Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chó và Người (truyện)

10/10/201204:33(Xem: 11177)
Chó và Người (truyện)


cho_2

Chó và Người

Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẻ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.

Hôm ấy tôi mặc chiếc áo dài mới may. Chiếc áo màu xanh ngọc bích, thứ hàng mới có trên cửa hàng tơ lụa, mẹ tôi nói với tôi, mua cho nó để may mặc Tết. Nhưng chờ đến Tết thì lâu quá, (với thời gian chờ đợi dài gấp mấy lần thời gian bình thường) tôi phụng phịu đi may liền mặc liền, cũng chiều nó thôi. Chiếc áo ấy mãi đến ngày hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ rõ như đang nhìn thấy trước mắt, chiếc áo hiện ra cùng với cảm giác được mượt mà. Màu xanh tuyệt đẹp, tưởng chừng đó là màu xanh của một khối ngọc non vừa được mang ra ánh sáng từ một hang động nào trên cõi thiên tiên. Khi tôi ướm thử vào người, chiếc quần trắng mới, chiếc áo lót mới làm nổi bật màu xanh vời vợi. Mẹ tôi, nhìn tôi sững sờ ngạc nhiên thấy tôi bỗng lớn hẳn lên. Đã nói, nó dậy thì trông xinh ra. Mẹ ngờ ngợ nhìn vào ngực tôi, đôi vú nhỏ bắt đầu nhú lên như hai quả cau non. Mẹ nói nhỏ với dì, chắc vài bữa cũng phải mua cho nó cái xú chiên, áo lót mỏng không đủ che nổi. Mẹ lại bảo, khi nào đi chơi mới được mặc áo này, áo đắt tiền không phải lúc nào cũng mặc được. Dạo ấy, mẹ bắt đầu mua bán làm ăn phát tài, cái ǵì đẹp mẹ cũng mua cho con gái đầu.

Tối ấy, tôi xếp bộ áo quần mới, chiếc áo dài mới đặt dưới gối ngủ cho êm, cho thấy ấm áp, và được mơ giấc mơ có hoa có bướm, có bà tiên đến dẫn đi chơi.

Không biết có phải với sự xúc động với áo dài đẹp, hay vì một lý do sinh lý của cơ thể, sáng hôm sau, tôi thấy máu thấm ướt cả quần, chảy ra chiếu. Hoảng sợ, ngẫm nghĩ không biết nguyên nhân nào. Không ngờ sau khi mình may mắn có áo đẹp, lại phải chịu một cực hình như thế. Ông Trời khó khăn chi lạ. Thấy tôi nằm dài măi trên giường, hỏi tại sao không dậy đi học, tôi nói, cháu bị thương nặng lắm. Bị khi nào ? Hồi đêm đó dì, máu chảy nhiều quá, chắc cháu phải vô nhà thương. Dì tôi Dì à lên một tiếng, mi lớn rồi đó, không phải bị thương. Dì mau mắn đưa một miếng vải trắng mỏng xếp nhiều lớp (bấy giờ làm gì có các loại bông băng ) nai nịt gọn gàng cho tôi, nói tôi nằm nghỉ, bữa nay khỏi phải đi học, dì đến trường xin phép cho. Đầu óc tôi rối bời loạn xạ, tôi đưa tay ấn vào bụng, hình như có cục gì trong đó đang vỡ ra, bụng căng, hai quả cau cũng căng. Đi không dám đi, ngồi không dám ngồi, nên chỉ có việc nằm là đỡ sợ đỡ lo. Vì khi bước đi, máu lại ra nhiều hơn. Nếu chảy mãi như thế này, có lẻ tôi sẽ chết mất, áo dài đẹp thế kia chưa có dịp mặc. Nước mắt tôi ứa ra.

Mẹ tôi nói, nó có sớm quá, mới mười ba, thường thì mười lăm, có sớm thì khổ sớm. Câu này cứ ám ảnh tôi măi về sau. Tại sao mình khổ sớm. Sau này tôi diễn nghĩa thêm, như là biết sớm thì khổ sớm, yêu sớm thì khổ sớm, hay biết nhiều khổ nhiều. Những ngày bị bệnh, trời mưa dai dẳng, buồn muốn chết. Tôi nghỉ học cả một tuần lễ, chờ hết. Mẹ dặn dì, không được ăn me chua, không được ăn ổi xanh, không được ăn chùm ruột chấm muối ớt. Chao ơi, nhớ mà thèm, nhưng khoái lắm, vì biết mình bệnh thật, không cần giả bộ đau bụng như những lần trước trốn học.
Sáng hôm ấy, tôi nhớ trời đẹp lắm, gần Tết rồi. Khi thấy cây mai trước sân nở ra những chùm hoa vàng đầu tiên, tôi đánh liều quyết định mặc áo dài xanh mới. Giữa sự hiện diện của chùm hoa mới nở và sự mộng mơ tuổi mới lớn, hình như có ai thúc đẩy mình hành động quyết định một điều mà lý trí không thể kiểm soát được. Vì nếu không liều lĩnh quyết định, e rằng mình không thể lớn lên làm người.

Tôi nói bữa nay con phải đến trường ăn tất niên. Tiệc tất niên cũng như tiệc Tết, nên cần phải mặc áo quần mới, đó là lẻ đương nhiên. Tắm rửa sạch sẽ xong, tôi mặc nguyên bộ đồ mới. Nhìn thấy mình trong gương tươi tắn, bỗng nhiên nhớ chuyện máu chảy, thấy ớn lạnh quá. Dì nói máu sẽ ra một tháng một lần, may chưa tới một tháng, mau mau mặc đẹp đi chơi, kẻo rồi lại khổ sớm.

Hôm ấy, tôi không đạp xe đạp, vì mặc áo quần đẹp thế kia phải đi bộ thong thả cho ra dáng thiếu nữ con nhà khuê các. Chẳng thế mà mấy người đẹp lừng danh xứ này đều luôn luôn đi bộ đến trường, đi qua cầu Trường Tiền gió bay tà áo thì phải biết, đẹp mê hồn đi chứ.
Tôi ghé qua nhà Tố.

dog.metta
Vừa vào đến cổng nhà, con chó lớn bỗng dưng hôm nay nó nhào ra, ngoạm ngay vạt áo dài bích ngọc của tôi, kéo rách toạc. Tố chạy ra ôm con chó đuổi nó ra sau nhà. Tôi hoảng sợ nhìn vạt áo, nghẹn ngào. Tố phân bua, hôm nay bạn mặc áo đẹp quá nên nó tưởng người lạ đó, mọi lần nó đâu có dữ tợn như vậy. Nói xong Tố lấy chiếc kim băng ghim tà áo phía bên hông. Tôi không nói được nên lời, im lặng, không thèm nhìn Tố, trở về nhà không đến trường nữa. Để nguyên bộ áo quần mới, tôi nằm dài ra giường tấm tức khóc. Tôi thề từ nay không thèm đến nhà nó, thề không chơi với nó và không nhìn mặt nó. Con Tố, chủ của con chó hung dữ độc ác kia. Tố có nhiều tính không được bạn bè ưa cũng phải, con nhà giàu kín cổng cao tường. Mẹ nó thường cho lối xóm vay nợ ăn lời cắt cổ, tiền của nhiều nên phải nuôi chó dữ. Nó còn hay mượn bài vở của mình chép lại. Tố bỗng hiện nguyên hình một cô bạn nhiều nét xấu. Làm sao nói với mẹ, với dì. Thế nào họ cũng nói con ni lanh chanh như hành không muối, vào nhà ấy làm chi.

Sở dĩ tôi ghé qua nhà Tố vì nó căn dặn, khi nào đi bộ ghé qua rủ mình đi với nghe. Nó có chiếc răng khểnh duyên dáng, và hơn thế nữa, ngôi nhà của nó đẹp lắm, đẹp nhất xóm, tọa lạc giữa một khu vườn cây xanh mát, hai bên lối đi có trồng cả hoa hồng. Đi vào một ngôi nhà sang như thế mình cũng thấy dễ chịu, nhất là khi mặc chiếc áo dài mới như thế này. Người ta thường nói, chọn bạn mà chơi. Bạn sang thì mình cũng sang theo, bạn đẹp thì mình cũng đẹp theo. Các chị lớn mấy lớp trên thường chơi với đám bạn đẹp nên nổi tiếng, nên lừng danh. Sau khi bị chó cắn, tôi hứa từ nay chừa cái tật chọn bạn như vậy. Con Hường gần nhà, thích lân la với tôi nhưng nào tôi có màng để ý. Nhà nó vách gỗ vách ván, chẳng vườn tược hoa trái, buồn chết. Nhưng nó không hề có chó dữ, khi mẹ nó nấu chè đậu ván, nó mời tôi sang ăn, nhưng tôi lắc đầu bận học bài. Tôi đâm ra ân hận đủ thứ.
Nhìn chiếc áo mới, ôm vào lòng, như ôm một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Tôi nhanh chóng nghĩ ra được cách che dấu, ngày Tết chắc chắn sẽ lạnh, tôi có dịp mặc áo len bên ngoài áo dài mới, chẳng ai thấy được đường rách, mẹ không biết.

Nhưng chiếc áo rách rồi, tay ai tài giỏi vá lành lại đây, buồn không tả. Rách, không thể lành, không thể hàn gắn như xưa. Cái áo mới sẽ được khâu vá lại, nếu khéo che đậy, có khi không ai thấy, nhưng thực chất nó đă trở thành một chiếc áo cũ rách. Tôi bần thần ngẩn ngơ về những điều lạ lùng xảy ra. Tuổi mười ba, cùng với một sinh lực chớm nở dậy thì đầy mộng mơ, tôi đă biết ngậm ngùi thất vọng một điều không may xảy đến cho ḿnh. Vừa mới hân hoan hănh diện mặc tấm áo dài mới, bỗng chốc con chó dữ xé toan vạt áo. Tôi choáng váng suốt cả mấy ngày liên tiếp vì biến cố này. Đúng như mẹ nói, có sớm khổ sớm. Tôi thấy khổ vì biết cảm nhận cái vô lư, cái không bình thường vừa xảy ra.

Từ dạo ấy, con chó gây nên một ấn tượng không mấy đẹp với tôi. Nhà ai có nuôi chó, tôi tránh xa, quen biết mấy tôi cũng không muốn vào.

cho_3
Lúc qua ở bên Tây, thỉnh thoảng về thăm mẹ ở tỉnh xa. Mẹ nuôi chó. Thấy mẹ cưng quỷ chó, tôi cũng phải nể nang nó ra mặt. Tôi mạnh dạn đưa tay vuốt ve đầu nó nói vài ba câu xã giao cho ra vẻ có tính ( để làm vui lòng mẹ). Nhưng tôi nói tiếng Việt nó chẳng hiểu gì cứ sủa gâu gâu. Mẹ bảo phải nói tiếng Tây. Tôi chột dạ, lỡ nói không đúng văn phạm, chắc nó chẳng hiểu.

Trong phòng khách, con chó được ngồi một vị trí ưu tiên nhất, đó là chiếc ghế bọc nệm gần mẹ tôi. Trong phòng ăn, nó cũng chiếm một vị trí gần bà chủ nhà. Thức ăn của nó được nấu riêng, không phải là thứ dư thừa. Mẹ tôi gọi nó là Bu (viết theo chữ Pháp là Bou). Cái tên dễ gọi không lôi thôi như Jean Louis David, hay Jonathan.

Tối ngủ, mẹ nói Bu qua ngủ với mẹ, còn phòng nó để dành cho tôi. Đó một căn phòng có giường rộng dành cho khách, nhưng không có khách thì Bu chiếm ngự. Căn phòng có mùi đặc biệt, dù thay áo gối ra giường khác sạch sẽ tươm tất, tôi vẫn ngửi được cái mùi kỳ lạ từ khi bước vào phòng. Đó chính là mùi của con Bu, nó khác với mùi của con người. Suốt cả một đêm tôi không thể nhắm mắt ngủ vì cái mùi này.

Cuộc đời mẹ, từ những ngày ấu thơ, lớn lên lấy chồng cho đến nay, trải biết bao thăng trầm. Tôi ít dịp được ở gần mẹ, sau năm mười ba tuổi, mẹ đă đi buôn bán xa rồi. Tôi vào học nội trú trường bà sơ, kỷ luật nghiêm nhặt. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đă làm rách nát mọi gia đình, trong đó có tôi. Cha tôi đi kháng chiến chống Pháp, mẹ ở nhà buôn bán tần tảo với người Pháp (đôi khi lo tiếp tế cho cha tôi ở mật khu). Nhờ có học tiếng Pháp, mẹ làm ăn phát đạt. Mấy tấm hình của mẹ chụp ngày xưa, thấy mẹ rất đẹp. Có lẻ nhờ ở những ưu điểm ấy mà mẹ tôi sớm chịu những oan trái cuộc đời. Tôi luôn ám ảnh, cho rằng một con người có ưu điểm, hay có may mắn hơn người khác thì phải bị thua thiệt ở mặt nào đó. Tôi nhớ có lần gặp một bác lớn tuổi cho biết rằng mẹ cháu xưa kia đẹp lắm. Tôi thật xúc động, chỉ muốn ôm bác nói vạn lời cám ơn. Tôi là một đứa con như muôn vạn đứa con khác, luôn mong muốn nghĩ rằng mẹ của ḿnh là người đàn bà hơn người. Mẹ đẹp hơn người, giỏi hơn người, thông minh hơn người, nhưng, mẹ khổ hơn người. Nghĩ vô lư thật.

Mỗi khi gặp có tôi bên cạnh, mẹ kể chuyện đời xưa, những chuyện buồn khổ ám ảnh mẹ không nguôi. Tôi an ủi, mẹ ơi đừng nhắc những chuyện buồn nữa, sao mẹ không nhớ những chuyện vui. Mẹ lắc đầu, mẹ chẳng biết cái chi vui mà kể. Thuở nhỏ năm lên mười tôi thuộc thơ TTKH, vì mẹ hay ngâm nga. Mẹ cũng ngâm lại bài thơ của cha tôi làm tặng mẹ khi hai người mới thương nhau, ngâm xong mẹ nói thương vậy mà cũng bỏ đi.

Đang lan man nghĩ ngợi, nửa đêm, con Bu bỗng chạy qua phòng tôi, có lẻ muốn chiếm lại giường ngủ. Nó nhảy phóc lên giường. Tôi khiếp vía ngồi ngay dậy bật đèn sáng. Nó nhả vào cạnh tôi một khúc xương ống trắng hếu, lại gầm gừ nhìn tôi. Con này thật quá quắt, nó muốn đuổi mình đây.

Sáng mai tôi đáp xe lửa về Paris sớm, vì giận con Bu quá. Mẹ tôi hỏi sao không ở lại thêm. Tôi buột miệng ngủ với chó hôi quá chịu không được. Câu trả lời rất đúng sự thật, nhưng làm phẫn nộ mẹ. Mẹ giận dữ nói tao nhờ nó mà sống được đến ngày hôm nay, con cái có đứa nào chịu ở với tao, mi chê nó hôi tức chê tao hôi. Tôi ân hận lỡ lời. Tôi chào mẹ ra về, con Bu thấy thế, vì cũng không mấy ưa tôi, đứng cửa sủa gắt lên. Đáng lẽ ra tôi phải vung tay nói muôn ngàn lời cảm tạ với Bu, rằng em đă thay mặt chị ở với mẹ, yêu thương mẹ, em đã giúp thêm nghị lực cho mẹ sống với đời này, chị biết em là con người hóa kiếp chó, em nhiều tình cảm đối với mẹ, mẹ bảo gì em cũng vâng lời,không hề tỏ ư kiến trái lời mẹ, em là đứa con ngoan ngoãn nên được mẹ thương yêu nhất nhà. Tôi thầm thì nói với Bu khi ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành trở về. Ừ! Ừ nhỉ, tôi sẽ viết cho nó bức thư dài tạ lỗi. Nhưng về đến nhà, công việc dồn dập trước mắt, tôi lăn vào cuộc sống mệt mỏi và quên bức thư tha thiết dự tính viết cho Bu.

Mẹ tôi giam giữ quá nhiều cay đắng trong lòng, chỉ cần một vết nứt nhỏ, niềm đau nỗi khổ ấy chợt vỡ ra, tuôn ào ạt. Mẹ viết cho tôi một bức thư dài nói về con chó của mẹ. Mẹ ca tụng nó như một đứa con nuôi hiếu thảo nhiều tình cảm, và kết luận nó là con chó nhưng tốt hơn con người.

Những chuyến về thăm Việt Nam, mẹ đem Bu đi theo, mua cho nó một chỗ ngồi trên máy may. Mẹ không thể sống xa Bu. Bu là điểm tựa tinh thần, là sự an ủi, là sự ve vuốt cho nỗi cô liêu hoang vắng đời mẹ. Mẹ quyết định về sống lại ở Việt Nam, vì theo mẹ, xứ Tây này ích ỷ quá, sống không nổi.

Năm vừa qua, vào nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy vì cú điện thoại gọi từ Sàigòn cho biết mẹ đă chết rồi.
Khi người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ ? Muôn ngàn mũi kim châm chích vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim mình. Vé máy bay mua không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa mẹ vào lò thiêu xác. Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động kịp, cuộc đời tôi bớt tiếc nuối nhiều chuyện.

Hôm tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết, người ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan tài bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ vui lòng được chết trên quê hương mình sau nữa đời xa cách.

Dì tôi nói chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có chết, mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự hỏi tại sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa cách mẹ và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn quay, trời vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ có mẹ là chết.
Tôi không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.

Hôm tôi về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận diện quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao nó còn nhớ tới mình. Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đă sống cùng với nó như hình với bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ mất, nó bỏ ăn nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh tôi. Tôi ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo ǵì cũng mặc, chỉ có tôi bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu huyết tôi là máu huyết mẹ, Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng nó thay mẹ tôi ( có thể nó quên chuyện đă từng dọa nạt tôi trong đêm khuya).
cho_1
Buổi tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc. Tôi không ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu Bu, nó dụi đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử chỉ Bu thường làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến. Tôi thương mẹ quá, tôi thấu hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có khi nào tôi ôm chân mẹ như thế chưa. Bu đă hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.

Tôi bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẻ mẹ tôi ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đă thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui ḷng lắm.
Khi đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng gác với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực tiếp nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi vào. Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn luổi về đây ở đều bị chết sớm, không khí ở đây rất độc vì dơ bẩn. Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa lãnh sự, họ xem tôi là người đồng hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa họ và tôi, điều này tôi khó tìm ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố hương mình. Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê hương thực của ḿnh, Pháp hay Việt Nam ? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự, không khí thoáng mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép e dè hồi hộp vào làm giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này. Ngày ấy, tôi người Việt Nam. Hôm nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một công dân Pháp, được đối xử lịch sự thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt ? Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình không hẳn là người Việt. Đó là sự mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.

Tôi sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần hình ảnh mẹ vào vali, Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà bếp nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh thoảng Bu ngẩn đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền long lanh và thắm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi, không thể đem nó theo cùng, tôi không thể cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại đây thôi. Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết ḿnh cũng yếu đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.
dog.boy.metta.praying
Tôi và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí óc lẩn thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn cực không biết nó có chịu được không. Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết thân biết phận chứ. Tuy nói vậy, tôi không tránh khỏi xót xa.
Buổi sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem hành lý ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe. Khi xe rồ máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào thét. Xé lòng.

Xe ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy giờ Bu còn sống chăng.

Mẹ tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh, cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ người làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ hoang phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó.

Trần Thị Diệu Tâm
Ý kiến bạn đọc
02/07/201613:36
Khách
Quá xúc động! Tâm tình của một chú chó, rất có tình. Tuổi thơ của tôi cũng là lớn lên cùng một chú chó. Ngày biết tin nó bị người ta bắt mất cũng là ngày tôi khóc hết nước mắt. Bây giờ tôi ko dám cho tình cảm của mình cho bất cứ con chó nào khác nữa, chỉ nhớ nó thôi, con Mick của tôi :(
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2018(Xem: 4348)
Đó là tên được đặt cho tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của tôi. Ảnh chụp năm 1993, bằng Máy ảnh Pentax cũ, mua được từ Tòa soạn Báo Khánh Hòa đợt thanh lý, với giá thời điểm đó là 100.000 đồng. Người mẫu: "Con gái rượu" Tịnh Thủy lúc được 2 tuổi.
10/05/2018(Xem: 3983)
Những biến động đàn áp Phật Giáo khởi đầu vào năm 63. Lúc ấy tôi cũng vừa tròn 13 tuổi. Cái tuổi của thắt nơ tóc bím đầy thơ mộng. Thì cũng chính vào những năm tháng thơ mộng nhất của đời tôi, tôi lại trực nhận rõ rằng cuộc đời quả là khổ, quả là vô thường !
10/05/2018(Xem: 3925)
Như vậy là Thầy đã thực sự xa lìa cõi trần ai tục lụy nầy hơn một năm rồi mà hình như trong lòng con vẫn không thấy có sự gì thay đổi hay khác biệt giữa mất và còn cũng như xa với gần, lạ và quen…Bởi thế mà hôm nay con mới có bức thư này xin gởi đến Thầy. Con vẫn thấy như còn mãi đó, trước mắt con, dáng dấp của Thầy với chiếc cà sa màu vàng rực, bờ vai trần và nụ cười thật hiền hòa luôn nở trên môi, làm cho khuôn mặt của Thầy càng thêm rạng rỡ. Con xin nói rõ hơn, dù Thầy không còn nhưng những gì con đã học được từ Thầy, đã được đọc, được nghe, qua những bài giảng dạy, thuyết pháp, những bài báo, bài viết, bài dịch thuật, qua các công trình đóng góp đồ sộ của Thầy mà Thầy đã được trân trọng vinh danh như là ngài Huyền Trang của nước Việt mình, thì trong lòng con, hình ảnh Thầy vẫn mãi sống động, hiển hiện và không bao giờ mất cả.
28/04/2018(Xem: 14453)
Có thể nói: Cuộc đời của Bùi Giáng không thuộc về khái niệm trong ý nghĩa của sự sống chưa thoát khỏi những ranh giới định kiến phân biệt trần gian. Ở ông, hình như cái ranh giới mà tạm gọi là khùng điên và thiên tài không thể nào hiểu hết được. Nếu mượn những khái niệm thường tình: hèn- sang, nghèo- giàu, điên- tỉnh, ghét- yêu, buồn- vui…để Bùi Giáng, hện tượng của ý nghĩa sự sống vô tận, Thích Tâm Tôn, nói cái bất tận của cuộc đời Bùi Giáng thì chỉ là ý nghĩ ngây thơ cạn cợt. Thơ ông không phải để bàn, nhưng lạ thay, lâu nay người ta vẫn thích bàn và bàn chưa thể hết những gì thuộc về thơ của ông. Có lần ông bộc bạch, ông làm thơ đơn giản chỉ vì: “Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn, châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi”. Xin mượn tạm chút ngôn ngữ của những khái niệm thường tình mà nói đôi dòng về ông trong ý nghĩa sự sống mà ông đã đi qua và đã lưu dấu lại trong cuộc đời này.
28/04/2018(Xem: 5700)
“Tấc Hơi Phụng Sự Còn Khiêm Tốn “Lòng Vẫn Cưu Mang Trải Kiếp nầy “Non Thẳm Ngàn Trùng Dâng Bất Tận “Nước Nguồn Đại Việt Ngọt Ngào Thay… Tôi hân hạnh được tiếp xúc với nhà văn Chu Tấn trong rất nhiều trường hợp, qua sự sinh hoạt với nhiều Hội đoàn, Đoàn thể trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc California, kể cả các tổ chức Văn hoá, Chính trị, Xã hội v.v… nhất là trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thuộc binh chủng Không Quân. Là một cựu Sĩ quan với cấp bậc Trung tá, bằng “Trách nhiệm, Danh dự, Tổ quốc”, mà Quê hương và Dân tộc Việt Nam, đang bịđoạđày dưới chếđộ bạo tàn Cộng sản Việt Nam .
26/04/2018(Xem: 3838)
Ngược dòng Mekong về hướng Thượng Lào. Nơi ngã ba sông Nam Khan chảy nhập vào dòng Mekong tạo nên một cảnh quang rất đặc trưng của cố đôLuangprabang cổ kính. Dòng sông với nhiều khúc quanh tạo nên những dãi uốn lượn có phần chảy xiết xuôi về hướng hạ Làokhiến con sông trông càng thêm đẹp. Nép dọc hai bờ, những rạng rừng núi nguyên sơ với những tàn cổ thụ rợp mát. Nhịp sống vẫn êm ả,sự thư thảcủa dân Lào có phần chậm lại vốn dĩ tạo nên nét rất đặc biệt nơi đây so với tất cả những danh thắng du lịch ở nơi khác. Và giữa rộn ràng của thói quen với những gì của thế giới hiện đại mà con người tiếp cận thường ngày, một quán Cà Phê trong không gian chỉ dành cho sự yên tĩnh của một người Pháp rất khéo ẩn dưới những bóng cây bên ghềnh đá của ngã ba con sông. Không có sự hiện diện của bất cứ một phương tiện nhộn nhịp nào của thế giới hiện đại được chào đón trong không gian mang tính thư giản này. Nơi ấy, không Wifi, không tiếng nhạc,hoạtđộng nhẹ nhàng của nhân viên phục vụ, chỉ có tiếng trải lòng
21/04/2018(Xem: 4881)
Nhớ Mãi Trong Đầu Một Chữ...Duyên (đôi dòng tướng nhớ Ninh)
21/04/2018(Xem: 6654)
Nhớ Thầy Là Nhớ Pháp, Kính dâng Hòa Thượng Thích Phước Đường, ( Bài của Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do PT Diệu Danh diễn đọc)
21/04/2018(Xem: 12761)
Hoa Đàm Ngát Hương_HT Thích Bảo Lạc_2007
17/04/2018(Xem: 3576)
Qui thương mến, Dù biết cuộc đời là vô thường, nhưng chị vẫn bàng hoàng xúc động khi hay tin Qui đang bệnh nặng. Mấy hôm nay email của bạn bè và các em Sương Nguyệt Anh tới tấp gởi về, nhìn tấm hình Qui đang nằm mê man trên giường bịnh với ống dây chằng chịt mà xót xa cả lòng! Chị đã cầu an cho Qui mỗi ngày qua những thời kinh tụng niệm, mong Qui qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo. Dậy đi qui ơi! Con người năng nổ hay làm việc thiện như em thế nào cũng qua khỏi cơn hoạn nạn. Chị tin như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]