20 năm, từ 1992-2012. Hạ Long Bụt Sĩ tên thật là Lưu Văn Vịnh. Ông là một dược sĩ & Cao Học Dược, Cao Học Triết Học Tây Phương -nguyên giảng sư về các bộ môn Triết Học, Tâm Lý Học tại Đại Học Văn Khoa, Vạn Hạnh và Minh Đức. Ông đã xuất bản khoảng 11 tập thơ trong đó có dịch thơ Ả Rập và Thơ Thiền cùng một số sách nghiên cứu lịch sử và triết học. Hiền Như Bụt dày 444 trang xuất bản năm 2020, bao gồm một chương Tổng Quát và sáu chương với những chủ đề: Phật Pháp Trị Liệu Pháp, Đạo Bụt và Khoa Học Vật Lý, Bóng Phật Trong Văn Học, Tư Tưởng Tam Giáo, Đạo Bụt Canh Tân và Chuỗi Ngọc Kinh Phật.
06/11/2021(Xem: 12887)
Kinh Hoa Nghiêm là tên gọi tắt của bộ ‘Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’ do Ngài Long Thọ Bồ tát viết ra vào thế kỷ thứ 2, tức khoảng 600 năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có nghĩa là đóa hoa tuyệt đẹp, thanh khiết. Phần Hán tự đã được dịch ra từ thế kỷ thứ 5, dưới ba hệ thống Bát Nhã (40 quyển), Giác Hiền (60 quyển) và Nan Đà (80 quyển) . Nhập-Pháp-Giới (Gandavyuha) là phẩm thứ 39 trong số 40 phẩm, cũng là phẩm dài nhất, tiêu biểu cho giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm nói riêng và Phật giáo Đại thừa nói chung, diễn tả con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 52 vị Thiện Tri Thức dưới nhiều hình tướng, khởi đầu là ngài Văn Thù Sư Lợi, chư Thiên, Dạ thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Đức Phật Di Lặc..., và cuối cùng là Ngài Phổ Hiền.
06/11/2021(Xem: 6499)
Chép lời kinh mượn khuôn trăng làm giấy, Cõi diêm phù đất vẽ dấu chân xưa Đức ân Người sóng vỗ pháp âm đưa Quy thân mạng mười phương con đảnh lễ.
26/10/2021(Xem: 4558)
Nhìn chung, đại dịch đang dịu bớt tại Hoa Kỳ và quê nhà. Chưa bao giờ pháp ấn vô thường hiển lộ mãnh liệt như thời gian qua. Chưa bao giờ Khổ Đế hiển hiện minh bạch như thế, ngay trước mắt và ngay bên tai của mọi người đời thường. Có những người buổi sáng mới gặp, tới buổi chiều được tin họ đã nhập viện và không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa. Cảm xúc đó đã được nhân loại trải nghiệm trên khắp thế giới, không riêng tại quốc độ nào. Bài viết này xin phép để nói một kinh nghiệm riêng (và có lẽ cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người): đọc Kinh Phật trong mùa dịch, với cảm xúc rằng có thể đêm nay sẽ lìa đời. Do vậy, bài viết này cũng để Tạ Ơn Kinh Phật. Nơi đây chỉ là vài ý riêng, người viết hoàn toàn không có thẩm quyền gì về Phật học.
25/10/2021(Xem: 2499)
Mây qua trời. Có khi trắng, có khi đen. Có khi tụ, có khi tán. Ngưng tụ mà thực ra là chuyển động liên tục; tán thất mà thực không mất đi đâu. Vận hành tự tại, biến hóa vô số hình thù, rồi tan biến, rồi kết tụ trong một hình thể khác, hiện hữu nơi một không gian khác. Đến-đi cùng khắp, đông tây, nam bắc, phương trên hay phương dưới, không nơi nào mà không có mặt. Từ vô cùng quá khứ đến hiện tại và vô tận tương lai, trông như giống mà thực không giống, trông như cũ mà thực không cũ. Luôn mới mẻ tinh khôi trong từng giây phút. Đêm lẫn ngày, vẫn thường sinh-diệt, chuyển biến không ngừng. Tùy duyên ứng hiện, nơi đâu rồi cũng thuận hợp, chan hòa.
04/10/2021(Xem: 3714)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
30/09/2021(Xem: 2626)
Bên cửa sổ, tia nắng chiều thu len vào. Gió mơn man rung nhẹ lá cây vườn ngoài. Lá vàng lá xanh cùng phơi mình quanh cội cây già. Mùi cỏ thơm dìu dịu gây nỗi nhớ bâng quơ. Tiếng vĩ cầm du dương đâu đó dìu dặt đưa hồn về cảnh cũ quê xưa.
26/09/2021(Xem: 6338)
Mùa Hạ nóng bức đã đi qua, mùa Thu chợt đến mang theo những cơn mưa đầu mùa, dấu chân ấy đang lang thang khắp cả dãi nắng niềm Trung, ra tận khắp hai đầu Nam - Bắc. Những giọt mưa đông đang tràn về khi dịch tể hoành hành khắp đất trời và trên Thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến cho bao nhiêu triệu người bị thiệt mạng, dẫu có thuốc ngăn ngừa tiêm chủng trên Thế giới, giờ tất cả sống chung với căn bệnh Virus Corona, vì một Đại cuộc sinh tồn bảo vệ nhân sinh. Từ một Quốc gia có tiềm lực kinh tế giàu mạnh, khởi tâm tình thương chia sẻ viện trợ cho Quốc gia mới phát triển, giúp cho hàng tỉ người được tiêm chủng phòng ngừa, giờ tất cả nhân loại đang sống chung với Virus Corona, ai ai cũng nên tuân thủ việc bịt khẩu trang vì chúng ta hãy hiểu rằng: “Bịt khẩu trang, sẽ dễ chịu hơn nhiều, khi mang theo máy thở”.
19/09/2021(Xem: 8696)
Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà Nội. Mất ngày 12/9/1986, tại Minnesota, Hoa Kỳ. Học sinh trường Bưởi; Lên đại học, theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao Đẳng Canh Nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà Nội và hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông: hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]