VỀ VỚI MẸ
QUA NHỮNG BÀI HAIKU VIỆT
Đức Sơn Thái Trọng
Em ơi, anh đã từng đọc những vần thơ đầy sự day dứt của nhà thơ Trụ Vũ khi ông mong muốn diễn đạt một tình yêu dành cho mẹ nhưng đành phải bất lực trước sự giới hạn của ngôn từ và hình ảnh:
… Từ hai mươi năm nay tôi vẫn muốn làm một bài trường ca để ca ngợi mẹ tôi
Nhưng tôi chưa làm được một câu nào
Bởi vì tất cả những vì sao
Không đủ sáng bằng ánh đèn con mà đêm đêm mẹ tôi thường cao soi trên giường tôi để canh nhìn tôi ngủ
Bởi vì tất cả triều hoa từ vạn kỷ không đủ thơm bằng hơi thở mẹ ngạt ngào
Và, bên vô cùng, tôi chỉ có thể làm thinh.
(Trụ Vũ, Ngày của Mẹ- NXB Văn Nghệ TP.HCM)
Nhà thơ Trụ Vũ đã “làm thinh”vì biết ngôn ngữ trần gian không thể chứa đựng được hai tiếng “Mẹ ơi!”.Nhưng “làm thinh”cũng không có nghĩa là im lặng không dám nói thật, không dám thốt lên tiếng nói của trái tim mình. Bởi, hai tiếng “Mẹ ơi!”là linh ngữ, là linh tự, là liều thuốc mầu nhiệm để cứu rỗi, để xoa dịu nỗi đau đời cho những đứa con:“… mỗi khi con tim anh nhức buốt nỗi đau đời. Anh chỉ có một lời để gọi: Mẹ ơi!”(Trụ Vũ- Một lời). Vu lan đã về - “Tháng Bảy mùa trăng, mùa Mẹ lên ngôi”(Thích Thái Hòa). Anh muốn đưa em về thăm mẹ của chúng mình qua những bài thơ Haiku Việt nhỏ bé nhưng chất chứa trong nó là cả một đại dương tình thương dành cho mẹ. Mình đi em nhé!
***
Em ơi, em hãy nhìn kìa: Một em bé đang nằm trong nôi. Em có nhớ ngày mình còn nằm nôi, còn được mẹ ẵm bồng trên tay và ru ngủ không? Lâu quá rồi, anh sợ chắc em không còn nhớ rõ những giây phút đẹp nhất của đời mình. Nhưng may quá em ơi, nhà thơ Nguyễn Thị Kim đã giúp anh nói hộ bằng một bài Haiku để em hiểu:
“Lời ru ầu ơ
bé mơ
bay cùng bướm”.
Tuyệt vời quá phải không em? Lời mẹ ru như một khúc ca, một làn gió mát đưa em bé vào giấc ngủ, đưa em đến với những giấc mơ hồng để trong giấc ngủ mà miệng bé vẫn cười trông thật dễ thương. Và, em ơi, đó cũng là nụ cười của em. Nụ cười đẹp như thiên thần:
“Bên bầu sữa mẹ
miệng bé
nở hoa”. (Nguyễn Thị Kim)
Nụ cười của bé nở hoa trong mắt và cũng nở hoa trong tim Mẹ. Bởi đơn giản một điều: đứa con là niềm tin, là sinh mệnh để Mẹ tồn tại trong cõi đời này. Em còn nhớ nhà thơ Trụ Vũ dặn dò mình gì không? “Mẹ không có sinh mệnh mình. Mẹ chỉ có sinh mệnh mình trong sinh mệnh đứa con mình yêu dấu” (Cõi Mẹ - Trụ Vũ). Vì vậy cho nên Mẹ đã hy sinh tất cả:
“Chỗ mẹ nằm
hạt mưa
xuyên mái tranh”.(Nguyễn Thị Kim)
Em ơi, mẹ có thể vì anh, vì em và vì những đứa con thơ ngây của mình mà chấp nhận giá rét của mưa to, bão lớn “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con”.
Đêm tối cũng là nỗi đe dọa đáng sợ của trẻ thơ. Anh nhớ mẹ đã ôm anh, vỗ về và ru anh ngủ. Sợ con thức giấc, mẹ không dám xoay trở thân mình. Thương lắm em ơi:
“Chiếc gối của con
đôi tay mẹ
sờn theo năm tháng”. (Trúc Anh)
Đôi tay mẹ đã chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, tần tảo để nuôi anh em mình lớn khôn. Đôi tay ấy nay đã gầy còm, nhăn nheo như chiếc gối sắp rách đi rồi. Em có lần nào nhìn và nâng đôi tay mẹ lên chưa? Hãy áp hai bàn tay của Mẹ vào đôi má mình, em sẽ thấy nó thô ráp không còn mịn màng như thời mẹ còn son trẻ nữa. Sự bào mòn nghiệt ngã của thời gian, của vất vả, khổ cực đã lấy đi tất cả vẻ đẹp tuổi thanh xuân. Đâu chỉ có thế em, mẹ cũng vì chúng ta mà gánh chịu bao khổ nạn của đời:
“Hàng rong
vai mẹ gánh
đời bão giông”. (Đông Tùng)
Cái dáng cô đơn, còm cõi, co ro của mẹ giữa chợ đời đã in hằn trong tâm trí anh. Chỉ thoáng hiện qua trong bài thơ nhưng hình ảnh ấy đã có mặt suốt nghìn xưa cho đến nghìn sau. Bởi vì, nó bảo chứng cho sự kham nhẫn, lòng thương yêu của mọi mẹ hiền nơi trời Âu cũng như đất Á.
Có một người mẹ gánh hàng rong trong phiên chợ nghèo thì cũng có một người mẹ trên đồng cạn, dưới đồng sâu:
“Gió đông
lưng mẹ còng
che lúa”. (Nguyễn Thị Kim)
Một mình giữa đồng với cái lạnh của gió mùa đông, Mẹ chăm sóc ruộng lúa để giành lại bát cơm cho con trẻ no lòng. Lưng mẹ còng đi để cho anh em mình cao lớn lên… Anh chợt nhớ đến một hình ảnh:
“Đồng khuya
cánh vạc
mẹ già”.(Lê Đình Công)
Em ơi, hình ảnh mẹ một mình trên đồng vắng ấy giống như hình ảnh một cánh cò cô đơn, run rẩy trong ca dao một thuở mà anh em mình đã học. Sự tần tảo, kham nhẫn không lời ấy đã là một đức tính của người mẹ Việt Nam muôn thuở. Em sẽ càng xót lòng khi nhìn thấy một mùa vàng trên những thửa ruộng mà cũng chỉ đơn độc một mình mẹ:
“Nắng gắt
lưng rang
mẹ gặt”. (Nguyễn Thị Kim)
“Lưng mẹ còng / che lúa”rồi “lưng rang / mẹ gặt”. Chỉ mình mẹ thôi sao? Chỉ một mình mẹ phải làm lụng tất cả trong im lặng, không thở than. Hai từ “lưng rang”đủ diễn tả cái nắng gay gắt và cũng đủ để anh em mình thấm thía nỗi cơ cực mà mẹ phải gánh chịu. Anh đã rơi nước mắt khi ngồi một mình ngẫm nghĩ về bài thơ này. Bởi, mẹ của anh cũng là một người phụ nữ chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng với ruộng đồng, vườn rau, chái bếp không một phút ngơi tay suốt 30 năm rồi! Mẹ đã đánh đổi tất cả những niềm vui riêng tư nhất của mình để mang đến hạnh phúc cho anh. Anh chợt nhớ có hai câu thơ của một người không quen biết đã viết một cách thật thấm thía như sau:
“Mẹ ném thân mình vào gió bụi
Một đời cật lực chạy nuôi con”. (Võ Minh Trang - Tạ ơn giọt lệ)
Tác giả chắc hẳn không phải là một nhà thơ nhưng hiện thực trong hai câu thơ khiến anh thật sự xúc động… Nó thật như đời Mẹ của anh.
***
Em ơi, hình như đứa con nào rồi cũng rời xa mẹ. Con gái thì như lời thơ Nguyễn Bính: “Gái lớn, ai không phải lấy chồng” (Nguyễn Bính - Lòng mẹ). Khóc rồi lạy mẹ mà đi về nhà người để lại mình mẹ với bao lo lắng ngổn ngang:
“Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi...”.
Còn con trai, có đứa phiêu bạt tha phương không biết ngày về: “Con ra đi xa vòng tay của mẹ / Sống tự do như một chú chim bằng” (Nhớ Mẹ - Đỗ Trung Quân). Cũng có đứa ở ngay cạnh bên mà lạnh lùng hờ hững như Mẹ chưa từng có mặt…
Em có biết mẹ thường sợ nhất điều gì không? Sự cô đơn trong chính căn nhà mình đó em. Em hãy nghe kìa:
“Phong linh
năm canh thao thức
mẹ tôi một mình”. (Đông Tùng)
Tiếng phong linh hay là tiếng thở dài của mẹ vì thương nhớ con suốt năm canh? Nhà thơ Đông Tùng đã rất tinh tế và sâu sắc khi mượn hình ảnh chiếc chuông gió nơi hiên nhà mà nói lên tâm trạng cô đơn của mẹ mình. Có người hiểu, có người dường như lãng quên vì vô tư quá đỗi. May mắn thay, anh vẫn còn bắt gặp những vần thơ, những nỗi lòng khắc khoải của đứa con xa Mẹ:
“Dáng mẹ ngồi
tựa cửa
ngó mây xa”. (Đỗ Thị Hồng Cúc)
Người con gái có tên loài hoa mùa thu ấy đã bước sang bên kia con dốc của đời, xa quê, xa Mẹ nhiều năm và đã làm mẹ nên mới hiểu một cách thấm thía như vậy. Cái dáng mẹ “ngồi tựa cửa”ấy không riêng dành cho tác giả Hồng Cúc. Nhà thơ họ Đỗ cũng từng thảng thốt giật mình nhận ra: “Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ / Giọt nước mắt già nua không ứa nổi / Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi / Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng…”. Vàđó cũng là mẹ của anh em mình. Em có biết là anh sợ bắt gặp hình ảnh mẹ thẩn thờ tựa cửa trông anh về lắm không? Cái dáng khổ hạnh đó đã ám ảnh và khắc chạm trong tim anh một sự hối hận vô cùng. Đừng để mẹ phải ngồi một mình nơi cửa, tội lắm em ơi!
Cũng trên bước đường đời ấy, có một lời thơ làm anh xúc động quá đỗi:
“Đường con đi
có bàn chân mẹ
tím trời lưu ly”. (Lưu Đức Trung)
Còn hạnh phúc nào hơn khi con bước trên đường đời mà có mẹ đỡ nâng? Với nhà thơ Lưu Đức Trung, đó có thể là một hồi ức tuyệt đẹp và thiêng liêng nhất. Tuổi gần bát thập, người con vẫn vọng ngưỡng về Mẹ như cần một sự chở che, chia sẻ. Bởi vì “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” mà! (thơ Chế Lan Viên). Vì là con của mẹ nên trong con có mẹ và trên mỗi bước đường mẹ vẫn theo con!
***
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi / Mỗi mùa xuân về ngày tôi xa mẹ càng gần…”. Em đã không nhận ra mẹ đang ngày một gầy mòn đi vào thời trẻ đã đành, nhưng em phải nhìn thấy:
“Lá thu rơi
trong hoàng hôn vắng
tuổi đời mẹ tôi”.(Đông Tùng)
Mượn hình ảnh những chiếc lá chín trên cành và rơi lẻ loi vào một buổi chiều thu vắng, nhà thơ muốn nhắc nhở những đứa con tức khắc phải nhìn lại, phải quay về ngay bên cạnh Mẹ mình. Mẹ đã già yếu lắm, con đừng vô tư đến mức vô tâm mà nghĩ rằng Mẹ vẫn như ngày xưa!
Rồi một ngày nào đó, anh và em cũng phải thốt lên tiếng nấc nghẹn ngào khi Mẹ ra đi:
“Trái chín rụng rồi
bao giờ được gọi
má ơi!”.(Đoàn Thị Thu Vân)
“Mẹ già như chuối chín cây / Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”. Lời thơ hòa cùng lời bài hát đều nói lên sự thương tiếc mẹ. Có giọt lệ chảy trên má mà cũng có giọt lệ chảy trong tim. Tất cả chỉ mong kiếm tìm lại hình bóng mẹ yêu để được gọi hai tiếng thân thương: Mẹ ơi!
Mẹ giờ đây đã trở về cát bụi, đã yên nghỉ sau một đời vất vả vì chồng, vì con:
“Khung trời dệt nắng
đồi cao mẹ nằm
kìa bông sim tím”.(Lê Thị Bình)
Hoa sim tím dung dị và cũng thủy chung son sắt như đời Mẹ. Vậy là, với con:
“Vu lan mùa này
áo cài hoa trắng
côi cút từ đây”.(Đông Tùng)
Hình như tất cả mọi đứa con khi mất mẹ đều có chung tâm trạng như vậy, Thiền sư Nhất Hạnh đã nói hộ những người con không có may mắn còn mẹ như mình: “Dù tôi đã lớn đến cách mấy mà khi đã mất mẹ thì cũng như đứa trẻ, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi”(Bông hồng cài áo). Rồi mai kia mốt nọ, có những giây phút bất chợt kỷ niệm xưa ùa về:
“Nhặt cây kim rỉ
Mẹ ơi!
áo con rách vai”.(Lưu Đức Trung)
Ôi, hai tiếng “Mẹ ơi!”được thốt lên như ngày xưa: “Mẹ ơi! áo con rách vai”. Mẹ khẽ mỉm cười và bảo: “Để chốc nữa mẹ vá lại cho”. Ngày xưa… ngày xưa… hiện về trong ký ức của một người già. Đứa con thơ dại năm nào giờ đã là cha, là ông với mái đầu bạc trắng. Em hãy nhìn hình ảnh một ông già tình cờ nhặt được cây kim rỉ mà nước mắt lưng tròng nhớ mẹ mình ngày xưa! Hiện tại và quá khứ được nối kết với nhau bằng tiếng gọi thân thương “Mẹ ơi!”. Chỉ khác rằng ngày xưa có mẹ, còn giờ đây…
Mùa Vu lan người ta làm thơ và hát những ca khúc dành tặng mẹ. Liệu có mấy ai nhớ rằng mẹ đã hát ru con cả tuổi thanh xuân của mình, đã dỗ dành khi con vấp ngã trên đường đời? Ru và dỗ… Những điệp khúc của trái tim mẹ cứ ngân vang cho đến khi sức kiệt hơi tàn. Mẹ đã lấy đời mình để dệt thành bản trường ca huyền thoại mà chúng ta nào có biết đâu!
***
Em à, người ta nói thơ Haiku là thể thơ truyền thống của người Nhật. Đây là một thể thơ cực ngắn, cô đọng, hàm súc. Một bài thơ chỉ có 3 dòng, 17 âm tiết. Nội dung Haiku thường hướng về thiên nhiên bốn mùa và nội tâm cá thể để phản ảnh. Sang đến Việt Nam, đất nước mình giàu tình cảm nên thơ Haiku cũng giàu âm điệu, hình ảnh. Haiku Việt đã ghi những dấu ấn đầu tiên trên trang sách thi ca nước nhà. Những bài thơ mà anh em mình vừa đọc trong tình yêu và sự ngưỡng vọng về mẹ là những bài Haiku phản ánh được tâm hồn Việt. Dù chỉ có vỏn vẹn vài từ, nhưng hình ảnh Người Mẹ Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn có mặt với đầy đủ những đức tính riêng nhất, đẹp nhất của dân tộc mình.
Anh không phải là người nghiên cứu thơ Haiku Việt. Bằng trái tim của một đứa con, anh cảm nhận những bài Haiku trên dù được viết trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chỉ có cùng một cung bậc cảm xúc là thành kính, thương yêu mong muốn thốt lên hai tiếng: Mẹ ơi! Ngôn từ có thể bị giới hạn nhưng cái không lời kia mới là điểm đến của những trái tim yêu thương mẹ. Bởi vì, nói đến mẹ, đến Tình Mẹ là nói đến cái vô cùng. Ai có thể diễn tả được cái vô cùng ấy hả em? Nhưng dù sao, những bài Haiku Việt gói trong lòng bàn tay ấy cũng đủ góp vào mùa Vu lan một tiếng nói: Con yêu mẹ!Nó đủ nhen lên một ngọn lửa nhỏ ấm áp trong tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt này!
Có bài thơ là nụ cười hạnh phúc như cánh hoa hồng đỏ mà em đang nâng niu. Nhưng cũng có bài là giọt lệ lăn dài trên má, là nỗi nhức nhối trong tim như cánh hoa hồng trắng trên ngực áo những ai không có may mắn còn mẹ trên đời. Em có thấy điều anh vừa nhìn ra không? Những bài Haiku Việt nhỏ bé như dáng mẹ gầy, mong manh như hơi thở yếu ớt của mẹ; như cánh hoa hồng trên ngực áo anh em mình. Gió có thể thổi bay chúng; gót chân đời có thể giày xéo nát những cánh hoa nhưng nó vẫn còn đó, vẫn hiện hữu trong trời đất này như tình mẹ thương con và tình thương mà con dành cho mẹ. Đó là điều bất khả tư nghì em ạ! Trước khi chia tay, em hãy cùng anh thở và đọc khẽ khổ thơ nhỏ này nhé:
“Dù còn mẹ hay dù mất mẹ
Thì em ơi, em vẫn là con
Xin ấp ủ trọn đời, em nhé
Bóng mẹ hiền giữa trái tim son”.(Trụ Vũ- Ngày của Mẹ). n
Mùa Vu lan - Phật lịch 2555
Những bài thơ Haiku Việt được trích dẫn trong bài viết có xuất xứ từ những tập thơ sau:
1-Tuyển tập thơ Haiku- CLB Thơ Haiku TP. HCM - NXB Lao Động - 2008.
2- Thơ Haiku Việt tuyển chọn- Nhiều tác giả - NXB Văn Học 10-2010.
3- Phiến khúc“Tươi mãi với thời gian”(1, 2) - Lưu Đức Trung - NXB Hội Nhà Văn - 2007, 2008.
4- Cúc rộ mùa hoa- Đông Tùng - NXB Tôn Giáo - 2009.
5- Hương vương chiều tà- Nguyễn Thị Kim - NXB Văn Học 2010.
6- Ngàn cánh mơ rơi- Đông Tùng - NXB Văn Học 01-2010.
7- Bốn mùa hoa- Lưu Đức Trung - NXB Trẻ 7-2010.
8- Thầm thì hương sen- Đỗ Thị Hồng Cúc - NXB Thanh Niên 10-2010.
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS