Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (pdf)

21/01/201411:26(Xem: 22557)
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (pdf)

Canh_Duc
Lời giới thiệu

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.

Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

Sa môn Thích Thông Bửu - 2004


Nhà nghiên cứu Phật học Lý Việt Dũng là giáo thọ của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Vạn Hạnh) cùng nhiều đạo tràng khác trong Tp.HCM, đặc trách mục "Hỏi đáp Phật học" của Nguyệt san Giác Ngộ, đồng thời cũng là người góp ý thường xuyên về mặt biên soạn kinh điển của Tổ đình Quán Thế Âm chúng tôi.

Ngoài thì giờ dạy học và viết báo Phật giáo ông thường xuyên chú tâm phiên dịch kinh Phật không phân biệt Thiền hay Giáo. Riêng về Thiền, ông chủ trương biên soạn các tác phẩm Thiền tông Hoa – Việt mảng Hán Tạng, tuần tự sau Việt tới Hoa, cụ thể như sau "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục" là đến “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”.

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục là một bộ Thiền sử Trung Hoa có thể nói là xưa nhất nhì và hoàn bị nhất mà từ khi ra đời vào năm đầu niên hiệu Cảnh Đức nhà Tống (1004) cho đến nay (2004), trải qua 1.000 năm mà chưa có ai phiên dịch hay chú giải vì sách vừa đồ sộ về dung lượng (Tiểu truyện 1.701 Thiền sư), lại vừa rất khó hiểu ở văn Lý và Thiền ý. Cho nên một dịch phẩm đầy đủ, trọn vẹn, nhất quán mà lại có chất lượng là rất cần không chỉ riêng cho các tăng, ni sinh mà cho cả những ai trong nước Việt Nam ta, muốn hiểu Thiền phong Trung Hoa nói riêng và lãnh vực Thiền nói chung.

Do ý thức được sự cần thiết của bản dịch, trân trọng tính chịu khó cần cù của dịch giả, nên ban đầu chúng tôi gợi ý động viên rồi sau đó trong phạm vi khả năng cho phép, đã hết sức ủng hộ dịch giả về mặt vật chất, vì nói thẳng, ông rất nghèo, và tinh thần, vì không mấy khi ông được mạnh khỏe, để hoàn thành công trình.

Sau khi hoàn thành bản thảo, nhà nghiên cứu có nhờ chúng tôi xem lại và viết mấy dòng giới thiệu. Đọc xong bản thảo chúng tôi vô cùng cảm động vì bản dịch được truyền tải từ nguyên văn chữ Hán qua chữ Việt một cách tự nhiên nhưng trong sáng dễ hiểu, nên đặt bút viết ngay mấy lời mà không có chút e ngại vì dĩ nhiên tác phẩm phải có chỗ khiếm khuyết, nhưng nhìn chung, công có thể lấn át tội. Vậy nên mạnh dạn có mấy lời giới thiệu thô thiển đến độc giả.

Tổ đình Quán Thế Âm 2004
Trụ trì
Sa môn Thích Thông Bửu

Canh_DucLời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
HT. Thích Phước Sơn

Sau khi bộ Thiền Luận của thiền sư Suzuki được chuyển ngữ sang tiếng Việt, những độc giả hâm mộThiền tông có dịp thưởng thức một bộ Luận thư đầy lý thú, xem đó như là một bộ sách khái yếu về Thiền học rất đáng trân trọng, nhưng vẫn mơ ước được đọc một bộ Thiền sử hoàn bị hơn. Khát vọng chân chính ấy giờ đây đã trở thành hiện thực.

Đó là sự xuất hiện của dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Bộ lục này do Thiền sư Đạo Nguyên người đời Tống biên soạn, gồm 30 quyển, trình bày từ bảy đức Phật đến 27 vị Tổ Tây Thiên, sáu Tổ Đông Độ và Ngũ gia thất phái, bao quát 52 thế hệ, 1.701 người. Sau khi soạn xong, Đạo Nguyên đem dâng lên vua Tống Chân Tông, vào năm Cảnh Đức thứ nhất (1004). Nhận được sách, Chân Tông rất hân hoan, liền truyền lệnh cho quan Hàn lâm học sĩ Dương Ức hợp lực cùng các bạn đồng liêu giám định, rồi bảo ông viết lời tựa. Qua đó chúng ta thấy rõ giá trị của bộ sách như thế nào.



 
Vì vậy mà các nhà Phật học xem nó như kim chỉ nam của Thiền tông nói chung và của Thiền tông Trung Hoa nói riêng. Giờ đây, bộ sách đã được nhà dịch thuật Lý Việt Dũng phát tâm phiên dịch. Khi đề cập đến vị dịch giả này, có lẽ ít ai trong chúng ta là không biết đến ông. Bản tính ông vốn cẩn trọng, phải chăng do chịu ảnh hưởng quan điểm được xem là của Lão Tử: Làm văn hóa mà sai lầm thì hại cả muôn đời. Vì thế mà trước đây khi nhận trách nhiệm dịch quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, ông đã tốn khá nhiều công phu thôi xao tư liệu, đắm mình trong Thiền tịch; và nhờ vậy mà khi phiên dịch, ông đã có cơ hội kiểu chính không ít những thuật ngữ Thiền học bị nhầm lẫn trong các tư liệu Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay. Sau khi sách xuất bản, ông đã nhận được sự phản hồi đầy ưu ái của các bạn đọc có nhiều tâm huyết.

Với niềm khích lệ lớn lao ấy, ông tiếp tục dấn thân vào lãnh vực chuyên môn của mình trong công việc dịch thuật. Phải công nhận rằng ông vốn có năng khiếu bẩm sinh về Hán học, đồng thời có biệt nhãn sắc bén về Thiền lý, vô sư tự ngộ, và đặc biệt rất ngưỡng mộ phong thái kỳ đặc của các Thiền sư trác việt. Mặc dù không xuất thân từ danh môn chánh phái, cũng chưa từng tham thiền nhập định mòn rách bồ đoàn, thế mà khi đọc những vấn đáp nghịch thường của các Thiền sư, ông lãnh hội một cách dễ dàng như những câu chuyện nhàn đàm trong cuộc sống đời thường. Điều này gợi cho chúng ta liên tưởng đến truyền thuyết cho rằng thi hào Tô Đông Pha là hậu thân của một Thiền sư.

Quí mến mối chân tình tri ngộ, cảm kích tấm lòng nhiệt thành đối với tiền đồ Phật giáo và tin tưởng bản lĩnh của dịch giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục với chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Phật tử và độc giả bốn phương. Hy vọng dịch phẩm này sẽ đáp ứng phần nào niềm khát khao của những người muốn tìm về nguồn mạch tâm linh và nâng kiến thức Thiền học của Phật tử Việt Nam lên ngang tầm với thời đại.

Thiền viện Vạn Hạnh, mùa Vu lan năm 2004, PL.2548
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
HT. Thích Phước Sơn

Canh_Duc


Lời giới thiệu Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
Tỷ-kheo Viên Minh


Ngôn ngữ Thiền là ngôn ngữ phi ngôn ngữ, bởi nó không giống như ngôn ngữ triết học, tôn giáo hay bất kỳ thể loại nào khác. Nó không nhằm dẫn đến một hệ thống luận thuyết hay quan điểm nào cả. Tuy vậy, qua nó chúng ta có thể bắt gặp chiều sâu mà hành trạng, sự tu chứng hay thân giáo phong phú, trung thực của các vị Thiền sư biểu thị. Ngôn ngữ Thiền có vẻ như rất kỳ bí nhưng thực ra lại quá rõ ràng và trực tiếp đến độ dường như trong đó ngôn ngữ không hề có mặt.

Trớ trêu thay, hầu như tất cả Ngữ Lục đều viết bằng chữ Hán, dù cho đó là Ngữ Lục của các Thiền sư Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam. Để đọc được những tác phẩm ấy chúng ta cần có những bản dịch tương đối chính xác, đòi hỏi người dịch không những phải có một trình độ uyên thâm về Hán ngữ, Việt ngữ cũng như Thiền lý, mà còn phải dày công tra cứu, so sánh, đối chiếu... rất nhiều tài liệu mới có thể chuyển ngữ được một cách trung thực, ít nhất là trên phương diện ngữ nghĩa.

Ngữ nghĩa sai thì khó có thể tiếp cận được với những ngụ ý mà chư Thiền đức muốn khải thị huống chi là chạm đến chiều sâu thân chứng của các ngài. Dịch thuật Ngữ Lục quả là khó hơn bất kỳ loại phiên dịch nào khác, bởi dịch giả không những phải dịch đúng từng câu từng chữ mà còn phải đọc được những ẩn ý vô ngôn giữa những từ, những cú như một thứ cạm bẫy thường giăng ra để thử thách căn cơ của chư Thiền giả.

Xem ra, ngoài tinh thông ngữ nghĩa người dịch còn phải có trực giác thấy được “Ý tại ngôn ngọai” mới mong chuyển tải được ý chỉ thâm mật của Thiền. Trong tất cả Ngữ Lục thì Cảnh Đức Truyền Đăng Lục mà Thiền sư Đạo Nguyên đã sưu tập được 52 đời truyền thừa của Thiền tông Trung Hoa với 1.701 vị Thiền sư xuất chúng, có thể xem là tiêu biểu, nòng cốt và mẫu mực cho hầu hết các Ngữ Lục về sau, do đó là tài liệu quí giá cho những ai muốn khám phá thế giới Thiền Đông Độ. Bởi vậy một bản dịch chính xác, trung thực sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều thế hệ Thiền học Việt Nam.

Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu. Với trực giác bẩm sinh về ngôn ngữ, với trình độ tinh tường về Hán học, với thời gian chuyên nghiền ngẫm tham cứu lâu dài về Thiền, anh vẫn thận trọng làm việc một cách nghiêm túc, cần cù và tỉ mỉ để tránh tối đa những sai sót mà người trước đã vấp phải. Tuy vậy, không tự mãn, anh luôn tham vấn, thỉnh ý chư tôn Thiền đức hoặc bàn bạc với các Thiền hữu cho đến khi khai thông được những điều chưa sáng tỏ. Đó chính là lương tâm khả kính của một người làm công tác dịch thuật.

Những sáng kiến mà anh thêm vào, như phần Phụ Lục, có thể giúp cho những người nghiên cứu khỏi mất thì giờ tìm kiếm tài liệu đối chiếu, tra cứu; phần Gợi Ý của riêng anh, dù chủ quan hay khách quan, vẫn là những ý kiến cần được tôn trọng như là thiện ý muốn giúp cho người nghiên cứu rộng đường tầm cầu Thiền lý, mặc dù khi tâm sự với tôi về những góp ý của mình anh tỏ ra khiêm nhường, rằng phần này chỉ đặc biệt dành cho tăng ni sinh trong các lớp Thiền học mà anh hướng dẫn thôi chứ không xem đó như là những kiến giải mẫu mực. Thực ra chưa ai dám tự cho kiến giải của mình là đúng, nên mới cần đến sự ấn chứng của chư vị Thiền sư đạt ngộ. Do đó, thái độ khiêm nhường của anh cũng là một phẩm chất đáng quí. Tuy nhiên, theo tôi, kiến giải vẫn là giai đoạn tất yếu có trước và sau khi ngộ.

Tôi không dám bàn gì thêm về giá trị nguyên tác hay phê bình phẩm chất bản dịch cũng như những góp ý chân tình của anh, vì tất cả đã được trình bày đầy đủ, xin nhường lại cho chư độc giả rộng quyền phán xét. Dĩ nhiên, không có bất kỳ một bản dịch nào hoàn hảo, nhưng với những gì đạt được trong dịch phẩm này không những là một cống hiến lớn lao của anh cho Thiền học Việt Nam nói riêng mà còn làm phong phú cho kho tàng văn học nước nhà nói chung. Chân thành cám ơn anh Lý Việt Dũng đã cho tôi xem lại bản thảo dịch phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục trước khi xuất bản. Cẩn bút.

Tổ đình Bửu Long, mùa An cư 2548
Tỷ kheo Viên Minh


Canh_Duc
Sách do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, có bán tại Nhà sách Văn Thành,
http://nhasachvanhoaphatgiao.com/
Nhà Sách Văn Thành, ĐT: 38 482 028 – 0908585 560,
<[email protected]>
411 Hoàng Sa, P8, Q3, TP. HCM


Cảnh Đức truyền đăng lục (zh. jǐngdé chuándēng-lù/ chingte ch'uan-teng-lu 景德傳燈錄, ja. keitoku-dentōroku), cũng được gọi tắt là Truyền Đăng lục, là tác phẩm lịch sử cổ nhất của Thiền tông Trung Quốc, được một vị Thiền sư thuộc tông Pháp Nhãn là Đạo Nguyên, môn đệ của Quốc sư Thiên Thai Đức Thiều, biên soạn vào năm Cảnh Đức, đời Tống Nhân Tông (1004). Bộ sách này nói về cơ duyên của chư tổ cho đến Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958).

Cảnh Đức truyền đăng lục gồm 30 quyển, vốn có tựa đề là Phật Tổ Đồng Tham tập, được xếp vào Đại Chính Tân Tu Đại tạng kinh, tập 51, số 2076. Sách này sưu tập ghi chép về hành trạng, cơ duyên v.v. của 1701 vị, bắt đầu từ Phật đời quá khứ đến các vị Tổ thuộc đời thứ 51 của Ngũ gia tông phái. Trong đó, 951 vị có phụ thêm ngữ lục. Vì bộ sách này được vua sắc chỉ nhập tạng vào niên hiệu Cảnh Đức thứ 1 (1004) nên đặt tên là Cảnh Đức. Về pháp hệ truyền thừa giữa thầy và trò nối nhau không dứt giống như lửa của ngọn đèn có năng lực phá trừ tối tăm, nối nhau liên tục nên gọi là Truyền Đăng. Đầu quyển có bài tựa do Dương Ức soạn. Nội dung toàn sách nói về sự truyền pháp Thiền như sau:


Quyển 1, 2: Bảy đức Phật đời quá khứ và Tổ Ma-ha-ca-diếp (摩訶迦葉) truyền xuống đến Tổ thứ 27 là Bát-nhã-đa-la (般若多羅).
Quyển 3: Năm vị Tổ Trung Quốc: Bồ-đề-đạt-ma (菩提達摩), Huệ Khả (慧可), Tăng Xán (僧璨), Đạo Tín (道信), Hoằng Nhẫn (弘忍).
Quyển 4: Pháp hệ chi nhánh của Tứ tổ Đạo Tín (道信) và Ngũ tổ Hoằng Nhẫn như: Ngưu Đầu Thiền (牛頭禪), Bắc Tông Thiền (北宗禪), Tịnh Chúng Tông (淨眾宗) v.v. và truyện ký của các vị: Ngưu Đầu Pháp Dung (牛頭法融), Thần Tú (神秀), Phổ Tịch (普寂) v.v.
Quyển 5: Lục tổ Huệ Năng (慧能) và pháp hệ của sư.
Quyển 6: Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) và Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海).
Quyển 7: Nga Hồ Đại Nghĩa (鵝湖大義) và Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹).
Quyển 8: Gồm 54 vị như: Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願)...
Quyển 9: Gồm 30 vị nối pháp Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海)...
Quyển 10: Gồm các vị nối pháp Thiền sư Nam Tuyền như: Triệu Châu Tòng Thẩm (趙州從諗)...
Quyển 11: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (溈山靈祐), Tổ của Quy Ngưỡng tông (溈仰宗).
Quyển 12: Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄), vị Tổ của Lâm Tế tông (臨濟宗).
Quyển 13: Pháp hệ của Hà Trạch tông (荷澤宗). Truyện ký về hai vị Trừng Quán (澄觀) và Tông Mật (宗密) thuộc Hoa Nghiêm tông (華嚴宗).
Quyển 14: Thạch Đầu Hi Thiên (石頭希遷) và pháp hệ.
Quyển 15: Động Sơn Lương Giới (洞山良价).
Quyển 16: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑒).
Quyển 17: Pháp hệ của Tào Động tông (曹洞宗).
Quyển 18, 19: Pháp hệ của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存).
Quyển 20: Pháp hệ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (曹山本寂).
Quyển 21: Pháp hệ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị (玄沙師備).
Quyển 22, 23: Pháp hệ của Vân Môn tông (雲門宗).
Quyển 24, 25, 26: Pháp hệ của Pháp Nhãn tông (法眼宗).
Quyển 27: Các Thiền sư nổi tiếng không thuộc bất cứ tông phái nào.
Quyển 28: Các ngữ lục đặc biệt của 11 vị Thiền sư như: Nam Dương Huệ Trung (南陽慧忠), Hà Trạch Thần Hội (荷澤神會) v.v...
Quyển 29 tựa đề là Tán tụng kệ thi gồm tất cả kệ tụng của 17 vị như: Bạch Cư Dị (白居易)...
Quyển 30 tựa đề là Minh ký châm ca (銘記箴歌) gồm tất cả 13 loại: Toạ thiền châm (坐禪箴), Chứng Đạo ca (證道歌)...

Sách này có một bản khắc lại: Tư Giám Trùng San (思鑒重刊), khắc lại vào đời nhà Nam Tống, năm 1134. Hi Vị Trùng San (希渭重刊), khắc lại vào đời nhà Nguyên, năm 1316. Quyển Đăng lục này là tư liệu căn bản để nghiên cứu sử Thiền tông Trung Quốc, rất nhiều công án được nhắc đến lần đầu ở đây.


Tham khảo
Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
Từ điển Thiền Tông Hán Việt. Hân Mẫn & Thông Thiền biên dịch. TP HCM 2002.
Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.




CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC (quyển 1)

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC TRỌN BỘ



 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2018(Xem: 3841)
Lễ Trao Giải Viết Về đạo Phật Ananda Viet Awards Lần Đầu, 3 Giải Chính, 5 Giải Khuyến Khích Tổng Trị Giá Các Giải Là 7000 MK
13/01/2018(Xem: 4087)
Đọc Thơ Tuyển của Cư sỹ Đào Văn Bình, Tình cờ chúng tôi có được tập sách Tổ Ấm Cuối Cùng, Thơ tuyển và Kịch bản, của cư sỹ Đào Văn Bình xuất bản năm 1987, gởi tặng cố Hòa thượng Thích Thiện Trì, chùa Kim Quang tại thủ phủ Sacramento, CA. Tập sách có hai phần: Phần 1 là Thơ tuyển mà tác giả cho biết là "Sáng tác ròng rã qua 9 năm lưu đày tù ngục và 1 năm phiêu linh qua các trại tỵ nạn". Phần 2 là Kịch bản Tổ Ấm Cuối Cùng (Sáng tác từ tại tỵ nạn Sungei Besi). Ở đây tôi chỉ viết cảm hứng của mình khi đọc vài bài thơ trong lúc bị tù đày của một cư sỹ lão thành luôn có tâm với đạo pháp và dân tộc.
12/01/2018(Xem: 4699)
Nhớ lại 3 năm trước, tôi đến Seattle vào một chiều Thu cuối tháng Mười. Vừa rời khỏi sân bay, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với đô thị xa hoa có nhịp sống bận rộn này là cái se se lạnh của tiết trời đang độ giữa Thu. Trong tôi lúc đó vẫn còn nỗi bồn chồn lo lắng, tâm trạng của một người vừa xa quê, bước chân vào một đất nước xa lạ. Sự mát lạnh của khí trời như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng trong tôi. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi vẫn nhớ như in cảm xúc đầu tiên ấy, và dần dần, tôi nhận ra mình có cảm tình với mùa Thu ở Washington.
15/12/2017(Xem: 6433)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 88073)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 138478)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 4055)
Đọc “Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế” của Thích Tín Nghĩa, Nhân dịp Nguyên Giác và tôi ra mắt sách ở Chùa Bát Nhã, Nam California, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa- Viện Chủ Từ Đàm Hải Ngoại Irving, Texas không về dự được nhưng đã có thư cáo lỗi. Từ việc làm hết sức cẩn trọng và khéo léo đó, tôi sinh lòng cảm mến và làm quen với hòa thượng qua điện thư và được hòa thượng ưu ái tặng cho bốn cuốn sách của chính hòa thượng, bao gồm:
07/11/2017(Xem: 3888)
Nhà thấp nhất trong xóm. Mái tole. Cửa gỗ. Sàn gác gỗ sao. Nó khiêm tốn lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố với beton cốt thép, cửa sắt, cửa kính chịu lực... Diện tích gian dưới của căn nhà cấp 4 này chỉ 24 mét vuông, chia thành hai gian, bếp và nhà vệ sinh chiếm hết gần một nửa, còn lại chừa cho gian phòng khách chật chội với bàn ghế, divan, tủ sách, chỗ để hai chiếc xe máy... Vậy mà vào lúc sáng sớm, khi cơn bão Damrey dữ tợn bắt đầu đổ bộ vào đất liền, hung hăng sấn vào lòng thành phố biển Nha Trang, căn nhà khiêm tốn trong hẻm nhỏ này là nhà duy nhất mở cửa để đón nhận 15 người khách lỡ đường chui vào nương trú để tránh bão. Duy nhất. Vì mọi nhà xung quanh đều đã cửa đóng then cài kín bít từ đầu tối hôm trước.
05/11/2017(Xem: 24930)
Cách Đọc Tên và Phát Âm 23 Chữ Cái, Hiện nay tại Việt Nam cách gọi tên và cách phát âm 23 mẫu tự tiếng Việt vô cùng lộn xộn. Thí dụ: Trên chương trình Thời Sự Quốc Phòng, thiết vận xa M.113 có cô đọc: em mờ 113. Có cô đọc mờ 113. -Chữ N có nơi đọc: en nờ (âm nờ hơi nhẹ). Có nơi đọc nờ.
12/10/2017(Xem: 11795)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]