Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Đất Hoá Vàng

27/11/201320:33(Xem: 20515)
18. Đất Hoá Vàng
mot_cuoc_doi_tap_5

Đất Hoá Vàng



Cuối canh ba hôm ấy, sau khi xả diệt thọ tưởng định bảy ngày, tôn giả Sāriputta đưa võng lưới quan sát khắp kinh thành và vùng phụ cận xem thử ai có nhân duyên để tế độ thì ngài thấy biết một việc.

Tại ngoại ô kinh thành Rājagaha, có một người nông dân nghèo tên là Puṇṇaka sinh sống bằng nghề làm thuê cho trưởng giả Sumana. Ông có một người vợ và một cô con gái đã lớn tên là Uttarā, đều là nô tỳ trong gia đình của trưởng giả.

Hôm đức vua Bimbisāra cho tổ chức lễ hội vui chơi bảy ngày, ông Puṇṇaka hỏi vợ:

- Mọi người đều được nghỉ làm, còn tôi hôm nay thì sao bà nó ơi? Đi làm hay không đi làm?

Bà vợ suy nghĩ một chút rồi nói:

- Chẳng có ông chủ nào muốn cho kẻ ăn người ở nghỉ việc cả!

- Vậy tôi phải đi cày như thường lệ hay sao?

- Ông hãy lắng nghe cách nói của ông chủ, khi ấy mới biết “nên” đi làm hay “không nên” đi làm!

Ông chồng vốn chậm hiểu nên ngạc nhiên hỏi:

- Ông chủ có thể có cách nói như thế nào, bà nó nhẽ?

- Ông hãy nhớ cho kỹ đây! Bà vợ khôn ngoan căn dặn - Nếu ông chủ nói: “Hôm nay khắp nơi đức vua cho mọi người nghỉ việc cả, nhà ta cũng vậy, con ạ!” Khi ông ta nói vậy là nói thật lòng nên ông sẽ cảm ơn ông chủ rồi nghỉ việc. Nếu ông chủ nói: “Hôm nay mọi người đều nghỉ việc cả, còn ông nghỉ hay làm?” Khi nói với nghĩa hàng hai như thế là ông chủ không muốn chàng nghỉ việc, lúc ấy chàng sẽ nói:“Thưa chủ, nghỉ lễ dành cho người giàu, con là phận nô lệ, phải biết giúp ích cho chủ chứ!” Trả lời thế là ông chủ sẽ hài lòng, và chàng cứ đi cày như thường lệ!

Người nông dân Puṇṇaka nghèo khổ và chất phát ghi nhớ đinh ninh lời vợ dạy, đến gặp ông chủ; và câu hỏi đáp giữa hai người y chang như bà vợ đã tiên tri, nghĩa là ông chủ hỏi chàng muốn làm hay nghỉ!

Puṇṇaka về kể chuyện lại cho vợ hay rồi nói:

- Bà giỏi quá! Như ở trong bụng của ông chủ vậy!

- Khen nhau mà làm chi! Không khó gì mà không hiểu tâm địa của người giàu, đã giàu rồi họ còn muốn giàu hơn nữa. Thôi đi đi, tôi cũng sẽ chuẩn bị phần ăn trưa cho ông đây.

Puṇṇaka ngoan ngoãn “tuân lệnh” vợ, chọn một cặp bò mạnh khỏe rồi vác cày ra đồng.

Tôn giả Sāriputta thấy vậy, nghĩ bụng:“Ta sẽ cho phước đến người nông dân chất phát này đây! Hóa ra ông ta có duyên với mình. Nhưng không biết có đầy đủ đức tin để dâng cúng vật thực không? Ồ, hóa ra là có! Mà là đức tin bất động rất mãnh liệt là khác! Rồi sao nữa? Ồ, thật là hy hữu! Ông ta sẽ có quả báo hiện tiền, hưởng được gia tài lớn, có địa vị, có danh vọng! Và từ đó rất lợi lạc cho cả cô con gái Uttarā, lợi lạc cho giáo pháp nữa!”

Thế rồi, tôn giả Sāriputta đắp y, mang bát, bộ hành ra phía ngoại ô, đi thẳng đến đám ruộng cày của người nông dân nghèo thì trời cũng đã khá trưa. Đến nơi, dừng chân sát bờ ruộng, tôn giả ôm bát và đứng nhìn vào một khóm tre, cốt ý xem thử thái độ, cung cách xử sự của Puṇṇaka ra sao!

Thấy tôn giả, người nông dân phát tâm tịnh tín, bỏ cày, đến đảnh lễ năm vóc sát đất rồi tự nhủ:“Vị sa-môn dáng dấp cao sang và quý phái này không nói, không rằng, chỉ đứng nhìn vào bụi tre; có nghĩa là ngài cần tăm tre chăng? Tăm tre thì mình có sẵn đây!”

Puṇṇaka bèn đem dâng tăm xỉa răng!

Mỉm cười, tôn giả trao đãy lược nước và bình bát xem thử ông ta làm sao. Puṇṇaka tự nhủ:“Ngài cần nước uống chăng? Ồ, nước uống thì ta cũng có sẵn đây!” Rồi lấy đãy lược nước, lược nước đầy bát rồi đem dâng cho tôn giả!

Tôn giả bèn uống nước tại chỗ rồi rời chân đi, tự nghĩ: “Đấy là xong phần việc của ông chồng! Ông ta chỉ có tăm xỉa răng và nước lã nhưng đã cúng dường với cái tâm vô cùng trân trọng và thanh khiết! Còn bà vợ? Bây giờ, ta sẽ đến đứng và đợi ở một lối rẽ nơi con đường mà bà ta sẽ mang thức ăn trưa cho chồng”.

Và quả thật vậy, tôn giả Sāriputta ôm bát đứng đợi một lát ở đầu con đường ruộng thì thấy bóng dáng bà vợ của Puṇṇaka hối hả đi ra.

Thấy một vị sa-môn y bát trang nghiêm, uy nghi, vầng trán sáng như tỏa hào quang, bà vợ chàng Puṇṇaka phát khởi đức tin trong sạch, tự nghĩ: “Khi mình có vật thực cúng dường thì không thấy một vị sa-môn nào cả! Khi mình không có cái gì dâng cúng thì lại gặp các vị sa-môn! Lần nào cũng thiếu duyên. Hôm nay, hy hữu thay, mình có vật thực lại được gặp một vị sa-môn tướng hảo quang minh dường kia! Thật là đại duyên, đại phước cho mình!”

Nghĩ thế xong, bà vợ Puṇṇaka đặt giỏ thức ăn xuống, đến quỳ năm vóc sát đất rất mực cung kính rồi thưa:

- Xin cho kẻ tôi tớ hèn mọn này được thành tâm cúng dường; và cũng xin ngài đừng nghĩ đến vật thực thô xấu của kẻ nô lệ. Đây là tấm lòng của chúng con và xin ngài phúc chúc cho chúng con!

Tôn giả đưa bát ra. Bà sớt cơm và thức ăn vào bát. Được phân nửa, tôn giả lấy tay ngăn bát lại:

- Thôi đủ rồi!

Người vợ thưa:

- Một phần ăn không thể chia hai. Xin ngài hãy thọ nhận hết để phước báu nâng đỡ chúng con đời này và đời sau.

Bà lại sớt hết phần cơm.

Tôn giả hỏi:

- Bà có ước nguyện gì?

- Con chỉ muốn được dự vào hương vị của pháp mà ngài đã chứng nghiệm và đã sống!

- Thí chủ sẽ được như ý nguyện.

Xong, tôn giả đọc một câu phúc chúc và ngồi xuống một nơi mát, sạch, thọ trai.

Người vợ nông phu về nhà nấu cơm khác.

Puṇṇaka đã cày hết nửa mẫu đất, đói bụng quá bỏ cày, ngồi xuống gốc cây trông chừng về phía đường. Khi người vợ mang cơm đến, thấy chồng ngồi trông, bà nghĩ: “Chắc ông ấy bị đói dữ lắm! Có lẽ ông đang đợi ta kìa, ông sẽ trách ta đến trễ, sẽ lấy gậy đập ta, khiến cho việc ta vừa làm không có kết quả, chi bằng ta nói rõ lý do trước”.

Và bà nói to lên:

- Mình ạ, hãy kiên nhẫn một chút và đừng làm mất hết thành quả hữu ích của việc tôi mới làm. Số là, hồi gần trưa, tôi đem phần ăn cho mình, may mắn gặp được một vị sa-môn và tôi đã cúng dường hết. Do phải về nhà nấu cơm khác nên đã quá trưa. Mình thông cảm cho tôi nhé?

Puṇṇaka do đói bụng, mệt, nghe loáng thoáng... phần ăn... cúng dường... gì gì đó, nên hỏi lại:

- Bà nói rõ lại đi?

Sau khi nghe rõ chuyện, Puṇṇaka mặt mày hớn hở, khen vợ:

- Giỏi quá! Bà nó đã làm được một việc tốt khi dâng phần ăn của tôi cho vị sa-môn. Tôi cũng đã đem tăm và nước uống dâng đến cho vị ấy sáng nay. Tôi cũng đã biết cúng dường chút chút đó.

Bà vợ nghe được vậy, khoan khoái thở một hơi dài nhẹ nhõm. Khi bà ngồi xếp bằng xuống chuẩn bị dọn thức ăn ra ra bãi cỏ, thì Puṇṇaka do quá mệt nên đã gối đầu lên bắp vế của bà, thiu thiu ngủ. Thấy vậy, thương chồng, không nỡ đánh thức, bà ngồi yên lặng mà cảm giác một hạnh phúc tuôn tràn.

Bấy giờ, tất cả đất được cày lên từ sáng đều biến thành vàng, sáng lấp lánh như hoa Kanikāra.

Puṇṇaka thức giấc, chợt nhìn thửa ruộng vàng sáng một cách lạ lùng, ngồi dậy, nói với vợ:

- Bà nó xem kìa! Dường như đất đã biến thành vàng? Hay là tôi bị chóa mắt vì đã nhịn cơm trưa nay?

Bà vợ cũng ngạc nhiên, chăm chú nhìn:

- Hình như tôi cũng thấy nó là vàng đấy!

Puṇṇaka đứng dậy, bước xuống ruộng lượm một miếng đất đập thử lên cán cày và thấy nó là vàng. Ông kêu lên thảng thốt:

- Ôi! Vàng thật rồi! Chúng ta cúng dường vị sa-môn kia, và phước báo đến ngay ngày hôm nay tức khắc! Bây giờ, kinh khiếp là vàng như thế này, chúng ta làm sao đây?

Bà vợ bước đến, nắm một cục vàng trong tay, suy nghĩ một lát rồi nói:

- Chúng ta là hạng tôi tớ nghèo nàn, nếu sử dụng vàng này là mang họa đó!

- Hay là ta về trình lại với chủ?

Bà vợ lắc đầu:

- Không! Ông chủ rất tham lam! Còn ích kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt nữa. Cả đời chỉ biết thu vô, chưa biết cho ra. Chưa hề biết đến việc nghĩa, và cũng chưa cho ai một xu, một cắc; không xứng đáng để chúng ta tin tưởng. Tốt nhất là nên đến trình đức vua để ngài xử lý! Đức vua là đấng minh quân, hiền thiện, là đệ tử của đức Phật. Ngài nổi tiếng biết cúng dường đến đức Phật và tăng chúng, lại còn biết chăm lo an vui và hạnh phúc đến cho muôn dân. Vậy, chỉ có đức vua mới biết sử dụng hữu ích cả cái ruộng vàng này!

Puṇṇaka gật đầu lia lịa:

- Phải! Phải! Bà nó luôn luôn khôn ngoan và sáng suốt hơn tôi!

Thế rồi, cả hai người hối hả ăn vội miếng cơm rồi cùng nhau chất vàng vào đầy giỏ thức ăn. Sau đó, bà vợ vác cày, dẫn bò về nhà, còn Puṇṇaka mang giỏ vàng hỏi thăm đường đến cung vua.

Sau năm lần bảy lượt năn nỉ xin với lính gác, năn nỉ trình với các quan, Puṇṇaka cũng được gặp vua. Ông lấy tất cả vàng trong giỏ ra cho vua thấy rồi nói:

- Tâu đại vương! Hôm nay do vợ chồng con cúng dường vật thực, tăm xỉa răng và nước uống cho một vị sa-môn; sau đó, lạ lùng làm sao là tất cả đất con cày đều biến thành vàng. Đây là một số ít trong đám ruộng vàng ấy! Con đem trình cho đại vương hay!

Đức vua Bimbisāra đưa mắt nhìn vàng - vàng mười láng mịn - thò tay lấy một cục, ngắm nghía rồi lại quay sang nhìn người nông dân, ngài nói:

- Vàng là vàng thật! Chuyện xảy ra cả ruộng vàng, chắc cũng không phải giả! Nhưng sao ngươi không giấu vàng ấy đi để tiêu xài, không nói lại với ông chủ, lại đem trình báo chuyện ấy với ta?

- Thưa, vợ con nói, ông chủ con tham lam, keo kiệt! Còn đức vua là một đấng minh quân, biết cúng dường đức Phật và tăng chúng, biết lo cho an vui và hạnh phúc của muôn dân.

Đức vua cười cười:

- Vợ ngươi nói thật như thế à?

- Thưa vâng! Chúng con chưa hề biết nói dối!

Đức vua lại hỏi:

- Ngươi tên gì?

- Con tên Puṇṇaka.

- Chủ của ngươi là vị nào?

- Thưa, ổng là triệu phú Sumana!

- Ồ, đúng là triệu phú đấy! Đúng là tên của ông trưởng giả keo kiệt rồi!

Nhà vua lại hỏi:

- Vị sa-môn mà vợ chồng ngươi cúng dường, tướng mạo ra sao, có thể tả lại cho ta nghe được không?

Puṇṇaka cố gắng hình dung tuổi tác, tướng mạo và phong cách rồi tả lại... Đức vua thốt lên:

- Với phước báu hiện tiền, với cốt cách như ngươi diễn tả thì đúng vị ấy là tôn giả Sāriputta, đại đệ tử của đức Tôn Sư rồi! Chỉ có tôn giả ấy, sau bảy ngày tĩnh cư diệt thọ tưởng định mới cho được kết quả phước báu lạ lùng và hy hữu đến cho ngươi như vậy đó!

Nghĩ ngợi một chút, vua nói tiếp:

- Phước ấy là của ngươi! Vậy ngươi tính sao với cái ruộng vàng ấy?

- Đại vương hãy cho chừng một trăm chiếc xe ngựa kéo đến chở vàng ấy về kho của triều đình. Chỉ có đức vua mới sử dụng hữu ích đống vàng ấy, vợ con nói như vậy!

Đức vua Bimbisāra, vốn là một vị thánh nhập lưu, ngài đâu phải là ông vua thấy vàng là sáng mắt? Tuy nhiên, ở đây là đức tin, ngài tin cái phước báu huyền diệu của chàng nông dân; nên đã tức tốc sai sắm xe ngựa, do Puṇṇaka dẫn đường cùng với quân binh rộn ràng một trăm xe ngựa kéo để đi chở vàng về!

Dừng tại bờ ruộng. Vàng sáng cả một góc trời. Quân lính mở tròn mắt, chạy đến nhặt vàng, thấy vàng thiệt, chúng la lên:

- Ôi! Vàng là vàng! Vàng của đức vua! Vàng của đức vua!

Lạ lùng làm sao! Khi chúng đồng la hét rầm trời như vậy:“Vàng của đức vua! Vàng của đức vua!”... thì cả một ruộng vàng chợt sẫm tối lại, nó vốn là đất cục hoàn lại đất cục!

Đức vua Bimbisāra vốn là bậc trí tuệ, ngài hiểu chuyện gì xảy ra nên mỉm cười bảo quân lính:

- Ta là ai mà lại có được cái ruộng vàng ấy! Nó là của gia đình Puṇṇaka! Vậy, các ngươi hãy hô to như thế này: “Ôi! Vàng! Ôi! Vàng! Vàng của gia đình Puṇṇaka! Vàng của gia đình Puṇṇaka!”

Và khi quân lính hô lại như vậy thì ruộng đất biến trở lại thành ruộng vàng như cũ. Thế rồi, một trăm xe bò kéo chở vàng về triều, đổ đầy cả một sân lớn trong cung điện, cao đến tám mươi cubit!

Nhà vua cho vời các thị dân đến và hỏi:

- Có ai trong chư vị, trong các bậc triệu phú có nhiều vàng như thế này chăng?

- Tâu đại vương, không có, không thể có!

Đức vua kể tóm tắt lý do có được đống vàng rồi kết luận:

- Như vậy, vàng này có được là do phước báu cúng dường với tâm tịnh tín và trong sạch của gia đình Puṇṇaka lên tôn giả Sāriputta. Vậy, hôm nay ta tuyên bố nó là sở hữu của gia đình Puṇṇaka!

Mọi người đồng tán thán:

- Đức vua anh minh!

- Đức vua liêm khiết!

- Tấm lòng đức vua trong sáng như mặt trời, mặt trăng!

Đức vua khoác tay, nói lớn:

- Thôi đủ rồi! Tài sản của các vị triệu phú cũng là tài sản của quốc độ. Hôm nay, kinh đô Māgadha của chúng ta có thêm một vị triệu phú, đấy là điều đáng mừng! Vậy, theo ý chư vị thì trẫm nên tặng cho Puṇṇaka cái gì đây?

Một vị đại thần nói:

- Chiếc lọng báu, tâu đại vương! Chiếc lọng báu là trân quý nhất!

- Vậy còn danh xưng? Trẫm sẽ cho Puṇṇaka cái tên gọi nào cho xứng hợp?

- Là trưởng giả đại phú gia (Bahudhana), tâu đại vương!

- Được rồi! Đúng rồi! “Trưởng giả Puṇṇaka đại phú gia”! Từ nay, cứ như vậy mà gọi!

Đức vua phán thế xong, quay sang Puṇṇaka, ngài nói tiếp:

- Ta là đệ tử đức Thế Tôn! Phước báu hiện tiền của ngươi có được cũng do uy lực bất khả tư nghị của tôn giả Sāriputta! Vậy, chúng ta đều là đệ tử Tam Bảo. Ngươi phải biết sử dụng tài sản cho sự an vui của gia đình, an vui cho những người xung quanh rồi cùng nhau làm một vị hộ trì giáo pháp. Phía ngoài cung điện có một biệt phủ bỏ trống, ta tặng luôn cho gia đình ngươi, hãy chuyển về đó mà sinh sống. Ta cũng tặng thêm cho ngươi mười gia nhân biết việc, mươi đầy tớ trai, mười đầy tớ gái để chăm sóc, quản lý gia sản cùng mọi công việc phát sanh.

Puṇṇaka chỉ biết cúi đầu lạy tạ, mắt lệ rưng rưng, tri ân khôn xiết:

- Con xin ghi khắc vào tấm lòng! Con nguyện sẽ làm một công dân tốt dưới chân bệ hạ!

Đức vua Bimbisāra mỉm cười hài lòng, nói nhỏ trong tâm rằng: “Cách xử sự quang minh chính đại, cùng với cái tâm quảng đại, bao dung như thế này, đệ tử cũng học được từ giáo pháp vô thượng, bạch đức Đạo Sư tôn kính!”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/10/2023(Xem: 15037)
Trang Nhà Quảng Đức App giúp xem được trên Iphone & Ipad Kính mời quý Phật tử vào download để xem nhanh và dễ hơn trên Iphone và Ipad của quý vị (Chân thành cảm ơn TT Tâm Hải đã giúp layout nhanh app này) Kính mời vào đây để download: https://apps.apple.com/us/app/quang-duc/id1580853777
13/12/2023(Xem: 2487)
Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 1605)
Đạo Đức Phật Giáo và Hạnh Phúc Con Người (sách pdf của HT Thích Minh Châu)
12/12/2023(Xem: 2439)
Thời tiết đã vào Thu, hoa lá đã chuyển màu, không mấy chốc mùa Đông sẽ trở về trên xứ Âu Châu. Cũng là thời gian của Khoá An Cư Kiết Đông 10 ngày sắp đến. Năm nay Giáo Hội quyết định tổ chức An Cư Kiết Đông tại : - Địa điểm : Tổ Đình Viên Giác - Hannover - Đức Quốc. - Thời gian : từ ngày 10.12.2023 đến 20.12.2023
15/06/2023(Xem: 11687)
Kinh Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu1 kể lại câu chuyện rất thú vị về một bà lão nghèo, nhờ cúng dường ngài Ca-diếp một chút nước cơm mà được sinh về cõi trời Đao-lợi. Phước cúng dường ấy còn lớn lao đến mức hiện thành hào quang sáng rực như bảy mặt trời đồng thời soi chiếu, khiến cho vị vua cõi trời ấy là Đế-thích cũng phải kinh ngạc. Và sau khi tìm hiểu biết được nhân duyên cúng dường được phước lớn lao này, đích thân Đế-thích cùng phu nhân của mình đã phát tâm hiện xuống cõi người, hóa thân thành một đôi vợ chồng già nghèo khổ để được có cơ hội cúng dường lên ngài Ca-diếp, vun bồi thêm phước báu của chính mình.
01/02/2023(Xem: 22385)
Tán thán công đức quý Phật tử gần xa đã cúng dường hộ trì Tam Bảo Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu 🙏🙏🙏🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌸🏵️ HL Cụ bà Thiện Chánh (SA): $200 Nguyên Quảng Lương Ngọc Thủy: $300 Mai Thị Cao Trâm, Olivia: $200 ( Hồi hướng cho HL Stewart. J. Hibbert) Nguyên Như, Nguyên Quảng Bình: $500 ( Hồi hướng cho Mẹ Bạch Vân Phạm Thị Doan) Hoàng Lộc, Ái Định (hồi hướng cho cụ bà Diệp Tú Liên): $400 Tâm Thư (Sydney): $200 Nguyên Quảng Hương: $200 Thiện An, Thiện Lạc (Tiệm vàng Kim Châu, SA): $500 Lâm Tuyết Mai (Nguyên Quảng Anh): $1000 Diệu Tuyết Lệ Trinh (hồi hướng cho HL Phụ Thân Trần Tiêu): $500 Bé Mattis Hugh Le-Tang (Phước Lành): $100 Steve Nguyên Thiện Bảo, Tuyết Nguyên Thiện Hạnh: $500 Khánh Vân, Khánh Linh: $100 Cụ Bà Viên Huệ (Darwin): $200 Mỹ Lệ, Hoàng Em, Thanh Phong, Thanh Vũ (Hồi hướng cho Mẹ): $5000 Quảng Trí Chánh, Quảng Tuệ Dung (Cali, USA): $200 Bảo Diệu Hạnh (hồi hướng cho em trai Dương Hồng Anh): $500 Phi Thị Lan, Trần Văn Dũng (
10/02/2022(Xem: 7948)
Trang nhà Quảng Đức vừa nhận được món quà quý báu, xin giới thiệu đến cùng bạn gần xa: Kính thông tri đến chư Tăng, Ni cùng chư vị Phật tử gần xa. Để thuận tiện cho việc nghe Pháp và tìm đọc những cuốn sách của Ngài HT Giới Đức, chùa Huyền Không Sơn Thượng xây dựng một thư viện trực tuyến do chư Tăng của chùa quản lý. Ứng dụng này truyền tải những nội dung liên quan đến vấn đề tu tập như: - Pháp thoại của Ngài HT Giới Đức. - Khoảng 40 tập sách, thơ do Ngài sáng tác (Phần này sẽ cập nhật theo thời gian). - Các buổi chia sẻ giáo Pháp của chư sư trong chùa. - Hình ảnh nghệ thuật, thư pháp.... - Liên kết các trang mạng xã hội chính thức của chùa gồm: Website, YouTube, Facebook và liên hệ phản hồi trực tiếp trên Mesenger Ngoạ Tùng Am. Chư vị có thể gõ từ khoá “Huyền Không Sơn Thượng” hoặc “huyen khong son thuong” trên App Store hoặc CH Play để cài đặt về máy. Cảm ơn Phật tử Giác Nhiên đã giúp sức cho công trình này nhanh chóng hoàn thành.
08/12/2021(Xem: 11810)
Chương trình Lễ Phát Chứng Chỉ Mãn Khóa Lớp Giáo Lý Online năm thứ 2 Trong Thời Gian Cách Ly Đại Dịch Covid-19 MC: Phật tử Quảng Tịnh & Phật tử Nguyên Nhật Thơ Bắt đầu lúc 2pm, Saturday 18/12/2021 - Niệm Phật cầu gia hộ - Chào Phật Giáo Kỳ (mở mp3) - Tuyên bố lý do và giới thiệu (Phật tử Quảng Tịnh & Nguyên Nhật Thơ) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Tịnh Tâm (Canada, do Đh.Tâm Từ đọc) - Lời cảm niệm tri ân của Phật tử tại Úc (Đh.Huệ Hương-Huệ Linh) - Nhạc phẩm “Nguyện Kiếp Sau Làm Một Đoá Sen.” (do Phật tử Nguyên Quảng Hương trình bày) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Trinh (USA) - Lời cảm niệm của Phật tử Thanh Phi, TV Quảng Đức, - Nhạc phẩm “Lạy Mẹ Quan Thế Âm” (do Phật tử Khánh Đào trình bày) - Lời cảm niệm Đh.Trần Thị Nhật Hưng (Thụy Sĩ, Âu Châu) - Lời cảm niệm Đh.Diệu Danh Tuyết Mai (Hannover, Đức Quốc) - Nhạc phẩm “Cát Bụi Cuộc Đời” do Phật tử Tâm Quảng Hóa trình bày - Ngâm thơ “Thập Nghĩa Đi Chùa” do Phật tử Tâm Huệ trình bày - Cắt bánh mừng lễ mãn khóa và mừng sinh nhậ
05/12/2021(Xem: 14361)
Kể từ khi Bánh xe Chánh Pháp được vận chuyển lần đầu tiên tại Vườn Nai, từ đó giáo pháp từ bi và trí tuệ dần dần lan tỏa trong mọi tầng lớp xã hội, trong nhiều phương vực khác nhau, với nhiều sắc thái dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Để cho tất cả mọi giai tầng xã hội, từ thượng lưu trí thức cho đến những hạng bần cùng khốn khỏ, thất học, cũng bình đẳng thọ hưởng hương vị tịnh lạc giải thoát, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, hãy để cho mọi người được nghe và tu học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567