Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

53. Không Hận Thù Mới Dập Tắt Được Hận Thù

15/03/201411:03(Xem: 38280)
53. Không Hận Thù Mới Dập Tắt Được Hận Thù
mot_cuoc_doi_bia_3

Không Hận Thù(1)
Mới Dập Tắt Được Hận T






Một tháng sau nữa trôi qua, đức Phật đã trở lại Ghositārāma lần thứ ba thì nơi đây hiện tượng bất hòa chia rẽ đã đến mức trầm trọng. Hội chúng luật đang bàn tính tụng tuyên ngôn để trục xuất vị pháp sư về việc vi phạm giới mà không chịu sám hối. Hội chúng kinh pháp cũng đâu có thua gì, kiên quyết bảo vệ thầy của mình và họ cũng dự định tụng tuyên ngôn trục xuất vị luật sư vi phạm giới vọng ngữ!

Đến lúc này thì tình hình cận sự nam nữ hai hàng đã phân ra hai nhóm; những con đường, những ngôi nhà, những phần vật thực cũng được phân đôi như thế. Ông triệu phú Ghosaka rất buồn lòng vì chuyện xảy ra trong lâm viên của mình, tìm gặp hai nhà triệu phú bạn là Kukkuṭa và Pāvārika tìm cách phân giải. Nhưng phân giải với nhau thì có ích gì. Họ đích thân đi đến nhà từng nhóm thiện tín nói lời hơn thiệt, cũng hoài công. Bên ủng hộ luật nói, ngài luật sư của chúng tôi sống một đời giới hạnh trong sạch thế mà bị vu oan giá họa cái tội vọng ngữ thì ai mà chịu được? Bên ủng hộ kinh nói, ngài pháp sư của chúng tôi là bậc trí tuệ, hiền hòa, nho nhã, bụng chứa cả rừng kinh pháp thế mà bị nhóm kia muốn tụng tuyên ngôn trục xuất “cái tội không có tội” là thế nào? Vừa vừa thôi chứ!

Ba nhà triệu phú lại đến trình bạch với đức Thế Tôn sự việc đến hồi họa hại, khó cứu vãn. 

Tại giảng đường hôm ấy, đức Phật ngồi yên lặng quán sát hai hội chúng và ngài biết rõ là từ tranh cãi, bất hòa bây giờ tâm của họ đã bước sang ranh giới của bực tức, oán ghét, sân hận. Đức Phật cảm nhận rõ lửa từ tâm sân của họ bốc lên đã làm ô nhiễm không khí, môi trường xung quanh; chúng lan ra cả ngoài rừng cây, ảnh hưởng đến cả địa tiên, thọ thần, dạ-xoa, phi nhơn nữa. Một số đông chư thiên ở các cõi trời dục giới cũng xôn xao, bàn tán, tranh luận xem ra cũng chưa ngã ngũ bên nào đúng hơn bên nào. Vị thích giới luật thì bảo vệ giới luật. Vị thích kinh pháp thì bảo vệ kinh pháp.

Thấy đức Thế Tôn im lặng quá lâu không nói gì. Một vị tỳ-khưu thuộc nhóm luật cất tiếng:

- Bạch đức Đạo Sư! Hay là đức Đạo Sư cứ giữ yên lặng như vậy. Đức Đạo Sư cứ an trú với tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Còn việc tranh chấp gây xáo trộn ở nơi đây thì hãy để cho chúng đệ tử tự giải quyết lấy!

Một vị tỳ-khưu thuộc nhóm kinh phụ họa:

- Đúng vậy! Bạch đức Thế Tôn! Ngài hãy cứ an hưởng lạc về thiền, lạc về quả! Hy vọng chuyện xảy ra ở đây không ảnh hưởng gì đến niềm bình an siêu thoát của ngài!

Bây giờ đức Chánh Đẳng Giác mới cất tiếng rống uy mãnh của sư vương:

- Thôi vừa rồi! Thôi đủ rồi! Các thầy tưởng rằng tâm của Như Lai bị ảnh hưởng vì điều này, bị chi phối bởi điều kia chăng? Các thầy tưởng rằng Như Lai nên an trú vào tâm tuệ giải thoát là cái phúc lạc riêng tư của Như Lai chăng? Chỉ có người bụi cát nhiều ở trong mắt nên nhìn thấy đâu cũng là bụi cát. Chỉ có người ích kỷ, nhỏ mọn nên nhìn thấy đâu cũng ích kỷ, nhỏ mọn! Chỉ có người ở trong ống ghè nhìn lên bầu trời thì thấy bầu trời cũng chỉ ngang bằng cái ống ghè! Chính các thầy không tự thấy là tự mình đang tự đào hố chôn mình? Các thầy đã không tự biết từ khẩu tương tranh, khẩu bất hòa, khẩu luận chiến thì nó đưa đến ý bất hòa, ý tương tranh, ý luận chiến? Từ ý bất hòa, ý tương tranh, ý luận chiến sẽ đưa đến kiến rối ren, kiến hoang vu, kiến điên đảo, kiến rừng rậm, kiến sa mạc? Rồi từ khẩu, từ ý, từ kiến phân ranh, đối lập, chia biệt, xô xát chúng sẽ dẫn đến thân bất hòa, giới bất hòa rồi vật dụng phát sanh cũng chia năm xẻ bảy, kẻ có người không, kẻ ít người nhiều. Thế là toàn bộ lục hòa là đời sống tốt đẹp duy trì phạm hạnh, duy trì thương yêu, hiểu biết, duy trì giáo hội sẽ đưa đến phân ranh, tan rã rồi hủy diệt hay sao?

Để cho hội chúng thẩm thấu ý và lời ấy, đức Phật tiếp giọng hòa hoãn, ôn nhu:

- Những chuyện phức tạp trong đời sống ước lệ, thế phàm, tương đối chúng ta cũng có thể có những giải pháp ước lệ, thế phàm, tương đối. Từ đó, cái gì, pháp nào cũng có cách đối trị cả. Chuyện khẩu tranh, tương tranh, bất hòa chia rẽ ở đây thật ra có thể giải quyết dễ dàng. Cho chí những mối hận thù rỉ máu, xé tim mà bậc hiền trí xưa cũng dùng nước từ bi mà rưới tắt được.

Thấy hội chúng lắng nghe, đức Phật lại kể chuyện xưa, giọng trầm ấm, sâu, vang xa tạo một âm lượng len lỏi nhẹ nhàng vào tâm và trí của từng người:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Một thuở lâu xưa, đức vua Brāhmadatta trị vì kinh thành Bārāṇasī, nước Kāsi là một vị đế vương hùng cường, giàu mạnh. Ông ta có nhiều tài sản, của cải; có một đội binh vĩ đại, lắm xe ngựa, nhiều voi chiến. Ông ta cai quản một quốc độ mênh mông rộng lớn với những kho châu báu, kho vải vóc, kho khí giới, kho lúa, vựa lúa lúc nào cũng đầy ắp.

Xa về phương bắc, giáp ranh lãnh thổ Kāsi là nước Kosala có đức vua Dīghīti cai quản một đất nước nghèo nàn, ít tài sản, ít của cải, ít lúa gạo, ít xe cộ, binh lực kém, quốc khố chẳng có gì quý báu.

Lòng tham của Brāhamadatta không dừng lại, ông ta dòm ngó nước láng giềng rồi đem binh khởi chiến. Khi quân biên phòng phi ngựa trạm về cấp tốc thông tin:

- Vua Brāhmadatta nước Kāsi, mang ba loại quân binh(1)hùng hậu, rầm rộ như lửa cháy, như bão táp sắp tấn công Kosala, xin bệ hạ hãy khẩn tính! Đây là báo cáo cấp nguy! Nguy lắm rồi!

Đức vua Dīghīti lặng người, suy nghĩ:

“- Nước ấy, quân ấy là con kình ngư rộng miệng, là con sư tử khát máu! Ôi! Nước ta, quân ta nhỏ bé, yếu đuối thì làm sao chống đỡ nổi dù chỉ thời gian một trống canh?! Thôi, chi bằng ta trốn quách! Quan quân bá tánh sẽ vô sự, vì những ông vua hiển hách, ngạo mạn này thường thích kẻ thù quỳ dưới chân xin tha tội chết mà thôi!”

Thế rồi, đức vua Dīghīti cùng hoàng hậu cải trang thành người dân nghèo khổ, trốn ra khỏi cung, len lỏi tránh quân binh rồi đi mãi, đi mãi.

Đức vua Brāhamadatta chiếm được kinh thành, chiếm được nước không tốn một mũi tên, hòn đạn nhưng quân lính lùng sục mãi không tìm thấy tăm bóng đức vua và hoàng hậu đâu. Tức giận quá, ông hét lên:

- Quân láo xược! Kho đụn, của nả trống không! Quân binh, ngựa xe èo uột! Còn cái ông vua vô dụng, vô năng cũng trốn biệt đâu rồi? Ta biết trút giận vào ai bây giờ?! 

Trong lúc đức vua Brāmadatta chiến thắng vẻ vang cái kinh đô nghèo nàn, trống không thì đức vua Dīghīti và hoàng hậu lại đào tẩu về phương nam, vượt sông Gaṇgā đến kinh đô Bārāṇasī, tìm ẩn trú trong nhà người tiện dân làm đồ gốm. Với lời hay đẹp, dịu dàng, ái ngữ, đức vua đã thuyết phục được người thợ gốm cho nương nhờ. Rồi ông ta hoan hỷ sẵn lòng thu xếp cho hai vợ chồng một căn nhà đất tuềnh toàng, nhưng cũng tạm thời đủ che mưa đỡ nắng.

Đức vua Dīghīti vốn bản chất thuần hậu, dịu dàng nhưng tâm cơ linh biến đã biết cách thích nghi với hoàn cảnh, chẳng chút phiền hà. Nhưng hoàng hậu lại khác, bà hiện đang có thai, bà lại đang căm tức, buồn phiền, lúc nào cũng muốn báo cừu, rửa hận. Đức vua Dīghīti khuyên lơn hoàng hậu mãi: “Bực tức, căm giận, buồn phiền thường ảnh hưởng không tốt đến thai nhi đấy! Hãy nghĩ đến giọt máu trong bụng nàng mà nuốt hận vào lòng đi!”

Nhờ có mang theo phòng thân một số ngọc ngà, châu báu, họ sử dụng rất chừng mục để nuôi sống bản thân và cả cho con cái trong tương lai. Đứa con trong bụng hoàng hậu càng ngày càng lớn. Hôm ấy, sắp đến ngày giờ sinh, hoàng hậu nói với đức vua:

- Thiếp có một thèm muốn. Nếu thèm muốn này không được thỏa mãn thì đứa con trong bụng không thể sanh ra đâu, và ngay thiếp cũng không bảo toàn được tính mạng!

Ngạc nhiên, đức vua cất giọng dịu dàng:

- Thèm muốn gì thế? Vì đứa con của ta, vì sinh mệnh của nàng, ta sẽ cố hết sức mình!

Hoàng hậu nhỏ giọng, thổ lộ:

- Vào lúc mặt trời mọc, ba hoặc bốn hôm nữa, khi nào thiếp đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy ba loại quân binh hùng dũng, oai phong với binh khí được vũ trang, dàn trận trên một đám đất bằng phẳng, rồi họ hét lên một tiếng xung mây, đồng cúi xuống uống một bụm nước rửa đao kiếm, chỉ khi ấy, tối đến, đứa con mới được sinh ra!

Đức vua la lên nho nhỏ:

- Thượng đế Rāmā ơi! Trời đất ơi! Chúng ta đang mang thân phận lẩn trốn, chôn danh, giấu tính thì lấy đâu ra ba loại quân binh hùng dũng, oai phong? Lại còn bày ra vũ trang, dàn trận, uống nước rửa đao kiếm nữa chớ!

Hoàng hậu khóc nức nở:

- Nếu không được thế thì thiếp chết mất!

Đức vua Dīghīti nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ, suy nghĩ... Trong vùng ký ức mù sương, bỗng hiện ra bóng dáng một người. Đấy là người bạn cũ của vua, bạn rất thân, là một bà-la-môn hiền thiện, có trí và có cả đức đại độ, bao dung nữa; ông ta hiện là vị trọng thần, giữ chức tế tự của đức vua Brāhamadatta, là linh hồn của quốc độ Kāsi. Mừng quá, như chết đuối vớ được phao, đức vua Dīghīti khôn ngoan lần dò thăm hỏi tìm đến được nơi ở của viên quan bà-la-môn tế tự.

Khỏi nói chuyện ngạc nhiên, tâm lý buồn vui, thương nhớ phức tạp, đức vua đi thẳng vào vấn đề, kể lại toàn bộ câu chuyện lẫn mong muốn kỳ lạ của hoàng hậu cho bạn mình nghe, không giấu một chi tiết nào!

Trầm ngâm một lát, vị bà-la-môn nói:

- Đức vua và hoàng hậu còn sống là tôi mừng. Lại càng mừng hơn khi nghe ngài sắp có tin vui nữa. Đức vua nước tôi bản chất hung dữ, độc ác lại có lòng tham không đáy, nhưng có điều là ông ta còn biết sợ thần linh, tôi nói gì thì ông ta nghe nấy. Bệ hạ yên trí, báo tin vui cho hoàng hậu, là chuyện này tôi giúp được!

Xiết bao mừng rỡ, đức vua ôm chầm bạn mình, cảm động đến chảy nước mắt:

- Bạn đã sinh ra tôi lần thứ hai đấy, bạn biết không!

- Đừng nói thế! Hôm qua tôi nằm mộng một điềm triệu, dường như là linh ứng với việc này: Mặt trời nuốt mặt trăng làm cho tất cả tối đen. Lát sau, từ trong chỗ tối đen đó lại hiện ra một mặt trăng khác, sáng vằng vặc... Vậy đứa con của đức vua chính là cái mặt trăng ngời ngời này đây, tốt lắm!

Nghỉ hơi một lát, vị bà-la-môn bấm mấy đốt ngón tay, ngẫm ngợi, tính toán rồi nói:

- Ba hôm nữa, mặt trời sẽ đi vào chánh cung, hoàng đạo. Khoảng trưa đứng bóng sẽ có ba loại quân binh dàn trận tại vùng đồng cỏ phía nam kinh thành, và họ sẽ làm y như yêu cầu của hoàng hậu. Sớm ấy, hai người sẽ chậm rãi bộ hành về hướng Nam, từ từ leo lên những bậc cấp của lâu thành; từ độ cao ấy nhìn xuống sẽ thấy rõ tất cả.

Bây giờ, tôi sẽ vào cung gặp đức vua và chuyện ấy sẽ được thực hiện đúng ngày, đứng giờ, đúng địa điểm, không sai trật vậy.

Quả thế, vị quan bà-la-môn tế tự vào triều gặp đức vua Brāhmadatta, tâu với ý rằng:

- Ba loại quân binh của bệ hạ trước đây đã trổ uy thần võ, đánh bại cả những đội quân hùng mạnh nhất của châu Diêm-phù-đề. Nó như sư tử chúa giương vuốt. Nó như con đại bàng xoải cánh. Nhưng mấy năm nay, tự mãn phát sanh, kiêu binh phát sanh, hống hách phát sanh, xa hoa hưởng thụ phát sanh, biếng nhác phát sanh! Sức nó bây giờ như con chim cụt cánh, như con rắn bị bẻ nọc. Hãy chấn chỉnh lại. Hãy tập tành lại, đại vương! Xa về phía đông, có một quốc độ rất hùng mạnh, đế quốc Māgadha, là đại cường địch, với binh lực sung mãn, đang dòm ngó quốc độ Kāsi của chúng ta đó!

Đức vua Brāhmadatta sợ hãi, người nổi gai ốc:

- Vậy phải làm sao, hở thần linh của trẫm?

Vị bà-la-môn tế tự bèn chỉ bày cho đức vua cách thực hiện y như mưu kế của mình. Đức vua chuẩn tấu.

Sau khi nhìn thấy ba loại quân binh như vậy, như vậy... hoàng hậu rất thỏa nguyện, tối ấy, bà hạ sanh một hoàng tử với dung nghi khác phàm. Đứa trẻ được đặt tên là Dīghāvu.

Trẻ lớn lên trong túp lều rách nát nhưng được đức vua và hoàng hậu dạy dỗ rất chu đáo. Nó rất thông minh, sáng dạ, học một biết hai ba. Qua tuổi thiếu niên thì đức vua đã trang bị cho Dīghāvu một kiến thức sâu rộng, quảng bác như là một bà-la-môn xuất chúng, đồng thời các môn học nghệ, binh thư, văn võ, trị nước, an dân đều được nghiên cứu thấu đáo. Dīghāvu còn một khả năng bẩm sinh là ca, hát và múa. Đặc biệt là giọng ca thiên phú, trầm bổng du dương của Dīghāvu làm cho tượng đá, gạch ngói cũng phải rung động.

Để cho Dīghāvu được tiến xa hơn và cũng để bảo vệ an toàn cho trẻ, đức vua còn nhờ vị quan tế tự giới thiệu những bà-la-môn thông thái rồi gởi trẻ tới đấy, khá xa thành phố để ăn học với thù lao khá hậu hĩ.

Thời gian trôi qua. Hôm kia, đức vua đi ra phố chợ mua một số hàng nhu dụng thì rủi thay, có một người quen nhận diện được. Y là thợ cạo, thợ hớt tóc một thời cho đức vua Dīghāti nước Kosala, thường hay được phép vào cung làm phận sự của mình mỗi tháng bốn kỳ nên khuôn mặt, tai, mắt mũi, miệng của đức vua, y đều quen thuộc. Thấy đức vua, y mừng rơn trong lòng, phen này ắt sẽ có được phần thưởng xứng đáng. Để một ngày theo dõi, y biết rõ nơi ăn chốn ở của đức vua và phát giác thêm cả hoàng hậu nữa.

Thế rồi, tên thợ cạo đút lót quân canh vào gặp vua, tâu trình mọi điều tai nghe, mắt thấy.

Đáng thương thay đức vua và hoàng hậu sau gần hai mươi năm ẩn trốn đã bị quân lính tới bắt, trói tay dẫn đến triều đình đức vua Brāhmadatta.

Ông vua hung bạo cười ha hả:

- Trốn đâu hả? Trốn đâu khỏi tay ta? Ta đang còn giận căm gan đấy!

Rồi nhìn đức vua nước bại trận đang nằm khoeo dưới chân mình, ông ta quát như sấm nổ:

- Quân bây đâu? Hãy cạo trọc đầu chúng! Hãy lấy dây thừng to cột cả hai đứa lại. Với trống đánh inh ỏi, với kèn thổi um tai, kéo lôi chúng đi khắp các ngả đường trong thành phố, qua cổng thành phía đông, phía bắc, phía tây rồi phía nam. Và tại đây, chặt mỗi đứa thành bốn khúc rồi quăng cho chim ưng, kên kên, cho diều quạ, cho chó sói, chồn cáo nó xơi, nó đớp!

Lại nhắc đến thanh niên Dīghāvu, đã lâu chợt cảm thấy thương cha nhớ mẹ nên xin phép thầy về thăm nhà. Vừa vào thành phố, trên một con đường, nghe trống đánh, ken thổi chàng lần bước tới. Lúc ấy, tại ngã tư đường, đám lính đang dừng chân lại, đang dùng loa tuyên cáo tội trạng của đức vua và hoàng hậu nước Kosala. Dīghāvu lặng người, tóc dựng ngược trên đầu khi thấy rõ đấy là cha mẹ mình. Tuy nhiên, chàng có đủ sự khôn ngoan để giả vờ như khách lạ, nếu không thì nguy hiểm cho tánh mạng của mình.

Thấy con trai đã đến gần bên. Đức vua và hoàng hậu mắt rưng lệ, thảm thiết nhìn con. Ngay giây khắc ấy, sợ không còn thời gian nào nữa, đức vua nói to, trống không giữa trời đất:

“- Này Dīghāvu con ơi! Hãy ghi nhớ lời này. Một cái là đừng kéo sợi dây ấy dài xa thêm nữa. Một cái là đừng làm cho cái gì giùn lại hoặc gãy vụn, đứt khúc. Hận thù sẽ không làm lắng dịu được hận thù, chỉ có không hận thù mới dập tắt được hận thù vậy”.

Đức vua lặp lại ba lần và thanh niên Dīghāvu không bỏ sót một chữ, một lời trăn trối kín đáo của vua cha. Nhưng đám lính thì họ cười rộ:

- Ông già điên! Ở đây có ai là con trai Dīghāvu của ông hả?

- Cứ nói nhảm miết! Chút nữa bị chém bốn khúc rồi đó!

- Ta không điên đâu, ta không nói nhảm đâu - Đức vua nói tiếp - lúc này ta tỉnh táo hơn lúc nào hết. Người thông minh mới biết được ý nghĩa, còn ngu dốt như bọn bây thì hiểu được cái gì!

Dân chúng do thấy hình ảnh đức vua và hoàng hậu thảm thương quá nên họ lánh dần đi, chẳng ai hưởng ứng cái trò lếu láo của quân lính cả. Có một số người thì nhăn trán bởi câu nói bí hiểm, có ẩn số của đức vua!

Thanh niên Dīghāvu âm thầm theo dõi cho đến lúc cha mẹ bị thảm hình tại cổng thành Nam. Đợi đêm xuống, giả vờ như một tên du tử, chàng mang rượu và thức nhắm đến mời mấy người lính gác. Khi thấy bọn lính đã say, nằm ngủ ngáy như sấm rồi, chàng gom củi, cây, lá, rác xung quanh chất thành đống rồi đi lượm thi thể của cha mẹ chỗ này, chỗ kia, đốt lửa hỏa thiêu.

Thanh niên Dīghāvu gục khóc lặng lẽ. Đợi đám lửa tàn, bình minh đã rạng, chàng chấp tay đi quanh đám tro ba vòng rồi từ giã. Mấy ngày hôm sau, chàng trốn vào rừng sâu khóc lóc thảm thiết. Khi nỗi niềm sầu thương đã nguôi ngoai, biết làm sao trả thù mối hận thiên thu nầy, chàng nghĩ: 

“- Phải tìm cách tiếp cận với tên vua ác đức. Ta sẽ xin một chân luyện voi hay luyện ngựa rồi trổ giọng ca thiên phú của ta, chắc có lúc nào đó cũng lọt được vào tai ông ta!”

Như đã sẵn sàng, thanh niên Dīghāvu trở lại nhà thầy dạy, lẻn trốn vào bên trong, để lại mấy chữ ký hiệu, với lời lẽ hiểu biết, khiêm tốn báo chuyện ra đi không từ biệt là có lý do riêng. Thật ra, bản thân chàng cũng không muốn người khác liên lụy, sự họ bị chuốc họa.

Hôm ấy, đi ngang qua trại nuôi voi cạnh hoàng cung, thanh niên Dīghāvu vào gặp thầy huấn luyện voi, lễ độ thưa rằng:

- Thầy ơi! Cha mẹ cháu cho cháu một số tiền bảo hãy đi học nghề cho giỏi. Đi ngang đây, cháu thấy những con voi to, oai hùng, đĩnh đạc quá nên cháu khởi tâm muốn học nghề. Xin thầy hãy vui lòng dạy dỗ cho cháu.

Nói xong, Dīghāvu thành tâm trao cho ông già huấn luyện voi một bọc tiền, không nhiều lắm, nhưng cũng không ít lắm!

Liếc thấy một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, ăn nói lễ độ, nho nhã; lại còn cả lễ lạt hậu hĩ nữa, ông già chấp thuận ngay:

- Này chàng trai trẻ đáng mến! Được rồi, cứ ở đây mà học với ta, ta trao hết, không giấu giếm gì đâu!

Thế rồi, tại đây, thanh niên Dīghāvu học nghệ rất chăm chỉ, siêng năng. Sớm sớm, chàng đã thức dậy rồi, lau chùi chuồng trại, dọn dẹp cất đặt từng đống thức ăn vương vãi đó đây. Chàng làm không ngơi tay. Những hôm sau nữa, chàng vui vẻ ca hát với rộn rã tiếng cười. Sau đó nữa, cứ mỗi cuối canh đêm, chàng thức dậy sớm, lấy một cây đàn, thế rồi là một điệu ca giọng hát trỗi lên vẳng trong làn sương sớm.

Giọng ca thiên phú, du dương như khúc nhạc trời cùng với lời ca thánh thót, mê ly của Dīghāvu như đi xuyên qua không gian, lọt vào giấc ngủ muộn của đức vua Brāhmadatta. Ông chợt ngồi nhỏm dậy, nghiêng tai lắng nghe, và nó đã hút hồn, đã ru hồn của ông thật sự rồi.

Sáng ngày, đức vua gọi một tên cận vệ:

- Này, sớm nay ngươi có nghe không? Có một khúc nhạc trời, có một giọng ca mê ly, phát sanh đâu đó ở hướng trại nuôi voi. Ngươi hãy tức thời đi điều tra và nghiên cứu hư thực chuyện ấy và báo cho ta ngay!

Một lát sau, đức vua nhận được lời tâu trình:

- Đó là một chàng trai thanh niên trắng trẻo, khôi ngô, vui tươi, dễ mến. Tiếng đàn ấy là của y, lời ca tiếng hát ấy cũng là của y, tâu đại vương!

- Hãy bảo lão huấn luyện voi, trao chàng trai trẻ có giọng ca ấy cho ta.

Lát sau, thanh niên Dīghāvu được dẫn đến triều kiến. Vua nói:

- Ngươi hãy ở đây, hầu hạ phục dịch ta, và khi nào ta cần, hãy tấu nhạc và hát ca cho ta nghe.

- Tâu vâng, đội ơn bệ hạ.

Thế rồi, với bẩm chất thông minh, trí sáng, tháo vát, chăm chuyên, cần mẫn, vui tươi, thanh niên Dīghāvu trở thành người tin cậy và quý mến nhất của đức vua. Tại sao vậy? Vì chàng lúc nào cũng thức dậy sớm và đi ngủ sau. Chàng sẵn sàng làm tất thảy mọi việc trong tầm tay, trong tầm mắt mà không cần ai sai bảo. Chàng luôn luôn có ngôn ngữ tao nhã, lịch thiệp, dịu dàng với đức vua. Nổi bật hơn tất cả là khuôn mặt và nụ cười của chàng sao mà rạng rỡ, dễ mến đến thế. Khi chàng cầm cây đàn, một vài nốt nhạc vừa khảy lên thì đất trời như ngưng lặng. Và khi mà tiếng ca du dương của chàng cất lên, hát lên thì nó dường như đưa hồn đức vua vào thế giới âm thanh vi diệu nào đó của thần tiên.

- Này chàng trai trẻ! Ngươi đã làm cho mát mẻ, hoan hỷ cái lỗ tai của ta, thư thái cả cái đầu óc của ta nữa. Kể từ nay, ta bổ nhiệm ngươi chức vụ cận thần thân tín ở bên cạnh. 

Từ khi được chính thức nhận nhiệm vụ quan trọng này, đức vua còn xiết bao thích thú khi khám phá những tài năng lạ lùng khác của chàng. Từ việc đọc sách, ngâm thơ đến việc cỡi ngựa, múa gươm không có gì mà chàng không biết. Thật ra, chàng còn cố ý che giấu cái tài của mình đi, chỉ làm như chỉ biết chút chút vậy thôi, hoa hòe, hoa sói bên ngoài vậy thôi để đức vua ác độc khỏi sinh nghi.

Đức vua Brāhmadatta trao cho chàng một thanh bảo đao rồi cười ha hả:

- Ngươi cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì là thực biết! Tốt! Ta đi đâu ngươi đi đấy! Hãy bảo vệ ta bằng nụ cười, bằng tiếng nhạc lời ca và bằng cả thanh gươm này nữa nhé!

Hôm kia, đức vua Brāhmadatta cùng với tùy tùng vào rừng sâu săn bắn. Khi ham rượt đuổi một con hươu sao, vua tôi đi lạc vào một khu rừng già rậm rịt. Vừa đói, vừa mệt, đức vua bảo thanh niên Dīghāvu ngồi xếp bằng xuống và ông ta gối đầu trên bắp vế của chàng rồi chìm vào giấc ngủ say.

Thanh niên Dīghāvu suy nghĩ: “Tên vua khát máu bạo tàn này đã tước đoạt binh lực, xe cộ, ngựa voi, châu báu, kho lẫm, đất đai, lãnh thổ của cha ta. Điều này ta không trách được, vì kẻ mạnh thắng kẻ yếu là định luật muôn đời. Cái tội lớn nhất của ông ta là nhục hình cha mẹ ta, không buông tha cha mẹ ta, dẫu sau gần hai mươi năm hai người đã ẩn trốn trong hoàn cảnh và trong thân phận thấp hèn, hạ liệt nhất. Cái thảm cảnh ấy ám ảnh ta từng đêm và từng ngày. Bao nhiêu tháng ngày ẩn nhục, nay là thời ta phải báo thù!”

Thanh niên Dīghāvu với sát khí đằng đằng rút mạnh thanh bảo đao ra. Rồi thanh bảo đao của chàng chợt run run rồi nằm yên, bất động. Tại sao vậy? Tại vì lúc ấy, lời vua cha trăn trối chợt vọng mồn một bên tai chàng: “Này Dīghāvu con ơi! Hãy ghi nhớ lời này. Một cái là đừng kéo sợi dây ấy dài xa thêm nữa. Một cái là đừng làm cho cái gì giùn lại hoặc gãy vụn, đứt khúc. Hận thù sẽ không làm lắng dịu được hận thù, chỉ có không hận thù mới dập tắt được hận thù vậy”.

Ôi! Câu nói này của cha ta, ta đã thuộc nằm lòng, và ta cũng đã từng suy nghĩ tất thảy mọi ý nghĩa bên sau của nó nữa. Cha ta muốn tha thứ cho ông vua độc ác, hung sát này. Ta không thể làm sái cái điều mà cha ta đã trăn trối dặn dò!

Dīghāvu vừa tra bảo đao vào vỏ thì đức vua hốt hoảng thức dậy, láo liên nhìn xuôi ngược, thở hổn hển.

- Bệ hạ có chuyện gì?

- Ta vừa nằm mộng thấy đứa con trai của đức vua Dīghāti định giết ta bằng một thanh bảo đao!

- Bệ hạ yên trí! Thanh niên Dīghāvu mỉm cười, trấn an - Có hạ thần ngồi đây, với thanh bảo đao này, bệ hạ sẽ được an toàn! Hãy ngủ đi, bệ hạ!

Đưa mắt nhìn chàng trai trẻ với tia mắt thiện cảm, tin cậy, đức vua lại chìm vào giấc ngủ mệt.

Lần thứ hai, tâm Dīghāva lại chợt như sóng sôi, như lửa cháy, mối hận kia lại bốc lên đến mờ cả mắt; giống như tự phát, thanh đao lại được rút ra. Và cũng như lần đầu, cái câu “hận thù không dập tắt được hận thù” vọng lên, lại làm cho chàng không thể ra tay được.

Đức vua có vẻ như kinh hoàng lắm, thức giấc rồi hớt hãi nói: 

- Con trai của đức vua, cơn giận của y chợt như mặt trời đỏ, lại rút đao giết ta lần nữa!

Dīghāvu lại an ủi, đức vua nằm ngủ trở lại.

Lần thứ ba, vừa chớm nghĩ cái thân của cha mẹ bị cắt làm bốn khúc, máu nóng chàng lại sôi lên, thanh đao lại được rút ra. Rồi lời cha lại cất lên trong đầu: “ ... chỉ không hận thù mới dập tắt được hận thù”. Chàng lại một lần nữa, im sững.

Đức vua lại thức giấc, lông tóc dựng ngược, dáo dác, hoảng hốt:

- Y đã sắp cắt cái đầu ta bởi một thanh đao!

Thanh niên Dīghāvu lần thứ ba này, không cất đao nữa. Tay trái chàng mân mê cái cần cổ của đức vua, tay phải với thanh đao, gật đầu, bình tĩnh nói:

- Phải rồi! Cái cần cổ của bệ hạ đây, thanh bảo đao kia cũng ở đây, và chàng thanh niên trong giấc mộng, con trai của đức vua Dīghāti chính là hạ thần đây. Đây là lần thứ ba, hạ thần đã định cắt cái đầu của bệ hạ, nhưng do tuân theo lời của vua cha dặn dò, trăn trối nên hạ thần đã tha chết cho bệ hạ. Cầu mong cái cần cổ của bệ hạ nguyên vẹn và mạng sống của bệ hạ được bảo toàn. Hạ thần đi đây!

Nói xong, chàng nhè nhẹ đặt cái đầu của đức vua xuống cỏ rồi đứng dậy.

Bàng hoàng, đức vua níu tấm áo ngoài của thanh niên, đôi mắt ngời sáng với một vẻ chân tình hiếm có:

- Khoan đã, hãy cho ta hỏi vài lời.

Giọng chàng lạnh lùng:

- Có gì hãy nói ngay!

- Ngươi ban mạng sống cho ta thật à?

- Hạ thần là gì mà lại dám ban cho bệ hạ mạng sống? Chính cha ta, đức vua Dīghāti hiền nhân đã ban mạng sống cho bệ hạ đó chứ!

Đức vua bây giờ mới lấy lại bình tĩnh, cất tiếng hỏi:

- Này chàng trai! Câu chuyện ấy ra sao? Đức vua quá cố đã trăn trối lại điều gì mà uy lực của nó có thể đẩy bảo đao vào cái vỏ của nó?

- Tâu, ngay chính khi cha hạ thần sắp bị bệ hạ chặt làm bốn khúc, đã nói ba lần với hạ thần nguyên văn như sau, hạ thần lặp lại không bỏ sót một chữ: “Này Dīghāvu con ơi! Hãy ghi nhớ lời này. Một cái là đừng kéo sợi dây ấy dài xa thêm nữa. Một cái là đừng làm cho cái gì giùn lại hoặc gãy vụn, đứt khúc. Hận thù sẽ không làm lắng dịu được hận thù, chỉ có không hận thù mới dập tắt được hận thù vậy”.

Đức vua lẩm nhẩm lại rồi hỏi:

- Cái câu: “Một cái là đừng kéo sợi dây ấy dài xa thêm nữa”, có nghĩa là gì?

- Đây là cha hạ thần dặn dò là đừng nên kéo dài xa mãi cái sợi dây hận thù ấy nữa. Tại sao vậy? Tại vì hạ thần báo thù bệ hạ, rồi con cháu của bệ hạ lại tìm cách báo thù cho bệ hạ. Rồi cứ thế, con cháu của hạ thần lại báo thù con cháu bệ hạ... Và cứ thế, cứ thế, cái sợi dây oan trái kia cứ kéo dài ra mãi. Vậy biết lúc nào mới chấm dứt!

Đức vua có vẻ khâm phục:

- Hay quá! Chỉ có bậc thông thái mới hiểu được ẩn ý ấy. Rồi còn câu: “Một cái là đừng làm cho cái gì giùn lại hoặc gãy vụn, đứt khúc”, có nghĩa là gì?

- Tâu bệ hạ! Thế gian này sở dĩ được tồn tại, thịnh vượng, tốt đẹp, an lành, hạnh phúc là nhờ vào những chất keo của các giá trị tinh thần, ấy là đạo đức, hiền thiện, ấy là hiểu biết và nhân đức; ấy là cảm thông, chia sẻ, tha thứ, đùm bọc, thương yêu nhau. Cha của hạ thần khuyên hạ thần là đừng nên làm cho các yếu tố nêu trên bị đứt khúc, gãy vụn, vì như thế là thế gian sẽ bị tàn hại, diệt vong!

Đức vua Brāhamadatta chợt quỳ xuống dưới chân thanh niên như thân cây đổ:

- Ôi! Cao quý thay là những lời này! Ôi! Tâm đức của đức vua quá cố như mặt trăng vằng vặc giữa đỉnh trời! Và ngươi cũng vậy, hỡi chàng trai trẻ! Ngươi đã dạy cho ta một con đường hiền thiện trong kiếp làm người, và đó cũng là chính sách để trị quốc, an dân nữa! Một lần nữa, ta tri ân đức vua quá cố đã ban cho ta mạng sống!

Khẽ nâng đức vua dậy, chàng nói:

- Thế bệ hạ có ban cho thần mạng sống không?

- Nhất định như thế rồi! Và còn hơn thế nữa!

Khi đã trở lại được hoàng cung, lúc lâm triều, đức vua nhìn quần thần rồi nói:

- Nầy các quan! Nếu các quan nhìn thấy con trai của đức vua Dīghāti nước Kosala, bắt được chàng thanh niên ấy thì các ông xử lý như thế nào nào?

Rất nhiều ý kiến được tâu lên:

- Chặt hai tay, hai chân.

- Treo cổ ngoài cổng lâu thành cho bách tính thấy thế để làm gương.

- Chặt bốn khúc quăng vất cho chó nó ăn như cha mẹ của y vậy!

Đức vua trầm tĩnh cho không khí lắng dịu rồi đưa tay chỉ vào chàng thanh niên khôi ngô, tuấn mỹ đang mang bảo đao theo hầu, đứng vòng tay bên sau ông ta:

- Đây này! Đây chính là chàng trai trẻ Dīghāvu, con trai của đức vua Dīghāti nước Kosala đã bị diệt vong. Bây giờ các ngươi muốn làm gì nào? Ai đụng đến chàng ta là đụng đến ta đấy!

Cả triều đình lặng ngắt không ai biết chuyện gì.

Đức vua bèn chậm rãi, gãy gọn lần lượt kể lại tất thảy mọi chi tiết, không bỏ sót cả hoàn cảnh sống trước đây của cha mẹ chàng nữa. Đặc biệt, đức vua nhấn mạnh câu“Hận thù không thể dập tắt được hận thù, chỉ có không hận thù mới dập tắt được hận thù” của đức vua quá cố. Rồi tuyên bố:

- Bởi vì thanh niên Dīghāvu này có một tâm hồn cao thượng, đã ban cho ta mạng sống nên ta sẽ trả lại binh lực, xe cộ, ngựa voi, châu báu, kho lẫm, đất đai, lãnh thổ và cả quyền lực cai trị vương quốc Kosala cho y. Ngoài ra, ta sẽ chọn chàng trai này làm phò mã, sau này, nếu ta mất đi, ta sẽ di chúc tặng luôn cho y cả đất nước Kāsi hùng cường và giàu đẹp này nữa”.

Kể xong chuyện xưa, đức Phật đưa tầm mắt bao quát nhìn toàn thể hội chúng, nói rằng:

- Này các thầy tỳ-khưu! Ngay chính những người cầm đao, cầm kiếm mà vẫn có lòng bao dung, độ lượng sẵn sàng tha chết cho kẻ thù. Và chính ông vua khát máu, bạo tàn kia cũng phải xúc cảm, hồi đầu hướng thiện, gục xuống như thân cây đổ để sám hối lỗi lầm của mình! Còn các thầy là gì? Là những sa-môn học hạnh giải thoát, tu tập tứ vô lượng tâm mà không thể làm dịu nguội con tim, làm tắt đi cơn lửa nóng, ngồi lại bên nhau để hòa giải, đoàn kết, thương yêu nhau được hay sao? Tất cả những đấu tranh, khẩu tranh, luận tranh chỉ đưa đến đau khổ và phiền muộn. Mỗi người hãy biết tự chế, nhường nhịn nhau thì những bất như ý, bất hòa, chia rẽ sẽ tự động lắng yên, đúng như kệ ngôn sau đây.

Rồi đức Phật đọc:

“- Luận tranh chẳng có ích gì

Tranh cường, hiếu thắng lắm khi phiền hà

Ai người suy gẫm sâu xa

Nói năng tự chế, bất hòa lắng yên”(1)



(1)Đôi nơi dùng chữ từ bi. Từ (mettā) cầu mong mọi người cùng hạnh phúc, an vui; bi (karuṇā) khởi tâm thương xót (bi mẫn) đến những người bất hạnh quanh mình - nên muốn an ủi, sẻ chia...

(1)Tượng binh, kỵ (mã) binh, bộ binh (thuở ấy chưa có thủy binh)

(1)Pháp cú 6, nguyên văn:“Pare ca na vijānanti - mayamettha yamāmase. Ye ca tattha vijānanti - tato sammanti medhagā”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2013(Xem: 12143)
Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn -
19/07/2012(Xem: 2028)
1-Đức Phật đã chỉ dạy cho mọi người giáo pháp mang ý nghĩa giá trị và thực tiển theo nguyên lý duyên sinh, nhân quả mà không phải là một giáo điều cứng ngắt. 2-Đức Phật đã chỉ cho mọi người sự hiểu biết chân chính, để không rơi vào vòng si mê tội lỗi mà còn thương yêu bình đẳng mọi người bằng trái tim có hiểu biết. 3-Đức Phật đã chỉ cho mọi người giáo pháp đến để mà thấy, nhằm phát huy tuệ giác của Như Lai mà ban vui cứu khổ không làm tổn hại muôn loài vật. 4-Đức Phật đã chỉ cho mọi người biết cách làm chủ bản thân nhờ thường xuyên kiểm soát thân, miệng, ý thay vì tin có một đấng thần linh thượng đế ban phước giáng họa.
19/06/2012(Xem: 7471)
Những khi mà tâm hồn tôi bị hoang mang và dao động trước những thống khổ của con người do chính con người gây ra, những lúc đó tự nhiên những câu thơ của Bùi Giáng, những câu thơ mà một thời tôi đã từng say sưa đọc lại có dịp sống dậy trong tâm hồn buồn bã của tôi:
18/06/2012(Xem: 5055)
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.
19/05/2012(Xem: 5540)
Phạn ngữ "Buddha" (Phật) có nghĩa là hoàn toàn giác ngộ. Phật là hồng danh của Ðức Bồ Tát CỒ ÐÀM SĨ ÐẠT TA (Siddhatta Gotama) khi Ngài thành đạo. Giáo lý của Ðức Phật truyền dạy gọi là Phật Giáo.
01/05/2012(Xem: 7768)
Ngày Phật đản là ngày cho toàn thể tăng tín đồ cùng hướng về đức Bổn sư Thích ca Mâu ni để tổ chức lễ hội, tư duy, thiền quán... Đặc biệt năm nay, Giáo hội tổ chức Lễ Hội Phật Đản Quốc Tế với sự tham gia của các cộng đồng Phật giáo tại Hoa Kỳ. Sự kiện này nói lên đà phát triển của Đạo Phật trên đất nước đa sắc tộc, tín ngưỡng và văn hóa. Trải qua nhiều thập niên, những người di dân mang tín ngưỡng Phật giáo đã nỗ lực và cống hiến những gì có thể mang đến cho cư dân Hoa Kỳ về hiểu biết, hành thiền và sự sống an lạc từ giáo pháp của Như Lai.
28/04/2012(Xem: 5560)
Tự do là điều có thể. Chúng ta không phải bị nhốt trong đau khổ. Có con đường để thoát khổ. Và con đường đó không gì khác là thực hành bát chánh đạo.
26/04/2012(Xem: 5284)
Sự xuất hiện của đức Thích Ca Mâu Ni trong cõi đời này là sự thị hiện vĩnh hằng cho đời sống hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, cuộc sống của nhân loại nếu vắng bóng hạnh phúc, thì cuộc sống ấy không còn giá trị tồn tại và cũng không mang lại niềm vinh quang cho muôn ngàn quan điểm hình thành trong tinh cầu vạn hữu. Chính vì thế, đức Phật ra đời mang theo cả một biển hạnh phúc vô biên mà không cần nói, chúng ta vẫn thừa hưởng một kho tàng vô giá trong tuyệt tác của loài người.
26/04/2012(Xem: 8125)
Tướng chữ 卍 vạn là phù hiệu của điềm lành được xưng là "Cát Tường Hải Vân" hoặc là "Cát Tường Hỷ Thí".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]