Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về bài Kinh Kamala

10/06/201407:08(Xem: 8464)
Về bài Kinh Kamala
Buddha_5

VỀ BÀI KINH KALAMA

Tỳ khưu Bodhi - Bình Anson lược dịch




Bài kinh Kalama, trong Tăng Chi bộ, chương Ba Pháp, thường được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về Tự do Trạch vấn". Mặc dù bài kinh bác bỏ các tư duy giáo điều và lòng tin mù quáng, vấn đề ở đây là bài kinh có thật sự mang những ý nghĩa mà người ta thường gán ghép vào đó hay không? Dựa vào một đoạn duy nhất của bài kinh, thường được trích dẫn sai lạc ra ngoài mạch văn, người ta thường nghĩ rằng Đức Phật là một nhà chủ nghĩa thực nghiệm, bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, và Pháp của Ngài chỉ là công cụ của một người tư duy tự do để đạt chân lý, và mời gọi mỗi người chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì theo sở thích của họ.

Thế nhưng, bài kinh Kalama có thật sự biện minh cho quan điểm đó không? Hay chúng ta thấy ở đây chỉ là một tập hợp các dạng thái khác nhau của khuynh hướng trơ trẽn xưa cũ là đánh đồng Giáo Pháp với những gì thích hợp với mình -- hoặc thích hợp với những người đang nghe mình thuyết giảng? Trong giới hạn của bài viết ngắn này, chúng ta hãy đọc lại toàn bộ bài kinh Kalama, và cũng cần nên nhớ rằng để hiểu đúng lời Phật dạy, chúng ta cần phải tìm hiểu ý định của Ngài khi nói ra các lời dạy đó.

*
Đoạn kinh thường được nhiều người trích dẫn như sau:
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."
"Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng. ... Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".
Đoạn kinh này, cũng như những đoạn khác ghi lại trong kinh điển, Đức Phật nói ra trong một ngữ cảnh đặc biệt -- cho thính chúng trong một bối cảnh đặc biệt nào đó -- và vì thế cần phải hiểu trong ngữ cảnh đó. Các người trong bộ tộc Kalama, cư dân của thị trấn Kesaputta, được nhiều vị đạo sư với những quan điểm khác nhau đến viếng thăm, mỗi vị đề cao giáo thuyết của mình và bôi bác giáo thuyết của người khác. Điều này làm cho những người Kalama hoang mang. Khi biết ẩn sĩ Gotama, được ca ngợi là bậc Giác Ngộ, đến viếng thị trấn, họ đến yết kiến Ngài, với hy vọng rằng Ngài sẽ giúp giải tỏa các sự hoang mang, nghi ngờ của họ. Khi đọc tiếp các đoạn sau của bài kinh, chúng ta thấy rõ ràng các vấn đề làm cho họ hoang mang là về sự tái sinh và hậu quả của các hành động thiện và ác.
Đức Phật bắt đầu bằng cách trấn an những người Kalama rằng trong tình huống như thế, họ nghi ngờ hoang mang là đúng, và Ngài khuyến khích họ nên trạch vấn. Tiếp theo, Ngài nói với họ những điều như đã được ghi trong đoạn kinh trích dẫn ở trên, khuyên họ nên từ bỏ những điều họ tự biết rõ là bất thiện, và thực hành những những điều họ tự biết rõ là thiện. Lời khuyên này có thể nguy hiểm cho những ai không có luân lý đạo đức, và chúng ta có thể hiểu rằng ở đây, Đức Phật xem những người Kalama này là những người có đạo đức tốt. Dù thế nào, Ngài cũng không để cho họ tự mình suy diễn, mà Ngài còn khéo léo hỏi họ để cho họ thấy tham sân si đưa đến bất hạnh, khổ đau cho mình và cho người khác, và chúng phải được từ bỏ. Trái lại, tâm vô tham, vô sân, vô si sẽ đưa đến an lạc, hạnh phúc, và vì thế, cần phải được nuôi dưỡng.
Tiếp theo, Đức Phật giảng rằng một “vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si” sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả bao trùm toàn thế giới. Với tâm thanh tịnh, không oán thù, không ác hại như vậy, vị ấy có được “bốn sự an ổn” ngay bây giờ và tại nơi đây: (i) nếu có đời sau và nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ sinh vào cõi thiện lành; (ii) nếu không có đời sau và nếu không có kết quả dị thục, vị ấy vẫn sống tự tại và an lạc tại đây và ngay bây giờ; (iii) nếu có quả xấu trổ ra bởi nghiệp ác, vị ấy không chịu quả xấu; và (iv) nếu quả xấu không trổ bởi nghiệp ác, cũng không ảnh hưởng gì đến vị ấy vì ý nghĩ lẫn hành động của vị ấy đều trong sạch. Sau khi nghe giảng như thế, các người Kalama tỏ lòng tri ân và tán thán Đức Phật, rồi xin Ngài cho phép họ quy y Tam Bảo.
*
Bài kinh Kalama có đề nghị, theo quan điểm của nhiều người, rằng một người Phật tử có thể bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, rằng người ấy chỉ cần dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình như là tiêu chuẩn để đánh giá các lời dạy của Đức Phật và để bác bỏ những gì mà mình không thể dung hợp, hay không? Đúng rằng Đức Phật không đòi hỏi những người Kalama phải chấp nhận những gì Ngài nói vì họ có lòng tin nơi Ngài, nhưng chúng ta cần phải ghi nhận một điểm quan trọng: những người Kalama này, khi bắt đầu bài kinh, chưa phải là đệ tử của Đức Phật. Họ đến gặp Ngài và xem Ngài chỉ như là một vị cố vấn, để nghe những lời khuyên khả dĩ giúp họ xóa tan sự nghi ngờ thắc mắc của họ, nhưng họ chưa xem Ngài là đấng Như Lai, bậc Toàn Giác, là vị có thể chỉ cho họ con đường tâm linh đưa đến giải thoát tối hậu.
Bởi vì các người Kalama không có ý định đến gặp Đức Phật để tìm hiểu sứ mạng hoằng pháp của Ngài, để tìm hiểu con đường giải thoát, cho nên chưa phải là dịp để Đức Phật thuyết giảng về Giáo Pháp cao diệu của Ngài, chẳng hạn như là Tứ Diệu Đế, tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã), và các pháp quán niệm. Giáo Pháp này chỉ giảng đặc biệt cho những ai đã chấp nhận Đức Phật là vị Thầy dẫn đường giải thoát. Trong các bài kinh khác, Ngài chỉ thuyết giảng cho những ai đã có "lòng tín thành nơi Đức Như Lai” và cho những ai đã có đầy đủ phước duyên để thông hiểu và thực hành các lời dạy đó. Những người Kalama này, ngay trong đoạn đầu bài kinh, chưa phải là thửa đất mầu mỡ để Ngài gieo các hạt giống giáo pháp giải thoát. Họ còn đang hoang mang về các lời tuyên bố trái ngược nghe được từ các vị đạo sĩ khác, tâm họ vẫn chưa rõ ràng, ngay cả về nền tảng căn bản của đạo đức.
Vì thế, sau khi khuyên họ không nên tin dựa theo các truyền thống sẵn có, dựa theo lý luận trừu tượng, dựa theo các bậc đạo sư khéo thuyết, Đức Phật trình bày những gì có thể kiểm chứng tức khắc và có khả năng thiết lập một nền tảng vững chắc cho đời sống đạo đức và thanh tịnh tâm hồn. Ngài dạy rằng cho dù có hay không có tái sinh sau khi chết, một đời sống có đạo đức và có lòng từ bi với mọi loài chúng sinh tất nhiên sẽ mang đến phần thưởng quý báu ngay bây giờ và ở nơi đây, đó là sự an bình và hạnh phúc nội tâm, cao quý hơn tất cả các khoái lạc mong manh khi con người vi phạm các nguyên tắc đạo đức và chạy theo lòng tham dục. Cho những ai dù chưa sẵn sàng chấp nhận có đời sau, có đời sống khác sau khi chết, lời dạy như thế sẽ đảm bảo sự an vui hiện tại của họ, và nhờ thế, có khả năng giúp họ tái sinh về cõi thiện lành.
Mặt khác, cho những ai có khả năng hiểu biết và chấp nhận sự hiện hữu của chúng ta qua tái sinh luân hồi, lời dạy của Ngài cho những người Kalama vượt qua các tác động tức thời và chỉ thẳng vào cốt lõi của Giáo Pháp. Ba trạng thái tâm -- tham, sân, si -- được Ngài đem ra thuyết giảng không phải chỉ là căn bản của tà hạnh và uế nhiễm trong tâm. Trong khung giáo lý của Ngài, đó là cội nguồn của lậu hoặc -- là nguyên nhân chính của tất cả mọi ràng buộc và đau khổ -- và toàn thể Giáo Pháp có thể xem như là pháp hành để diệt sạch ba cội rễ ác hại này, bằng cách phát triển toàn hảo ba liều thuốc hóa giải: xả ly, từ bi và trí tuệ.
*
Như thế, bài giảng cho các người Kalama trình bày cách thử nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi Giáo Pháp như là một giáo thuyết khả thi đưa đến giải thoát. Giáo Pháp bắt đầu với một lời dạy có thể chứng nghiệm tức thời, giá trị của lời dạy ấy có thể thấy được bởi bất cứ người nào có đạo đức tốt và thực hành nghiêm túc cho đến kết luận cuối cùng, nghĩa là có thể thấy được: các lậu hoặc trong tâm gây tai hại và đau khổ cho mình và cho xã hội, đoạn trừ lậu hoặc sẽ mang đến an bình và hạnh phúc, và các pháp hành mà Đức Phật đã dạy là những phương cách hiệu quả để đoạn trừ các lậu hoặc đó. Bằng cách tự thử nghiệm lời dạy này, chỉ cần tạm thời đặt lòng tin nơi Đức Phật như hành trang đi đường, cuối cùng rồi ta sẽ có được một sự tin tưởng vững chắc, dựa trên kinh nghiệm thực chứng, nơi uy lực giải thoát và thanh tịnh hóa của Giáo Pháp. Sự tin tưởng nơi lời dạy ấy sẽ mang lại lòng tịnh tín sâu xa nơi Đức Phật là vị Thầy, và từ đó, ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc hành trì mà Ngài truyền giảng để giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến giác ngộ, ngay cả khi chúng vượt ngoài khả năng kiểm chứng của ta. Đây chính là đánh dấu sự khai mở Chánh Kiến, bước đầu tiên của Bát Chánh Đạo.
Một phần vì phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều, một phần vì quỵ lụy vào kiến thức khoa học khách quan, khuynh hướng thời thượng ngày nay là vội vàng suy diễn cho rằng Đức Phật bác bỏ mọi lòng tin và giáo thuyết đã thiết lập, và cho rằng Ngài dạy chúng ta chỉ chấp nhận những gì ta có thể tự kiểm nghiệm, qua bài kinh Kalama. Tuy nhiên, sự suy diễn này không chính xác. Chúng ta đừng quên rằng đây là các lời khuyên của Đức Phật đến những người Kalama khi họ chưa sẵn sàng tin Ngài và Giáo Pháp của Ngài; cũng bởi lẽ ấy, bài kinh đã không đề cập gì đến Chánh Kiến và cả bầu trời tươi sáng khi có được một cái nhìn chân chính. Trái lại, bài kinh chỉ đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất để họ có được một đời sống hiền thiện, khi vấn đề về đức tin tối hậu được tạm thời gác sang một bên.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng lời Đức Phật dạy trong bài kinh bao gồm những gì mà chúng ta có thể tự thực chứng trong kinh nghiệm đời sống hằng ngày; rồi từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để ta đặt niềm tin vào những khía cạnh khác của Giáo Pháp, vượt qua những kinh nghiệm thông thường của ta. Đức tin trong Phật Pháp không bao giờ được xem như là cứu cánh, cũng không đủ bảo đảm để giác ngộ giải thoát, mà chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình thăng hoa chuyển hóa nội tâm để khai mở tuệ quán. Để tuệquán thực hiện được chức năng giải thoát, nó cần phải được khai mở trong bối cảnh nắm bắt chính xác các chân lý trọng yếu về vị trí của chúng ta trong thế gian và về phạm vi của giải thoát. Các chân lý này đã được Đức Phật hoằng truyền từ sự hiểu biết thâm sâu của Ngài về bản chất của con người. Chấp nhận các chân lý đó với lòng tín thành, sau khi xem xét kỹ lưỡng, là đặt bước đầu tiên trên cuộc hành trình chuyển hóa niềm tin thành trí tuệ, sự tín nhiệm thành sự chắc chắn, và đưa đến giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Tỳ khưu Bodhi
(Buddhist Publication Society, Newsletter No. 9, Sri Lanka, 1988)
Bình Anson lược dịch
(Perth, Australia, tháng 7-2006)


Buddha_4


KINH KALAMA
(Tăng Chi III.65)


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Thế Tôn du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama.
Các người Kalama ở Kesaputta được nghe: “Du sĩ Gotama là bậc xuất gia của dòng họ Thích-ca đang du hành trong xứ Kosala, vừa đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp về Ngài Gotama được truyền đi như sau: Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Ngài giảng Pháp cao diệu, rõ ràng, đầy đủ từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài tuyên bố đã chứng đắc đạo quả tối thượng bằng chính tuệ giác của Ngài đến toàn thể thế giới của chư thiên và nhân loại. Ngài có đời sống phạm hạnh hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy”.
Rồi các người Kalama ở Kesaputta đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân thiện với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng ngồi xuống một bên.
* * *
Sau khi ngồi xuống, các người Kalama ở Kesaputta thưa với Thế Tôn:
- Bạch Ngài, có một số du sĩ, Bà-la-môn, đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Lại có một số du sĩ, Bà-la-môn khác đến Kesaputta, họ cũng thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ cũng lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: "Trong những du sĩ, Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?"
- Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân! Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.
Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
* * *
- "Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng."
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê khởi lên trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
- Đem đến đau khổ, bạch Thế Tôn.
- Này quý vị, người nào có tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
- Bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
- Như vậy, này quý vị, hãy ghi nhớ điều Ta vừa nói:
"Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng".
* * *
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê không hiện hữu trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
- Đem đến lợi lạc, bạch Thế Tôn.
- Này quý vị, người nào không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm si, không bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ không sát sinh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy lợi lạc hạnh phúc lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Không có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
- Không bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến lợi lạc hạnh phúc không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".
* * *
- Này quý vị Kalama, vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Từ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Từ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Bi bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Bi cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Hỷ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Hỷ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Xả bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Xả cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
* * *
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:
i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện lành"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc, với tâm không oán thù, không ác hại"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
iii) "Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác, nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó có thể tác động đến ta?”; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
iv) "Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác, cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều ác”; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.
- Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Chánh Pháp rõ ràng bằng nhiều phương cách, như người dựng đứng những gì bị xô ngã xuống, hay phô bày những gì bị che phủ, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong tối để những ai có mắt có thể thấy tường tận. Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Kính xin Ngài nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ; từ bây giờ cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.

(Bình Anson trích dịch, 07-2006)


Tham khảo:
1) "Kinh Kalama", bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Thiện Châu.
2) "Kinh Kalama (Tăng chi bộ)”, bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu.
3) "The Instruction to the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Soma.
4) "To the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/02/2015(Xem: 8487)
Bài viết sau đây được tổng hợp từ kinh sách và từ các bài giảng của chư tăng ni, có mục đích phác họa một bức tranh khái quát với tính liệt kê về năm thừa của Phật giáo giới thiệu đến người sơ cơ học Phật hoặc muốn tìm hiểu về đạo Phật. ‘Thừa’ là sự nương tựa vào, được tượng hình như một cổ xe để giúp chúng ta di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Có cổ xe nhỏ, sức yếu chỉ đưa chúng ta đi gần, vòng quanh ở một nơi nào đó, và cũng có cổ xe lớn, có sức mạnh hơn nên có thể đưa chúng ta đi xa hơn, đến những nơi chốn đẹp đẽ hơn, an lạc hơn.
25/02/2015(Xem: 13960)
Tựa đề bài viết này là bốn chữ trích từ câu thứ nhì trong bài “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” (bài Tâm Kinh, bản dịch của Ngài Huyền Trang, gồm 270 chữ). Nguyên văn câu này là: “Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị .”
25/02/2015(Xem: 5714)
Chủng tử là hạt mầm của đời sống, là nguồn năng lượng đơn vị cấu thành nghiệp lực, là yếu tố sâu kín và căn bản quyết định sự hình thành cái ‘Ta’ (Ngã) và những cái của Ta (Ngã Sở), là nguyên nhân của mọi hoàn cảnh gặp được trong đời, là đầu mối của hạnh phúc và khổ đau trong hiện tại và dẫn dắt vào vị lai, đời này và đời sau. Soi rọi dưới lăng kính Duy Thức Học cùng vòng chuỗi Mười Hai Nhân Duyên (1.Vô Minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh Sắc, 5. Lục Nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão Tử) ta có thể rút ra một số nhận định về tiến trình hình thành chủng tử.
29/01/2015(Xem: 5169)
Lời thưa: Sau bài viết “Những Câu Hỏi Tế Vi”, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi từ trong email của tôi cũng như những comment của các bạn Lý Học Phật, Lưu-tâm-Lực, Jan nguyễn, hưng trần... liên hệ đến đề tài. Nhận thấy nội hàm vấn đề không thể chỉ trả lời năm bảy dòng là xong, nên tôi kính nhờ BBT/TVHS cho chuyển tải bài viết này, xem như trả lời chung chứ không phải riêng cho một câu hỏi nào. Tôi chỉ nói cái gốc của vấn đề chứ không bàn đến cành, nhánh của vấn đề. Và tôi cũng không dám chắc đáp ứng được những thắc mắc của chư vị - nhất là kiến giải “bác lãm” của bạn Lý Học Phật mà tôi “thường không lãnh hội nổi”. Đây chỉ là sự chia sẻ của một người học Phật luôn cảm thấy mình còn phải học mãi, học hoài do sở học chỉ mong như là một hạt bụi được dính chân gót chân của các bậc xuất trần thượng sĩ! Trân kính.
29/01/2015(Xem: 4556)
Hôm nay Tăng Ni, Phật tử về đây để mừng năm mới và tha thiết chúc tụng chúng tôi. Thật ra chúng ta mừng thêm một tuổi hay buồn bớt đi một năm sống ? Lần lượt hết năm này sang năm khác, cứ thế mà chúng ta trải qua mấy mươi năm từ thuở bé cho đến ngày nay. Riêng tôi thì tóc bạc da nhăn rồi, còn quí vị có người tóc đã bắt đầu bạc, cũng có người còn trẻ hơn. Trên con đường sanh tử, có người đi hơn nửa đường, có người đi nửa đường, có người mới đi một phần ba, một phần tư đường, đã đi thì nhất định là phải đến, không ai không đến. Thế nên trong nhà Phật lẽ sanh tử là một việc lớn.
21/01/2015(Xem: 9024)
Nguyên văn emai của một cư sĩ: Con có một thắc mắc bấy lâu không biết hỏi ai, con kính xin Thầy giải thích dùm cho con. Câu hỏi này có liên hệ tới bài kệ cô đọng của Lý Duyên Khởi: "Cái này có, cái kia có Cái này sinh, cái kia sinh Cái này không cái kia không Cái này diệt cái kia diệt" Theo chỗ con hiểu, bài kệ này là công thức rốt ráo tóm tắt sự vận hành của Lý Duyên Khởi. Theo như Thế Tôn nói, nó luôn đúng và cho dù Phật có ra đời hay không có ra đời thì nguyên lý này vẫn đứng vững, không thể nào khác hơn được và không có ngoại lệ.
18/01/2015(Xem: 5219)
Cô công chúa trẻ nhất của lãnh chúa đang du hành từ nhà cô ở Kyoto tới thủ đô ở Edo thì trông thấy một người đàn bà bé nhỏ nằm bên vệ đường. Cô công chúa ra lệnh cho đoàn tùy tùng của mình ngừng lại và đỡ bà già lên, bà này gần chết vì lạnh lẽo và đói khát. Cô công chúa đã cứu sống người đàn bà và khi người khách này của cô đủ mạnh mẽ để có thể tự đi một mình, công chúa tặng cho bà ít tiền và chiếc khăn quàng ấm áp của cô. Người đàn bà biết ơn, trao cho công chúa một gói nhỏ và nói: “Xin nhận cái này.” Công chúa hỏi: “Đây là vật gì thế?” “Một cái gương thần kỳ.” “Cái gì khiến nó thành thần kỳ vậy?”
08/01/2015(Xem: 8301)
Vì luôn khế hợp với chân lý của cuộc đời, nên giáo pháp của Đức Phật cũng như một bánh xe có thể chuyển vận hướng về phía trước, di chuyển, lan tỏa đến nhiều xứ sở...
26/12/2014(Xem: 6720)
Đức Phật dạy rằng nếu đem Đạo Pháp của Ngài đặt vào con tim của một người bình dị thì nhất định là nó sẽ bị biến dạng (saddhamma-patirupa; sad có nghĩa là đúng đắn, dhamma có nghĩa là Đạo Pháp, patipura có nghĩa là lệch lạc, do đó có thể hiểu các chữ saddhamman-patirupa là "Đạo Pháp đúng đắn không bị lệch lạc" hay bóp méo). Trái lại nếu đặt nó vào con tim của một Người Cao Quý (Kalyanamitta) (Kalyanamitta là một từ ghép; kalyana: đạo đức, nhân ái; mitta: bạn hữu, do đó có thể hiểu từ ghép này là "một người bạn đạo hạnh" hay một "người đồng hành đạo đức". Kinh sách bằng các ngôn ngữ Tây Phương thường dịch là Être Noble/Noble One. Kinh sách gốc Hán ngữ dịch là thiện trí thức/shàn zhīshì 善知識, thiết nghĩ cách dịch này không được thích nghi lắm bởi vì ngày nay rất khó hình dung ra những người "thiện trí thức" là những thành phần nào trong xã hội) thì nó sẽ trở nên tinh khiết, và sẽ không bao giờ phai mờ hay u tối.
11/12/2014(Xem: 5768)
Một thời là chữ bắt đầu của kinh Phật: “Một thời Phật tại nước Xá-vệ..”, “Một thời Phật tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ-xà-quật…” (tạng Hán Bắc tông). “Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường…”, “Một thời Thế Tôn đang ở thành…”(tạng Pali Nam tông).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567