Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Vài đặc trưng thủ pháp ngôn ngữ nghệ thuật

24/01/201215:47(Xem: 9951)
3. Vài đặc trưng thủ pháp ngôn ngữ nghệ thuật

Mấy nét đặc sắc về nghệ thuật của văn học Phật giáo
Nguyễn Công Lý

3.Vài đặc trưng thủ pháp ngôn ngữ nghệ thuật.

Văn học Phật giáo có đặc trưng nghệ thuật riêng. Nhờ thế, người đọc dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của nó so với các bộ phận văn học khác.Vấn đề này trước đây Đoàn Thu Vân cũng đã khảo sát khá kỹ trong luận án PTS khi tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền (23).

Đây là bộ phận văn học thuộc văn học trung đại nên về mặt ngôn ngữ nghệ thuật của nó mang nét chung của ngôn ngữ trung đại là tính hàm súc, đa ngữ nghĩa và quy định theo nó là những thủ pháp nghệ thuật tương hợp: tượng trưng, ẩn dụ, điển cố. Tính hàm súc, đa ngữ nghĩa này có cội nguồn từ tư duy triết học và mỹ học phương Đông với quan niệm tổng hợp, nhất nguyên, cầu tính. Tinh thần biện chứng của triết học phương Đông đề cao cái không lời, kiệm lời để gợi chứ không tả trọn vẹn. Lão Tử từng đề cao cái không lời “ngôn vô ngôn”, còn Trang Tử thì “thính hồ vô thanh”. Chính chỗ dở dang, còn thiếu, không hết lời đó đã đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật lung linh.

Ở văn học Phật giáo, đặc biệt là thơ Thiền, chịu ảnh hưởng yếu chỉ Thiền “trực chỉ nhân tâm”nên đã đạt đến mức rất cao của tính hàm súc, gợi mở. Nếu thơ ca phương Đông khơi gợi trí tưởng tượng, cảm xúc cho người đọc thì thơ Thiền lại mở rộng khả năng ấy đến vô cùng và chứa chất nhiều tầng nghĩa. Tính hàm súc của văn học Thiền nhiều khi là cái hàm súc nghịch lý, phi lôgic không hề có ở một bộ phận văn học nào khác. Do vậy ngôn ngữ văn học Thiền đôi khi vượt ra ngoài ý nghĩa thông thường để trở thành ký hiệu siêu ngôn ngữ, vượt thoát khỏi mọi ý nghĩa, mọi quy ước. Nó không còn là phương tiện diễn đạt ý nghĩa mà là phương tiện gợi mở, đánh thức tâm trí người học đạo. Ngôn ngữ ấy, với cách tư duy thông thường, người đọc không sao hiểu nổi.

Trên đây là những nét chung của ngôn ngữ văn học Thiền ở các nước sử dụng văn hóa chữ vuông. Nhưng ngôn ngữ văn học Thiền ở Việt Nam cũng có nét riêng. Nét riêng ấy xuất phát từ tập quán, tâm lý, đặc điểm lịch sử - địa lý, cách tư duy của người Việt dễ nhận thấy đó là tinh thần ưa chuộng thực tiễn, không thích trừu tượng, thích gọn nhẹ, ít quan tâm truy nguyên bản thể và thường hướng về cuộc sống hiện thực nên ngôn ngữ Văn học Phật giáo Lý - Trần thường xuất hiện những từ ngữ sự vật, sự việc, sinh hoạt đời sống hàng ngày, thường thấy trong văn ngữ lục. Chẳng hạn, trong Tham đồ hiển quyết, Viên Chiếu có nói :

Khả lân tao nhất yết, Thương thay từng nghẹn một đôi lần,

Cơ tọa khước vong xan. Đói lả ngồi ngây chẳng dám ăn.(24)

Hay trong Sư đệ vấn đápđể trả lời câu hỏi “Thế nào là gia phong của Hòa thượng?”(Như hà thị Hòa thượng gia phong ?), Thiền sư - nhà vua Trần Nhân Tông đáp :

Phá nạp ủng vân triêu khiết chúc, Áo rách ôm mây, ban mai húp cháo,

Cổ bình tả nguyệt dạ tiên trà. Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà.(25)

Sau đây là một số đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật thường gặp của văn học Phật giáo.

Trước hết, Văn học Phật giáo thường sử dụng khái niệm, phạm trù triết lý Thiền, mỹ học Thiền. Những khái niệm, phạm trù ấy mang hai nét nghĩa: nghĩa thực và nghĩa ẩn dụ.

Loại mang nghĩa thực, thường gặp các từ ngữ như : tâm, ngộ, liễu, giác ngộ, hữu vô, hữu không, bản thể, tự tính, sắc không, chân như, vô thường, bồ đề, sinh tử v.v…

Loại mang nghĩa ẩn dụ thường gặp các từ ngữ như : bản lai diện mục, tứ đại, hà sa, nhị kiến, lăng già, lục tặc v.v…

Nhìn chung những khái niệm, phạm trù ấy được sử dụng để trình bày những vấn đề bản thể luận và giải thoát luận. Cuối cùng là quy về tâm “tâm pháp nhất như”. Tâm là đầu mối của sự giải thoát, tâm tịch tĩnh là Phật, là chân như, là giác ngộ. Tâm chính là tự tính, bản thể.

Thứ đến, văn học Phật giáo thường sử dụng những ẩn dụ với tính ước lệ hóa.Đa số tác phẩm văn học Thiền, các tác giả thường sử dụng thủ pháp ẩn dụ. Do sử dụng những ẩn dụ nhiều lần nên chúng trở thành ước lệ. Theo con số thống kê của Đoàn Thu Vân có đến 108 trên 192 đơn vị tác phẩm được khảo sát, với tỷ lệ 60%, sử dụng ẩn dụ với xu hướng ước lệ hóa (26). Có thể đơn cử như: Gia hương, Minh châu, Bảo ngọc trânđể chỉ Phật tính trong mỗi con người;Tâm viên ý mãđể chỉ lòng người dao động, tâm không tĩnh; Đả ngõa toàn quychỉ sự lầm lạc, u mê của con người; Liên phát lô trungchỉ chân tâm bền vững không sợ thử thách; Thúy trúc hoàng hoalà hình ảnh của sự vật, hiện tượng thế giới khách quan đều là sự thể hiện của chân như; Thủy nguyệtlà hình ảnh cái sắc tướng đều là ảo, giả đừng lầm tưởng đó là thật…

Tiếp theo, Văn học Phật giáo còn thích dùng những từ ngữ, hình ảnh mang tính nghịch ngữ, phi lôgic.Đây là ngôn ngữ vượt thoát khỏi suy nghĩ lôgic, luận lý thông thường. Ngôn ngữ ấy là của riêng của văn học Phật giáo. Các Thiền sư sử dụng ngôn ngữ này với mục đích đánh mạnh vào tâm tư, dồn ép người đọc đến chỗ tận cùng, khiến họ ngơ ngác để sau đó thâm nhập vào một thế giới khác, và sẽ bừng tĩnh, giác ngộ chân lý. Những nghịch ngữ, phi lôgic ấy thường gặp trong Văn ngữ lục, Tụng cổ, Niêm tụng kệhay trong các công án Thiền mà ở trước có điểm qua. Đó là hình ảnh viên ngọc thiêu trên núi, sen nở trong lò; rùa mù xoi vách đá; ba ba què trèo núi cao; kẻ điếc nghe đàn cầm; anh mù ngắm trăng rằm; đàn không dây, sáo không lổ; người gỗ đánh trống; cô gái sắt múa máy; chàng người gỗ xuống biến hát khúc vô sinh, cô gái đá vào mây thổi ống sáo tất lật v.v…

Hãy đọc vài dẫn chứng để thấy rõ hơn. Trong Nhất nhật hội chúng,để trả lời câu hỏi về ý nghĩa của lời chỉ giáo, Thiền sư Tịnh Không đáp :

Nhật nhật khứ hoạch hòa, Ngày ngày gặt lúa trên đồng,

Thời thời không thương lẫm. Mà kho đụn vẫn thường không có gì(27)

hoặc : Trí nhân vô ngộ đạo, Người khôn không ngộ đạo,

Ngộ đạo tức ngu nhân. Ngộ đạo, kẻ ngu si.

Thân cước cao ngọa khách, Anh duỗi chân nằm khểnh,

Hề thức ngụy kiêm chân. Thật giả biết cần chi.(28)

Hình thức nghịch ngữ, phi lôgic này được các Thiền gia ưa dùng khi giảng đạo mà chúng ta có thể tìm thấy trong Tham đồ hiển quyếtcủa Viên Chiếu, Niêm tụng kệcủa Trần Thái Tông, Đối cơvàTụng cổcủa Tuệ Trung Thượng sĩ…. Chẳng hạn, trong Đối cơ, Tuệ Trung viết :

Mộc nhân nhập hải vô sinh xướng, Người gỗ tìm xuống biển,

Thạch nữ xuyên vân tất lật xuy. Ca hát khúc vô sinh.

Gái đá lướt mây xanh,

Thổi điệu buồn tất lật.(29)

Cuối cùng, Văn học Phật giáo còn ưa sử dụng điển cố.Có khi đó là điển cố có nguồn gốc từ sách vở nhà Phật như Nê ngưuvới ý nghĩa là đánh mất chân tâm của mình, không thể tìm lại được; Thiếu thất, Tào Khê, Hoàng Maivới ý nghĩa nói về cội nguồn của tông phái Thiền; Tây lai ýnói về yếu chỉ đạo Thiền; Chấp chỉ vọng nguyệtvới ý không cố chấp vào giáo lý mà quên đi mục đích giác ngộ… Ngoài ra, văn học Phật giáo còn sử dụng những điển cố từ nhiều nguồn sách vở của Nho, Lão như Bá Nha - Tử Kỳ (Liệt Tử); Kinh Kha (Đông Chu liệt quốc); Khắc chu cầu kiếm (Lã Thị Xuân thu); Họa xà thiêm túc (Chiến quốc sách); Thủ chu đãi thố (Hàn Phi Tử), Long môn tao điểm ngạch (Thủy kinh chú); Ca Thương lang (Mạnh Tử); Vô vi, Hy di, Sủng nhục nhược kinh (Đạo đức kinh - Lão Tử); Thất châu, Hồ điệp mộng (Nam hoa kinh - Trang Tử)và còn rất nhiều nữa …

Qua việc sử dụng điển cố trên, có thể thấy, Văn học Phật giáo nếu sử dụng điển cố nhà Phật nhằm mục đích khơi gợi người học đạo giác ngộ chân lý thì việc dùng điển cố từ nguồn kinh sách của Nho, Lão, đặc biệt là của Lão - Trang, đã cho thấy sự gần gũi tương đồng giữa Thiền học và Đạo học. Đồng thời những điển cố từ những kinh sách trên là những điển cố giàu hình ảnh đã góp phần gợi cảm hứng sâu sắc cho Thiền gia - thi sĩ sáng tác, vì ở đây cả hai cùng cùng bắt gặp một cảm xúc đồng điệu.

Trên đây là những nét đặc sắc cơ bản nhất về nghệ thuật của văn học Phật giáo Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo Lý-Trần nói riêng. Chính chúng đã làm nên nét rất riêng, độc đáo, dễ nhận thấy của một bộ phận văn học vốn được sáng tác dưới sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tư tưởng - giáo lý của tôn giáo vừa uẩn súc lại vừa gợi cảm nên thơ, để tạo nên một tiếng nói rất riêng, khó lòng gặp lại trong văn chương Việt Nam, thông qua một hệ thống thể loại đặc thù như kệ và thơ Thiền, tụng cổ - niêm tụng kệ, ngữ lục, luận thuyết tôn giáo, bi ký và truyện kể... với một thủ pháp nghệ thuật chỉ riêng văn học Phật giáo mới có.

Nha Trang, viết lại tháng 10 năm 2003.

CHÚ THÍCH:

1. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.184.

2. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.168.

3. Nguyễn Phạm Hùng,Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lý Trần,luận án PTS Ngữ văn, bảo vệ tháng 7-1995.

4. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr. 364.

5. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập2, Nxb KHXH, H,1989, tr. 228.

6. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập2, Nxb KHXH, H,1989, tr. 412.

7. Hồ Nguyên Trừng,Nam ông mộng lục,b dịch, Nxb Văn học, H,1999, tr.111.

8. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr. 183.

9. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr. 183.

10. Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận,tập 1, Nxb KHXH, H,1994, tr.113.

11. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.117 và Lê Mạnh Thát,Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh,Tu thư Phật học Vạn Hạnh, SG

12. Thiền uyển tập anh,bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nxb Văn học, H, 1990, tr.15.

13. Nguyễn Đăng Na,Bí ẩn đoạn kết truyện Vô Ngôn Thông và việc giải mã bí ẩn đó, Tạp chí Văn học, H, số 3-1997, tr.63-72.

14. Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận,tập 1, Nxb KHXH, H,1994, tr.119.

15. Lê Mạnh Thát,Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh,Tu thư Phật học Vạn Hạnh,

16. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương,Văn học Việt Nam thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII,tập 1, Nxb ĐH và THCN, H, 1978, tr.195.

17. Xin xem:

- Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận,tập 1, Nxb KHXH, H,1994.

-Nguyễn Hữu Sơn, Đặc điểm mối quan hệ giữa phần truyện-tiểu sử và việc tàng trữ giá trị thi ca trong Thiền uyển tập anh,tạp chí Tác phẩm mới, số 8-1996, tr.68-74. Mấy ý kiến về sách Thiền uyển tập anh, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4-1995, tr.48-5

18. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.117-121.

19. Thiền uyển tập anh,bản chữ Hán ký hiệu A3144, thư viện Viện Hán Nôm.

20. Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận,tập 1, Nxb KHXH, H,1994, tr.425.

21. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương,Văn học Việt Nam thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII,tập 1, Nxb ĐH và THCN, H, 1978, tr.205.

22. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.121.

23. Đoàn Thu Vân, Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI-thế kỷ XIV,luận án PTS Ngữ văn, bảo vệ tháng 6-1995.

24. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.277.

25. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 2, Nxb KHXH, H,1989, tr.494.

26. Đoàn Thu Vân, Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI-thế kỷ XIV,luận án PTS Ngữ văn, bảo vệ tháng 6-1995, tr. 50.

27. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.469.

28. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 1, Nxb KHXH, H,1977, tr.479.

29. Viện Văn học,Thơ văn Lý Trần,tập 2, Nxb KHXH, H,1989, tr.314.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, số 2, 2004

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2022(Xem: 2742)
Kính bạch Sư Phụ Nguyên Tạng, con bắt đầu nghe MP3 bài giảng của Sư Phụ về Nhân Quả. Bạch Sư Phụ, con nghe lại được tiếng giảng của Sư Phụ rất quen thuộc như xưa kia con nghe Sư Phụ giảng suốt hai năm Covid, Nhưng bạch Sư Phụ, con kính sám hối, âm thanh giảng của Sư Phụ trong giảng đường có thính chúng bị vang dội và cuối mỗi câu bị nhoà nên con không nghe được trọn vẹn.
01/09/2022(Xem: 2376)
Tôi nhớ mãi làng quê tôi thuở ấy Có mái chùa xưa - mái ấm tâm linh Ngày mưa nắng bao nẻo đường cơm áo Tiếng chuông chùa khêu sáng ánh tâm minh Chúng tôi lớn khôn theo tiếng chuông chùa Tuổi thanh xuân sống quyện hoà ánh đạo Xoá tự ti, bỏ gian tham, kiêu ngạo Người gặp người trong đạo lí từ bi
30/08/2022(Xem: 2484)
Nhìn hình ảnh Thầy, Mẹ Tâm Thái cùng phái đoàn đi thăm trại mù, lòng con như chùng xuống. Ôi! Đồng bào con đó, họ đang sống trong tăm tối mù loà giữa một xã hội của thiên đàn cộng sản, họ dường như bị bỏ rơi và quên lãng nếu không nhờ được tình người, tình nghĩa đồng bào 2 chữ thật thân thương chia xẻ cho họ chút niềm vui, an ủi trong cảnh đời không còn thấy ánh sáng mặt trời, thấy được những dòng sông, bông hoa, tất cả cảnh vật trên thế gian này dù đẹp hay xấu sao con nghe lòng quặn thắt niềm đau
26/08/2022(Xem: 2791)
Học Phật là học những lời Phật đã dạy và được lưu truyền qua Tam Tạng Kinh Điển. Từ ngày thành đạo cho đến lúc nhập Niết Bàn, những lời Phật dạy quả không ít. Chúng ta không thể học hết Tam Tạng Kinh Điển nhưng những gì căn bản nhất chúng ta đều được học. Lành Thay !
23/08/2022(Xem: 2307)
Hôm nay ngày 24 tháng 7 năm Nhâm Dần, là lễ Chung Thất Đại đức Thích Thông Tạng, người Sư huynh thân kính và cũng là ân nhân của Thông Đạo. Như lời Sư huynh thường gọi Thông Đạo là Sư đệ và khiêm tốn xưng là Sư huynh, đệ xin thành kính tưởng niệm đến ân và nghĩa quý báu mà Sư huynh đã thương tưởng dành cho đệ.
18/08/2022(Xem: 3047)
Nếu chỉ sống một lần…điều gì quý giá nhất? Có khi nào …bạn trầm mặc giữa tịch liêu Để biết rằng … Một đi không trở lại ..khi nhận vé một chiều Như một lần được lên sóng màn hình trục tiếp!
16/08/2022(Xem: 3118)
Thư anh đến trong lúc tôi đang đọc quyển sách của Mark Epstein, nhan đề là “Advice not given”. Đây là quyển sách thứ ba của cùng tác giả mà tôi đọc, toàn là xếp vào hạng best-sellers ở Mỹ. Epstein là bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Nổi tiếng vì là thầy thuốc giỏi. Và nổi tiếng là nhà Phật học uyên thâm. Có gì lạ đâu, phải không anh Đỗ? Đức Phật của chúng ta đã chẳng là thầy thuốc đó sao! Lặn lội trong chuyên môn phân tâm học với Freud, với Jung, ông chợt thấy đức Phật, ông lặn lội qua Tây Tạng “học Phật”, học cả với các danh sư ở M
04/08/2022(Xem: 2373)
Khi tâm hồn vút lên Hy Mã Ta ung dung vào giữa chợ đời Lòng mở cửa – yêu thương không vị ngã Thì cần chi kích thích tố dựng niềm vui Mọi nhãn hiệu đeo mang chừ vứt bỏ Ta tự do tự tại giữa vô thường Sáng chủ nhật lên đồi cao hóng gió Trải giấc nồng ngoài tiếng hát trùng dương.
04/08/2022(Xem: 2451)
Chúng con may mắn lắm khi được sinh ra trong vòng tay lớn nhất từ Mẹ, chín tháng mười ngày như dấu ấn tiếp nối, Mẹ cho con nghe kinh Pháp Hoa, Niệm Phật, nghe những danh xưng thập hiệu Bồ tát, từ ấy mà con lớn dần trong chủng tánh Phật từ. Mẹ vui hơn khi chúng con bước theo dấu chân tinh không về ngôi nhà Chánh pháp, xuất gia tu học và làm người đệ tử Phật. Trở thành một vị Tỳ Kheo Tăng. Con chỉ một dạ cuối đầu xin Mẹ tăng thêm tuổi thọ để chúng con dõi theo hơi ấm từ Mẹ hiền kính yêu với Pháp danh: Nguyên Bảo. Mẹ mãi mãi trong trái tim con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]