THÂN PHẬN CON NGƯỜI
"Nhân sinh": Đời người, cuộc sống con người
"Quan": Cái nhìn, quan niệm
"Nhân sinh quan" nghĩa là "cái nhìn" hay "quan niệm" về đời sống của con người.
A) Con người từ đâu mà có?
Phật giáo giải đáp câu hỏi ngàn đời nầy bằng giáo thuyết Thập nhị nhân duyên, tức là chuỗi 12 nhân duyên dây chuyền sau đây:
1) Vô minh: Do một niệm bất giác mà phát sinh mê lầm, chấp ngã chấp pháp, do đó mà khởi ra Phiền não - nên cũng gọi là Hoặc. Chúng ta không thể tìm ra điểm khởi đầu của sự Vô minh đã khởi đầu cho sự hiện hữu của chúng sinh và vạn vật, hữu tình cũng như vô tình.
2) Hành: Do Mê hoặc mà tâm vọng động tạo tác ra các Nghiệp hoặc lành hoặc dữ.
3) Thức: Nghiệp chứa nhóm thành ra nghiệp thức. Nghiệp thức huân tập thuần thục rồi khi đủ điều kiện liền gá vào thai mẹ.
4) Danh Sắc: Trong thai mẹ, tâm thức và nhục thể hòa hợp nên gọi là Danh Sắc.
5) Lục Nhập: Từ Danh Sắc lần lần tượng đủ 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) để đối với 6 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), gọi là Lục Nhập.
6) Xúc: Khi ra khỏi thai thì 6 căn tiếp xúc với 6 trần nên gọi là Xúc.
7) Thọ: Do tiếp xúc căn trần mà phát sinh cảm giác nóng, lạnh, êm, đau, v.v...nên gọi là Thọ (tức Thọ cảm)
8) Ái: Do thọ cảm có vui có khổ mà khởi niệm ưa ghét, chấp đắm lấy các pháp vui và dễ chịu nên gọi là Ái.
9) Thủ: Do tham ái nên sanh khuynh hướng chấp giữ lấy, bám níu vào các pháp dễ chịu nên gọi là Thủ.
10) Hữu: Do chấp giữ nên hành động và tạo nghiệp, chiêu cảm quả báo vị lai nên gọi là Hữu (có mầm sống vị lai).
11) Sanh: Do có mầm Hữu nên phải có sanh ra.
12) Lão, Tử: Do có sanh ra nên phải có Già, Chết.
B) Con người đi về đâu?
Như vậy sự có mặt của con người trong vũ trụ nầy là do niệm Bất giác (Vô minh) từ vô thủy. Nhưng thân phận của con người thì thế nào, đáng ưa hay đáng chán? Phật giáo có nhiều giải đáp, tùy theo trình độ và tông phái mà có nhiều khía cạnh khác nhau như cạn hay sâu, rộng hay hẹp, ngoài hay trong, tướng hay thể, v.v...nhưng không chống trái mà lại bổ túc cho nhau để cho cái nhìn được toàn diện. Chúng ta có những quan niệm và phương hướng sau đây:
1) Nhơn thừa: Thân người do Tứ đại hòa hợp (đất, nước, gió, lửa). Con người là một tập hợp của năm nhóm (Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) do nghiệp duyên nhóm họp mà thành nên sẽ có lúc tan rã (chết). Sau khi chết, nếu bổn nghiệp vẫn còn thì lại thọ thân mới trong Lục đạo (Thiên, Nhân, Tu-la, Điạ ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh), gọi là Luân hồi. Do đó, chết không phải là hết mà chỉ là sự chấm dứt của một chu trình.
Do nghiệp báo không đồng nên có người sinh ra xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu độn, giàu sang hay nghèo hèn, thọ hay yểu, hạnh phúc hay đau khổ, v.v...Tuy nhiên con người có thể cải đổi được vận mạng phần nào bằng ý chí và nỗ lực cá nhân, cho nên có câu "Có Trời mà cũng có ta".
Nói chung thì làm người có sướng có khổ nên dễ tu hơn các đường khác. Người nào giữ được Tam qui và Ngũ giới thì chắc chắn sẽ được sanh làm người hạnh phúc giàu sang trong đời sau.
2) Thiên thừa: Trên cõi người có nhiều cõi trời (Dục, Sắc và Vô Sắc), nơi đó chúng sinh sống thảnh thơi sung sướng hơn chúng ta rất nhiều. Ở các cõi Trời, Dục giới và Sắc giới, chúng Tiên có thân thể trang nghiêm đẹp đẽ, thọ mạng dài lâu, cung điện rực rỡ, y vật thực khỏi lo, hưởng thú vui thắng diệu. Tuy nhiên đời sống của họ có giới hạn, khi hết phước rồi thì ngũ suy tướng hiện ra và họ phải chuyển kiếp đầu thai trong Sáu đường Luân hồi.
Cõi trời tuy sung sướng nhưng khó tu vì ít thấy khổ. Những người thế gian nếu hành được Thập thiện (xem chú thích ở cuối bài) thì sau khi chết sẽ được sanh lên cõi trời để hưởng phước.
3) Nhị thừa (Thanh văn và Duyên giác): Các bậc nầy do có Trí huệ nên nhận thấy thân thể là bất tịnh, giả hợp và vô thường - không đáng ưa thích. Ngoài thân thể (Sắc), bốn uẩn (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) còn lại cũng không có thực thể. Do đó các Ngài thấy cái Ta là không có thật, và chứng được Ngã không. Khi các Ngài chứng luôn Pháp không (thấy tất cả các pháp là không thật có) và trừ hết được tập khí Vô minh thì đắc quả La-hán, không còn sinh tử luân hồi.
4) Đại thừa và Tối thượng thừa:
Lên một bực cao hơn, các Bồ-tát Đại thừa thấy thân thể và vạn pháp là trò huyễn hóa, do tâm thức biến hiện - như người bịnh mắt thấy hoa đốm trong hư không. Do huyễn nên nói Có hay Không đều không đúng, chỉ tạm gọi là Giả có. Không sa vào chấp Thường của phàm phu, chấp Đoạn của ngoại đạo hay chấp Tổn giảm của Nhị thừa - nên Bồ-tát nương huyễn thân, tu pháp như huyễn, độ chúng sanh như huyễn và chứng Niết-bàn như huyễn.
Lên một tầng nữa, đến mức "Sự sự Vô ngại" thì Bồ-tát thấy thân mình và vũ trụ là một, vạn pháp không ngoài tâm mình. Đến đây thì lời nói không với tới được, gọi là không thể nghĩ bàn, cái nhìn của Phật.
C) Kết luận
Nói chung thì thân phận con người có mặt thật đáng chán, nhưng cũng có mặt đáng phấn khởi. Đáng chán vì bản chất cuộc đời là vô thường, khổ, không, vô ngã - và như đức Phật đã nói "Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước bốn biển". Nhưng cũng là đáng phấn khởi vì làm người dễ tu, và Đức Phật xác nhận là ai cũng có Phật tánh tròn đủ. Vả lại, các Đức Phật cũng thường chọn giáng sanh trên thế giới Ta-bà nhiều đau khổ nầy. Tuy rằng có câu: "Thân người khó được, Phật pháp khó tìm". Nếu nay ta có đủ hai điều kiện nầy, thì thiết tưởng dù làm người cũng có thể nói là được nhiều diễm phúc rồi, và ta không nên bỏ lỡ cơ hội để tinh tấn tu hành giải thoát.
Thích Phước Thiệt - Từ Điển Phật Giáo Việt Anh – 29/6/2018
-----------
* Thập thiện
"Thập": mười
"Thiện": điều tốt, điều lành
"Thập thiện" nghĩa là "Mười điều lành", trái với Thập ác là Mười điều dữ của Ba nghiệp
(Thân Khẩu Ý), như sau đây:
A) Thân có thể phạm Ba điều dữ là:
1- Sát sanh: giết hại sinh mạng người hay thú vật.
2- Trộm cướp: đoạt lấy tài vật mà người ta không cho mình.
3- Tà dâm: quan hệ tình dục không chánh đáng.
B) Khẩu có thể phạm Bốn điều dữ là:
1- Vọng ngữ: nói dối, nói không đúng sự thật, lừa gạt người.
2- Ỷ ngữ: nói lời tầm phào vô ích, lời trau chuốt gợi tình, lời tục tĩu, vv...
3- Lưỡng thiệt: nói lưỡi hai chiều, nói lời chia rẽ khiến đôi bên ghét nhau.
4- Ác khẩu: nói lời thô ác, mắng chửi hay nặng lời khiến người bị tổn thương.
C) Ý có thể phạm Ba điều dữ là:
1- Tham lam: ham muốn quá nhiều, không biết đủ.
2- Sân hận hay Ác ý, muốn làm hại người hay vật.
3- Si mê hay Tà kiến: thấy sai, hiểu sai - như không tin Tam Bảo, không tin
Nhơn quả, vv...
Người tu Thập thiện chẳng những không phạm Mười điều dữ nói trên, mà còn làm
ngược lại để lợi ích cho mình và chúng sanh khác, như sau đây:
A) Thân siêng tu ba điều lành:
1) Không sát sanh mà còn phóng sanh, tức là cứu giúp người hay vật khiến cho
được khỏi các tai nạn, sanh mạng đều được yên ổn.
2) Không trộm cướp mà còn hành bố thí, hiến tặng tài vật hay công sức cho
người cần được giúp đỡ.
3) Không tà dâm mà còn cung kính với hàng phụ nữ.
B) Khẩu siêng tu bốn việc lành
1) Không nói dối mà còn nói lời chơn thật, ngay thẳng.
2) Không nói lời vô ích mà còn nói lời nhơn nghĩa đạo đức khiến người bỏ ác
về lành.
3) Không nói lời đâm thọc hay chia rẽ, mà còn nói lời hòa giải khiến người
thông cảm và thương yêu nhau hơn.
4) Không nói lời thô ác, mà còn nói lời dịu ngọt hiền lành khiến người nghe
vui lòng.
C) Ý siêng tu ba điều lành
1) Không tham lam mà còn buông xả Ngũ dục, ý thức rằng tất cả đều là giả
tạm và vô thường.
2) Không sân hận mà còn phát Bồ-đề tâm, thường xót thương và cứu hộ tất cả
chúng sanh.
3) Không si mê hay tà kiến mà còn luôn tu học theo Phật, siêng tu thiền quán
để phát sanh Trí huệ chơn thật.
Quán Di-lặc Thượng sanh Đâu-suất thiên Kinh: "Dầu là người tại gia giữ Ngũ giới
hay Bát giới, dầu là người xuất gia giữ Cụ túc giới - nếu ai tu Thập thiện và thường
nhớ tưởng đến cảnh trời Đâu-suất (Skrt: Tusita) thì lúc mạng chung được vãng sanh
về cảnh đó mà làm đệ tử của đức Di-lặc, hưởng các cuộc khoái lạc ở cảnh trời ấy".
Quán Vô lượng thọ Kinh: "Muốn sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A-di-đà, cần phải
tu Ba phước (Tam phước) như sau đây:
1) Hiếu dưỡng Cha mẹ, phụng sự Sư trưởng, có lòng lành chẳng giết sanh mạng,
tu Mười điều lành (Thập thiện nghiệp).
2) Thọ trì Tam qui, đủ hết các giới (đã thọ), chẳng phạm oai nghi.
3) Phát tâm Bồ-đề, tin sâu Nhơn quả, đọc tụng kinh Đại thừa, khuyến tấn người
tu hành".