Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật nhận xét về những kiến chấp thế gian

02/03/201322:13(Xem: 1980)
Đức Phật nhận xét về những kiến chấp thế gian

ĐỨC PHẬT NHẬN XÉT
VỀ NHỮNG CHẤP KIẾN CỦA THẾ GIAN
Tâm Thuận

Không ít người, trong đó có tôi từng tự đặt lên những câu hỏi, thắc mắc về nguồn gốc của các loài chúng sanh và môi trường sống, chẳng hạn như câu hỏi đã được đề cập đến qua rất nhiều cuốn sách: “ta là ai, ta từ đâu đến, ta đến đây để làm gì, rồi ta sẽ trở về đâu?”, hay “tại sao không gian vũ trụ này lại vô tận như vậy?”…

Nhưng khi được tham khảo Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt và bậc thiện hữu tri thức chỉ dạy tôi nhận ra rằng với những ai đã thông suốt định lý của Thập Nhị Nhân Duyên thì người ta sẽ không còn sanh khởi rồi chạy theo những câu hỏi điên đảo như trên nữa, và đức Phật đã xác định điều này trong Kinh Tương Ưng Bộ, Tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương I-12. Tương Ưng Nhân Duyên-XX. Duyên(Tạp 12.14, Đại 2, 84b) (S.ii,25):

“Do vì, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt không quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước ta đã là gì, và nay trong quá khứ ta là gì?"

Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?"

Hay nay các vị ấy sẽ khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: "Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào?".

Sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì rằng vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ, định lý duyên khởi này với các pháp duyên sanh này”.

Nếu chúng ta cứ suy tưởng theo các câu hỏi trên để cố gắng tìm ra cho được một đáp án thỏa đáng thì không những không tìm được câu trả lời mà rốt cuộc chỉ khiến cho tâm mình thêm phiền não và hoang mang. Và đây là lời chỉ dạy của đức Phật về vấn đề này:

“- Này Potthapàda, khi Tỷ-kheo ở đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này, khi đứng lại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: “Tâm còn suy tưởng, có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên. Vậy ta hãy đừng có suy tưởng”. Và vị này không có suy tưởng. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác cũng không khởi lên. Vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy này Potthapàda là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.”(Kinh Trường Bộ, TẬP I - 9. Kinh Potthapàda (Bố-Sá-Bà-Lâu)).

Sự thực, nếu ta có đưa vấn đề này đến thỉnh hỏi bậc đã giác ngộ lý Duyên Khởi, thì người ta cũng không trả lời vì dù có trả lời thì cũng chẳng thể làm cho anh hiểu được! Tại sao? Ví như một người nhắm mắt (đang vô minh) mà được một vị mắt sáng miêu tả cho vật này vật nọ thì liệu người nhắm mắt đó có thể hình dung và thấy được như thật chăng? Do vậy, thái độ của Phật trước những câu hỏi trừu tượng, siêu hình là hoàn toàn dứt khoát: Ngài không trả lời câu hỏi không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn, Ngài chỉ trả lời những điều đưa đến sự yểm ly, tịch tịnh, thắng trí và Niết Bàn. Trở lại đoạn kinh đức Phật giảng cho du sĩ ngoại đạo Potthapada (Bố Sá Bà Lâu), tính thực tế của Phật Pháp đã thuyết phục được vị du sĩ đang suy tưởng, đang kẹt trong các chấp kiến này:

“- Bạch Thế Tôn, con có thể hiểu được chăng “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”?

- Này Potthapàda, thật khó cho ngươi biết được “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”, vì ngươi có dị kiến, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác.

- Bạch Thế Tôn, nếu thật khó cho con biết được “tưởng là tự ngã của con người”, hay “tưởng khác, tự ngã khác” vì con có dị kiến khác, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác, thời bạch Thế Tôn, thế giới có phải là thường còn không? Chỉ có quan niệm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là thường còn, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới này là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng và thân thể là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thân thể và sinh mạng là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng khác, thân thể khác? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại sau khi chết? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

- Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

- Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”. (…)

- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời?

- Này Potthapàda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy, Ta không trả lời.

- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn trả lời những gì?

- Này Potthapàda, Ta trả lời: “Đây là khổ”. Ta trả lời: “Đây là khổ tập”. “Ta trả lời: “Đây là khổ diệt”. Ta trả lời: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.

- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn trả lời?

- Này Potthapàda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy Ta trả lời.

- Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiên Thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Ngài làm gì Ngài xem là phải làm.”

(Kinh Trường Bộ, TẬP I - 9. Potthapàda Sutta)

Sau đây, tôi xin giới thiệu một trong những bài kinh nổi tiếng trong đó đức Phật đã đưa ra một ví dụ minh họa rất sống động về các chấp kiến của nhiều người khi đưa ra và y cứ nương tựa theo thế giới quan của mình. Tất nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng người đang tu không nên chỉ trích, bác bỏ, hủy báng bất kỳ một quan điểm triết học nào.

Trích DẫnTiểu Bộ Kinh, tập I, Chương VI - Phẩm Chưa Sanh Đã Mù:

“Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả"

- "Thưa vâng, Đại vương".

Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Đại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".

- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.

- “Thưa vâng, Đại vương”.

Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Đối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Đối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Đối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Đối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Đối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Đối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Đối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Đối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi".

Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Đại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là hợp thời!"

Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa?”

- "Thưa Đại vương, chúng tôi đã thấy con voi".

- Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào?"

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái ghè!"

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo."

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày."

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái vòi con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái cày".

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái thân con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái kho chứa."

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái chân con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái cột."

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái lưng con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái cối."

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái đuôi con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái chày".

Này các Tỷ-kheo, những ai được sờ cái nhóm lông đuôi con voi, họ nói như sau: "Thưa Đại vương, con voi là như thế này, như cái chổi"

- "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi".

Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

“Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước,giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.”

***Hết***

Tâm Thuận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/02/2020(Xem: 11776)
Cõi trời Đâu Suất Bồ Tát giáng trần Khi quán Sa Bà nhân duyên hội đủ Hoàng hậu Ma Da nằm mộng đêm đó Thấy Voi Sáu ngà nhập ở bên hông
05/01/2020(Xem: 3291)
Ngày 4-1-2020 (10-12 Kỷ Hợi), nhân khóa tu định kỳ lần thứ 12, TT.Thích Minh Tâm và Tăng chúng bổn tự đã tổ chức lễ tổng kết đạo tràng niệm Phật chùa Linh Sơn Pháp Ấn (thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tròn 18 tuổi. Quang lâm chứng minh và tham dự có HT.Thích Minh Khai, viện chủ chùa Bửu Quang (huyện Cam Lâm); TT.Thích Bổn Chủng, chùa Linh Quang (huyện Diên Khánh), chư tôn đức Tăng Ni các tự viện trong huyện Diên Khánh, Cam Lâm và hơn 400 Phật tử đến từ các xã phường trong tỉnh. Sau khóa lễ niệm Phật và phóng sanh, đại chúng lắng nghe pháp thoại “Của để dành” do Đại đức Thích Đạo Quang, Giáo thọ sư trường Sơ, Trung cấp Phật học TP.Hồ Chí Minh, trú xứ Tịnh thất Củ Chi chia sẻ.
24/12/2019(Xem: 6804)
Xưa và nay, trong lịch sử của nhân loại, tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân. Nhờ trải qua các quá trình kham nhẫn, tu, học, và giúp đỡ cho tự thân và tha nhân như vậy, thì họ mới có thể trở thành những nhà khoa học, toán học, văn học, triết học, đạo học, v. v… Bồ-tát Tất-đạt-đa Gautama,[1] một vị đạo Sư tâm linh hoàn hảo, có đầy đủ đức hạnh, từ bi, và trí tuệ, trải qua 6 năm tu khổ hạnh rừng già với năm anh em Ông A-nhã Kiều-trần-như. Sau một thời gian tầm sư học đạo, Bồ-tát, một con người xuất chúng bằng xương bằng thịt, đã tìm ra chân lý bằng cách thiền định tại Bồ-đề-đạo-tràng suốt 49 ngày đêm, và chứng ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-đề. Lúc đó, Bồ-tát trở thành Phật hiệu là Thích-ca-mâu-ni, một đức Phật lịch sử, có mặt trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, được chư thiên và loài người tôn kính, có khả năng đem
24/10/2019(Xem: 7970)
Bài viết này để trả lời một câu hỏi: Làm thế nào để ngộ? Ngộ đây là ngộ tông chỉ Thiền, tức ngộ tông chỉ Phật. Người viết không dám trả lời minh bạch, vi bản thân tu và học đều chưa sâu, nơi đây chỉ trình bày qua nhiều kinh luận để giúp độc giả tham khảo.
23/10/2019(Xem: 6319)
Cách đây hai mươi mấy măm về trước, khi chưa bước vào ngôi nhà Phật Pháp.... ( chưa quy y Tam Bảo ) không hiểu sao hai vị Phật tôi thường cầu nguyện và được sự linh ứng nhất là Đức Quán thế Âm Bồ Tát và Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, và đặc biệt trong 12 đại nguyện của Phật Dược Sư tôi chỉ thích đọc đi đọc lại nguyện thứ ba, thứ sáu, thứ bảy và thứ tám vì có lẽ lúc ấy tôi chỉ biết lo cho tấm thân làm người nữ và những bịnh tật đau nhức dai dẳng đeo đuổi mãi không thôi.
13/10/2019(Xem: 8388)
Dưới đây là 28 vị Phật toàn giác được chép trong Kinh Phật chủng tính (tiếng Nam Phạn: Buddhavamsa) của Thượng tọa bộ.[10] Theo các học giả Jan Nattier và Richard Gombrich, việc gia tăng danh tự các vị Phật Toàn giác có thể xem là một động thái nhằm cạnh tranh với Kỳ-na giáo, khi Kỳ-na giáo có một tập hợp rõ ràng 24 vị đạo sư (tiếng Phạn: Tīrthaṅkara). Danh sách 28 vị Phật được cho là hoàn chỉnh vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trức Công nguyên trước khi tập hợp vào bộ kinh Phật chủng tính.[11]
13/10/2019(Xem: 11252)
Người tu Phật ai ai cũng có đức tin, nhưng nếu không rõ được rành mạch những lịch sử hoặc những hành vi của các vị Bồ tát phải hành thế nào để thành được một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác và do nhờ pháp Ba-la-mật (PÀRAMITA) nào đưa các ngài qua tới bờ giác ngạn là Niết Bàn, thì đức tin ấy có khi cũng mơ hồ và có khi cũng lầm lạc. Vì vậy nên tôi không nệ tài hèn học kém, ráng sao lục tóm tắt theo Tam Tạng Pàli (TIPITAKA) bộ kinh Chánh giác tông (BUDDHAVAMSA) và quyển Chư Bồ tát vị lai (ANÀGATAVAMSA) để đem lại một vài tia sáng cho các nhà tu Phật. Ai là người có chí muốn thành một bậc Chánh Biến Tri, hãy noi theo gương lành của các Ngài và thực hành theo mới mong chứng quả được. Trong quyển kinh này có nhiều đoạn hơi khó hiểu hoặc không thể tin được vì oai lực và pháp Ba-la-mật của một vi Phật Tổ khác Thường xuất chúng và thời đại cũng khác nhau vượt qua khỏi trình độ suy nghĩ hoặc hiểu biết của phàm nhơn. Nên độc giả xem quyển kinh này nên dùng đức tin mà hiểu biết rằng: "Muốn thà
29/09/2019(Xem: 23142)
Video: Hành Trình Khám Phá về Sự Thật Xá Lợi của Đức Phật (Rất hay, rất cảm động khi xem, quý vị nên tranh thủ vào xem liền, chân thành cảm ơn nhà văn, nhà khảo cô người Anh Charles Allen đã thực hiện cuốn phim tài liệu công phu và độc nhất vô nhị để tôn vinh và tìm ra sự thật về xá lợi của Đức Thế Tôn sau 26 thế kỷ, from Thích Nguyên Tạng, chủ biên trang nhà Quảng Đức)
16/08/2019(Xem: 11272)
Đức Phật là đấng đạo sư, là bậc thầy của nhân loại, nhưng ngài cũng là nhà luận lý phân tích, nhà triết học, nhà giáo dục vĩ đại. Kinh tạng Pāli cho chúng ta thấy rõ về các phương phápgiảng dạy của đức Phật một cách chi tiết. Tùy theo từng đối tượng nghe pháp mà Ngài có phương thức truyền đạt khác nhau. Chúng sanh có vô lượng trần lao, phiền não, thì Phật pháp có vô lượng pháp môn tu. Nếu sử dụng đúng phương pháp thì hiệu quả giảng dạy sẽ đạt được kết quả tốt. Tri thứcPhật học là nguồn tri thức minh triết, là giáo lý để thực hành, lối sống, do đó phương pháp giảng dạy là vấn đề vô cùng cần thiết để giới thiệu nguồn tri thức minh triết ấy.
03/05/2019(Xem: 3992)
Thuở xưa nước Tỳ-xá-ly, Đất thơm in dấu từ bi Phật-đà. Có rừng cổ thụ ta-la, Một chiều chim rộn trong hoa hát mừng. Tay Phật cầm nhánh lan rừng Quay sang phía hữu bảo rằng “A-nan! Đạo ta như khói chiên đàn, Mười phương pháp giới tỉnh hàng nhân thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567