Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Triết lý quanh đèn

27/02/201104:26(Xem: 2919)
01. Triết lý quanh đèn

NHỮNG HẠT SƯƠNG
Thích Chơn Thiện
Sài Gòn, 2000

[01]

Triết Lý Quanh Đèn

-ooOoo-

Nếu thời bé tí được lời ru của mẹ ướp vào tâm hồn hương nhạc và tình với những hạt mầm tư tưởng, thì lớn lên đến tuổi biết hỏi và biết nghe, tuổi trẻ Việt Nam lại được bố và ông bà kể cho nghe các chuyện cổ tích quanh đèn. Đây là những mẫu chuyện dễ nhớ và súc tích nói về lịch sử, về tình yêu tổ quốc, quê hương, về phong tục tập quán, về tín ngưỡng nhân gian, về con người và thiên nhiên, vũ trụ, về tình người, tình đôi lứa, tình gia đình và về túi khôn của loài người, hàm xúc nhiều tư tưởng. Đây gọi là triết lý quanh đèn. Nó cũng phong phú, đa dạng được sàng lọc qua nhiều thế hệ, nhiều thời đại. Những triết lý có hệ thống viết vào sách thì có thể bị thất truyền vì chiến tranh, vì các sức mạnh xâm lược, nhưng triết lý chiếc nôi và triết lý quanh đèn thì không. Hệt như người xưa đã nói:

-"Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ".

Mỗi câu chuyện cổ tích là một bài học ngắn nhồi vào tư duy của tuổi trẻ, nung nấu ý chí của tuổi trẻ, xây dựng tình cảm cho tuổi trẻ và khích lệ, kích thích phát triển các khả năng cần thiết cho tuổi trẻ. Nói tóm, triết lý quanh đèn là một hình thức giáo dục của dân tộc. Ngày ấy mỗi gia đình Việt Nam thật sự là một học đường nhỏ.

Những mẫu chuyện truyền khẩu được kể trong không khí gia đình ấm cúng và đầy tình tự như rót sâu vào tâm tư tôi, không bao giờ tôi có thể quên được. Chuyện kể có xen nhiều nét thần kỳ, linh dị, nhưng đây là những hình ảnh biểu tượng của sáng tác văn học, nghệ thuật, làm cho câu chuyện trở nên sinh động và hấp dẫn, mà không phải là sản phẩm của mê tín dị đoan.

Đọc lại Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh tập, các chuyện Tấm cám..., tôi thấy hầu như tất cả là những câu chuyện quanh đèn của các gia đình Việt Nam. Vì là chuyện, nên triết lý quanh đèn nói lên được nhiều lời ý hơn triết lý chiếc nôi.

Về anh hùng dân tộc, không làm sao tôi quên được các chuyện về Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Nhiếp Chính Ỷ Lan ... các chuyện kể từ thời vua Hùng dựng nước cho đến nay rất là thu hút.

1.- Chuyện đức Thánh Gióng hay gọi là Phù Đổng Thiên Vương:

Là chuyện nằm lòng thời tuổi trẻ ở quê của tôi. Tôi thích lắm, bố tôi đã cắt nghĩa rằng:

- Con hãy nhớ nước ta bị xâm lược nên tổ tiên ta đã căn dặn kỷ: "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Vì vậy hình ảnh Phù Đổng, em bé ba tuổi bổng chốc vươn vai thành người lớn quất ngựa dẹp giặc khi giặc Ân đến là ý tổ tiên dạy: khi đất nước khó khăn hay lâm nguy, là người dân Việt thì phải như bé Phù Đổng, lòng yêu nước phải vươn dậy mạnh mẽ, biết hy sinh vì xứ sở. Bé ba tuổi mà còn thế huống chi là người lớn!

- Con hãy nhớ kiếm sắt là biểu tượng cho giới trí thức, qúy tộc, đánh giặc cũng giỏi mà không bền nên nữa chừng kiếm của Phù Đổng phải gãy. Phải nhổ lên những khóm tre làng mới đuổi xong giặc. Khóm tre là biểu trưng cho quần chúng bình dân ta, cả Phù Đổng cũng thuộc hàng dân giả, nói lên rằng phải nương vào sức mạnh quần chúng mới phá được giặc.

- Con hãy nhớ kỹ rằng dẹp giặc xong, Phù Đổng không trở về nhận bổng lộc triều đình, mà biến mất vào yên lặng. Tại sao thế? Bởi vì đó là lòng yêu nước vô vụ lợi của người Việt. Yêu nước là yêu nước với tấm lòng trong sáng thế thôi. Nhưng chính vì thế mà nhân dân ta đã lập đền thờ Phù Đổng như là lòng tôn thờ yêu nước trong sáng vô vụ lợi ấy.

Bố tôi dạy tôi không biết bao lần, con hãy nhớ như thế!

2.- Chuyện nguồn gốc Lạc Hồng hay là chuyện tình sử giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ:

Thoạt nghe thì có vẽ kỳ dị, nhưng càng gẫm càng thấy sâu sắc. Cũng phải nhờ đến bộ óc của bố tôi cắt nghĩa tôi mới vỡ lẽ ít nhiều. Lại với giọng điệu, con hãy nhớ, bố bảo:

- Âu Cơ là giòng dõi tiên nhân: biểu trưng cho tính khí thanh cao, thiện lương và đẹp đẽ. Đấy là các đức tính khai mở nền văn hóa dân tộc như hình ảnh mẹ đẻ ra trăm trứng nở thành trăm con. Trăm con là chỉ trăm họ, chỉ cho sự hợp quần của nhiều bộ lạc, dân tộc của xứ sở.

- Lạc Long Quân là dòng dỏi của rồng: biểu trưng cho sức mạnh biến hóa, khi ẩn, khi hiện, hợp cả hai tánh của bố và mẹ thì mới thật sự mở ra dòng văn hóa lịch sử Việt Nam. Tính chất của văn hóa lịch sử Việt Nam là tính chất của sự kết hợp giữa Tiên và Rồng, của mối tình ấy.

- Phải xem tình nhân dân trong nước là tình đồng bào, nghĩa là mối thâm tình cùng chung một bào thai mẹ. Nói cách khác, là phải thương yêu nhau, xem nhau như ruột thịt. Làm được như thế là làm nên lịch sử, lịch sử chờ đợi như thế.

- Tính của mẹ là âm lại có gốc từ trời là dương, tính của bố là dương lại có gốc từ nước là âm, bố mẹ có gốc khác nhau và tính khác nhau vì thế mà khó sống cạnh nhau mãi được, nên đành xa cách nhau một cách chiến thuật, mà mối chung tình thì vẫn giữ. Bố mẹ luôn luôn có mặt bên nhau khi có biến. Đấy là ý nghĩa lịch sử của dân tộc, là sự thật của lịch sử dân tộc. Ý nghĩa đó là phải chấp nhận dị biệt, nhưng phải có lý tưởng tổ quốc để thống nhất dị biệt, mà không phải xóa tan các dị biệt. Đấy cũng là triết lý về cuộc sống, chính cái yếu tố mâu thuẩn đã làm sinh sôi nẩy nở, mở ra dòng lịch sử của dân tộc. Và đấy cũng là triết lý của hành động chuyển tương khắc thành tương sinh.

- Hình sảnh của bố mẹ lịch sử là hình ảnh của "âm trung chi dương và dương trung chi âm", là sự thật của mọi việc đời, mọi hiện hữu. Sự vật trôi chảy nên sự vật luôn luôn phủ nhận nó để trở thành một cái gì khác nó. Nói cách khác, sự vật vừa là nó vừa là khác nó. Điều mà triết lý của các vùng văn hóa nhân loại gọi là vô thường, vô ngã hay dịch biến, hoặc "không thể đặt chân hai lần trên một dòng nước". Bố tôi say sưa giảng giải ý nghĩa của mẫu chuyện đầu nguồn lịch sử này.

3.- Chuyện Chữ Đồng Tử:[1]

Chuyện lịch sử đã quá hay, mà chuyện tình của Việt Nam cũng lắm đẹp.

Chữ Đồng Tử là một thanh niên dân giả chân thật, nghèo nàn, nghèo đến thiếu khố để che thân, lại được nhân dân Việt Nam sắp đặt cho kết duyên với một công chúa trẻ đẹp, kiêu kỳ, con vua. Hai người ở hai đầu cách biệt của giai cấp xã hội, đây là triết lý về tình yêu của Việt Nam, rằng trong tình yêu không có giai cấp, dù là giai cấp loại nào. Đó là con người, tính người và tình người Việt Nam.

Nhân dân ta qua câu chuyện tình này, vừa phá đổ quan điểm "môn đăng hộ đối" của nhà nho, vừa nói lên khát vọng nghìn năm tha thiết của con người. Mọi người đều bình đẳng trước tình yêu, trước cuộc sống, trước cái sống cũng như trước cái chết. Và dĩ nhiên cũng bình đẳng trước pháp luật của xứ sở, trước trách nhiệm và bổn phận của người công dân.

Chử Đồng Tử đã nói lên một triết lý tình yêu và một quan niệm về dân chủ, bình đẳng trước cả người phương Tây. Bố tôi đã dạy cho tôi niềm hảnh diện này của triết lý của dân tộc.

4.- Chuyện tình Trương Chi - Mị Nương:[2]

Chuyện kể Trương Chi là kẻ chài có tiếng sáo quyến rủ, Mị Nương là cô gái trâm anh, khuê các, tương tư tiếng sáo của chàng. Bởi chàng quá xấu tướng nên cuộc tình dẫn đến chỗ bi kịch tuyệt vọng. Chàng cũng đắm say nhan sắc nàng. Chàng chết và tim hóa thành ngọc. Nàng thương tình dùng ngọc ấy làm tách để uống trà. Mỗi lần uống thì hình ảnh chàng hiện ra nơi chén ngọc. Nàng cảm kích nhỏ lệ làm chén ngọc tan ra nước.

Bố tôi phải vất vả phân tích mối tình này, tôi mới lờ mờ nhận ra một triết lý tình yêu của dân tộc rằng:

- Tình yêu thuận đẹp không phải là tình yêu đơn phương

- Tình yêu đòi hỏi một cung bậc nào đó giữa hai tâm hồn và thể chất.

- Nhân dân ta nói triết lý tình yêu rất ngắn gọn qua mẫu chuyện trữ tình dễ nhớ ấy, nhưng rất là triết. Đây là nét văn hóa và văn minh. Câu chuyện bên đèn này còn có tác dụng tạo niềm thoải mái cho tâm hồn sau một ngày lao động nhọc nhằn.

Có nhiều người cho rằng Việt Nam không có triết lý. Nhưng thật là phi lý, bởi chính nhận định trên là phi triết lý! Có lẽ người ta đang chờ một pho sách hệ thống hóa các tư tưởng Việt Nam từ các nguồn văn học bình dân, và văn học bác học, từ các nguồn phong tục tập quán, điêu khắc, hội họa, lịch sử và ngôn ngữ và đặt tên cho hệ thống tư tưởng này như là duy nghiệm, duy lý, duy ý chí ... chăng? Nhưng nếu là "duy" gì ấy thì tư tưởng trở nên nghèo đi và tinh thần duy ấy đòi hỏi thực tế lịch sử Việt Nam phải co mình lại.

Bố tôi tiếp, một dân tộc đã đứng vững với thời gian hẳn phải có bản sắc văn hóa riêng, và đó là bản sắc của triết lý, tư tưởng dân tộc. Việt Nam đã có lịch sử riêng, có phong tục tập quán riêng, như tục trầu cau, nhuộm răng, vẽ rồng lên mình, tục cắm cây nêu... và có ngôn ngữ riêng thì hẳn phải có sắc thái tư tưởng riêng. Chỉ từng ấy điểm nhìn là đã hình dung ra tư tưởng Việt Nam và hướng nhân bản thiết thực và rất người, dù chưa thực sự xác định đích thực là gì.

5.- Quan niệm về Ông trời và Vũ trụ: [3]

Vì gốc các ông trời và vũ trụ thì chẳng có ai có thẩm quyền đủ để xác minh, dù nhân loại đã nói rất nhiều về hai vấn đề ấy. Người Việt Nam qua triết lý quanh đèn, có bàn đến với lối cấu trúc câu chuyện mộc mạc và đầy tính huyền thoại khiến người nghe xem thường tưởng chừng như là thiếu triết lý. Thực ra ở đó có mặt một triết lý thâm viễn, thiết thực và rất người. Một điều rõ ràng nhất ta có thể nhận biết, là vũ trụ thế giới này mênh mông không có đầu đuôi, không có gốc gác, tất cả mọi hiện hữu như dựa vào nhau mà tồn tại một các tương đối. Người Việt Nam vì vậy quan niệm về vũ trụ như vũ trụ đang là. Chuyện kể rằng:

- Có ông trời tạo ra vũ trụ và con người. Ông trời thì có bà trời, gia đình và triều đình như thế ở thế gian.

- Sau khi làm ra vũ trụ ông trờ dùng chất cặn bả còn lại phần tinh thì làm ra người, phần cặn bả nhật thì làm ra loài vật.

- Trời sai 12 mụ bà nắn ra hình các người, rồi dạy đi, dạy bò, dạy ăn, dạy nói...

- Trời thấy loài rắn độc ác bèn phán phải chết, còn người thì tốt thay lốt sống mãi. Nhưng vị thiên sứ bị loài rắn áp bức đã truyền lệnh ngược lại rằng:

" Rắn già rắn lột
Người già người tuột vào săng."

Từ đó con người phải chết, còn rắn thì lột xác sống dai.

- Do vì trái lệnh trời vị thiên sứ bị đày xuống trần gian làm con bọ hung sống trong hầm xí.

Thế là câu chuyện nói lên mấy điểm nổi bật:

- Cái ông trời và vũ trụ do ông trời tạo ra thật sự là chính do con người, nhân dân tạo ra theo nhãn thức trần gian của mình.

- Con người thực tế, dù quan niệm thế nào, thì cũng do đất, nước, gió, lửa và nhiều yếu tố (12 mụ bà làm 12 công việc) tạo thành và con người có sinh thì có chết.

- Quan niệm nặng về đạo đức: thưởng thiện, phạt ác.

- Đặc biệt hơn cả là nhận dân ta có ý thức về giáo dục rất sớm, như việc dạy bò, dạy đi, dạy ăn, dạy nói, đây là văn hóa. Vũ trụ quan vừa được đề cập là cách xây dựng quan điểm trả con người và thiên nhiên về với thực tại, thực tế của những gì như đang là. Đây là điểm triết lý. Việt Nam không đặt nặng câu hỏi về nguồn gốc của sự vật bởi vì Việt Nam chấp nhận một sự thật tương quan vô cùng tận của thế giới, và bởi vì không thể hỏi như vậy: Nếu vũ trụ là thật, thì sự thật là chính nó rồi, không phải hỏi về nguồn gốc của nó, nếu vũ trụ là không thật, thì không thật là không có gốc, và câu hỏi về nguồn gốc cũng thành không hợp lý hợp tình.

Triết lý Việt Nam là thế, là duy thực tại và duy con người, con người là con người của thực tại, và thực tại là thực tại của con người.

Bảo Việt Nam không có triết lý hay triết lý mơ hồ thì quả thật khó hiểu!

Từ triết lý chiếc nôi và triết lý quanh đèn ấy đi vào ngôn ngữ Việt Nam, văn học của giới trí thức, kiến thức, âm nhạc, hội họa, điêu khắc và đi qua suốt dòng lịch sử chúng ta sẽ nhận ra tư tưởng Việt Nam./.

Ghi chú:

[1] & [2]: Việt Nam văn học toàn thư, Hoàng Trọng Miên, Sống Mới, Sài gòn, tr 341-343.

[3]: Việt Nam văn học toàn thư, Hoàng Trọng Miên, Sống Mới, Sài gòn, tr 61-67.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/05/2011(Xem: 3808)
Khi Phạm Thiên Sahampati biết được đức Phật đang phân vân lưỡng lự không muốn thuyết giảng giáo pháp mà Ngài vừa chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề cho thế gian đau khổ này với lý do: “Con người còn vấn vương trong tham ái và sân hận, không dễ gì lãnh hội được giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, bị đám mây mù tham ái bao phủ, sẽ không thấy được giáo pháp, bởi giáo pháp đi ngượi lại tham ái, giáo pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và tế nhị”[1].
15/05/2011(Xem: 3339)
Hãy sống như những người con Phật, mở lòng ra, nắm lấy những giờ phút đang có này, vứt bỏ mọi ức, hoài niệm, và nở nụ cười.
05/05/2011(Xem: 12064)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã số hóa tạp chí này, bắt đầu từ số 1 năm 1967 cho đến số cuối cùng vào tháng 3 năm 1975 thì tự đình bản do hoàn cảnh đổi chủ của miền Nam Việt Nam.
11/04/2011(Xem: 3222)
Cái biết sáng ngời hay Phật tánh, Chân tâm, Tánh giác… thật ra không có tên gọi, không thể dùng lời diễn tả, không thể tưởng tượng suy lường.
10/03/2011(Xem: 3023)
Ngày xưa, có một người xay bột nghèo mà lại có một cô con gái xinh đẹp. Có lần, bác ta tình cờ được nói chuyện với nhà vua.
27/02/2011(Xem: 4174)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
19/02/2011(Xem: 17487)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người. Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
02/02/2011(Xem: 9971)
Sự hiện hữu đột biến phản diện của một đóa mai đã đánh lay tâm thức của người đọc một cách bất ngờ, tạo ra một mối nghi tình cho hành giả, trong hai câu song thất kết thúc của bài kệ, mà thiền sư Mãn Giác đã trao cho những người đi sau, nhân lúc cáo bệnh thị chúng của ngài, chúng vẫn còn tiếp tục chảy không biết bao nhiêu bút mực để nói về sự hiện hữu của chúng.
21/01/2011(Xem: 3917)
Mỗi khi mỏi bước trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ mình: ” Tiếp tục đi… đừng dừng lại. Mỗi bước có thể khó khăn hơn nhưng đừng dừng lại. Viễn cảnh đẹp nhất là lúc ở trên đỉnh”. Hãy luôn thúc đẩy mình bằng cách nghĩ về viễn cảnh hạnh phúc ở tương lai bạn nhé.
20/01/2011(Xem: 3373)
Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah Pong của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một câu truyện về làm thế nào để hái một trái xoài. Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức Phật. Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng theo lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta cũng không cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng xuống.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]