Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về Nguồn

08/07/201019:39(Xem: 4189)
Về Nguồn
ve-nguon


VỀ NGUỒN 

Trần Quang Thuận

Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao:

Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn
Nước có nguồn mới biển cả sông sâu

Họ bỡ ngỡ vì không được nô nức hồi hộp đón mừng ngày tưởng niệm Quốc tổ khai sinh dòng giống Việt:

Dù ai xuôi ngược gần xa,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba thì về

Họ bỡ ngỡ vì đâu được cái may mắn quy tụ trong một ngôi chùa mang danh Pháp Vân, cùng tên với ngôi chùa lịch sử tọa lạc tại xã Hạnh Phúc, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được xây cất vào thời Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ hai sau Tây lịch tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, nơi về sau, vào năm 580 Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) đã đến đây hoằng đạo thiết lập dòng Thiền mang tên ngài.

Ngày Về Nguồn, ngày Hiệp Kỵ, là ngày chư Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại có dịp trải lòng tri niệm, báo ân chư Phật chư Tổ, thắt chặt tình pháp lữ, trao đổi kinh nghiệm hoằng đạo tại nước ngoài, theo lời Hòa thượng Thích Như Điển, Viện chủ chùa Viên Giác nói trong lời chào mừng chư Tăng Ni Phật tử về dự lễ tại chùa ở Đức Quốc vào năm 2010. Trong Đạo từ, Hòa thượng Thích Thắng Hoan đại diện Tăng đoàn, đại ý nói, Vừa rồi, được Tăng sai, tôi đã tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối mở đầu cho các sinh hoạt Tăng đoàn… Trong bảy pháp ấy, tôi đặc biệt lưu tâm ba pháp liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam hải ngoại.

 Pháp thứ nhất, Các Tỳ-kheo phải thường xuyên tụ họp để luận bàn Chánh pháp, thúc liễm thân tâm’.

Pháp thứ hai, ‘Các Tỳ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hợp, giải tán trong tinh thần hòa hợp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần hòa hợp’.

Pháp thứ ba, ‘Các Tỳ-kheo an trú trong Chánh niệm tạo thành một cộng đồng sinh động làm mẫu mực cho hàng tứ chúng noi theo’.

Thường xuyên hội họp. Hội họp trong tinh thần hòa hợp để luận bàn Chánh pháp, ôn lại lời Phật dạy, lời Tổ dạy. Đức Phật sau khi thành đạo, bài giảng đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân. Chuyển Bánh Xe Pháp, khai triển đạo lý Trung đạo. ‘Này các Sa-môn, có hai thái cực mà người tu đạo nên tránh: một là lao mình vào khoái lạc nhục thể, hai là hành hạ thân xác cho hao mòn. Hai conđường ấy đều đi đến sự phá sản của thân tâm’. Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, thuyết Trung đạo đã mang lại một sắc thái thực tiễn, sống động, một giải pháp thỏa đáng cho mọi hoang mang, bất ổn thời bấy giờ.

Aristote khi cắt nghĩa thế nào là đạo đức hay đức hạnh, trong cuốn Nichomachean Ethics, đã nói, đạo đức hay đức hạnh là sự chiết trung giữa hai cực đoan. Lý do ông đưa ra là sự tuyệt hảo của con người có thể bị tổn hại vì quá đà hay không đủ. Ông nói con người ta khó trở thành người tốt vì không biết đứng ở chỗ nào. Rất khó có thể tìm trung tâm điểm của vòng tròn. Với nhiều hạng người, sự trung dung cũng khác biệt. Thí dụ như ăn uống. Người lực sĩ cần phải ăn nhiều, nhưng với người sống chừng mực thì ăn uống cũng phải kiêng dè. Vì vậy, sống một đời sống đức hạnh là cả một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng phán đoán. Aristote đưa ra nhiều thí dụ về đức hạnh. Chẳng hạn như lòng can đảm. Nó nằm giữa hèn nhát và liều mạng. Khoan hồng nằm giữa keo kiệt và phung phí. Tư cách nằm giữa hạ mình và khoe khoang. Nhạy bén nằm giữa ù lì và lẻo mép…

Trong ngày Về Nguồn, chư Tăng Ni có dịp cùng nhau, trong hòa hợp, ôn lại lời dạy của Phật khi lần đầu tiên gửi sáu mươi đệ tử đi khắp nơi rải truyền đạo pháp, với lời căn dặn,

Các ngươi là những người đã giải thoát, hãy ra đi truyền dạy giáo pháp cao siêu, đem lại sự tốt đẹp và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả, hoằng dương Chánh pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối, toàn hảo trong tinh thần cũng như trong văn tự, công bố đạo lý và đời sống thiêng liêng, phạm hạnh…’.

Mỗi người một ngả, toàn hảo trong tinh thần, trong văn tự, tùy duyên, tùy nghi, tùy trình độ mà hóa độ. Đó là lời nhắn nhủ của Phật. Làm tròn trách nhiệm của mình trong việc công bố đạo lý và đời sống thiêng liêng, phạm hạnh (Dhammacariya). Làm tròn trách nhiệm của một Như Lai Sứ Giả, của kẻ xuất trần thượng sĩ, theo lời Hòa thượng Minh Tâm từ Qui Sơn Cảnh Sách,

 ‘Phù, xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam đồ…’ (Người xuất gia, khi cất bước lên đường là hướng về một phương trời siêu tuyệt, với tâm nguyện và hình dung thoát tục, nhằm phát huy và làm rạng rỡ hạt giống của dòng Thánh, nhiếp hóa và hàng phục ma quân để trên có thể đền đáp bốn ân nặng, dưới có thể cứu độ ba đường khồ…).

Nhiệm vụ thật nặng nề và cao cả, đôi khi rất khó chu toàn, nhất là khi phải ở vào hoàn cảnh khó xử, đòi hỏi nghị lực, trí tuệ, kỷ luật. Điều này làm tôi liên tưởng đến câu chuyện trong Bhagavad Gita, một phần của Mahabharata (Đại tự sử thi) thiên hùng ca về việc tạo dựng Ấn Độ. Câu chuyện nói về việc giành quyền cai trị xứ Kurukshetra ở Bắc Ấn của hai vị vương tử là anh em chú bác cùng là dòng dõi của vị đại vương thần thoại Bharata đã sáng lập nên nước Ấn Độ. Ban đầu cuộc tranh giành đã được giải quyết bằng cách bắt thăm cai trị luân phiên, dòng thắng sẽ cai trị trước trong 13 năm rồi sẽ nhường cho dòng thua và cứ thế tiếp tục. Dòng bác ươn hèn hơn nhưng đã thắng và được quyền cai trị, dòng chú văn võ song toàn nhưng thua phải vào rừng sống suốt 13 năm. Đến hạn, dòng chú trở về nhưng dòng bác đã quen với quyền lực không muốn nhường ngôi, chiến tranh vì thế nổ ra và được diễn tả trong Bhagavad Gita. Ý nghĩa của cuộc chiến ở đây là vấn đề danh dự và bổn phận. Danh dự vì lời cam kết. Bổn phận đối với gia đình, với đức tin, với vận mệnh con người trong trật tự xã hội, rất quan trọng trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ.

Câu chuyện trong Đại tự sử thi cho thấy cảnh hai đoàn quân sắp sửa lao vào trận chiến sinh tử, có sự giằng co giữa tinh thần trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng, giữa trật tự và hỗn loạn, giữa tham vọng cá nhân và vị trí con người trong vũ trụ. Một sự dằn vặt, lựa chọn hết sức khó khăn, một con đường khó có ngả thoát. Chọn thế nào cho đúng, cho phải, để sau này khỏi phải ân hận. Tiếng tù và nổi lên, tiếng binh khí chạm nhau kêu lẻng xẻng. Tâm trạng vị tướng chỉ huy của dòng chú rối như tơ vò, chàng nói với người phụ tá đứng bên cạnh, ‘Ta thấy bà con họ hàng của ta tụ tập trước mặt ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu làm… cổ họng ta khô, toàn thân run rẩy, lông tóc dựng đứng… Ta làm sao có thể giết người bà con thân thuộc như thế này?’ .

Ở đây Bhagavad Gita cho thấy sự giằng co giữa bổn phận gia đình và bổn phận giai cấp. Viên chỉ huy thuộc giai cấp võ sĩ, bổn phận của chàng là chiến đấu. Nhưng chàng cũng có bổn phận đối với những người bà con thân thuộc. Những bổn phận khác nhau xung đột nhau, tạo thành nghịch cảnh, tạo thành khủng hoảng, tạo nên những lựa chọn khó khăn trong đời sống hàng ngày và trong vai trò xử thế.

Nhưng sống trong trần thế không làm sao tránh được xung đột. Dầu các bậc xuất trần, còn sống trong thế gian này, cũng gặp bao nhiêu ngang trái, không biết từ đâu đến, mà phải hứng chịu. Triết gia hiện sinh Đức Martin Heiderger, cũng như văn hào hiện sinh Pháp Albert Camus đã khám phá cho rằng chúng ta đều là những con người tội lỗi. Tội lỗi ở đây không phải là tội tổ tông do Adam và Eve gây ra mà tội ở chỗ không sống đúng theo sự mong ước của kẻ khác hay sự mong ước của chính mình. Tình trạng này được diễn tả trong bản kịch No Exit nguyên bản tiếng Pháp là Huis Clos (Không lối thoát) của Jean Paul Sartre, một triết gia hiện sinh Pháp. Bản kịch diễn tả ba nhân vật có tính khí khác nhau nhưng đều có mặt tại địa ngục sau khi chết. Garcin là nhân vật nam tự cho mình là anh hùng nhưng có thói hung bạo đối với phụ nữ, nhất là đối với vợ; tham gia kháng chiến chống độc tài ở một quốc gia vùng Nam Mỹ, bị an ninh chế độ bắt và đưa ra xử tử; trước khi lên đoạn đầu đài, anh ta khóc như một đứa con nít. Estelle là người phụ nữ thượng lưu lấy chồng giàu vì tiền nhưng lại có tình nhân; dìm chết con khiến chồng tự tử; đọa địa ngục vẫn chưng diện và khao khát đàn ông. Inez thuộc giai cấp hạ lưu mắc chứng đồng tính luyến ái, không có mặc cảm về thân phận và sở thích của mình, giết người tình rồi tự tử. Jean Paul Sartre cho ba người này gặp nhau dưới địa ngục, một nơi không có cửa sổ và gương soi mà chỉ có một cửa ra vào. Cả ba bị nhốt trong đó để thăm dò tội ác, tính khí, sở thích, và những ký ức đau buồn của người khác dẫn đến cãi cọ và chống đối lẫn nhau; và đó chính là sự hành hạ đối với họ. Trong một màn của vở kịch, Estelle khám phá là ở dưới địa ngục không có gương soi khiến Inez nói với cô, ‘Thôi, để tôi làm gương cho cô soi’. Câu nói này rất đặc biệt: Nhìn hình bóng mình trong gương, qua hình bóng người khác, hay qua người khác nhìn mình; những hình ảnh này có giống nhau không? Ý nghĩa của câu chuyện là tấm gương soi có thể không trung thực, Inez có thể không trung thực đối với Estelle. Chúng ta thường ở vào nhiều hoàn cảnh không trung thực. Không lối thoát cho ta cảnh tượng khá hiện thực về sự liên hệ giữa người và người mà chúng ta là nạn nhân bị kẹt vào giữa.

Ngày Về Nguồn cho quý vị Tăng Ni có cơ hội ôn lại những kỷ niệm quý giá, thân thương. Hòa thượng Thích Thái Hòa nói đến cái tình cảm bình thường của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị Thầy thân thương của bao nhiêu thế hệ học Tăng tại các Phật học viện Báo Quốc – Huế, Phổ Đà – Đà Nẵng, Hải Đức – Nha Trang, Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn, có nhắc lại năm 1977 tại Phật học viện Báo Quốc, cố Hòa thượng Trí Thủ dạy,

‘Ta đi đến đâu, mọi người đem cái tâm bình dị mà đối xử với ta, ta biết rằng ta có thể sống lâu với người ấy và người ấy có thể sống lâu với ta. Người ấy với ta có thể trở thành thân hữu lâu đời. Ta có thể lưu trú lâu đời ở nơi trú xứ của người ấy để làm Phật sự… Cái gì phức tạp, cầu kỳ, mất bình thường, cái ấy không thể tồn tại lâu đời được’.

Được ôn lại những kỷ niệm về “Ôn”, về cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, là để sống lại những tháng ngày quý giá nhất đời người, làm tư lương cho cuộc hành trình từ kiếp này qua kiếp khác. Mỗi lần nhắc tới Ôn tôi đều xúc động đến ứa nước mắt. Tôi nhớ rõ ràng cái tâm bình thường ấy của Ôn. Vào những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, mỗi buổi sáng vào giờ chấp tác, chúng tôi (các học Tăng Viên Giác, Thiên Ân, Chơn Trí, Trí Không) có trách nhiệm quét rác, dẫy cỏ trước sân, chung quanh chánh điện và phòng học Báo Quốc. Thấy anh em làm việc, Ôn cũng đến tiếp tay, trò chuyện. Vào cuối thập niên 1960, để tránh tai mắt mật vụ, tôi về Già Lam lánh nạn. Hàng đêm vào lúc 9 giờ Ôn thường đến phòng tôi chơi cờ tướng đến khuya. Không phải vì Ôn mê cờ tướng mà vì Ôn cưu mang, không muốn tôi bị cảm thấy lẻ loi xa nhà. Không những vậy, đôi khi gia đình bên cạnh mời tôi qua đánh tứ sắc, Ôn cũng sang đánh. Không phải Ôn mê tứ sắc, mà Ôn muốn cho tôi được những giây phút thoải mái mà không có mặc cảm tội lỗi, ở chùa mà đánh bài đánh bạc. Cái tâm bình thường, cái lòng cưu mang ấy thật không có thể nào diễn tả cho trọn vẹn được. Ước gì bây giờ được gần Ôn! Ngày Về Nguồn là ngày ôn lại những kỷ niệm thân thương vô giá này, giúp chúng ta không thấy cô đơn trong lộ trình tâm linh dài đằng đẵng.

Hòa thượng Thích Thái Hòa trong bài Vị Thầy của nhiều thế hệ còn nhắc đến lời dạy của Ôn, ‘Tất cả muôn vật từ hữu tình đến vô tình đều có sự sống, nên khi ta ngắt một ngọn lá, chặt một cành cây, để sử dụng một công việc Phật sự nào đó là ta đều phải khấn nguyện và chú nguyện cho nó với tất cả tâm từ bi của ta, trước khi ta hành sự…’. Lời dạy của Ôn phảng phất quan điểm của Leon Tolstoy, của Mahatma Gandhi, của Lame Deer.

John Lame Deer thuộc bộ tộc Lakota Sioux, là một trong những nhà lãnh đạo dân da đỏ tại Mỹ. Theo Lame Deer, đời sống muốn có ý nghĩa phải bao gồm được cả hai mặt xã hội và thiên nhiên. Con người sống trên trái đất phải xem những sinh vật, động vật cũng như thực vật, là bạn bè, phải có trách nhiệm đối với chúng, phải bảo vệ chúng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bộ tộc Lakota rất quan tâm đến biểu tượng, thấy thế giới là hiện thực của biểu tượng, mà biểu tượng là trung tâm điểm của ý nghĩa cuộc đời; hiểu được thế giới qua biểu tượng giúp con người biến đổi cảnh sắc tầm thường thành cảnh giới thiêng liêng, kỳ bí, đầy ý nghĩa. Biểu tượng của người Mỹ Da Đỏ là hình tròn, là hình của vũ trụ thiên nhiên, của mặt trăng, mặt trời, tinh tú. Những hình tròn chồng chất lên nhau cho thấy biểu tượng và hiện thực cùng hiện diện, nói lên sự hòa nhịp giữa thiên nhiên và cuộc sống, không cách biệt. Đời sống có ý nghĩa khi dung hợp được với thiên nhiên, được biểu hiện bằng hình tròn. Với người Lakota Sioux, cuộc sống không dừng lại ở thế giới xã hội theo Aristote hay Khổng Tử mà còn là thế giới thiên nhiên huyền ảo cũa Lão Tử, thế giới bao la của Bhagavad Gita, thế giới trùng trùng duyên khởi của Phật giáo, ở đó, con người được xem như một trong những sinh vật gồm súc vật, cỏ cây và cả cộng đồng nhân loại. Lame Deer nói, ‘… biểu tượng của chúng tôi là vòng tròn. Thiên nhiên muốn hình tròn. Thân hình của con người, của súc vật không có góc cạnh… vòng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ… không có góc cạnh, không có phân cách, phân ly… vô thỉ vô chung, trôi chảy điều hòa’. Trong khi biểu tượng của người da trắng là hình vuông, nhà cửa, công thự hình vuông, ngăn cách phòng này với phòng khác, người này với người kia… Đời sống của họ đầy góc cạnh, đầy ngăn cách; họ sống trong những nhà tù mà họ cho là tổ ấm, là văn phòng, là hãng xưởng; họ quên đi mùi thiên nhiên cha sinh mẹ đẻ; họ chán ngấy thân hình cha sinh mẹ đẻ nên sửa chỗ này đổi chỗ kia, biến con người thành nhân tạo; họ trở nên quá sợ hãi cái thế giới mà họ tạo dựng…

Phải chăng vì vậy, khi nghe Về Nguồn thì có người bỡ ngỡ, bàn luận xôn xao, suy nghĩ đủ điều? Họ sợ thiên nhiên, họ sợ ngọn nguồn. Dầu sao đi nữa, con người đã bị quẳng vào thế giới ta-bà đầy nghiệt ngã vẫn có khả năng để đối xử với nhau như thế nào thỏa đáng hơn. Albert Camus, một văn sĩ, triết gia người Pháp sinh tại Algérie, tác giả nhiều tác phẩm nói đến sự hiện hữu của con người trên trái đất như một sự phi lý của kiếp người. Một trong những chủ đề triết học của Camus là chủ đề phản nghịch; ở đây, phản nghịch là từ chối không chấp nhận sự phi lý của kiếp người; đối với cuộc chiến Algérie là từ chối sự hung bạo của chiến tranh; đối với Đệ Nhị Thế Chiến là không chấp nhận chính sách tàn bạo của chủ nghĩa; trong Le Mythe de Sisyphe (Thần thoại Sisyphe) là chống lại thiên thần đã đọa đày anh ta sống cuộc đời phi lý.

Khái niệm cuộc đời phi lý được thể hiện rõ nhất trong cuốn La Peste (Bệnh dịch hạch) mà Camus sáng tác trong thời chiến tranh nói lên hình ảnh xã hội phi lý, so với sự cô lập xa lạ của những người như Meursault trong L’Étranger (Người xa lạ) cũng của Camus, ngược với nhân vật thần thoại như Sisyphe. Cảnh tượng quân Đức chiếm đóng không khác gì bệnh dịch đang lan tràn khắp đô thị. Cũng vậy, không khí miền Nam California nghẹt thở, giậu đổ bìm leo, lúc ngày Về Nguồn được tổ chức tại chùa Pháp Vân ở Canada. Quân phát xít Đức đối với người Pháp không khác bệnh dịch hạch, mặc dù bối cảnh câu chuyện không phải tại Pháp mà tại Algérie. Bệnh dịch hoàn toàn không có nhân tính. Nó không có sắc diện, không thể chữa trị, không thể đề phòng. Người ta không biết tại sao bị mắc bệnh, không biết phải tránh né như thế nào, không biết giải thích ra làm sao. Vấn đề là ta phải đối xử với nó như thế nào. Camus đối xử với nó ra làm sao?

Có nhiều phương cách: Có thể chống lại nó, nhưng chống lại là điều vô vọng. Có thể ngăn ngừa, nhưng không biết ngăn ngừa thế nào cho có hiệu quả. Có thể chạy trốn, nhưng không biết chạy đi đâu. Có thể lợi dụng nó viết sách viết báo hay làm giàu. Có thể tự an ủi xem đó là sự trừng phạt của ông Trời. Có thể âm thầm chịu đựng như nhân vật thần thoại Sisyphe. Camus đưa ra nhiều phương cách, mỗi phương cách có người tiêu biểu; nhưng chẳng phương cách nào có giá trị trước cơn dịch tự đến tự lui và không biết lúc nào trở lại.

Sống cuộc đời trên thế gian này không phải giản dị. Làm sao đây? Nhà văn hào Nga Leon Tolstoy trongThe Death of Ivan Illych (Cái chết của Ivan Illych) đã dằn vặt, trăn trở, gói ghém sự quan ngại của mình về thời đại hiện tại với đời sống con người, nhất là đời sống tâm linh. Tolstoy muốn chúng ta chú ý đến đời sống của Ivan, vì đó là đời sống chúng ta cùng trải qua và cái chết của ông ta cũng giống như cái chết của chúng ta phải hứng chịu. Câu chuyện mở đầu bằng khung cảnh Ivan Illych lâm bệnh, bạn bè thân thuộc bàn tán về bệnh tình của ông ta và trường hợp ông ta qua đời. Ở đây, Ivan Illych lâm bệnh rồi qua đời mà chẳng ai nghĩ đến ông ta, họ chỉ nghĩ đến chính họ. Vì Ivan là quan tòa, người đến thăm bàn tán xem ai thay ông, cơ cấu nhân sự sẽ thế nào, làm sao sắp xếp thì giờ đến viếng tang, đi đưa tang… và lắng nghe bà Ivan than vãn phải chịu đựng thế nào tiếng rên siết những ngày cuối đời của Ivan. Cái chết trở thành trừu tượng, hậu quả của sự thế tục hóa trong xã hội văn minh hiện đại. Tolstoy diễn tả nỗi cô đơn của Ivan trong cảm nghĩ, trong việc chịu đựng cơn bệnh và trong cái chết. Ông viết, Vấn đề đi cầu được đặc biệt chăm sóc và điều này là một cực hình đối với Ivan Illych. Cực hình vì không sạch sẽ, cực hình vì quá ư bất tiện, vì mùi hôi thối và phải có người lo dọn dẹp, lau chùi thân hình’. Đây là điều Tolstoy muốn nhấn mạnh về đặc tính của cái chết. Khi còn sống, ta cùng sống chung với mọi người trong gia đình, với bạn bè, thân thuộc. Khi chết, ta ra đi một mình. Đặc biệt, trong đời sống thế tục hóa, văn minh hóa, mọi người dần dần xa cách ta khi ta đi vào cửa tử. Họ bớt thăm viếng. Thời gian thăm viếng ngắn dần. Ivan bỗng chốc cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, tầm thường, ‘Như vậy nghĩa là thế nào? Tại sao? Cuộc sống vô lẽ vô lý và khủng khiếp như vậy?’. Tolstoy tiếp tục, ‘Đêm hôm ấy, ông ta đột nhiên tự hỏi, phải chăng ta đã sai lầm?… không có phương cách gì cứu chữa? Rồi sẽ ra sao?’.

Thử tưởng tượng nằm trên giường bệnh hấp hối, sắp sửa từ giã cõi đời, nghĩ lại những tháng năm đã trôi qua, bao nhiêu biến cố, gia đình, vợ con, công danh, tài sản. Vô lẽ tất cả chỉ là phù du? Vô lẽ mọi cố gắng đều là sai lầm? Rồi sẽ ra sao? Tolstoy khuyên ta trở lại căn nguyên của sự sống, tìm hiểu vị trí cụ thể của chúng ta trong cuộc đời, mới có thể khám phá ý nghĩa sống chết. Công tước Leon Tolstoy, nhà đại văn hào Nga, nhà cải cách xã hội, tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Martin Luther King của Hoa Kỳ, vào những năm cuối đời đã sống lang thang không nhà không cửa theo hạnh nguyện của Phật Thích Ca.

Ivan Illych giữa đông người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Cái cô đơn khủng khiếp lúc sắp sửa lìa đời. Dầu oanh oanh liệt liệt cho mấy, khi ra đi thì phải lủi thủi đi một mình. Có cái gì để nhớ, để thương? Cái cô đơn cùng cực mà Đức Lục Tổ Huệ Năng đã trải qua trước khi ngài trở về với bản lai diện mục, trước khi ngài Về Nguồn:

Bồ-đề vốn không cội
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không có vật
Chỗ nào dính trần ai?

Về Nguồn là về với chân tâm thanh tịnh, về với căn nguyên của kiếp người, về với nguồn sống. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ không biết tôi đọc được ở đâu của Tô Thùy Yên, người tôi không được may mắn quen biết, nhưng những dòng thơ của ông cho tôi một an ủi trong chuyến đi Về Nguồn tâm linh thân thuộc:

Ta Về Ta về như lá rụng về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay 
Chén rượu nồng đây xin rót xuống 
Giải oan cho cuộc bể dâu này.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149

 TRẦN QUANG THUẬN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2016(Xem: 12010)
Chiều xuống giữa ngàn cây, Sương lam hòa trong mây Cỏ dại lấp lối đi Lữ khách dừng chân nghỉ Lắng nghe tiếng nước chảy Lần theo suối đi mãi Hết đường – một hồ vắng Nước lặng loáng trăng vàng
04/03/2016(Xem: 13719)
Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp
01/03/2016(Xem: 14032)
Thầy Tuệ Sỹ là một vị danh Tăng, một thạch trụ già lam, vị tu sĩ uyên bác mà cả hàng triệu người trên thế giới biết đến. Hồn thơ và sắc thái của Tuệ Sỹ vốn thanh tao và giải thoát, vốn lai láng và cao siêu—đã và đang làm nhiều người say mê, học hỏi và thả hồn mình trong nguồn suối từ miên viễn này.
24/02/2016(Xem: 14291)
Bình Định Quê Hương Tôi
01/02/2016(Xem: 22688)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 51 , tháng 2 năm 2016, • THƯ TÒA SOẠN, trang 2 • NGÀY XUÂN - LỄ PHẬT ĐẦU NĂM (Nguyên Siêu), trang 3 • HUYỀN NGHI, ÂM HƯỞNG, HOÀI CẢM (thơ Phù Du), trang 4 • Ý NIỆM VỀ MÙA XUÂN DI LẶC (Tuệ Như), trang 5 • TRÀ KHUYA & TRĂNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 6 • ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN HÁI LỘC (Pháp Hỷ), trang 7 • ĐẦU XUÂN KÍNH NGUYỆN (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 • MÙA XUÂN HOA NGHIÊM (Nguyễn Thế Đăng), trang 9 • BẢN HOÀI CỦA TU SĨ (Ns. Thích Nữ Trí Hải), trang 11 • BIỂN VÀ THƠ (thơ Minh Lương), trang 12 • SÁU PHÁP MÔN MẦU NHIỆM (Thích Thái Hòa), trang 13
22/01/2016(Xem: 5449)
Trong lịch sử văn hóa TQ (Trung Quốc), phải công nhận là các học giả Hán xưa kia rất chịu khó viết lách và đã để lại nhiều tài liệu phong phú cho hậu thế. Tuy nhiên, các chủ đề được ghi nhận qua chữ Hán không có nghĩ là chúng có xuất xứ từ TQ, mà đa số từ quá trình giao lưu văn hóa ngôn ngữ theo dòng thời gian - càng lâu bao nhiêu thì lại càng khó truy nguyên và xác định nguồn bấy nhiêu.
09/01/2016(Xem: 14872)
Thiên nhân hỏi: - Thanh kiếm nào sắc bén nhất? Chất độc nào tàn hại nhất? Ngọn lửa nào dữ dội nhất? Bóng đêm nào đen tối nhất? - Đức Phật trả lời: Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất.
27/12/2015(Xem: 11821)
Có chàng lãng tử lưu lạc giang hồ từ thuở thiếu thời, bỗng một hôm nghe hung tin người cha già rời bỏ trần gian, lòng bồi hồi nhớ đến lời dặn dò năm xưa của cha, lời rằng, “Dù vui, buồn giữ mãi cái tâm trong.” Chàng lãng tử đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, một trong mười nhà thơ -- gồm Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thanh Huy, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn, và Tuệ Lạc -- có mặt trong tuyển tập thơ Tâm Trong vừa mới được nhà sách lớn nhất thế giới Amazon phát hành vào trung tuần tháng 12 năm 2015.
22/12/2015(Xem: 3787)
Năm cũ của nhân loại được khép lại với nhiều xáo trộn, bất ổn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của mỗi quốc gia, và cộng đồng quốc tế, của mỗi dân tộc và từng cá thể. Nơi nầy nơi kia, chiến tranh, khủng bố, độc tài, kỳ thị, áp bức, bất công… vẫn tiếp tục gieo rắc sự chết chóc, tù đày, bất an và sợ hãi. Khổ đau của con người có khi dâng cao cùng tận, đến độ có thể đẩy xô hàng trăm nghìn, cho đến hàng triệu người phải gạt lệ rời bỏ quê hương, hoặc chối bỏ quyền làm công dân bình thường trên chính đất nước của mình.
18/12/2015(Xem: 7213)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]