Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sắc đẹp và hạnh phúc

17/04/201407:39(Xem: 5549)
Sắc đẹp và hạnh phúc
sac_dep_hanh_phuc

Sắc đẹp là thứ rất quý trong đời, là niềm mơ ước của phụ nữ khắp nơi. Trong thời đại ngày nay, sắc đẹp càng được phô bày nhiều hơn, càng gợi cảm hơn, nhất là khi yếu tố này được khai thác trong công nghệ nghe nhìn giải trí, thị trường âm nhạc, tiếp thị, quảng cáo, làm ăn… Chẳng những thế, “nhan sắc” đàn ông cũng đã trở thành một thứ hấp dẫn trong các lãnh vực như thời trang, quảng cáo, những điều mà trước đây là độc quyền của phái nữ.

Cái đẹp thì vô cùng phong phú, trong đó có cái đẹp hình thể là thứ đập vào thị giác, tâm hồn và cảm thụ của mọi người, nhất là người khác phái. Ai có nhan sắc thì tự hào lắm chứ! Địa phương nào có nhiều người đẹp thì đáng ca ngợi lắm chứ! Nữ sinh Đồng Khánh với áo dài, nón bài thơ một thời đã làm vinh danh Huế, “chè Bắc Thái, gái Tuyên Quang” ca ngợi chè ngon và con gái đẹp của vùng núi phía Bắc; đó cũng là nét đặc sắc Việt Nam. 

Người phụ nữ nào sở hữu và giữ gìn được sắc đẹp thì hưởng được niềm vui, còn ai không có được của báu trời cho đó thì cũng làm sao tô điểm, phục trang để cho mình trông khá hơn, và hầu như ai ai cũng đạt được ít nhiều hiệu quả. Sắc đẹp có mang lại hạnh phúc không? Chủ đề này không phải là xa lạ, nhiều sách báo và diễn đàn đã đề cập, tuy nhiên vấn đề trở thành phức tạp khi đặt ra câu hỏi: Thế nào là hạnh phúc? Hạnh phúc có phải tùy mỗi người, tùy lứa tuổi, tùy theo thời đại? Hạnh phúc có phải là thỏa lòng mong ước của con người vào một lúc nào đó? Hạnh phúc có phải là bình an nội tại?

Sắc đẹp trước hết là lành lặn và mạnh khỏe. Khi đứa bé sắp sửa chào đời, ông bà cha mẹ âm thầm cầu nguyện Trời Phật phù hộ mẹ tròn con vuông, bà mụ cho bé được lành lặn; và khi bé được ra đời như thế, thì cả nhà vỡ òa hạnh phúc. Ngược lại, khi con người không được lành lặn, không được bình thường thì khó khăn lắm mới vượt được nỗi đau. Đó là trường hợp mà báo Tuổi Trẻ ngày 2/10/2011 đã đưa tin: “Gái đẹp biến thành bà già” viết về một người đàn bà 26 tuổi, tươi trẻ, bỗng dưng trở thành bà già bảy mươi, mặt nhăn nheo, mắt cụp xuống, nụ cười héo hon… Đọc tin đó, ai ai cũng thương cảm nạn nhân Nguyễn Thị Phượng. 

Với khuôn mặt tàn tạ bất ngờ như vậy, làm sao người phụ nữ này sống trong hạnh phúc? May mắn thay, rất nhiều tấm lòng chia sẻ nỗi bất hạnh, và một số vị mạnh thường quân đã giúp nạn nhân được chữa trị với phương tiện tốt nhất tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Theo sự chẩn đoán của các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với sự kiểm chứng của các trung tâm y khoa ở Mỹ thì chị Phượng bị bệnh nhão da kết hợp bệnh tế bào vón. Kết quả điều trị tuy không trả lại nét tươi trẻ của một thời, nhưng theo BS Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, gương mặt chị Phượng trẻ lại hơn 30% so với lúc chưa điều trị. Chị rất vui, được xuất viện, về quê, và tiếp tục uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cùng chịu sự bất hạnh về ngoại hình, còn có biết bao nhiêu người, cả nữ lẫn nam, đã bị những dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch hoặc bị những tai nạn thương tâm làm biến dạng hình thể (tai nạn giao thông, chất độc da cam, bị hung thủ dùng vũ khí tấn công, bị tai nạn nghề nghiệp, bị phỏng,…). Ngày nay, với tiến bộ của y khoa, hầu hết các nạn nhân đều có thể được phục hồi tình trạng bình thường hoặc đã được cải thiện ngoại hình đáng kể. Những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đã đem lại hạnh phúc cho con người, thật là kỳ diệu. Một cô gái tươi trẻ vốn bị sứt môi bẩm sinh đã được phẫu thuật từ nhỏ, nếu được hỏi, cô có cảm thấy hạnh phúc vì đôi môi không, chắc chắn cô gái gật đầu.

Nếu cái đẹp là mơ ước tự nhiên của con người, nhất là phái nữ, thì mọi phương cách cải thiện nhan sắc, phải chăng đều là chánh đáng? Làm đẹp có phải mang lại hạnh phúc cho mình và tô điểm cho xã hội? Đúng là như vậy, và xưa nay biết bao nhiêu mỹ phẩm, đồ trang sức, thuốc men, phục trang… đã làm tôn lên vẻ đẹp con người; nhưng kể từ khi phẫu thuật can thiệp vào chuyện sửa sắc đẹp, thay mặt tạo hóa, sửa luôn ngoại hình, thì đặt ra nhiều vấn đề, liên quan đến an toàn thân thể, bảo hiểm, chuyện thực giả, giá trị của cái giả… kể cả chuyện dao kéo can thiệp trên thân thể phụ nữ có đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho gia đình hay không. Bàn cãi thì cứ bàn cãi, nhưng đường ta ta cứ đi, thẩm mỹ viện với máy móc ngày càng tân tiến cứ mọc lên ở các đô thị, các chuyên gia dao kéo hái ra tiền, và xem ra việc dao kéo đó trở thành bình thường ở các nước phát triển. 

Ở Mỹ có đến 11 triệu phụ nữ đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Ở Hàn Quốc, chuyện phẫu thuật cải tạo mắt một mí thành hai mí là quá bình thường (75% phái nữ Hàn Quốc vốn sinh ra mắt một mí), và nay thì phẫu thuật Hàn Quốc lại “chơi luôn” chỉnh hàm răng, gọt và chỉnh xương hàm, gọt xương gò má, gọt xương cằm. Chuyện “đại tu” nhan sắc đã thành trào lưu ở Hàn Quốc, vì phái nữ tin tưởng có làm đẹp ngoại hình, dầu là bằng dao kéo, thì mới dễ kiếm chồng và kiếm việc làm. Trào lưu này lan đến nữ sinh trung học khiến Bộ Giáo dục Hàn Quốc phải cảnh báo, và dẫn chứng: Hồi tháng 11/2010, một phụ nữ Seoul đã treo cổ tự tử vì ca phẫu thuật gọt xương hàm thất bại.


Khi khoa học, kỹ thuật đã thay trời can thiệp vào sắc đẹp con người sâu sắc như thế (sâu hơn làn da!), thì ở các nước phát triển, khoa học xã hội phải đi theo để phân tích, đánh giá về các tác động trên con người và xã hội một cách toàn diện. Trên tạp chí mạng nổi tiếng The Huffington Post, một bài báo lên mạng ngày 11/9/2011 của TS. Vivian Diller, nhà tâm lý học, chuyên về các vấn đề sắc đẹp và lão hóa, nhan đề: Does beauty bring happiness? (Sắc đẹp có mang lại hạnh phúc?), không đề cập sắc đẹp một cách tự nhiên hay chung chung, mà nói đến chuyện sửa sắc đẹp nhờ giải phẫu thẩm mỹ – phẫu thuật plastic (plastic surgery). Cho nên câu hỏi chỉ giới hạn: Liệu việc “tút” ngoại hình nhờ dao kéo có đem lại hạnh phúc? Nhà tâm lý học này đi hỏi chuyện một chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng, cùng bàn luận về chuyện sửa sắc đẹp và hạnh phúc. Xin dẫn một số ý của bài báo đó.

Giải phẫu thẩm mỹ đã ngày càng phát triển, tuy nhiên không phải ai ai cũng “nộp mạng” cho các thẩm mỹ viện. Cô đào nổi tiếng Kirstie Alley, tới tuổi lục tuần thì phát triển chiều rộng, thân hình đồ sộ, đã cố gắng làm nhẹ bớt 100 pounds (khoảng 45kg) bằng rèn luyện thân thể, đã cho biết cô không dùng phẫu thuật plastic vì lý do: “Tôi nghĩ nó không làm cho tôi trẻ hơn mà lại làm cho tôi bất bình thường hơn”. Vậy nhà phẫu thuật nghĩ gì về công việc của mình? – “Khi nói đến lão hóa, giải phẫu thẩm mỹ ít để ý đến sắc đẹp mà để ý nhiều hơn về việc làm sao cho bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về họ”.

Trong nền văn hóa Mỹ, việc giữ một ngoại hình tươi trẻ luôn luôn là một ám ảnh thường xuyên, vậy thì giải phẫu thẩm mỹ phải chăng là một giải pháp tốt nhất cho vấn đề này? Và nếu như thế, khi nào nên bắt đầu? Thời tuổi teen, hai mươi hay ba mươi? Tác giả bài báo nêu sự gia tăng rất đáng lo ngại về tuổi teen dùng botox (một loại dược phẩm chích để làm tươi mát làn da) và những giải pháp tương tự. Và đâu là điểm cuối của phía kia (tức là phía già)? Tác giả cũng cho biết con số đang tăng của những người già trên 80 yêu cầu căng da mặt và nâng ngực lên. Vậy thì quá trẻ hay quá già đều “chơi luôn” phẫu thuật plastic?

Những câu hỏi này không dễ trả lời, và lời giải đáp phần lớn phụ thuộc từng cá nhân, nhưng trước hết nhà tâm lý học và nhà phẫu thuật giới hạn vấn đề bằng cách phân định rõ ràng thủ tục nào được coi là phẫu thuật thẩm mỹ. Chẳng hạn, có sự khác nhau hiển nhiên giữa những phẫu thuật sửa chữa những biến dạng di truyền (ví dụ hở hàm ếch, sứt môi) hay công việc tái tạo (ví dụ hậu quả của phỏng, ung thư vú) với những phẫu thuật cho mục đích cải thiện ngoại hình. Mà ngay trong cải thiện ngoại hình, cũng có sự khác biệt giữa những phẫu thuật tự chọn, chẳng hạn giữa một đứa bé trai 14 tuổi chịu đựng phẫu thuật để làm nhỏ vú sau nhiều năm mặc cảm ngực to như con gái, so với một thiếu nữ 17 tuổi yêu cầu nâng ngực với tin tưởng rằng cô ta sẽ dễ có bồ khi lên đại học. Hai chuyên gia thu hẹp bàn luận để chỉ nói đến những giải pháp phẫu thuật tự chọn, cải thiện sắc đẹp mà thôi, và phẫu thuật thường thường là phẫu thuật plastic.

Vấn đề tiên quyết của phẫu thuật plastic là an toàn, không để lại di chứng, không để người làm đẹp trở thành nạn nhân, tiền mất tật mang. Hai chuyên gia đồng ý rằng giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ dùng vừa phải và an toàn đòi hỏi nghiên cứu cẩn thận bởi những chuyên gia nhà nghề cho mọi lứa tuổi, nhưng thường thường thích hợp nhất cho những người ở độ tuổi từ 25 đến 75. Các vị bô lão bên ta, ngạc nhiên chưa, khi biết rằng các vị 75 tuổi vẫn hào hứng sửa sắc đẹp?

Theo tác giả bài báo, sắc đẹp, đặc biệt là trẻ đẹp, được xem như một thứ tiền tệ của phụ nữ trong văn hóa hiện đại. Phẫu thuật plastic được phụ nữ tin có thể cải thiện hình ảnh của mình, gia tăng giá trị, khắc phục sự thiếu tự tin vì sự không tương xứng hình dạng, từ tuổi teen cho đến tuổi già. Có như thế mới hiểu được vì sao nhiều phụ nữ liều lĩnh chấp nhận dao kéo biến đổi hình dạng của họ trong những trường hợp khó khăn, và cũng liều lĩnh khi chi ra một số tiền lớn so với khả năng tài chính của họ.

Còn tác dụng chống lão hóa của phẫu thuật plastic thì sao? Ngay cả nhà phẫu thuật cũng nói rằng cụm từ “chống lão hóa” không có ý nghĩa gì cả. Không có cách nào thực sự làm ngừng thời gian hay quay ngược lại thời gian. Nhưng cả hai chuyên gia đồng ý có rất nhiều việc con người có thể cải thiện hình ảnh của mình, nhất là ngày nay con người sống lâu hơn trước đây. Có một vài phẫu thuật giúp người ta cảm thấy đẹp hơn và trông đẹp hơn nếu được làm một cách kỹ càng và cẩn thận. Đối một vài người kết quả thường ngắn hạn, gặp trắc trở và có thể dẫn tới nhiều lần phẫu thuật tiếp theo. Nhưng với một số người khác, phẫu thuật có giá trị lâu dài, giúp họ thêm tự tin và được xem như là một kinh nghiệm rất tích cực. Tuy nhiên, đối với phần đông, nó là giải pháp tạm thời cho sự thách thức phải đối mặt suốt tuổi già. Phẫu thuật không phải hợp với mọi người. Chăm sóc sức khỏe tốt, luyện tập và giữ gìn sự linh hoạt là một cách làm đẹp yên ổn, lâu dài, và đem lại cảm giác vui sống. Mọi người ở mọi lứa tuổi nên làm thế nào kéo dài sức khỏe của khuôn mặt và thân thể là tốt nhất.

Trên đây tôi đã dẫn bài báo trên mạng của Mỹ, tuy bàn về sắc đẹp và hạnh phúc, nhưng sắc đẹp chỉ khoanh lại ở chuyện sửa sắc đẹp nhờ phẫu thuật, còn hạnh phúc chỉ là một hệ quả của sửa sắc đẹp: nếu phẫu thuật thành công, người phụ nữ cảm thấy đẹp hơn, tự tin hơn, và do đó vui hơn. Tuy thế, tác giả vẫn cho rằng hệ quả đó không lâu dài, và lấy ví dụ rất cụ thể: ngay cả những người mẫu thời trang, những thần tượng đẹp lại có cuộc sống không hạnh phúc. Phải chăng “hồng nhan bạc phận” là một thực tế ở mọi nơi, dầu thời nay người đẹp giàu sang hơn, danh vọng hơn thời trước? Nếu người phụ nữ cảm thấy đẹp hơn, tự tin hơn về ngoại hình sau một cuộc phẫu thuật plastic an toàn, thì họ cảm thấy hạnh phúc theo nghĩa hạnh phúc là niềm vui. 

Tuy nhiên, niềm vui rồi cũng chóng qua, hạnh phúc chỉ là ngắn hạn. Đó là chưa kể trường hợp người phụ nữ đó về sau lại chưa bằng lòng với việc sửa sang, lại nhìn sang cô bạn mới chỉnh hình, sao mà tươi trẻ thế, vậy là nỗi khổ lại đến. Hơn nữa, cái giả tạo không thể lâu dài cho bằng cái duyên, và lại không đồng bộ với thân thể khi về già, cho nên người đẹp cũng sớm hết đẹp; hạnh phúc đã đi đâu rồi. Đẹp thì vẫn vui, rất vui, nhưng cái đẹp cũng như đời người, như vạn pháp, là vô thường. 

Đời người không thể neo mãi tại một bến xuân xanh, cái gì đến thì đến, cái gì đi thì đi. Vả chăng, ngoại hình không đẹp thì có trở ngại gì cho sống đẹp? Sống hết mình với từng giây phút hiện tại, xả bỏ những vướng bận được chừng nào hay chừng ấy, sống biết đủ, chú trọng niềm vui tinh thần hơn là khoái cảm vật chất, sống chan hòa với mọi người và thiên nhiên, thì phải chăng hạnh phúc đi theo với mình suốt cuộc đời?

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 148
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/06/2023(Xem: 1430)
1/ Tao khổ bất xả: gặp khổ không bỏ 2/ Bần tiện bất khinh: nghèo hèn không khinh rẻ 3/ Mật sự tương cáo: việc kín nói cho nhau biết 4/ Đệ tương phú tàng: che giấu cho nhau 5/ Nan tác năng tác: Làm được việc khó làm 6/ Nan dữ năng dữ: cho được những gì khó cho 7/ Nan nhẫn năng nhẫn: chịu đựng được những điều khó chịu đựng
29/03/2022(Xem: 4239)
Tôi thích nhất lời chú giải trong bài kinh Trung bộ thứ 12 “ DẠI KINH SƯ TỬ HỐNG “Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, đạo của giác ngộ giải thoát. Tất cả pháp môn của Phật dạy đều phải trở về chỗ chân thật của mình bằng chính định lực và trí tuệ của mình. Trở về được chỗ chân thật là an vui hạnh phúc, chấm dứt mầm mống của mọi sự khổ đau. Lúc đó, chúng ta mới có thể thông cảm, tha thứ, thương yêu và giúp đỡ đồng loại như chính bản thân mình. Cho nên chúng ta cứ cầu giải thoát, mà không biết giải thoát ra sao, muốn được hạnh phúc mà không biết thế nào là hạnh phúc? Thật ra hạnh phúc chân thật trong đạo Phật chính là giác ngộ giải thoát. Mà giải thoát là biết cái hư giả của thân và tâm này, nên không còn lệ thuộc vào nó, không chạy theo nó, không còn tạo nghiệp nữa. Không còn tạo nghiệp tức là không còn khổ đau. Không còn khổ đau tức là hạnh phúc.
09/11/2021(Xem: 3590)
Gần đây, tôi đã nhận lời mời của đài truyền hình trực tuyến quốc nội "thử niệm" (此念) để chia sẻ về Triết lý Giáo dục “tăng trưởng cuộc sống" (生命成長), trong hàng loạt bài Triết lý Giáo dục của Tôi. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.
15/01/2019(Xem: 7908)
Con xin chia sẻ với cả nhà về cuốn sách con đã đọc suốt 2 tháng vừa qua. Đó là cuốn “Nhà máy sản xuất niềm vui”. Đấy cũng chính là cuốn sách con được TS Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả cuốn sách, tặng vào ngày cuối cùng của năm cũ 30/12/2018 trong khuôn khổ Tết Thiền tại chùa Thôn Me, Thái Bình. Con đã thích cuốn sách ngay từ chính tựa đề, bởi con có biệt danh là Vui và lại có cả 1 nhà máy sản xuất niềm ‘Vui’ ở trong cuốn sách thì ‘Vui’ còn gì bằng.
15/12/2018(Xem: 11248)
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ n
19/11/2018(Xem: 4001)
Khi Thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng Có hạt bụi nào vương trên tóc Thầy... Tuổi học trò - Cái tuổi hồn nhiên, trong sáng với biết bao những kỉ niệm vui buồn, những sự ngỗ nghịch đáng yêu và cả những niềm hạnh phúc. Mỗi con người khi đã lớn lên có lẽ đều để lại những dấu ấn riêng cho mình về khoảng thời gian đẹp nhất trong đời ấy. Tuổi học trò với những mộng mơ, những lo âu bất chợt, những ý tưởng chợt đến rồi chợt đi. Tất cả đều được vun đắp và lớn lên dưới mái trường – nơi ta luôn có bạn bè và thầy cô bên cạnh sẻ chia những vui buồn cùng ta.
15/12/2017(Xem: 120961)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
14/07/2015(Xem: 16743)
Nam Mô A Di Đà Phật, thưa quý Phật tử gần xa, sáng sớm nay 6-1-2015, mái ngói chánh điện Tu Viện Quảng Đức đã được nhóm thợ Úc bắt tay tháo gỡ bỏ ngói cũ, trải lớp giấy chóng nước, đóng gỗ mè và lợp ngói mới, công việc sẽ kéo dài khoảng 3 tuần sẽ xong. Cầu Phật gia hộ cho công trình trùng tu sớm thành tựu viên mãn. Kèm đây là hình ảnh ghi nhận ngày hôm này. Nam Mô A Di Đà Phật
17/11/2014(Xem: 15533)
Trên chuyến bay từ Paris đến Reykjavik, thủ đô Iceland, tôi không khỏi mỉm cười khi thấy trên màn hình giới thiệu du lịch có những từ “mindfulness” (chánh niệm), “meditation” (thiền), “here and now” (bây giờ và ở đây). Hôm trước cũng nghe một thiền sinh ở Làng Mai (LM) chia sẻ rằng cô thích thú khi nghe một nữ tiếp viên hàng không nói với khách: “Please have mindfulness to bring your luggage down…” (xin chánh niệm khi đưa hành lý xuống…). Thiền tập đã đi vào đời sống người châu Âu đến vậy, có phần ảnh hưởng khá lớn của LM.
27/05/2014(Xem: 14984)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài võ cổ truyền Bình Định tại võ đường Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để các bạn tham khảo, nghiên cứu và học tập...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567