Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda

04/12/201315:47(Xem: 32056)
01. Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda
mot_cuoc_doi_tap_6

Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda


Một ngày kia, tôn giả Ānanda du hành ở phương xa, trên đường trở về Kỳ Viên, ngài đi trì bình khất thực quanh xóm làng ngoại ô rồi nghỉ dưới một gốc cây để độ thực. Dùng ngọ xong, tôn giả ôm bát đi theo lối mòn tìm nước uống nơi một xóm nhà nghèo nàn ven chân núi. Thấy một cô thiếu nữ bên đường đang múc nước giếng, bước đến gần, ôm bình bát trong tay, ngài lặng lẽ đứng một bên, đưa mắt nhìn xuống.

Cô gái ấy tên là Prakirti, nàng vốn là hạng tiện dân chiên-đà-la(2)thấp kém ở ngoài rìa xã hội, thấy một “vị bà-la-môn” tướng cách cao sang, quý phái đến đứng lặng lẽ gần bên thì vô cùng sợ hãi; nàng cúi đầu xuống, hỏi lí nhí trong cổ họng:

- Thưa ngài, ngài cần gì không ạ?

Tôn giả Ānanda, vẫn với tầm mắt nhìn xuống, nói rõ mục đích của mình:

- Thưa cô, vui lòng cho tôi xin chút ít nước.

Nghe “người lạ” thuộc đẳng cấp thượng lưu lại nói lời “thưa cô”, cô gái càng sợ hãi hơn:

- Cháu là kẻ thấp hèn.

- Tôi chỉ cần chút ít nước thôi.

- Cháu là dân thấp hèn, hạ liệt. Không có ai uống nước của chúng cháu cả.

- Tôi chỉ cần chút ít nước uống cho hết khát thôi. Nước là dùng để mà tắm rửa, giặt giũ, giải khát; nước có phân biệt giai cấp gì đâu, thưa cô!

.Nghe “người lạ” nói một câu kỳ lạ là không phân biệt giai cấp, cô gái bây giờ mới mạnh dạn ngước đầu lên, mới dám trả lời cho rõ ràng:

- Cháu là con gái giống nòi hạ đẳng chiên-đà-la. Nước giếng này vốn trong và ngọt, nhưng đối với những người ở giai cấp trên, họ xem nước của chúng cháu không sạch, nó dơ bẩn. Nước này chỉ có chúng cháu uống. Các giai cấp trên trước họ chê là ô uế, họ không uống đâu; cho chí rửa tay, họ cũng không dám!

- Tôi không hề hỏi cô thuộc giai cấp, đẳng cấp nào mà! Tôi chỉ xin nước uống thôi mà.

- Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này, nói đại lược là có hai giai cấp, giai cấp cao sang và giai cấp hạ liệt(1). Cháu thuộc hạng người thấp thỏi, hèn kém nhất trong xã hội loài người.

- Tôi đâu cần biết giai cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống thôi, thưa cô!

- Làm sao cháu có thể tùy tiện dâng nước cho ngài được? Cháu là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài to lớn, cao sang trong kinh thành, họ thuộc giai cấp trên trước(1). Còn những người hèn hạ như cháu, chúng cháu không có được cả cái quyền nhìn họ nữa là. Ngay cả cái bóng của chúng cháu, họ(2)cũng ghê tởm không dám dẫm lên. Khi chúng cháu đến gần, họ tránh ra xa. Nếu bắt buộc phải nhìn thấy chúng cháu, họ phải rửa mặt tẩy uế với nước tẩm hương hoa, vừa cau mày vừa than: “Thần thánh ôi! Ta vừa nhìn thấy cái gì vậy kìa! Bọn dân hạ tiện!”. Thế thì làm sao cháu dám dâng nước cho ngài được? Làm sao cháu dám đến gần ngài để dâng nước? Nếu chiếc bóng của cháu có dính trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện mất thôi!

Tôn giả Ānanda cảm thấy bất bình về định kiến tệ hại của xã hội, xót thương cho hạng tiện dân sống trong hoàn cảnh bất công, tủi nhục nên muốn nói rõ cho cô gái biết quan niệm bình đẳng giữa người và người trong giáo pháp của đức Tôn Sư:

- Tôi không để ý gì đến cái gọi là giai cấp cao và thấp ấy. Tôi chỉ biết rằng cô cũng là một con người như tôi thôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói giai cấp có thể tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác. Tôi không chấp nhận ý tưởng, quan điểm cổ hủ, mọi rợ và lệch lạc ấy. Tất cả mọi người trong chúng ta, ai cũng có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt và một cái mũi. Có thể nào mặt trời lại mọc ở phương Tây đối với người thuộc giai cấp dưới? Có thể nào mặt trời lại mọc ở phương Đông chỉ để dành cho giai cấp thượng lưu? Còn nữa, cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ thì ai cũng giống nhau, có ai khác với ai đâu? Khi ăn, bụng ai cũng đầy, cũng nở ra; khi đói thì bụng ai cũng cồn cào và nó teo tóp lại! Vậy thì họ khác nhau ở chỗ nào, thưa cô?

“Giữa con người với con người thì ai cũng giống nhau”- Prakirti nắm bắt được ngay quan điểm vượt ngoài giai cấp rất bình đẳng, rất cởi mở, thông thoáng của “người lạ”, nhưng cô cũng muốn hiểu cho rõ hơn:

- Bề ngoài thì không có gì khác nhau lắm đâu, đúng như ngài đã nói. Nhưng những người ở giai cấp trên, họ nhờ có phước báu nên mới xứng đáng sinh vào dòng dõi thượng lưu ấy được. Còn chúng cháu thì do vô phước, nhiều tội lỗi nên phải sinh vào dòng dõi thấp hèn này. Họ được diễm phúc sinh ra từ miệng, từ vai Đại Phạm Thiên (Mahā Brāhmā). Còn chúng cháu thì “bị” sinh ra từ bàn chân, gót chân của đấng ấy. Tất cả chúng cháu đều không được phép học kinh Vệ Đà. Do vậy chúng cháu ngu dốt, thấp kém, thua thiệt đủ mọi bề, mọi thứ. Chúng cháu không được đặt vào bất cứ một giai cấp nào, là hạng người ở tận cùng cái đáy của xã hội, thưa ngài.

Bây giờ thì cả hai người đã bắt đầu nói chuyện một cách khá tự nhiên. Cô gái khẽ nhìn “người lạ”, thấy ông ta đẹp đẽ và oai nghiêm quá, cô lại cúi đầu xuống, tim đập thình thình, đôi má chợt đỏ lựng lên.

Tôn giả Ānanda vô tâm không để ý, tiếp tục cuộc đối thoại, giải thích cho cô gái rõ hơn một tí nữa:

- Bậc Đạo Sư của tôi không dạy như vậy, không giảng như thế đâu. Ngài dạy rằng, tất cả chúng ta đều bình đẳng, không có giai cấp trong giọt máu và trong giọt nước mắt. Máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn. Cô có thể nghe tôi đọc câu này, là của Đạo Sư tôi dạy đó:

“No jaccā vasalo hoti

Na jaccā hoti brāhmaṇo 

Kammanā vasalo hoti 

Kammanā hoti brāhmaṇo”.

Nó có nghĩa là: Không ai sinh ra đã thành hạ tiện. Không ai sinh ra đã thành bà-la-môn. Chính do hành động, do nghiệp (kamma) mới thành hạ tiện, chính do hành động, do nghiệp mới thành bà-la-môn!

Cô gái nghe như uống cả vào lòng, mát rười rượi. Cô len lén đưa mắt ngó quanh xem thử có ai thấy không. Vừa sợ hãi vừa thẹn thùa, cô cúi xuống, với bàn tay run run, đưa gàu kề miệng bát để rót nước. Khi thấy nước vừa đủ dùng, Tôn giả Ānanda bưng bát uống một hơi dài. Sau đó, ngài còn chịu khó, dịu dàng giải thích thêm cho cô gái, đại ý là: Phải biết giá trị con người trong cộng đồng loài người, đừng tự ti mặc cảm, đừng sống theo quy định, áp đặt của xã hội; phải biết tôn trọng giá trị con người trong con người của mình, để vươn lên, để đứng thẳng, để giữ vẹn phẩm chất cao quý của con người - là như thế nào! Con người vốn bình đẳng và tự do! Không luật pháp nào, định chế nào, xã hội nào, con người nào có quyền tước đoạt cái quyền bình đẳng và tự do ấy.

Thấy cô gái im lặng lắng nghe có vẻ rất chăm chú, ngài từ tốn nói lời cám ơn cô gái rồi ôm bát bước đi.

Cô thiếu nữ sững sờ đưa mắt nhìn theo cho đến khi ngài Ānanda khuất dạng phía xa xa...

Đăm đắm nhìn theo chiếc bóng của vị sa-môn, cô gái như còn nghe văng vẳng bên tai: “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Lời nói sao mà ngọt ngào, mát dịu lạ lùng! “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Lời nói sao mà dịu dàng, khiêm tốn đến vậy! Ồ, vị này là ai, ở đâu mà vừa cao sang quý phái, vừa đẹp đẽ, đôn hậu quá chừng chừng! Chẳng lẽ không có một giếng nước nào khác ở trong kinh đô Sāvatthi này? Chẳng lẽ chỉ có nước duy nhất ở cái giếng này thôi? Tại sao người ấy lại tìm đến ngay mình đây để xin nước? Chẳng lẽ mình là người con gái duy nhất tại kinh đô Sāvatthi? Quả thật người ấy chỉ đến để xin nước, chẳng cần quan tâm rằng mình là hạng con gái thấp hèn? Lẽ ra người ấy phải biết chứ! Nhìn qua cách ăn mặc thì trẻ con cũng biết mình là dân bần cùng, hạ tiện. Người đàn ông đẹp đẽ, cao sang, quý phái, khiêm tốn, dịu dàng, khả ái kia là ai vậy kìa? Ông ta từ đâu đến? Cám ơn trời đất, thánh thần trên đầu trên cổ đã đưa người ấy đến cái giếng nước “định mệnh” này. Nhờ người ấy, tôi mới biết được rằng tôi cũng là một con người, lại là một thiếu nữ son trẻ như ai kia vậy. Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ mình không phải con người, chỉ là một động vật hạ liệt dơ dáy, là một đứa con-gái-thú-vật không hơn không kém. Ôi, gương mặt người ấy sao mà quyến rũ! Ôi, đôi mắt người ấy sao mà tràn ngập nhân từ! Ôi, dáng dấp người ấy sao mà thanh nhã, trẻ trung, sáng chói, đẹp đẽ đến vậy! Làm sao mình có thể gặp lại người ấy một lần nữa bây giờ? Làm sao mình có thể nghe lại giọng nói ngọt ngào kia một lần nữa? Sống để mà làm gì nếu không thấy lại được người ấy? Ôi, giá như ngày nào mình cũng được dâng nước cho người! Ngày nào mình cũng được nói với người ấy vài lời, vài lời thôi! Nếu người ấy lại đến, thì nhất quyết mình không để cho người ấy đi. Tôi sẽ mang người ấy về nhà và giữ rịt người ấy lại. Nếu được ngắm người ấy, mình sẽ không cần ăn, không cần uống. Cứ nhìn người ấy là đủ no rồi, đủ hạnh phúc rồi. “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Tiếng lời dịu dàng ấy đã khắc sâu vào tận đáy lòng, khắc sâu vào trái tim của mình mất rồi!

Mẹ cô thiếu nữ hạ tiện thấy con mình đi múc nước quá lâu không về, sốt ruột, bà gọi ơi ới:

- Prakirti! Prakirti! Con ở đâu? Mẹ tìm con nãy giờ sao không thấy? Con gái tôi đi đâu rồi? Đã có chuyện gì xảy đến với con thế? Con đã mọc rễ bên bờ giếng rồi hay sao vậy? Lần nào đi lấy nước cũng cứ trò chuyện mải miết với bọn con gái thôi! Prakirti! Prakirti!

- Thưa mẹ, con đây!

- Ở đâu thế?

- Ở đây! Bên giếng nước chớ đâu!

- Trời đã trưa trợt rồi. Đất đã nóng bỏng cả chân rồi đó. Tất cả con gái nhà người ta đi múc nước đều đã về cả rồi. Tại sao con còn làm gì ở đấy một mình vậy?

- Mẹ ơi, cái giọng nói kia sao mà ngọt ngào quá: “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”

- Vui lòng xin chút nước? Cái gì vậy? Cái gì nước? Ai đã xin con nước?

- Một người đàn ông trẻ trung, đẹp đẽ vô song! Ông ta có cái đầu cạo trọc, mình khoác chiếc y màu vàng, tay thì bưng bình bát. Ấy là một chàng trai thanh niên có dáng dấp thanh cao, khả ái, thưa mẹ.

- Cạo trọc đầu? Làm sao một người đàn ông trẻ, đầu cạo trọc mà có thể gọi là đẹp được? Chẳng lẽ con không biết, họ cạo trọc đầu là để mà phá tướng? Là để mà xua đuổi cái đẹp đi?

- Con không biết điều đó. Mà con cũng không cần biết, không thèm biết. Con chỉ thấy, chỉ biết người đàn ông cạo trọc ấy đẹp tuyệt trần. Toàn thân người ấy sáng rực ánh vàng như dát vàng. Cặp mắt người ấy nhân từ, dịu dàng. Phong thái người ấy thanh cao nhưng bình dị. Là hiện thân của nhân từ và bình dị đó, mẹ ơi!

- Người ấy có cùng đẳng cấp với mình không con?
- Dạ thưa có! Người ấy nói là ở cùng một giai cấp với chúng ta!

- Giai cấp gì vậy con?

- Là con người! Đều cùng một “giai cấp con người” đấy mẹ ạ!

- Chắc con lại giở trò ma lanh che giấu cái dòng hạ tiện của mình khi nói chuyện với người ta chứ gì? Biết bao nhiêu tiện dân ở xứ này không muốn để lộ thân phận nô lệ của mình cho người khác biết. Thái độ ấy thật là nhục nhã. Nếu ai trong chúng ta cũng hãnh diện, tự hào về chỗ mình đang đứng, bằng lòng cái kiếp cỏ rác hèn mọn của mình thì làm gì, có ai dám chê chúng ta là thấp hèn, là hạ liệt nữa nào! Có lẽ con không nói cho người ta biết con là con gái hạ tiện, phải không?

- Không, con có nói! Con có nói con thuộc về hạng tiện dân. Nhưng người ấy không chịu nhận như vậy. Người ấy chỉ nói hoài, nói mãi là “chỉ xin nước uống thôi”. Người ấy còn đọc một câu kệ, có lẽ là do đạo sư của người ấy dạy: “Một người trở thành bà-la-môn hay hạ tiện không phải do sinh ra mà do hành động, do nghiệp tạo thành!”

- Người ấy còn nói gì nữa không?

- Người ấy còn nói cái gì có vẻ cao siêu lắm mà con không hiểu hết ý nghĩa.

- Vậy sao? Thế con có nhớ được một câu, một đoạn nào, nói lại cho mẹ nghe xem nào!

- Không nhớ mới lạ! Nó như khắc in ở trong óc con đó!

- Vậy con nói lại đi!

- Ổng nói:“Đừng làm trái với cái bản chất tự do mà ta vốn có như là người, và là của con người. Chối bỏ bản chất người của mình, bằng cách nghĩ rằng mình có một bản chất riêng, bản chất riêng ấy là thấp thỏi, là hạ liệt, là đáng khinh miệt và không bao giờ thay đổi được. Nghĩ thế và làm thế là tai hại, là nguy hại còn hơn là giết chết bản chất thật của mình nữa. Thiếu sự tôn trọng mình là một thái độ thấp hèn còn hơn cả hủy diệt bản chất người của mình. Người ấy nói như vậy. Mọi con người sinh ra trên trái đất này đều là những con người tự do” Người ấy còn nói rằng: “Sau khi sinh ra như vậy, tự do như vậy, nhưng lần hồi tự do ấy bị thu hẹp lại vì những hàng rào chướng ngại như chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đạo sư, giáo sĩ, cổ lệ...” Thưa mẹ! Người ấy nói thấm thía quá. Lại như thắp một ngọn đèn cho cái suy nghĩ của con. Trong đầu con, bấy lâu, con cứ nghĩ về con như là một người cam chịu thấp hèn, bị ràng buộc tất định bởi tập tục xã hội, trong giáo điều đâu đó có sẵn. Con cứ nghĩ về con, thân phận của con có khác gì con chó hoang bất hạnh, sục sạo, bới móc tìm kiếm thức ăn thừa, rơi vãi nơi đầu đường, xó chợ. Người ấy đã mang ánh sáng đến cho con, mẹ ơi! Con cảm tưởng như con từ đây bắt đầu một đời sống mới. Chỉ cho đến ngày hôm nay con mới học hiểu được rằng, con là thành viên mới, là một con người trong xã hội loài người. Người ấy là ánh sáng. Người ấy là ánh sáng của con. “Vui lòng cho tôi xin một chút nước”, “Vui lòng cho tôi xin một chút nước”. Lời nói ấy sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào đến vậy hở mẹ!

- Mặc dù người ấy không muốn đề cập về hạng người ở ngoài rìa xã hội, nguyên nhân nghèo đói và sự bị nguyền rủa, bị khinh miệt của chúng ta; nhưng con ơi, mẹ biết. Con người ta sinh ra thế này hay thế kia, giàu hay nghèo, quý hay tiện đều là kết quả của hành động, đều là do nghiệp.

- Vậy những người ở đẳng cấp cao đã làm gì mà được sinh ra như vậy ?

- Họ cũng thế! Đó là kết quả của hành động, của nghiệp từ quá khứ vậy.

- Dù thế nào chăng nữa, người ấy nói với con rằng người ta không trở thành cấp cao hay cấp thấp vì sinh ra như thế. Người ấy nói: “Dù là vua chúa, dù là bà-la-môn, dù là đạo sĩ, dù sa-môn - nếu sát sinh hại vật, nếu trộm cắp của người, nếu tà dâm, tà hạnh nếu nói điều ác độc, điêu xảo, nếu rượu chè say sưa thì đều được coi là người thấp thỏi, hạ liệt hết”.

- Đúng vậy! Người ấy nói chí lý. Đó là điều mà mẹ vừa nói với con: Là kết quả của nghiệp!

- Mẹ ơi! Không phải bất cứ điều gì xảy ra cũng đổ vấy cho nghiệp cả. Con không tin. Mình là dân hạ tiện không phải vì nghiệp mà là vì xã hội đưa ra điều lệ, quy định ác độc và ngu ngốc như thế. Con không thể chấp nhận những áp đặt vô nghĩa lý ấy. Mà thôi mẹ ạ! Mình nói chuyện khác. Nói hoài chuyện ấy cũng không đi đến đâu, ai cũng đã chịu đựng, cúi đầu nhục nhã và đớn hèn từ lâu lắm rồi. Hãy nói chuyện về chàng trai xin nước. Chàng trai xin con chút nước kia có tên là gì vậy? Đó là điều mà con muốn biết. Người ấy làm gì? Con chỉ muốn biết chuyện ấy mà thôi.

- Mẹ không biết!

- Mẹ biết mà! Mẹ hay đi đây đi đó, mẹ biết mà! Dường như hồi nãy mẹ có nói chuyện với người hàng xóm?

- Ừ, thôi được rồi! Mẹ biết! Người hàng xóm thấy con nói chuyện với trai nên báo cho mẹ biết! Mẹ cũng thoáng thấy dáng dấp của ông ta rồi. Ông ta tên là Ānanda, là đệ tử của đức Phật, thuộc dòng dõi Sākya quý tộc.

- Người ấy làm gì vậy mẹ?

- Làm một vị tu sĩ. Ông ta đã từ bỏ đời sống thế tục và đã trở thành một vị tỳ-khưu!

- Ồ, mẹ ơi! Người ấy là một người đàn ông tốt nhất trên đời này. Con chẳng cần biết ông ta là ai. Con chỉ muốn được nhìn ngắm người ấy mãi hoài thôi. Con không thể sống mà không có người ấy. Con cần có Ānanda. Nếu con không có được người ấy, con sẽ nhịn đói cho đến chết. Mẹ ơi! Mẹ có học chú thuật, mẹ biết làm phù phép; vậy mẹ hãy dùng hết khả năng phù phép của mẹ để mang Ānanda đến với con. Nếu không, mẹ sẽ không bao giờ còn nhìn thấy đứa con gái độc nhất của mẹ nữa đâu. Con sẽ nhịn đói cho đến khi mẹ mang Ānanda lại cho con.

- Đức vua Kosala của chúng ta là người rất kỉnh mộ ông Cù Đàm. Đức vua đến hầu ông Cù Đàm mỗi ngày. Liệu hồn đấy! Nếu biết con yêu Ānanda, đức vua sẽ đốt nhà, đốt xóm chúng ta đó. Đức vua sẽ cấm tiệt dân hạ tiện chúng ta sống trong xứ này. Lúc ấy là chết. Con làm hại mọi người trong giai cấp thấp hèn của chúng ta đấy, con có biết không?

- Con không biết! Mẹ hãy đọc thần chú (mantra) ngay bây giờ đi. Mẹ mà đọc thần chú thì Ānanda sẽ đến ngay lập tức. Con mà không có Ānanda thì con không thể sống được đâu.

- Đức Phật là người không còn dục vọng nên thần chú của ông ta ghê gớm, cao siêu lắm. Mà Ānanda thì biết thần chú của Phật, chắc hẳn vậy. Nghe nói “Phật chú” diệt hết tất thảy mọi thần chú trên đời này! Mẹ chịu thôi!

- Được mà! Thần chú của mẹ cao diệu lắm mà! Mẹ không giúp con thì con chết!

Thấy con năn nỉ và có vẻ đau khổ quá, không cam tâm được, bà mẹ bèn gật đầu:

- Thôi được! Vì thương con, mẹ sẽ cố gắng, nhất tâm đọc thần chú cho con. Còn nước thì còn tát.

Người mẹ lúi húi lượm phân bò khô, cỏ khô, thêm củi, lá rác vào và đốt lên cho lửa rực cháy. Bà kiếm thêm hoa ở đâu đó rồi từ từ từng cánh, từng cánh rứt ném vào lửa, miệng lâm râm đọc thần chú:

“Amale, vimale, kunkume sumane, yena baddhasi vidyut icchaya devo varsati, vidyotati garjati, vismayan, Maharajasya, samabhi vardhayitum, devebhyo manushyebhyo gandharvebhyah shikigraha deva, visikhigraha grahadeva, Ānandasyagamanaya, Samgamanaya, kramanaya, grahanaya juho svaha”(1).

Trong khi người mẹ đọc thần chú nhiều lần như vậy, như ma quỷ gọi hồn, Tôn giả Ānanda ở trong tịnh xá cảm thấy đầu óc bị xáo trộn, rối loạn, không còn làm chủ được tâm trí mình nữa. Như bị ai điều khiển, ngài rời tu viện và mê man đi thẳng đến nhà mẹ con cô thiếu nữ hạ tiện. Thấy Tôn giả từ xa đi đến, người mẹ bảo cô con gái sửa soạn giường gối. Ānanda bước vào nhà, đứng lại, lặng yên. Trong mơ hồ, ngài cũng thấy cô thiếu nữ Prakirti trang điểm duyên dáng và có vẻ gì đó rất vui sướng. Tôn giả thầm biết mình đang gặp nạn, bèn nghĩ đến đức Phật, và bằng ý tưởng, ngài cầu xin đức Phật hộ trì. Bằng thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, đức Phật thấy Ānanda đang ở trong tình trạng nguy khốn, ngay tức khắc, sử dụng năng lực thù thắng của tâm, ngài đọc một đoạn mantra chuyển tải qua không gian một thông điệp siêu linh:

“Sthi racyutith sunitih svastih sarva pranibhyah sarah prasannam nirdosham prashantam sarvatobhayam itayo yatra shamyanti sarva siddhasca yoninani etena satya vakyena svasty Ānandaya bhiksave”(1).

Do “Phật chú” có năng lực thù thắng, thần chú của bà mẹ tan biến giữa hư không. Tôn giả Ānanda tỉnh trí lại, như vừa ra khỏi cơn mộng, thở ra một hơi thở nhẹ rồi cúi đầu cất bước, trở về lại Kỳ Viên tịnh xá...

Prakirti hoảng hốt khi thấy Tôn giả Ānanda bỏ đi, cô bảo mẹ làm sao cho “ông ta” quay lại.

Bà mẹ thở dài:

- Mẹ biết mà!“Phật chú” dẹp tan mọi thần chú trên đời này. Chắc Ānanda đã học chú thuật của ông Phật Cù Đàm rồi. Mẹ không có khả năng thắng họ được.

Tôn giả Ānanda thoát được nguy nạn phù phép của người mẹ, vào đảnh lễ Phật và cung kính đứng hầu một bên.

Đức Phật nói:

- Ānanda! Ông phải nghe và ghi nhớ bài kinh Sadaksara Vidyā này. Đây là bài kinh sẽ hộ trì cho tất cả Tăng, Ni cùng cận sự nam nữ hai hàng. Bài kinh Sadaksara Vidyā này đã được minh thuyết bởi sáu vị Phật, được hộ trì bởi Tứ Đại thiên vương, bởi Đại Phạm Thiên Sahampati, và bây giờ, bởi Như Lai là Sākya Muni. Vậy này Ānanda! Ông phải nhớ, phải suy gẫm cho thật kỹ. Nó là những mẫu tự kết dệt lên nhau có âm vang rất huyền bí - tuy nó có nghĩa nhưng không cần thiết phải giải thích. Hãy nghe:

“Andare pandare karande keyurerci haste svara grive Bandhumati, viramati, dhara vidha cilimile, vilodaya, visani loke visa cala golamati gandavile cili mile satimimena yatha samvibhaketa golamati ganda vilayai svaha”(1).

Rồi ngài dạy tiếp:

- Ānanda hãy ghi nhớ! Người nào đọc kinh Sadaksara Vidyā này, người ấy sẽ được gỡ thoát, được tự do nếu bị tra tấn, hành hạ. Sẽ được miễn hình, giải phóng nếu bị ai đó ra lệnh trừng phạt. Nếu người ấy khiếp sợ thì sẽ được chấm dứt mọi khiếp sợ. Này Ānanda! Người nào được kinh Sadaksara Vidyā này che chở, bảo trợ sẽ không bao giờ bị một năng lực nào vùi dập, bức hại được - ngoại trừ kết quả của nghiệp kiếp trước đã gieo.

Tôn giả Ānanda thoát khỏi sự phù phép của mẹ cô gái. Nhưng Prakirti, cô thiếu nữ kia, vẫn cứ thầm yêu trộm nhớ ngài không nguôi khuây được.

Một ngày nọ, theo thường lệ, Tôn giả Ānanda đi trì bình khất thực, cô Prakirti cứ lẽo đẽo theo sau. Ānanda biết là nguy hiểm, không đi khất thực nữa, bèn quay về lại tịnh xá, trình bày lại với đức Phật chuyện ấy. Cô thiếu nữ theo gót chân Tôn giả cũng đã đến Kỳ Viên, tần ngần đứng ở trước cổng. Đức Phật cho gọi cô vào.

Đức Phật hỏi:

- Có thật là cô cứ đi theo sát sau lưng Ānanda?
- Bạch Thế Tôn, dạ đúng thế đó! Con có đi theo bên sau vị ấy.

- Tại sao?

- Bạch Thế Tôn! Con muốn Ānanda làm chồng của con.
Đức Phật mỉm cười:

- Thế cha mẹ của cô có bằng lòng như vậy không ?

- Dạ thưa, cha mẹ con chấp thuận.

- Vậy cô hãy mời hai vị đến đây.

Prakirti về nhà, nói với cha mẹ rằng đức Phật muốn gặp hai người. Lát sau, cô đi cùng với song thân đến Kỳ Viên tịnh xá.

Đức Phật hỏi họ:

- Cô con gái rượu của hai ông bà nói là muốn có Ānanda làm chồng. Hai vị có đồng ý không?

Cha mẹ cô thiếu nữ thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con bằng lòng. Con gái chúng con nói rằng nó không sống được nếu không có Tôn giả Ānanda. Nó nói là nó sẽ nhịn ăn cho đến chết nếu không có được vị ấy.

Đức Phật gật đầu:

- Được rồi. Hai vị có thể an tâm đi về nhà, để Prakirti ở lại đây, Như Lai sẽ sắp xếp mọi chuyện.

Cha mẹ cô gái đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Đức Phật bèn quay qua hỏi cô gái:

- Trong kinh thành Sāvatthi này cô muốn bao nhiêu chàng thanh niên cũng có. Cớ sao cô chỉ yêu thương mỗi một mình Ānanda thôi?

- Con thích Ānanda lắm lắm. Con yêu Ānanda nhiều nhiều, rất nhiều. Ôi! Lòng con sáng lấp lánh lên vì chàng. Trái tim con rất ấm áp khi có chàng. Con học được cách suy nghĩ tự do là nhờ chàng. Cũng nhờ chàng mà con hiểu rằng con là một con người, là một thành viên trong cộng đồng nhân loại. Chính chàng đã làm cho con biết con cũng có được mọi tự do, mọi quyền lợi mà bất cứ người nào cũng phải có, Trong lúc con bị xã hội ruồng bỏ, gạt bỏ, xô đẩy xuống tận đáy xã hội, hành hạ với tùy tiện đòn roi đánh đập của bọn cấp cao trên trước, y như một con chó hoang, một con chó dại; chính chàng là người duy nhất dạy cho con hiểu rằng, ý thức được rằng, con cũng là một con người bình đẳng trong chủng tộc loài người. Bởi vậy, chàng là ánh sáng của con, cuộc đời mới của con. Con không thể sống được nếu không có chàng. Mắt con tràn đầy ơn phúc khi nhìn thấy chàng. Giọng nói chàng ấm áp bên tai của con. Ôi! Chàng nhìn con dịu dàng xiết bao! Lời nói nhân từ của chàng đã khắc sâu vào trái tim con. Con phải có chàng, bạch Thế Tôn

- Được rồi. Như Lai sẽ cho cô Ānanda. Nhưng cô phải làm theo lời Như Lai nói.

- Con làm bất cứ điều gì cũng được hết, nếu Thế Tôn cho con Ānanda.

- Nếu cô muốn Ānanda, cô cũng phải mặc cái gì như Ānanda đã mặc. Ānanda cạo trọc đầu, cô cũng phải cạo trọc đầu. Ānanda khoác y vàng, cô cũng phải khoác y vàng. Nếu cô làm được những việc đó, cô có thể có Ānanda.

- Bạch Thế Tôn, con sẽ chạy về nhà và sẽ trở lại đây ngay tức khắc sau khi làm những điều mà Thế Tôn bảo.

Prakirti chạy về nhà, kể lại mọi sự việc cho bà mẹ nghe. Người mẹ mắng cô. Prakirti khóc. Cô nhịn đói.

Người mẹ la rầy cô mà lòng vô cùng thương cảm:

- Con ơi, con điên rồi sao? Con nhịn ăn cho đến khi chết hay sao?

- Xin mẹ hãy cạo đầu cho con. Mẹ không làm, con sẽ chết thôi.

- Con điên rồi! Rồi bà cố gắng khuyên lơn con gái - Con ơi! Người phụ nữ đẹp nhất là ở nơi mái tóc. Cạo trọc đầu rồi thì nhan sắc còn đâu nữa! Con đui mù rồi hay sao? Có gì làm người phụ nữ xấu xí hơn bằng cái đầu trọc lóc? Ôi! Nếu tóc con bị cắt, nếu đầu con bị gọt, con sẽ xấu xí, dị hợm như thế nào chăng? Trong kinh thành Sāvitthi này có cô thiếu nữ nào đẹp bằng con đâu? Mẹ sẽ tìm cho con một chàng trai khác, xứng đáng hơn. Một tấm chồng đẹp hơn. Đừng nóng nảy, vội vàng con ạ. Hãy chịu đựng, kiên nhẫn thêm một thời gian nữa. Hãy suy nghĩ cho kỹ đi! Còn đẹp đẽ, xinh xắn gì nữa nơi một người con gái bị gọt tóc như đầu con cá lóc! Con ơi! Đừng ngu ngốc, điên dại nữa! Hãy tỉnh cái thần hồn lại đi!

- Không! Mẹ nói gì thì nói, con không muốn bất cứ một ai khác. Con chỉ muốn Ānanda, chỉ thích Ānanda, chỉ yêu mỗi một Ānanda thôi! Đối với con, chàng là tuyệt đẹp. Chàng là đệ nhất trên trần đời này! Mặt chàng sáng rực như vàng. Con thích quá cái mắt hòa ái chàng nhìn, cái giọng ngọt ngào chàng nói, cái dáng uy nghiêm chàng đi. Trên cái cõi châu Diêm-phù-đề này, con không muốn bất kỳ một ai khác, ngoài chàng Ānanda của con.

Người mẹ gật đầu, nói:

- Thôi được rồi, con ăn đi.

- Không, con sẽ nhịn đói cho đến khi nào mẹ gọt tóc cho con.

Prakirti tuyệt thực cả mấy hôm sau đó. Sợ cô chết, mẹ cô đành phải chiều ý, cạo tóc cho con gái.

Xong xuôi, người mẹ như nói lẫy:

- Rồi đó! Hãy lấy gương trông thử xem, bây giờ con giống cái gì nào? Đúng là một ni cô xấu xí, xúi quẩy! Chắc chắn ai ai cũng sẽ thất vọng về con. Đây là mưu chước tài tình, trí xảo của ông Cù Đàm, thầy của Ānanda đó. Chẳng có ai trở về nhà sau khi bị ông Cù Đàm ấy dụ dỗ, lừa gạt. Quả là đáo để, ngoài “Phật chú”, ông ta còn có cả phép thôi miên nữa đấy.

Prakirti cười khì:

- Điều đó chẳng quan hệ gì. Con bất cần tất cả nếu có được Ānanda. Con bất cần nếu phải đi xin ăn ngoài đường cùng với chàng. Mẹ ơi! Con xin cảm ơn mẹ! Con chạy vù đến tịnh xá Kỳ Viên ngay bây giờ đây! Chào mẹ! Chào mẹ yêu quý của con!

- Con đi đi! Người mẹ gắt, lớn giọng - Rồi con xem việc gì sẽ xảy ra.

Cô thiếu nữ Prakirti đầu trọc đi đến tịnh xá Kỳ Viên, mình đắp y vàng. Cô đảnh lễ Phật rồi chắp tay đứng hầu một bên. Hàng trăm vị sư, trong đó có Ānanda, đang ngồi quanh Phật.

- Kính lễ Thế Tôn! Cô gái thưa - Con đã làm y như lời Thế Tôn dạy bảo, xin ngài hãy giữ lời hứa, trao Ānanda cho con.

Đức Phật nói:

- Tốt lắm! Con bây giờ xứng đáng để nhận Ānanda. Trước khi Như Lai trao Ānanda cho con, con hãy trả lời Như Lai một vài câu hỏi.

- Xin Thế Tôn cứ hỏi.

- Cái gì nơi Ānanda làm con yêu thích? Cái vẻ bề ngoài của ông ta? Khuôn mặt của ông ta? Cặp mắt của ông ta? Cách nói của ông ta? Dáng đi của ông ta? Cái gì ở nơi ông ta vậy?

- Đối với con, khuôn mặt Ānanda là tuấn mỹ. Mũi cao thẳng, đẹp đẽ. Mắt hiền dịu, dễ thương. Tai có vành tai tròn sáng, như có lực hút, hấp dẫn. Giọng nói ngọt ngào như mật. Tư tưởng đúng đắn, cao thượng, chính đại quang minh, hợp với lẽ phải muôn đời. Toàn bộ dáng dấp bề ngoài đều gợi cảm, quyến rũ. Con gái trên đời này mà không đắm đuối nhìn Ānanda thì người ấy không có con mắt, không xao xuyến rung động bởi Ānanda thì người ấy không có trái tim! Sự thật như vậy đó! Con yêu tất cả “vẻ người” diệu mỹ của chàng.

Đức Phật chậm rãi, điềm đạm nói:

- Con xem thân hình Ānanda là đẹp, có phải thế không? Da dẻ Ānanda vàng sáng như ngọc chuốt, có phải thế không? Nhưng mà này con! Nếu da của ông ta bị thương tích, da đó sẽ chảy máu. Nếu không chữa lành thì da đó sẽ sưng tấy lên. Nó sẽ đau. Nó sẽ mưng lên. Rồi nước mủ sẽ rỉ ra. Cái mà con nói là đẹp ấy, nó chỉ là cái bề ngoài mà con thấy, giới hạn nơi cái lớp da bọc ngoài mà thôi. Như vậy, vẻ đẹp hay vẻ gợi cảm, quyến rũ chỉ đều là do cái nhìn về bề ngoài da thịt. Nhưng nếu da của một người bị lột ra thì chẳng ai thèm nhìn người đó nữa. Nếu cái gì ở bên trong thân thể bị lật ra bên ngoài thì lũ chó và lũ quạ sẽ đến tấn công, chụp giựt, cắn xé; phải cầm gậy gộc đuổi đánh chúng đi. Thân thể đó không phải được làm bằng ngọc trai, vàng hay bạc. Cũng không phải thiết kế bằng đá quý, san hô. Cái tạo nên thân thể đó được làm bằng xương, da, gân, thịt, máu, đờm, dãi, nước tiểu, nước bọt, phân... Thân thể ấy không đáng giá gì cả khi con nhìn nó. Nếu nhìn vào thực chất của nó, con sẽ thấy nó đáng ghê tởm xiết bao! Ai là người không có trí thì tưởng rằng nó là đẹp. Thực chất thì nó vô thường như bọt nước, như bong bóng, tan biến như ánh chớp, huyễn ảo như ma thuật, như giấc mộng. Thân thể là phù du, không chắc thật, xảo dối. Nó giống như một chiếc bao chứa đầy đồ phế thải dơ uế. Khi nó bệnh tật, ta trở thành kẻ thù của chính ta. Nếu ta nhịn ăn uống một ngày, nếu ta không tắm rửa một ngày, nếu ta không súc miệng một ngày, ta sẽ thấy chính ta là đáng kinh tởm xiết bao. Tất cả những gì kinh tởm chúng sẽ tứa ra ngoài thân. Thân thể là nơi nương tựa của bệnh tật, của buồn rầu, của sợ hãi, của khổn nguy. Không một ai có thể biết là mình sẽ chết hôm nay hay ngày mai. Đồ phế thải dơ uế của thân thể ta làm chính ta phải ghê sợ, tởm lợm. Thân thể ta là nhà chứa của ghê sợ, tởm lợm. Ta không thể mang cái thân này đi theo được. Ta không thể cho ai cái thân này được. Bộ xương này gồm ba trăm đốt, không tính răng. Các đốt xương được nối kết lại với nhau nơi một trăm tám mươi khớp. Thịt được cột chùm lại nhờ chín sợi gân máu. Chín trăm mảnh thịt bám chặt vào gân. Toàn thể bộ xương được da bao quanh, cho nên ta không thấy gì bên trong. Da được đánh bóng nhờ những sợi tơ li li đan kết lại. Thân này có hàng triệu lỗ chân lông. Đồ phế thải dơ uế tứa ra ngoài thân như mỡ đọng nơi vành chảo, miệng nồi. Đó là trú cư của hàng triệu triệu con trùng. Đó là nơi than khóc, tóc tang chọn làm chỗ ẩn náu. Đó là bì da chứa đồ phế thải dơ uế qua chín lỗ thoát hơi... Khi hơi thở lìa khỏi thân này, ai cũng sợ hãi, ngay cả sờ lên đấy cũng thấy kinh! Chỉ vài ngày sau, nó bốc mùi thối hoắc bởi đồ phế thải rỉ ra. Yêu thương cái xác chết này hay yêu thương cái xác chết nọ thì nào có gì khác nhau đâu? Tình yêu là do sự thèm muốn, khao khát mà có. Ở đâu không có thèm muốn, khao khát, ở đấy không còn ham mê, đắm đuối. Ở đâu có tình yêu thân xác, ở đấy tất có sầu buồn đau khổ. Từ ngày con bắt đầu yêu thương Ānanda, con đã chứng nghiệm trong lòng mình bao nhiêu là buồn khổ, khóc lóc, thở than, bỏ ăn, bỏ ngủ, suy nhược, kiệt lả... cả thân lẫn tâm - lẽ ra con phải tự biết chứ? Tất cả những điều đó đâu có phải là hạnh phúc chân thật để cho con phải mất công tốn sức tầm cầu, cưu mang, ấp ủ? Bây giờ, con hãy suy nghĩ cho thật kỹ với trí thông minh của con, nhìn xem thử lại, quan sát kỹ lại cái thân thể của ông Ānanda có phải là cái gì đáng cho con phải mê, phải mệt, phải tương tư, thầm yêu, trộm nhớ không? Hãy nói cho Như Lai nghe thử nào?

Prakirti càng nghe đức Phật nói chừng nào, sự thật càng được phơi bày chừng nào, cô càng kinh khiếp, ghê sợ chừng đó do căn tu nhiều đời. Cứ thử tưởng tượng thôi, là cô cứ muốn nôn ọe...

Cô chợt quỳ sụp xuống:

- Ôi, bạch đấng Giác Ngộ! Quả thật là con đã thấm thía quá sức rồi! Quả thật là con đã thấy được sự thật qua lời giảng dạy cặn kẽ, sâu sắc của ngài rồi. Con đã thấy thực chất những cái gì dơ uế nơi thân thể của Tôn giả Ānanda qua lời mà ngài vừa đặc tả. Lòng con chợt nhẹ bổng, nhẹ thênh thênh sau khi nghe thời pháp vi diệu của Thế Tôn. Con đã tận tường, thông suốt mọi điều, mọi lẽ rồi; chẳng có gì có thể che giấu, dối gạt con được nữa.

Đức Phật lại mỉm cười:

- Nếu thật là như vậy, Như Lai sẽ thực hiện lời hứa trao Ānanda cho con. Bây giờ con có thể đi về nhà cùng với Ānanda!

Prakirti vái lạy lia lịa:

- Ồ không! Bạch đấng Giác Ngộ! Con không cần chàng nữa, con không cần Tôn giả Ānanda kia nữa. Lời dạy thâm sâu, cao diệu, nhất là hiện thực và cụ thể của Thế Tôn đã chữa lành tâm bệnh của con, đã chữa lành sự ngu ngốc, điên loạn của con rồi. Bây giờ, con không còn là cô thiếu nữ mê muội sống theo ước vọng điên cuồng như vậy nữa. Tất cả cơn đam mê đã lìa khỏi tâm của con rồi. Xin Thế Tôn rủ lòng bi mẫn thâu nhận con vào ni đoàn của ngài.

Đức Phật mỉm nụ “tiếu sanh tâm” nhè nhẹ gật đầu:

- Đoàn thể tăng ni của Như Lai sâu rộng như biển lớn. Bao nhiêu con sông như Gaṅgā, Yamuna, Aciravati, Sindhu, Godhavati - tất cả chúng đều chảy vào biển, trộn chung, tan hòa lại với nhau, chẳng còn phân biệt nước của con sông này với nước của con sông kia, tất cả chỉ còn một tên gọi chung là biển. Cũng vậy, Như Lai không phân biệt người thấp hèn hay cao sang, chủng tộc, giai cấp hay xứ sở, ai cũng có thể bước vào đoàn thể tăng ni của Như Lai được cả. Khi vào, tất cả những gì khác biệt trước đây đều tan biến, mọi người cùng sống với nhau như con chung một cha, là huynh đệ, là tỷ muội trong một đại gia đình yêu thương và bình đẳng. Tất cả đều trở thành là “Con của Phật”, là Phật tử hay Thích tử. Bởi vậy, không có gì cản trở con gia nhập giáo chúng ni đoàn.

Thế rồi, cô được gia nhập ni đoàn và không lâu sau đó tỳ-khưu-ni Prakirti trở thành một vị A-la-hán.

Tin đồn về đức Phật thâu nhận một cô gái hạ tiện vào ni đoàn lan rộng ra khắp nơi nhanh như gió thổi. Tất cả giới tướng lãnh, bà-la-môn, phú gia và quý tộc của kinh thành Sāvitthi thảy đều bàng hoàng, rúng động. Họ tự hỏi làm sao một phụ nữ hạ tiện, khi trở thành ni cô, có thể đi vào nhà của một người sinh ở giai cấp trên trước; làm sao một người sinh ở giai cấp trên trước có thể đến gần “cô ni” ấy, làm sao “cô ni” ấy có thể nhận thức ăn khất thực từ người sinh ở giai cấp cao hơn?

Họ đến thưa chuyện với đức vua Kosala. Đức vua khen thầm thái độ quang minh chính đại của Phật khi ngài muốn phá bỏ hàng rào các giai cấp, tôn trọng sự tự do và bình đẳng, nhưng cũng cùng với một đoàn tùy tùng gồm những người thuộc giai cấp thượng đẳng thân hành đến bái yết ngài.

Đức Phật gọi tỳ-khưu-ni Prakirti, tôn giả Ānanda và tất cả tăng ni đến quanh ngài, rồi ngài hỏi vua và mọi người có muốn nghe kể chuyện kiếp trước của Prakirti không. Ai cũng muốn nghe.

Rồi đức Phật bèn kể:

“Trong một kiếp quá khứ, bên bờ sông Gaṅgā, có một vị thủ lãnh giai cấp hạ tiện tên là Trishanka. Ông ta có một người con trai tên là Shardula Karna dung mạo tuấn tú, kiến thức sâu rộng, học hết ba bộ kinh Vệ Đà. Khi thanh niên ấy đến tuổi lập gia đình, người cha đến nhà người bà-la-môn có tên là Pushkaar Shari để cầu hôn con gái ông ta cho con trai của mình. Người con gái ấy tên là Prakirti. Người bà-la-môn tức giận, cho việc cầu hôn ấy là một sự lăng mạ, sỉ nhục. Người thủ lãnh giai cấp hạ tiện cố gắng đem hết lý lẽ ra để giải thích rằng phân biệt giai cấp như vậy là không đúng, ai cũng là con người cả. Người cha bà-la-môn Pushkaar Shari lấy làm hài lòng bởi lời giải thích có lý có tình, đúng với sự thật của vị thủ lãnh nên chấp thuận gả con gái của mình cho con trai của ông ta.

Cô thiếu nữ Prakirti xinh đẹp của người bà-la-môn giai cấp thượng lưu kia bây giờ chính là tỳ-khưu-ni Prakirti bây giờ đây. Con trai của vị thủ lãnh giai cấp hạ tiện, hiện nay chính là Ānanda. Và, Như Lai chính là thủ lãnh Trishanka giai cấp hạ tiện của kiếp trước đó vậy”.

Sửng sốt, ngạc nhiên và thú vị bởi câu chuyện hay, đức vua Kosala và tùy tùng lãnh hội được bài học, đảnh lễ Phật rồi ra về.



(1)Ý cô gái muốn nói, 4 giai cấp xã hội là cao quý, cao sang - còn cô không được phép ở trong một giai cấp nào cả, là kẻ nô lệ, là hạng thấp hèn nhất, nếu được gọi là giai cấp thì là giai cấp hạ liệt nhất.

(1)Là giai cấp bà-la-môn (tu sĩ, các giáo chủ, các thầy tư tế); sát-đế-lỵ (vua chúa, tướng lãnh, chiến sĩ); vệ-xá (thương gia, chủ nghiệp đoàn, giai cấp thợ thầy các ngành nghề...); riêng thủ-đà-la là giai cấp lao động chân tay).

(2)Đa phần bà-la-môn mới kỳ thị khắc nghiệt như thế - ba giai cấp còn lại cũng chừng mực thôi.

(1)Chú Saṅskrit này không tìm thấy nguồn Pāḷi tương đương.

(1)Như chú thích trang trên.

(1)Không tìm thấy đoạn kệ tương đương trong tạng Pāḷi.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/07/2013(Xem: 6617)
The mystery surrounding the bones of the Buddha dates back more than 100 years ago, when colonial estate manager William (Willie) Peppe and his workers began digging at a mysterious hill in Northern India. Peppe had no idea what they’d find just a little more than 20 feet down. They unearthed an astonishing discovery: a huge stone coffer, containing five reliquary jars, more than 1,000 separate jewels – carved semi-precious stones and gold and silver objects – and some ash and bone. One of the jars bore a Sanskrit inscription which, when translated, stated the jar contained the remains of the Buddha himself.
27/06/2013(Xem: 2930)
Một thời đức Phật ngự tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt nước Ma Kiệt. Bấy giờ trong thành có một Trưởng giả giàu có tên Thi Lợi Quật, ông chỉ gần gũi các Ni Kiền ngoại đạo, và không để ý đến Phật pháp.
01/06/2013(Xem: 8013)
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Vesak là lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc đời Đức Phật: ngày Đức Phật Đản sinh, ngày Đức Phật Thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết-bàn.
21/05/2013(Xem: 2912)
Năm 623 trước Dương lịch, vào ngày trăng tròn tháng năm, tức ngày rằm tháng tư Âm lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) xứ Ấn Độ...
18/05/2013(Xem: 7177)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
25/04/2013(Xem: 3158)
Mục đích của tâm lý trị liệu là để chữa trị, thoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của những người đang bị dày vò bởi nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống, hay những người được chẩn đoán là đang mắc bệnh tâm thần. Về điểm này, một số câu hỏi sau đây vẫn chưa có sự đồng thuận: tâm lý trị liệu là gì, bệnh tâm thần là gì, kỹ thuật chữa trị ra sao, mục đích để làm gì, làm thế nào để chữa lành bệnh, hoặc phương pháp này hữu hiệu ra sao. Nói cách khác, bằng cách đặt những câu hỏi ấy, chúng ta đòi hỏi sự xác nhận vị trí của phương pháp này trong hệ thống tâm lý trị liệu của phương Tây.
22/04/2013(Xem: 7720)
Ròng rã bốn mươi chín năm đức Phật thuyết pháp, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Vì thế, kinh Phật đã phân chia ra “Liễu nghĩa” và “Bất liễu nghĩa”.
10/04/2013(Xem: 9274)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 18746)
Lời giới thiệu của người dịch : Tỳ Kheo Bodhi sinh năm 1944 tại Brooklyn, NewYork. Ngài là một học giả Phật giáo uyên thâm nổi tiếng khắp thế giới qua các công trình dịch thuật và sáng tác của Ngài.
08/04/2013(Xem: 9475)
Cuộc đời hoằng pháp của Đức Thích Ca được nhân loại chiêm ngưỡng, khảo nghiệm dưới nhiều góc độ: giải thoát học, tôn giáo học, khoa học, triết học, sử học... Song, tất cả đều có chung một mẫu số rằng: "Suốt 25 thế kỷ qua, Đức Phật, người sáng lập ra đạo Phật ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]