Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dì Vãi Chùa Tôi

10/06/201418:35(Xem: 8134)
Dì Vãi Chùa Tôi

Minh hoa bai viet 4DÌ VÃI CHÙA TÔI


Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.

Tôi đã cất công tra cứu từ “dì vãi” để giải thích công việc của “cặp sanh đôi” chùa tôi, nhưng ngoài những chữ có như không có “Dì vãi là người giúp việc trong chùa nhưng không xuất gia”, còn thì không tìm được gì khác. Tôi tìm đến hai dì lân la hỏi chuyện công việc, chỉ nhận được câu trả lời có cũng như không: “Ốt dột! Nấu cơm, vậy thôi.”. Chữ nghĩa không ghi, người làm không nói, thực tế lại sinh động, chân thật, nghĩa tình; chỉ còn cách quan sát việc làm hằng ngày của hai dì để mô tả hai từ “dì vãi”. Nhưng nếu chỉ quan sát bằng mắt e rằng chưa đủ, mà trái tim và cái đầu của chúng ta cũng phải mở toang ra.

Chuông chùa vang lên lúc 3 giờ 30 sáng, đèn nhà bếp đã sáng tự bao giờ. Lúc này nước đã được dì vãi nấu sôi và đổ vào bình thủy để chú thị giả pha trà hầu Ôn. Đoán chừng Ôn vừa xong chén trà thứ ba, dì liền bước thấp bước cao đi từ nhà bếp lên nhà Tổ thưa vài câu, câu gì? Lúc nhắc Ôn hai ngày nữa chùa có hiệp Kỵ, và lắng nghe Ôn dạy chuẩn bị chợ búa phục vụ cho bao nhiêu người; bữa dì thưa có người cúng dường gạo, dầu, tương, muối…, để Ôn hồi hướng công đức cho họ. Có hôm dì lên chỉ để cầm cái ly Ôn vừa uống trà xong xuống rửa, vậy thôi. Chỉ vài câu thưa của dì vải, Ôn nắm được chuyện hậu cần của chùa và nội tình nhà bếp trước khi lên chánh điện công phu khuya. Chân của dì bị giãn tĩnh mạch, sưng vù, đi lại rất khó khăn. Thế mà dù thời tiết nào dì cũng lê đôi chân lên những bậc cầu thang lúc trời còn chưa tỏ, thưa gởi vài câu rồi xuống.

Câu kinh đầu tiên trên chánh điện ngân nga cũng là lúc ở nhà bếp dì bắt tay chuẩn bị buổi sáng cho Ôn. Nếu sáng nay dì nấu cháo Màu thì trên mặt phản sẽ có vài hộp nhựa nhỏ bằng lòng bàn tay, dì đựng gì trong đó? hộp này đựng nhiều loại đậu đủ màu sắc đã bóc vỏ làm sạch; hộp kia đựng đậu phụ và chả phù chúc được cắt 2 cm vuông; hộp nọ đựng cà rốt, khoai tây, su su cắt giống hạt lựu; toàn bộ dì đã sẵn sàng từ tối hôm qua, bây giờ chỉ còn cho gạo vào nấu thành món cháo vừa đẹp, vừa sạch vừa bổ dưỡng. Trong khi chờ gạo nhừ, dì quay qua chuẩn bị mâm. Từng cái chén, thố, dĩa, đũa, muỗng được dì lau cẩn thận. Biết Ôn thích ăn cay, dì không quên cắt vài trái ớt, thêm miếng chanh và chén nhỏ nước tương; tất cả được dì sắp xếp vào mâm một cách chu đáo. Tiếng tụng kinh chấm dứt, nồi cháo Màu cũng vừa chín tới, nhưng dì vẫn để hâm trên bếp, dì canh giờ. Nếu mùa hè, lo người đến chùa làm việc với Ôn sớm dì nhờ thị giả bưng mâm hầu Ôn lúc 6 giờ; nếu mùa Đông dì biết khách thường đến muộn, dì dọn trễ hơn 15 phút. Có ngày, mới dứt thời kinh khuya Ôn nhắn “dọn sớm Ôn đi xa có việc!”, chẳng biết dì biến hóa cách chi mà Ôn vẫn no bụng ấm lòng trước khi đi.
Minh hoa bai viet 5

Trong lúc dì này lo cho Ôn thì dì kia lo cho Tăng chúng. Việc đầu tiên là dì lặt và rửa một bó lớn chè tươi, nấu xong nồi nước chè trước khi thời kinh khuya kết thúc để chúng dùng nguyên ngày. Tiếp theo, dì lục hết tủ, nồi, xem thức ăn chiều qua còn sót lại gì không? nếu còn, thức ăn hoặc cơm nguội sẽ được dì hâm nóng, dì lo chúng bị lạnh bụng. Gặp lúc chùa có chút rau củ và dầu (sót lại của ngày kỵ hôm trước), dì sài sang bằng cách cắt nhỏ rau củ, khử chút dầu với boa rô thơm lừng rồi bỏ cơm nguội vô chiên mời chúng một bữa no nê. Cũng có bữa nhà bếp trống trơn đành mì gói muôn thuở, nhưng dì cũng ráng quơ tay cho có chút rau tươi để bữa sáng của chúng được mát ruột. Khi trời sáng tỏ cũng là lúc Ôn làm Phật sự, thầy đi dạy, chú đi học, lúc này “cặp sanh đôi” chùa tôi gom những gì còn thừa của Tăng chúng lót dạ qua loa cho xong buổi sáng.

Không có bản mô tả công việc như nhân viên doanh nghiệp, cũng không có chuyên viên xây dựng quy trình ISO, thế nhưng mọi việc hai dì làm đều nhịp nhàng và hợp lý. Lúc dì này rửa chén, dọn dẹp bếp núc, cũng là lúc dì kia xách giỏ đi chợ. Thời này mà cầm trong tay 100 ngàn (VNĐ) ra chợ mua thực phẩm cho 22 người ăn nguyên ngày thì chuyên gia chợ búa cũng phải bó tay! Thế mà, khi đi thì giỏ trống trơn, khi về thì giỏ ắp đầy. Tay xách nách mang, dù trời mưa hay nắng, dù trời lạnh hay nóng, dì cũng nhẩn nha đi bộ gần một cây số từ chùa ra chợ, từ chợ về chùa.

Dấu hiệu khởi động bữa cơm trưa là lúc “cặp sanh đôi” chùa tôi chụm đầu bên sàn gạo nhặt thóc. Khi nồi cơm được bắt lên bếp thì giỏ đi chợ về được hai dì soạn ra. Trưa nay Tăng chúng ăn cơm với canh rau lang và Bí đỏ xào. Kẻ lặt rau, người gọt Bí, công việc nhanh gọn, hiệu quả; tất cả đều tươm tất trước khi chùa cúng Ngọ. Đến lúc dọn cơm cho chúng mới thấy hết oai thần của dì vãi chùa tôi. Đầu tiên, tô canh của Ôn được dì chia ba gắp rau Lang, tô canh của chúng mỗi người hai gắp; hai dì không chừa phần cho mình. Tiếp đến là món Bí đỏ xào. Dĩa của Ôn được 3 muỗng Bí đỏ, dĩa của chúng hai người 5 muỗng; dì cũng không chừa phần cho mình. Ai chưa về kịp cũng có phần như y như vậy và được dì đậy lồng bàn cẩn thận. Nếu chùa có vài khách đột xuất thì cũng chừng đó cơm và thức ăn nhưng qua đôi tay khéo léo của hai dì tất cả đều no đủ, an lòng.

Khi Ôn lắc chuông nguyện trước khi ăn cơm thì sẽ có một trong hai dì chắp hai tay sau lưng bước ra khỏi bếp ngó lướt một vòng xem ai có ai vắng. Lúc cơm dọn xuống hai dì sẽ kiểm tra xem mâm nào ăn hết, mâm nào còn nhiều, rồi tìm nguyên nhân “tại sao ăn ít? có bệnh gì không?”; nhất là mâm của Ôn. Sau đó, hai dì gom cơm và thức ăn còn lại của Tăng chúng thành một mâm cho mình rồi ngồi ăn tại cái phản trong bếp; lúc này các chú giúp hai dì thu dọn rửa chén.

Ăn xong hai dì không về phòng riêng để nghỉ trưa mà ngả lưng trên cái ghế gỗ kê trước cửa bếp nhắm mắt chập chờn, tại sao? là vì hai dì đang làm nhiệm vụ giữ của chùa! Nhiều bữa bôn ba nơi này, nơi khác, trưa về chùa xin cơm, ngắm hai dì thả lưng trên ghế tôi chợt nghĩ “niết bàn là đây tìm kiếm đâu xa cho mệt”! Nhưng cũng có hôm tôi cười thầm, nằm giữ của chùa mà tôi vào bếp bưng mâm cơm hai dì dành sẵn ra ăn, ăn xong dọn rửa úp lại rồi đi ra mà, “cặp sanh đôi” không hề hay biết.

Buổi chiều hai dì lặp lại quy trình nhặt thóc, nấu cơm, lặt rau, gọt củ, nấu chín, đếm và chia đều, cơm dọn xuống còn gì ăn nấy. Lúc các chú giúp hai dì rửa chén cũng là lúc “cặp sanh đôi” hoàn tất ba bữa ăn trong ngày. Trời chập choạng tối là khoảng thời gian thư thái nhất, hai dì mở tivi lên rồi kéo cái ghế ngồi mắt chăm chú vào màn hình; người hai dì ngắn, khi ngồi cặp giò lưng chừng chưa chấm đất. Nếu là mùa Đông dưới chân sẽ có om than để hong cho ấm; nếu là mùa hè sẽ có tiếng quạt quay vù vù cho mát mẻ. Có bữa hai dì thút thít vì Lan bỏ Điệp đi tu; có hôm hai dì vỗ chân cái đét khen Thái hậu Dương Vân Nga dũng khí với giặc Tàu. Cũng có hôm hai dì xem truyền hình, gặp chương trình dở hai dì buột miệng “bá láp” rồi tắt tivi đi nghỉ sớm.

Nhiều buổi tối chùa đã im vắng nhưng bếp vẫn còn tiếng lục xục, “cặp sanh đôi” làm gì vậy? hai dì kiểm tra lương thực thực phẩm cúng dường! Gạo cúng trước hai dì xếp ra ngoài để nấu trước, gạo cúng sau xếp vào trong từ từ nấu sau. Thực phẩm thì hai dì xem thời hạn, còn hạn lâu thì để dành, sắp hết hạn thì dùng trước. Có bữa dì cầm bịch nấm Đông Cô khô phân trần “tui đem ra chợ đổi, nửa ký nấm chùa ăn một ngày là hết, nhưng nếu đem ra chợ đổi lấy Mít (sống) về kho mặn thì chúng ăn được mười ngày! Cũng có người nói tui đem của chùa đi bán, nhưng làm gì lợi lạc cho Tăng chúng tui làm, ai nói chi mặc kệ”.
Minh hoa bai viet 3

Chùa tôi là chùa Hội cúng kỵ và sự kiện quanh năm, có lúc Tăng đoàn và Phật tử hội tụ hơn ngàn người. Phục vụ ăn uống cho con số ngàn không hề đơn giản, may mà Phật tử đổ về làm phụ. Nhưng người đông có cái hay cũng có cái dở, cái hay hai dì hỗ trợ, cái dở hai dì ngăn chặn. Dưới sự quán xuyến của “cặp sanh đôi” mất mát được giảm thiểu, tiết kiệm được tăng lên, việc hanh thông viên mãn. Khi những người phụ việc ra về nhà bếp như một buổi chợ tàn, hai dì xăn tay thu dọn: khăn, chén, dĩa, nồi, mâm, ly… được rửa sạch, lau khô, đếm từng cái cất vào kho; nếu lỡ mất món nào thì đó sẽ là chuyện càm ràm mà Tăng chúng phải nghe suốt một tuần sau đó.

Những ngày trở trời hai dì ủ rủ như cá thiếu nước, tôi tới gần hỏi han rồi đấm lưng cho dì này, được mươi cái thì nghe dì kia than nhức chân. Rời cái lưng qua bóp cái chân thì nghe cái lưng than mỏi, tôi cười, hèn gì người ta nói “chăm già như chăm trẻ”. Lúc hỏi không nói, lúc thì tự nhiên “cặp sanh đôi” mở lời “Chùa bây giờ Tăng chúng đông vui, Phật tử lui tới, rau gạo đủ đầy, hồi những năm 1975 -1995 Tăng chúng trôi dạt tứ xứ, Phật tử ít người thăm viếng, chùa không có cái ăn, tụi tui ra bờ thành hái rau cỏ qua bữa, giữ chùa đợi Tăng chúng về”. Tôi hỏi, nhưng khi Tăng chúng về rồi chùa sống bằng gì? Dì cười cười: “Mỗi ngày thầy Sự (tri sự) đưa ba ngàn đi chợ, hai miếng đậu phụ của Ôn (cố) hết sáu trăm, còn lại là ba bữa của chúng. Có bữa thầy Sự “quên” đưa tiền, tụi tui ra vườn kiếm mít non, chuối xanh, khế chua, rau dại vô nuôi chúng”. “Thầy Sự” mà hai dì nhắc lúc đó là Đại Đức, bây giờ là Hòa Thượng, kế thừa Ôn (cố) trú trì chùa. Điều đó có nghĩa là tuổi xuân xanh của hai dì trải dài trong nhà bếp chùa tôi.

Hôm rồi một dì về quê thăm nhà, không may trùng dịp dì kia phải nhập viện cấp cứu. Tăng chúng thay phiên nấu ngày ba bữa, thì cũng xong thôi nhưng, nhà bếp buồn thiu. Khi dì nằm viện Tăng chúng vô thăm hỏi ân cần. Khi dì ra viện, Ôn chạy lo toàn bộ viện phí. Con gái dì thưa với Ôn xin đón mẹ về nhà dưỡng sức, Ôn nói để chùa chăm sóc, nhưng con gái dì ngại Tăng chúng cực. Tôi tìm đến nhà con gái thăm dì và thật bất ngờ khi thấy dì ở trong ngôi nhà hai tầng khang trang lại có bà sui gia chăm sóc dì chu đáo khi các con bận đi làm. Thế mà, vừa gượng lại sức dì đã đòi về lại chùa, lý do rất quan trọng là “nếu bếp không ai trông ngó chùa sẽ bị mất đọi (chén)”; con gái dì không còn cách nào khác là chở dì lên chùa giao lại cho Ôn.

Thật ra “cặp sanh đôi” chùa tôi cũng có nhiều cái khác nhau: người có cha mẹ, người thân côi cút; người có chồng con, người nhẹ gánh gia đình; người cả ngày không nói, người càm ràm huyên thuyên. Gặp lúc thời tiết chuyển mùa người nóng sốt, người run lập cập; làm Tăng chúng nhiều phen hoảng vía. Và do tuổi lớn trạng thái hai dì vui giận khó đoán, nhưng dù có “khó đoán” đến đâu Tăng chúng cũng ráng mà đoán để “cặp sanh đôi” vui vẻ, khỏe mạnh, sống lâu.

Chuyện “Ốt dột! nấu ăn, vậy thôi” của dì vãi chùa tôi (và những dì vãi chân thật của nhiều chùa khác) người bàng quan cho rằng “Phật tử hầu Tăng”, kẻ sâu sắc lại nghĩ “Mẹ phụ con tu”, bậc thượng nhân thì biết rõ đó là “Những vị Hộ pháp”./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 10811)
Hiền Như Bụt là tác phẩm biên khảo về Phật Giáo, bút ký pha lẫn văn chương nhưng không phải do một tu sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học sáng tác mà do một trí thức khoa bảng yêu mến và quý trọng Đạo Phật viết ra. Nó là sản phẩm của 20 năm, từ 1992-2012. Hạ Long Bụt Sĩ tên thật là Lưu Văn Vịnh. Ông là một dược sĩ & Cao Học Dược, Cao Học Triết Học Tây Phương -nguyên giảng sư về các bộ môn Triết Học, Tâm Lý Học tại Đại Học Văn Khoa, Vạn Hạnh và Minh Đức. Ông đã xuất bản khoảng 11 tập thơ trong đó có dịch thơ Ả Rập và Thơ Thiền cùng một số sách nghiên cứu lịch sử và triết học. Hiền Như Bụt dày 444 trang xuất bản năm 2020, bao gồm một chương Tổng Quát và sáu chương với những chủ đề: Phật Pháp Trị Liệu Pháp, Đạo Bụt và Khoa Học Vật Lý, Bóng Phật Trong Văn Học, Tư Tưởng Tam Giáo, Đạo Bụt Canh Tân và Chuỗi Ngọc Kinh Phật.
06/11/2021(Xem: 12863)
Kinh Hoa Nghiêm là tên gọi tắt của bộ ‘Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’ do Ngài Long Thọ Bồ tát viết ra vào thế kỷ thứ 2, tức khoảng 600 năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có nghĩa là đóa hoa tuyệt đẹp, thanh khiết. Phần Hán tự đã được dịch ra từ thế kỷ thứ 5, dưới ba hệ thống Bát Nhã (40 quyển), Giác Hiền (60 quyển) và Nan Đà (80 quyển) . Nhập-Pháp-Giới (Gandavyuha) là phẩm thứ 39 trong số 40 phẩm, cũng là phẩm dài nhất, tiêu biểu cho giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm nói riêng và Phật giáo Đại thừa nói chung, diễn tả con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 52 vị Thiện Tri Thức dưới nhiều hình tướng, khởi đầu là ngài Văn Thù Sư Lợi, chư Thiên, Dạ thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Đức Phật Di Lặc..., và cuối cùng là Ngài Phổ Hiền.
06/11/2021(Xem: 6483)
Chép lời kinh mượn khuôn trăng làm giấy, Cõi diêm phù đất vẽ dấu chân xưa Đức ân Người sóng vỗ pháp âm đưa Quy thân mạng mười phương con đảnh lễ.
26/10/2021(Xem: 4536)
Nhìn chung, đại dịch đang dịu bớt tại Hoa Kỳ và quê nhà. Chưa bao giờ pháp ấn vô thường hiển lộ mãnh liệt như thời gian qua. Chưa bao giờ Khổ Đế hiển hiện minh bạch như thế, ngay trước mắt và ngay bên tai của mọi người đời thường. Có những người buổi sáng mới gặp, tới buổi chiều được tin họ đã nhập viện và không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa. Cảm xúc đó đã được nhân loại trải nghiệm trên khắp thế giới, không riêng tại quốc độ nào. Bài viết này xin phép để nói một kinh nghiệm riêng (và có lẽ cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người): đọc Kinh Phật trong mùa dịch, với cảm xúc rằng có thể đêm nay sẽ lìa đời. Do vậy, bài viết này cũng để Tạ Ơn Kinh Phật. Nơi đây chỉ là vài ý riêng, người viết hoàn toàn không có thẩm quyền gì về Phật học.
25/10/2021(Xem: 2495)
Mây qua trời. Có khi trắng, có khi đen. Có khi tụ, có khi tán. Ngưng tụ mà thực ra là chuyển động liên tục; tán thất mà thực không mất đi đâu. Vận hành tự tại, biến hóa vô số hình thù, rồi tan biến, rồi kết tụ trong một hình thể khác, hiện hữu nơi một không gian khác. Đến-đi cùng khắp, đông tây, nam bắc, phương trên hay phương dưới, không nơi nào mà không có mặt. Từ vô cùng quá khứ đến hiện tại và vô tận tương lai, trông như giống mà thực không giống, trông như cũ mà thực không cũ. Luôn mới mẻ tinh khôi trong từng giây phút. Đêm lẫn ngày, vẫn thường sinh-diệt, chuyển biến không ngừng. Tùy duyên ứng hiện, nơi đâu rồi cũng thuận hợp, chan hòa.
04/10/2021(Xem: 3713)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
30/09/2021(Xem: 2626)
Bên cửa sổ, tia nắng chiều thu len vào. Gió mơn man rung nhẹ lá cây vườn ngoài. Lá vàng lá xanh cùng phơi mình quanh cội cây già. Mùi cỏ thơm dìu dịu gây nỗi nhớ bâng quơ. Tiếng vĩ cầm du dương đâu đó dìu dặt đưa hồn về cảnh cũ quê xưa.
26/09/2021(Xem: 6328)
Mùa Hạ nóng bức đã đi qua, mùa Thu chợt đến mang theo những cơn mưa đầu mùa, dấu chân ấy đang lang thang khắp cả dãi nắng niềm Trung, ra tận khắp hai đầu Nam - Bắc. Những giọt mưa đông đang tràn về khi dịch tể hoành hành khắp đất trời và trên Thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến cho bao nhiêu triệu người bị thiệt mạng, dẫu có thuốc ngăn ngừa tiêm chủng trên Thế giới, giờ tất cả sống chung với căn bệnh Virus Corona, vì một Đại cuộc sinh tồn bảo vệ nhân sinh. Từ một Quốc gia có tiềm lực kinh tế giàu mạnh, khởi tâm tình thương chia sẻ viện trợ cho Quốc gia mới phát triển, giúp cho hàng tỉ người được tiêm chủng phòng ngừa, giờ tất cả nhân loại đang sống chung với Virus Corona, ai ai cũng nên tuân thủ việc bịt khẩu trang vì chúng ta hãy hiểu rằng: “Bịt khẩu trang, sẽ dễ chịu hơn nhiều, khi mang theo máy thở”.
19/09/2021(Xem: 8676)
Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà Nội. Mất ngày 12/9/1986, tại Minnesota, Hoa Kỳ. Học sinh trường Bưởi; Lên đại học, theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao Đẳng Canh Nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà Nội và hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông: hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953).
03/09/2021(Xem: 4918)
Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên trên cù lao Ông Chưởng, bên dòng sông Hậu giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay trường, thương súc vật và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]