Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)
Dâng hoa cúng Phật, cung kính lễ bái Như Lai là pháp hành cao quý thể hiện tấm lòng biết ơn của hành giả đối với công ơn lớn lao không thể nghĩ bàn của Thế Tôn vì ban vui, cứu khổ cho chúng sinh mà hiện ra đời, hình thành ngôi Tam Bảo tối thượng ở thế gian làm chỗ quay về nương tựa của muôn loài. Có thể nói, giây phút hướng tâm thành kính dâng hoa và lễ bái ngài là khoảnh khắc thiêng liêng và an lành. Hơn nữa lễ bái Đấng Thiện Thệ cũng là một cách đối trị với tâm kiêu mạn của kẻ phàm nhân bị tập khí tham sân si chi phối từ bao đời nay. Tuy nhiên, pháp hành như vậy có thật sự là pháp cúng dường mà chư Phật mong đợi? Câu hỏi này được Thế Tôn ân cần chỉ bảo trước khi nhập niết bàn trong kinh tạng Nikàya (Pali) cũng như trong Hán Tạng:
Những ai thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp thời người ấy kính trọng, đảnh lễ và cúng dường Như Lai với một sự cúng dường tối thượng như đã được xác quyết trong Đại Bát Niết Bàn Kinh thuộc Trường Bộ Kinh:
Cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trỗi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy. [1]
Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Như vậy tỳ kheo đó đã thành tựu chánh pháp, là một sự cúng dường tối thượng đối với Như Lai.
Đối với bậc hữu học trong bốn chúng để tử thì hãy tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp cũng là cách cúng dường tối thượng đối với Thế Tôn.
Trong khi đó cư sĩ nào giữ ngũ giới trong sạch và thành tựu lòng tin vững chắc vào Tam Bảo, chính thức bước vào Thánh Dự lưu, không còn bị thối đọa và quyết chắc chứng quả giác ngộ thì họ cũng được xem như là sống chân chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp và chân chánh cúng dường Như Lai.
Lại nữa, cư sĩ nào hoan hỷ thí xả, hân hoan cúng dường các bậc Sa-môn thanh tịnh, bố thí với vòng tay mở rộng không lẫn tiếc và hoan hỷ với bất kể hạnh lành nào của người khác, tin sâu nhân quả (luôn thực hành những hạnh lành và tránh làm những ác hạnh), hộ trì Tam Bảo, làm cho tham sân si giảm thiểu và xa hơn nữa đoạn 5 hạ tầng kiết sử, chứng quả Bất Lai (A Na Hàm). Những cư sĩ nào làm được vậy là họ đã tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp. Như vậy, họ đã thật sự cúng dường tối thượng với Thế Tôn.
Tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp là một sự cúng dường tối thượng cũng đã được xác quyết trong Hán Tạng chẳng hạnh như Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, hành giả Đại Thừa Phát Tâm Bồ Đề, dùng chánh pháp để cúng dường như Lai như lời dạy của Bồ Tát Phổ Hiền cho Thiện Tài Đồng Tử và cho đại chúng Bồ Tát trong Pháp Hội Hoa Nghiêm:
Thiện nam tử! Song trong các thứ cúng dường, dùng chánh-pháp để cúng dường là hơn hết. Thế nào gọi là dùng chánh-pháp để cúng dường? Nghĩa là:
- Y theo giáo pháp của Phật để tu hành
- Làm bất cứ việc gì lợi ích cho chúng-sanh
- Đem lòng thương xót khuyến hóa, hướng dẫn chúng-sanh cải tà quy chánh
- Bằng cách này hay cách khác chịu khổ thay cho chúng-sanh
- Siêng năng tu tập các việc lành
- Không rời xa Bồ-tát hạnh
- Không thối thất Tâm Bồ đề. [2]
Hết thảy phiền não của chúng sanh là Phật sự của tất cả Như Lai
Phước lành cho những ai hóa sanh về Cực Lạc Tây Phương và nương nhờ vào thắng duyên nơi quốc độ trang nghiêm vi diệu tu Bồ Tát Đạo, trụ bất thối chuyển cho đến thành Phật. Theo Kinh Di Đà, chúng sanh trong cõi tịnh đó thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãi hoa đựng những bông hoa xinh tươi đem cúng dường muôn ức Đức Phật ở phương khác.[3] Đây là một trong những Phật sự hàng ngày của chúng hữu tình ở cõi Phật Di Đà.
Trong Kinh Duy Ma Cật, Phẩm XI: Hạnh Bồ Tát cho chúng ta thấy rằng có cõi Phật dùng ánh sáng làm Phật sự, có cõi Phật dùng mùi hương làm Phật sự, có cõi Phật dùng hóa Phật làm Phật sự, có cõi Phật dùng cơm ăn làm Phật sự vv…, nhưng Bốn ma và 84 ngàn phiền não của chúng sanh ở cõi Ta-bà này là Phật sự của tất cả Như Lai như được mô tả trong đoạn kinh sau:
Này A Nanda. Có cõi Phật hoặc dùng ánh sáng của Phật mà làm Phật sự. Hoặc nhờ các Bồ Tát mà làm Phật sự. Hoặc dùng người huyễn của Phật hóa ra mà làm Phật sự. Hoặc dùng quần áo, ngọa cụ của Phật mà làm Phật sự. Hoặc dùng cây Bồ Đề mà làm Phật sự. Hoặc dùng cơm ăn mà làm Phật sự. Hoặc dùng vườn tược, lâu đài mà làm Phật sự. Hoặc dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp mà làm Phật sự. Hoặc nhờ thân Phật mà làm Phật sự. Hoặc dùng hư không mà làm Phật sự. Như thế, tùy sự nhân duyên cảm ứng của mọi chúng sanh đều được vào luật hạnh.
Hoặc dùng các thí dụ như mộng huyễn, bóng vang, tượng trong gương, trăng dưới nước, dương diệm v.v... mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật trong sạch tịch lặng, chẳng nói năng, chẳng khai thị, vô thức vô tác, vô vi mà làm Phật sự.
Như thế, A
Như vậy là vô tận cảnh khổ ở cõi Ta bà ngũ trược ác thế này là Phật sự của tất cả các đức Phật. Vì thế, những Phật tử nào lấy khổ làm vui, lấy giới làm thầy ở trong thế giới đầy đau thương nước mắt này, phát Tâm Bồ Đề làm lợi lạc cho các hữu tình thì tất cả Như Lai đều tán thán. Thật không ngoa khi nói rằng hành Bồ Tát đạo ở thế giới loạn trược như thời nay là sự cúng dường tối thượng cho tất cả các đức Phật vì hết thảy phiền não của chúng sanh là Phật sự của tất cả các Đấng Thiện thệ. Cho nên Bồ Tát Duy Ma Cật cho rằng: Bồ Tát ở cõi này lợi ích cho chúng sanh trong một đời còn hơn trăm nghìn kiếp tu hành ở cõi Phật khác (tr. 141).[5]
Một ví dụ minh chứng trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyên cho thấy những ai đồng cảm với những hoàn cảnh khốn khó bi đát của những số phận bi thương trên thế gian này, từ tâm san sẻ tình thương bằng cả tâm chân tình cao khiết là họ đã cúng dường cho hằng hà sa các đức Phật.
Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng rằng: "Ở cõi Nam Diêm Phù Đề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Đại Thần, Đại Trưởng Giả, Đại Sát Lợi, Đại Bà La Môn v.v... gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Đại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho chư Phật nhiều như số cát một trăm sông Hằng Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!" (trtr.136-137).[6]
Ngày nay, cảnh khổ bàng bạc khắp mọi nơi và rất cần những tấm lòng quên mình vì lợi ích cho tha nhân. Dù chỉ một lần chia sẻ những món quà nhỏ xuất phát từ sự rung cảm trước nỗi khổ của những người nghèo khó cũng đã làm cho các Thế Tôn mỉm cười vui sướng. Huống gì, có những tấm gương thầm lặng hy sinh tất cả tiền bạc, thời gian và quyền lợi cá nhân và gia đình phụng sự tha nhân không mệt mỏi, không những về vật chất mà còn cả tinh thần (đạo). Chẳng hạn như ba mẹ con cô Tư Cà[i] (theo Thiên Chúa) đã 20 năm qua âm thầm dạy chữ cho hàng ngàn trẻ em nghèo khó thất học trong lớp học tình thương ở huyện Hóc Môn mà không một ai biết đến. Tôi may mắn biết đến lớp học này qua lời tâm sự của một sinh viên đại học bày tỏ lòng biết ơn đối với cô Tư Cà đã ân cần dạy dỗ em và từ đó làm nền tảng cho em học lên cao và vào đại học.
Tâm sự với ba mẹ con vài lần gặp nhau mới hiểu tấm lòng hy sinh cao cả của cả ba mẹ con trong hai thập niên âm thầm mang ánh sáng (con chữ và đạo làm người lương thiện) và cả vật chất cho biết bao trẻ em ngây thơ thất học. Không những cô dùng căn nhà làm phòng học mà còn trích 75 % tiền lời từ nghề buôn bán café sỉ của cả nhà để duy trì lớp học tình thương này! Tiếc thay lớp học hiện tại bị đóng cửa vì lý do khó nói nhưng ba mẹ con khao khát mở lại lớp học tình thương vì còn rất nhiều trẻ em thất học trong khu phố.
Biết được ước vọng muốn mở lại lớp học tình thương, tôi kể cho ba mẹ con cô Tư Cà nghe về lớp học tình thương của vợ chồng thầy Ba (cũng theo Thiên Chúa giáo) ở Bình Chánh. Lớp học của thầy cũng bị chính quyền địa phương cấm hoạt động vì sử dụng mái hiên trước nhà không có mái che làm phòng học. Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn bạc, hai vợ chồng thầy Ba vay tiền ngân hàng để xây dựng phòng học đàng hoàng (có mái che và nền tráng xi măng) và hàng tháng trích ra 6/10 tiền lương để duy trì lớp học mặc dầu lời dạy trong kinh thánh nói rằng người con của Thiên Chúa nên trích ra 1/10 tài sản để chia sẻ cho những người nghèo.
Khi nghe tôi kể về tấm lòng cao cả của vợ chồng thầy Ba. Cô Tư Cà trả lời ngay cô sẽ trích ra 100% tiền lời từ việc buôn bán cà-fe sỉ để mở lại lớp học tình thương. Trong khi đó cô con gái đầu lòng tên Linh của cô tâm sự ngay trong giấc mơ Linh mơ thấy Linh đang dạy học cho các em trong lớp học tình thương này. Tấm lòng thương người của vợ chồng thầy Ba đã khiến mình rúng động vì vợ chồng thầy đã gặp biết bao nhiêu rắc rối với chính quyền địa phương và cũng không ai giúp đỡ mà vẫn kiên quyết xây dựng một lớp học nho nhỏ cho các em thơ dại và cũng là nơi nương tựa của chục em thanh thiếu niên bị cho là “không tốt” trong xã hội về vật chất (có gì ăn nấy) và về tinh thần (dạy đạo làm người). Lần này, sự hy sinh của cô Tư Cà và hai người con gái làm tôi không cầm được nước mắt. Ngày 20 tháng 11 năm 2014, tôi lại ghé đến thăm ba mẹ con với một đóa hoa đủ màu như một lời tri ân, cảm ơn những tấm lòng cao khiết thầm lặng mà ngay cả một mảnh tin nho nhỏ về lớp học tình thương này để ca ngợi, hay tán thán cũng không hề có. Nhưng hương từ bi của ba mẹ con, vợ chồng thầy Ba bay khắp cả mười phương được chư Phật, Thánh, Chúa cùng hòa ca. Còn nhiều tấm lòng thanh cao khác nữa mà tôi không thể kể ra nơi đây.
Mong sao trong xã hội đầy đau thương và nước mắt, lại có thêm nhiều người hơn nữa sống với lẽ sống cao thượng, hy sinh bản thân đem đạo vào đời để làm vơi đi nỗi bi thương của những số phận nghiệt ngã. Quyên mình vì quyền lợi của tha nhân được xem như là một sự cúng dường ‘tối thượng’ cho mười phương chư Phật như lời dạy của Bồ Tát Phổ Hiền:
Bồ Tát có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các Đức Phật, còn tôn trọng thừa sự chúng sinh chính là tôn trọng thừa sự các Đức Như lai, làm cho chúng sinh vui mừng cũng chính làm cho tất cả Như lai vui mừng (tr.28).[7]
Hoa sen tinh khiết nào đâu xa
Chân thật tình thương chốn Ta-bà
Xứng danh ca thán không cùng tận
Cô Tư, thầy Hùng với bác Ba
Quên mình vì các em thơ dại
Lang thang đâu đó chốn không nhà
Mang lại nụ cười cho trẻ nhỏ
Sá gì ngày tháng và lợi danh
Viên mãn kiếp này lợi đắc thay!
***
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng tất cả chúng sinh khắp pháp giới
Đồng sanh cõi Cực Lạc
Tâm Tịnh
Nguồn tham Khảo
[1] Trường Bộ Kinh. Tập I. 16. Đại Bát Niết Bàn Kinh. Tụng Phẩm V. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. Online [Available] http://budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong16.htm
[2] Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện (2005, PL 2549). 3. Quảng Tu Cúng Dường. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo.
[3] Phật thuyết A Di Đà Kinh. Cưu Ma La Thập. [Online] Available http://ftp.budaedu.org/ebooks/pdf/CEV02.pdf
[4] Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Phẩm XI: Hạnh Bồ Tát. Hán văn Cưu Ma La Thập. Việt văn Thích Huệ Hưng (2002). Queensland: Brisbane. Minh Đăng.
[5] Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Phẩm X: Phật Hương Tích. Hán văn Cưu Ma La Thập. Việt văn Thích Huệ Hưng (2002). Queensland: Brisbane. Minh Đăng.
[6]. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (2001). Quyển Hạ. Phẩm thứ mười: Nhân Duyên và Sự So Sánh Công Đức Bô Thí. Hán văn: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng. Việt văn: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
[7] Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện (2005, PL 2549). 9. Hằng Thuận Chúng Sanh. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo.