Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI. Giải thích danh từ Phật giáo

22/05/201319:30(Xem: 1466)
Chương VI. Giải thích danh từ Phật giáo

ĐỨC PHẬT VÀ CHÂN LÝ CUỘC SỐNG

Biên soạn: Đại sư Ấn Thuận.

Việt dịch: Thích Quảng Mẫn.

--- o0o ---

CHƯƠNG VI

GIẢI THÍCH DANH TỪ PHẬT GIÁO

PHẬT

Phật Đà là tiếng dịch âm từ phương ngôn của Ấn Độ, nghĩa là bậc thánh nhân đã giác ngộ. Giác ngộ có ba nghĩa chính: một là tự mình giác ngộ, hai là khiến người khác giác ngộ và ba là cả mình cùng người đều trọn vẹn giác ngộ. Người giác ngộ đã thoát khỏi những tâm lý xấu xa ở quá khứ như lòng tham lam, giận hờn, ngu si, kiêu ngạo, thấy biết lệch lạc v.v... nên không còn luân hồi trở lại nữa. Bậc giác ngộ là người mà tự thân có thể đem những phương pháp, những chân lý mình đã chứng nghiệm được, lấy đó hướng dẫn mọi người, khiến họ nhận thức và thấu rõ đúng như thực về cuộc đời cũng như Phật giáo, rồi từ học tập mà thấy được chân lý.

Trí tuệ, năng lực, công đức và đạo nghiệp của bậc giác ngộ đạt đến sự trọn vẹn, mỹ mãn mà không một chúng sanh nào của cõi trời cõi người có thể sánh kịp. Nhưng trí tuệ, năng lực công đức và đạo nghiệp của tất cả chư Phật đều tương đồng nhau. Các Ngài cũng từ những người bình thường như mỗi chúng ta. Song nhờ sự nỗ lực tu tập nên các Ngài dần dần rũ bỏ những hành vi, thói quen tội lỗi mà thành tựu sự giác ngộ. Đời quá khứ có vô lượng chư Phật, kiếp vị lai cũng có vô lượng chư Phật. Đức Phật Dược Sư Lưu Ly, đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca Mâu Ni v.v... là một minh chứng cho điều đó. Đức Thế tôn dạy rằng: “Ai ai cũng có thể thành Phật”; quả thật đây là lời minh chứng mạnh mẽ nhất. Chúng ta tin tưởng lời dạy của Người, tu học theo đức hạnh của Người thì nhất định chúng ta sẽ đạt đến sự thành công như Người. Vậy chúng ta hãy cùng nhau học Phật!

BỒ-TÁT

Bồ-tát là tiếng dịch âm từ ngôn từ của Ấn Độ, nghĩa là người có đạo tâm vĩ đại, giữ gìn năm giới, mười điều thiện, Bát chánh đạo. Hễ là người bảo vệ Phật pháp, người đem hạnh phúc cho mọi loài, thậm chí người lập nguyện trang nghiêm đều gọi là Bồ-tát. Bồ-tát được chia làm mười giai đoạn, từ sơ địa, nhị địa, tam địa cho đến thập địa. Việc này căn cứ vào sự chứng đắc, thành quả tu tập và sự cống hiến của vị Bồ-tát đối với nhân loại và xã hội. Đến địa vị thập địa rồi thì phước đức, trí tuệ của Bồ-tát gần như tròn đầy và tiến đến giai đoạn thành Phật.

Kinh dạy: “Bồ-tát nên cầu học pháp ngũ minh”. Ngũ minh bao gồm y học, văn học, kiến trúc và nghệ thuật học, Phật học, luận lý học. Người thực hành theo ngũ minh thì thể lực và trí lực của họ đều cống hiến cho xã hội. Xã hội tiến bộ, phồn vinh cũng hoàn toàn nhờ tài năng của những vị này. Xưa nay có vô số người học Phật thì đó là Bồ-tát vậy. Cũng như Bồ-tát Quan Thế Âm v.v... và các bậc cao Tăng đại đức của những thời đại trước, những vị ấy quan tâm giúp đỡ chúng sanh chẳng khác gì người mẹ hiền che chở cho con trẻ. Tinh thần nhiệt tâm giúp đỡ cũng như sự cống hiến của các vị ấy rất được mọi người tín nhiệm. Người ta thường hiểu lầm các hình tượng được tạc bằng gỗ hoặc bằng đất v.v... mới là Bồ-tát. Điều này thật sai lầm. Vì Bồ-tát mà Phật giáo nói đến chính là những nhân sĩ cứu giúp chúng sanh và phục vụ cho lợi ích của xã hội. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng như vậy mới đúng.

CHÍ NGUYỆN BỒ-TÁT

Nguyện làm vị lương y cho những ai đang chịu các bệnh khổ, nguyện chỉ rõ con đường chánh cho những người lầm đường lạc lối, nguyện làm ngọn đèn sáng cho những ai đang đi trong đêm tối, nguyện cho những kẻ bần cùng khốn khổ thấy được Phục tạng. Bồ-tát bình đẳng lợi ích chúng sanh như vậy, khiến chư Phật hoan hỉ. Tại vì sao? Vì nếu Bồ-tát có thể tùy thuận chúng sanh, tức là tùy thuận cúng dường chư Phật. Nếu tôn trọng và thừa sự chúng sanh tức là tôn trọng và thừa sự chư Phật. Nếu khiến chúng sinh sanh tâm hoan hỉ cũng chính là khiến tất cả chư Phật hoan hỉ. Vì sao? Vì chư Phật Như lai lấy tâm đại bi rộng lớn làm thể, do chúng sanh mà khởi tâm đại bi, do tâm đại bi mà sanh tâm Bồ-đề, do tâm Bồ-đề mà thành Chánh giác.

Như trong sa mạc đồng hoang có cây đại thọ vương, nếu gốc rễ hút được nước thì cành laù hoa trái thảy đều sum suê. Như trong cái mênh mông hiu quạnh của sanh tử, Bồ-đề thọ vương cũng lại như vậy. Tất cả chúng sanh là gốc rễ của cây, chư Phật Bồ-tát là hoa trái của cây, lấy nước đại bi nhiêu ích chúng sanh thì có thể thành tựu hoa trái trí tuệ của chư Phật. Tại vì sao? Vì Bồ-tát lấy nước đại bi nhiêu ích chúng sanh thì có thể thành tựu Chánh đẳng chánh giác. Cho nên đạo Bồ-đề ở ngay chúng sanh, nếu không có chúng sanh, tất cả Bồ-tát trọn không thể thành Vô thượng chánh giác.

Này thiện nam tử! Đối với ý nghĩa này, các ông nên hiểu như vầy: đem tâm bình đẳng đối với chúng sanh thì có thể thành tựu viên mãn tâm đại bi. Lấy tâm đại bi tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu việc cúng dường Như lai. Nếu Bồ-tát tùy thuận chúng sanh như vậy, thì cõi hư không có thể cùng tận, chúng sanh có thể cùng tận, nhưng sự tùy thuận này không cùng tận, niệm niệm nối tiếp, không gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp sẽ không bao giờ mỏi mệt.

NHÂN THIÊN THỪA

“Thừa” ý nghĩa chỉ cho cỗ xe vận chuyển đồ vật đến mục đích. Chúng sanh muốn sinh vào cõi trời hoặc cõi người thì phải đi trên cỗ xe trời người, đó là điều tất yếu. Vậy, thế nào là cỗ xe của trời và người? Phương pháp để sanh lên cõi trời cõi người được gọi là “Nhân thiên thừa”.

Cách thức để sanh vào loài người đó là năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Thực hành mười điều thiện là phương pháp để sanh lên cõi trời. Mười điều thiện bao gồm tất cả hành vi của thân, lời nói và ý nghĩ. Tất cả đều phù hợp đạo lý, đúng pháp luật, vừa có lợi cho bản thân lại hữu ích cho nhân quần xã hội. Nghĩa là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, ba điều này thuộc về phẩm chất đạo đức trong sạch của thân; không nói dối, không nói lời hung ác, không nói đôi chiều, không nói thêu dệt thuộc về sự ngay thẳng trong lời nói; không tham lam, không sân hận, không si mê thuộc về sự trong sáng của ý nghĩ. Người thực hành trọn vẹn năm giới, mười điều thiện, hiện tại nhất định được hạnh phúc, mọi người kính yêu, đời sau sẽ hưởng được nhiều phước báo rất lớn. Mạng người thật ngắn ngủi, chúng ta cần tích tụ chút ít việc làm tốt để tạo bước khởi đầu thành công cho những kiếp sống sau này.

ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA

Phật giáo có hai phái: Tiểu thừa và đại thừa. “Thừa” bao gồm nghĩa chuyên chở. Vậy đại thừa thì dung lượng chở nhiều, tiểu thừa thì dung lượng chở ít.

Có hạng người học Phật cho rằng: ba cõi như một ngôi nhà lửa đáng sợ, luân hồi tợ kẻ oan gia đáng chán. Do vậy, họ luôn sớm muốn được giải thoát, khẩn thiết học lý Tứ đế, giữ giới nghiêm ngặt và một chút cũng không xao lãng. Những người này mặc dù đắc quả A-la-hán nhưng không có ý cứu giúp người khác mà chỉ muốn kéo dài thời gian giải thoát cho chính mình. Đến lúc chấm dứt mạng sống, họ nhập vào cảnh giới Vô dư niết-bàn, không trở lại nhân gian nữa. Hạng người này vì nghiêng về giải thoát cho tự thân nên gọi là tiểu thừa. Một hạng người học Phật khác cũng cho rằng: ba cõi và luân hồi là đáng sợ, cũng mong cầu giải thoát và thực hành sáu pháp ba la mật, tinh tấn tu hành. Song, họ luôn chia sẻ với mọi người và mang trong mình tinh thần từ bi rộng lớn, muốn mình và mọi người cùng được giải thoát, giác ngộ. Để thực hiện lý tưởng cao quý trang nghiêm này, họ luôn rộng kết các thiện duyên để làm công tác xã hội và phục vụ mọi người. Nói chung, phạm vi của sự cống hiến ấy cũng tùy theo năng lực của họ rồi phát tâm lớn dần cho đến cõi trời, cõi người và địa ngục. Tùy duyên thị hiện mà không ngại mệt nhọc gian khổ, mãi mãi làm lợi ích cho chúng sanh chớ không mong trụ vào Niết-bàn hay chứng đắc đạo quả. Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Quán Thế Âm là những thí dụ điển hình cho việc làm cao quý ấy.

Giữa hai hạng người tiểu thừa và đại thừa thì sự phát tâm, việc làm và lý tưởng của đại thừa ưu việt hơn. Đại thừa xứng đáng để chúng ta ca ngợi và học hỏi. Đại thừa rất thịnh hành ở khu vực Trung Hoa, đó là một diễm phúc lớn lao cho Phật giáo nước này. Mong mọi người hãy phát tâm tu học theo lý tưởng đại thừa.

LỤC ĐỘ

Chúng ta qua sông, muốn từ bờ này qua bờ bên kia thì nhất định phải đi ngang cây cầu hoặc đi thuyền bè. Cũng vậy, người học đạo muốn từ bờ sanh tử khổ đau bên này vượt thoát sang bờ Niết-bàn an lạc bên kia thì tất yếu cần có phương pháp tu tập giống như công năng của chiếc cầu và con thuyền. Phương pháp này có sáu: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bây giờ xin giải thích các phương pháp trên như sau:

1. Bố thí: Gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí.

a. Tài thí: Tùy khả năng kinh tế của bản thân mà đem của cải giúp đỡ cho những kẻ nghèo khó.

b. Pháp thí: Tùy theo trình độ nhận thức đúng đắn của mình rồi theo đó hướng dẫn mọi người kính trọng Phật pháp.

c. Vô úy thí: Tùy theo oai đức của mình, cứu giúp người khác thoát khỏi sự nguy hiểm và sợ hãi.

2. Trì giới: Giới có nghĩa là quy tắc. Tuân theo giới luật sẽ khiến tất cả hành vi trở nên đúng đắn. Cả ý nghĩ, hành động và lời nói đều được thanh tịnh hóa, không còn phạm lỗi lầm nữa. Giới có nhiều loại, hễ là những việc thích hợp chuẩn mực đạo đức thì nên làm theo. Bát chánh đạo, năm giới, mười điều thiện chính là những khuôn phép mà chúng ta nên hành trì.

3. Nhẫn nhục: Tức là nhẫn chịu sự đau khổ trong những nghịch cảnh như: hạn hán, giông bão, động đất, nóng lạnh... của hoàn cảnh; sự ngheøo khổ, bệnh tật, đói khát... của đời người; lòng tham lam, sân hận, oán hờn... của tâm lý.

4. Tinh tấn: Người học Phật kể từ khi phát tâm Bồ-đề rộng lớn cho đến lúc thành Phật, quả thực thời gian rất dài và trách nhiệm rất nặng nề. Cho nên phải có một tinh thần không sợ sệt, dũng mãnh và tinh tấn; phải nỗ lực chuyển hóa tâm lý và các hành vi tà hạnh như tham lam, sân hận, ngu si; tu tập các phẩm hạnh tốt đẹp như bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v... phải có một tinh thần không biết mệt mỏi mới diệt trừ được tập quán bất thiện nhiều đời và tích lũy vô lượng công đức để bước dần lên quả vị Bồ-tát, Phật.

5. Thiền định: Thường ngày thân tâm chúng ta quen với lối sống loạn động và ý chí lại bạc nhược. Nếu muốn tiến đến sự nghiệp vĩ đại, thành Phật thành Thánh thì quả thực rất khó thành tựu. Tu tập thiền định khiến tư tưởng đi vào khuôn phép thánh thiện, tinh thần an định, sau nữa là thanh lọc dục niệm và tất cả vọng tưởng. Người thực tập thiền định nhuần nhuyễn thì sức chuyên chú rất mạnh, ý chí vững vàng và không dễ bị hoàn cảnh cám dỗ, lại thêm thân thể được nhẹ nhàng, an lạc và tự tại. Niệm Phật là một phương pháp thiền định, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật thì tự nhiên sức chú ý được tập trung. Cho nên, niệm Phật cũng là một phương pháp tốt để tu tập thiền định. Chúng ta đừng bao giờ cười cợt cho rằng niệm Phật là việc làm mê tín.

6. Trí tuệ: Chúng ta học Phật, một mặt cần tiếp thu học vấn, tri thức, kỹ năng của thế gian, rồi tùy khả năng trợ giúp chúng sanh khiến họ được lợi ích. Mặt khác, nghiên cứu Phật pháp, học rộng, thông hiểu, tư duy, cầu chứng để đạt được đại trí tuệ.

Tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì có thể khiến chúng ta thành Bồ-tát, thành Phật. Nó giống như chiếc cầu và con thuyền nên được gọi là Lục độ.

TỨ ĐẾ

Giáo lý căn bản của Phật giáo chính là pháp Tứ đế. Tứ đế tức là bốn chân lý: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Khổ đế và tập đế là đạo lý giải thích thế gian; diệt đế và đạo đế là đạo lý nghiên cứu xuất ly thế gian.

- Khổ đế: Khổ đế có nghĩa là khổ não, bất an. Ngay trong thân thể và tinh thần của chúng sanh luôn có sự tồn tại của khổ não và bất an. Có thứ khổ não vốn có và có từ lúc sanh, có thứ khổ não sanh ra từ cuộc sống, từ tuổi già sức yếu, từ bệnh tật và từ cái chết. Ở phương diện con người mà nói thì có khổ não thương yêu mà biệt ly, khổ não mong cầu nhưng không được, khổ não oán đối ghen ghét và khổ của ngũ ấm xí thạnh. Đức Phật dùng trí tuệ quán sát các hiện tượng của thế gian và đưa ra kết luận rằng thế gian là một bể khổ.

- Tập đế: Tập đế có nghĩa là chiêu tập. Nguồn gốc của khổ não chính là do ảnh hưởng từ các tâm lý xấu, ví dụ như: tham lam, sân hận, ngu muội, kieâu mạn, nghi hoặc, tà kiến v.v... Nó ảnh hưởng đến lời nói, việc làm, dần dà trở thành thói quen, hình thành một lực lượng; mà lực lượng này còn được gọi là tập lực, tức là lực lượng được tích lũy từ thói quen và cũng chính là sự chiêu tập của khổ não.

- Diệt đế: Chúng sanh đã biết sanh tử là khổ, lại biết nguồn gốc của sự khổ, muốn trừ bỏ nó cần phải diệt khổ não. Diệt trừ khổ não, thoát khỏi sanh tử, ra ngoài vòng luân hồi, đạt đến cảnh giới thanh tịnh vĩnh hằng an lạc, đó gọi là chân lý của diệt đế.

- Đạo đế: Là phương pháp diệt trừ khổ não, hướng dẫn chúng sanh đến cảnh giới thanh tịnh vĩnh hằng, an lạc. Lời huấn thị thiết thực vô cùng trọng tâm, vô cùng chính xác mà đức Thế tôn đã để lại cho chúng ta chính là Bát chánh đạo.

Chúng ta hiểu rõ Tứ đế, thực hành đạo đế thì thân tâm sẽ đạt được sự an lạc.

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Chúng ta phát tâm làm những việc tự lợi lợi tha thì phải có đầy đủ tâm từ bi hỷ xả lượng vô biên đối với chúng sanh. Có tâm vô lượng như vậy mới có thể thực hiện tất cả hành vi hiền thiện. Tứ vô lượng tâm bao gồm: tâm từ vô lượng, tâm bi vô lượng, tâm hỷ vô lượng và tâm xả vô lượng.

Vô lượng có nghĩa là không thể hạn lượng. Chúng sanh vô lượng cho nên đối tượng làm ích lợi người khác cũng phải vô lượng. Chư Phật, chư Bồ-tát tạo vô lượng công đức, độ vô lượng chúng sanh, cho nên có tâm nguyện vĩ đại: “Chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ-đề; địa ngục chưa trống, thề không thành Phật”. Dưới đây xin lần lượt giải thích các tâm vô lượng như sau:

- Tâm từ vô lượng: Từ là nhân ái, có nhân ái thì một mặt khiến người vui vẻ, không khởi một ý nghĩ não hại người khác; mặt khác, lòng dạ hiền từ, không khởi tâm giận hờn, tự nhiên, hòa nhã, rộng lượng, hài hòa.

- Tâm bi vô lượng: Tâm bi có nghĩa là tâm thông cảm, thương xót sự khổ đau của người khác, dứt trừ khổ não cho người. Luôn luôn nhớ nghĩ đến tâm từ bi, vĩnh viễn không thối chuyển tâm ấy, mãi mãi không xao lãng việc giúp đỡ mọi người, gọi là tâm bi vô lượng.

- Tâm hỷ vô lượng: Hỷ là hoan hỷ, thấy người làm việc thiện thì không ngăn cản, hoặc họ có chuyện vui mừng thì cũng không nên có sự đố kỵ, mà trong lòng nên vui vẻ hướng đến họ chúc mừng, giúp họ thành công. Thường thường làm như vậy, mãi mãi làm như vậy thì gọi là tâm hỷ vô lượng.

- Tâm xả vô lượng: Xả là bình đẳng, nghĩa là đối với tất cả chuyện oan gia nghịch cảnh, việc không như ý, trong tâm vẫn an tịnh, không có một chút oán hờn. Đối với mọi cảnh thuận duyên cũng không ái luyến. Tình cảm và lý trí được giữ thăng bằng, không vì ngoại cảnh mê hoặc mà dao động, con người sẽ được đứng đắn, hòa bình. Đây gọi là tâm xả vô lượng.

Tứ vô lượng tâm là những pháp rất trọng yếu để thực hành hạnh Bồ-tát.

BÀN LUẬN VỀ NIỆM PHẬT

Trong tâm chúng ta tồn tại các ý niệm tham lam, sân hận, vọng tưởng v.v... nó khuấy động tâm trí chúng ta, dẫn đến các hành vi tội ác, trở ngại sự tiến bộ và khiến con người khổ não. Cho nên, chúng ta cần phải có một lý tưởng cao thượng trong sáng để làm mục tiêu cho cuộc sống. Như vậy, chúng ta niệm Phật là tốt nhất.

Mỗi ngày, trong một khoảng thời gian cố định hoặc sáng hoặc tối, chuyên tâm nhất ý tịnh lự một lúc để các tư tưởng phiền loạn lắng dịu xuống rồi xưng niệm danh hiệu chư Phật, như: Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật v.v... Nói chung, mặc niệm và tụng ra tiếng đều được, lễ bái thì càng tốt hơn.

Niệm là chúng ta tưởng nhớ đến phước đức, trí tuệ, sự nghiệp, hành vi của đức Phật, đặc biệt là lời giáo huấn của Ngài. Nếu như ngày nào cũng niệm, giờ nào cũng niệm, thì tánh tình sẽ được hun đúc, dần dần đổi thay và ảnh hưởng đến các tư tưởng trong sáng, hành vi đúng đắn; noi theo tấm gương sáng của đức Phật và cuối cùng đạt được điều mà đức Phật Đã nói:

Không làm các việc ác,

Chỉ làm các việc lành,

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Đó là lời chư Phật dạy.

Dũng mãnh tinh tấn, sống một đời sống trong sạch và hiền thiện, như vậy chẳng phải là một đời sống tốt đẹp đó sao!

LÀM THIỆN

Đức Phật dạy mọi người làm các việc thiện. Vậy chữ “thiện” mà Ngài muốn nói có nghĩa là tất cả những gì có thể khích lệ con người tiến bộ, có thể đưa đến hạnh phúc và lợi ích cho tha nhân. Thiện gồm mười một loại:

1. Tín tâm: Có niềm tin sâu sắc đối với đạo lý làm thiện được phước, làm ác gặt hái điều không tốt.

2. Bất bhóng dật: Tuân thủ tập quán đạo đức, vun bồi hành vi hiền thiện và mãi mãi giữ gìn các việc này.

3. Khinh an: Khiến thân tâm khỏe mạnh, nhẹ nhàng.

4. Xả: Chánh trực, bình đẳng, thân tâm không có tình huống hôn trầm.

5. Tàm: Cảm thấy xấu hổ khi mình có những hành vi sai trái, do đó mà không làm ác nữa.

6. Quý: Đối với những hành vi sai trái mà mình đã làm, cảm thấy xấu xa khi có tội với người khác, do đó chấm dứt không làm ác nữa.

7. Vô tham: Không ái luyến và chạy theo hoàn cảnh khoái lạc.

8. Vô sân: Không giận hờn, phẫn nộ khi gặp nghịch cảnh.

9. Vô si: Có nhận thức rõ ràng xác thực đối với mọi việc.

10. Bất hại: Nhân từ thương yêu động vật, có lòng trắc ẩn và cảm thông.

11. Cần: Vâng theo lời giáo huấn đạo đức, siêng năng học tập, dõng mãnh tinh tấn.

Người thường giữ gìn các hành vi thiện tâm thì tâm hồn thanh khiết, hành vi cao thượng, đời sống hạnh phúc an vui.

BÁO ÂN

Làm người thì phải biết ơn và đền ơn. Ngoài công ơn của cha mẹ thầy cô, còn có hai ơn nữa mà chúng ta không được quên mất và cần phải báo đáp, đó là ơn của Phật vàø ơn của chúng sanh.

1. Ơn Phật: Đức Thế tôn xuất hiện ở nhân gian đem chân lý “cuộc đời là khổ, chúng sanh có thể thành Phật” nói với mọi người, độ người thoát khỏi đường mê, thành chánh giác. Ân đức này cần phải báo đáp.

2. Ơn chúng sanh: Đức Phật dạy rằng chúng sanh từ rất nhiều kiếp sống đã kết duyên qua lại với nhau, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm thân thuộc, hoặc làm thầy bạn, quan hệ rất mật thiết. Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, mọi người đã có ơn với ta. Đồng thời, các vấn đề nhu yếu đời này như y phục lương thực, nơi ở, phương tiện đi lại v.v... đều nhờ mọi người và xã hội duy trì cung cấp. Ví dụ: người nông dân trồng ngũ cốc, người công nhân làm công nghệ, thương nhân thì buôn bán, thầy thuốc thì khám bệnh, cảnh sát thì duy trì trật tự an ninh, nhân viên bưu điện thì truyền đạt tin tức, thầy giáo thì dạy dỗ v.v... Mọi người giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau, cống hiến hết năng lực của mình, tiếp nhận mọi nhu cầu thiết yếu, thúc đẩy xã hội tiến bộ và phồn vinh. Mọi người thật sự đều có ơn huệ đối với ta.

Đức Phật Đã dạy: “Tương thử thân tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân” (Đem thân tâm này để phụng sự cho xã hội và chúng sanh, đó là báo đáp công ơn của Phật). “Trần Sát” là xã hội và chúng sanh, chúng ta làm những việc có ích cho xã hội, thì cũng có nghĩa là báo đáp ân Phật.

Bây giờ, chúng ta còn nhỏ, nên cần phải bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức tốt và cần nỗ lực học hỏi. Đến khi sự nghiệp học vấn và nhân cách được trưởng thành thì chính lúc ấy là thời điểm để chúng ta báo đáp ơn Phật và ơn chúng sanh.

TỪ BI

Đức Phật dạy chúng ta rằng: Trong vô số kiếp sống, chúng sanh từng làm quyến thuộc, bạn bè thân thích cho nhau, cùng nhau diễn hết những chuyện vui buồn hợp tan, mối quan hệ thực sự mật thiết. Cho nên, chúng sanh cần phải thương yêu, giúp đỡ và đối xử nhau như người một nhà.

Đức Phật từng bảo: “Từ bi là nền tảng căn bản để thành Phật”. Từ có nghĩa là tăng thêm niềm vui cho người, khiến họ vui vẻ, đầy đủ. Bi có nghĩa là nhổ sạch sự bất hạnh của người, khiến họ an lạc, hạnh phúc. Nhưng lòng từ bi cần phải được bồi dưỡng, trong lòng phải có sự trắc ẩn và nhân từ. Tín đồ Phật giáo thực hành tín ngưỡng của mình mà có các hành vi phóng sanh, ăn chay đó là căn cứ vào lý do này mà phát triển.

Chúng ta cũng có thể học tập từ bi. Ví dụ: người khác có chuyện bất hạnh, ta chia xẻ, giúp đỡ; mọi người có chuyện mừng vui, ta tùy hỷ chúc phúc. Hoặc thương yêu và bảo vệ loài vật nhỏ bé, các loài côn trùng đáng yêu, xinh xắn. Ta cũng không nên làm thương tổn hoặc giam cầm chúng. Như vậy, giữ việc này một cách thường xuyên, tích chứa các việc nhân từ nhỏ biến thành lòng nhân từ lớn, mới có được sự nghiệp và hoằng nguyện độ khắp chúng sanh.

PHIỀN NÃO

Nhà Phật gọi những chuyện ưu phiền, não loạn về thân và tâm là phiền não. Phiền não có hai loại lớn: loại thứ nhất là căn bản phiền não, loại thứ hai là tùy phiền não. Căn bản phiền não có sáu loại: tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến.

1. Tham: Đối với vật chất thì muốn chiếm hữu và quá theo đuổi. Đối với tình cảm thì luyến ái không xả bỏ. Hoặc là ham tiếc những vật của mình nên không chịu bố thí (ban bố cho ai).

2. Sân: Là giận hờn thịnh nộ. Đối với việc không bằng lòng thì không thể nhẫn nhịn, đùng đùng nổi giận, nóng nảy, thô tháo và trút cơn thịnh nộ lên người khác, hoặc chửi bới, đánh đập v.v...

3. Si: Ngu si mê muội, không hiểu rõ chân lý, không xác định được thiện ác, không phân biệt được trắng đen, không biết rõ phải trái, trong tâm chỉ có dục vọng và căm hờn, vì đó mà đưa đến các hành vi tội ác.

4. Mạn: Là kiêu mạn, thờ ơ, xem thường người khác, cho rằng mình là tất cả, ưu việt hơn mọi người, không chịu khiêm tốn học tập.

5. Nghi: Là hoài nghi, là người do dự không dứt khoát, không có năng lực phán đoán. Đối với Phật pháp và vấn đề thiện ác thì do dự không nhất quyết, kết quả là bỏ con đường chánh mà không chịu theo.

6. Ác kiến: Là người có ác kiến, kiến giải lệch lạc, không tin nhân quả, không tin Phật pháp, không kiêng dè điều gì cho nên mới làm tất cả mọi điều xấu xa.

Các loại căn bản phiền não này chiếm cứ trong tâm, và theo đó sản sinh ra rất nhiều phiền não nhỏ hơn, cho nên gọi các phiền não nhỏ là tùy phiền não. Ví dụ các tâm lý xấu như: không xấu hổ, căm hờn, che dấu, đố kỵ, nịnh hót, kiêu ngạo, lười biếng, phóng túng, tán loạn, bỏn xẻn .v.v... Cái tâm lý ấy có lúc chỉ đơn độc nhiễu loạn tâm trí, có khi mấy loại cùng lúc xuất hiện, khiến con người tâm thần không yên ổn, đau buồn và thống khổ.

Tư tưởng có thể thao túng hành vi, tư tưởng tốt sinh ra hành vi tốt, tư tưởng xấu ác sinh ra hành vi sai trái. Cho nên, đức Phật dạy mọi người chú ý hễ tâm ý được mạnh khỏe thì các phiền não sẽ không thể phát sanh.

Tư tưởng không lúc nào dừng nghỉ, nếu phiền não đã được ngăn chặn thì tư tưởng thấm nhuần pháp thiện sẽ xuất hiện thay thế pháp ác. Cho nên, suy niệm về Phật-Pháp-Tăng, nghĩ về bố thí, rộng lượng, nhẫn nhịn, trì giới, tinh tấn .v.v... chính là phẩm chất đạo đức cao đẹp trong đời sống người học Phật. Lúc nào cũng nhớ nghĩ, thường thường nhớ nghĩ như vậy thì ý thức sẽ được ý nghĩ thiện hun đúc, lâu dần ý nghĩ ác tự nhiên bị tiêu diệt.

Phiền não dần dần trừ sạch, ác nghiệp cũng theo đó giảm đi. Đời sống quang minh chánh đại, sẽ bước trên con đường đúng đắn. Nếu phiền não được đoạn trừ một cách triệt để thời sẽ đạt đến giai đoạn giải thoát luân hồi, vượt ra ngoài ba cõi.

TRÍCH KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO VÀ KINH NHÂN QUẢ

Này Long vương! Ông nên biết Bồ-tát có một pháp có thể đoạn trừ tất cả khổ não trong các đường ác. Đó là ngày đêm nhớ nghĩ tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp mỗi niệm mỗi niệm được tăng trưởng, không để cho bất kỳ pháp bất thiện nào xen lẫn, pháp ấy có thể khiến các ác pháp vĩnh viễn chấm dứt, thiện pháp được tràn đầy, thường được gần gũi chư Phật, chư Bồ-tát và các Thánh chúng.

Nói rằng thiện pháp, nghĩa là thân của các hàng trời, người, Thanh văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, Vô thượng Bồ-đề, đều nương vào pháp này, lấy nó làm căn bản để được thành tựu cho nên gọi là thiện pháp. Pháp này chính là Thập thiện nghiệp đạo. Vậy mười điều đó là gì? Đó là vĩnh viễn xa lìa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đôi chiều, nói ác, nói thêu dệt, tham lam, sân hận và tà kiến.

Này Long vương! Thí như tất cả thành ấp xóm làng đều dựa vào trái đất mà được đứng vững, tất cả cây thuốc cỏ cây vườn rừng cũng nhờ vào đất mà lớn lên. Mười điều thiện này cũng như vậy, tất cả hàng trời người nương vào nó mà được thành lập, tất cả hàng Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp, đều nương vào mảnh đất Thập thiện này mà được thành tựu.

Nếu có người nghèo khổ nào, không có tiền của nhưng vẫn có thể bố thí. Lúc người khác bố thí liền sanh lòng tùy hỷ thì phước báo của họ không khác gì phước báo của người bố thí kia. Đó là một việc rất dễ làm, ai mà không làm được!

(Kinh Nhân Quả).

LỜI TÂM TÌNH CÙNG CÁC BẠN

Các bạn trẻ thân mến!

Học Phật là lấy đức Phật làm tấm gương sáng noi theo, tiếp thu lời dạy của đức Phật, thực hành con đường của đức Phật, học tập sự nghiệp hành vi và tư tưởng của Ngài. Nếu được như vậy, tương lai các bạn sẽ cùng hướng về con đường như Ngài và đạt đến cảnh giới thành Phật như Ngài. Vô số lời dạy của đức Phật Đà để lại khuôn thước cao quý cho hậu thế. Hệ thống giáo lý của Phật giáo rất hoàn chỉnh, tỉ mỉ và thật tuyệt vời. Tín ngưỡng Phật giáo khích lệ con người cố gắng vươn lên, chừa bỏ lỗi xưa làm điều lành mới, hướng con người từ chỗ thô tục vượt lên địa vị thánh thiện, ý nghĩa như thế thật cao cả.

Điều kiện quan trọng nhất để làm một người hoàn thiện đó là lòng nhân ái. Lòng nhân ái ở đây không chỉ đối với người thân bạn bè của mình mà còn bao trùm cả nhân loại, thậm chí đến các loài động vật. Đức Phật dạy: “Chúng sanh sinh từ trứng, từ thai, từ chỗ ẩm thấp, từ hóa sanh, Ta đều nguyện dẫn dắt vào Niết-bàn rồi mới diệt độ”. Đây quả thực là lòng từ bi vô bờ bến. Ngài cũng từng nói: “Nếu Ta không vào địa ngục thì ai vào đây?”. Vâng, Ngài vào địa ngục để động viên, an ủi và cứu giúp những kẻ lầm đường lạc lối.

Tuổi trẻ là nền móng căn bản nhất của loài người. Chúng ta học cách quan tâm giúp đỡ, yêu thương mọi người thì điều lành, lòng nhân từ dần được trưởng thành và phát triển rộng lớn. Mà như vậy thì lo gì bức tường ngăn cách, sự lạnh lùng giữa nhân loại không được xóa bỏ, niềm hạnh phúc, tình yêu thương giữa con người không được thiết lập! Tất nhiên muốn giúp đỡ mọi người thì chúng ta cần có đủ khả năng. Tuổi trẻ còn là thời điểm lý tưởng để chúng ta học hành. Trường học, gia đình, xã hội đều là môi trường để chúng ta học hỏi. Chúng ta hướng đời mình theo như những gì đức Phật Đà dạy, có mục tiêu đúng đắn, ôm ấp bầu nhiệt huyết, dõng mãnh, tinh tấn thì cuộc đời chúng ta tất yếu sẽ hữu ích cho xã hội.

Những người trí thức thời nay thường có sự hiểu nhầm về Phật giáo. Họ bảo Phật, thần gì đâu mà không rõ ràng, nào là khấn vái quỷ thần, tổ tiên, đốt đồ vàng mã v.v... Ôi thôi! toàn là chuyện của người thế tục. Nếu quả có người nào cho những việc trên là của Phật giáo thì chúng ta nên khéo trình bày cho họ biết về cuộc đời và lời dạy của đức Phật để họ không hiểu sai về Phật giáo nữa, cũng như khiến họ phát khởi niềm tin, sự kính ngưỡng đối với đức Phật. Thiết nghĩ, đây là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi chúng ta!

Các bạn còn rất trẻ, đó là một cơ hội rất tốt để tìm hiểu và nghiên cứu nhiều hơn nữa về Phật giáo. Các bạn tin lời Phật dạy, thực hành lời Phật trong cuộc sống hàng ngày thì quyết chắc chân trời hạnh phúc đang chờ đón bạn ở hiện tại và mai sau.

 

--- o0o ---

Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/02/2011(Xem: 5503)
Nhân nói về mùa XuânDi-lặc và vị Phật tương lai – Ngài Bồ-tát Di-lặc, có lẽ cũng cần tìm hiểu thêmvề một vị Di-lặc khác: Luận sư Di-lặc, thầy của Luận sư Vô Trước. Theo Wikipedia, mộtsố các nhà Phật học như các vị giáo sư Erich Frauwallner, Giuseppe Tucci, vàHakiju Ui cho rằng Luận sư Di-lặc (Maitreya-nātha– khoảng 270-350 TL)là tên một nhân vật lịch sử trong 3 vị luận sư khai sáng Du-già hành tông (Yogācāra)hay Duy thức tông (Vijñānavāda)...
01/02/2011(Xem: 2557)
Người ta luôn hỏi câu này, Phật đã đi đâu và hiện nay ngài đang ở đâu? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho những ai không có một sự tu tập về đời sống tâm linh.
13/01/2011(Xem: 21332)
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả...
05/01/2011(Xem: 3867)
Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, xá lợi của Ngài được chia thành tám phần cho tám lãnh thổ như Vương Xá (Rājagaha), Vesāli,, thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu), Allakappa, Rāmagāma, Vethadīpa, Pāvā và Câu-thi-na (Kusinārā). Để có nơi tôn kính thờ xá lợi của các bậc thánh, kiến trúc của các ngôi tháp bắt đầu phát sanh và tiến hóa. Nhiều thế kỉ trôi qua, Phật giáo theo thời thế mà thăng trầm lên xuống và xá lợi hầu hết cũng bị thất lạc. Vào thế kỉ XX, các nhà khảo cổ trong khi khai quật vùng Taxila và ngọn đồi Long Thọ (Nāgārjunakondā) đã tìm thấy các viên xá lợi thật của của Đức Phật và hiện nay được thờ tại Sārnātha. Tác giả Tham Weng Yew đã viết về lịch sử và ý nghĩa của việc thờ xá lợi, tiến trình thăng hóa các đền tháp thờ cùng các hình ảnh minh họa. Tỳ-kheo-ni Giới Hương đã phát tâm dịch ra tiếng Việt và đây là lần xuất bản thứ 2.
05/01/2011(Xem: 2574)
Trong Việt Nam Phật Giáo sử luận, tập một, khi bàn về sự liên hệ giữa thiền và thi ca, giáo sư Nguyễn Lang viết: "Thi ca không có hình ảnh thì không còn thi ca nữa, cũng như đi vào lý luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền nữa" Nhưng thế nào là hình ảnh, giáo sư Nguyễn Lang giải thích:
04/01/2011(Xem: 51679)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
21/12/2010(Xem: 2010)
Năm đầu tiên (528 TTL): Sau khi thành đạo vào đêm rằm tháng Vesakha (tức tháng Tư âm lịch), Đức Phật đến ngụ tại khu vườn nai (Lộc uyển), vùng Chư thiên đọa xứ (Isipatana) tức Sa-nặc (Sarnath) ngày nay, gần thành Ba-na-lại (Benares). Tại đó, Ngài giảng bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, hóa độ năm anh em đạo sĩ Kiều-trần-như (Kodañña) và cư sĩ Da-xá (Yasa).
24/11/2010(Xem: 12252)
Bộ Ảnh về Cuộc Đời Đức Phật, Bộ hình phác họa về lịch sử, cuộc đời đức Phật do một họa sĩ người Thái Jamnuon Jhanando thực hiện. Những lời giải thích do cá nhân chúng tôi chú thích, nếu có sai sót xin nhờ quý vị chỉnh sửa dùm cho đúng. Kính tri ân…
16/10/2010(Xem: 7283)
Đây là bài thuyết giảng về "Đức Phật của chúng ta" một đề tài dễ làm cho Phật tử ngạc nhiên, vì Đức Phật của chúng ta là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi còn gì mà phải đặt vấn đề. Nhưng vấn đề sở dĩ được đặt ra là nhiều khi chúng ta chưa có được một cái nhìn thấu triệt tất cả tinh tường, đức tướng, hạnh đức, tin đức của đức Phật chúng ta. Do vậy, bài này, một phần giúp chúng ta trả lời những thiếu sót như vậy... Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.
16/10/2010(Xem: 6986)
Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giài thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]