Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1 : Cố Vấn Luôn Luôn Có Lý

14/05/201314:16(Xem: 11368)
Phần 1 : Cố Vấn Luôn Luôn Có Lý
chung_toi_co_mat

Chúng Tôi Có Mặt


Phần 1




1. Cố Vấn Luôn Luôn Có Lý

Bò Cộ chậm chạp bước những bước ưu tư. Vạt cỏ chỉ non mềm ở dưới chân, nhìn mà không thấy. Khi thấy, cùng thản nhiên bước qua. Ba hôm nay nó gặm cỏ cầm chừng.
Ðến nước này thì hết chịu nổi. Thằng bò Bình thuộc bầy Bình Hòa, nửa tháng nay cứ cà rà ve vãn con vợ của bò Cộ. Có hôm nó chạy chồm hai chân trước chụp lên lưng con mụ luôn. Từ xa trông thấy, bò Cộ hùng hục xông tới. Bình lật đật thót xuống chạy, chạy có cờ. Bò Cộ rượt theo không kịp.
Về chuồng mắng vợ lẳng lơ, nó nạt lại:
- Vô duyên. Ghen lẳng xẹt!
- Lẳng cái chỗ nào? Rõ ràng nó chụp ôm lưng mày.
- Chụp đâu? Ôm đâu? Chỗ đường chật, mạnh ai nấy lấn chớ chụp cái gì?
Nó chối leo lẻo, nó cãi biến hết. Lẽ ra thì cứ đưa đơn ly dị, truất phế luôn, kiếm con khác thay. Nhưng nghĩ cho thấu cùng sự lý thì kiếm được một con như nó cũng không dễ gì. Tuy đã trộng tuổi, đã hai mặt con nhưng còn mát da mát thịt. Nó gốc bò Lỗ Lươn, Lỗ Sấu, mình thon nhỏ mà chắc. Ðôi mông tròn đầy chớ không xương xẩu gồ ghề như mấy chị bò miệt Hà Bằng, Ðịnh Trung. Mặt mũi nó xinh xắn và cặp mắt mơ màng.
Chỉ còn một cách là hạ cho được thằng tình địch. Thằng Bỉnh này tuy vạm vỡ, những gãy mất một sừng. Mình dư sức chém nó với cặp sừng còn nguyện vẹn của mình, chỉ có điều nó chạy mau quá, rượt theo không kịp.
"Chỉ có cách là sao chạy cho mau – Cộ nghĩ. Trời ơi! Làm sao chạy cho mau đây! Nằm trong chuồng nghe radio ông chủ nói chuyện vận tốc trên thế giới mà thèm. Con chim Ó bay mỗi giờ trên 100 cây số. Chiếc xe lửa chạy mỗi giờ 250 cây số. Máy bay mỗi giờ bay 900 cây số. Hỏa tiễn mỗi giờ bay 18 ngàn cây số. Ngôi sao chổi mà ông Newton phát hiện bay hai triệu cây số mỗi giờ. Mà thôi, trở lại chuyện mặt đất, trở về đồng cỏ. Hãy cứ chạy mau được như Ngựa! Nhìn Ngựa chạy nước kiệu lúp xúp, phi nước đại vùn vụt... Bò Cộ thèm. Liền thủ thỉ tâm sự với Dê:
- Anh có bộ râu dưới cằm, ắt là thông minh?
- Hẳn nhiên. Có muốn thông minh như mình không?
- Không. Chỉ muốn chạy mau được như Ngựa.
- Ngu xuẩn! Coi lại cái đuôi của chú, coi có giống đuôi Ngựa không mà chú mong chạy mau như Ngựa?
- Bò Cộ quay lui nhìn đuôi mình và nhìn sang đuôi Ngựa.
- Ờ đúng. Ðuôi của tôi cụt ngủn chỉ một túm lông. Mà... muốn có một cái đuôi sum suê như Ngựa thì phải làm sao?
- Ghé lại "phòng khiếu nại" mà xin. Nơi đó có đặc phái viên của vua Trời xét những đơn khiếu nại.
Bò Cộ khúm núm:
- Mình không dám khiếu nại. Mình chỉ năn nỉ xin.
Dê gắt:
- Ðược rồi, thì cứ lại đó mà năn nỉ. Có điều dặn đây: tới trễ một chút. Chặng mười một giờ, giờ đó ông đặc phái viên sắp sửa về ăn trưa nên ổng dễ đồng ý. Không tra hỏi dài dòng lôi thôi.
Bò Cộ làm đúng như lời dặn. Quả thật lời xin được thỏa mãn nhanh chóng không thể ngờ được. Ông đặc phái viên đang nhét sổ sách vào cặp, chuẩn bị đứng dậy – vì đã mười giờ rưỡi – thấy bò Cộ đến. Vội vã hất hàm hỏi muốn gì. Bò Cộ kính cẩn dâng tờ đơn, nhưng ông gạt sang một bên.
- Có gì nói mau, không dài dòng.
Nghe bò Cộ nói đủ bảy tiếng "con xin đổi một cái đuôi Ngựa", ông giơ tay ngăn lại không cho nói tiếp, rồi quay sang ra lệnh cho quỷ sứ chạy lấy ngay một cái đuôi ngựa ở trong kho, ra lệnh cho tên quỷ sứ thứ hai lấy dao cắt đứt cái đuôi của bò Cộ và tên quỷ sứ thứ ba tháp đuôi ngựa vào vết cắt. Công việc làm xong trong ba phút. Vậy là hết giờ làm việc. Tan sở.
Mừng quá, vừa bước ra khỏi cổng bò Cộ liền phi nước kiệu. Phải xé gió như một con Ngựa. Phải chụp cho được thằng bò Bỉnh ve vãn vợ tao. Phải chém cặp sừng vào ức nó, vào mạng mỡ nó. Phải nhìn nó nằm trào máu, nằm ngáp thoi thóp. Nằm tắt thở. Phải... Phải... Nhưng kia... sao lại... sao nước kiệu gì lạ vậy? Sao nước phi gì lạ vầy? ... Sao không khác chi kiểu bò chạy rầm rập mà chậm rì như xưa vậy?
Bò Cộ buồn bã thất vọng, về chuồng còn bị mụ vợ rầy:
- Sao bữa nay thay cái đuôi gì ngó kỳ cục vậy? Ngó như cái chổi vậy?
Bò Cộ ấp úng:
- Cái mông của tôi to, mà cái đuôi Trời cấp cho thì nhỏ quá. Không che kín được bao nhiêu. Nhiều khi thấy lõa lồ xấu hổ. Mới xin cấp cho một cái đuôi tương đối rậm rạp dễ coi.
- Chà! Dễ coi dữ!
Hôm sau bò Cộ than phiền về sự thất bại đó với Heo. Heo cười:
- À... à... Té ra một bộ râu không nhất thiết phải có, mới tạo được sự khôn ngoan. À... à... Bây giờ cậu mới vỡ lẽ. Tôi đây không có râu, nhưng tôi cam đoan với cậu là muốn chạy mau như Ngựa thì cậu phải kiếm cho ra một cái bờm như nó. Không có cách nào khác.
Rồi quay nhìn phía khác. Heo nói gằn từng tiếng, giọng khinh khỉnh như muốn phân chứng với những khán giả nào đang đứng gần đó:
- Hừ! Không có cái bờm mà muốn chạy mau!
Bò Cộ không bị chạm tự ái, cám ơn Heo rồi chọn ngay tới phòng khiếu nại. Khôn ngoan hơn lần trước nữa, bò Cộ chọn chiều thứ Bảy. Thật sát đúng tâm lý. Lần này chỉ cần hai phút là bò Cộ có được một hàng lông bờm dày, mịn và óng ánh nơi cổ.
Vội thực hiện gấp nước kiệu. Nhưng kết quả thật bi thảm – vẫn là điệu chạy tán loạn của loài bò mỗi khi báng lộn nhau chạy ào ào. Tiếp theo là vụ xỉa xói của mụ bò cái, không tránh khỏi:
- Chẳng còn ra cái "thống chế" gì nữa. Một cái bờm! Trời ơi!
Lại phải lí nhí nhận lỗi, kiếm cớ vu vơ:
- Tôi bị viêm cổ họng, loại viêm họng hạt. Tạm nhờ cái bờm che cho đỗ lạnh cổ.
- Viêm họng, viêm xoang gì! Hay ghen lắm, nói càm ràm hoài. Cho ung thư cuống họng luôn! Cho chết luôn!
- Mồ tổ cha mày! Cũng tại mày mà ra hết. Con đĩ!
- Tại tao làm sao? Tao móc họng mày hả?
Biết cãi tay đôi không lại với nó, bò Cộ bò ra sân sau đứng một mình. Cho tới khi sương rơi lộp độp trên lá.
Sau hai lần hy vọng hụt, bò Cộ cam phận. Cho tới một ngày kia, một con Cò từ đâu bay tới, đậu nhẹ nhàng trước mặt. Màu lông trắng tinh sạch, thân hình mảnh mai. Thật trái ngược với vị cố vấn Heo mà mình đã nhờ cậy, mập ú mà đen thui, đến cái mỏ cũng khác: một đằng thì dài mảnh như để nhẹ nhàng mổ cho vui, còn một đằng thì cụt ngủn, sục vào chậu, nhai ngau ngáu. Thiếu bộ râu khả kính của ngài cố vấn Dê, nhưng nhà bác học Tho-mass Edison đâu có sợ râu nào mà vẫn làm tới 1903 cuộc thí nghiệm thành công, lãnh tới 1903 cái bằng phát minh sáng chế?
Vậy là bò Cộ lân la tới hỏi ý kiến Cò. Cò khoan thai phát biểu:
- Xét theo động lực học, thì đôi sừng của anh cản trở không khí, vận tốc không thể nhanh được.
- Vậy...?
- Cưa bỏ đôi sừng.
- Nghĩa là tôi lại phải tới "phòng khiếu nại"?
- Khỏi cần, đi chi mất công. Kiếm một anh thợ cưa dạo, trả cho nó vài chục. Mình cưa bỏ đi chớ có xin cấp món gì để thay thế đâu mà khiếu nại?
Ðúng là một nhà khoa học. Không một lời nói dự, không một cử động thừa. Bò Cộ thầm phục và bò Cộ làm theo lời.
Quả thật tiện lợi. Có tiền, anh thợ cưa làm việc thật nhanh, thật nhẹ nhàng và chỉ mười phút sau, nhìn xuống mặt nước ao, bò Cộ tưởng mình đang nhìn ai. Cái đầu trụt lùi. Nó thấp trũng xuống, và tướng như sắp trũng nữa, đang còn trũng xuống nữa. Nhưng thôi kệ. Mục đích của mình là phi nước kiệu, miễn phi được nước kiệu, phải phi gấp nước kiệu. Mọi cái khác không cần thiết, không cần thiết. Pha luôn.
Nào! Lên đường! Lóc cóc... Lóc cóc... Uở! Lóc cóc... Lóc cóc... Kìa! Lóc cóc... Sao? Trục trặc cái gì? Lóc cóc...
Bà Cộ dừng lại. Chán nản tưởng chừng có thể tự tử được. Nhưng lịch sử loài bò không có ghi gương tự tử, nên cực chẳng đã đành nhẫn nại cứ sống. Về chuồng bị mụ vợ háy nguýt, rủa sả, điều đó ai cũng đoán hết và đoán đúng. Có điều này không ai ngờ được là đi đâu bò Cộ cũng bị xa lánh, xua đuổi. Có lúc thì lịch sự nhẹ nhàng, có lúc còn bị làm rắc rối lôi thôi. Chỉ vì cái dáng "Bò không ra Bò. Ngựa không ra Ngựa", khiến tập thể bò khinh bỉ không muốn nhìn, còn tập thể Ngựa thì phẫn nộ, coi như một sự xúc phạm.
Kể từ lần thất bại chua cay đó, bị hất hủi, bò Cộ thường trầm tư đi những bước chậm, rất chậm trên những con đường ruộng vắng vẻ. Chậm hơn mọi con bò khác đang ung dung gặm cỏ, thỉnh thoảng rượt đuổi nhau chạy tung bụi mù trời. Các loài vật trên đồng cỏ đều xót thương cho hoàn cảnh bò Cộ cô đơn, ít ai nghĩ đến cái số phận bi đát thảm thương đang chờ đợi bò Cộ. Tha y đuôi thêm bờm chỉ là chuyện nghệ thuật, đầu lạ sau quen, không có ranh giới trắng đen, chê cũng được mà khen cũng xuôi. Chỉ đau khổ cụ thể là bỗng dưng bị mất cặp sừng. Mà thằng bò Bỉnh "dê xồm" thì nó chỉ nể nang có cặp sừng bén của Cộ mà thôi.

--o0o--

2. Hãy Tìm Cái Xấu Nơi Mình Trước (^)

Giới Côn trùng ở khu Ðầm Lác thường có việc xích mích nhau: con lớn ăn hiếp con nhỏ, con mạnh đè nén con yếu. Lại còn bị các giống khác ỷ khỏe, ỷ nhanh... lấn át đủ kiểu. Ðể giữ trật tự, để bảo vệ kẻ thế cô, trừng trị lũ hung dữ, "cấp trên" cử Bọ Hung làm chức sự Hương quản.
Không ai phản đối, không ai so bì, bởi xét cho công bằng thì Bọ Hung vạm vỡ mạnh bạo hơn các côn trùng khác. Bộ áo giáp cứng của Bọ Hung, những cỡ răng nhỏ như răng Dơi, răng Chuột chũi không chắc có thể cắn thủng. Chim chóc hạng Quạ, Két cũng đành chào thua, kể chi những Sáo sậu. Quành quạch, Chích chòe. Vậy đích thực Bọ Hung xứng đáng với chức vụ được giao phó.
Lục cục, lịch kịch, chầm chậm, hưỡn đãi... đó là đức tính Trời ban cho Bọ Hung. Những đặc tính dễ thương! Người ta có thể bực bội vì sự chậm chạp khề khà đó, nhưng thà như vậy còn hơn là nhanh nhẹn mà tinh ranh, độc ác, gian xảo. Trong các cuộc họp, nhiều chị lắm mồm lắm miệng cứ tha hồ trao đổi chuyện nhà cửa, chuyện chồng con, chuyện hàng xóm... bác Bọ Hung vẫn thản nhiên. Chỉ vì ngoài đức tính chậm chạp, bác còn nặng tai nữa. Thật y như một ông thợ mộc già.
Giữa cuộc họp mà chị Ruồi trâu tỉ tê khoe:
- Hôm qua mình bay vẫn vơ gặp một cây ổi của thằng cha thầy giáo. Lão lười biếng, có bao giờ nhìn tới cây ổi của lão đâu. Mình liền châm ngòi để một lô trứng vào các trái ổi của lão. Tha hồ khi ổi chín, lão leo lên hái thấy toàn những dòi là dòi.
- Chị Tò Vò nỉ non lại:
- Mình cũng vừa đẻ xong. Bay kiếm cho được một nhúm sâu keo, chích cho tê liệt rồi đem bỏ vào ổ để khi tứng nở, con mình có sẵn thức ăn.
- Chị Cà cuống:
- Chớ đâu có như con vợ lão Bọ Hung. Chọn cục phân bò rồi cả vợ cả chồng hùng hục lăn vê cho tròn để mụ vợ đẻ trứng vô đó. Nuôi con cái kiểu "con khỉ" gì mà bẩn thỉu dơ dáy vậy?
Cả ba chị khúc khích cười. Bo Hung thì vẫn tỉnh bơ, thản nhiên ngồi cạnh mắt nhìn lơ đãng. Nặng tai mà! Dễ thường đã gần điếc như một cái chum rồi.
Vậy đó, Bọ Hung dễ thương như vậy. Nhưng kể từ ngày có chức vụ, bà con côn trùng nhận thấy bác bắt đầu học tính ba hoa. Nhiều khi còn cả gan phiêu lưu vào những lĩnh vực mà bác không hề có một hiểu biết tí xíu. Chẳng hạn một hôm cao hứng bác thổi phồng dòng họ côn trùng lên mây xanh:
- Côn trùng là vua.
- Hả? Cái gì? Ông nói cái gì vậy? – Cả cử tọa lao xao hỏi nhau. Mụ Ngựa Trời vừa lơ đễnh vừa ngớ ngẩn, cất cao giọng giải thích:
- Ổng nói con Trùn là vua. Vợ con Trùn là hoàng hậu. Còn lũ mình là dân.
Cử tọa cười rộ. Cười ồn ào, cười ngả nghiêng.
- Không phải. Không phải. – Bọ Hung cầm một que sục sạc khô, gõ gõ xuống đất – Yêu cầu im lặng. Tôi nói dòng họ Côn trùng chúng ta... e hèm... là Vua. Ở xóm trên, ông thầy đồ của lũ Người giảng rằng "Cửu trùng" là Vua. Vậy thì chữ "Trùng" có nghĩa ... e hèm... là Vua. Trong "côn trùng" có chữ "trùng" là vua. Còn chữ "côn"... e hèm...
Bọ Hung bí. Một con Học trò – một loài côn trùng mình thon dài, mảnh mai, có cánh cứng màu đỏ – nhíu mày tỏ ý bực bội. Nó có đi học được chút ít nên biết là ông Bọ Hung đang nói ẩu. Một tay du thủ du thực khét tiếng, thằng cha Ong Bò vẽ chợt cất giọng khàn khàn:
- Ờ, còn chữ "côn". "Côn" nghĩa là gì hở ông? Hay họ mình là vua... du côn?
Cử tọa lại cười. Còn Bọ Hung thì nổi cáu:
- Ăn nói vậy hả? Còn... làm gì ồn như cái chợ vậy? Im lặng chút chớ... Phải biết trật tự.
Cử tọa im phăng phắc.
- Trật tự là dấu hiệu văn minh, là ... e hèm... là văn minh trong trật tự.
Cử tọa im phăng phắc. Sự im lặng nặng nề đang gắng nuốt mấy tiếng cười rúc rich.
- ... Phải... e hèm... văn minh. Côn trùng chúng ta nhất định phải... rằng là... trật tự.
Bọ Hung nhìn quanh cử tọa. Không biết nói gì thêm. Nói gì bây giờ? Mấy danh từ hay hay, bữa trước ông "cấp trên" dùng, Bọ Hung có lưu ý học thuộc nhưng trí não trì độn lú lẫn quên ráo trọi rồi. Chỉ còn sót lại có hai danh từ "trật tự" và "văn minh" mới nghe hôm qua. Thật bực. Biết nói cái gì bây giờ? Cử tọa nó đang ngọ ngoạy kia. Nó bắt đầu... Kìa... Thằng Bửa Củi đang vuốt râu và nghểnh cái mặt lên như thách thức. Lão Châu chấu bắt đầu rung đùi. Toàn một lũ chuyên môn phá đám.
Vừa lúc ấy chị Bọ Xít mập ú rún rẩy đi lên.
- Ông cho em về sớm. Nhà em neo người, cháu nhỏ nó còn dại chưa biết coi nhà.
Bọ Hung nổi xung. Tưởng nó lên mách mình mục gì để gỡ bí, đằng này nó lên xin về trước. Rồi những mụ lười biếng thích ngủ sớm sẽ noi gương lên xin ào ào cho coi. Giận quá, Bọ Hung lắp bắp:
- Về sớm... Coi nhà ... Nhà chị có cái gì mà coi? Chị ... e hèm...
Vốn đã kém hùng biện, cơn giận càng khiến Bọ Hung tịt ngòi không biết nói gì thêm. Chợt một con gió thoảng qua, có mùi hôi khá đậm bay thốc vào mũi. Bọ Hung chụp ngay:
- Ðã vậy, chị đi họp mà lười trang điểm. Không chịu tắm gội.
Bọ Xít bẽn lẽn:
- Dạ em xin lỗi. Em có tắm gội. Chỉ có lúc này nhằm khi mọi người cười chị Dán Hội ngã vào người em, em ngã chúi theo, đè lên cái bọc nước hôi của em, nó xịt ra mấy giọt.
- Mấy giọt. Hôi rùm lên thế này mà nói chỉ có mấy giọt.
- Thưa, em nói thiết mà.
- Rõ ràng thế này mà còn cãi bướng. Ai ở dưới đó ngồi cạnh chị Bọ Xít, xin cho biết ý kiến.
Một anh Xén Tóc giơ càng xin nói:
- Tôi ngồi gần nhưng tôi biết rõ là từ nãy đến giờ chúng tôi không thấy hôi.
Bọ Hung gạg ngang:
- Vô lý. Sao lại không thấy hôi? Mấy người cứ bao che...
Xén Tóc ngắt lời:
- Không tin thì ông cứ xuống đất kiểm tra lại.
Bọ Hung giận dữ lịch kịch bò xuống. Vừa bò vừa hậm hực lên lớp:
- Trật tự... được rồi. Nhưng cũng còn phải sạch sẽ nữa. Vệ sinh... sạch sẽ... e hèn... cũng là văn minh. Văn minh cũng là... e hèm...
Ðến giữa cử tọa, Bọ Hung đứng dựng người lên hai chân sau, dõng dạc, rồi phồng mũi hít từng hơi dài. Nhưng lạ, sao không nghe thấy mùi hôi? Rõ ràng là không có mùi hôi. Chà chà! Mệt nữa!
Vừa lúc đó Xén tóc la oai oái:
- Kỳ chưa! Sao bây giờ bỗng nhiên lại thấy hôi. Hôi nồng nặc. Hôi chịu không nổi.
Cánh Cam chồm người tới phụ họa:
- Ờ, thúi như cóc chết. Hôi thấu mây xanh. Lạ chưa. Mới vừa đây thôi.
Cử tọa đồng ý với Xén Tóc và Cánh Cam bằng cử chỉ bịt mũi vội vàng. Có đứa sụt sịt ho. Có con khạc nhổ vung vãi. Lạ thiệt. Sao lại có chuyện kỳ lạ vậy?
Không ai để ý đến một con Rệp Cây đang len lén bò lại gần chân Bọ Hung. Loay hoay gì dưới đó một lát, tiến tới quay lui, xoay qua trở lại, rồi hối hả vội vàng chạy leo lên một cọng Cỏ May đứng lẻ loi giữa cử tọa. Lên đến chót đỉnh, Rệp Cây rán hết sức gào to:
- Thấy rồi! Thấy vì sao rồi. Mùi hôi không phải do chị Bọt Xít mà do những ngón chân của Bọ Hung dính đầy phân heo. Tôi mới lén bò lại gần coi rõ. Ngửi kỹ nữa. Mùi phân heo rõ ràng mà. Do phân heo nơi chân của ổng mới hôi nồng nặc cỡ đó.

--o0o--


3. Hữu Thân Hữu Khổ (^)

Sau một buổi cày vất vả. Trâu được tháo ách cho đứng gặm cỏ. Nhưng mệt quá, nhai nuốt không vô, bèn cất tiếng than: - Mẹ sinh chi tuổi Sửu, làm thân Trâu cho cực dường này. Ruộng sâu, ruộng sình, ruộng lùm, ruộng lún ... kéo cho bật được lưỡi cày tưỏng đứt cái cổ, tưởng đứt hơi luôn. Tưởng gãy lìa cái chân, tưởng ngã gục xuống bùn. Vậy mà thằng chủ cứ giáng thẳng roi mây ... khích lệ. Ðỉa bám hút máu, ruồi châm hút máu, mưa xối trên lưng, nắng đốt da mông. Ðền bù lại là một bó cỏ khô, quanh năm chỉ những cỏ khô!
Nhìn thấy con chó Mực đang nằm khoanh ngủ, vừa ngủ vừa ngáy, Trâu huơ chân huých cho một cái. Chó mở mắt, ngáp dài, hỏi: - Cái gì?
- Mày sướng hơn tao.
Chó ngơ ngác không hiểu. Nhìn bộ mặt ngốc nghếch của Chó, Trâu cười sằng sặc.
- Tao đang suy nghĩ về cảnh khổ của tao, cả ngày kéo cày. Còn mày thì nằm khoanh mà ngủ.
- Lầm to. Lầm to – Chó cười khẩy. Ngủ ngày là vì phải thức suốt đêm coi nhà. Sục sạo đầu dưới, rượt sủa đầu trên ... mà đâu phải chỉ coi nhà, còn coi cả khu vườn rộng cho chủ. Bữa ăn hả? Chỉ toàn xương, xương nhá hết nổi, họ mới ném cho. Con của chủ nhà nghịch ngợm, khéo đuôi cưỡi lưng, mình gừ một tiếng phản đối thì chủ nhà nạt nộ, đánh đá. Tôi thân mình, nói năng đâu có được, trời ban cho chỉ độc có tiếng "gừ". Ngoài tiếng sủa.
- Ờ, coi bộ mày cũng khổ. Trâu chép miệng.
- Chỉ cái việc sủa, sủa sao cho đúng cũng không dễ. Gặp người mà chủ nhà khinh thì sủa ít không được. Gặp người mà chủ nhàtrọng thì sủa nhiều không cho. Trong việc bảo tồn nòi giống của mình cũng có cái khổ. Loài người, có người thậm chí ích kỷ, xin chó con để nuôi thì toàn xin chó đực, chó cái không ai chịu rước. Mà không có chó cái thì ai đẻ ra chó đực cho chúng nó xin nữa không biết.
- Thôi được, tao thấy mày khổ rồi. Khỏi cần nói nữa.
Nhưng chó như được khơi dòng tâm sự, không chịu ngừng.
- Thêm cái nạn "mộc tồn". Nuôi thấy mập mập là rủ nhau năm bảy tên bợm nhậu, góp riềng góp sả mà "hạ cờ tây".
- Thôi đủ. Thôi đủ. – Trâu la to – Ðể hỏi coi thằng Ngựa kia. Ngó bộ nó phong lưu mã thượng.
Sau khi nghe Trâu trình bày lý đó, Ngựa nhìn Trâu, khẽ lắc đầu, vẻ thương hại: - Hồi nãy mình nghe cụ Trâu dùng danh từ "mã thượng". Chà, chữ Nho gì mà thông thái vậy cụ? Thằng kỵ sĩ nó mới phong lưu mã thượng chớ mình thì thượng chỗ nào. Nó ngồi trên lưng mình, thúc gót giày vào hông mình, giật cương cứa hàm mình bắt mình chạy hụt hơi, chạy sùi bọt mép. Vậy không khổ hả? Vậy là sướng hả?
Trâu lý nhí: - Mình thấy cậu đẹp mã, có nệm thêu hoa trải trên lưng, có yên da bóng loáng khuy đồng, có lục lạc treo rủng rẻng.
- Thế cậu có thấy những hồi mình phải kéo xe, mình phải thồ lúa, mình phải chở gỗ không? Nhẹ nhàng lắm chắc? Hễ hở việc này, con Người nó bắt qua việc khác; có bao giờ để yên? Cái máy bằng sắt thép còn chịu không thấu, nó bắt chạy suốt hăm bốn tiếng trên hăm bốn.
- Bù lại, cậu được tạc thành tượng, tượng đồng uy nghi, tượng đá lẫm liệt, tượng những vị anh hùng ngồi trên lưng ngựa.
- Ðừng thấy mà ham. Xông lên đột pháo, con người tranh đoạt quyền lợi với nhau chớ Ngựa có dính líu gì vào đó? Vậy mà Ngựa phải trải qua biết bao gian lao nhọc nhằn, biết bao nguy hiểm, phơi xác sa trường. Sao lại thử đi, Ngựa khổ hay Trâu khổ, hay Chó khổ?
- Chà... chà... Trâu lý nhí.
Chó thì lanh miệng hơn, biết bắt chước người biết nói nịnh: - Dạ, em thấy anh khổ hơn em.
Giã từ Ngựa và Chó. Trâu lững thững vừa ngẫm nghĩ. Hỏi hai đứa thì cả hai đều than khổ, mình nữa là ba. Tại sao vậy cà? Tại ...? Tại ...?
Ðang trầm ngâm suy nghĩ, chợt có một con Chìa vôi vụt hót lên sát tai làm Trâu giật mình. Con chim đang đậu ở một cành mù-u mọc chìa ra đường. Nhìn con Chìa vôi, trí thông minh của Trâu chợt lóe.
- Này chị Chìa vôi, như Chó, Ngựa và tôi đều khổ là do chúng tôi có tới bốn chân và chân đi giậm đất. Chị có hai cánh bay thì chắc là chị không khổ.
Chìa vôi liến thoắng trả lời liền:
- Ờ. Mình không có khổ. Mình có hai cái vạch trắng dọc theo cái đuôi đây này. Ðẹp không? Ủa, mà "khổ" là cái gì vậy?
Trâu bật cười không giữ được.
- Khổ nghĩa là... mình đói, mình khát, mình kéo cày nặng nhọc... mình bị chủ đánh, mình nằm chuồng dột...
Chìa vôi gật gật đầu: - À, vậy là hiểu rồi. Mình có đói. Mấy bữa trời mưa dầm, mưa thúi đất, mưa suốt ngày đêm, mình nằm trong ổ đói phờ râu, đói mờ con mắt, đói muốn mửa mật xanh mật vàng. Mình không có nằm chuồng dột, chỉ cái ổ của mình mưa to nước xối vô như thác đổ, ướt lóp ngóp lạnh run. Cha lũ nhỏ chết năm ngoái cũng vì bị mưa ướt, sưng phổi cấp tính, điều trị không kịp.
Trâu gật gật đầu, nói chậm rãi: - Vậy là cũng ... có khổ...
Chìa Vôi vội cướp lời liền: - Khổ rõ ràng đi chớ. Ðang đứng cất tiếng hát cho vui, thằng Người ta lén núp trong bụi, gài một hòn đá vào cái ná cao su, gài một mũi tên lên giây cung, nhắm nhía, rồi thả tay, vậy là mình ngã nhào chết không kịp kêu. Khổ rõ ràng đi chớ, khổ nhất trần gian. Bà má mình năm xưa chết cũng vì mũi tên hòn đạn.
Ðồng ý là Chìa Vôi nói cũng khổ, nhưng Trâu không tin hết những điều nó nói xoen xoét. Cái gì mà chết nước, gia đình nó cũng có góp phần mà chết đạn cũng có.
Trên đường về, Trâu tạt lại cái mương con uống nước. Trí óc suy nghĩ đâu đâu, Trâu hụt chân đánh "ùm" một tiếng, nước văng tung tóe. May không lộn nhào, hú hồn. Một con cá rô suýt bị giậm, thoát chết, miệng the thé: - Ði cái kiểu gì? Con mắt để đâu? Chút xíu nữa. Ðương rình con Nhện nước sửa soạn búng tới chụp thì gặp trúng đồ cô hồn. Mình đói mấy bữa nay đây. Ðồ đui.
- Xin chị bỏ lỗi. Con mắt tôi bị vảy cá...
Chết chết! Trầu thầm nghĩ – Lại kêu nhằm tên tộc của nó: Cá! Nó tưởng mình muốn nói xỏ xiên.
- ... Dạ, xin chị bỏ lỗi. Mà sao chị bị bỏ đói vậy?
- Thằng Người ta nó chận mương đắp bờ, tát nước để bắt tụi tao, không thấy sao? Bà con họ hàng tao chết vô số kể. May tao nhỏ người núp trong bụi lác, tụi nó không thấy. Thoát chết. Ba ngày cứ núp trong bụi lác, đâu có dám mò ra kiếm mồi.
- Ồ, khổ thân cho chị.
- Lũ nó đang kho, đang nướng, đang chiên, đang um, đang nấu canh chua bà con tao.
- Ờ, cả họ hàng chị đang khổ, còn lũ Người thì đang sướng.
- Tụi tao khổ đủ cách. Chúng nó móc mồi ngồi câu, chúng nó câu cắm khỏi mất công ngồi, chúng nó đánh lưới, chúng nó thả lờ, chúng nó ụp nơm, chúng nó đứng nhá, chúng nó thả chà, chúng nó thuốc bằng nhựa cây độc, chúng nó ném thuốc nổ, chúng nó đâm bằng cây lao... ôi chao, kể sao cho hết.
Trâu chép miệng: - Ðích thực là khổ. Không còn cãi vào đâu được. Khổ nhất trân gian.
Buồn bã, Trâu không còn muốn, muốn hỏi ai nữa. Cái gì mà bốn chân đạp đất cũng khổ, hai cánh bay trên trời cũng khổ, mà có vây lội dưới nước cũng khổ. Rốt cuộc, chỉ có bọn Người là sướng. Loài nào cũng bị nó ăn hiếp.
Trâu lặng lẽ về chuồng nằm. Bầy muỗi vo ve ào tới đốt, nó cũng không buồn lấy đuôi xua nữa. Ðèn ở nhà trên tắt đã từ lâu. Ðêm tối om. Ông chủ bà chủ chắc đã ngủ say. Những người sung sướng thường dễ ngủ. Tiếng con Mục "khổ" sủa đổng một nơi bờ rào. Rồi im lặng. Ðêm lặng thinh.
Chợt từ nhà trên tiếng ông chủ vang xuống, nghe rõ mồn một: - Bà làm khổ tôi vừa vừa chớ. Hồi tôi cưới bà, nhà còn nghèo, bà bắt tôi làm lụng đầu tắt mặt tối. Khi khá lên, bà mè nheo bắt tôi chạy kiếm cho được cái chức cái tước. Chức nhỏ, bà bắt chạy cho được chức to. Chữ nghĩa tôi không mấy hột thì ai chịu giao chức to cho? Vậy là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia bà cứ chê bai, dằn vặt tôi. Họ xa nhà tôi có thằng buôn lậu ở tù, bà cũng đem tôi ra sỉ vả. Họ mẹ tôi có con nhỏ chửa hoang, bà cũng xách tôi ra mà dạy luân lý, đạo đức. Bỏ cái này, chụp cái khác, cả ngày làm việc quần quật, vậy mà có đêm nào bà cho tôi được ngủ yên đâu? Con trâu, con ngïựa, kéo cày kéo xe ban ngày, nhưng ban đêm chúng nó được nằm nghỉ (nghe nhắc đến tên mình, Trâu giật mình). Tôi thì không. Bà hành hạ tôi mọi giờ. Nói thiệt vớiù bà, con trâu con ngựa, thậm chí con chó còn sướng hơn tôi.
Nghe ông chủ phân bì với mình, Trâu bỗng bật cười không giữ được. Cười ngả nghiêng, bò lê ra đất mà cười. Miệng đang nhai rơm mà cười quá mạnh, một cọng rơm chạy lòi ra lỗ mũi.

--o0o--


4. Bạo Phát Bạo Tàn (^)

Một nhúm hột ớt được ươm trong một cái thau nhựa bể. Chủ nhà không thạo nghề trồng trọt, chỉ cầu vui, sẵn tay thì làm chơi nên chỉ một diện tích nhỏ như vậy mà hột ươm đã chỗ dày chỗ thưa. Khi mọc lên cây non thì nhóm cây đứng giữa chậu mập mạp cao lớn, những cây đứng quanh rìa thấp nhỏ, ốm o. Chủ nhà cuốc một vạt đất cạnh đó, bón phân rồi đợi một ngày mát trời bứng các cây con chuyển trồng xuống đất. Những cây mập mạp cao lớn được chọn trước. Tiếp đến, những cây gầy yếu hơn. Có một cây quá khẳng khiu èo uột bị bỏ lại.
Những cơn mưa tiếp theo những cơn mưa, các cây ớt vùn vụt lớn, tẻ thêm cành, nứt thêm lá, chỉ sau hai tháng vạt đất đã um tùm. Trông thật vui mắt. Chủ nhà thích thú gia tăng sự săn sóc. Sáng vừa bảnh mắt đã lúi húi vạch lá bắt sâu, chiều đã chạng vạng còn vun gốc thúc phân, nhổ cỏ dại, ngắt lá héo. Trưa còn tròn bóng mà đã vội cầm bình tưới, tưới nước cho cây. Phải đội mũ che nắng, phải vẹt lá để nước rơi thẳng xuống rễ, không đóng giọt trên tàng cây, sợ ánh nắng mặt trời làm héo lá. Thật là chi li trìu mến.
Trong khi đó, cây ớt còi vẫn cứ còi. Không ai tưới cho nó một giọt nước, nó chỉ trông chờ ở những cơn mưa rộng lượng. Ðất đã cát mà lại thiếu phân, lượng thức ăn như chỉ giảm còn được một phần mười. Ðã vậy Ớt còi còn bị hai viên đá sỏi lớn chèn kẹp, rễ bò gặp đá phải đứng sững lại, không đi xa được. Cái rủi ro chờ sẵn đó khi Ớt còi còn ở giai đoạn hột giống. Khi Ớt còi sang giai đoạn cây con và bây giờ ở vào giai đoạn cần ăn to thì cái rủi trở thành độc địa. Coi như ngày nào cũng thèm ăn, cũng thèm uống.
Những cây ớt mập mạp đứng cạnh biết rõ vậy. Mỗi lần nhìn những rá phân gà thơm phức, những xẻng phân heo béo ngậy tới tấp mang đến cung phụng, chúng bảo nhau:
- Tội nghiệp thằng Ớt còi. Chắc là thèm dữ lắm.
- Ờ, sao nó có thể sống được không biết. Sống cực như vậy, thà chết còn hơn.
- Nhìn cái thân của nó kìa. Gầy nhom. Mà lại vặn vẹo, sù sì.
- Những cái lá mới thảm. Quăn queo nhỏ xíu như những cái tai chuột.
- Lại còn bị rầy bám dày kịt. Ngứa chịu sao thấu.
Ờ, lại còn thêm những con rầy! Chúng nó cũng biết a tòng ăn hiếp kẻ thế cô. Lá mập cành ú không bám, chỉ nhằm bám vào lá yếu cành gầy. Hút cho hết sinh lực của thằng còm cõi.
Những ngày huy hoàng kế tiếp theo những ngày tươi sáng: đám Ớt mập mạp thi nhau đâm bông. Hoa trắng năm cánh trông tựa những ngôi sao nở rộ, mời mọc những con bướm dập dìu. Thật là những ngày hội rực rỡ.
Bên cây Ớt còi cứ tăm tối. Từng đàn kiến đỏ đánh hơi rầy nâu bò tới rùng rùng, cắn rầy hút máu, cắn lủng cả vỏ cây. Ðau nhức ê ẩm.
Những cây Ớt mập béo bảo nhau:
- Rầy bám thì nực. Kiến bò thì nhột. Thật chịu đời không thấu.
- Bữa trước có mấy con rầy lén bò qua bám ở mặt dưới lá của tụi mình. Chủ nhà phát hiện, xịt thuốc liền. Nếu trễ, chưa chắc giờ này tụi mình đã ra trái.
Lũ Ớt mập đang ra trái rồi thật. Trái mới nhú như hột gạo, trái lớn lên như con sâu, rồi trái to thêm, mập tròn xanh mướt, rồi trái ửng đỏ, rồi trái đỏ thắm. Giữa thời kỳ kết trái, thời gian như chạy mau hơn. Mới thoáng đó mà Ớt đã nhích, đã mẩy, đã già, đã chín hồi nào không hay. Cả vạt ớt đỏ rực như đang mở hội hè. Ông chủ nhà nâng niu hái trái, những cây ớt hãnh diện nhìn gương mặt tươi vui rạng rỡ của ông. Ông thêm cần mẫn thúc phân tưới nước, ông xuýt xoa ngắt những cành nặng trĩu trái bị gãy.Ông lặt những lá già dưới gốc. Có những buổi chiều ông bắt ghế ra ngồi say đắm nhìn vạt ớt của ông.
Cây Ớt còi vẫn hẩm hiu đơn thân chống cự với rầy nâu, với kiến đỏ. Trong cơn tuyệt vọng, bỗng có một hôm mưa xuống một trận, kiến chạy loạn và bọ cũng biến đi đâu mất. Có chút nước mát, cành nhú được hai, ba mầm mới.
Lũ Ớt mập mạp lại có chuyện để chế diễu:
- Nhìn coi! Ðời đang lên hương. Lão Ớt còi đang nẩy mầm.
- Có mầm thì cũng là mầm... Coi.
- Mình mà có cái còi như lão thì mình xin Tổng cục thể thao cho làm trọng tài đá banh.
- Dám lão là hậu thân của Từ Thứ lắm. Nhớ trong bài thơ Từ Thứ làm khi bái biệt Lưu hoàng thúc để về Hứa Ðô có câu:
"Ở Hán còn nhiều rường cột cả
Về Tào chi sá một... cây còi"
Cả bọn rúc rích cười, cười nghiêng ngả, chụp lên vai nhau mà cười.
Sau đợt trái thứ nhất, các cây ớt bớt mập. Ðến lượt trái thứ hai, những cây ớt bắt đầu gầy. Sang đợt trái thứ ba, những cây ớt nhìn dung nhan mình đang tiều tụy. Nhiều cành lá trổ vàng hàng loạt. Nhiều cành bắt đầu khô. Những lá mới nứt vừa nhỏ vừa quăn queo. Thân cây gầy tóp lại, hũng xuống thành rãnh. Những nụ hoa cuối cùng không còn đủ sức để lớn, rụng xuống đầy gốc. Những ngày tàn.
Ông chủ không tưới nữa. Phân bón còn dư, ăn bao nhiêu cũng không hết, nhưng cây không còn ăn nổi nữa. Sự tiêu hóa bị đình trệ. Cây cứ kiệt lực dần như vậy. Những cơn nắng rực lửa dội xuống. Lá héo. Những cành héo. Toàn thân cây héo. Một buổi chiều mát trời, ông chủ nắm gọn thân cây nhổ bật lên. Chùm rễ rậm rạp rung rinh, có những hòn đất khô dính lửng lơ vào chót rễ. Bằng một cái vung tay nhẹ, ông ném thân ớt ra góc rào. Lần lượt những thân cây này tiếp theo thân cây khác, cho tới ngày vạt đất được dọn dẹp trống trơn.
Trong khi đó cây Ớt còi vẫn sống tằn tiện, phát triển chậm chạp từng nhánh gầy, từng lá nhỏ. Một năm sau cũng có ra nụ nở hoa, nhưng chỉ rời rạc lác đác, hoa nhỏ xíu và nở xong rồi rụng, không đậu thành trái. Cuối năm thứ hai có đậu được hai trái cong queo, ốm o, nhưng cây không buồn. Chứng kiến những ngày huy hoàng và những ngày tàn tạ của lũ ớt mập mạp, cây ớt còi tự bằng lòng mình, vui sống trong cái khả năng hữu hạn của mình. Thức ăn ít ỏi nhưng không đến nổi đói. Buổi sáng được nhìn ánh mặt trời, buổi tối được nhìn ánh trăng sao và những buổi chiều được thưởng thức gió mát. Thỉnh thoảng nghe tiếng chim ca, nhìn con bướm lượn, con chuồn chuồn bay vờn. Trong khi những cây ớt mập đã thành củi khô, thành rác rưởi, thành cát bụi.
Cuối năm thứ ba, cây ớt cảm thấy mệt mỏi. Biết sắp đến lượt mình. Gục đầu nhẩm tính lại, mình sống hơn các bạn ngót hai năm. Ngậm ngùi, ớt còi âm thầm triết lý theo sự hiểu biết của loài ớt:
"Mỗi cây ớt có một sức sống nhất định. Ðem dùng ào ào, huy hoàng rực rỡ thì chỉ mười tháng là kiệt lực. Còn nếu dùng dè xẻn thì kéo dài được ba năm. Tự do, ai muốn chọn sống theo lối nào, tùy ý".

--o0o--


5. Ảo Tưởng Ðẹp Hơn Sự Thật (^)

Cồ Tía bước những bước dõng dạc khoan thai. Ði đủ năm bước, nó quay ngang, chầm chậm nhìn một vòng quanh sân. Những sợi đuôi vổng lên cao rung rinh. Cái mào đỏ rực cắt răng cưa chống lên cao, rung rinh. Cồ Tía phùng cổ cất lên một tràng tiếng gáy dõng dạc: "Cô ô... Cô ô... Cô ô... Cô ô...".
Rồi nhảy lên đứng ở đống gỗ chất nơi cuối sân.
Nghe tiếng gáy, một chú Vịt con đang rúc tỉa ở vại nước cạnh mẹ lật đật chạy về phía Cồ Tía. Chú nhỏ chạy lạch bạch, hai cái cánh ngắn cũn chấp chới lia lịa, cổ và mình dài ngoẵng mà chân thì lùn tịt, trông thật ngộ nghĩnh. Chú dừng lại đứng nhìn Cồ Tía.
Cồ Tía vươn vai gáy tiếp một tràng dài "Cô ô... Cô ô..." hùng dũng. Cái mào đỏ lại rung rinh, cái mặt lại quay trái quay phải nhìn đó đây, vẻ hiu hiu tự mãn. Chú Vịt con cứ say mê nhìn, kiễng hai chân ngắn ngủn lên mà nhìn, trong khi mấy mụ gà mái, vì quen quá, cứ thản nhiên chúi mũi vào máng thức ăn hoặc bới đất tìm sâu. Chỉ khi nào Cồ Tía đi sát lại gần, rè rè đôi cánh thì mấy mụ mới bẻn lẻn xúc động. Nhìn chú Vịt con chiêm ngưỡng mình. Cồ Tía hứng chí, dồn thêm sức vào tiếng "Cô ô... cô ô...".
Ngày nào cũng vậy, mỗi lần Cồ Tía nhảy lên đống gỗ đứng gáy là chú Vịt con lạch bạch chạy tới đứng nhìn. Cồ Tía lần lần có cảm tình với chú nhỏ hơn cả đối với lũ gà con. Nghĩ đến lũ gà con mà giận. Mình là cha chúng nó mà mình gáy mặc kệ mình, chúng nó cứ nhào vô đá nhau một cách chăm chỉ say mê, hoặc một đứa tha con trùn chạy trước, cả bầy lúc thúc chạy theo sau lưng một đám rước. Trong khi đó thì chú Vịt con biết thưởng thức âm thanh và phong cách biểu diễn, biết kính trọng bậc tiền bối, biết bái phục danh nhân.
Ðể tỏ lòng ân cần, một hôm, sau mươi tiếng gáy dõng dạc, Cồ Tía nhảy từ đống gỗ xuống, bước về phía Vịt con. Ðịnh bụng vuốt ve nó và nói đôi lời thân ái, không dè Vịt con vừa thấy Cồ Tía bước lại gần liền vội vàng bỏ chạy. Cồ Tía kêu:
- Ðứng lại cháu! Không sao đâu.
Vịt con không những không đứng lại mà còn gia tốc, chạy xiểng liểng. Cồ Tía gọi to hơn:
- Chú không làm gì cháu đâu. Ðứng lại kẻo té.
Tiếng to càng làm Vịt con hốt hoảng chạy, chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết, vừa chạy vừa té, té chúi sấp, té bật ngửa. Trời phú cho một thân thể không cân xứng thật hết đổi bất tiện. Ðể lội dưới ao mới phải chỗ.
Cồ Tía đứng dừng lại, thương hại. Không ngờ cái uy của mình có thể gây khiếp đảm đến vậy.
Dẫu có sự sợ hãi khốn khổ dường đó, nhưng hôm sau, khi Cồ Tía đứng uy nghi nơi đống gỗ cất tiếng gáy thì Vịt con vẫn vội vàng chạy ra say sưa đứng nhìn. Lần này Cồ Tía sắp đặt sự làm quen một cách nhẹ nhàng hơn. Cồ Tía chầm chậm đi về phía Vịt mẹ, lân lạ cạnh Vịt mẹ. Cồ Tía bới một con trùn rồi túc túc mời Vịt mẹ. Như mọi người đàn bà nạ dòng khôn ngoan, Vịt mẹ không từ chối. Cồ Tía nhặt những hột gạo, những cộng rau mời tiếp. Vịt mẹ chiếu cố không cần nài. Qua hôm sau, qua những hôm sau nữa, việc mời mọc lại tiếp tục, những chú Vịt con quen lần lần đi, sẵn sàng rỉa vào những món quà mà Cồ Tía đem đến, không còn sợ hãi. Cứ như vậy cho đến một lúc Cồ Tía đối thoại được với Vịt con.
- Cháu lên mấy?
- Dạ, cháu được một tháng tuổi.
- Ðã bơi được chưa?
- Dạ được. Cháu bơi trong thau nước.
- Cha cháu đâu?
- Dạ, cháu không có cha.
- Tội nghiệp. Vậy là mẹ góa con côi.
Những cuộc đàm thoại ngắn như vậy diễn ra ở sân chuồng Vịt, gần kề họ hàng nhà Vịt.
Một sáng. Cồ Tía đứng gáy và Vịt con kiểng chân chiêm ngưỡng như thường lệ. Cồ Tía nhảy xuống đống gỗ, bước lại gần Vịt con. Vịt con quen, không chạy nữa. Cồ Tía tươi cười:
- Chào cháu.
- Cháo chú.
- Hôm nay cháu lại ra nghe chú gáy. Tốt lắm. Hơn lũ ngan, ngỗng, hơn cả mấy mụ gà mái họ hàng của chú chỉ biết ăn. Tiếng gáy đó nó cao siêu lắm, kẻ thường không hiểu nổi đâu. Tổ tiên của chú có viết sách lưu lại rằng: "Thuở Tây Lũng tam canh trống thúc, gà gáy đầu ba tiếng: Thiên nhật tác thì – Quốc tộ tác xương – Nhân gian tác lạc".*
Vịt con ngơ ngẩn lắc đầu tỏ ý không hiểu. Cồ Tía cười.
- Ồ, cái đó cao siêu lắm. Thôi, ta hẵng nói cái tầm thường
thôi. Nào, hôm nay chú gáy có hay hơn mọi bữa không?
- Cháu không biết.
- Hôm nay chú gáy tiếng: "Cô ô" thứ hai với dấu giảm. AÂm thanh thanh thoát hơn mọi lần. Ðó là một nét sáng tạo thành công của chú. Chú rất thích. Cháu có thèm được gáy hay như chú không?
- Không.
Cồ Tía tròn xoe mắt ngạc nhiên. Cứ đinh ninh nó sẽ nói ngay "thèm lắm... thèm lắm". Cồ Tía lấy giọng ôn tồn:
- Sao vậy? Ðừng sợ ai hết, cháu cứ nghĩ sao nói vậy. Cháu vẫn say mê nhìn chú đứng gáy kia mà, chú thấy rõ.
- Không phải.
- Kìa, mỗi lần chú đứng gáy là cháu lật đật chạy ra.
- Ðúng vậy.
- Rồi cháu kiễng chân chong mắt nhìn chú.
- Có vậy.
- Vừa say mê lắng nghe tiếng gáy của chú.
Vịt con lắc đầu:
- Không có nghe.
Cồ Tía nhún hai vai:
- Ðáng thương thay! Không biết thưởng thức âm thanh mà chỉ trầm trồ cái vẻ đẹp của chú! Nhưng thôi, cũng được đi. Mỗi người có một cách nhìn, một cách thưởng thức, một cách cảm nhận cái đẹp. Cháu thích cái dáng đẹp của chú lắm chứ gì?
Vịt con lại lắc đầu:
Nữa! Ðúng là con vịt ngớ ngẩn. Mất trí, xuẩn ngốc. Mắc bệnh tâm thần như cả loài Vịt. Cồ Tía sốt ruột. Giọng bắt đầu hơi xẵng:
- Vậy thì cháu nhìn chú, thích chú ở điểm nào?
- Cháu không có nhìn chú.
Ngạc nhiên.
- Chớ nhìn cái gì?
- Cháu nhìn cái... cái... trời xanh xanh... cái... cái (tới đây nó lắc lắc cái đầu) cái... không có gì hết... cái... thật xa ở đằng sau chú).
- Vòm trời xanh, khung trời xanh đó chứ có gì.
Vịt con không trả lời được vì không biết "vòm trời xanh, khung trời xanh" là cái gì? Ðành chỉ áp úng nói tiếp:
- Nó đẹp, cháu thích lắm. Nhưng mặt trời mọc lên phía đó, chói lòa, mà mắt cháu thì yếu. Có chú đứng che mặt trời thì cháu mới nhìn thấy được.
Cồ Tía cảm thấy tưng tức. Vậy là nó... là mình... Nhưng Vịt con cứ thong thả tiếp:
- Bởi vậy mà mỗi lần nghe chú gáy, biết chú đang đứng che mặt trời, cháu mới lật đật chạy ra... để nhìn cái "không có gì" xanh xanh xa xa – cái đó chú gọi tên là "khung trời" hả chú?
* Thiên nhật tác thì: Thời giờ bắt đầu cho đúng. Quốc tộ tác xương: Ngôi vua thịnh vượng cho lâu bền. Nhân gian tác lạc: Cõi người bắt đầu yên vui (Lục súc tranh công)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2018(Xem: 4353)
Đó là tên được đặt cho tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của tôi. Ảnh chụp năm 1993, bằng Máy ảnh Pentax cũ, mua được từ Tòa soạn Báo Khánh Hòa đợt thanh lý, với giá thời điểm đó là 100.000 đồng. Người mẫu: "Con gái rượu" Tịnh Thủy lúc được 2 tuổi.
10/05/2018(Xem: 4005)
Những biến động đàn áp Phật Giáo khởi đầu vào năm 63. Lúc ấy tôi cũng vừa tròn 13 tuổi. Cái tuổi của thắt nơ tóc bím đầy thơ mộng. Thì cũng chính vào những năm tháng thơ mộng nhất của đời tôi, tôi lại trực nhận rõ rằng cuộc đời quả là khổ, quả là vô thường !
10/05/2018(Xem: 3943)
Như vậy là Thầy đã thực sự xa lìa cõi trần ai tục lụy nầy hơn một năm rồi mà hình như trong lòng con vẫn không thấy có sự gì thay đổi hay khác biệt giữa mất và còn cũng như xa với gần, lạ và quen…Bởi thế mà hôm nay con mới có bức thư này xin gởi đến Thầy. Con vẫn thấy như còn mãi đó, trước mắt con, dáng dấp của Thầy với chiếc cà sa màu vàng rực, bờ vai trần và nụ cười thật hiền hòa luôn nở trên môi, làm cho khuôn mặt của Thầy càng thêm rạng rỡ. Con xin nói rõ hơn, dù Thầy không còn nhưng những gì con đã học được từ Thầy, đã được đọc, được nghe, qua những bài giảng dạy, thuyết pháp, những bài báo, bài viết, bài dịch thuật, qua các công trình đóng góp đồ sộ của Thầy mà Thầy đã được trân trọng vinh danh như là ngài Huyền Trang của nước Việt mình, thì trong lòng con, hình ảnh Thầy vẫn mãi sống động, hiển hiện và không bao giờ mất cả.
28/04/2018(Xem: 14556)
Có thể nói: Cuộc đời của Bùi Giáng không thuộc về khái niệm trong ý nghĩa của sự sống chưa thoát khỏi những ranh giới định kiến phân biệt trần gian. Ở ông, hình như cái ranh giới mà tạm gọi là khùng điên và thiên tài không thể nào hiểu hết được. Nếu mượn những khái niệm thường tình: hèn- sang, nghèo- giàu, điên- tỉnh, ghét- yêu, buồn- vui…để Bùi Giáng, hện tượng của ý nghĩa sự sống vô tận, Thích Tâm Tôn, nói cái bất tận của cuộc đời Bùi Giáng thì chỉ là ý nghĩ ngây thơ cạn cợt. Thơ ông không phải để bàn, nhưng lạ thay, lâu nay người ta vẫn thích bàn và bàn chưa thể hết những gì thuộc về thơ của ông. Có lần ông bộc bạch, ông làm thơ đơn giản chỉ vì: “Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn, châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi”. Xin mượn tạm chút ngôn ngữ của những khái niệm thường tình mà nói đôi dòng về ông trong ý nghĩa sự sống mà ông đã đi qua và đã lưu dấu lại trong cuộc đời này.
28/04/2018(Xem: 5711)
“Tấc Hơi Phụng Sự Còn Khiêm Tốn “Lòng Vẫn Cưu Mang Trải Kiếp nầy “Non Thẳm Ngàn Trùng Dâng Bất Tận “Nước Nguồn Đại Việt Ngọt Ngào Thay… Tôi hân hạnh được tiếp xúc với nhà văn Chu Tấn trong rất nhiều trường hợp, qua sự sinh hoạt với nhiều Hội đoàn, Đoàn thể trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc California, kể cả các tổ chức Văn hoá, Chính trị, Xã hội v.v… nhất là trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thuộc binh chủng Không Quân. Là một cựu Sĩ quan với cấp bậc Trung tá, bằng “Trách nhiệm, Danh dự, Tổ quốc”, mà Quê hương và Dân tộc Việt Nam, đang bịđoạđày dưới chếđộ bạo tàn Cộng sản Việt Nam .
26/04/2018(Xem: 3843)
Ngược dòng Mekong về hướng Thượng Lào. Nơi ngã ba sông Nam Khan chảy nhập vào dòng Mekong tạo nên một cảnh quang rất đặc trưng của cố đôLuangprabang cổ kính. Dòng sông với nhiều khúc quanh tạo nên những dãi uốn lượn có phần chảy xiết xuôi về hướng hạ Làokhiến con sông trông càng thêm đẹp. Nép dọc hai bờ, những rạng rừng núi nguyên sơ với những tàn cổ thụ rợp mát. Nhịp sống vẫn êm ả,sự thư thảcủa dân Lào có phần chậm lại vốn dĩ tạo nên nét rất đặc biệt nơi đây so với tất cả những danh thắng du lịch ở nơi khác. Và giữa rộn ràng của thói quen với những gì của thế giới hiện đại mà con người tiếp cận thường ngày, một quán Cà Phê trong không gian chỉ dành cho sự yên tĩnh của một người Pháp rất khéo ẩn dưới những bóng cây bên ghềnh đá của ngã ba con sông. Không có sự hiện diện của bất cứ một phương tiện nhộn nhịp nào của thế giới hiện đại được chào đón trong không gian mang tính thư giản này. Nơi ấy, không Wifi, không tiếng nhạc,hoạtđộng nhẹ nhàng của nhân viên phục vụ, chỉ có tiếng trải lòng
21/04/2018(Xem: 4886)
Nhớ Mãi Trong Đầu Một Chữ...Duyên (đôi dòng tướng nhớ Ninh)
21/04/2018(Xem: 6659)
Nhớ Thầy Là Nhớ Pháp, Kính dâng Hòa Thượng Thích Phước Đường, ( Bài của Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do PT Diệu Danh diễn đọc)
21/04/2018(Xem: 12837)
Hoa Đàm Ngát Hương_HT Thích Bảo Lạc_2007
17/04/2018(Xem: 3583)
Qui thương mến, Dù biết cuộc đời là vô thường, nhưng chị vẫn bàng hoàng xúc động khi hay tin Qui đang bệnh nặng. Mấy hôm nay email của bạn bè và các em Sương Nguyệt Anh tới tấp gởi về, nhìn tấm hình Qui đang nằm mê man trên giường bịnh với ống dây chằng chịt mà xót xa cả lòng! Chị đã cầu an cho Qui mỗi ngày qua những thời kinh tụng niệm, mong Qui qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo. Dậy đi qui ơi! Con người năng nổ hay làm việc thiện như em thế nào cũng qua khỏi cơn hoạn nạn. Chị tin như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com