Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trầm Luân Lục Tứ

05/12/201210:22(Xem: 2865)
Trầm Luân Lục Tứ


luan_hoi
TRẦM LUÂN LỤC TỬ

Minh Đức Triều Tâm Ảnh



 

Khách là một đại hán vạm vỡ, vận chiếc trường bào màu xám tro, nước da đen sạm; ngựa là một loại thiên lý câu sắc hung sẫm, bờm cao, bụng thon, lưng dài. Cả hai hình như đã vượt qua hằng ngàn dặm đường nên khi đến địa phận Trấn ma lâm, vó gõ trên mặt dốc sỏi không còn ngon trớn nữa mà chậm dần, chậm lại dần... Đến góc núi, bỏ đường lớn, người và ngựa thong thả nước kiệu qua ngọn đồi tràm và thông mọc lưa thưa chen lẫn đá hoa cương và đá tổ ong.

Khách và ngựa nhuốm đầy bụi đường, nắng gió và mồ hôi. Trên dặm mù thiên lý đến đây, đại hán đã giao đấu hằng chục trận với những hiệp khách bí mật, tự xưng là sứ giả của Phật môn. Họ không biết là bao nhiêu người, có ngoại hiệu là Trầm luân Tam tử Sát ác nhân, Trầm luân Ngũ tử Đoạn trần lao... Họ quả là xuất thần nhập quỷ, thiên mưu bách kế, võ công xảo diệu khôn lường... Thật khó đoán nổi ý đồ của họ. Dường như họ chỉ ngăn chặn, trổ lộng thần oai cốt để cho đại hán cùn nhụt ý chí, bỏ ý định tìm kiếm kho tàng trên đất Phật mà thôi.

“- Hừm!” - Đại hán cười gằn - “Dễ gì mà cùn nhụt được ý chí của dũng sĩ Hồ Bắc ta đã chứ!”

Cẩn trọng nhìn quanh, đôi mắt đại hán thoáng lay động sau hàng chân mày rậm rịt, chiếc nón rộng vành cắt một khoảng trời xanh lơ...

Bây giờ thì khách và ngựa đã dừng chân lại bên tàn cây sanh phủ rộng che khuất cả một khoảng suối. Đại hán bỏ nón, quấn cương, chậm rãi leo xuống yên rồi vỗ nhè nhẹ trên bờm ngựa ra chiều thân thiết. Ngựa cất tiếng hí dài, hai chân trước vỗ lộp độp xuống đất làm bắn tung tóe những viên sỏi nghe xào xạo.

Vầng kim ô đã bắt đầu ngã xế, núi rừng về chiều trông thật hoang quạnh.

Đại hán leo lên một tảng đá cao nhìn theo con đường mòn nhỏ nối liền cây cầu khỉ bắc ngang suối. Nhìn xa hơn nữa thì thấy một con đường đứt quãng hoặc chìm khuất nhiều nơi - nhưng cũng dẫn đến một chiếc thảo lư ẩn mình sau lùm cây rậm. Phía chính Nam , cách chiếc thảo lư khoảng mươi trượng là một phiến đá to bản, nhẵn thín, dựng đứng cao ngất - có lẽ là từ màu trắng sữa đã ngả màu rêu than - nhưng cũng nổi bật ba chữ đại tự màu tử mặc: Vô quy am với nét hành thảo sắc mạnh như những nhát kiếm. Một bụi trúc vàng như được mọc ra từ chân tượng đá vươn cao lên nền trời, phất phơ nhịp nhàng xuống lên như quệt vào hư không ngàn đời những nét chữ vô hình, mềm mại...

“-Đây rồi!”

Đại hán nói nhỏ lầm thầm, đôi mắt sáng rực lên rồi lần tay vào áo lôi ra một cuộn giấy da dê đã cũ vàng trải bên chân. Ở đó lờ mờ một bức tranh nom mường tượng khung cảnh này:Dòng suối, con đường, phiến đá trắng dựng thẳng cùng chiếc thảo lư. Ngoài ra còn rất nhiều chữ nhỏ chi chít, mũi tên đỏ, đen lẫn những khoanh tròn và khoanh vuông... Đây là bản đồ kho tàng của Phật môn - mà khó khăn lắm đại hán mới tranh đoạt được giữa chốn giang hồ.

Sau thời gian chừng mấy tuần trà chăm chú nghiên cứu bản đồ, thốt nhiên, bóng đại hán loang loáng nhảy qua tảng đá phía chính Bắc, tay phải vỗ nhẹ lên bắp đùi, phi thân lên một tảng đá cao. Một lát, rời tảng đá cao, bước xuống đất, đại hán bước qua trái chín bộ, bước qua phải mười tám bộ, bước tới hai bộ rồi ngừng lại. Ngồi xuống trước hai tấm đá hoa cương xếp chồng lên nhau, đại hán thò tay định nhấc lên... nhưng nghĩ sao, y dừng lại, đứng lên, ngó dáo dác xung quanh. Đại hán đứng rất lâu, dáng dấp to lớn, mảnh áo bào phất phới nom kiêu dũng với khí thế trùm trời đất. Nhìn lại một lượt nữa cây cầu khỉ, con đường, phiến đá trắng dựng đứng cao ngất, chiếc thảo lư, bụi trúc vàng... đại hán miệng lầm thầm, hai ngón tay không ngớt vạch, chỉ, đánh những con số. Lâu lắm, y gật gật đầu, vò tấm giấy da dê, mồi rác khô châm lửa đốt, trên môi thoảng nụ cười đắc ý.

Con ngựa bên gốc cây thình lình hí vang lên. Đại hán đảo người rồi quăng mình đi như sức bật của một mũi tên. Thế là chỉ trong nháy mắt, y đã trở về chỗ ngựa, chiếc mặt nạ che mặt không biết đã đeo lên lúc nào; thanh kiếm nhỏ và mỏng như lá mía, chẳng biết ở đâu cũng đã rút ra khỏi vỏ tự bao giờ! Mũi kiếm lay động không ngớt, đang trỏ thẳng vào yết hầu mộtLam y dị khách đang nằm ngủ khoèo ở đấy!

Con ngựa vẫn thản nhiên gặm cỏ. Núi rừng hoàng hôn điểm những tiếng chim hót lẻ loi.

Đại hán chăm chú quan sát Lam y dị khách một hồi rồi cất giọng ồm ồm, gióng từng tiếng một, chấn động cả khu rừng:

- Trầm luân tử! Phải ngươi đấy không? Đừng ngủ nữa, dậy đi thôi!

Tiếng ngáy phì phò hình như lớn hơn để đáp lại, cũng vang dội không ngớt!

- Trầm luân tử! Ta hỏi lại, ngươi là Trầm luân thứ mấy?

Lam y dị khách trở mình, tay với bầu rượu ở bên lưng, rồi soải dài chân tay ra, ngáy nữa!

- Ngon lắm - Đại hán cười gằn - Ngươi có phải là Trầm luân Tam tử không? Đây là lần thứ ba, ta hỏi lại theo phép lịch sự giang hồ, bằng không...

Đại hán vừa nói xong thì một giọng cười rổn rảng từ bên kia suối vọng qua, rồi có tiếng nói như lệnh vỡ:

- Dũng sĩ Hồ Bắc! Ta đây mới chính là Trầm luân Tam tử! Trầm luân Tam tử Sát ác nhânchính thị là ta đây!

Đại hán giật thót mình, quát lên một tiếng, thân hình đã bay là đà qua suối. Khi hết đà, y dùng chân phải đạp lên chân trái, người lại lao vụt đi. Khe rộng hơn năm trượng, thế mà chỉ ba lần hụp xuống, nhô lên, y đã khoanh tay đứng trên một mô đất cao bên kia suối, tà áo phất phơ theo chiều gió lộng.

Người lạ cười hăng hắc:

- Hay lắm! Đẹp lắm! Cái thế Vân long tam hiện mà nhà ngươi sử dụng được như thế thì quả là ngoạn mục! Nhưng mà này, dũng sĩ Hồ Bắc! Sao ta không thấy mây, cũng chẳng thấy rồng - chỉ thấy rắn bò qua suối, rắn trườn qua suối... vậy ha? Buồn cười thật, buồn cười thật!

- Phường cẩu trệ! Đại hán quát to - Nếu là khách anh hùng thì hãy đường đường chính chính ra đây cùng ta ba trăm chiêu cho rõ tài cao thấp!

- Đâu nhiều thế! Đâu nhiều thế! Giọng nói bây giờ dường như đã gần lắm - Coi đây, đỡ!

Đôi mắt đại hán sáng như sao đêm, tai như mở ra đã đến độ chót, lắng nghe và ghi nhận hết mọi động tịnh trong khuôn vi mươi trượng. Khi giọng nói của khách lạ vừa dứt thì một làn gió bất thường nổi lên sau lưng. Đại hán nghe lạnh gáy. Y loang kiếm ra sau, vừa đúng lúc để đánh một vật to đang lao tới như luồng sao xẹt. Những làn kiếm bạc như hằng trăm con bạch xà chao lượn nô giỡn ở xung quanh. Có tiếng rách như lụa xé và những mảnh vụn gì đó bay lả tả. Định thần nhìn kỹ, đại hán mới biết đấy là chiếc nón rộng vành mà y đã để lại bên kia bờ suối!

- Hảo kiếm pháp! Hảo kiếm pháp! Khách lạ cười ha ha hi hi - Từ lâu ta đã nghe danh dũng sĩ Hồ Bắc ngươi là Nhất kiếm Trấn bắc phương! Quả là danh bất hư truyền! Hôm nay ta đã được mở rộng tầm con mắt! Phải lắm! Tiếng đồn quả không ngoa: Nhất kiếm chém nón mình! Nhất kiếm chém nón mình!

Đại hán tức giận tràn hông, hét lên một tiếng như muốn bật máu tươi, hàm răng cắn chặt lại, bộ râu quai nón rậm rạp hình như đều dựng ngược cả lên, đôi mắt trợn tròng, trắng dã! Gần ba mươi năm xuôi ngược giang hồ, chưa một lần nào y bị hạ nhục như thế, khí tức không biết trút vào đâu. Vì, trước sau, kẻ lạ mặt vẫn không thấy tăm bóng, chỉ có tiếng cười hì hì, ha ha, hả hả khi ngược, khi xuôi, khi Nam , khi Bắc, khi gần, khi xa mà thôi!

Bây giờ thì rõ ràng giọng nói đã ở bên kia bờ đối diện.

   - Dũng sĩ Hồ Bắc! Lão phu đã vô lễ vuốt râu hùm! Nhưng ở đâu có giang sơn nấy, rừng nào có hổ nấy, xin ngươi thông cảm! Suốt cả mạn Bắc mênh mông, ngươi tung hoành bá chủ chưa đủ sao - lại còn hăm he lùng sục kho tàng Phật môn ở Nam phương này nữa? Ngươi nên nhớ... đây là thánh địa Trấn ma lâm! Kẻ nào hống hách, ngang tàng, coi thế gian như cỏ rác - thì sẽ “thân bại danh liệt” ở đất này!

Đại hán cất tiếng đáp:

- Trầm luân Tam tử! Ta đã nghe ra giọng nói của ngươi rồi. Nhưng hãy ra đây cùng ta tương kiến chứ?

- Xin lỗi! Xin lỗi! Lão phu vì nghe được mùi giấy da dê bị đốt khét lẹt ở đâu đây. Hóa ra dũng sĩ Hồ Bắc ngươi đã tìm ra được bản đồ kho báu rồi. Do vậy, lão phu cần ở trong bóng tối để giám thị hành động của ngươi đã... vì đây là Trấn ma lâm - ngươi phải hiểu như thế!

Trấn ma lâm! Hay dữ a! Đại hán cười hắc hắc - Đừng đem cái tên ấy ra mà dọa ta. Ví phỏng ta không phải là ma? Mà thật sự ta sẽ đem đến tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho muôn sinh?

- Khéo nói, khéo nói! Ma Phật, Phật ma, pha mật! Phải rồi, cứ pha mật vào cho thật nhiều thì cái gì cũng trở nên ngọt ngào hết trơn hết trọi! Phải rồi, phương tiện biện minh cho cứu cánh. Lão phu biết rõ nhà ngươi đeo mang, khuân vác bên mình rất nhiều nhãn hiệu, rất nhiều nhân danh tốt đẹp, nhiều mỹ từ bóng lộn và cao quý... Nhưng mà trên đường nhà ngươi đi qua, biết bao nhiêu là máu tanh và mật ngọt được trộn lẫn! Kiến, ruồi,  hương, trầm, hoa và cả quạ, kên kên nữa! Dưới gót ngựa mà nhà ngươi đã đi qua - đã dẵm lên biết bao nhiêu điện đài và thánh tượng thiêng liêng? Có phải thế không, dũng sĩ Hồ Bắc? Dầu nhà ngươi có nói ngọt, nói hay, có tuyên truyền, quảng cáo tếu táo, gian manh, quỷ quyệt, trơ tráo thế nào đó... thì nhà ngươi cũng chỉ làm tên chó săn cho ngoại bang, một tay đê tiện bán nước cầu vinh mà thôi! Ôi! Rêu rao danh nghĩa, anh hùng cho lắm - thì cuối đời cũng chỉ còn là một nắm cốt hôi!

Đại hán cất giọng trầm tĩnh:

- Cảm ơn nhà ngươi, Trầm luân Tam tử! Nói tếu nói táo như vậy mà đã mỏi miệng chưa? Bây giờ chuẩn bị rút kiếm ra đi!

- Khá lắm! Đởm lược lắm! Đến nước này mà nhà ngươi vẫn còn giữ được phong độ, cốt cách của một dũng sĩ, không thẹn mặt chút nào!Nhưng mà hãy để ý nhé, ở đây là...

- Trấn Ma Lâm! Ta biết rồi!

Đại hán cười lạt nói.

Có giọng cười hề hề rồi có tiếng đáp:

- Nhưng còn hơn thế nữa, bên kia còn có cái gọi là Vô... quy...

- Vô quy am?

- Phải rồi! Nhưng không chỉ có thế! Nó là: “Vô quy, khách vô quy. Mã đề bất khả phi...”Thôi, lão phu xin kiếu nghen!

Đại hán cắn chặt môi lại, quay lưng nhìn chiếc thảo lư... có tảng đá trắng dựng thẳng, những cành trúc mềm phất phơ nhịp nhàng như quệt vào hư không ngàn đời những nét chữ vô hình, mềm mại...

Tiếng cười dài của hiệp khách bí mật đã loãng ra xa, nhưng như còn vương vương ở đâu đó mãi tận cuối chân trời mù mịt...

 

Đại hán trở lại gốc cây thì Lam y dị khách và ngựa đã không còn ở đấy nữa. Một mảnh giấy còn để lại, găm lên thân cây bởi một chiếc lá sắc nhọn. Đại hán rùng mình, nghĩ thầm: Với công lực mà dùng chiếc lá để ghim giấy vào thân cây như thế này thì ta mới thấy lần thứ nhất ở trong đời! Bất giác, đại hán đưa mắt nhìn qua vùng trời Nam phương - thì chỉ thấy những dãy núi chập chùng, có những đỉnh nhọn cao tít tận mây xanh... và, mây bay bàng bạc với những cánh chim chập choạng ngàn đời cô lữ! Đại hán sực nhớ đến câu thơ của Lý Bạch nói về sự khó khăn khi qua đất Thục. Đại lược là: “Đường vào Thục khó hơn đường lên trời. Phía tây núi Thái Bạch mới có đường để chim bay sang đỉnh Nga Mi - còn con người thì không thể!” Ồ! Đường về Nam cũng vậy nào có khác chi? Nhưng ở đây còn có cả những cạm bẫy vô hình, ẩn mặt, có thể là: Một cành trúc mềm phất phơ trong gió như quệt vào hư không những nét chữ ngàn đời; là một phiến đá trắng dựng thẳng đã rêu than, nổi bật lên ba chữa đại tự Vô quy am như vệt đao chém!

Nghĩ đến ngang đây, đại hán lại rùng mình. Lâu lắm, đại hán cúi xuống nhìn mảnh giấy cứ cầm mãi trong tay mà chưa chịu đọc.

“- Vô quy, khách vô quy

Mã đề bất khả phi

Ngộ phùng thiên địa tuyệt

Quy hà? Quy hà vi?”

Nét chữ nguệch ngoạc, đại hán không lưu ý tới, mà chỉ để tâm nơi ý nghĩa hàm súc khó nắm bắt, khó hiểu. Thiên địa tuyệt, thiên lộ tuyệt, sơn khê tuyệt... đều có ý nghĩa bị vây khổn cả! Vô quy, không về; nhưng mà quy hà, về thế nào, về đâu? Quy hà vi, về làm sao, về đâu làm chi?... Đại hán đứng xuất thần như vậy rất lâu, lâu lắm...

- Thúc thúc bị lạc đường hay sao mà đứng một mình ngơ ngẩn giữa núi rừng như thế?

Một chú tiểu tóc còn để chỏm, gùi trên vai và chiếc gậy cầm tay - nước da hồng hào, đôi mắt tròn, to và đen, vận sơ sài một chiếc bào màu vàng khói đã vá đùm, vá đụp nhiều chỗ - ở đâu đó xuất hiện, nhìn y ra chiều quan tâm, han hỏi. Đại hán đổ mồ hôi dầm dề. Bình thường, một chiếc lá rơi cách mười trượng y cũng còn nghe được - nhưng sao tên tiểu sư phụ này đến cạnh bên lưng từ bao giờ mà y không hề hay biết?

Như chim sợ cung, đại hán đề khí nhảy vọt ra xa.

- Con gì vậy? Chú tiểu sốt sắng hỏi - Rắn, rít hay bò cạp cắn thúc thúc chăng? Không sao đâu, tiểu tăng là thầy thuốc mà!

Chú tiểu cởi gùi. Đứng quan sát, nhìn ngắm chỗ này chỗ kia một hồi, cúi xuống, tay vốc đất, nơi này một ít, nơi kia một ít, ngửi ngửi - rồi cười ngỏn ngoẻn lộ hàm răng trắng ngà.

- Không phải rắn, không có rắn, rít và bò cạp cũng không. Nhưng mà lại có mùi nước tiểu ngựa - mà ngựa nầy phải là ngựa miền Bắc, một loại ngựa quý có thể nhịn uống nước cả ngày và sức lại dai như thần mã! À, còn nữa! Dưới gốc cây này lại còn có mùi rượu trộn lẫn mùi mồ hôi của một khách đường xa. Thúc thúc vừa ngủ ở đây chăng? A! Sao thế? Thúc thúc làm sao thế?

Chú tiểu nói huyên thuyên. Đại hán càng lúc càng kinh dị, chòng chọc nhìn vào mọi cử chỉ động tịnh của chú tiểu. Bàn chân vô tình của chú tiểu bước tới thì bàn chân cố tình của đại hán bước lui! Cứ thế nửa khắc thời gian qua đi.

Đại hán dè dặt hỏi:

- Tiểu sư phụ hãy dừng chân lại cho ta được hỏi.

- Thúc thúc vì sao mà cứ thụt lùi mãi như thế? Có con gì cắn đâu!

Cả hai đã giữ nguyên khoảng cách.

- Tiểu sư phụ là ai? Đại hán rất căng thẳng, cẩn thận đề phòng - Lại đi đâu vào giờ này?

Chú tiểu cười:

- Là ai ư? Tiểu tăng làm sao mà biết cho được! Cái đó khó nói. Nhưng có điều rõ ràng và cụ thể hiện tiền là, tiểu tăng vừa đi hái thuốc về, đầy cả một gùi đó, thúc thúc không thấy sao?

Chú tiểu vừa nói vừa đi tới bên gùi, tay chỉ, miệng nói lao thao:

- Hôm nay, đặc biệt, tiểu tăng chỉ đi kiếm thuốc độc mà thôi! Trên núi có, dưới nội có. À, để tiểu tăng kể tên các loại cây độc cho thúc thúc nghe. Nào là trẩu ne, sở ne, hồi núi nè,hương bài nè, chẹo nè, hột mát nè, ngọt nghẹo nè... Ối dào, thứ nào cũng đầy mình chất độc cả. Nhưng không sao. Tiểu tăng sẽ chế thuốc độc, biến độc dược thành lương dược để tế độ chúng sanh. Trong Phật môn có một thuật ngữ là chuyển y, chuyển mà y, y mà chuyển - cái đó mới nhiệm mầu! Chuyển tất cả. Chuyển ba độc tham sân si thành bi dũng và trí, chuyển xấu ra tốt, chuyển mê thành ngộ. Cái gì cũng chuyển sạch trơn, hết ráo trọi vậy!

Chú tiểu nói liến thoắng không ngừng. Đại hán đứng bất động, chân mày nhíu lại.

- Bình thường tiểu tăng vẫn đi hái thuốc về muộn như vậy mà! Chú tiểu đưa tay chỉ lên dãy núi xanh xa mờ mờ sương khói rồi tiếp - Thúc thúc thử nhìn coi! Tiểu tăng phải đi từ thung lũng Phù sa cương kia, bò qua Bát sơn đạo, lên đến Nhất trấn đế. Lên đó rồi còn phải xuống nữa chứ! Dẫu là thượng đế, hoàng đế, vương đế, chân đế, thánh đế... cũng không thèm ở lâu trển làm chi! Thế nghĩa là phải đi xuống. Nhưng mà xuống thì phải xuống như thế nào? Chẳng lẽ đi theo lối cũ mòn quen thuộc? Thế có nghĩa là phải đi theo con đường mới, lối khác. Xuống lối khác nghĩa là phải đi qua Lục trần lâm, không qua Lục trần lâm không được! Từ Lục trần lâmtiểu tăng phải vất vả dẫm qua thung lũng Trọng địa hoặc. Bỏ Trọng địa hoặc, men theo lùm bụi gai gốc mới xuống được đây - tức là cửa ngõ vào Trấn ma lâm vậy.

Chú tiểu đã ngưng nói. Đại hán càng lúc trán càng nhăn tít, thầm nghĩ: Những cái tên như Phù sa cương, Bát sơn đạo, Nhất trấn đế, Lục trần lâm, Trọng địa hoặc kia - có ẩn ý gì, cảnh cáo ta điều gì? Trấn ma lâm đã có nghĩa - thì những địa danh khó hiểu kia không phải là vô tình đâu!

Đại hán hỏi:

- Thế tiểu sư phụ ở đâu?

- Trời ơi! Chú tiểu dang hai tay ra - Phật ôi! Thúc thúc hỏi thế thì khó trả lời quá đi! Ở đâu? Biết đâu ở? Mà ở đâu lại không được? Đâu lại không được ở?

Đại hán đã tức giận:

- Mà quả thật, có phải tiểu sư phụ đi hái thuốc không?

- Phật ôi! Hồi xửa hồi xưa kia, cái ông Vương Duy đã ngớ ngẩn nói rằng: Chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bất tri xứ! (Ở tại núi này thôi, mây dày không thấy lối) Chứ ở đây, thúc thúc và tiểu tăng, núi non và gùi thuốc - có gì đến nỗi mà thúc thúc nhìn không ra, không thấy, lại hỏi phải và không phải!

Một chiếc bóng nháng lên. Chú tiểu vừa thấy loáng mắt một cái là cổ tay mình đã bị nắm chặt. Hoảng quá, chú la lên:

- Thúc thúc làm gì vậy? Thả ra! Thả ra!

Đại hán cười lạnh:

- Bây giờ tiểu sư phụ phải khai thật - Trầm luân Lục tử là gì của tiểu sư phụ?

Chú tiểu cười ha hả:

- Hay, hay lắm! Thúc thúc hỏi hay lắm! Hồi nảo hồi nao tới giờ tiểu tăng chưa thấy ai hỏi đạo cao siêu và ý vị như thúc thúc. Được rồi, tiểu tăng sẽ trả lời, nếu có gì sai thì thúc thúc sửa sai cho tiểu tăng nghe!

Nghĩ giây lát, chú tiểu nói:

- Tiểu tăng xuất gia từ lúc bảy tuổi. Năm nay là mười lăm tuổi. Vì si mê ám độn, ba đời nghiệp chướng dày sâu nên sư phụ chưa cho học kinh mà chỉ cho học thuốc, đây là cái nghề có thể tích lũy phước đức. Cái đó gọi là... có công có quả mới không ngả tay chèo! Chèo đi đâu? Dĩ nhiên là chèo qua bờ kia, giác ngạn, bỉ ngạn đó! Hoặc là người ta cũng nói: Có thực lực mới vực được đạo! Thì in rằng cùng một nghĩa như nhau. Còn về những giáo pháp thâm sâu thì sư phụ chưa cho tiểu tăng mò tới, chỉ học tròm trèm năm câu bảy chữ chi đó mà thôi. Mà ối dào, Phật ôi! chỉ có năm câu bảy chữ mà cũng còn chữ nhớ, chữ quên mới tội nghiệp chứ!

Đại hán dường như không còn kiên nhẫn được:

- Thôi, nói lẹ lên, trời tối rồi!

- Vâng ạ! Để tiểu tăng nói, tiểu tăng nói ngay đây mà! Bọn quân tử Nho kia mà còn nói được: Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy - huống hồ gì tiểu tăng là Phật cháu, Phật con - có bao giờ dám nuốt lời. Bây giờ tiểu tăng vào chính đề đây. Trầm luân Lục tử ư? Trầm luân Lục tử là tiểu tăng - mà tiểu tăng cũng chính là Trầm luân Lục tử. Phải mà không. Không mà phải. Nói ngược, nói xuôi gì cũng được cả. Nói một nói hai gì cũng đúng ráo trọi cả. Nhưng có điều... có điều...

- Có điều sao? Đại hán gắt.

- Vâng! Có điều... ngoài tiểu tăng không có Trầm luân Lục tử, ngoài Trầm luân Lục tửkhông có tiểu tăng! Mà eo ôi! Khi tuệ quán chiếu được mở ra - thì trong Trầm luân Lục tử chẳng có cái mốc xì nào là tiểu tăng cả mới chết chứ!

- Đừng nói quanh! Ta hỏi một lần chót, Trầm luân Lục tử là ai?

Đến phiên chú tiểu ngạc nhiên:

- Đừng nói giỡn! Thúc thúc đừng nói giỡn với tiểu tăng như vậy chứ! Ai lại bỡn cợt với kẻ tu hành, tội chết!

- Không có nói giỡn! Khuôn mặt đại hán đã thoáng nét cay độc - Tiểu sư phụ phải nói cho rõ: Y có trong am không?

Chú tiểu ngẩn người ra:

- Trong am ư? Trong am thì có biết bao nhiêu là Trầm luân Lục tử. Mỗi Trầm luân Lục tửđều giống nhau y hệt - nhưng mà lại khác nhau tuốt luốt. Chẳng cha nào giống cha nào, chẳng mèo nào giống mỉu nào! Ngay ở đây cũng đang có hai Trầm luân Lục tử - to và nhỏ, không to không nhỏ, chẳng bằng và chẳng cái không bằng! Eo ôi! Khó nói!

- Đâu? Đâu? Trầm luân Lục tử đâu? Ra đây! Thốt nhiên, y hét lớn - Ra đây! Trầm luân Lục tử! Hãy cùng ta ba trăm chiêu cho rõ tài cao thấp, chứ đừng ngấp nghé trong bóng tối như phường chuột nhắt, chuột cống, chuột chù, chuột hôi... như thế!

Đại hán đã buông hổ khẩu tay chú tiểu, nhảy ra xa. Núi rừng vẫn không tăm vọng.

Chú tiểu lầm bầm trong miệng:

- Chết cha rồi! Cái ông đại hán to lớn, đen đúa và dữ dằn như ông Trương Phi này bị “tẩu hỏa nhập ma” rồi. Cho đến trong ông ta cũng có một Trầm luân Lục tử mà không hay, không biết - lại đi thách chiến với những ông Trầm luân Lục tử nào ở bên ngoài!

- Tiểu sư phụ lầm thầm cái gì đó?

- Tiểu tăng nói là, trong thúc thúc cũng có một Trầm luân Lục tử đó!

Đại hán chợt bật cười rổn rảng:

- Trong ta ư? Đâu? Tiểu sư phụ chỉ cho ta coi thử xem nào!

Chú tiểu chợt trang nghiêm, cất giọng đều đều như trả bài:

Nhãn căn đụng sắc trần phát sanh nhãn thức. Nhĩ căn đụng thanh trần phát sanh nhĩ thức. Tỷ căn đụng hương trần phát sanh tỷ thức. Thiệt căn đụng vị trần phát sanh thiệt thức. Thân căn đụng xúc trần phát sanh thân thức. Ý căn đụng pháp trần phát sanh ý thức. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức là duyên cho điên đảo, đầu mối của điên đảo - nên còn được gọi là Trầm luân Lục tặc! Lục tặc hay Lục tử cũng đều trầm luân như nhauVì ái trước, mê chấp, đắm say trong thế giới lục trần ấy nên chúng sanh đã lang thang vô định trong ba cõi sáu đường. Ấy gọi là sinh tử quẩn quanh. Ấy gọi là luân hồi xuôi ngược. Muốn chấm dứt khổ đau sinh tử thì phải làm sao chuyển hóa, giáo dục cho cái bọn Trầm luân Lục tặc ấy trở nên người tốt, người hiền - đừng có trầm luân làm chuyện đạo tặc, nghịch tặc nữa - nghĩa là biến thành cái dụng đại từ, đại bi để đem lại hạnh phúc và an vui cho mình và người, cho chư thiên và nhân loại. Xin hết!

Nói xong, chú tiểu đứng nghiêm. Đại hán ngẩn người ra - y không còn biết nói gì nữa, hỏi gì nữa!

Đêm đã buông xuống rồi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/01/2024(Xem: 467)
Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Nhân tiện nhìn rộng ra và bàn thêm về tên gọi Chàm, Chăm và *Lâm (trong quốc hiệu Lâm Ấp). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài
14/01/2024(Xem: 465)
Một buổi sáng, trên đồi hoang vu với tinh mơ còn vương chút nắng mới, những cánh hoa khép mình điêu tàn dưới bình minh tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, cũng có những nụ hoa mới hé nở đang mơn trớn với thanh khí của đất trời giữa bao la thiên biến. Bên kia vòm trời, mây vẫn bay cho những cuộc mộng tàn phai trong từng phút giây sinh diệt. Con bướm đa tình cũng vờn dưới nắng mai giữa hoa tàn nguyệt tận của kiếp đời lưu biến. Sự sanh diệt của hiện tượng vạn hữu vẽ nên một bức tranh muôn màu cho thiên thu bất tận. Cái huyền diệu của cuộc đời hầu như phô diễn trùng trùng trước thiên di tuyệt náo. Khung trời mới của trăm nay hay nghìn năm về lại tắm gội dòng biến hiện giữa ngàn thu tuế nguyệt.
13/01/2024(Xem: 924)
Mời các bạn chiêm nghiệm nhưng danh ngôn để biết vị Thầy tốt nhất của mình bạn nhé! -“Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, mỗi trải nghiệm lại giúp ta lớn lao hơn, dù đôi khi khó nhận ra điều này. Bởi thế giới được dựng lên để phát triển bản lĩnh và ta phải học được rằng những bước lùi và nỗi đau ta phải chịu đựng giúp ta tiến về phía trước." - Henry Ford -“Bạn phải sống trong hiện tại, ném mình lên từng con sóng, đi tìm sự vĩnh hằng trong từng khoảnh khắc." - Henry David Thoreau -“Chúng ta không học được từ trải nghiệm… chúng ta học được từ việc suy ngẫm lại về trải nghiệm." - John Dewey -“Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi." - John Dewey -“Hối tiếc trải nghiệm của bản thân là ngăn chặn sự phát triển của chính mình. Phủ nhận trải nghiệm của bản thân là thì thầm lời nói dối trên môi cuộc đời của chính mình. Điều đó không gì khác chính là phủ nhận tâm hồn mình." - Oscar Wilde -“ Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm - Al
10/01/2024(Xem: 1783)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
07/01/2024(Xem: 659)
Nước Việt trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, dần dần tiến về Nam sáp nhập nhiều phần lãnh thổ khác để có được diện mạo như hôm nay. Quá trình phát triển ấy cũng nhiều thăng trầm nghiệt ngã, có lúc tưởng như diệt vong nhưng rồi laị phục hồi và phát triển trở laị. Nước Việt chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hoá: Trung Hoa, Ấn, Champa, Khme, Pháp, Mỹ…Ngay từ thuở ban đầu chỉ là thời đaị bộ lạc, bộ tộc. Tộc Việt cũng đã có một nền văn hoá riêng, tiếng nói riêng:
03/01/2024(Xem: 1614)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 1860)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
05/12/2023(Xem: 3527)
Hôm qua chủ nhật, 5.12 là sinh nhật Thầy, nhìn hình ảnh mẹ Tâm Thái tiễn Thầy ra phi trường trở về Úc trong không khí thật vui cùng mọi người đưa tiễn. Mẹ Tâm Thái ngồi bên Thầy với bộ quần áo màu vàng nhạt, bên ly cà phê sữa đá. Rồi cả nhà chụp hình làm kỷ niệm. Thầy khoác đôi bờ vai Mẹ, nắm cánh tay Mẹ như nói rằng: "Mẹ ơi, rồi con sẽ về thăm Mẹ, con luôn bên Mẹ, Mẹ giữ gìn sức khỏe cho chúng con".
30/10/2023(Xem: 986)
Nhân loại cách đây khoảng vài triệu năm sống trong Thời Kỳ Đồ Đá (Stone Age). Đánh nhau chỉ ném đá, chắc chỉ bị thương và chết chẳng bao nhiêu. Rồi từ từ tiến lên Thời Đại Đồ Đồng (Bronze Age). Mũi giáo, mũi tên được chế bằng đồng, chắc đánh nhau chết khá nhiều. Rồi bắt đầu văn minh tiến vào Thời Kỳ Đồ Sắt (Iron Age) gươm, đao, cung nỏ đều bằng sắt, đánh nhau chết khá bộn. Rồi càng văn minh hơn nữa chế ra thuốc nổ, bắt đầu có súng, lựu đạn, bom, mìn. Đệ I Thế Chiến chết hơn 10 triệu người. Đệ II Thế Chiến chết khoảng 50 triệu người. Chỉ riêng hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki đã giết khoảng 100,000 người.
19/09/2023(Xem: 1950)
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Kính thưa Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ, Để tri ân những đóng góp của một bậc cao Tăng thạc đức trong dòng sống của Dân tộc và Phật giáo Việt Nam suốt hơn 60 năm đầy biến cố vừa qua, chúng con (chúng tôi) đang chuẩn bị phát hành Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Qua lá thư này, chúng con (chúng tôi) xin thành tâm kính mời Chư Tôn Đức Tăng, Ni cùng Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ đóng góp vào tác phẩm có giá trị rất đặc biệt này. Chúng con (chúng tôi) thành thật xin lỗi trước nhưng yếu tố thời gian sẽ ảnh hưởng quan trọng đến việc phát hành. Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ được phát hành trong vòng một tháng kể từ hôm nay 17 tháng 9, 2023. Bài viết xin gởi đến Ban Báo Chí & Xuất Bản thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN tại địa chỉ email hdhp.bbc@gmail.com. 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567