Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khái niệm Niết Bàn trong Phật Giáo

18/01/201310:25(Xem: 12147)
Khái niệm Niết Bàn trong Phật Giáo


Phat Niet Ban 2


VỀ KHÁI NIỆM NIẾT BÀN TRONG PHẬT GIÁO

Nguyễn Thị Toan (*)

Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn - một Niết bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui nhân thế. Quan niệm này đã mang lại một sức hấp dẫn, sức sống mới cho Phật giáo, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.

Khát vọng về tự do là một khát vọng cao đẹp của nhân loại. Các học thuyết xã hội về sự giải phóng con người đều hướng tới một thế giới tự do lý tưởng. Trong Thiên Chúa giáo, thế giới lý tưởng đó là Thiên đường đầy hoa thơm trái ngọt, chỉ có hạnh phúc, yêu thương, không thù hận. Trong Nho giáo, xã hội lý tưởng là một xã hội đại đồng. Đích của giải thoát trong Phật giáo là Niết bàn. Đối với một số người, tiếp cận khái niệm dưới góc độ hướng ngoại thì Niết bàn là một khái niệm tương đối khó hiểu, thậm chí còn bị hiểu sai lệch thành một vị trí địa lý, một không gian như Thiên đường trong Thiên Chúa giáo mà con người sẽ được về đó sau khi chết. Đi từ sự khảo cứu kinh sách Phật giáo và một số công trình nghiên cứu của các chuyên gia về Phật học, từ góc độ tiếp cận hướng nội, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới khái niệm Niết bàn và những hình thức chủ yếu của nó, lấy đó làm một trong những cơ sở để giải thích về sự hồi sinh của Phật giáo trong thời đại ngày nay.

1. Niết bàn là gì?

Niết bàn, theo tiếng Sanscrit là Nirvana, tiếng Pali là Nibhana. Học giả Đoàn Trung Còn giải thích: Niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái”, và theo lối triết tự thì: “Niết (Nir): ra khỏi, Bàn hay Bànna (Vana): rừng, tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não”(1). Pháp sư Huyền Trang triết tự Niết bàn - Nirvana như sau: 1, Nir: ra khỏi, ly khai; vana: con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. Nirvana là ly khai con đường quanh quẩn, chuyển dịch (bứt vòng sinh tử luân hồi); 2, Nir: không; vana: hôi tanh, dơ bẩn, Nirvana là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch); 3, Nir: xa lìa, đào thải; vana: rừng rậm, Nirvana là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống). Mặc dù các cách hiểu này không đồng nhất song đều có chung một nghĩa căn bản: Niết bàn là sự đoạn trừ dục vọng, dứt nghiệp báo luân hồi, thanh tịnh tuyệt đối. Đó là sự ngưng đọng vĩnh cửu của không - thời gian trong cõi tâm linh sâu thẳm của con người. Như vậy, Niết bàn trong Phật giáo không phải là một cõi cực lạc có vị trí không - thời gian như thiên đường của Thiên Chúa giáo, mà là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não.

Khi nói tới vấn đề con người, phần lớn các tôn giáo đều thừa nhận con người có hai phần: phần xác và phần hồn; phần xác thì tồn tại tạm thời còn phần hồn thì vĩnh cửu nên sau khi thân xác bị huỷ hoại, linh hồn phải ở nơi nào đó để đầu thai vào một thân xác mới, tiếp tục cuộc sống mới. Duy nhất có một tôn giáo - triết học Phật giáo không thừa nhận có linh hồn bất tử, bởi thế cũng không cần có một không gian địa lý cho linh hồn cư ngụ. Đích của giải thoát trong Phật giáo không phải là lên Thiên đường, trở về với Chúa mà là sự tận diệt cái cá thể đầy những ham muốn dục vọng với sự u tối của kiếp người để đạt tới Niết bàn.

Thực ra, khái niệm Niết bàn không phải là sản phẩm riêng của Phật giáo. Kinh Upanishad trong Ấn Độ cổ đại đã sử dụng khái niệm này để chỉ trạng thái hoà nhập của linh hồn cá nhân (Atman) vào với linh hồn vũ trụ (Brahman), của tiểu ngã vào với đại ngã. Ở đây, Niết bàn được đồng nhất với linh hồn vũ trụ Brahman. Tới Phật giáo, khái niệm Niết bàn mang một nội dung mới mẻ và độc đáo hơn so với khái niệm Niết bàn trong Upanishad.

Kinh Phật nói như thế nào về Niết bàn? Đã nhiều lần học trò của Phật hỏi ông về khái niệm này. Ông thường tránh không trả lời hoặc đáp rằng: “Cái gì ta chưa bộc lộ sẽ không bao giờ được bộc lộ”. Có gì bí mật trong khái niệm trừu tượng, siêu nghiệm này? Không thể nói về Niết bàn bằng ngôn từ được. Ngôn từ sẽ trơn trượt, bất khả thuyết về cái bản thể tuyệt đối ấy. Trong Ngũ bộ kinh, có tới 32 từ có nghĩa tương đương với Niết bàn như: “đáo bỉ ngạn” (bờ bên kia), “đích cao cả”, “hoàn thành”, “chân lý”, “đăng minh”, “an lạc”, “giải thoát”... Đặc biệt, trong Kinh Niết bàn, khái niệm này đã được đề cập bằng ngôn ngữ phủ định: “vô sinh”, “khổ diệt”, “vô minh diệt”, “ái diệt”, “vô uý”, “vô tác”, “vô ám”, “vô ngại”, “vô xuất”... Trong lôgíc học và ngôn ngữ học, cách định nghĩa thông thường là quy một khái niệm nhỏ vào một khái niệm lớn hơn rồi chỉ ra những đặc điểm riêng biệt của nó (Định nghĩa qua giống gần gũi và khác biệt về loài). Chẳng hạn, muốn định nghĩa về “tam giác đều”, trước hết phải quy về khái niệm “tam giác”, rồi sau đó chỉ ra đặc điểm riêng của tam giác đều để phân biệt với các loại tam giác khác (có ba cạnh hoặc ba góc bằng nhau). Tuy nhiên, với những khái niệm rộng, không còn khái niệm nào rộng hơn nữa (phạm trù) thì có một cách định nghĩa độc đáo là đặt khái niệm đó trong quan hệ với khái niệm đối lập. Trong triết học, có những phạm trù đã được định nghĩa theo cách này (phạm trù vật chất,...). Trong giáo lý nguyên thuỷ, Phật đã sử dụng cách định nghĩa độc đáo này, đó là đem đối lập Niết bàn với thế giới thực tại. Nếu thế giới thực tại là khổ thì Niết bàn là “khổ diệt”, nếu thế giới thực tại là “bờ bên này (bỉ ngạn) thì Niết bàn là “bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn), thế giới thực tại là mê lầm, không sáng suốt (“vô minh”) thì Niết bàn là sáng suốt (“vô minh diệt”)... Có thể tìm thấy rất nhiều đoạn trong kinh Phật mô tả về Niết bàn: “Sự tiêu tan của dục vọng là Niết bàn(2), “Sự im bặt của mọi sự vật bị giới hạn, sự dứt bỏ mọi xấu xa, sự diệt dục vọng, sự giải thoát, chấm dứt, Niết bàn”(3), “Diệt hẳn, mát mẻ, dứt bặt, gọi là đã lìa tất cả các thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết bàn”(3), “Đấy là sự chấm dứt rốt ráo của chính dục vọng, vứt bỏ nó, thoát khỏi nó, dứt khỏi nó”(4). Phật ví sự tiếp nối giữa các đời trong vòng luân hồi như sự cháy tiếp nối của các cây nến. Cây nến này tàn, cây nến khác lại được thắp lên. Sức nóng hay năng lượng của cây nến cũ đã truyền sang cây nến mới. Giống như vậy, năng lượng của nghiệp truyền qua các đời. Con người chỉ được giải thoát khi nào tắt dòng năng lượng, chấm dứt nghiệp báo luân hồi. Có người hỏi Phật: Sau khi chết, người giác ngộ sẽ đi về đâu? Phật sai người ấy lượm củi khô, nhóm lửa. Càng nhiều củi, lửa càng cháy mạnh, khi không bỏ thêm củi nữa thì đám lửa lụi tàn dần. Phật hỏi: “Lửa đi về đâu?”, “Không! Nó chỉ tắt”. Phật nói rằng, đó chính là điều xảy ra cho người giác ngộ. Dục vọng là nhiên liệu cho ngọn lửa cháy, truyền năng lượng qua các kiếp luân hồi triền miên. Nếu không nuôi dưỡng ngọn lửa đó nữa, nghĩa là không còn dục vọng, nó sẽ lụi tàn. Khi đó, Niết bàn được hiểu như sự thanh lương, mát mẻ.

Đôi khi, Phật nói tới Niết bàn như là cái không sinh, không tăng trưởng và không giới hạn. Trong Kinh Trung bộ, Niết bàn được đồng nhất với chân lý tuyệt đối, vượt khỏi những ý niệm nhị nguyên, tương đối.

Về thực chất, Niết bàn trong Phật giáo là một khái niệm phi thời gian, phi không gian, vô định về mọi mặt, không có điểm khởi đầu và cũng không có hồi kết thúc. Vậy, có thể tìm thấy Niết bàn ở đâu khi Niết bàn không ở trong một không - thời gian cụ thể? Phật trả lời rằng, có thể tìm thấy Niết bàn không phải ở nơi tận cùng của thế giới mà ở ngay trong tấm thân một thước mấy của con người. Theo Phật, chính tư duy sai lầm đã ngăn cách không cho con người thấy được Niết bàn trong thực tại. Bởi thế, để đạt được Niết bàn, trước hết, con người phải khắc phục những sai lầm trong nhận thức của mình, thoát khỏi vô minh, giác ngộ được lẽ “vô thường” và “vô ngã”. Niết bàn là “vô ngã”: “Niết bàn là cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn là vô tướng - vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang theo hành lý mà hy vọng vào được Niết bàn. Cái thân đã không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết rằng: hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết bàn”(5).

Thoát khỏi cái bản ngã là đạt tới Niết bàn, nếu con người còn chấp ngã thì sẽ không thoát khỏi những khổ đau nhân thế. Niết bàn là bản thể tuyệt đối với đặc tính thường - lạc - ngã - tịnh, trái ngược với vô thường - khổ - vô ngã - bất tịnh của thế giới thực tại. Walpola Rahula đã phân tích khá sâu sắc trạng thái này: “Người đã chứng ngộ chân lý, Niết bàn là người hạnh phúc nhất trần gian. Người ấy đã thoát khỏi mọi mặc cảm và ám ảnh, mọi phiền não và lo âu làm cho những người khác bị điêu đứng. Sức khoẻ và tinh thần của người ấy thật hoàn toàn. Họ không hối tiếc quá khứ cũng không mơ mộng về tương lai. Họ sống hoàn toàn trong hiện tại. Bởi thế họ thưởng thức và vui hưởng sự vật một cách thuần tuý, không dự phóng. Họ vui vẻ, hoan hỷ thưởng thức sự sống thuần khiết, sáu giác quan khinh an, không lo lắng, bình thản và thanh thoát. Vì họ giải thoát khỏi dục vọng ích kỷ, thù hận, vô minh, kiêu căng ngã mạn và trên cả những thứ bất tịnh xấu xa ấy. Họ trong sạch, từ hoà, đầy lòng thương bao quát, từ bi, tử tế, thiện cảm và khoan dung. Họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất, vì không còn nghĩ gì về mình. Họ không kiếm chác, tích chứa gì ngay cả những gì thuộc địa hạt tâm linh, bởi họ thoát ra khỏi cái tôi và lòng khao khát trở thành...”(6).

Nhìn chung, Phật giáo thường đề cập tới hai hình thức cơ bản của Niết Bàn: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là Niết bàn tương đối, Niết bàn tại thế: nghĩa là, Niết bàn đạt được khi thể xác vẫn còn tồn tại nhưng tâm đã thoát khỏi vòng luân hồi bất tận. Người đó tuy còn sống nhưng mọi phiền não đã được diệt, ba nọc độc tham - sân - si đã tiêu trừ. Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đạt tới Hữu dư Niết bàn khi ông 35 tuổi, lúc nhìn thấy sao mai mọc, sau 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề để chiêm nghiệm về chân lý. 45 năm còn lại của cuộc đời, mặc dầu tâm đã xoá được vô minh, phiền não song ông vẫn không thoát khỏi sinh - lão - bệnh - tử.

Vô dư Niết bàn là Niết bàn tuyệt đối, Niết bàn xuất thế hay còn gọi là Đại Niết bàn. Kinh Bản sinh giải thích: “Thế nào là Vô dư Niết bàn?... Đó là trạng thái đã chứng được La Hán, hết sạch các phiền não, phạm hạnh đã được thành lập, việc cần làm đã làm đủ, đã vứt bỏ mọi gánh nặng, đã chứng tự nghĩa, đã khéo giải thoát, đã được biết khắp. Tất cả các điều cảm thụ bây giờ đều không còn do nhân dẫn đến, không còn mong cầu, hy vọng cũng hết, rốt ráo tịch lặng, vĩnh viễn trong mát, ẩn lặng không hiện, chỉ y vào cái thanh tĩnh không lý luận, không thể bảo rằng có, cũng chẳng thể nói rằng không mà cũng không cho rằng chẳng có chẳng không”(7). Vô dư Niết bàn chỉ đạt được khi đã chấm dứt sự tồn tại của thân xác.

Xét về mặt bản chất, Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn đều chỉ về trạng thái tâm linh thanh tịnh tuyệt đối, tự do tự tại của con người. Điểm khác biệt là ở chỗ, Niết bàn đó đạt được khi thân thể còn sống hay đã chết mà thôi.

2. Khái niệm Niết bàn trong Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa

Sau thời Phật giáo nguyên thuỷ (tính từ khi Phật tại thế tới 100 năm sau khi ông mất), Phật giáo dần dần chia thành hai nhánh: Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Hai nhánh này có quan niệm không giống nhau về Niết bàn. Xuất phát từ lập trường thực tại luận, Tiểu thừa cho rằng, thế giới này tồn tại thực sự, con người cũng tồn tại thực sự nên những khổ đau của con người cũng là có thật chứ không phải chỉ là những gì thuộc về cảm giác. Từ đó, họ đi tới kết luận, chỉ có thể giải thoát khỏi khổ đau bằng con đường lánh đời, thoát tục, xuất gia tu hành, lấy “diệt tận là cứu cánh” với phương châm diệt(diệt mọi phiền não), tận(chấm dứt mọi nghiệp sinh tử), ly(giải thoát khỏi nỗi khổ trong ba cõi), diệu(đạt tới Vô dư Niết bàn). Niết bàn mà Tiểu thừa hướng tới là Niết bàn xuất thế, lánh đời, đạt được bằng lối tu kham nhẫn. Với Tiểu thừa, vì vô ngã là Niết bàn nên muốn đến được Niết bàn, con người phải từ bỏ những thú vui trần thế, những yêu thương và khao khát “trở thành”. Không còn những sôi động, buồn vui nơi nhân thế, Niết bàn chỉ là sự tịch diệt, cô đơn, vắng lặng, cô đơn, buồn tẻ và vô cảm. Lý tưởng Niết bàn Vô dư tịch tĩnh đã khiến Phật giáo mất dần sức hấp dẫn, khó thực hiện với mọi người, chỉ dành cho thiểu số người có cơ duyên đặc biệt.

Sự ra đời của Phật giáo Đại thừa thực chất là một phong trào chấn hưng Phật giáo, xuất phát từ nhu cầu khắc phục những hạn chế trong Tiểu thừa, mong tìm lại chỗ đứng trong xã hội. Độc đáo nhất trong Đại thừa là quan niệm về Niết bàn. Khái niệm Niết bàn trong Đại thừa được đẩy lên một nấc thang mới. Nếu Tiểu thừa đề cao Vô dư Niết bàn thì Đại thừa nghiêng về phía Hữu dư Niết bàn với một cái nhìn mới mẻ, độc đáo hơn. Đối với Đại thừa, Niết bàn và luân hồi không có gì sai khác. Theo họ, vì bị bóng tối của đám mây vô minh bao phủ nên con người mới nhầm lẫn hiện tượng ảo giả với bản chất đích thực của thế giới. Do đó, giải thoát không cần sự chối bỏ cuộc sống mà chỉ cần “xuất tự thế gian tướng” để đạt tới trạng thái không còn phân biệt bờ bên này - sinh tử và bờ bên kia - giải thoát, không còn phân biệt chúng sinh và Phật, mê và ngộ. Sinh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề. Niết bàn và luân hồi chỉ là một nhưng nhìn trong vô minh thì là luân hồi, nhìn khi giác ngộ là Niết bàn, giống như nhìn sợi dây thừng trong bóng tối là con rắn nhưng nhìn trong ánh đèn thì chỉ là sợi dây thừng, không còn đáng sợ nữa. Vì vậy, phải chấp nhận sống trong luân hồi thì mới chi phối được nghiệp báo luân hồi. Trong Đại thừa, phái Duy thức bổ sung thêm hai loại Niết bàn nữa, là Tự tính thanh tịnh Niết bàn và Bất trụ Niết bàn. Thực chất, đó cũng chỉ là những dạng thức mới của Hữu dư Niết bàn. Tự tính thanh tịnh Niết bàn chính là bản tính thanh tịnh vốn có ở cái tâm của mỗi người mà khi đạt tới đó, con người được giải thoát. Còn Bất trụ Niết bàn là khái niệm nói về trạng thái của những con người sống ngay trong thế giới hiện thực, tồn tại trong luân hồi nhưng vẫn tự do tự tại, làm chủ bản thân mình; đồng thời, tích cực hoạt động cứu giúp những người khác cùng được giải thoát như mình. Họ sống giữa cõi đời với cái tâm “vô sở đắc” (tâm không cầu được) với khát vọng giúp cho mọi người cùng được giải thoát khỏi khổ đau như mình. Cuộc đời của Phật Thích Ca là cuộc đời của một con người “Bất trụ Niết bàn” vì ông đã đạt tới Hữu dư Niết bàn từ năm 35 tuổi nhưng không dừng lại mà quay về với cuộc sống trần tục, tích cực hoạt động truyền giáo trong 45 năm cho lý tưởng cứu độ chúng sinh. 45 năm đó là 45 năm Bất trụ Niết bàn của người đã đặt chân tới Niết bàn nhưng không một phút ở yên trong Niết bàn tịch tĩnh.

Như vậy, từ tuyên ngôn “lìa sinh tử chứng Niết bàn” (thoát khỏi sinh tử mới đạt tới Niết bàn) của Tiểu thừa tới tuyên ngôn “liễu sinh tử, đắc Niết bàn” (rõ được sinh tử là đạt tới Niết bàn) của Đại thừa, Phật giáo đã trở nên gần gũi hơn, có sức hấp dẫn hơn với mọi người. Tới đây, sinh tử hay luân hồi cũng không có gì đáng sợ nữa. Khổ đau đã trở thành cơ duyên giúp con người vươn tới, đạt được lý tưởng cao siêu của giải thoát. Căm ghét khổ đau không giúp con người thoát khỏi khổ đau. Không thể xa lìa sinh tử của cuộc đời trần thế mà cầu tịch diệt, cách ly thế giới hiện tượng mà cầu giải thoát tâm linh; cũng không thể thanh thản, yên tĩnh một mình với sự giải thoát trước những khổ đau nhân thế. Một Niết bàn vô vi, vô cảm, tịch tĩnh và cô đơn trong Tiểu thừa đã được thay thế bằng một Niết bàn nhân bản, nhập thế, hoạt động cùng những buồn vui nhân thế của Đại thừa. Theo Đại thừa, để tới được Niết bàn, con người, một mặt, phải giác ngộ được lẽ vô thường; mặt khác, phải đạt được tự do tinh thần, không bị ngoại cảnh chi phối, khi nào thoát khỏi chấp ngã (mắc vào cái tôi cá nhân), khi đó con người đạt tới Niết bàn. Con đường tu đó không bao giờ chấm dứt, nên Đại thừa thường có câu: “Tu đến thành Phật cũng không thôi”. Hay cũng có thể nói rằng, đó là con đường vĩnh viễn luân hồi, vĩnh viễn giải thoát. Sự khác nhau trong quan niệm về Niết bàn của Tiểu thừa và Đại thừa quy định hai lối tu khác nhau. Với Vô dư Niết bàn, Tiểu thừa thực hành lối tu xuất thế, lánh đời. Với Hữu dư Niết bàn, Đại thừa thực hành lối tu nhập thế, sống hoà cùng đời tục nhưng vươn lên giữa cuộc đời.

Có thể thấy rằng, khái niệm Niết bàn trong Phật giáo là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, đem lại một diện mạo mới với sức sống mới cho Phật giáo. Từ con người cá nhân cô đơn trong lộ trình thăm thẳm tìm về cõi tâm linh bí ẩn tìm giải thoát trong Niết bàn của Tiểu thừa tới con người sống cùng những buồn vui nhân thế của Đại thừa, khái niệm Niết bàn đã trở nên hấp dẫn hơn, thể hiện một triết lý sống nhân bản của tôn giáo - triết học Phật giáo.

(Nguồn: Tạp Chí Triết Học - Viện Triết Học)


(*) Thạc sĩ triết học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.

(1) Đoàn Trung Còn. Phật học từ điển, t.1. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr 335.

(2)Thích Tuệ Sỹ (dịch). Kinh Trung A Hàm. Http://www.quangduc.com.

(3)Thích Tuệ Sỹ (dịch). Kinh Tạp A Hàm. Http://www.quangduc.com.

(4)Thích Minh Châu (dịch). Kinh Trường bộ. Http://www.quangduc.com.

(5)Thích Thiện Siêu. Vô ngã là Niết bàn. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2000, tr 115.

(6)Walpola Rahula. Tư tưởng Phật học.Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1994, tr 68 - 69.

(7) Thích Trí Nghiêm (dịch). Kinh Bản sinh.Http://www.quangduc.com.

Ý kiến bạn đọc
10/12/201711:34
Khách
ý này "Có con đường tới Niết Bàn nhưng không có con người trên con đường ấy"..." của Toan rất thú vị! Toan triển khai tiếp thành một phần về tư tưởng Tính Không (Vô Ngã) của Niết Bàn Phật giáo đi ....
29/01/201619:57
Khách
Nirvana là trạng thái Thường Lạc Ngả Tịnh của một chúng sanh đã thành Phật. Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Bất Tịnh là trạng thái của một chúng sanh luôn hồi trong sáu đường (Ba Cõi).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/07/2013(Xem: 6616)
The mystery surrounding the bones of the Buddha dates back more than 100 years ago, when colonial estate manager William (Willie) Peppe and his workers began digging at a mysterious hill in Northern India. Peppe had no idea what they’d find just a little more than 20 feet down. They unearthed an astonishing discovery: a huge stone coffer, containing five reliquary jars, more than 1,000 separate jewels – carved semi-precious stones and gold and silver objects – and some ash and bone. One of the jars bore a Sanskrit inscription which, when translated, stated the jar contained the remains of the Buddha himself.
27/06/2013(Xem: 2926)
Một thời đức Phật ngự tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt nước Ma Kiệt. Bấy giờ trong thành có một Trưởng giả giàu có tên Thi Lợi Quật, ông chỉ gần gũi các Ni Kiền ngoại đạo, và không để ý đến Phật pháp.
01/06/2013(Xem: 8013)
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Vesak là lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc đời Đức Phật: ngày Đức Phật Đản sinh, ngày Đức Phật Thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết-bàn.
21/05/2013(Xem: 2910)
Năm 623 trước Dương lịch, vào ngày trăng tròn tháng năm, tức ngày rằm tháng tư Âm lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) xứ Ấn Độ...
18/05/2013(Xem: 7174)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
25/04/2013(Xem: 3154)
Mục đích của tâm lý trị liệu là để chữa trị, thoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của những người đang bị dày vò bởi nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống, hay những người được chẩn đoán là đang mắc bệnh tâm thần. Về điểm này, một số câu hỏi sau đây vẫn chưa có sự đồng thuận: tâm lý trị liệu là gì, bệnh tâm thần là gì, kỹ thuật chữa trị ra sao, mục đích để làm gì, làm thế nào để chữa lành bệnh, hoặc phương pháp này hữu hiệu ra sao. Nói cách khác, bằng cách đặt những câu hỏi ấy, chúng ta đòi hỏi sự xác nhận vị trí của phương pháp này trong hệ thống tâm lý trị liệu của phương Tây.
22/04/2013(Xem: 7717)
Ròng rã bốn mươi chín năm đức Phật thuyết pháp, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Vì thế, kinh Phật đã phân chia ra “Liễu nghĩa” và “Bất liễu nghĩa”.
10/04/2013(Xem: 9273)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 18741)
Lời giới thiệu của người dịch : Tỳ Kheo Bodhi sinh năm 1944 tại Brooklyn, NewYork. Ngài là một học giả Phật giáo uyên thâm nổi tiếng khắp thế giới qua các công trình dịch thuật và sáng tác của Ngài.
08/04/2013(Xem: 9472)
Cuộc đời hoằng pháp của Đức Thích Ca được nhân loại chiêm ngưỡng, khảo nghiệm dưới nhiều góc độ: giải thoát học, tôn giáo học, khoa học, triết học, sử học... Song, tất cả đều có chung một mẫu số rằng: "Suốt 25 thế kỷ qua, Đức Phật, người sáng lập ra đạo Phật ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]