Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài Trừ Mê Tín

05/11/201815:57(Xem: 4297)
Bài Trừ Mê Tín

Duc The Ton 1

Bài trừ Mê Tín

Tác giả: Tâm Thuận


Niềm tin

“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng! Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời hãy từ đạt đến và an trú!” Đức Phật (Kinh Tăng Chi Bộ)

 

   Trong cuộc sống, cái dẫn dắt chúng ta chính là niềm tin. Chúng ta tin một điều là đúng đắn, là hay, là thiện, là thích thú v.v… thì niềm tin ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động để làm thỏa mãn sở nguyện của mình, dù niềm tin ấy có thể là sai lệch, phi thực tế và thậm chí là đi ngược lại với đạo đức. Chẳng hạn, một người nhìn thấy hành vi tham ô, tham nhũng của một số ít đảng viên, rồi đánh mất niềm tin ở Đảng, thậm chí cực đoan và phiến diện đến mức cho rằng chủ nghĩa cộng sản là tập quyền như vậy, từ đó hình thành những tư tưởng và hành động chống đối Đảng, người ấy đã bị niềm sai lệch dẫn dắt đi, bởi tham ô, tham nhũng là hành vi của một bộ phận đảng viên, chứ không phải là chủ trương, đường lối của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; một người học sinh tin rằng chơi game sẽ mang lại sự giải trí thì người ấy sẽ tìm đến game để giải trí, mặc dù nghiện game đã được chứng minh là để lại nhiều tác hại như mất thời gian, hiềm khích và gây gỗ với nhau chỉ vì trận chiến ảo, vì những lí do chẳng đâu vào đâu; một người tin, hoặc nằm mơ, hoặc nghe người khác “phán” rằng phải đốt vàng mã in hình nào là nhà cửa, xe cộ, điện thoại, trang phục v.v… thì mới chu cấp đầy đủ cho “người Âm” để họ yên sinh “dưới cõi Âm” (?) thì người ấy sẽ cứ thế mà tích cực đốt vàng mã vào những ngày nhất định; một người tin rằng phải xây cho người thân đã khuất một cái lăng tốn hằng trăm triệu, hàng tỉ đồng để chứng tỏ được lòng thành kính của mình thì người ấy cũng sẽ chẳng ngại chi một số tiền lớn để xây nên cái lăng vật chất như vậy, mặc dù số tiền ấy nếu dành cho các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người đang sống thì sẽ mang lại nhiều công đức hơn và nhiều lợi ích nữa chúng ta sẽ bàn sau; một người (thường là nam) nghĩ rằng hút thuốc, uống rượu bia mới chứng tỏ được “bản lĩnh của đàn ông”, người ấy chắc chắn sẽ đi đến hút thuốc, uống rượu, chẳng ít thì nhiều, bất chấp các tác hại của thuốc lá và rượu bia được xã hội thừa nhận.

 

   Ngược lại, một người nhìn thấy hành vi tham ô, tham nhũng của một số đảng viên nhưng không vì thế mà đi đến kết luận vội vã “vơ đũa cả năm” rằng chủ nghĩa cộng sản là tập quyền như vậy, không đánh mất niềm tin ở Đảng, người ấy sống không có tư tưởng chống đối và bạo động trái pháp luật, người ấy được gọi là có chánh tín; một người học sinh biết rằng chơi game là ngốn thời gian vô ích, người học sinh ấy thay vì chơi game, lại dành thời gian vào việc học tập hoặc làm những công việc thiết thực hơn, người học sinh ấy được gọi là đáng khen ngợi; một người thấy nhiều người đốt vàng mã, nhưng nghĩ rằng cái lợi thì chưa ai thực chứng, chỉ toàn là nằm mơ thấy thế này thế nọ hoặc nghe người khác “phán” (chính những người người “phán” này cũng chưa một lần trực nghiệm, chỉ làm theo sách vở hoặc phong tục), còn cái hại thì hiện bày ra trước mắt: đốt vàng mã nào khác đốt tiền, còn tiềm ẩn hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường nữa, người ấy được gọi là không sa vào dị đoan; một người tổ chức tang lễ cho người thân một cách giản dị, không kèn trống om sòm, chỉ đắp cho người đã khuất một ngôi mộ đơn sơ bằng đất trông dịu mắt chứ không xây, nói gì đến một cái lăng tốn kém (ngoài ra sự bê-tông hóa không cần thiết này còn làm ảnh hưởng đến các loài vật hoang dã và làm tăng nhiệt độ cả vùng vào mùa hè, góp phần vào tình trạng khai thác cát, đá và sỏi quá mức), dành đồng tiền (nếu có) và công sức ấy cho những mục đích từ thiện, người ấy được gọi là sống biết thương tưởng đúng đối tượng và thực tế.

 

   Qua đó mới biết vị thế dẫn dắt của niềm tin. Không những thế, niềm tin còn tiếp thêm sức mạnh cho người nắm giữ. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh mặc dù bác sĩ chỉ cho họ uống giả dược có vị đắng khó chịu (vì các bệnh nhân nghĩ rằng thuốc càng khó nếm thì càng công hiệu). Có trường hợp bác sĩ nói với bệnh nhân ung thư rằng sẽ cho chuyền hóa chất để điều trị, nhưng rồi bác sĩ lại chỉ chuyền một loại dịch thay thế vô hại, kết quả là bệnh nhân rụng tóc (vì bệnh nhân tưởng rằng sau khi chuyền hóa chất thì tóc sẽ rụng.)[1] Trong đạo Phật, sức mạnh của niềm tin được gọi là Tín Lực, là cửa ngõ để đạt được các Lực theo sau (Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực và Tuệ Lực.) Cho nên, vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết đặt niềm tin đúng chỗ, chớ có tin một cách ồ ạt và thiếu xét đoán vào những điều hư ngụy và lệch lạc. Vậy thì căn cứ vào đâu để biết niềm tin của mình là không bị sai lệch? Xin được nhắc lại một lời dạy rất hay: khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời hãy từ đạt đến và an trú!”. Chung quy lại là chớ có tin ở những điều dẫn đến làm khổ mình (như uống rượu bia, hút thuốc lá v.v…), khổ người (trộm cắp, cướp giật, tham lam v.v…) và khổ chúng sanh (chọi trâu, chọi gà, chọi bò, chém lợn, sử dụng thực phẩm động vật v.v…); hãy tin ở những điều không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sanh. Nhưng nói không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sanh không có nghĩa là chúng ta trở thành một con người hờ hững và vô tâm trước những điều sai trái của kẻ khác. Trái lại, những hành động sai trái và vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn và trừng phạt. Có như vậy mới duy trì được an ninh và trật tự cho xã hội này, đó là tình thương đa hướng. Ái ngữ không có nghĩa là lúc nào cũng như mật rót lỗ tai theo ý thích của người khác. Có những lúc cần lắm những lời nói thẳng thắn dù là nghịch nhĩ ngõ hầu người nghe tỉnh ngộ ra được điều gì. Một câu chuyện rất hay về ái ngữ trong kinh điển Phật giáo: Đề Bà Đạt Đa từng nhiều lần tìm cách hãm hại đức Phật và hủy hoại chánh Pháp nên không ít lần bị Phật quở trách rằng “Đề Bà Đạt Đa phải đọa địa ngục (một cảnh giới chứ không phải Âm phủ theo trí tưởng tượng của người đời)”. Rồi một hôm có người nhân cớ đó mà đến gặp Phật và bắt bẻ rằng Phật không có ái ngữ, Phật mới hỏi lại rằng: Đứa con nhỏ của ông khi đang chơi với một vật mà chẳng may bị hóc do nuốt phải vật đó thì ông phải làm gì? Người ấy trả lời rằng dù đứa con nhỏ có phải chịu đau đớn và chảy máu thì người ấy cũng tìm mọi cách để đưa được vật thể ấy ra khỏi họng đứa con mới có thể cứu sống nó. Đức Phật biện tài rằng: Cũng vậy, Như Lai vì lòng thương tưởng muốn cứu độ các loài chúng sanh hữu tình mà nói lên những sự thật, dù sự thật đó có đi ngược lại với ý thích của người nghe thì Như Lai vẫn nói và một lời nói hư ngụy dù có thể êm tai làm đẹp lòng người nghe nhưng Như Lai sẽ nhất quyết không nói. Do vậy, chúng ta cần hiểu thế nào là không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sanh cho chính xác. Phải biết thiện xảo áp dụng vào đời sống, nếu không sẽ sa vào chấp bám ngôn tự một cách cứng nhắc.

 

Thắp hương, đốt rải vàng mã và cúng tế phản cảm – những hủ tục cần loại bỏ

Quý vị sẽ chọn cách thờ nào sau đây?

v Mất thời gian, tốn công sức, hao tiền của, tốn không gian, gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn v.v… mà không đem lại kết quả thiết thực nào, chỉ làm theo một cách máy móc và không tự kiểm chứng được.

v Không mất thời gian, không tốn công sức, không phí tiền của, chẳng tốn không gian, không gây ô nhiễm, không tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn v.v… mà đem lại kết quả thiết thực và tự mình kiểm chứng được.

 

Nghị định 75/2010/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ hàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, nơi công cộng khác”. Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2010. Ngoài ra, hành vi “tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã” cũng sẽ bị xử phạt ở mức 1 - 3 triệu đồng.

 

   Từ ngàn xưa, con người đã bắt đầu thờ cúng nhiều vị “Thần” dưới nhiều hình thức khác nhau. Nào là thần Sông, thần Núi, thần Biển, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Bò, thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, Quỷ Nước, Ông Táo, thậm chí ngay cả Rồng, một loài vật hư cấu mà vẫn được tôn lên để thờ cúng. Biết bao đời loài người thờ cúng, nhưng chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt, tai nạn, những chuyện bất tại nguyện v.v… vẫn cứ xảy ra. Vậy thì các vị “Thần” kia có đáng để chúng ta phải tôn thờ không? Quý vị đã từng một lần gặp “Thần” giữa đời thực này chưa? Đức Phật dạy “cầu bất đắc khổ”. Nếu mà các hình thức cúng tế cầu khẩn của chúng ta mà thành hiện thực thì chúng ta có cần phải tự mình phấn đấu, nỗ lực giải quyết các vấn đề nữa hay không? Bao nhiêu công sức, thời gian, tâm lực, tiền của chúng ta bỏ ra cho các hoạt động thờ cúng đi đâu, về đâu? Thờ thì đúng, không ai bác bỏ, nhưng cúng thì sai, chẳng lợi ích cho ai. Hơn nữa, thờ là cần thiết nhưng thờ ai và thờ như thế nào mới là điều quan trọng. Về điều này, đáng tiếc là đa số chúng ta vẫn hiểu sai từ “thờ”, biến thờ thành cúng tế hình tượng, gây lãng phí tâm sức, thời gian, tiền bạc một cách vô ích, gây ô nhiễm môi trường và đáng sợ nhất là làm suy yếu khả năng tự thay đổi bản thân của chúng ta. Khi may mắn thì chúng ta khen “Trời” có mắt hay “Thần” phù hộ, khi không may mắn hoặc bị thiên tai thì chúng ta chê “Trời” chẳng có mắt hay “Ma/Quỷ” quấy rối. Chúng ta tìm cầu tha lực, tưởng rằng có sự ban phước giáng họa từ một “đấng bề trên” nào đó mà quên mất rằng chúng ta mới là vấn đề và chúng ta cũng chính là giải pháp. Đã đến lúc chúng ta phải thờ trong chính ý thức và lối sống của chúng ta.

 

   Bàn thờ, hay thậm chí là phòng thờ, là những hình ảnh rất phổ biến trong hầu hết ngôi nhà người Việt. Nếu mũi còn thính thì khi chúng ta lại gần bàn thờ hoặc vào trong phòng thờ, một trong những ấn tượng sẽ là mùi khét. Mùi khét ấy chính là mùi hương (nhang) tích tụ lại trong phòng hết năm này qua tháng khác, không phải là một thứ trong lành. Ngoài ra, một hình ảnh dễ thấy khi đứng trước bàn thờ là sự “diêm dúa”: nào là bát để cắm que hương, nào là cốc, chén, ấm, bình hoa, con hạc bằng gỗ v.v… trên một cái bàn được chạm trỗ đủ thứ – tất cả đều là sản phẩm của bàn tay con người. Bàn thờ chẳng phải là cái gì thiêng liêng. Thứ nhất, có những trường hợp người dân thắp hương để qua đêm hoặc thắp hương rồi đi vắng đã gây cháy nhà, nếu thật có người quá cố trên bàn thờ thì sao “họ” tìm cách dập tắt lửa đi, để đỡ thiệt hại cho con cháu? Thứ hai, lại có nhiều nhà do bàn thờ đặt cao trên tường nên người dân (hầu hết là những người có tuổi) sử dụng ghế bậc thang để sửa soạn lễ lạt, lau chùi bàn thờ và thắp hương, trong tư thế chơi vơi, mất thăng bằng đã ngã xuống sàn nhà, bị tổn thương hay khuyết tật một cách không đáng có. “Cánh tay vô hình” đâu? Sao không nâng đỡ người “có lòng thành”? Thứ ba, chẳng riêng gì “người Âm”, chuột/bọ/ruồi nhặng có thể là những kẻ đầu tiên được hưởng phần hy lễ mà chúng ta kính cẩn đặt lên bàn thờ như trái cây, chè, xôi, bánh kẹo v.v…(những thứ thường được gọi là “lộc”, nhưng vẫn là sản phẩm của chính chúng ta). Không những thế, chuột còn có thể làm vấy bẩn đồ thờ của quý vị, hoặc lật đổ bình hoa, cốc, chén v.v… Những điều đó cũng đủ đưa chúng ta đến kết luận rằng đồ thờ chẳng phải là thứ bất khả xâm phạm hay không thể đụng chạm. 

 

   Có lẽ khi được hỏi “tại sao lại lập nên một cái bàn thờ, phòng thờ với đủ thứ như vậy và lại còn thắp hương nữa?” thì chúng ta sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời rằng nhằm thành tâm tưởng nhớ tổ tiên hoặc người đã khuất. Nhưng xin hỏi thật quý vị là mỗi lần đứng trước bàn thờ, cắm 1 que, vài que, hay thậm chí là cả bó que hương vào trong cái bát, khấn và vái thì tâm của quý vị có tưởng nhớ về những người có ảnh trên bàn thờ hay không? Hay là quý vị chỉ thắp hương, khấn, vái một cách máy móc theo lực đẩy của trào lưu, xưa bày nay làm, trong đầu lúc ấy lại nghĩ đến chuyện khác, hoặc thầm “xin” một điều gì đó và thậm chí là quay sang nói chuyện với một người bên cạnh? Câu hỏi này là để cho quý vị tự trả lời sao cho thật với lòng mình. Và giả sử quý vị muốn thật lòng thành tâm tưởng nhớ người đã khuất thì có nhất thiết phải bày ra hình thức lễ lạt rườm rà ấy không? Tưởng nhớ là một hoạt động tinh thần cho nên chúng ta có thể tưởng nhớ người đã khuất bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà không cần cái gọi là bàn thờ hay phòng thờ. Còn có cách tưởng nhớ đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, ít rườm rà hơn, thật lòng hơn, không ô nhiễm môi trường, không tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn: mỗi lần nhớ về những kỉ niệm với người đã khuất hoặc hướng tâm về người đã khuất là một lần tưởng nhớ, không nhất thiết phải cứ đúng ngày rằm hay giỗ chạp cho chúng ta tự bịa đặt ra. Còn nếu quý vị muốn cái gì đó có thể gợi nhớ thì đó có thể là chiếc album ảnh để ôn lại những kỉ niệm, những bức ảnh ba, mẹ, ông, bà mình quý vị có thể đặt trên đầu giường hoặc treo trên tường phòng ngủ – vì những bức ảnh đó chẳng phải là thứ gì thiêng liêng, chúng chỉ là những vật lưu niệm, hoặc xa hơn nữa, nếu muốn tìm thêm thông tin về dòng họ thì quý vị hãy mở quyển gia phả ra. Chỉ đơn giản thế thôi, không phụ thuộc không gian và thời gian. Hà cớ gì mà chúng ta phải lập nên cái bàn thờ, phòng thờ, nhà thờ? Mỗi chiếc bàn thờ là một vật chiếm không gian, giảm diện tích sử dụng phòng đặt nó, dành riêng một phòng thờ là chúng ta đã lãng phí mất một phòng ở, xây một nhà thờ là chúng ta đã lãng phí mất một nhà ở (hàng chục ngàn nhà thờ họ đại tôn, chưa kể nhà thờ chi họ trên nước ta), trong khi đó còn rất nhiều người nghèo đang sống chưa có nhà để ở hoặc phải ở nhà tranh tre dột nát. Mỗi năm chúng ta cùng lắm cũng sum vầy dòng họ 1 vài lần nên có thể tổ chức tại sân nhà của tộc trưởng, không nhất thiết phải xây nên một cái nhà rồi để không hoặc chỉ để thực hiện những nghi lễ rườm rà vô ích như thắp hương, khấn, vái, cúng, tế. Thắp một nén nhang không liên quan gì đến tinh thần yêu nước, cắm một que hương cũng chẳng nói lên được lòng uống nước nhớ nguồn. Sống trong một đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, tức là đa số người dân tin theo Phật hoặc được ảnh hưởng bởi giáo lý nhà Phật, thì một điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là Phật giáo nguyên thủy tuyệt đối không dạy chúng ta cầu cúng như cách chúng ta vẫn thường làm xưa nay. Theo Phật, lễ đàn ít rườm rà hơn, ít tốn kém hơn, ít nhiễu hại hơn và nhiều lợi ích thiết thực hơn cái bàn thờ được bày đủ thứ lòe loẹt như của chúng ta hiện thời chính là tự mình hướng thiện. Có năm loại hương mà chúng ta nên thắp: Giới hương (hương của Giới luật), Định hương (hương của Thiền định), Tuệ hương (hương của Trí tuệ gồm 3 cấp độ: Túc mạng minh – có thể nhớ lại chi tiết vô lượng kiếp sống của chúng sanh, Thiên nhãn minh – thấy được sự sống chết của chúng sanh ở tất cả các cảnh giới, Lậu tận minh – thấy rõ bản chất đau khổ của luân hồi, nguyên nhân của khổ, Niết Bàn và con đường đưa đến Niết Bàn để an chỉ các hành và chấm dứt khổ đau), Giải thoát hương (hương của sự giải thoát) và Giải thoát tri kiến hương (hương của tri kiến về giải thoát). Đây là những loại hương bay ngược chiều gió, không tốn kém, đưa đến lợi ích thực tế cho con người, chứ không phải thứ hương làm từ bột vỏ cây vừa ô nhiễm, tốn kém, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đối với đại đa số người tại gia thì thứ hương cần thắp chính là Giới hương gồm 5 chi phần: không sát sanh, không trộm cắp và cướp đoạt, không uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích không được chỉ định, không gian dối, và cuối cùng là không tranh vợ cướp chồng phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác. Đó là thứ hương chúng ta cần thắp bất kể ngày đêm để xã hội này rồi chắc chắn sẽ an lành hơn. Quý vị cần ghi nhớ lời dạy trên đây của Phật.    

 

   Đốt, rải vàng mã cũng là một hủ tục từ lâu đời. Một lần nữa chúng ta làm mà không biết mình đang làm gì, có hệ quả ra sao. Thực chất của việc đốt vàng mã là nhằm chuẩn cấp cho “người Âm” những “vật dụng” giấy cần thiết xuất phát từ quan niệm “Trần sao, Âm vậy”. Theo quan niệm này, người đã khuất cũng có thế giới như chúng ta vậy, mặc dù là “vô hình”. Thời xưa thì vàng mã thường in hình quần, áo, mũ, giày, dép, rồi kế đến là hình tờ tiền (một điều phi lí hết sức, ở chỗ đã có “tiền” rồi thì “người Âm” cứ thế lấy đó mà mua, chúng ta cần gì phải “gửi” thêm “đồ” khác), rồi xe đạp, và ngày nay, những thứ không thể thiếu là xe máy, xe hơi, đặc biệt là chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí một dinh thự đầy đủ tiện nghi bằng giấy tốn hàng trăm triệu đồng cũng được dựng lên để đốt. Chẳng lẽ, phải có sự chu cấp của “người Trần” thì “cõi Âm” mới tồn tại được hay sao? Và những thứ chúng ta đốt để “gửi” cho “họ” cũng chưa đủ, vì chúng ta hiện có hàng triệu mặt hàng nên đáng lẽ phải có hàng triệu mặt hàng “dưới Âm phủ” thì mới gọi là đầy đủ. Nếu vậy thì liệu họ còn có khả năng “phù hộ” cho chúng ta không? Nếu có một thế giới linh hồn như vậy, chắc chắn các linh hồn vẫn chưa hết khổ đau, vẫn còn chiến tranh và xung đột, vẫn còn đủ lo toan, chẳng thể gọi là “yên nghỉ”. Cái lợi của vàng mã thì ảo tưởng, không ai tự chứng nghiệm được thì chúng ta hùa nhau tin, còn cái hại của nó thì như đập vào mắt mà chẳng mấy ai tin: tự hình thành cho mình những nỗi hoang mang, lo lắng và căng thẳng vô cớ, đốt vàng mã khác nào đốt tiền, nếu sơ suất có thể xảy ra hỏa hoạn, trực tiếp ngửi khói vàng mã rất độc hại, rải vàng mã còn là hành động xả rác bừa bãiv.v… Ở khu vực nông thôn, không đốt thì sợ hàng xóm chê cười, cho nên dù nghèo hay cận nghèo cũng phải trích ra ít tiền để đốt. Ở môi trường đô thị nhiều nhà cao tầng, nhà ống, ngõ hẹp, thiếu không gian, hóa vàng dễ gây ra cháy nổ, chập điện, khói bụi và ô nhiễm môi trường như chơi (chẳng hạn như vụ cháy xe bồn chở xăng tại Quảng Ninh vào ngày 7/8 do tàn vàng mã bay vào). Tại nước ta, 2 ngày lễ mà người dân đốt vàng mã nhiều nhất là ngày lễ Vu Lan và ngày cúng ông Táo trong dịp Tết Nguyên Đán. Giả sử, làm một phép tính khiêm tốn, vào những ngày này, trung bình mỗi hộ gia đình trong khoảng 20 triệu hộ gia đình có tập tục đốt vàng dành ra 50,000 đồng để mua vàng mã về đốt thì số tiền thành mây thành khói sẽ là 1,000 tỉ đồng! Đó là chưa kể đến hàng trăm lễ hội liên quan đến đền, chùa mỗi năm mà người dân đốt vàng mã và những người chứng tỏ đẳng cấp trong việc chi tiền chục triệu, trăm triệu để được đốt. Khoảng 50,000 tấn nguyên liệu lãng phí cho việc làm vàng mã mỗi năm không hề nhỏ. Hóa đồ cho người đã khuất cũng là một điều mê tín khác, đốt đồ vật một cách vô ích và gây ô nhiễm môi trường. Số quần áo quý vị đem đi đốt tại sao không sử dụng cho những mục đích thiết thực hơn như: nếu quý vị vì mê tín mà “sợ” không dám dùng thì có thể đưa quần áo, chăn v.v… đi ủng hộ những người đang cần chúng, hay ít ra cũng phải đưa cho thợ sửa ô-tô, xe máy để họ lau thì vẫn còn hữu ích hơn; các loại đồ vật khác thì có thể tái chế.

 

   Gần đây, những hình ảnh chém lợn, treo cổ trâu v.v… như một phần tất yếu trong nghi lễ cúng tế đã gây không ít xôn xao dư luận. Một hành động đoạt mạng gây đau đớn tột cùng cho những loài vật hữu tình mà được coi là văn hóa, hơn nữa xét đến việc trâu, bò là những loài vật từng vắt sức giúp con người có được hạt gạo để ăn, thì qua đây mới biết CON người chúng ta thật u mê, vô ơn và thiếu đạo đức hiếu sinh đến nhường nào. Chúng ta lập đàn tế cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống an vui, nhưng đàn tế của chúng ta lại phô diễn cảnh máu me đau khổ, kêu gào thì quả là một nghịch lí. Tế đàn như vậy, theo lời đức Phật dạy, chỉ có hại không lợi. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây: 

 

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn. Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao động, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy, với nước mắt đầy mặt, than khóc và làm các công việc chuẩn bị (cho lễ tế đàn). Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:

Lễ cúng ngựa, cúng người,

Quăng cọc, rượu chiến thắng,

Không chốt cửa, đại lễ,

Chúng không phải quả lớn.

Chỗ nào có giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Đại Thánh không đi.

Tế đàn không rộn ràng,

Cúng dường được thường hằng,

Không có sự giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Đại Thánh sẽ đi.

Bậc trí tế như vậy,

Tế đàn vậy, quả lớn.

Ai tế lễ như vậy,

Chỉ tốt hơn, không xấu,

Là tế đàn vĩ đại,

Được chư Thiên hoan hỷ.

 

   Ngoài các hủ tục như treo cổ trâu, chém lợn, chọi trâu, chọi bò chọi chó, chọi gà (lấy cảnh đau khổ và bạo lực ở động vật làm niềm vui cho mình) ra vẫn còn rất, rất nhiều hủ tục gây đau khổ trực tiếp cho người dân ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung như tục cắt cửa mình của bé gái của những người theo đạo Hồi ở Indonesia một phần vì họ tin rằng “nếu cầu nguyện với bộ phận sinh dục ô uế, lời cầu nguyện của họ sẽ không được lắng nghe”. Những ca phẫu thuật như thế này thường được thực hiện tại nhà riêng bởi các bà đỡ, dụng cụ phẫu thuật không được gây mê và khử trùng triệt để cho nên không những gây đau đớn hoảng loạn cho bé gái mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và tử vong cao. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã can thiệp và khuyến cáo cần chấm dứt tình trạng này. Ở Việt Nam, hủ tục cướp vợ (thực chất là một hành động bắt người trái Pháp luật) ở một số dân tộc cũng đang tồn tại, khiến các bé gái hoảng sợ, phải chống trả quyết liệt. Đây là một trong những biểu hiện của nạn tảo hôn nhức nhối v.v… Những hủ tục đó, trong số rất nhiều hủ tục khác, nói lên được điều gì? Những cái gì tồn tại từ lâu đời dù là theo tập quán, dựa trên nhân lí luận siêu hình, được ghi trong kinh sách hay được truyền dạy bởi bất kì Đạo sư nào, nếu là bất thiện, thì chúng ta không có nghĩa vụ phải duy trì. Gây đau khổ cho người và vật vô cớ là bất thiện, gây ô nhiễm môi trường là bất thiện, lãng phí là bất thiện, mê tín là bất thiện. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại thế nào là thuần phong mĩ tục nên được duy trì, thế nào là những hủ tục rườm rà, lãng phí, ô nhiễm cần phải loại bỏ.

 

Tục thờ cúng tổ tiên: văn hóa hay mê tín?

“Chẳng riêng gì những người đang hành trì hủ tục được gọi là mê tín, mà ngay cả những người ngoài cuộc không rõ biết đâu là hủ tục hoặc công nhận hủ tục là điều đáng duy trì cũng được gọi là mê tín.” – Lời người viết.

 

   Phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân đã chết ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc (ngày mồng Một) vọng (ngày Rằm), giỗ, Tết...Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì sau khi mất cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ. Ngoài ra, hình thức thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.

   Thoạt nghe mà không có suy xét cân nhắc chín chắn hay đối chiếu với thực tế thì rõ ràng phong tục này tốt đẹp vô cùng trên mọi phương diện. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu kĩ lưỡng và liên hệ với thực tế thì phong tục này hết sức phi lý và thậm chí là nguy hiểm. Trước hết, xét về mặt Phật giáo thì Phật không bao giờ dạy chúng ta thờ cúng như vậy bởi vì Phật xác định rằng không có thế giới linh hồn tồn tại vĩnh hằng như trí tưởng tượng của con người! Chẳng qua là chúng ta quá thương nhớ người đã khuất cho nên mới tưởng tượng ra cái thế giới linh hồn vĩnh cửu (mà lại ở ngay trong nhà mình) như vậy, hoặc giả chúng ta hoang mang vì không biết mình sẽ đi đâu về đâu và thành gì sau khi từ giã cõi đời này nên mới dựng nên thế giới tưởng như vậy để tự an ủi bản thân mình và lấy đó làm chỗ nương tựa và bám víu v.v… Rồi người này đồn người nọ, người nọ đồn người kia, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau và trở thành phong tục. Không biết, không thấy, không tự mình chứng nghiệm nhưng chúng ta vẫn phải theo trào lưu này. Dần dần nó trở thành một tập quán kiên cố rất khó từ bỏ.

 

Hãy tạm gác giáo lý nhà Phật qua một bên, bởi đây là quan niệm gần như độc nhất của người Việt. Thế thì chỉ cần dùng đến một chút suy luận, chúng ta cũng đủ thấy được sự phi lý của quan niệm cho rằng có linh hồn tổ tiên thường ngự trên bàn thờdương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì sau khi mất cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng. Nếu linh hồn tổ tiên thường ngự trên bàn thờ thì làm gì bài kệ “Mọi người sợ hình phạt, mọi người sợ tử vong, mọi người thích sống còn, lấy mình làm thí dụ, không giết không bảo giết”? (Kinh Pháp Cú.) Nếu thế thì chúng ta cần gì phải tìm đến bệnh viện để chữa trị làm gì? Đằng nào cũng sẽ trở về thế giới linh hồn để sống mãi trên bàn thờ mà! Cần gì phải lo lắng và sợ hãi? Có hợp lý chăng khi cho rằng hành động cướp của giết người là đưa người ấy về sống quây quần mãi với tổ tiên? Nếu thế thì chúng ta việc gì phải tiếc thương người đã khuất (vì bất cứ lí do nào), bởi đằng nào thì họ cũng sẽ vẫn mãi tồn tại ngay trong nhà của mình. Cho nên quan niệm này ngay đó đã tự phơi bày tính phi lý và phần nào vô đạo đức. Dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì sau khi mất cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng? Nếu là dương sao âm vậy (nên nhớ quan niệm Âm-Dương không được chấp nhận trong Phật giáo nguyên thủy) thì lẽ ra chúng ta nên cúng tổ tiên 1 năm 365 ngày, 1 ngày 3 bữa mới phải, vì chúng ta ngày dùng bữa 3 lần. Hơn nữa số vật dụng mà chúng ta gửi cho họ qua hình thức đốt vàng mã từ trước tới nay cũng chưa gọi là đầy đủ được, mới chỉ là một phần rất nhỏ không đáng kể: còn thiếu sách, kim, chỉ, bút, giấy và vô vàn vật dụng khác không thể nào liệt kê hết ra đây được. Phi lý ở chỗ, nếu hiểu “dương sao âm vậy” một cách chính xác thì phải hiểu rằng ở “cõi âm” người ta cũng sinh hoạt và lao động như chúng ta, thì cần gì phải lo cho họ nữa? Và nếu chúng ta không thể tự phù hộ cho mình thì còn mong gì sự phù hộ từ phía họ, bởi họ cũng như chính chúng ta.

 

   Linh hồn tổ tiên giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn? Khi liên hệ với thực tại đời sống con người thì quan niệm này liệu còn đúng được bao nhiêu phần trăm? Tôi chỉ mong được như vậy thì xã hội này đã luôn tốt đẹp mà không cần đến sự cố gắng của chúng ta rồi. Nhưng, xét đến sự nguy hiểm của quan niệm này thì tôi cho nó 0% tính đúng đắn. Nếu linh hồn tổ tiên giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó thì cuộc đời chúng ta sẽ luôn luôn êm xuôi mà không cần phải tính toán đến hậu quả của những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm phải không? Nghĩa là chúng ta yên dạ rằng khi gặp khó khăn thì sẽ có tổ tiên phù hộ, và thế là xong, quá khỏe. Đâu cần phải tự mình hay họp hành để tìm ra giải pháp cho các tình trạng khó khăn nữa? Còn nếu linh hồn tổ tiên khuyến khích con cháu làm những điều lành và cũng quở phạt khi con cháu làm những điều tội lỗi thì có vẻ như đã lấn sân ngành giáo dục và tư pháp rồi. Giá như câu này được diễn đạt lại thành “nhờ những tư tưởng tốt đẹp, thực tế và công bằng của tổ tiên truyền lại mà con cháu biết tiếp thu, thực hành để làm lành lánh dữ và sống không vi phạm các nguyên tắc chung của xã hội” thì tôi đã cho nó phần trăm tính đúng đắn rất cao rồi. Đằng này nó lại cho rằng có lực lượng linh hồn đang tác động trực tiếp lên cuộc đời của chúng ta. Thật là điều không thể chấp nhận được, nhất là đối với hàng ngũ Đảng viên theo đường lối của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Xét về mặt hiện tại và trực tiếp thì chính cha mẹ, thầy cô v.v… mới là những người chỉ bày cho chúng ta điều hay lẽ phải, xét về mặt quá khứ và gián tiếp thì sự tác động chính là từ những tư tưởng tốt đẹp, thực tế và công bằng của tổ tiên truyền lại cho hậu thế. Còn vai trò duy trì trật tự xã hội và trừng phạt kẻ phạm tội thuộc về Pháp Luật. Không hề có chỗ cho linh hồn ở đây. Một sự thực hiện bày ngay trước mắt chúng ta: tình trạng sử dụng rượu bia, thuốc lá, các loại ma túy v.v… tràn lan là thất bại của chính những con người đang sống hay là do linh hồn tổ tiên chúng ta không làm tròn bổn phận giáo dục và răn đe con cháu? Nếu cứ duy trì quan niệm này thì chúng ta bao giờ mới chịu thay đổi bản thân.

 

   Hình thức thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình? Cần phải khẳng định ngay rằng hình thức thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện hời hợt bề ngoài và có phần giả dối của những phẩm chất tốt đẹp nói trên. Ở đây hình như có chút liên hệ đến câu nói “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Nếu chúng ta hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân thì cần phải ghi nhớ lời dạy sau đây của Phật: có 2 hạng người không thể trả hết ơn, đó là cha và mẹ, cho dù có gánh cả cha và mẹ trên hai vai từ dưới chân núi lên tận đỉnh núi cao ngút ngàn cũng chưa thể gọi là trả hết ơn, nhưng nếu chúng ta hướng cha, mẹ về thiện pháp thì được gọi là trả hết ơn cho các bậc sinh thành. Ngoài ra, để nhớ đến công ơn dưỡng dục của tiền nhân thì điều thiết thực hiện tại nhất mà chúng ta nên làm là phấn đấu trở thành con người sống không vi phạm các nguyên tắc chung của xã hội, xa hơn nữa là làm lợi ích cho mình và cho người. Còn những thứ được bày trên bàn thờ của người đã khuất nào có can hệ gì với lòng hiếu thảo hay nhớ ơn? Đó là những sản phẩm do bàn tay chúng ta làm ra, do bàn tay chúng ta đặt lên cao, và rồi chính bàn tay chúng ta khuân xuống!

 

   Đến đây chúng ta đã đủ thấy được sự phi lý và thiếu đạo đức về nhiều mặt của một phong tục. Nhớ ơn các bậc tiền nhân là một phẩm chất vô cùng tốt đẹp không thể chối cãi. Nhưng làm thế nào để chúng ta thể hiện lòng nhớ ơn đó mà không rơi vào hình thức rườm rà, giả dối, tốn kém, ô nhiễm, mất công sức, mất thời gian và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mới là điều quan trọng.Dịp tết Nguyên Đán là để cho chúng ta có dịp trọn vẹn được sum vầy gia đình, hoặc vui chơi, hoặc thư giãn nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc, thế mà chúng ta lại tự bắt mình phải vùi đầu vào những nghi lễ thờ cúng ngốn thời gian và công sức, đôi lúc dù cơ thể bệnh ốm cũng phải gượng lên mà dầm nước, tự chuốc lấy những hậu quả không đáng có – điều này xuất phát từ quan niệm sai lầm của chính chúng ta. Nguyên vật liệu để chúng ta sản xuất ra “đồ thờ” cũng là một sự lãng phí vô cùng lớn khi xét đến sự thay đổi “đồ thờ” nhiều lần trong cuộc đời của biết bao thế hệ, bao con người. Điều đáng lên án là công sức và tiền của ấy lại không thể hiện được phẩm chất tốt đẹp nào hoặc đưa đến lợi ích thiết thực hiện tại. Nếu muốn tưởng nhớ những người thân đã khuất của mình, tức là ở phạm vi cá nhân, thì chúng ta có thể hồi tưởng về họ bất cứ lúc nào ở bất kì nơi đâu. Còn nếu muốn tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối xa xưa đã có công gây dựng và gìn giữ mảnh đất này thì chúng ta hằng năm tổ chức các buổi lễ kỉ niệm thông thường, đâu cần phải phô bày các nghi lễ rườm rà, tốn kém, mất công sức, tốn thời gian, mang tính chất mê tín, và nguy hiểm nhất làm kìm hãm sự phấn đấu tự sửa đổi của mỗi người. Chừng đó cũng đủ để chúng ta đi đến kết luận: thờ cúng tổ tiên không phải là mỹ tục, không phải là văn hóa cần được duy trì mà chỉ là một biểu hiện mê tín phải từng bước dẹp bỏ.

 

Thờ ai và thờ như thế nào?

   Thờ là một khía cạnh thiết yếu trong đời sống con người. Trên chặng đường học tập và rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân mình thì chúng ta luôn vấp phải những lỗi lầm cho nên việc tôn thờ một ai đó, hoặc một điều thiện nào đó, là hoàn toàn cầu tiến. Theo nhiều người thì thờ không nhất thiết là cứ bắt chước 100% một vị nào đó, họ thờ vị A ở một/một số điểm, nhưng vẫn thờ vị B ở một/một số điểm khác v.v… Cũng có những người cho rằng thờ phải là làm theo 100% đối tượng mình tôn thờ, hoặc giả chẳng tôn thờ một ai ngoài những giá trị của mình, lấy mình làm hòn đảo. Điều đó là quyền của mỗi người, xin miễn bàn đúng sai phải trái ở đây. Vấn đề là cách mà chúng ta đặt niềm tin và niềm tin có dựa trên thực tế hay không, có được cân nhắc hợp lí và tự thân chứng nghiệm hay không, hay chỉ là niềm tin ồ ạt thiếu xét đoán, chẳng thấy, chẳng biết, chẳng tự kiểm chứng, chẳng quan tâm hệ quả mà vẫn cứ tin. Nếu không mù quáng thì đó gọi là gì? Theo tôi, đối tượng để chúng ta thờ phải là những bậc có thật, không phải những nhân vật hư cấu vì chúng ta đang sống trong đời thật chứ không phải trong truyện cổ tích. Theo đó, đối tượng tôn thờ là những vị có tư tưởng vĩ đại chẳng hạn như đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử, Bác Hồ, v.v… Tất nhiên, cũng có những người tôn thờ hình mẫu trong cuộc sống thường nhật như một doanh nhân (không phải tỉ phú), một nhà khoa học, một người ông, bà, ba, mẹ chăm sóc tốt cho con cháu, hoặc thờ nhiều đối tượng – đây là điều tốt, giúp họ trở thành những đối tượng đáng ao ước như vậy. Một lần nữa, đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Miễn là những đối tượng quý vị đặt niềm tin sẽ giúp quý vị vươn tới những lợi ích thiết thực theo mong muốn. 

 

   Tín ngưỡng, tôn giáo cũng là những điểm thu hút niềm tin của con người. Trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng: tự do tín ngưỡng và tôn giáo hiện là quyền của mỗi người. Nhưng dù theo bất kì một tín ngưỡng hay tôn giáo nào, chúng ta cũng phải dựa trên một nền tảng chung: đó là phải sống một cuộc đời biết tôn trọng pháp luật và hướng thiện. Cái đích chúng ta hướng đến phải là thiết thực. Không ít vị truyền dạy tâm linh tuyên bố (có thể là theo kinh sách chứ không tự thân chứng nghiệm) rằng nếu theo giáo pháp của chúng tôi thì quý vị sau khi từ giã cõi đời này sẽ được về một xứ hoàn hảo. Nhưng liệu những lời hứa đó có mang lại cho tín nhân chiếc bánh vẽ hay lâu đài giữa trời hay không? Một lời dạy của Phật rất đáng cân nhắc:       

 

Không có một Bà-la-môn nào trong những vị tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một tôn sư nào của các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mặt thấy Phạm thiên, không có một đại tôn sư nào của các Bà-la-môn tinh thông ba tập và đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một Bà-la-môn nào cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên, trong những tu sĩ thời cổ, trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà, những vị sáng tác các thần chú, những vi trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy, không có một vị nào đã nói: “Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu”. Như vậy các bà Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã nói: “Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên, nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”. Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà là không chánh xác, hợp lý? Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”, thật không thể có sự kiện ấy. Ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Như vậy, lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà, người đầu không thấy, giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, giống như lời nói mù quáng. Lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.  

 

Như có người nói: “Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này”. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp mà Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẩm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, ấp nào, hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và đã ái luyến một người Ông không biết, không thấy?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý?

 

Như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: “Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Đông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?”. Được hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?”. Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói người kia không chánh xác, hợp lý?

 

Như sông Aciravati này, đầy tràn cho đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ bên kia, tìm đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia và muốn lội qua bờ bên kia. Người đứng bờ bên này kêu bờ bên kia và nói: “Bờ bên kia, hãy lại đây! Bờ bên kia, hãy lại đây”. Có phải vì người kia kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không?

 

Cũng vậy, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà-la-môn, những vị này đã nói: “Chúng tôi cầu khẩn Indra (Nhân-đà-la), chúng tôi cầu khẩn Soma (Tô-ma), chúng tôi cầu khẩn Vanena (Bà-lưu-va), chúng tôi cầu khẩn Isàna (Y-sa-na), chúng tôi cầu khẩn Pajàpati (Sanh chủ), chúng tôi cầu khẩn Brahmà (Phạm thiên), chúng tôi cầu khẩn Mahiddhi (Ma-hi-đề), chúng tôi cầu khẩn Yama (Dạ-ma). Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ Đà ấy, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn vì kêu gọi, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán, sau khi thân hoại mạng chung, những vị ấy sẽ cộng trú với Phạm thiên - Thật không có sự kiện ấy.[2]

 

   Đến đây hẳn có những quý vị nghĩ rằng tôi đang cổ xúy đạo Phật? Câu trả lời của tôi là: hoàn toàn sai lầm khi căn cứ vào việc tôi trích dẫn những lời dạy của Phật để khẳng định rằng tôi cổ xúy đạo Phật! Lí do tôi trích dẫn là vì đức Phật là một nhân vật được lịch sử ghi nhận, từ một chỗ một con người bình thường qua tu tập mà thành bậc thánh. Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Khóa họp 54 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy Phật giáo làm tôn giáo điển hình và kim chỉ nam đạo đức cho toàn nhân loại. Nhưng cũng chẳng phải vì thế mà tôi khuyến khích mọi người “theo” đạo lộ này. Không hề. Bởi Phật dạy rằng khi chưa chứng đạt chân lí thì chớ có đi đến kết luận một chiều: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm. Mọi người đều có quyền tự do lựa chọn đối tượng tôn thờ cho mình mà không bị áp đặt, miễn là đời sống của họ không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội ngay hiện tại. Hãy tôn thờ những bậc mà quý vị cho là đáng tôn thờ. Nên vấn đề thứ nữa là thờ như thế nào? Nên nhớ rằng các bậc thánh/thánh nhân như Phật, Mô-ham-met, Lão Tử và Bác Hồ v.v… đều luôn mong muốn chúng ta được tốt đẹp như họ chứ không phải mong muốn chúng ta mãi thấp kém hơn họ để rồi nhận được sự quỳ lạy hay tán thán. Họ không bao giờ ưa thích cái tâm hiếu danh như ta là người thánh thiện nhất, ta là người giàu nhất, ta là người nổi tiếng nhất v.v… Đó là một trong những lí do khiến họ trở nên vĩ đại trong lòng mọi người. Họ cống hiến nhiều, nhưng không tham lam cho mình. Chúng ta học ở họ những điểm gì thì học, và biến sự học thành hành động. Không phải cứ chắp tay, quỳ, lạy, thắp hương, cúng, tế v.v… mới gọi là thờ, ngược lại, chúng biến tôn thờ thành những nghi lễ mê tín, rườm rà, lãng phí, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Rồi một khi thờ bằng hành động thì chúng ta có quyền tin rằng những tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan của loài người từ bao đời sẽ đảo lộn, không còn trụ vững, rơi rụng như những chiếc lá vàng mùa thu.

 



[1] Xem thêm cuốn sách “Thức ăn vì thế giới hòa bình” – NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

[2] KINH TEVIJJA (TAM MINH) (Tevijja Sutta) – Trường Bộ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/02/2012(Xem: 3547)
Một cách căn bản, chúng ta có thể thấu hiểu Bốn Chân Lý Cao Quý trong hai trình độ [trình độ của sự giải thoát tạm thời khỏi khổ đau và trình độ giải thoát thật sự...
26/02/2012(Xem: 4300)
Thể tánh của đức Phật A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang, là Phật Pháp thân. Giáo lý đại thừa đều chấp nhận rằng Pháp thân bao trùm tất cả thế giới.
17/02/2012(Xem: 8006)
Cuộc đời con người sống chỉ khoảng 80 năm, nhưng loanh quanh, lẩn quẩn trong sự vui buồn, thương ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua, thành bại và được mất. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tham khảo về "Thông điệp cuộc đời". Mỗi người chúng ta có mặt trong cuộc đời này đều sống và gắn bó với nó giống như gắn bó với đau khổ và hạnh phúc vậy. Nhưng bất hạnh thay, hạnh phúc thì ít mà khổ đau lại quá nhiều. Bởi vì sao? Vì chúng ta không biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim thương yêu và hiểu biết.
31/01/2012(Xem: 3184)
Nếu chỉ vì ngũ quan không thể cảm nhận được mà ta quả quyết rằng Niết Bàn là hư vô, là không không, không có gì hết, thì cũng phi lý như người mù kết luận rằng trong đời không có ánh sáng, chỉ vì không bao giờ anh ta thấy ánh sáng. Trong ngụ ngôn "Rùa và Cá" được nhiều người biết, cá chỉ biết có nước nên khi nói với rùa, cá dõng dạc kết luận rằng không có đất, bởi vì có những câu hỏi của cá đều được rùa trả lời là "không". Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mải mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi: "Chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp?" - Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời. - Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
17/01/2012(Xem: 3885)
Hôm nay thể theo lời yêu cầu của chư Tăng Ni tại đây, chúng tôi sẽ thuyết một thời pháp cho tất cả Tăng Ni Phật tử nghe, với đề tài Cội gốc sanh tử và cội gốc Niết-bàn.
27/12/2011(Xem: 3916)
Dựa theo tinh thần Phật giáo, do nhân duyên hòa hợp tất cảnhững nghiệp duyên từ trong những đời quá khứ mà kiến tạo ra con người trong kiếpnầy.
15/12/2011(Xem: 4787)
Nam-Mô A-Di-Đà Phật. Vâng lệnh thầy Trụ trì và thầy Giáo thọ, Minh Tuệ tôi ra thất chia sẻ kinh nghiệm niệm Phật cho Phật tử chùa Tịnh Luật từ năm 2009. Sau hai năm làm Phật sự, tôi nhận thấy Phật tử nắm vững phương pháp hành trì, riêng bản thân tôi bị khựng lại. Do đó tôi ngỏ ý với Phật tử, sẽ vô thất trở lại. Phật tử nói: “Thầy vô thất, chúng con có khó khăn trở ngại đường tu, chúng con biết hỏi ai?”. Tôi trả lời không được. Dù rằng chùa Tịnh Luật còn lắm thầy giỏi hơn tôi nhiều, nhưng mỗi thầy có pháp tu riêng, không ai giống ai, nên có thể giải đáp không thỏa đáng chăng? Phật tử nói tiếp: “Vậy thầy giải đáp sẵn những khó khăn trở ngại, chướng nạn mà chúng con có thể gặp, để chúng con nương theo đó mà hành trì”. Đề nghị này rất có lý, mặc dù đối với khả năng hạn hẹp của tôi, thì đây không phải việc dễ làm. Trước tình thế không thể từ chối, tôi nói: “Vậy thì quý vị đặt những câu hỏi, tập trung lại đưa tôi trả lời”. Đây là lý do quyển “Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp” ra đời.
23/11/2011(Xem: 5450)
Có một lần khi Đấng Thế Tôn ngụ tại thành Xá-vệ (Sâvatthi) thì vào một buổi chiều, đức vua Pasenadi của xứ Kiêu-tát-la (Kosala) thân hành đến viếng thăm Ngài. Vua Pasedani tiến đến gần Đấng Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi sang một bên. Đấng Thế Tôn cất lời hỏi vua Pasedani như sau: - Này đại vương, ngài mới đến đấy à. Thế lúc trưa này ngài ở đâu?
16/11/2011(Xem: 4739)
Nhân quả là một định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan và vũ trụ quan qua liên hệ duyên khởi của cuộc sống con người,mà qua đó nhân quả được coi như là một luật tắc không thể thiếu được khi hình thành một xã hội nhân bản đạo đức.
13/10/2011(Xem: 6221)
Đây là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư một cách chính xác mà không nhầm lẫn với những lời dạy bởi các giáo chủ của các ngoại đạo khác qua: “Các hành là vô thường, các pháp vô ngã và, Niết-bàn tịch tĩnh” cho nên được gọi là ba pháp ấn. Ba phạm trù nội dung nghĩa lý này chúng luôn luôn phù hợp với chân lý cuộc sống qua mọi hiện tượng nhân sinh cùng vũ trụ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]