Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những đoản khúc cho Mẹ và Chị

22/06/201304:20(Xem: 3457)
Những đoản khúc cho Mẹ và Chị


red_rose_55

Những đoản khúc cho Mẹ và Chị

Thiên Hương

---o0o---

 

Không biết tôi đã đọc Bông hồng Cài áo của thày Nhất Hạnh bao nhiêu lần.  Từ những ngày còn thơ ấu sống trong vòng tay mẹ, cho đến ngày hôm nay, khi nấm mồ của mẹ đã xanh ươm cỏ, bài viết luôn làm tâm hồn tôi chùng xuống trong những yêu thương dịu dàng nhất.  

Dù mẹ là một hiện thực dấu yêu cho đến một hoài niệm ngậm ngùi, hình ảnh mẹ luôn choáng ngời trong tâm trí.  Có những đêm dài thức giấc, nhìn ánh trăng lạnh ngoài khung cửa,  khát khao đến cháy lòng được mẹ trở về trong vài sát na ngắn ngủi.   Dù vẫn cầu nguyện rằng, trong thế giới bên kia, mẹ đang thênh thang bước trong cõi Vô minh, cởi bỏ hết muộn phiền quỳ bên chân Phật.

Mẹ ơi, con đã đọc nhiều bài thơ cổ,

Con cũng từng xem nhiều áng văn hay,

Con đã nhiều đêm ngắm ánh trăng lên

Ngậm lơ lửng một vầng mây bạc

Con cũng nhiều ngày đi dưới những hàng cây

Trong những con phố cổ, nghe mùa thu đổ lá,

Ngắm mùa hạ tuôn đổ nắng vàng

Và mùa đông ngập trời sương trắng

Nhưng mẹ ơi, vẫn không có gì tuyệt vời bằng ánh mắt của mẹ,

Không có gì dịu dàng hơn ánh mắt và tiếng nói của mẹ

Vậy đó, vậy mà giờ tôi đã mất mẹ.  Dù bao nhiêu tuổi, mất mẹ vẫn làm con người hụt hẫng.  Ngày trước, khi còn mẹ,   các anh em ở những nơi xa xôi vẫn xoay tròn trong quỹ đạo với mẹ là tâm điểm.  Tâm điểm đã tan, những đứa con chỉ còn là những điểm sao lạc lõng bơ vơ giữa bầu trời đêm. 

Mùa Vu lan lại tới, giỗ đầu mẹ chưa đến, ngập ngừng cài bông hồng trắng lên ngực áo để kiêu hãnh rằng mình đã một thời có mẹ, nhưng cũng để xót xa rằng mẹ đã ngàn đời cất bước ra đi.   Không bao giờ còn được ôm lấy mẹ, nói rằng : Mẹ ơi, mẹ có biết là con thương mẹ lắm không.  Không bao giờ còn mua được một cái áo, một đôi giày cho mẹ, để nhìn mẹ trong bộ quần áo mới, nở nụ cười hiền hậu.  Không bao giờ còn được áp má vào má mẹ, ngửi mùi trầu không nồng nàn quen thuộc.

Vào những năm gần mất, trí óc mẹ đã trở nên lú lẫn.  Mẹ như một đứa bé nói những lời ngô nghê thật dễ thương, nhưng mẹ đã làm chúng tôi rơi nước mắt mỗi khi đút thức ăn cho mẹ.  "Thôi, tôi không ăn đâu, nhà còn cả đám người kia kìa, đem vào cho lũ trẻ nó ăn."  Trong tâm thức, mẹ vẫn nghĩ đang sống những ngày cơ cực xưa cũ, nhịn miếng ăn miếng mặc cho chồng con.    Hoặc đôi khi "Thôi, các cô ở chơi nhé, tôi xin phép tôi về lo cơm cho ông ấy".   Ôi, những người mẹ Việt nam, dù lúc nào, dù ở đâu, cũng quên mình mà nghĩ đến gia đình.  Rồi những tháng nằm trên giường bệnh, dù đã mê man, nhưng lúc nào hỏi mẹ có khỏe không là "Dạ, cám ơn, ông nhà tôi vẫn khỏe".   Mẹ ơi, có lúc nào trong cuộc đời, mẹ nghĩ và lo đến mẹ không?  Lắm lúc, tôi xót xa nghĩ đến mẹ, nghĩ là mẹ khổ vì chỉ nghĩ đến chồng con, anh em.  Lúc nào cũng dạy con "Người ăn thì còn, mình ăn thì mất, con ạ.", nên lúc nào cũng nhịn ăn nhịn mặc.  Nhưng thật ra sống như vậy, mẹ có khổ không nhỉ.  Chỉ thấy chồng con vui, là mẹ vui; chồng con an nhàn là mẹ thư thái dù mẹ có vất vả đến mấy đi chăng nữa.  Cái tâm tịnh là đủ có phải không mẹ.  Vậy đó, vậy mà mẹ tôi đã trăn trở biết bao ngày trên giường bệnh trước khi nhắm mắt …

Trong da thịt chúng con, vẫn là một phần máu xương của mẹ

Và trong những bằng cấp, tiền tài chúng con hiện có

Vẫn đẫm ướt những ước mơ và hi vọng của đấng sinh thành

Vẫn nhuần nhuyễn những cơ cực mẹ cha

Vậy mà giờ đây chúng con làm gì được,

Khi mẹ trong cơn đau đớn từng ngày

Khi bố không còn nói tiếng yêu thương

Khi những nghĩa ân không bao giờ đền đáp

          Mẹ ơi,

         Con chỉ biết thắp nén nhang thơm

         Trong những lúc trăng lên mà âm thầm cầu nguyện

         Mong mẹ sớm thoát khỏi những đớn đau của kiếp người

         Để bố mẹ mỉm cười đâu đó

             Và để chúng con

                  Gắng cười trong nước mắt tuôn rơi.

Và như thế, chúng tôi đã bao ngày cầu nguyện trong nước mắt cầu cho mẹ được giải thoát.   Mẹ đã ra đi trong một ngày vía Phật.  Mẹ đã ra đi, để chúng tôi vẫn cảm thấy mình còn dại khờ biết bao nhiêu khi thiếu những lời bảo ban của mẹ, để chúng tôi cảm thấy mình bơ vơ khi thiếu cái bóng dáng nhỏ bé xinh xinh của mẹ.

Khi vành tang mẹ chít vừa đầy năm tháng, tiếng điện thoại một buổi trưa thứ bảy bất ngờ đem đến những đau đớn ngậm ngùi.  Tin người chị thứ năm đột ngột qua đời từ bên kia đại dương làm buổi trưa chợt tối sầm ánh nắng.   Một người mẹ tuyệt vời đã ra đi, rồi một người chị tuyệt vời cũng lại ra đi.

Trong gia đình, chị là một bản sao hoàn chỉnh nhất của mẹ và một tấm gương phản chiếu sự linh động của bố.  Tình yêu của Bố và mẹ đã tạo nên người chị dấu yêu mà cả nhà cùng kiêu hãnh.   Chị đã cho chúng tôi những bài học hoàn hảo về lòng nhân đức, về lòng thương yêu, về sự nhẫn nại, về lòng hi sinh, về   sự siêng năng làm việc không ngưng nghỉ.  Với bố mẹ, chị luôn là một người con chí hiếu.  Với các anh chị em, chị luôn thuận thảo yêu thương hết lòng. Với chồng con, chị luôn tận tụy quên mình, tảo tần nuôi chồng đi học tập, nuôi con khôn lớn, vun vén gia đình.  Với họ hàng, bạn bè, và ngay cả người không quen biết chị luôn đối đãi hết mực chân tình.   Một đời cực khổ nhưng nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi.    Dù công việc tất bật đến đâu, nhưng lúc nào cũng nói cười niềm nở, và hát lảnh lót như chim.   Chị đi đến đâu là cũng mang theo một trời đầy thương yêu và sức sống.   Trong đời sống ngắn ngủi của mình, chị chỉ cho đi mà không bao giờ nghĩ  gì đến nhận.   Trong tâm tất cả những người đã biết chị, mỗi khi nghĩ đến chị, ai ai cũng thấy lòng ấm áp và trìu mến.   Vậy mà chị đã nhẹ nhàng rời khỏi cuộc đời, như một đám mây tách khỏi vầng trăng, như một làn sương sớm mỏng manh nhẹ tan khi vạt nắng đầu ngày đi lên.   

Chỉ mới trước chân đến Mỹ vừa tròn một tháng, những cơ cực của ngày tháng cũ chưa kịp tan dấu trên đôi vai muộn phiền; những ước mơ, những hăng say bước vào một đời sống mới còn lóng lánh trên đôi mắt đen nâu hạt dẻ, nụ cười vẫn nồng ấm với hai lúm đồng tiền trên khuôn mặt tròn phúc hậu, chị đã vội vàng lìa xa cuộc sống vô thường để bước vào cõi khác…

Hàng cây cao ngợp xanh bóng lá

Mặt nước hồ êm ả trong xanh

Giữa không gian thinh lặng buổi trưa hè

Chị đã mất, đã ra đi miên viễn

 Nụ hoa xanh vẫn còn đây ngơ ngẩn

Lá rũ mềm hiu hắt những ưu tư

Mây mênh mang chùng thấp xót xa buồn

Chị nay đã muôn đời xa cách mãi

Trời Ca li mênh mang nắng hạ

Ôm hộp tro tàn, lệ ứa tràn mi

Thắp nén nhang thơm khấn nguyện chị rằng

Thôi chị nhé từ nay đừng ray rứt

Hãy quay đi, bước về nơi chốn lạ

Bỏ cõi vô thường để niệm Phật tâm an...

Dù rằng hình ảnh chị không bao giờ phai nhòa trong tâm trí, dù rằng lúc nào cũng cầu nguyện cho chị mau siêu thoát, nhưng nước mắt làm thế nào kềm giữ khi nghĩ tới nụ cười ấm áp dễ thương của chị.

Lên đỉnh núi cao

Thấy trời lồng lộng

Nắng đơn côi và gió núi cũng đơn côi

Xuống biển cát vàng

So'ng nhảy nhấp nhô

Thấy cuộc đời mong manh như sương khói

Thâ'y con người bé nhỏ đến hư không

Sắc cũng thành không, không cũng thành sắc

Chu't tâm lành mong thấu đến trời xanh

Chu't xác thân ai đốt cháy lụi tàn

Đời ngơ ngác, chim muông cùng ngơ ngác

Một đám mây vương,

Một cõi Phật về

Cầu cho chị nghỉ yên giữa ngàn trầm hương khói

Một trang sách đời đã qua đi, thôi thì ….

Chị ơi xin hay ngủ yên

Quên đi trần thế, về miền an vui

Hôm nay, khi tiếng chuông chùa ngân vang báo mùa Vu lan tới, khi tiếng mõ đều đều lại bắt đầu những lời kinh cầu siêu cho những người đã khuất, nước mắt vẫn rưng rưng khi đọc lời kinh cầu nguyện cho mẹ và chị mau siêu thoát.  

Mẹ ơi, dù mẹ ở đâu, chúng con vẫn luôn là con của mẹ.  Chị ơi, dù chị ở đâu chúng em vẫn luôn là em của chị.  Dù sống kiếp nào đi nữa, chúng con vẫn mong luôn được là con của mẹ, chúng em vẫn sẽ là em của chị.  Mẹ và chị vẫn luôn là những hình ảnh để chúng tôi tự hào, để chúng tôi tôn thờ và để chúng tôi ngàn đời yêu quý.   Chắp tay cúi đầu, xin cầu nguyện đức Phật từ bi đem mẹ và chị vãng sanh Cực lạc quốc.

Hai tay buông xuôi

Hàng mi khép lại

Cuộc đời giờ chỉ còn những hư không

Thênh thang cõi lạ

Giã chốn vô thường,

Nhìn quanh quẩn chỉ còn toàn sương khói

Nợ trần gian rũ sạch

Phiền não cũng tiêu tan,

Nuối tiếc chi những mong manh trần thế

Dứt nợ hồng trần

Thoát cõi trần ai

Về cõi Phật thong dong đôi chân bước….



Vu Lan 2001 
Thiên Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2024(Xem: 1769)
Mời các bạn chiêm nghiệm nhưng danh ngôn để biết vị Thầy tốt nhất của mình bạn nhé! -“Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, mỗi trải nghiệm lại giúp ta lớn lao hơn, dù đôi khi khó nhận ra điều này. Bởi thế giới được dựng lên để phát triển bản lĩnh và ta phải học được rằng những bước lùi và nỗi đau ta phải chịu đựng giúp ta tiến về phía trước." - Henry Ford -“Bạn phải sống trong hiện tại, ném mình lên từng con sóng, đi tìm sự vĩnh hằng trong từng khoảnh khắc." - Henry David Thoreau -“Chúng ta không học được từ trải nghiệm… chúng ta học được từ việc suy ngẫm lại về trải nghiệm." - John Dewey -“Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi." - John Dewey -“Hối tiếc trải nghiệm của bản thân là ngăn chặn sự phát triển của chính mình. Phủ nhận trải nghiệm của bản thân là thì thầm lời nói dối trên môi cuộc đời của chính mình. Điều đó không gì khác chính là phủ nhận tâm hồn mình." - Oscar Wilde -“ Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm - Al
10/01/2024(Xem: 4893)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
07/01/2024(Xem: 1609)
Nước Việt trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, dần dần tiến về Nam sáp nhập nhiều phần lãnh thổ khác để có được diện mạo như hôm nay. Quá trình phát triển ấy cũng nhiều thăng trầm nghiệt ngã, có lúc tưởng như diệt vong nhưng rồi laị phục hồi và phát triển trở laị. Nước Việt chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hoá: Trung Hoa, Ấn, Champa, Khme, Pháp, Mỹ…Ngay từ thuở ban đầu chỉ là thời đaị bộ lạc, bộ tộc. Tộc Việt cũng đã có một nền văn hoá riêng, tiếng nói riêng:
03/01/2024(Xem: 5563)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 6417)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
05/12/2023(Xem: 4367)
Hôm qua chủ nhật, 5.12 là sinh nhật Thầy, nhìn hình ảnh mẹ Tâm Thái tiễn Thầy ra phi trường trở về Úc trong không khí thật vui cùng mọi người đưa tiễn. Mẹ Tâm Thái ngồi bên Thầy với bộ quần áo màu vàng nhạt, bên ly cà phê sữa đá. Rồi cả nhà chụp hình làm kỷ niệm. Thầy khoác đôi bờ vai Mẹ, nắm cánh tay Mẹ như nói rằng: "Mẹ ơi, rồi con sẽ về thăm Mẹ, con luôn bên Mẹ, Mẹ giữ gìn sức khỏe cho chúng con".
30/10/2023(Xem: 1948)
Nhân loại cách đây khoảng vài triệu năm sống trong Thời Kỳ Đồ Đá (Stone Age). Đánh nhau chỉ ném đá, chắc chỉ bị thương và chết chẳng bao nhiêu. Rồi từ từ tiến lên Thời Đại Đồ Đồng (Bronze Age). Mũi giáo, mũi tên được chế bằng đồng, chắc đánh nhau chết khá nhiều. Rồi bắt đầu văn minh tiến vào Thời Kỳ Đồ Sắt (Iron Age) gươm, đao, cung nỏ đều bằng sắt, đánh nhau chết khá bộn. Rồi càng văn minh hơn nữa chế ra thuốc nổ, bắt đầu có súng, lựu đạn, bom, mìn. Đệ I Thế Chiến chết hơn 10 triệu người. Đệ II Thế Chiến chết khoảng 50 triệu người. Chỉ riêng hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki đã giết khoảng 100,000 người.
19/09/2023(Xem: 4085)
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Kính thưa Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ, Để tri ân những đóng góp của một bậc cao Tăng thạc đức trong dòng sống của Dân tộc và Phật giáo Việt Nam suốt hơn 60 năm đầy biến cố vừa qua, chúng con (chúng tôi) đang chuẩn bị phát hành Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Qua lá thư này, chúng con (chúng tôi) xin thành tâm kính mời Chư Tôn Đức Tăng, Ni cùng Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ đóng góp vào tác phẩm có giá trị rất đặc biệt này. Chúng con (chúng tôi) thành thật xin lỗi trước nhưng yếu tố thời gian sẽ ảnh hưởng quan trọng đến việc phát hành. Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ được phát hành trong vòng một tháng kể từ hôm nay 17 tháng 9, 2023. Bài viết xin gởi đến Ban Báo Chí & Xuất Bản thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN tại địa chỉ email [email protected]. 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
15/09/2023(Xem: 8957)
Như đã trình bày ban đầu, chương trình Học Phật Trong Mùa Đại Dịch là phần ôn lại một loạt kinh được tụng và giảng vào lúc Dịch Covid 19 bùng phát và lan tràn khắp thế giới, tức vào đầu tháng Hai năm 2020, do chùa chiền bị đóng cửa hoặc hạn chế sinh hoạt nên Đạo Tràng của chúng ta đành phải sinh hoạt qua mạng internet, với lập trình Zoom. Cho đến sau Hè 2022 chúng ta mới trở lại sinh hoạt bình thường ở chùa. Để mở đầu cho chương trình ôn tập này, chúng ta đã học xong bài Kinh Châu Báu, tiếp đến là bài Kinh Phổ Môn mà Nhật Duyệt hân hạnh xin trình bày lại cùng các bạn đồng tu trong Đạo Tràng An Lạc, chùa Trúc Lâm Paris, cũng như toàn thể các độc giả bốn phương.
12/09/2023(Xem: 1614)
Cõi thơ của Thầy Tuệ Sỹ mênh mông bát ngát. Cao thì bay vút từng không. Sâu thì hun hút hố thẳm. Biết đâu mà dò để gọi là theo! Với người viết bài này, có lẽ là ngồi bệt xuống đất nhìn trừng trừng vào mấy dấu lặng trên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy để mà nghe, có thể chỉ như là “vịt nghe sấm,” nhưng, may ra còn nghe được vài khoảng lặng vô thanh đâu đó, sau những cung bậc du dương siêu thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]