Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Kinh Đại Không

27/11/201309:29(Xem: 25868)
02. Kinh Đại Không
mot_cuoc_doi_tap_5
Kinh Đại Không


Hôm sau, ngồi thiền từ dưới một cội cây, đứng dậy, đức Phật lặng lẽ rời trú xứ của mình sang tịnh xá Sākya Kāla-Khemaka, thấy chư tỳ-khưu lác đác ngồi thiền hoặc kinh hành nơi một số mái che, nơi một vài gốc cây; còn đa phần đi đâu vắng cả, nhưng tại giảng đường thì được sắp đặt hằng trăm tọa cụ rất ngay hàng thẳng lối. Đức Phật mỉm cười trong tâm rồi lại bộ hành sang tịnh xá Sākya Ghaṭāya, cũng thưa thớt người, lại thấy tôn giả Ānanda đang cặm cụi vá y nơi một góc giảng đường.

Ngồi trên bảo tọa đã được soạn sẵn, đức Phật hỏi:

- Mọi người đi đâu vắng cả, Ānanda?

- Đa phần chư vị tìm một cội cây, một góc rừng vắng, một triền núi, một bờ suối, một hang cốc tịch liêu nào đó xung quanh các khu rừng lân cận để tu tập định thiền hay tuệ thiền, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy là tốt! Vậy là đúng! Thế còn những tọa cụ được sắp đặt sẵn sàng đâu ra đó tại tịnh xá Sākya Kāla-Khemaka là tại làm sao vậy?

- Thưa, cũng tương tợ vậy! Đa phần họ đi tìm chỗ thích hợp để tu tập đề mục tâm từ mà đức Thế Tôn vừa giảng dạy, vừa khuyến khích ngày hôm qua! Còn tọa cụ được chư tỳ-khưu sắp đặt sẵn là để chuẩn bị nghe pháp khi nào đức Thế Tôn tùy nghi ghé sang lúc có thì giờ phải lẽ.

- Ừ! Vậy là đáng khen!

Rồi tiện thể đức Phật nói tiếp:

- Tại sao Như Lai bảo vậy là tốt, là đúng, là đáng khen, này Ānanda? Vì có hai hạng tỳ-khưu: Một hạng tỳ-khưu làm cho sáng chói khu rừng giáo pháp, một hạng tỳ-khưu thì làm cho tối tăm khu rừng giáo pháp.

Thế nào là hạng tỳ-khưu làm cho tối tăm khu rừng giáo pháp? Ấy là những vị tỳ-khưu ưa đám đông, ưa hội chúng, quen với bầy đàn, thích tán gẫu, thích ngồi lê đôi mách, thích ồn ào đấu láo chuyện trên trời dưới đất, rỗng không, phù phiếm. Hạng tỳ-khưu ấy không thể nào rời xa chỗ đông người, không thể sống một mình ở nơi xa vắng. Với họ thì có thể nào đắc thiền, đắc định tùy theo ý muốn, không khó khăn, không mệt nhọc? Họ có thể nào an lạc trong sự an lạc của bậc ẩn sĩ? Họ có thể nào an lạc trong vô dục? An lạc trong hạnh khước từ? An lạc trong cô đơn, quạnh vắng? An lạc tĩnh giác? An lạc vô sản, bần hàn? An lạc không sanh tử? Đối với những an lạc thù thắng ấy, sự kiện như vậy có thể xảy ra không đối với hạng tỳ-khưu kia, này Ānanda?

- Thưa, không thể! Đúng là họ sẽ làm cho tối tăm khu rừng giáo pháp!

- Nhưng này Ānanda! Ngược lại, tỳ-khưu nào thích sống một mình, xa lánh đám đông, không ưa tụ hội thì vị ấy có hy vọng đắc thiền, đắc định dễ dàng tùy theo ý muốn không, này Ānanda?

- Thưa, có thể!

- Và họ có khả năng thành tựu những an lạc thù thắng của bậc ẩn sĩ không, này Ānanda?

- Thưa, có thể!

- Và đấy là hạng tỳ-khưu làm cho sáng chói khu rừng giáo pháp, này Ānanda!

- Thưa vâng!

- Còn nữa, này Ānanda! Hạng tỳ-khưu làm sáng chói khu rừng ấy có thể chứng đắc và an trú với tâm giải thoát từng phần khá thoải mái hoặc giải thoát không có hạn kỳ và bất động; sự kiện ấy có thể xảy ra được không?

- Thưa, có thể!

- Còn hạng tỳ-khưu làm cho tối tăm giáo pháp thì có thể thành tựu được như vậy không?

- Thưa, không thể!

- Tại sao?

- Bởi vì những cái mê đắm, vui thú, thích khoái phù phiếm của họ!

Đức Phật gật đầu:

- Phải rồi! Như Lai chưa từng thấy bất cứ một pháp nào, một trạng thái nào có vui thú, có mê đắm, có thích khoái, hoan lạc... thường chịu sự biến đổi, thay đổi, chuyển dịch, đổi khác mà lại không đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, này Ānanda!

- Thưa vâng! Thưa, đúng là như vậy!

- Sự an trú bất tử, giải thoát toàn diện và toàn vẹn đã được Như Lai giác ngộ là nhờ vào đâu, Ānanda biết không?

- Xin đức Thế Tôn chỉ giáo?

- Là nhờ Như Lai đã “an trú nội không”(1)với tất cả tướng. Nói cách khác, khi an trú nội không thì tâm không dính mắc bất kỳ một tướng nào, một sắc pháp nào, một trạng thái tâm lý nào! Nói một cách khác nữa, cái gì phát sanh vui thú, đam mê, thích khoái, hoan lạc phải quán chiếu như thật tướng vô thường, vô ngã của chúng, này Ānanda!

- Thưa vâng!

- Còn nữa, khi Như Lai an trú “nội không” như vậy, nếu có tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ, quốc vương, đại thần, các gia chủ, ngoại đạo... đến yết kiến, hỏi đạo, vấn đạo, thì tâm Như Lai vẫn rỗng không, không dính mắc để tiếp chuyện với họ, đối thoại với họ hầu hướng dẫn, khích lệ họ tu tập.

Do vậy, này Ānanda! Có vị tỳ-khưu nào sau khi nghe Như Lai thuyết giảng như thế, bèn khởi lên ý nghĩ: “ Nếu nội không là không tất cả tướng, là không tất cả sắc pháp, là không tất cả trạng thái, thì ta phải an trú tâm như vậy”. Và nếu muốn an trú “nội không” như vậy thì đầu tiên vị tỳ-khưu ấy phải làm sao, này Ānanda?

- Thật không dễ dàng gì cho một vị tỳ-khưu còn nhiều kiết sử, tham sân, phiền não mà có thể tức khắc đi vào an trú “nội không” được, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy thì họ phải làm sao?

- Đầu tiên là họ phải viễn ly hội chúng, xa lìa đám đông đầy nhiệt não, lựa tìm một cội cây, một ngôi nhà trống, khởi tâm chuyên nhất để đi vào các định an chỉ, bạch đức Thế Tôn! Nói cách khác, chi tiết hơn, họ phải ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ(1). Vị tỳ-khưu đối với thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm nhuần một cách sung mãn; hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn. Cũng như một người tắm gội, đựng đầy bột tắm rồi đổ nước vào khuấy rất đều cho nổi bọt lên, thấm ướt thấm nhuần khắp tất cả, sung mãn, trong ngoài kín đáo không có chỗ nào rỉ ra. Rồi nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ. Rồi tam thiền, ly hỷ, trú lạc. Rồi tứ thiền, chỉ còn xả và nhất tâm. Đến đây nội tâm mới lắng dịu tất thảy kiết sử phiền não, được hoàn toàn thanh tĩnh; và cũng từ đây, từ căn cứ địa này, vì tỳ-khưu mới có thể bước qua quán chiếu “nội không”, bạch đức Thế Tôn!

- Nghĩa là sao, này Ānanda?

- Thưa, nghĩa là cho dù vị ấy có đạt hỷ, đạt lạc, đạt xả, đạt thuần tĩnh nhất tâm, vị ấy cũng phải “tác ý không” với tất cả chúng; có nghĩa là vị ấy đừng hân hoan, đừng thích thú, đừng đắm chìm vào các trạng thái hỷ, lạc, xả và thanh tịnh ấy; và cũng đừng chấp trước cả “nội không” ấy; chỉ cần ý thức rõ ràng, thấy biết rõ ràng, ghi nhận chúng đúng như thực tướng!

- Thực tướng ấy có nghĩa là sao, này Ānanda!

- Thưa, thực tướng ấy là vô thường vô ngã; vì vô thường vô ngã nên không; đấy là “sự thật tánh không” của tất cả pháp!

Đức Phật mỉm cười:

- Ông đã nắm bắt được cái tinh yếu, cái cốt lõi của vấn đề. Thế còn “ngoại không”? Ông có thể tư duy liên hệ giáo pháp để nói về “ngoại không” được chăng, này Ānanda?

- Nếu “nội không” là quán chiếu như thực tướng các pháp đối tượng của ý thức, thì “ngoại không” là quán chiếu như thực tướng sắc, thanh, hương, vị và xúc là đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân! Và nếu thế thì khi mắt nhìn thấy gì, tai nghe âm thanh gì, mũi ngửi gì, lưỡi nếm gì, thân xúc chạm gì phải ghi nhận cho rõ ràng, phải thấy biết như thực tướng cái “tánh không” của chúng, tương tự như “nội không” vậy, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật lại mỉm cười:

- Khi ngồi định bất động thì quán nội không, khi giao tiếp lăng xăng với ngũ trần thì quán ngoại không; thế có trường hợp nào quán “nội, ngoại không” chăng, này Ānanda?

- Thường thường, luôn luôn; vì trong ngoài duyên khởi, tâm cảnh duyên khởi; vì duyên khởi nên “không”, bạch đức Thế Tôn!

- Đúng vậy, này Ānanda! Một vị tỳ-khưu khi đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, suy nghĩ... phải thường trực quán chiếu, “an trú nội, ngoại không” thì những tham, những ưu, những bất thiện pháp, những phiền não sẽ không chảy lọt vào tâm được.

- Đệ tử hiểu! Khi đi, đứng, ngồi, nằm nếu quán chiếu nội, ngoại không thì dễ thực hiện, nhưng “nói năng, suy nghĩ” thì nó lại khác. Tại sao vậy? Ví dụ, khi “nói năng” thường phải sử dụng ngôn ngữ khái niệm, mệnh đề, cú pháp đều phải có tư duy lập trình; đôi khi phải sử dụng dụ ngôn, ẩn ngôn, đoản ngôn, ví dụ, lập luận, hình ảnh... rất là phức tạp, khó quán chiếu “nội, ngoại không” được. Vậy thì có cách nào, hàng rào nào để ngăn giữ bớt những nói năng không cần thiết, dễ rơi vào mịt mù khái niệm, rỗng không khái niệm, phù phiếm khái niệm chăng, bạch đức Đạo Sư!

- Có chứ, này Ānanda! Phải có hàng rào ngăn giữ, phải biết tự giới hạn là nên nói cái gì và không nên nói cái gì! Vậy khi muốn nói gì đó, ta phải lập tâm trước, như sau: Ta sẽ không nói những câu chuyện hạ liệt, đê tiện, thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn! Đại loại đấy những câu chuyện vô ích, tầm phào, những câu chuyện không phải của sa-môn: Như câu chuyện nói về hoàng cung, vua chúa; câu chuyện về ăn trộm, cướp giật; câu chuyện về đại thần, quan lại; câu chuyện về binh lính, vũ khí; câu chuyện về khủng bố, bạo loạn hãi hùng; câu chuyện về động binh, chiến tranh; câu chuyện về thức ăn, vật uống; câu chuyện về xiêm áo, vải vóc; câu chuyện về giường nằm, ghế ngồi; câu chuyện về chuỗi hoa, tràng hoa; câu chuyện về hương liệu, phấn son; câu chuyện về bà con, quyến thuộc; câu chuyện về xe ngựa, xe bò; câu chuyện về xóm làng, thôn bản; câu chuyện về thị tứ, đô thành; câu chuyện về biên cương, quốc độ; câu chuyện về đàn bà, đàn ông; câu chuyện về anh hùng, liệt sĩ; câu chuyện bên lề đường, quán chợ; câu chuyện tại chỗ lấy nước, bến tắm; câu chuyện về kẻ chết, người sống; câu chuyện về tạp thoại, huyền thoại; câu chuyện về biến trạng, thay đổi của thế giới, đại dương; câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu...(1)

Nhưng này Ānanda! Đối với những ai cần nói những lời nhằm mở tâm, mở trí; giúp họ tu tập, nhứt hướng yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... thì nên nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về độc cư, nói về viễn ly đám đông, xa lìa các hội chúng bận rộn; nói về tinh cần, nói về giới luật, nói về thiền định, nói về thiền quán, nói về trí tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến(2). Vị tỳ-khưu tầm cầu tinh tấn tu học, muốn quán chiếu “nội, ngoại không”, phải suy nghĩ để nói những vấn đề như trên; và vị ấy ý thức rõ ràng, thấy biết rõ ràng như vậy. Thật là quá nhiều điều, nhiều câu chuyện để nói như vậy đó, này Ānanda!

- Vậy còn suy nghĩ, bạch đức Đạo Sư?

- Suy nghĩ hay tầm tư duy(1)cũng phải biết giới hạn. Đối với những suy nghĩ hạ liệt, đê hèn, tầm thường, thấp thỏi... thuộc phàm phu, thuộc thế tình tục lụy thì nên tránh. Cụ thể hơn, những suy nghĩ nào liên hệ đến tham, đến dục, đến ái được gọi chung là “dục tầm”(2)thì không nên! Những suy nghĩ nào dễ phát sanh nóng nảy, bực tức, khó chịu, ganh ghét được gọi chung là “sân tầm”(3)thì không nên. Những suy nghĩ nào liên hệ họa hại, bức hại, não hại, hiềm hại, hận hại được gọi chung là “hại tầm”(4)thì không nên. Vị tỳ-khưu cần phải ý thức rõ ràng, thấy biết rõ ràng và chân thực như vậy.

Nhưng mà này Ānanda! Ngược lại, có những suy nghĩ, tầm cầu thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có khuynh hướng cầu tiến, có năng lực dẫn dắt vị tỳ-khưu trên lộ trình đến nơi chấm dứt khổ, đoạn trừ khổ, tận diệt khổ ấy là “ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm” thì nên khởi tâm, nên thực hành cho nghiêm túc, cẩn mật, chu đáo. Vị tỳ-khưu cần phải ý thức rõ ràng, thấy biết rõ ràng và chân thực như vậy.

Tuy nhiên, này Ānanda! Muốn cho “ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm” được dễ dàng, được mau có kết quả, mau có hiệu năng thì vị tỳ-khưu cần phải theo dõi, quán sát những chỗ duyên khởi phát sanh khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm...Tại sao lại như vậy? Vì rằng đấy là nơi duyên khởi phát sanh những cái ta yêu mến, thích thú; nói cách khác, các đối tượng ấy là khả ái, khả hỷ, khả lạc, lôi cuốn, hấp dẫn, liên hệ đến ái, đến tham, đến dục...dễ làm cho ta mê luyến, đắm say. Và nếu vậy, vị tỳ-khưu đã không ly dục, viễn ly dục được mà lại càng làm cho các dục tăng bội, trưởng dưỡng, tác quái, lộng hành thêm mà thôi!

Vậy thì đến chỗ này, muốn làm cho năm dục ấy không được trưởng dưỡng, chẳng thể lớn mạnh thêm, thì khi tâm ta khởi lên cái gì, từ căn trần nào, ví dụ mắt và sắc, tai và âm thanh, thì vị tỳ-khưu cần phải quán sát, minh sát, tuệ tri như thực rằng: “À, lúc này, hỷ tham, ái tham, dục tham đang có mặt, đang hiện tồn; đang vận hành, đang diễn tiến; lúc này, hỷ tham, ái tham, dục tham đã vắng lặng, đã diệt mất!” Cả sanh khởi, lụi tàn của “tâm hành”(1)đều phải được tuệ tri như thực như thế!

Còn nữa, này Ānanda! Nói đầy đủ thì cả năm thủ uẩn, nghĩa là cả sắc, cả thọ, cả tưởng, cả hành, cả thức đều phải được tuệ tri như thế. Nói cách khác, phải tuệ tri sắc tập khởi, sắc đoạn diệt, thọ tập khởi, thọ đoạn diệt, tưởng tập khởi, tưởng đoạn diệt, hành tập khởi, hành đoạn diệt, thức tập khởi, thức đoạn diệt. Chúng sanh diệt tương tục, liên tục như những làn sóng trên mặt biển; thay đổi, chuyển đổi, dịch hóa liên tục từng sát-na, từng sát-na một, từng tiểu sát-na một. Nhờ vậy, vị tỳ-khưu thấy rõ vô thường, vô ngã của tất thảy chúng, chẳng có một thực thể, một thực tính nào là tồn tại, là thực hữu! Lúc tùy quán sanh diệt như thế thì những ảo tưởng về một bản ngã, về một tiểu ngã, chân ngã, đại ngã nào đó chợt như những bong bóng nước, hiện rồi tan, tan rồi hiện như ảo hóa, như huyễn hóa, như mộng hóa trong tuệ nhãn như thực, chân thực của bậc Thánh. Đến chỗ này, khi ngã không tồn tại thì ngã mạn cũng tiêu vong; vô minh diệt, minh hiện, sáng rỡ, châu toàn, vi diệu, tối thượng, thù thắng, siêu thế; vượt ngoài tầm kiểm soát của ác ma, ngoài lưỡi hái chụp bắt của tử thần: Vô sanh, bất diệt!

Đức Phật yên lặng một chút rồi kết luận:

“- Vậy này Ānanda! Sáu căn, sáu trần và sáu thức tương giao, xúc đối trở thành mười tám xứ; chúng duyên khởi mà tạo nên thế gian nội giới và thế gian ngoại giới; chúng phát sanh ảo tưởng về ngã, ảo tưởng có một chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Với sự quán chiếu của tuệ không, tức là nội, ngoại không, chúng duyên khởi liên tục, sanh diệt liên tục như một trò chơi ảo thuật, biến hóa vô cùng nhưng chẳng có cái nào là thực hữu. Tất thảy đều là không tánh! Tại chỗ này, ngay tại chỗ này mà nói có, nói không, nói vừa có, vừa không, nói không có, không không, nói thường nói đoạn, nói tăng, nói giảm, nói hữu biên, nói vô biên, nói nhất, nói dị, nói... gì đi nữa thì cũng đều là hý luận, là hoang vu luận, là phù phiếm luận... ngây thơ, ấu trĩ và si cuồng mà thôi, này Ānanda!

Đây chính là cánh cửa mở của chánh trí, giác ngộ và Niết-bàn, này Ānanda!”

Tôn giả Ānanda nghe thời pháp chênh vênh, ngợp gió, cao siêu này, ngài rùng mình, hỷ lạc đầy khắp cả người; tuy nhiên, có cái gì đó như nằm sau màn sương, sự thấy biết mơ hồ về cứu cánh rốt ráo phạm hạnh hiện lên rất mong manh rồi nó tan loãng mất!

- Ông có lãnh hội được không, này Ānanda!

Lời đức Phật như đánh thức tôn giả, ngài đáp:

- Lãnh hội được nhưng chưa thân chứng được, bạch đức Đạo Sư!

Đức Phật mỉm cười:

- Thế ông có thể tuyên thuyết lại thời pháp “đại không, nội, ngoại không, rốt ráo tánh không” này cho các hội chúng Tăng ni được chứ?

- Đúng vậy, bạch đức Đạo Sư!

- Vậy là tốt rồi! Vì sứ mạng của ông là nghe cho thật nhiều và thuyết cũng cho thật nhiều mà!



(1)Kinh đại không - Trường A-hàm (Tuệ sỹ dịch), có chỗ tương tự: “Này A-nan, Tỳ-kheo nào muốn hằng an trụ trong không tánh, Tỳ-kheo ấy sẽ giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định. Vị ấy sau khi giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi, hãy suy niệm về nội không”.

(1)Có tư duy, có quan sát.

(1)(tương tự) ... Như quốc vương luận, đạo tặc luận, đại thần luận, quân luận, bố úy luận, chiến tranh luận, thực vật luận, ẩm liệu luận, y phục luận, ngọa cụ luận, hoan mang luận, hương liệu luận, thân thích luận, xa thừa luận, thôn luận, thị trấn luận, đô thị luận, quốc độ luận, nữ luận, anh hùng luận, hạng trung luận, thủy bình xứ luận, tiên linh luận, sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyết luận, hữu vô hữu luận” (kinh sa-môn quả - Trường bộ kinh I).

(2)...Thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận (Kinh sa-môn quả - Trường bộ kinh I).

(1)Vitakka: Nghĩa theo thiền chi là tìm kiếm đối tượng; nghĩa thường là suy nghĩ, tư duy...

(2)Kāmavitakka: Suy nghĩ, tìm kiếm đối tượng ngũ trần (dục vật chất), hưởng dục lạc, phát sanh phiền não dục (Dục tầm).

(3)Byāpādavitakka: Suy nghĩ, tìm kiếm hướng đến bất mãn, bực bội, phẫn nộ (Sân tầm).

(4)Vihiṃsavitakka: Suy nghĩ, tìm kiếm mưu kế ác độc để xâm phạm, họa hại, bức hại người khác hay chúng sanh khác (Hại tầm).

(1)Các trạng thái tâm lý, nói kinh điển hơn thì nó là hành (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) - gồm 50 tâm sở.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/07/2013(Xem: 6700)
The mystery surrounding the bones of the Buddha dates back more than 100 years ago, when colonial estate manager William (Willie) Peppe and his workers began digging at a mysterious hill in Northern India. Peppe had no idea what they’d find just a little more than 20 feet down. They unearthed an astonishing discovery: a huge stone coffer, containing five reliquary jars, more than 1,000 separate jewels – carved semi-precious stones and gold and silver objects – and some ash and bone. One of the jars bore a Sanskrit inscription which, when translated, stated the jar contained the remains of the Buddha himself.
27/06/2013(Xem: 2954)
Một thời đức Phật ngự tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt nước Ma Kiệt. Bấy giờ trong thành có một Trưởng giả giàu có tên Thi Lợi Quật, ông chỉ gần gũi các Ni Kiền ngoại đạo, và không để ý đến Phật pháp.
01/06/2013(Xem: 8257)
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Vesak là lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc đời Đức Phật: ngày Đức Phật Đản sinh, ngày Đức Phật Thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết-bàn.
21/05/2013(Xem: 2927)
Năm 623 trước Dương lịch, vào ngày trăng tròn tháng năm, tức ngày rằm tháng tư Âm lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) xứ Ấn Độ...
18/05/2013(Xem: 7273)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
25/04/2013(Xem: 3179)
Mục đích của tâm lý trị liệu là để chữa trị, thoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của những người đang bị dày vò bởi nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống, hay những người được chẩn đoán là đang mắc bệnh tâm thần. Về điểm này, một số câu hỏi sau đây vẫn chưa có sự đồng thuận: tâm lý trị liệu là gì, bệnh tâm thần là gì, kỹ thuật chữa trị ra sao, mục đích để làm gì, làm thế nào để chữa lành bệnh, hoặc phương pháp này hữu hiệu ra sao. Nói cách khác, bằng cách đặt những câu hỏi ấy, chúng ta đòi hỏi sự xác nhận vị trí của phương pháp này trong hệ thống tâm lý trị liệu của phương Tây.
22/04/2013(Xem: 7799)
Ròng rã bốn mươi chín năm đức Phật thuyết pháp, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Vì thế, kinh Phật đã phân chia ra “Liễu nghĩa” và “Bất liễu nghĩa”.
10/04/2013(Xem: 9436)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 18845)
Lời giới thiệu của người dịch : Tỳ Kheo Bodhi sinh năm 1944 tại Brooklyn, NewYork. Ngài là một học giả Phật giáo uyên thâm nổi tiếng khắp thế giới qua các công trình dịch thuật và sáng tác của Ngài.
08/04/2013(Xem: 9788)
Cuộc đời hoằng pháp của Đức Thích Ca được nhân loại chiêm ngưỡng, khảo nghiệm dưới nhiều góc độ: giải thoát học, tôn giáo học, khoa học, triết học, sử học... Song, tất cả đều có chung một mẫu số rằng: "Suốt 25 thế kỷ qua, Đức Phật, người sáng lập ra đạo Phật ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]