Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Đạo Phật nghĩ về cuộc đối thoại giữa các nền Văn Hóa

28/02/201206:13(Xem: 3075)
Từ Đạo Phật nghĩ về cuộc đối thoại giữa các nền Văn Hóa


duc-phat-1111

TỪ ĐẠO PHẬT NGHĨ VỀ CUỘC ĐỐI THOẠI

GIỮA CÁC NỀN VĂN HÓA
Thái Nam Thắng

Kể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế.

Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?

Câu trả lời có lẽ không gì khác hơn ngoài sự trả giá của nhiều nền văn hoá, văn minh. Đã có không ít dân tộc "mất tên" trên bản đồ văn hoá thế giới, hoặc thảng thốt nhận ra mình chỉ còn là một nền hoá nghèo nàn, lệ thuộc, thiếu bản sắc... Nếu trong lúc này, chúng ta nói người Việt Nam đang có xu hướng ấy thì rất có thể sẽ bị cho là rơi vào chủ nghĩa bi quan. Tuy nhiên, cái vươn vai thức dậy của kinh tế Việt Nam trong hơn một thập kỷ nay và những tác động tiêu cực đi theo nó không khỏi khiến người ta phải suy tư thêm về khái niệm "phát triển bền vững".

Song song với xu thế toàn cầu hóa là những cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh. Khái niệm "đụng đầu" được thay bằng khái niệm "giao lưu, hội nhập", và người ta tuy đã có thể ngồi lại với nhau nhưng nói cho "vừa lòng nhau" là một điều đáng suy nghĩ. Vấn đề không còn nằm ở nội dung nói mà là ở cách nói, cho nên cái "vừa lòng nhau" ấy càng nói càng xa mục đích ban đầu mà nó muốn nói, mục đích đối thoại. Chúng ta cần ý thức rằng, một nền tảng văn hoá thế giới không thể xây dựng trên tư tưởng gây tội rồi xin lỗi, phá huỷ rồi xây dựng, âm mưu giết hại rồi gửi lời chia buồn, hay xí xóa cho xong chuyện...

Người Việt Nam không nên nhớ qúa khứ của mình bằng hận thù, song cũng không thể quên đi quá khứ của mình bằng những đồng tiền viện trợ hay những cái lợi trước mắt. Vì sao? Vì quá khứ đau thương của dân tộc phải trở thành một bài học sâu sắc về lòng khoan dung và tinh thần độc lập tự chủ. Từ hiện tại, nghĩ về tương lai và đối xử công bằng với quá khứ đó là cách mà chúng ta nên sống. Sống không phải chỉ nhằm vào mục đích "làm ăn" mà còn vượt qua những nghi kỵ và thù hằn, để nói tiếng mẹ đẻ một cách thân thương, để ghi tâm khắc cốt bài ca dao: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"...

Trong lúc nền văn hóa, văn minh của thế giới đang chuyển dần sang thế đối thoại, chúng ta phải nói như thế nào? Và đối thoại có phải chỉ đơn thuần là nói hay không?

Hiển nhiên, đối thoại không hẳn chỉ là nói, bởi các cụ ta từng dạy: "nói là bạc...". Đối thoại còn nằm ở cách chúng ta ăn, mặc, ở, ứng xử... bằng nội lực văn hóa của chính mình. Vậy chúng ta đã ăn, mặc, ở và ứng xử như thế nào? Đối thoại về văn hóa có phải chỉ để "làm ăn" với nhau, để sinh ra cái gọi là "lợi ích vật chất"? Mục đích của đối thoại văn hóa phải cao hơn cái nhu cầu "hầu bao" đó, có như vậy, chúng ta mới có tinh thần minh mẫn để hiểu mình, để tôn trọng lịch sử và sự thật, bằng không chúng ta đã vô tình đưa diễn đàn đối thoại văn hóa cho "những khổng lồ kinh tế" làm chủ. Vấn đề là cho dù hội nhập nào, đối thoại nào cũng cần có thời gian để nghỉ, nghỉ để nhìn lại mình, để ăn, mặc, ở, để quây quần bên nhau quanh chiếc mâm tròn, để hát lên những bài hát ru của mẹ, để gieo vào trong tâm những niệm yêu thương, niệm hiểu biết,..., để sau một giấc ngủ, tỉnh dậy rồi, chúng ta còn biết ngôi nhà của mình vẫn còn nguyên vẹn.

Khi xưa, "con đường tơ lụa" là bước giao thương, giao lưu đầu tiên về văn hóa và kinh tế giữa châu Âu và châu Á. Lúc đó, "con đường tơ lụa" đẹp như chính tên gọi của nó. Cả châu Âu đứng lặng trầm trồ nhìn ngắm và thấy được đằng sau nó là cả một thế giới tâm linh sâu lắng hiền hoà của không ít các dân tộc được sinh ra và được sống trong câu niệm Phật... Và những dân tộc ấy đã đến với phương Tây bằng lụa chứ không phải bằng súng đạn, bạo lực. Cái tinh xảo, khéo léo, hiền hoà không bao giờ làm cho người ta sợ hãi. Thế nên, sự gặp gỡ giữa những cái đẹp của hai phương trời diễn ra như một tất yếu, không cái nào tổn hại cái nào, trong chừng mực của lòng tôn trọng và hiểu biết.

Cũng trong bối cảnh đó, ông cha ta thật tinh tường khi sáng tạo ra thần thoại, cổ tích với một thông điệp lo âu về "cái đẹp bị đánh cắp". Càng giao lưu, càng gần nhau, người ta càng nảy sinh sự so sánh hơn kém, mà ở đâu có so sánh ở đó có chọn lựa. Điều đáng nói là sau khi nhìn ngắm rồi, người ta bắt đầu nhòm ngó, và cũng trong lúc ấy, cái đẹp đã bị "đánh cắp" theo cách riêng của mỗi người. Càng có nhiều người "đánh cắp" thì càng tạo ra nhiều sự cạnh tranh, chia, nhượng, thậm chí là giành giật. Cuối cùng để thoả mãn với nhau người ta buộc phải chia nhỏ cái đẹp ra, và ngay lập tức, cái đẹp bị chà đạp. Vậy ra, mục đích cuối cùng của những bộ óc xâm lăng ấy không phải vì bấy lâu họ qúa thiếu thốn cái đẹp mà vì họ không thoả mãn được cái lợi.

Nhưng nói gì thì nói, cách thức "đánh cắp" mới là vấn đề mà chúng ta cần phải đối thoại với nhau một cách thẳng thắn. Người phương Đông vui vẻ nói với nhau rằng rác là hoa, hoa là rác để tìm cách ứng xử đẹp với cuộc đời. Cụ Nguyễn Du nói: "Hoa tàn rồi lại thêm tươi". Chỉ một câu tin yêu ấy, người ta có thể khóc lên vì sung sướng, sung sướng cho nhiều thế kỷ dân tộc đã sống dậy từ trong đau khổ, thù hận, từ rác, từ bùn, từ tủi nhục,... như thế. Nhưng cho dù sống dậy từ cái gì đi chăng nữa nó cũng phải tươi, phải đẹp, phải khoan dung độ lượng... Vì sao? Vì Bụt bảo khổ đau tương quan với hạnh phúc. Mỗi khi thấy người hiền gặp nạn, Bụt hiện ra và hỏi: "Tại sao con khóc?". Cả dân tộc đã suy nghĩ, lắng nghe cơn gió vô thường ùa về, và nhìn những hận thù tan đi... Cho đến khi tiếng vó ngựa xâm lăng lại hý lên. Bụt lại hiện ra: "Con đừng khóc nữa mà hãy nhìn vào cơn giận của chính mình". Nhưng mọi người không thể không khóc. Và chắc chắn Bụt sẽ bảo: "Con hãy khóc đi, khóc xong rồi con sẽ cảm nhận được thế nào là hạnh phúc, biết khóc là một hạnh phúc, khổ đau là một hạnh phúc, và nếu chưa khổ đau các con hãy khổ đau đi". Và cụ Nguyễn Du lại từ trong tâm thức của Bụt mà nói: "Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa"...

Chúng tôi muốn nói đến Việt Nam như nói đến một cái đẹp thường xuyên bị vùi dập. Một nghìn năm bị vùi dập, một trăm năm bị vùi dập. Bởi thế, chưa lúc nào dân tộc ngừng thao thức: "Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?". Về đâu? Phải trở về quê hương tâm linh để nhận ra minh châu còn ở trong lòng, có như vậy, cái vô giá nhất ấy mới không bị đánh mất. Chỉ có thế mới giữ lòng thuỷ chung với dân tộc, với cái đẹp, và chỉ có thế "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Hậu thế góp nhặt điều "dông dài" của cụ Nguyễn Du để nói lên điều mình muốn nói. Việt Nam như một "anh nhà quê với cái đầu luôn luôn phải đội nặng", đội nặng một nghìn năm, đội nặng một trăm năm... Vâng đúng như vậy, chúng tôi nói là đội nặng chứ không phải cúi đầu. Bởi Đức Phật đã nói rằng, chúng sinh đều bình đẳng..., Phật không "dỗ nín" ai mà Phật chỉ dùng nhân quả để cân đo thiện-ác.

Hội nhập kinh tế và văn hoá là một tất yếu trong thế giới mà mọi trật tự chỉ là tương đối. Thế nên, trong vô vàn các điều kiện để hội nhập, sự điều chỉnh mình tất yếu phải diễn ra và không phải cái gì cũng khách quan, công bằng...

Hai nghìn năm về trước, Trung Hoa đã tiến hành chiến tranh xâm lược và áp đặt văn hóa lên dân tộc Việt. Một nghìn năm sống trong ách đô hộ, người Việt buộc phải dùng chữ Hán để bổ sung cho cái khuyết điểm mang tính lịch sử của mình, đó là "không văn tự". Nhưng cũng lúc ấy, đạo Phật hiện diện trên quê hương Việt Nam, người Việt đón chờ đạo Phật như đón chờ một người thân xa quê trở về. Người Việt đã tiếp nhận đạo Phật, và cả dân tộc Việt đã gọi Phật là Bụt bằng tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của mình. Chúng tôi dùng từ tiếp nhận bởi đó là hệ luận của một cuộc vận động ý thức hệ tư tưởng quan trọng nhằm đối kháng với Trung Hoa.

Kể từ buổi bình minh của dân tộc, đạo Phật đã cùng với dân tộc đội chung khối nặng ấy, và tiếng nói trong trẻo của dân tộc vẫn không ngừng cất lên ngay cả lúc khổ đau nhất. Như một tất yếu, những tranh luận xảy ra trên bình diện ý thức hệ của đạo Phật đã nhóm lên cho dân tộc Việt một hướng đi mới. Và suốt một nghìn năm cùng nói chung một thứ tiếng, đạo Phật đã đi vào cổ tích, huyền thoại của dân tộc Việt, để khi lần đầu tiên dân tộc lấy lại được quyền độc lập tự chủ, chùa Khai Quốc (Mở Nước) xuất hiện, cũng là lúc cả dân tộc xác nhận vị trí, vai trò của đạo Phật trong trái tim mình. "Trời còn để có hôm nay, Vén sương đầu ngõ tan mây giữa trời"(Truyện Kiều), và bài tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc vang lên xua tan giấc mộng xâm lăng của phương Bắc. Kế đến, sự hưng thịnh của dân tộc và đạo Phật thời Lý - Trần đã mở ra một thời kỳ thanh bình, thuần từ, khoan dung nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong kỷ thuộc Minh, đạo Phật vẫn gìn giữ mạch chảy tâm linh của dân tộc. Chính vì thế, lý luận Nho giáo đến từ phương Bắc buộc phải vận động cho một cuộc cải cách mang dấu ấn Việt để tồn tại. Càng mang dấu ấn Việt bao nhiêu thì khuynh hướng "cư Nho mộ Thích" càng diễn ra nhanh chóng bấy nhiêu. Không ít những nhà văn hóa tư tưởng, thậm chí những người có thái độ bài xích đạo Phật đã dẹp đi mọi niềm nhân ngã để trở về quy ngưỡng với đạo Phật, yêu kính Phật và niệm Phật. Đều đặn như thế, 108 tiếng chuông chùa vẫn hàng ngày ngân rung trên làng quê Việt Nam, không ngừng đánh thức hồn dân tộc.

Sau kỷ thuộc Minh, sự đô hộ đáng kể nhất của ngoại bang chính là cuộc xâm lăng của thực dân Pháp; cuộc xâm lăng này đã đẩy dân tộc vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Một thách thức mang tính sống còn khi tiếng súng đại bác và lòng hận thù vung vãi trên quê hương Việt Nam. Lúc ấy, hoạ mi có thể tắt tiếng nhưng câu niệm Phật và tiếng chuông chùa vẫn đều đặn ngân lên, nức nở ngân lên: "Trần kiếp vì đâu oan khổ?"...

Trong các cuộc xâm lăng, vẫn chỉ có thế, cái đẹp luôn luôn bị nhòm ngó và chiếm đoạt. 100 năm mà đau hơn cả nghìn năm, người Việt lang thang đi tìm mẹ Âu Cơ của bốn nghìn năm để không trở thành đứa trẻ mồ côi.

Sau những cuộc đối đầu cực đoan của chính sách "sát tả", triều đình ngày càng trở nên bất lực trước thế mạnh quân sự của thực dân Pháp, Nho giáo tàn lụi theo, lô cốt đi đến đâu thì nhà thờ mọc lên đến đó, và khi đại diện cao nhất của triều đình bán nước nhà Nguyễn chịu phép rửa tội thì cũng là lúc những người Việt Nam thiết tha với dân tộc cảm thấy mình có tội, không phải là "tội tổ tông" mà là tội với anh linh dân tộc.

Người Pháp vui mừng vì Nho giáo không đánh cũng tan, vậy điều gì còn lại khiến họ lo lắng? Ở phạm vi quân sự, các cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ chưa đủ để người Pháp lo lắng, bởi lúc đó họ đã có tay sai đắc lực là triều đình đối phó. Người Pháp tuy mới đến Việt Nam nhưng cũng hiểu sâu sắc thế nào là câu "mỡ nó dán nó", ngon lắm. Có không ít người Việt cũng thấy ngon khi ăn thứ mỡ ấy, nhưng ăn mỡ nhiều thì rất dễ bị tắc tiếng.

Vì sống quen với "nhạc trời" nên điều mà người Pháp cảm thấy khó chịu, bất an nhất có lẽ không gì ngoài tiếng chuông chùa và câu niệm Phật, cứ thế, như cỏ mọc, dai dẳng và bất trị. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, chùa chiền lại trở thành nơi lý tưởng để xây cất nhà thờ. Đau xót biết bao, những ngôi chùa đã nghìn năm sống trong tâm thức dân tộc bị tàn phá không thương tiếc, điều mà Nho giáo khi xưa dù có cực đoan đến đâu cũng không bao giờ đối xử với đạo Phật như thế. Nhưng cũng chính trong cơn vô thường ấy, đạo Phật đã hóa thân vào cuộc sống. Phong trào duy tân của hai nhà trí sĩ họ Phan như một luồng gió mới thổi vào tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Các cụ đã thống thiết kêu gọi "bài Nho hưng Phật", và tình nguyện từ bỏ hệ tư tưởng mà mình đã theo đuổi suốt cuộc đời, để tìm đến đạo Phật, mong rằng tiếng chuông tỉnh thức của Phật có thể gội sạch những linh hồn lầm lỗi như hàng nghìn năm trước Bụt đã làm. Trước đó, ở phía bên kia biên giới, trong phong trào duy tân, Lương Khải Siêu cũng đã kêu gọi "bài Nho hưng Phật". Rất có thể sự kiện này sẽ là một "mâu thuẫn" khó có lời giải, bởi khi chưa đối mặt với phương Tây, Phật giáo đã từng bị bỏ quên, thế mà bây giờ nó lại trở thành một sự lựa chọn "mới".

Không lạ sao được khi đạo Phật Việt Nam lúc này không có đại bác, súng ống hiện đại, không có quyền lực, tiền của hậu thuẫn... chỉ có những pho tượng Phật lặng ngồi ngắm nhìn dòng chảy vô thường trôi đi, trôi đi; chỉ có những tiếng chuông chùa, câu niệm Phật; chỉ có giọt lệ bi tâm trong những đêm thiền truyền đời nhỏ xuống... Vậy người ta chọn đạo Phật để làm gì? Phải chăng ở tầm văn hóa, đạo Phật chính là nguồn nội lực văn hóa tâm linh của dân tộc trong suốt hơn hai nghìn năm hội tụ? Có thể người ta đã nhận ra tinh thần vô ngã, khoan dung, bất bạo động của Phật giáo chính là tấm gương phản chiếu, nhìn vào nó quân xâm lược như nhìn vào kính chiếu yêu, nhưng tấm gương ấy không phải để chiếu ra quỷ, ra yêu mà để con người có cơ hội nhìn thấy mình còn là con người đúng nghĩa.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời, vượt ra khỏi chủ ý "nhân văn mị dân" của thực dân Pháp sau những vụ cướp phá chùa chiền và huỷ hoại di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc. Mạch nước ngầm văn hóa tâm linh của dân tộc một lần nữa lại được Phật Mẫu Man Nương điểm huyệt, hồn thiêng sông núi và câu niệm Phật thân thương từ nghìn xưa vọng về trong bom đạn, khổ đau và tủi nhục. Nghìn năm trước, người tăng sĩ đã bước lên đỉnh núi hét một tiếng dài làm lạnh cả thái hư, nghìn năm sau chiếc y vàng phải trải qua không ít lần tắm máu, nhưng câu niệm Phật và lòng khoan dung thì không bao giờ thay đổi. Những "cô tấm-sinh viên" lại ngồi chụm đầu vào nhau mà khóc, khóc vì bị dì ghẻ ghét ghen, hãm hại. Và Bụt lại hiện ra: "Con hãy đi tìm cái đẹp từ trong đống tro tàn của thù hận kia". Khi Bồ tát Quảng Đức hoá thân, giọt lệ bi tâm của cả dân tộc đã dồn tụ lại thành trái tim bất diệt. Lửa khoan dung, bất hại cháy lên, hồn dân tộc sáng bừng trong tỉnh thức. Phật giáo Việt Nam - dân tộc Việt Nam nhập vào làm một, và trái tim của mọi miền đất nước, của thế giới yêu hòa bình đều cùng nhau thổn thức. Nói như thi sĩ Vũ Hoàng Chương: "Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt, Nhìn nhau tình huynh đệ bao la...".

Không hiểu sao, cho đến hôm nay, trong những cuộc đối thoại giữa các nền văn minh, văn hoá Á - Âu, lại có người cho rằng "Nếu nói cho đủ thì trong tiến trình lịch sử của mình, Việt Nam lại còn có cơ hội tiếp cận (vì lý do chiến tranh và ý thức hệ) với nhiều nền văn minh..." và "Chiến tranh thật khốc liệt với nhiều tội ác và thương tích nhưng đó là một thế kỷ đủ giúp Việt Nam bứt ra khỏi cái thế giới Trung Hoa truyền thống không chỉ về chính trị mà quan trọng hơn là sự tiếp nhận những giá trị văn của văn hoá phương Tây, trở thành một phần di sản và bản sắc của văn hoá Việt Nam hiện đại". Sao lại có thể nhận thức kiểu "không vỏ dưa thì vỏ dừa" như thế.

Chiến tranh là một nguyên nhân, một cơ hội làm cho dân tộc chúng ta đẹp như hôm nay sao? Nói cho "vừa lòng nhau" như thế thì đau lắm. Con đường tơ lụa mà Âu - Á khi xưa gặp nhau không có chiến tranh mà vẫn đẹp. Đành hanh một tí mà nói thì kết quả tất yếu của một hệ suy như vậy sẽ dẫn đến quan niệm "không có chiến tranh (đặc biệt là chiến tranh của Pháp) có lẽ người Việt vẫn còn ăn lông ở lỗ trong cõi mù mờ nào đó...". Nếu chiến tranh có thể mang lại nhiều cái đẹp cho dân tộc ta như thế thì quả thật việc khát khao hoà bình chỉ còn là chuyện hết sức vớ vẩn. Có thể có cái đẹp nào mà không có chiến tranh không? Hiển nhiên là có. Có sự giao lưu nào không cần đến chiến tranh không? Hiển nhiên là có. Đạo Phật và dân tộc Việt đã gặp nhau và thương nhau là một minh chứng. Nếu lúc này thế giới chưa thể tìm lại được cái điều hiển nhiên ấy thì chúng ta cũng không thể nhận thức văn hóa theo kiểu hãy "đưa trứng vịt cho gà ấp" để kết quả sẽ nở ra những con vịt cứ nhận lầm gà là mẹ..., đau đến tức cười.

Có thể nói, sự hội nhập văn hoá, văn minh cần thiết nhất cho hạnh phúc con người phải là sự hội nhập tình nguyện và tự nguyện, không phải vì lý do ép buộc, nhân nhượng, đánh đổi, bằng chính trị, quân sự, kinh tế, "hôn nhân"... càng không thể vì lý do chiến tranh. Nếu không nhận thức một cách đầy đủ về vấn đế này, mọi người dù có ngồi lại thảo luận với nhau trên triệu triệu trang giấy thì thế giới cũng vẫn chỉ là một nền văn hóa, văn minh bị "những người khổng lồ" thao túng. Khi xưa các cụ ta đã sáng tạo ra biểu tượng "tri hành hợp nhất" bằng hình ảnh Phật Bà nghìn mắt nghìn tay và hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm ứng đủ muôn thân để độ chúng sinh viên mãn, là các cụ ta đã gửi gắm ý nghĩa đầy đủ nhất của sự thống nhất trong đa dạng. Đó cũng chính là lý do để đạo Phật - nền văn hoá tâm linh của dân tộc, tiếp xúc, đối thoại 1.000 năm với Trung Quốc, 100 năm với phương Tây mà vẫn đứng vững và trở thành thành tố quan trọng của văn hoá dân tộc. Từ thực tiễn sinh động đó, chúng ta tin rằng Đạo Phật có khả năng cùng với dân tộc đối thoại với bất kỳ nền văn hoá, văn minh nào ngay cả trong những lúc tưởng chừng như im lặng...

(Văn hóa Phật giáo)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2022(Xem: 2743)
Kính bạch Sư Phụ Nguyên Tạng, con bắt đầu nghe MP3 bài giảng của Sư Phụ về Nhân Quả. Bạch Sư Phụ, con nghe lại được tiếng giảng của Sư Phụ rất quen thuộc như xưa kia con nghe Sư Phụ giảng suốt hai năm Covid, Nhưng bạch Sư Phụ, con kính sám hối, âm thanh giảng của Sư Phụ trong giảng đường có thính chúng bị vang dội và cuối mỗi câu bị nhoà nên con không nghe được trọn vẹn.
01/09/2022(Xem: 2376)
Tôi nhớ mãi làng quê tôi thuở ấy Có mái chùa xưa - mái ấm tâm linh Ngày mưa nắng bao nẻo đường cơm áo Tiếng chuông chùa khêu sáng ánh tâm minh Chúng tôi lớn khôn theo tiếng chuông chùa Tuổi thanh xuân sống quyện hoà ánh đạo Xoá tự ti, bỏ gian tham, kiêu ngạo Người gặp người trong đạo lí từ bi
30/08/2022(Xem: 2486)
Nhìn hình ảnh Thầy, Mẹ Tâm Thái cùng phái đoàn đi thăm trại mù, lòng con như chùng xuống. Ôi! Đồng bào con đó, họ đang sống trong tăm tối mù loà giữa một xã hội của thiên đàn cộng sản, họ dường như bị bỏ rơi và quên lãng nếu không nhờ được tình người, tình nghĩa đồng bào 2 chữ thật thân thương chia xẻ cho họ chút niềm vui, an ủi trong cảnh đời không còn thấy ánh sáng mặt trời, thấy được những dòng sông, bông hoa, tất cả cảnh vật trên thế gian này dù đẹp hay xấu sao con nghe lòng quặn thắt niềm đau
26/08/2022(Xem: 2792)
Học Phật là học những lời Phật đã dạy và được lưu truyền qua Tam Tạng Kinh Điển. Từ ngày thành đạo cho đến lúc nhập Niết Bàn, những lời Phật dạy quả không ít. Chúng ta không thể học hết Tam Tạng Kinh Điển nhưng những gì căn bản nhất chúng ta đều được học. Lành Thay !
23/08/2022(Xem: 2307)
Hôm nay ngày 24 tháng 7 năm Nhâm Dần, là lễ Chung Thất Đại đức Thích Thông Tạng, người Sư huynh thân kính và cũng là ân nhân của Thông Đạo. Như lời Sư huynh thường gọi Thông Đạo là Sư đệ và khiêm tốn xưng là Sư huynh, đệ xin thành kính tưởng niệm đến ân và nghĩa quý báu mà Sư huynh đã thương tưởng dành cho đệ.
18/08/2022(Xem: 3050)
Nếu chỉ sống một lần…điều gì quý giá nhất? Có khi nào …bạn trầm mặc giữa tịch liêu Để biết rằng … Một đi không trở lại ..khi nhận vé một chiều Như một lần được lên sóng màn hình trục tiếp!
16/08/2022(Xem: 3118)
Thư anh đến trong lúc tôi đang đọc quyển sách của Mark Epstein, nhan đề là “Advice not given”. Đây là quyển sách thứ ba của cùng tác giả mà tôi đọc, toàn là xếp vào hạng best-sellers ở Mỹ. Epstein là bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Nổi tiếng vì là thầy thuốc giỏi. Và nổi tiếng là nhà Phật học uyên thâm. Có gì lạ đâu, phải không anh Đỗ? Đức Phật của chúng ta đã chẳng là thầy thuốc đó sao! Lặn lội trong chuyên môn phân tâm học với Freud, với Jung, ông chợt thấy đức Phật, ông lặn lội qua Tây Tạng “học Phật”, học cả với các danh sư ở M
04/08/2022(Xem: 2373)
Khi tâm hồn vút lên Hy Mã Ta ung dung vào giữa chợ đời Lòng mở cửa – yêu thương không vị ngã Thì cần chi kích thích tố dựng niềm vui Mọi nhãn hiệu đeo mang chừ vứt bỏ Ta tự do tự tại giữa vô thường Sáng chủ nhật lên đồi cao hóng gió Trải giấc nồng ngoài tiếng hát trùng dương.
04/08/2022(Xem: 2454)
Chúng con may mắn lắm khi được sinh ra trong vòng tay lớn nhất từ Mẹ, chín tháng mười ngày như dấu ấn tiếp nối, Mẹ cho con nghe kinh Pháp Hoa, Niệm Phật, nghe những danh xưng thập hiệu Bồ tát, từ ấy mà con lớn dần trong chủng tánh Phật từ. Mẹ vui hơn khi chúng con bước theo dấu chân tinh không về ngôi nhà Chánh pháp, xuất gia tu học và làm người đệ tử Phật. Trở thành một vị Tỳ Kheo Tăng. Con chỉ một dạ cuối đầu xin Mẹ tăng thêm tuổi thọ để chúng con dõi theo hơi ấm từ Mẹ hiền kính yêu với Pháp danh: Nguyên Bảo. Mẹ mãi mãi trong trái tim con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]