Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

64. Tôi đi chùa (Nguyễn Quý Đại)

17/06/201408:50(Xem: 19863)
64. Tôi đi chùa (Nguyễn Quý Đại)

blank

Thành phố Hội An trước 1975 ít người biết đến vì chiến tranh khói lửa, đường quốc lộ I từ Hương An tới Thanh Quít. Từ Vĩnh Điện đi Hội An ban đêm thường bị du kích lén đặt mìn, phá cầu… Đời sống an ninh luôn bị đe dọa, các trường học, công sở ở Hội An phải dùng bao cát làm nơi trú ẩn khi bị Việt Cộng từ bên kia sông Hoài (Cẩm Kim) pháo kích. Thành phố Hội An trầm mặc không ồn ào như Đà Nẵng. Hằng ngày có các chuyến xe đò đi Vĩnh Điện, Đà Nẵng, Nam Phước…

Hội An là phố cổ, ngày xưa là nơi đầu tiên có cảng nhiều thuyền buồm giao thương ra thế giới bên ngoài. Hơn hai thập niên qua, nhờ quảng cáo du lịch giới thiệu các di tích cổ, được nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm Hội An. Theo tài liệu Hội An có 1.360 di tích lịch sử gồm có: 1 chùa cầu, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 19 chùa, 23 ngôi đình, 38 nhà thờ tộc, 43 miếu thờ thần, 44 ngôi mộ cổ và 1.068 nhà cổ… Các bang hội của người Tàu có chùa Kim An (Phúc Kiến năm 1792), chùa Ông Bổn (Triều Châu năm 1845), chùa Quỳnh Phủ (Hải Nam năm 1875), chùa Quảng Triệu (Quảng Đông năm 1885).

Đời sống về tâm linh ở Hội An rất phong phú, theo phong tục người Trung Hoa đến đâu thường lập chùa, miếu để thờ cúng, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, như chùa Ông họ thờ Quan Công… Chùa của người Việt Nam thì thờ Phật có đầy đủ ba Ngôi Tam Bảo, sự phát triển của Phật giáo đã xoa dịu nỗi đau thương của dân tộc do chinh chiến gây nên. Những chùa đẹp có lịch sử lâu đời như chùa Chúc Thánh, Long Tuyền, Viên Giác, chùa Pháp Bảo (Tỉnh Giáo Hội), chùa Sư Nữ… và các Tịnh Xá: Ngọc Cơ, Ngọc Cẩm, ngày rằm các chư tăng phái Nam Tông khoát y vàng ôm Bình Bát đi khất thực. Các tôn giáo khác như: Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài đều có nhà thờ, thánh thất…

Hội An trước năm 1975 có các cơ quan hành chánh và quân sự như: tòa tỉnh trưởng và tiểu khu Quảng Nam, có phi trường nhỏ cho máy bay quan sát L19 và trực thăng tiếp tế, tải thương cho các quận lỵ ở xa. Sinh hoạt văn hóa Hội An có các trường tiểu học Nam và Nữ, các trường trung học công lập Trần Quý Cáp, Nữ trung học, các trường tư thục Bồ Đề, Diên Hồng và trường Lễ Nghĩa của người Tàu. Những trường công lập và tư thục trên đều đào tạo cho tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng rất nhiều người tài đức phục vụ cho Đời và Đạo. Những vị Hòa Thượng được nhiều người biết đến là: Hòa Thượng Thích Chơn Phát, Hòa Thượng Thích Long Trí, Hòa Thượng Thích Như Vạn, Hòa Thượng Thích Như Huệ tỵ nạn và sáng lập chùa Pháp Hoa - Nam Úc… Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là Phương Trượng chùa Pháp Bảo ở Sydney, Úc và bào đệ của Thầy là Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

Truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thời tuổi thơ, mơ mộng của chúng tôi. Những trưa hè yên tĩnh tôi thường theo bạn bè tới các chùa để ngắm cảnh vui chơi, nhiều người ngưỡng mộ Tổ đình Chúc Thánh, chung quanh ngôi chùa là những khu rừng thông, chạy dài theo cồn cát trắng lưa thưa những ngôi mộ, xa xa chỉ có vài ngôi nhà dân. Chùa được xây theo mô hình chữ tam, có phong cách kiến trúc tổng hợp của truyền thống Trung Hoa và Việt Nam, ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát… Xung quanh chùa được bao bọc bởi những hàng cây đủ loại, bốn mùa đơm hoa kết trái, ong bướm chim chóc tập trung về làm tổ. Khung cảnh thanh bình giữa thiên nhiên và con người, làm lắng đọng những phiền muộn của đời người. Gió thoảng mùi hương thơm cỏ lạ, phong cảnh thanh tịnh, phù hợp với cảnh thiền môn. Do Tổ sư Minh Hải khai sơn cuối thế kỷ XVII. Ngài là người tỉnh Phước Kiến, sang Việt Nam thời Chúa Nguyễn Phúc Trân (1687 – 1691) khai sinh ra phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Được khai sáng truyền thừa có quy củ dài lâu theo xuất kệ truyền pháp danh kệ:

Minh thiệt pháp toàn chương

Ấn chơn như thị đồng

Chúc thánh thọ thiên cửu

Kỳ quốc tộ địa trường

Nhờ sự truyền thừa có thứ tự như vậy nên người đời dễ dàng nhận ra vị sư nào là đệ tử Ngài Minh Hải. Năm 1990 chùa được đại trùng tu, trong khung viên chùa có nhiều ngôi tháp cổ, nơi đây cũng có mộ phần song thân của Hòa Thượng Thích Như Điển. Thầy Như Điển là đệ tử nối pháp đời 41 dòng Lâm Tế Chúc Thánh, du học Nhật Bản tốt nghiệp đại học và sang Đức sáng lập chùa Viên Giác ở Hannover.

Trụ trì Chùa Long Tuyền là Hòa Thượng Thích Chơn Phát, trước 1975 hàng ngày Thầy dùng dù che nắng đi bộ tới dạy ở trường Bồ Đề (làm Giám thị). Chùa Long Tuyền nằm biệt lập ngoại ô thành phố, thanh tịnh chung quanh chùa là các đồi cát vàng, trong khuôn viên của chùa trồng nhiều sứ nở hoa thơm ngát và những hàng dương liễu xanh vi vu trong gió. Đời sống trong các chùa khá bận rộn các chú đi học ở các trường về, lo việc kinh kệ, quét dọn sân chùa, trồng rau... Các chú không rong chơi như tuổi trẻ chúng tôi, đi tu dù kham nhẫn nhưng có đời sống tâm linh thăng hoa của một nhà tu: „tu là cõi phúc tình là dây oan“.

Theo tài liệu nguyên thủy chùa Long Tuyền từ một thảo am sau đó được xây cất lại gồm chánh điện, tiền đường và hậu tổ. Chánh điện có lối vào được đóng mở bằng sáu cánh cửa gỗ kết cấu “thượng song hạ bản”. Chánh điện được chia làm 3 gian 2 chái. 3 gian giữa thờ tự, 2 chái là hành lang. Xà cò chánh điện có ghi Ấn nghiêm Đại sư khai sơn chùa Long Tuyền năm Kỷ Dậu (1909). Năm 1924, chùa xây tháp Đa Bảo, đông đường, nhà trù; năm 1965 kiến thiết tăng đường; năm 1969 tái thiết thiền đường; năm 1970 kiến thiết giảng đường Phật học, hàng năm có nhiều khóa tu học cho tăng sĩ. Sau năm 1975, chùa tiếp tục tái thiết, xây dựng nhiều công trình mới đồ sộ nhiều màu sắc… Chùa Long Tuyền có niên đại trên 100 năm. Trong chùa có các hiện vật di tích thờ như tượng, chuông, liễn đối, hoành phi… còn nguyên vẹn. Năm 2003 tôi về Hội An đến thăm chùa Long Tuyền và cúng dường gặp lại Hòa Thượng Thích Chơn Phát đã ngoài 80. Thầy không đeo mắt kính cận thị nặng độ như xưa, nhìn tôi với đôi mắt hơi đục màu của người luống tuổi và hỏi „Anh từ đâu tới“?. Tôi thưa là lúc nhỏ sống ở Hội An, học Phan Châu Trinh Đà Nẵng và Huế… Năm 1980 vượt biên định cư ở Đức, quê hương thứ hai của chúng con cũng có chùa Viên Giác to lớn, nhiều Phật tử sinh hoạt và phát triển rất mạnh do thầy Thích Như Điển sáng lập.

Hòa Thượng Thích Chơn Phát nở nụ cười nói: „Thầy Như Điển là trò Lê Cường ngày xưa của tôi, học giỏi chăm ngoan cuối niên học nhận hết giải thưởng của trường. Ngày nay „đem chuông đi đánh xứ người“ làm sáng danh cho phái Lâm Tế Chúc Thánh, thật đáng vui mừng và hãnh diện. Những chùa ở Hội An luôn được Thầy Như Điển vận động Phật tử hải ngoại, giúp tài chánh tu sửa, cấp học bổng cho các Thầy du học ở Ấn Độ, luôn giúp những chương trình từ thiện…

Thầy Thích Như Điển tu ở chùa Viên Giác Hội An, ngôi chùa nầy được xây vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) tọa lạc trên đường chính vào phố Hội, trước cổng tam quan hai bên là những hàng dừa xanh, những cây đa cổ thụ tàn lá xum xuê bóng mát che cả một khoảng sân lớn. Hòa Thượng Thích Long Trí nối pháp đời 40 Lâm Tế Chúc Thánh, trụ trì chùa, ngài đã viên tịch nhưng đã đào tạo ra nhiều đệ tử phục vụ tốt đẹp cho đạo pháp và trở thành danh tăng, trong đó có Hòa Thượng Thích Như Điển. Trước 1975 chùa Viên Giác mở rộng lòng từ bi đón nhận các em là nạn nhân chiến tranh, mồ côi cha mẹ vào ở trong chùa nuôi dưỡng cho ăn học, không phải xuống tóc đi tu, nhưng trưởng thành ra đời cũng là những người tốt cho xã hội. Chùa Viên Giác năm 1966 là nơi phát xuất phong trào đấu tranh mạnh nhất cho sự tự do tôn giáo… Sau „biến động miền Trung“ Thầy Trụ Trì cũng như các tu sĩ bị cảnh sát bắt điều tra, bởi vì thời gian tranh đấu đó có một số cán bộ cộng sản nằm vùng xâm nhập. Thời đó chú tiểu Như Điển cũng bị bắt oan và được thả…

Năm qua Hòa Thượng Thích Như Điển cùng nhà văn Trần Trung Đạo viết chung tác phẩm „Cây Đa Chùa Viên Giác“ để hoài niệm về ngôi chùa xưa nơi hai người đã tu học thời niên thiếu với những kỷ niệm chồng chất khó quên. Thời gian dài trôi qua, hai người chưa được thuận duyên về thăm lại mái chùa xưa để đêm đêm nghe tiếng gió thổi và lá rụng ngoài sân. Dù thời gian đổi thay mưa gió ngập lụt, nhưng bên trong vườn chùa vẫn còn giữ được vẻ xưa, hàng cây cổ thụ vẫn còn đó, hình ảnh ngôi chùa vẫn cổ kính rêu phong, những lớp bụi thời gian không thể xóa nhòa nét đẹp ngày nào…

Tôi biết Thầy Như Điển thời còn học trung học trường Bồ Đề, tuổi đời thầy hơn tôi 3 tuổi, đến năm đệ Tam Thầy vào trường Trần Quý Cáp, ngồi chung bàn với Nguyễn Mậu Dũng. Sau tú tài I thầy vào Sài Gòn học trường Văn Học, đậu xong tú tài II Thầy được Giáo Hội tỉnh Quảng Nam cho du học Nhật Bản. Ở Đức tôi biết ông Văn Công Trâm học Phan Châu Trinh cùng ban C với cậu tôi, sang Đức học Y Khoa, là người đồng hương Duy Xuyên với thầy Như Điển đã mời Thầy Như Điển sang Đức định cư, mang hạt giống Bồ Đề trồng ở đất Hannover, nhờ ngôi chùa Tổ Viên Giác và từ đó nhiều ngôi chùa khác được xây dựng khắp các tiểu bang để phục vụ cho đạo pháp. Những đệ tử xuất gia của Thầy tu học có bằng cấp cao như những tu sĩ Công Giáo. Dù tôi là Kitô hữu nhưng cũng viếng thăm chùa Viên Giác Hannover sau khi khánh thành và gặp Thầy nhiều lần lúc còn là Đại Đức, nhưng không bao giờ tôi gợi chuyện xưa về quê nhà, tránh trường hợp bon chen „thấy kẻ sang bắt quàng làm họ“. Tôi cộng tác với Báo Viên Giác do anh Nguyên Trí Nguyễn Hòa làm Chủ Bút. Thời VNCH anh là Trưởng Ty Thủy Lâm „nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá“ ở Hội An. Anh làm thơ, viết văn với bút hiệu Tùy Anh, Phù Vân.
blank

Hàng năm những dịp xuân về dù ở tu viện bên Úc xa xôi, nhưng lúc nào Thầy cũng không quên gởi thiệp Chúc Mừng Năm Mới đến gia đình tôi. Tình đồng hương của Thầy thật cao trọng, nên tôi luôn lưu thiệp giữ trong tủ sách gia đình.

Năm 2009 München tổ chức kỷ niệm 30 năm Tri Ân Chính quyền và nhân dân Đức từng mở rộng bàn tay nhân ái cứu giúp người Việt vào định cư ở Đức, hội nhập thành công tốt đẹp. Ban Tổ Chức chúng tôi điện thoại xin hẹn gặp Thầy trong dịp Tết tại chùa Tâm Giác München, lúc đó Thầy Trụ Trì là Thượng Tọa Thích Đồng Văn lo rất chu đáo, mời chúng tôi cùng ăn tối với Hòa Thượng Thích Như Điển, chúng tôi trình bày về việc tổ chức, Thầy rất hoan hỉ nhận lời viết bài „Một tấm chân tình“ song ngữ Việt Đức cho đặc san „Hồi tưởng 30 năm tỵ nạn“. Đặc san cũng nhằm mục đích cho con cháu các thế hệ sau biết rõ lý do tại sao ông bà, cha mẹ phải rời bỏ quê hương làm người viễn xứ? khác với những người khách thợ ngoại quốc đến Đức… Lần nầy tôi giới thiệu nhà tôi và con trai út đến chúc mừng năm mới, được Thầy lì xì đầu năm. Thầy cởi mở vui vẻ và hỏi nhà tôi „Cô có còn nhớ mình cùng học ban A, tác giả cuốn vạn vật là ai?“. Rất tiếc thầy bận không về tham dự vào ngày 02.5.2009, nhưng đã cử Đại Đức Thích Hạnh Giới, Trụ Trì chùa Viên Giác về tham dự, tháp tùng có đạo hữu Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp là Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Nam Ty Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Nhân dịp Viên Giác phát hành số đặc biệt về Hòa Thượng Thích Như Điển, là bậc Thầy luôn phục vụ đạo và đời không ngừng. Thầy còn sáng tác, biên khảo, dịch thuật nhiều tác phẩm văn chương giá trị, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt.

Cầu mong Thầy luôn an lạc, sức khỏe để tiếp tục phục vụ con đường dài đạo pháp.

Nguyễn Quý Đại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2018(Xem: 4384)
Đó là tên được đặt cho tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của tôi. Ảnh chụp năm 1993, bằng Máy ảnh Pentax cũ, mua được từ Tòa soạn Báo Khánh Hòa đợt thanh lý, với giá thời điểm đó là 100.000 đồng. Người mẫu: "Con gái rượu" Tịnh Thủy lúc được 2 tuổi.
10/05/2018(Xem: 4040)
Những biến động đàn áp Phật Giáo khởi đầu vào năm 63. Lúc ấy tôi cũng vừa tròn 13 tuổi. Cái tuổi của thắt nơ tóc bím đầy thơ mộng. Thì cũng chính vào những năm tháng thơ mộng nhất của đời tôi, tôi lại trực nhận rõ rằng cuộc đời quả là khổ, quả là vô thường !
10/05/2018(Xem: 3983)
Như vậy là Thầy đã thực sự xa lìa cõi trần ai tục lụy nầy hơn một năm rồi mà hình như trong lòng con vẫn không thấy có sự gì thay đổi hay khác biệt giữa mất và còn cũng như xa với gần, lạ và quen…Bởi thế mà hôm nay con mới có bức thư này xin gởi đến Thầy. Con vẫn thấy như còn mãi đó, trước mắt con, dáng dấp của Thầy với chiếc cà sa màu vàng rực, bờ vai trần và nụ cười thật hiền hòa luôn nở trên môi, làm cho khuôn mặt của Thầy càng thêm rạng rỡ. Con xin nói rõ hơn, dù Thầy không còn nhưng những gì con đã học được từ Thầy, đã được đọc, được nghe, qua những bài giảng dạy, thuyết pháp, những bài báo, bài viết, bài dịch thuật, qua các công trình đóng góp đồ sộ của Thầy mà Thầy đã được trân trọng vinh danh như là ngài Huyền Trang của nước Việt mình, thì trong lòng con, hình ảnh Thầy vẫn mãi sống động, hiển hiện và không bao giờ mất cả.
28/04/2018(Xem: 14674)
Có thể nói: Cuộc đời của Bùi Giáng không thuộc về khái niệm trong ý nghĩa của sự sống chưa thoát khỏi những ranh giới định kiến phân biệt trần gian. Ở ông, hình như cái ranh giới mà tạm gọi là khùng điên và thiên tài không thể nào hiểu hết được. Nếu mượn những khái niệm thường tình: hèn- sang, nghèo- giàu, điên- tỉnh, ghét- yêu, buồn- vui…để Bùi Giáng, hện tượng của ý nghĩa sự sống vô tận, Thích Tâm Tôn, nói cái bất tận của cuộc đời Bùi Giáng thì chỉ là ý nghĩ ngây thơ cạn cợt. Thơ ông không phải để bàn, nhưng lạ thay, lâu nay người ta vẫn thích bàn và bàn chưa thể hết những gì thuộc về thơ của ông. Có lần ông bộc bạch, ông làm thơ đơn giản chỉ vì: “Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn, châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi”. Xin mượn tạm chút ngôn ngữ của những khái niệm thường tình mà nói đôi dòng về ông trong ý nghĩa sự sống mà ông đã đi qua và đã lưu dấu lại trong cuộc đời này.
28/04/2018(Xem: 5740)
“Tấc Hơi Phụng Sự Còn Khiêm Tốn “Lòng Vẫn Cưu Mang Trải Kiếp nầy “Non Thẳm Ngàn Trùng Dâng Bất Tận “Nước Nguồn Đại Việt Ngọt Ngào Thay… Tôi hân hạnh được tiếp xúc với nhà văn Chu Tấn trong rất nhiều trường hợp, qua sự sinh hoạt với nhiều Hội đoàn, Đoàn thể trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc California, kể cả các tổ chức Văn hoá, Chính trị, Xã hội v.v… nhất là trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thuộc binh chủng Không Quân. Là một cựu Sĩ quan với cấp bậc Trung tá, bằng “Trách nhiệm, Danh dự, Tổ quốc”, mà Quê hương và Dân tộc Việt Nam, đang bịđoạđày dưới chếđộ bạo tàn Cộng sản Việt Nam .
26/04/2018(Xem: 3866)
Ngược dòng Mekong về hướng Thượng Lào. Nơi ngã ba sông Nam Khan chảy nhập vào dòng Mekong tạo nên một cảnh quang rất đặc trưng của cố đôLuangprabang cổ kính. Dòng sông với nhiều khúc quanh tạo nên những dãi uốn lượn có phần chảy xiết xuôi về hướng hạ Làokhiến con sông trông càng thêm đẹp. Nép dọc hai bờ, những rạng rừng núi nguyên sơ với những tàn cổ thụ rợp mát. Nhịp sống vẫn êm ả,sự thư thảcủa dân Lào có phần chậm lại vốn dĩ tạo nên nét rất đặc biệt nơi đây so với tất cả những danh thắng du lịch ở nơi khác. Và giữa rộn ràng của thói quen với những gì của thế giới hiện đại mà con người tiếp cận thường ngày, một quán Cà Phê trong không gian chỉ dành cho sự yên tĩnh của một người Pháp rất khéo ẩn dưới những bóng cây bên ghềnh đá của ngã ba con sông. Không có sự hiện diện của bất cứ một phương tiện nhộn nhịp nào của thế giới hiện đại được chào đón trong không gian mang tính thư giản này. Nơi ấy, không Wifi, không tiếng nhạc,hoạtđộng nhẹ nhàng của nhân viên phục vụ, chỉ có tiếng trải lòng
21/04/2018(Xem: 5007)
Nhớ Mãi Trong Đầu Một Chữ...Duyên (đôi dòng tướng nhớ Ninh)
21/04/2018(Xem: 6694)
Nhớ Thầy Là Nhớ Pháp, Kính dâng Hòa Thượng Thích Phước Đường, ( Bài của Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do PT Diệu Danh diễn đọc)
21/04/2018(Xem: 13011)
Hoa Đàm Ngát Hương_HT Thích Bảo Lạc_2007
17/04/2018(Xem: 3596)
Qui thương mến, Dù biết cuộc đời là vô thường, nhưng chị vẫn bàng hoàng xúc động khi hay tin Qui đang bệnh nặng. Mấy hôm nay email của bạn bè và các em Sương Nguyệt Anh tới tấp gởi về, nhìn tấm hình Qui đang nằm mê man trên giường bịnh với ống dây chằng chịt mà xót xa cả lòng! Chị đã cầu an cho Qui mỗi ngày qua những thời kinh tụng niệm, mong Qui qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo. Dậy đi qui ơi! Con người năng nổ hay làm việc thiện như em thế nào cũng qua khỏi cơn hoạn nạn. Chị tin như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]