Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạt nhân của hạnh phúc

17/04/201407:46(Xem: 6354)
Hạt nhân của hạnh phúc
Buddha_2
Hạnh phúc luôn có mặt trong đời sống của chúng ta. Mặc dù vậy, không dễ dàng để có một cuộc sống hạnh phúc nếu bạn không tìm cách kích hoạt những hạt nhân của hạnh phúc vốn tiềm ẩn trong đời sống hàng ngày của mình. Có nhiều phương tiện khác nhau để khơi dậy hạnh phúc. Tuy nhiên, trong phần đầu của tập sách này, xin giới thiệu đến bạn một vài kinh nghiệm thực tiễn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. 
Ước mong rằng những kinh nghiệm này sẽ phần nào giúp bạn chế tác năng lượng hạnh phúc cho đời sống của chính mình. Nếu bạn có thể khơi dậy những tiềm năng hạnh phúc từ những kinh nghiệm được trình bày trong tập sách này thì quả thực đó là điều diễm phúc vô cùng lớn lao cho tác giả. Xin cầu mong cho bạn luôn luôn được hạnh phúc.

Hai con đường tìm kiếm hạnh phúc
Có hai con đường tìm kiếm hạnh phúc, thứ nhất là hướng ra bên ngoài và thứ hai là hướng vào bên trong. Con đường tìm kiếm bên ngoài luôn đòi hỏi chúng ta phải có một đối tượng của hạnh phúc để qua đó nguồn hạnh phúc sinh khởi. Thí dụ, bạn nghĩ rằng có tiền sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và sẽ đem lại hạnh phúc cho nên bạn mong muốn có tiền. Và như vậy, trước hết bạn phải kiếm cho ra tiền, khi nào có tiền rồi thì may ra mới có hạnh phúc. 
Tương tự như thế đối với mọi thứ trong cuộc sống: lạc thú, tình yêu, quyền lực, danh vọng… Tuy nhiên, đối với hạnh phúc tìm kiếm được từ bên ngoài, bạn chỉ có thể chủ động một nửa, một nửa còn lại tùy thuộc vào đối tượng của hạnh phúc. Và đời sống hạnh phúc bên ngoài tất nhiên không thể tồn tại lâu dài vì sự thay đổi liên tục của cuộc sống vô thường. Ngược lại là con đường tìm kiếm hạnh phúc ở bên trong. Trên con đường này, bạn không cần thiết phải tìm kiếm một đối tượng cho hạnh phúc vì chính bạn là nền tảng cho hạnh phúc sinh khởi. 
Những gì cần thiết phải làm ở đây là khơi nguồn cho hạnh phúc nội tại được tuôn trào bằng cách đánh thức mọi tiềm năng hạnh phúc vốn có trong tâm thức của bạn. Ðấy chính là đời sống của hiểu biết và yêu thương. Ở đâu có hiểu biết và yêu thương thì ở đó có hạnh phúc. Nguồn hạnh phúc nội tại này là gia tài thực thụ của bạn, là nguồn sinh lực vô tận, không hề mai một theo thời gian.

Bốn chân lý của hạnh phúc
Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tuy nhiên, hạnh phúc và khổ đau lại là hai mặt của đời sống thực tại. Do đó, để có thể xây dựng đời sống hạnh phúc thực thụ bạn cần phải quay về với thực tại, hiểu biết rõ ràng về khổ đau và bản chất của nó. Ðấy là lý do tại sao trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, Ðức Phật đã nói về Bốn Chân lý, đó là: Khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau. Ðây là mục đích và ý nghĩa quan trọng nhất đối với đời sống của con người. Bốn Chân lý này chính là lộ trình dẫn đến đời sống hạnh phúc chân thật và bất hoại. 
Trên thực tế, bạn không thể tìm kiếm hạnh phúc bằng cách chạy trốn khổ đau mà trái lại bạn phải tìm cho ra nguyên nhân đích thực của khổ đau. Khi thấy được nguyên nhân đích thực của khổ đau cũng là khi cánh cửa của hạnh phúc bắt đầu hé mở. Và rồi bạn sẽ có khả năng chấm dứt khổ đau bằng con đường tuệ giác và sự phát triển đời sống nội tâm của chính mình. Quán niệm một cách sâu sắc về nguyên nhân của khổ đau là con đường của tuệ giác; nó không những giúp bạn sức mạnh để chấm dứt khổ đau mà còn cho bạn những tia sáng giác ngộ, thấy được những điều mà bạn chưa từng thấy trong đời. Ðấy chính là sự chứng ngộ của tự thân, một kinh nghiệm vô giá mà không ai có thể ban tặng cho bạn được. Bốn Chân lý này là con đường duy nhất để tìm kiếm hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu.

Bốn đức tính để sống hạnh phúc
Ðể sống hạnh phúc, bạn cần phải phát triển bốn đức tính căn bản đó là từ, bi, hỷ và xả.

Từ là lòng tử tế, thân thiện. Chúng ta bao giờ cũng cảm thấy an vui trước một tấm lòng tử tế hay một cử chỉ thân thiện. Trên thực tế, chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu trước một lời chào hỏi hay một nụ cười thân thiện đến từ một người bạn quen biết hay thậm chí từ một người xa lạ. Lòng từ là nền tảng của sự an vui trong giao tiếp với chính bản thân mình cũng như với những người chung quanh mình. Không khí an vui, bất kể trong nhà hay ngoài đường, không thể có được nếu thiếu vắng lòng từ.

Bi là tấm lòng hiểu biết, sự thông cảm và chia sẻ nỗi khổ đau của những người chung quanh mình cũng như của chính mình. Nếu bạn không có tâm từ bi đối với tha nhân, thì cuộc sống của con người trở thành héo hắt, khô cằn. Một em bé mới vừa sinh ra không thể tự nuôi lớn bản thân nếu không có sự chăm sóc và tình thương yêu của mẹ. Một người già yếu, bệnh tật không thể tự sống nếu không có sự giúp đỡ từ những người thân chung quanh. Vì vậy, tâm từ bi chính là cội nguồn của đời sống trong một ý nghĩa thiết thực nhất. Cuộc sống luôn luôn được nuôi dưỡng bằng tâm từ bi. Nếu không có tâm từ bi sẽ không có đời sống hạnh phúc nào hiện hữu trên mặt đất.

Hỷ là lòng vui mừng trước sự thành đạt và hạnh phúc của tha nhân. Ðây là yếu tố vô cùng quan trọng của môi trường và không khí hạnh phúc. Vui mừng trước sự thành đạt và hạnh phúc của tha nhân là hơi thở chung của niềm hạnh phúc giữa ta và người. Vì tâm ghen tỵ, đối nghịch với tâm hoan hỷ, luôn làm cho bạn khó chịu, nó như là một loại ghẻ ngứa trong tâm hồn. Bạn sẽ cảm thấy bứt rứt, bất an khi nuôi dưỡng lòng ghen tỵ trong con người của mình. Do vậy, hạnh phúc trọn vẹn bao giờ cũng cần có một không khí hạnh phúc. Dĩ nhiên một mình bạn không thể tạo ra không khí hạnh phúc được nếu không có sự đồng cảm từ những người khác. Sự đồng cảm và chia sẻ niềm vui với tha nhân là yếu tố quan trọng để xây dựng không khí hạnh phúc. Do đó, bạn sẽ đánh mất hạnh phúc của chính mình nếu như bạn không thể hoan hỷ trước hạnh phúc của tha nhân.

Xả là cái nhìn chân chính, nhìn đúng với sự thật, không bám víu cũng không ghét bỏ. Do nhìn như vậy mà tâm của bạn được bình an, tự tại. Với tâm xả, bạn sẽ không bị dao động trước những thay đổi của đời sống và không bám víu vào những nhân duyên vô thường: được, mất, khen, chê, vui, buồn, danh vọng và không danh vọng. Vì vậy, nếu không có tâm xả làm nền tảng thì cuộc sống hạnh phúc của bạn sẽ không thể vững chắc lâu dài.

Khi phát triển bốn đức tính này đến mức hoàn hảo, thì hạt giống khổ đau bên trong sẽ không có cơ hội sinh sôi nảy nở, ngay cả những khổ đau bên ngoài cũng không thể bám vào tâm hồn của bạn được nữa.

Hai con đường thiền định
Có hai con đường thiền định căn bản có thể giúp bạn phát triển tình thương và hiểu biết sâu sắc về đời sống, làm cho thế giới nội tâm của bạn trở nên an bình và tươi mát. Thứ nhất là quán niệm về bốn nền tảng của đời sống, bao gồm thân thể, cảm xúc, tâm thức và các pháp tu tập hay các đối tượng của tâm thức. Quán niệm ở đây tức là duy trì sự tỉnh thức của bạn trên dòng vận hành của thực tại thân và tâm để thấy rõ bản chất sinh diệt tương tục của chúng trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi. 
Phương pháp quán niệm này giúp bạn có thể chuyển hóa cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp hơn nhờ vào ánh sáng của sự tỉnh thức dựa trên căn bản của thực tại mà không cần phải lý sự dông dài. Thứ hai là quán niệm về hơi thở. Ðây là phương pháp an trú trong hiện tại, dễ thực hành, có thể giúp bạn định tâm bằng cách theo dõi hơi thở, tập trung chú ý vào từng hơi thở vô ra. An trú trên hơi thở một cách liên tục, tâm bạn sẽ được an định, vượt ra mọi khổ đau do ký ức quá khứ, ước vọng tương lai và những suy nghĩ miên man không dừng. Ðây là cách thức hữu hiệu để khôi phục lại năng lượng và sự an bình cho đời sống nội tâm. Khi tâm an bình thì cuộc sống của bạn sẽ an bình.

Cởi mở tâm hồn
Khi khép kín tâm hồn của mình cũng như con chim tự bay vào lồng, bạn sẽ tự giam hãm mình trong một thế giới chật hẹp. Mặc dù ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp theo ý mình và không thích những điều không như ý. Tuy nhiên, cuộc sống luôn bao quát cả cái tốt lẫn cái xấu, những điều như ý và không như ý. Do đó, nếu bạn cố lẩn tránh cái xấu hay những điều không như ý bằng cách khép kín tâm hồn của mình lại, bạn sẽ tự làm cho mình khó chịu hơn. Trái lại, với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón chào cả cái tốt lẫn cái xấu sẽ làm cho đời sống của bạn nhẹ nhàng hơn và dễ chịu hơn. 
Khi bạn sẵn sàng đón nhận những điều không như ý, không có nghĩa là lúc nào những điều đó cũng xảy đến với bạn. Nhưng với một thái độ sống cởi mở, bạn sẽ làm cho chính bản thân mình tăng thêm nghị lực và sự an bình bên trong càng vững chãi hơn. Vả lại sống cởi mở, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với những điều tốt đẹp mà bạn chưa từng biết và những điều đó có thể giúp bạn chuyển hóa những khổ đau của riêng mình.

Nghệ thuật làm mới
Làm mới lại là một nghệ thuật để duy trì và phát triển cuộc sống theo một khuynh hướng tốt đẹp hơn và hoàn hảo hơn. Cũng như chiếc xe đã được sử dụng lâu năm, nếu bạn không tu sửa và đổi mới các phận cơ khí quan trọng, thì nó không thể chạy tốt được. Ðời sống con người bao nhiêu năm kinh nghiệm đắng cay, bao nhiêu nỗi khổ chất chồng, vì vậy nó cần phải được làm mới trở lại để có thể tiếp tục sống hạnh phúc. Tất nhiên chúng ta không thể “theo lối cũ” để làm mới con người của chính mình mà những gì cần làm ở đây là thay đổi cái nhìn và nếp sống xưa cũ. Ðấy là một sự thay đổi và làm mới toàn diện. 
Trên thực tế, bạn không thể từ bỏ một thói quen nếu bạn không huân tập một thói quen mới. Chẳng hạn, bạn tập thức dậy sớm để thay đổi thói quen ngủ dậy trễ. Ðó là những gì cần phải làm trong nghệ thuật làm mới cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm mới con người và cuộc sống của mình trước hết bạn phải thay đổi cái nhìn của mình hay nói khác đi là thay đổi cách suy nghĩ và chính cái tâm của mình. Khi tâm bạn thay đổi thì cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Ở đây cần lưu ý rằng, bạn có thể thay đổi cuộc sống vật chất của mình một cách nhanh chóng, nhưng bạn sẽ không thể nào chỉ qua một ngày mà có thể thay đổi tâm thức của mình một cách toàn diện. Công việc này đòi hỏi những nỗ lực lâu dài và sự kiên trì của bản thân.

Ðến với cái vô biên
Hẳn bạn bao giờ cũng mong muốn mình đi xa hơn thực tế bây giờ, tức là mong muốn an bình hơn nữa, hạnh phúc hơn nữa và tốt đẹp hơn nữa. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể làm được điều này bằng chính sức mạnh tịnh hóa nội tâm của mình, đó là sức mạnh của sự xả ly. Xả ly là sự buông bỏ, không bám víu, không cố nắm giữ những nỗi ám ảnh được phóng chiếu trong tâm thức, đó là được, mất, vui, buồn, khen, chê, danh vọng và không danh vọng. Bao lâu bạn có thể sống vượt lên trên những nỗi ám ảnh này thì đời sống hạnh phúc của bạn sẽ thật sự đạt đến vô biên. 
Ðiều thú vị là, trên con đường xả ly, bạn không cần phải làm thêm cái gì hết mà trái lại chỉ cần bỏ bớt những bám víu âm thầm trong tâm thức đi thôi. Ðời sống của xả ly là đời sống của thực tại vô niệm, nó vốn không cần đến sự hiện diện của một cái bản ngã cá thể (cái tôi) để được an bình và hạnh phúc. Thật vậy, trong một giấc ngủ thật sâu và thật an lành, bạn thật sự đâu cần đến sự hiện diện của cái tôi? Trong một nụ cười viên mãn bạn cũng đâu cần đến cái tôi? Trong một trái tim nồng ấm của yêu thương bạn cũng đâu cần đến cái tôi? Và vì vậy, để đạt đến niềm hạnh phúc vô biên, trên căn bản, bạn hãy cố gắng buông bỏ cái tôi ích kỷ và nhỏ nhoi của mình.

Nương tựa vào nhau
Mọi thứ trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Hạnh phúc của con người cũng như thế! Bạn không thể bảo vệ hạnh phúc của mình bằng cách chỉ biết đến mình mà thôi. Cuộc sống luôn cần có nhau, nhất là khi bạn đang trong giai đoạn của tuổi thơ, tuổi già và bệnh tật. Nếu như chúng ta cần có không khí để hít thở, thì hạnh phúc cũng cần có không gian và môi trường của nó. Không gian của hạnh phúc là cái tâm của bạn, tâm càng lớn chừng nào thì hạnh phúc càng tràn đầy chừng đó. Trong khi môi trường của hạnh phúc chính là thái độ tử tế và thân thiện giữa bạn và người. Trên thực tế, hạnh phúc của bạn sẽ bị lung lay ngay tức khắc nếu bạn không được đối xử tử tế, cho dù bạn có đầy đủ những thứ mà mình mong muốn. 
Rõ ràng chúng ta luôn cần có những tấm lòng tử tế để duy trì hạnh phúc của mình. Khi gia đình của nhà hàng xóm đánh giết nhau thì làm sao mà bạn có thể bình an được? Khi lái một chiếc xe hơi thật sang trọng trên con đường gồ ghề, nhiều ổ gà và bùn lầy thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào? Có lẽ khi đó bạn sẽ thầm trách tại sao con đường không tốt hơn! Ðấy chính là nguyên lý Duyên khởi của hạnh phúc. Khi A hiện hữu thì B hiện hữu. Khi A không hiện hữu thì B cũng không hiện hữu.

Sống hài hòa
Ðể có an lạc, bạn cần phải sống hài hòa với chính bản thân mình, với những người chung quanh mình và với môi trường thực tế. Ðời sống hài hòa được thí dụ như nước hòa với sữa để tạo nên một vị ngọt cần thiết cho cảm giác. Một ly sữa đông đặc sẽ không thể đem đến cho vị giác của bạn một sự dễ chịu nếu nó không được hòa với nước. Cho nên bất hòa là đầu mối của bất hạnh. Một cơ thể thiếu vắng sự hài hòa, quân bình sẽ gây ra nhiều thứ bệnh tật. Vợ chồng hay bạn bè không hòa thuận sẽ không có hạnh phúc. Các quốc gia không hòa thuận sẽ đi đến chiến tranh. 
Trong thế giới nội tâm, sự hài hòa là một yếu tính để sinh trưởng hạnh phúc. Vì lẽ, hạnh phúc chỉ phát sinh khi nào có sự hài hòa giữa cảm xúc và tâm thức, vì cảm xúc là thức ăn của tâm thức. Cảm xúc dễ chịu sẽ làm cho tâm dễ chịu, nhưng nếu tâm bất an thì cảm xúc trở thành tê liệt. Thí dụ, khi bạn quá lo âu buồn bã nên ăn mà không còn biết ngon nữa. Không phải vì hương vị của thức ăn tự nhiên trở thành nhạt nhẽo mà vì tâm của bạn bất an làm cho cảm xúc bị tê liệt nên không thể tiếp nhận được hương vị của nó. Vì vậy, hạnh phúc, trong thực tế, là một đứa con được sinh ra từ đời sống hài hòa của cảm xúc và tâm thức.

Tìm lại sự bình an
Có những khi lâm vào một hoàn cảnh rối ren, bế tắc làm cho bạn cảm thấy thất vọng và đau khổ, dĩ nhiên trong những lúc như thế bạn cần phải làm một cái gì đó để khôi phục lại sự bình an cho đời sống của mình. Con đường nhanh nhất và dễ nhất để tìm lại sự bình an là hãy làm một việc thiện. Khi bạn làm một việc thiện dù nhỏ nhoi như thế nào đi nữa nó cũng đem lại cho bạn một niềm vui thầm kín. Bạn sẽ thấy rằng việc làm của mình có ý nghĩa, và do đó cuộc sống của mình vẫn còn có ý nghĩa. 
Ðiều này sẽ giúp lấy lại niềm tin và tăng thêm sức mạnh cho đời sống nội tâm. Việc thiện ở đây không chỉ là một sự giúp đỡ kẻ khác mà còn là một hành động mang tính cách thanh tịnh (làm cho trong sạch) như lượm rác, quét dọn, lau nhà, rửa xe, giặt áo quần… Bạn sẽ không ngờ được kết quả lớn lao như thế nào khi một thiện niệm phát khởi trong tâm hồn của bạn. Thực tế cho thấy rằng tất cả mọi sự tốt đẹp trên thế gian này đều xuất phát từ những ý niệm thiện.

Phụng hiến
Phụng sự và hiến dâng là cách thức nuôi dưỡng hạnh phúc. Khi bạn có một đồng và bạn tiêu xài nó, thì đồng đó được xem như đã hết. Nhưng khi bạn đem đồng đó giúp đỡ cho người khác thì đồng đó “vẫn còn” trong ý nghĩa từ thiện. Cũng vậy, khi bạn phụng sự tha nhân bạn sẽ không mất cái gì hết mà trái lại bạn sẽ cảm nhận
hạnh phúc nhiều hơn khi thấy việc làm của mình mang ý nghĩa vị tha. Suy cho cùng, kết quả của phụng sự và hiến dâng bao giờ cũng được nhân đôi, một phần cho người và một phần cho mình; tặng phẩm cho người và niềm vui thì cho chính mình. 
Ðấy quả là một sự chăm sóc khôn ngoan cho hạnh phúc của bản thân. Trong một góc nhìn khác, phụng sự tha nhân chính là để hoàn thiện ý nghĩa và giá trị cho đời sống của chính mình. Do đó, chúng ta nên vui mừng khi được phụng sự nhiều hơn là hãnh diện vì phụng sự. Một người bình thường sẽ nói rằng tôi vì mọi người mà phụng sự, nhưng một người cao thượng thì sẽ nói rằng tôi phụng sự mọi người là để hoàn thiện đời sống của tôi.

Tri ân
Có nhiều lý do mà chúng ta cần phải tri ân đối với những gì đã đem lại cho ta cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nhưng có một ý nghĩa sâu xa của sự tri ân đó là khi bạn tri ân một người hay một hành động tốt đẹp, bạn đồng thời khởi sinh những thiện niệm ban đầu qua những giá trị mà bạn nhận diện được bằng chính kinh nghiệm của mình. Do đó tri ân không chỉ là một sự biết ơn hay cảm ơn mà còn là sự khởi đầu của đời sống thánh thiện. Trong đời sống thế tục cũng như tôn giáo, bạn luôn được khuyến khích học tập về sự tri ân cha mẹ, thầy bạn, đất nước…Trong lĩnh vực tâm linh, bạn luôn tri ân các bậc thánh hiền đã soi sáng cho bạn con đường đi đến đời sống hạnh phúc vĩnh cửu. Không biết tri ân thì không thể biết trân quý những giá trị của cuộc sống. 
Ðối với hạnh phúc của bản thân, niềm tri ân đối với cuộc sống của bạn càng sâu sắc chừng nào thì xung lực của hạnh phúc càng mãnh liệt chừng đó. Cũng như khi phát hiện ra rằng bạn được yêu thương nhiều hơn là những gì bạn nghĩ, chắc chắn khi đó bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn và sâu sắc hơn. Vì vậy, khi khởi niệm tri ân, bạn sẽ thấy cuộc đời của mình rất ấm áp, thấy mình đang được sưởi ấm bởi tình thương, và thấy rằng cuộc sống của mình không hề cô đơn. Ðấy là giá trị của sự tri ân.

Cái nhìn bình đẳng
Mỗi người đều cưu mang một thân phận khác nhau được tạo tác từ chính nghiệp cá thể. Tuy nhiên, mọi người ai cũng mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau. Do vậy, ước mong được hạnh phúc của mình cũng giống như ước mong được hạnh phúc của mọi người; và nỗi chán ghét khổ đau của mình cũng là nỗi niềm tha thiết của mọi người. Thấy rõ điều này sẽ giúp cho chúng ta dễ dàng cảm thông với mọi người. Bạn sẽ thấy mình và người giống hệt nhau trong ước mong được hạnh phúc và trong sợ hãi khổ đau. Ðây là cái nhìn bình đẳng về thân phận con người, nó sẽ giúp bạn vượt qua những hiềm khích ghen tỵ và đi đến cảm thông. 
Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, cái nhìn của bạn càng bình đẳng chừng nào thì cuộc sống của bạn càng cởi mở chừng đó; bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè cũng như giảm bớt những phiền giận do tâm phân biệt gây ra. Sự bình đẳng này là bản chất của cuộc đời cho dù bạn không muốn thì nó vẫn là như thế. Trái lại càng cố làm cho mình khác biệt hơn người thì càng cô đơn hơn mà thôi.

Nhất tâm, thở và cười
Nhất tâm, thở và cười là nhu yếu của hạnh phúc. Khi tâm bạn bị phân tán mông lung, bạn không thể nào tạo ra hạnh phúc được cũng như không thể nào thụ hưởng hạnh phúc được, cho dù tất cả đang hiện bày trước mặt. Nhất tâm là làm cho tâm tập trung vào một đối tượng mà thôi. Khi tâm được tập trung, tự nó sẽ chế tác ra một nguồn năng lượng của an lạc làm cho cả thân và tâm được an bình. Tuy nhiên, bản chất của tâm trí bình thường vốn rất xao động, tự nó không thể tập trung an định được vì vậy nó cần được rèn luyện bởi ý thức. Trong các phương pháp làm cho tâm an định, hơi thở là một phương tiện thần diệu có thể làm cho tâm an tịnh nhanh chóng và hiệu quả. Khi bạn chú tâm theo dõi hơi thở, làm cho hơi thở an tịnh thì tâm sẽ an tịnh. 
Trên thực tế, nếu hơi thở không lắng dịu thì tâm sẽ không thể an tịnh được. Do đó, luyện tập chú tâm theo dõi hơi thở bạn sẽ từng bước khơi dậy sự an bình trong nội tâm. Khi tâm an bình thì nụ cười sẽ xuất hiện. Bạn cười nhiều sẽ làm cho cuộc sống tươi mát và giảm thiểu phiền muộn. Có lẽ tập cười một cách hồn nhiên còn khó hơn là tập khóc. Nụ cười là biểu hiện của hạnh phúc và cũng là tiềm năng đem lại hạnh phúc. Thật vậy, bao giờ chúng ta cũng dễ chịu khi thấy một nụ cười hồn nhiên.

Như những nguyên lý của đời sống an lạc, những hạt nhân của hạnh phúc mà chúng ta vừa bàn đến nếu được khai mở và phát triển nó sẽ làm cho đời sống hạnh phúc của chúng ta trở nên toàn diện và ngày càng viên mãn.

Los Angeles, 2011
Khải Thiên Thích Tâm Thiện
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/06/2023(Xem: 2051)
1/ Tao khổ bất xả: gặp khổ không bỏ 2/ Bần tiện bất khinh: nghèo hèn không khinh rẻ 3/ Mật sự tương cáo: việc kín nói cho nhau biết 4/ Đệ tương phú tàng: che giấu cho nhau 5/ Nan tác năng tác: Làm được việc khó làm 6/ Nan dữ năng dữ: cho được những gì khó cho 7/ Nan nhẫn năng nhẫn: chịu đựng được những điều khó chịu đựng
29/03/2022(Xem: 4859)
Tôi thích nhất lời chú giải trong bài kinh Trung bộ thứ 12 “ DẠI KINH SƯ TỬ HỐNG “Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, đạo của giác ngộ giải thoát. Tất cả pháp môn của Phật dạy đều phải trở về chỗ chân thật của mình bằng chính định lực và trí tuệ của mình. Trở về được chỗ chân thật là an vui hạnh phúc, chấm dứt mầm mống của mọi sự khổ đau. Lúc đó, chúng ta mới có thể thông cảm, tha thứ, thương yêu và giúp đỡ đồng loại như chính bản thân mình. Cho nên chúng ta cứ cầu giải thoát, mà không biết giải thoát ra sao, muốn được hạnh phúc mà không biết thế nào là hạnh phúc? Thật ra hạnh phúc chân thật trong đạo Phật chính là giác ngộ giải thoát. Mà giải thoát là biết cái hư giả của thân và tâm này, nên không còn lệ thuộc vào nó, không chạy theo nó, không còn tạo nghiệp nữa. Không còn tạo nghiệp tức là không còn khổ đau. Không còn khổ đau tức là hạnh phúc.
09/11/2021(Xem: 5613)
Gần đây, tôi đã nhận lời mời của đài truyền hình trực tuyến quốc nội "thử niệm" (此念) để chia sẻ về Triết lý Giáo dục “tăng trưởng cuộc sống" (生命成長), trong hàng loạt bài Triết lý Giáo dục của Tôi. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.
15/01/2019(Xem: 9140)
Con xin chia sẻ với cả nhà về cuốn sách con đã đọc suốt 2 tháng vừa qua. Đó là cuốn “Nhà máy sản xuất niềm vui”. Đấy cũng chính là cuốn sách con được TS Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả cuốn sách, tặng vào ngày cuối cùng của năm cũ 30/12/2018 trong khuôn khổ Tết Thiền tại chùa Thôn Me, Thái Bình. Con đã thích cuốn sách ngay từ chính tựa đề, bởi con có biệt danh là Vui và lại có cả 1 nhà máy sản xuất niềm ‘Vui’ ở trong cuốn sách thì ‘Vui’ còn gì bằng.
15/12/2018(Xem: 12525)
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ n
19/11/2018(Xem: 4444)
Khi Thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng Có hạt bụi nào vương trên tóc Thầy... Tuổi học trò - Cái tuổi hồn nhiên, trong sáng với biết bao những kỉ niệm vui buồn, những sự ngỗ nghịch đáng yêu và cả những niềm hạnh phúc. Mỗi con người khi đã lớn lên có lẽ đều để lại những dấu ấn riêng cho mình về khoảng thời gian đẹp nhất trong đời ấy. Tuổi học trò với những mộng mơ, những lo âu bất chợt, những ý tưởng chợt đến rồi chợt đi. Tất cả đều được vun đắp và lớn lên dưới mái trường – nơi ta luôn có bạn bè và thầy cô bên cạnh sẻ chia những vui buồn cùng ta.
15/12/2017(Xem: 137861)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
14/07/2015(Xem: 18899)
Nam Mô A Di Đà Phật, thưa quý Phật tử gần xa, sáng sớm nay 6-1-2015, mái ngói chánh điện Tu Viện Quảng Đức đã được nhóm thợ Úc bắt tay tháo gỡ bỏ ngói cũ, trải lớp giấy chóng nước, đóng gỗ mè và lợp ngói mới, công việc sẽ kéo dài khoảng 3 tuần sẽ xong. Cầu Phật gia hộ cho công trình trùng tu sớm thành tựu viên mãn. Kèm đây là hình ảnh ghi nhận ngày hôm này. Nam Mô A Di Đà Phật
17/11/2014(Xem: 18365)
Trên chuyến bay từ Paris đến Reykjavik, thủ đô Iceland, tôi không khỏi mỉm cười khi thấy trên màn hình giới thiệu du lịch có những từ “mindfulness” (chánh niệm), “meditation” (thiền), “here and now” (bây giờ và ở đây). Hôm trước cũng nghe một thiền sinh ở Làng Mai (LM) chia sẻ rằng cô thích thú khi nghe một nữ tiếp viên hàng không nói với khách: “Please have mindfulness to bring your luggage down…” (xin chánh niệm khi đưa hành lý xuống…). Thiền tập đã đi vào đời sống người châu Âu đến vậy, có phần ảnh hưởng khá lớn của LM.
27/05/2014(Xem: 17496)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài võ cổ truyền Bình Định tại võ đường Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để các bạn tham khảo, nghiên cứu và học tập...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]