Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhẫn nhục

02/06/201404:54(Xem: 5656)
Nhẫn nhục
lotus_57


NHẪN NHỤC


Ni Sư Hạnh Huệ
 

Đại sư ViveKananda trong quyển Nhất Nguyên Thế Giới, có nói: “Mọi người chúng ta đến thế gian này để tranh đấu như trên bãi chiến trường. Chúng ta đến đây với những giọt nước mắt để hết sức mở một con đường, để rẽ sóng mà đi trên biển đời vô tận. Chúng ta tiến lên với những thế kỷ dài dặc ở đằng sau và khoảng mênh mông ở đằng trước. Và chúng ta cứ đi như thế cho tới cái chết đến đưa ta ra khỏi chiến trường này dù thành công hay thất bại”.

Đại sư cũng đã dẫn lời của một thi sĩ người Anh từng nói: “Chúng ta cưỡi những đám mây vàng mà đến trên thế gian này”. Nghe qua thì rất là thơ mộng nhưng thật sự chúng ta đến thế gian này là để tranh đấu. Bởi vì thực tế cuộc sống thì không phải đều tốt đẹp, dễ dàng như các thi sĩ diễn tả mà tất cả chúng ta khi sống đều phải gồng mình để hứng chịu mọi thứ. Vì thế, mọi người thường bảo sống là tranh đấu; sống là tổn thương. Sở dĩ chúng ta có cái nhìn đau khổ về thế gian này như vậy là vì sinh tồn, vì những mục đích khác nhau mà chúng ta phải tranh đấu để xác định cho được bản ngã của mình. Freud có nói: “Con người có bản năng gây hấn”. 

Thật vậy, nếu nhìn kỹ, ngay cả trong gia đình, cha mẹ đối với con cái hoặc con cái đối với cha mẹ, không phải lúc nào cũng có sự thông cảm hay dùng những lời lẽ êm dịu với nhau. Ở ngoài xã hội cũng vậy, thường chúng ta ít khi chịu nhường nhịn bất cứ ai, vì mỗi người đều cần phải có chỗ để đứng. Ai cũng muốn những người xung quanh phải ý thức được sự có mặt của mình, cho nên ai cũng muốn mình phải tiến lên phía trước, rồi từ đó lại nảy sinh ra những nhu cầu về danh lợi, quyền lực... 

Cách ngôn có câu: “Chúng ta vì danh lợi mà xô nhau đến. Và chúng ta cũng vì danh lợi mà đẩy nhau đi”. Chỗ nào có địa vị, có danh vọng thì chỗ đó có nhiều người tìm tới. Nhưng vì số địa vị, danh vọng đó quá ít ỏi, trong khi số người tìm đến lại quá nhiều cho nên mỗi người lại phải tranh đấu để giành được chỗ mình muốn. Và kết thúc những cuộc tranh đấu, giành giật, xâm lấn, tấn công đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ thù hận, sân giận, đau khổ, chết chóc… Để rồi cuối cùng, chúng ta phải nghĩ đến hòa bình, mong muốn hòa bình, thích sống hòa bình, trân trọng hòa bình và chúng ta muốn sống hạnh phúc, muốn có tình huynh đệ, muốn thế giới đại đồng, muốn có một thiên đường nơi hạ giới... 

Nhưng thật ra, đó sẽ vẫn chỉ là ước muốn, nếu như mầm mống “chiến tranh” vẫn còn nằm ngay trong tâm thức mỗi người chúng ta. Hiện tại, nhân loại tiến bộ quá nhiều về mọi mặt, nhưng chiến tranh vẫn không ngừng, không dứt trên thế giới này. Giữa mơ ước và thực tại có một khoảng cách khá xa. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường để có thể sống bình an, hòa bình. Và Nhẫn nhục – Nhẫn nhục Ba-la-mật là một trong những con đường ấy.

Nhẫn nhục là sự nhịn nhục, là chịu thua, là nhường nhịn, là hạ mình... Làm sao chúng ta có thể an lạc bằng cách quá tiêu cực và yếu đuối thế chứ? Thường thì người ta phải nhường, phải thua vì nhiều lý do: Thứ nhất, đó là do sợ hãi. Vì sợ hãi, không dám chống cự nên mình phải nhịn. Chẳng hạn như thời xưa, dân đen thấp cổ bé miệng, yếu thế hơn không dám chống trả lại bọn cường hào ác bá, cho nên buộc lòng câm nín, chịu đựng tất cả những áp bức, bóc lột. Thứ hai, nhịn nhục là vì mình có cái tâm nịnh nọt để cầu lợi. Thứ ba, nhịn nhục để đạt được cái lợi riêng của mình. Cái này người ta còn gọi là “cố đấm ăn xôi”. Thứ tư, nhịn nhục là vì sinh kế, để có miếng cơm, manh áo thì phải chịu ép mình, chịu thua, chịu thiệt. Ở trường hợp này, có những người khi không còn chịu đựng nổi thì lại đâm ra chán đời, hận đời.

Thứ năm, nhịn nhục để chờ đợi thời cơ. Các nhà Nho ngày xưa có câu: “Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất”. Có nghĩa là: Khi giàu có không nên dâm dật. Khi nghèo khó chớ nên đổi chí. Gặp sức mạnh không nên khuất phục. Đây là câu nói để khuyên dạy con người nên có một tính cách cứng cỏi, có lập trường. Bên cạnh đó, các nhà Nho cũng không tiếc lời ca tụng những người khéo léo, biết dùng nhu nhược để thắng cương cường. Vì một mục đích cao cả nào đó mà người ta phải nhẫn nhục để chờ đợi thời cơ, khi hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép mình vươn lên. Như vậy ở đây, nhẫn nhục cốt là để thắng chứ không phải vì chịu thua, chịu lép vế. 

Ví dụ như khi Hàn Tín phải chui qua chân của một tên vô lại ngoài chợ, mọi người đã cười chê, cho rằng ông không có chí khí để làm lớn nhưng ông vẫn làm thinh, ẩn nhẫn. Về sau, khi công thành danh toại, ông cho người gọi tên vô lại đó về làm lính dưới trướng của mình, nói rằng nhờ tên đó mà ông mới có được ngày hôm nay. Hay như chuyện Việt Câu Tiễn khi bị bắt làm tù binh, để gây tạo lòng tin nơi Ngô Phù Sai, Câu Tiễn đã phải nếm phân để đoán bệnh cho vua. Đó là cái thu mình của những con hổ chờ mồi. Và rõ ràng, sau khi được Ngô Phù Sai tha về nước Việt, thì ngay lập tức, Câu Tiễn đã bắt tay vào việc chiêu binh để trả thù. 

Hoặc như ông Gandhi – nguyên thủ của Ấn Độ đã chủ trương chống người Anh bằng cuộc chiến “bất bạo động”. Nếu như Alexandre Đại đế, Napoleon, Thành Cát Tư Hãn... chiến thắng trên vó ngựa, được xem là những vị anh hùng thì riêng ông Gandhi, sau khi quân Anh rút khỏi Ấn Độ, người ta đã tôn vinh ông là Thánh – Thánh Gandhi. Bởi cái thắng của ông là xuất phát từ sự nhẫn nhịn bất bạo động của mình.

Thứ sáu, nhịn nhục vì hy sinh cho lợi ích chung to lớn chứ không phải vì tư lợi cho mình. Như trường hợp của ông Lạn Tương Như – một quan văn và Liêm Pha – một đại tướng của nước Triệu. Bằng tài thương thuyết, Lạn Tương Như đã tạo được mối giao hòa giữa hai nước Tần và Triệu. Vua Triệu phong chức Thừa tướng cho ông, cao hơn chức của Liêm Pha. Liêm Pha nghĩ rằng, ông là một đại tướng đã vào sanh ra tử trên chiến trường để ổn định quốc gia, công lao hãn mã rất nhiều. Trong khi Lạn Tương Như chỉ nói có vài lời mà được làm quan cao hơn mình. Ông rất bất mãn, bèn quyết tâm hạ nhục Lạn Tương Như. 

Lạn Tương Như biết được điều này nên thường xuyên tránh mặt Liêm Pha. Những thuộc hạ của ông thấy vậy không bằng lòng, cho rằng uy vũ như vua Tần, ông còn không chịu nhục, sao nay lại né mặt Liêm Pha. Lạn Tương Như nghe vậy liền nói: “Như các ông đã nói, vua Tần mà ta đây còn không sợ, thì sao lại sợ Liêm tướng quân. Nhưng bởi vì nước Triệu chỉ còn có ta và Liêm tướng quân làm nơi nương tựa cho tất cả mọi người, nếu ta làm khác, thì kẻ thù sẽ nhân cơ hội này mà lũng đoạn nước Triệu. Ta vì nghĩ đến tương lai của nước Triệu mà nhường Liêm tướng quân chứ không phải vì sợ”. Câu nói này của Lạn Tương Như lọt đến tai Liêm Pha, Liêm Pha cảm thấy rất hối hận, bèn tự trói mình, đến nhà Lạn Tương Như để tạ lỗi, chỉ vì một chút danh tiếng hão huyền mà suýt chút nữa đã làm hỏng việc lớn. Cái nhẫn của Lạn Tương Như là cái nhẫn của người thức thời.


Thứ bảy, nhịn nhục biểu lộ những tư cách hơn người. Vì những người có bản lãnh là những người điềm tĩnh, có suy nghĩ chín chắn chứ không nóng nảy hay hành động nhất thời, bộp chộp. Như chuyện của Trương Lương ba lần nhặt giày cho Huỳnh Thạch Công, cũng như ráng đến sớm để gặp ông ta mà bị đuổi về, đến lần thứ ba mới được trao cho quyển binh pháp. Đó là những tấm gương ẩn nhẫn của người xưa.

Chúng ta sân giận vì bị trái ý, chúng ta cho rằng người khác đang nói xấu, nghĩ xấu về mình; người khác đang làm hại những người chúng ta thương yêu và làm lợi ích cho những kẻ thù của chúng ta... Pascal nói “Hành động trong lúc phẫn nộ không khác gì giương buồm ra khơi lúc trời giông tố”. 

Phật dạy “Hiềm hận được nhiếp phục khi nghĩ rằng: ‘Nó đã, đang và sẽ làm hại ta; nó đã, đang và sẽ làm hại người ta yêu; nó đã, đang và sẽ làm lợi cho người ta không yêu. Nhưng lợi ích từ đâu đến.’ Khi nghĩ như vậy thì hiềm hận sẽ không còn lý do tồn tại”. Để chiến thắng được những hiềm hận, sân giận, mỗi khi tâm sân nổi lên, chúng ta hãy suy nghĩ lại xem nếu cứ để những tư tưởng trên ở trong đầu thì chúng ta sẽ được lợi ích gì hay chỉ toàn là những phiền não? Và chỉ cần bỏ qua thì tất cả mọi hiềm hận sẽ được tiêu diệt.

Tất cả những sự nhẫn nhục nêu trên, có thể tạm gọi là sự nhẫn nhục của thế gian. Nhưng còn một loại nhẫn nhục dành cho những người quay lại với chính mình. Thứ nhất, chúng ta nhẫn nhục vì chúng ta thấy rõ được chân lý là sống mà cứ xung đột với người khác thì xung đột không bao giờ dứt. Kinh Pháp Cú nói, chỉ có từ bi mới xóa bỏ hận thù, chứ không bao giờ hận thù có thể trả được hận thù. Vì nếu “lấy oán báo oán” thì oán ngày càng thêm tiếp nối, chứ không thể dứt được. 

Trong kinh Bổn Sanh có kể chuyện vua Trường Thọ nhường nước cho kẻ địch vì sợ nếu để chiến tranh xảy ra thì sinh linh bị đồ thán. Ông vào ẩn trong rừng sâu cùng vợ con. Sau vì chiều ý vợ, muốn được sanh con giữa sự diễu hành của binh mã triều đình. Ông đưa vợ về kinh đô và bị phát hiện. Vua kia bắt được ông và định ngày xử trảm. Ông dặn con đừng trả thù. Con ông tìm cách thân cận vua và có cơ hội trả thù cho cha, nhưng sau ba lần rút kiếm, chàng bỏ ý định trả thù vì nhớ lời cha dặn. Vua trả lại ngôi cho chàng. Chàng nói lý do không giết vua như sau:

“Nếu như tôi là con vua Trường Thọ vì muốn báo thù cho cha mà tôi giết bệ hạ, thì con của bệ hạ sẽ vì báo thù cho bệ hạ mà giết tôi. Rồi quần thần, những người trung thành với tôi sẽ vì tôi mà giết con bệ hạ. Rồi những người thân tín của con bệ hạ sẽ vì con bệ hạ mà giết những kẻ thân tín với tôi. Như vậy thì mối thù đó không bao giờ chấm dứt. Còn nếu như tôi dứt ngang tại đây thì tất cả oán thù đều tiêu tan mà không phải đổ thêm xương máu.”

Nếu chúng ta biết sợ sự luân hồi đời đời kiếp kiếp giữa những vay trả oán thù thì chúng ta nên giải quyết mọi việc bằng sự nhẫn nhịn, ôn hòa. Có như vậy thì mọi oan trái, thù hận mới tiêu tan, thậm chí, có khi còn biến những hận thù thành yêu thương, bè bạn với nhau.

 Nhẫn nhẫn nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.
 Nhiêu nhiêu nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu.
 Mặc mặc mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc.
 Hưu hưu hưu, cái thế công danh bất tự do.

Tạm dịch:

 Nhịn nhịn nhịn, trái chủ oan gia từ đây dứt.
 Nhường nhường nhường, ngàn vạn tai họa cũng đều tiêu.
 Nín nín nín, vô số cảnh giới thần tiên do đây được.
 Thôi thôi thôi, công danh trùm thế gian cũng chẳng tự do.

Một gia đình năm đời cùng sống chung với nhau. Làng xóm đều ca tụng đại gia đình ấy sống hòa thuận. Chuyện đến tai vua, vua liền ban chiếu khen tặng. Và khi được hỏi bí quyết nào để mọi người có thể sống chung với nhau hòa hợp như vậy thì một người trong gia đình đã lấy giấy và viết vào đó 100 chữ “Nhẫn”. Thế đó, chỉ cần biết nhường nhịn nhau thì bao nhiêu người cũng có thể sống với nhau được. Còn nếu như không biết nhẫn, thì chỉ có hai vợ chồng thôi cũng không thể êm ấm được. Đã có rất nhiều cặp vợ chồng ly dị chỉ vì tư tưởng bất đồng.

Thứ hai, chúng ta nhẫn là do lòng từ bi. Có một vị Hòa thượng vào một nhà nọ khất thực. Chủ nhà là thợ kim hoàn đang ngồi gắn một viên ngọc vào mão của vua. Thấy Hòa thượng, ông chủ rất mừng liền thỉnh vào nhà ngồi nghỉ để ông ra sau nhà lấy vật thực cúng dường. Lúc đó, một con ngỗng đi ngang qua, nó thấy viên ngọc để trên bàn tưởng là có thể ăn được cho nên mổ lấy và nuốt vào bụng. Ông chủ đi ra thấy mất viên ngọc, nhìn xung quanh không thấy ai ngoài Hòa thượng. Ông đoan chắc rằng vị Hòa thượng ấy đã lấy cắp viên ngọc nên yêu cầu Hòa thượng trả lại cho mình. Hòa thượng lại ấm ớ bảo rằng: “Thí chủ tâu với vua cho Hòa thượng xin thì chắc nhà vua cũng không nỡ nào bắt lỗi thí chủ”. 

Chủ nhà sau khi năn nỉ mấy lần mà Hòa thượng vẫn cứ nói như vậy, ông tức mình không thể nhẫn được nữa, bèn lấy gậy ra đánh Hòa thượng đổ máu. Thấy máu đổ, con ngỗng bèn chạy đến uống. Đang cơn nóng giận, chủ nhà bèn phang luôn một gậy, ngỗng ngã lăn ra chết . Lúc đó, Hòa thượng mới nói: “Ta ráng chịu đau, chịu khổ như thế này để cứu con ngỗng đó mà bây giờ thí chủ lại đập nó chết rồi.” Nghe vậy, chủ nhà rất ngạc nhiên liền hỏi: “Tại sao Hòa thượng lại nói như vậy?” Hòa thượng trả lời: “Chính con ngỗng này hồi nãy mổ viên ngọc, nhưng vì sợ nói ra thí chủ sẽ mổ bụng nó để lấy viên ngọc, thành thử đành phải chịu trận. Ai dè giờ nó cũng chết”. Chủ nhà nghe xong, liền mổ bụng con ngỗng lấy viên ngọc ra, rồi quỳ xuống xin lỗi Hòa thượng: “Giá mà Hòa thượng đừng nhẫn chịu cứ nói ra sự thật thì đâu đến nỗi tôi phải xúc phạm đến ngài”. Hòa thượng bảo: “Tôi không thể nào nói để hại tính mạng người khác còn mình thì được yên thân”.

Ngài Bạch Ẩn cũng đã phải chịu bao oan ức, tiếng đời gièm pha để nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi. Đó cũng là một điển hình cho sự nhẫn nhục vì lòng từ bi. Còn đây là lá thư của một vị linh mục đã cầu nguyện trong suốt ba mươi năm, được một tờ báo dịch sang tiếng Việt “Lạy Cha, vì danh Cha, xin ban cho con chỉ có một đau khổ là làm cho người khác đau khổ, chỉ có một niềm vui là góp phần làm cho người khác hạnh phúc để anh em con được hạnh phúc hơn. 

Xin cha ban cho con một tâm hồn mềm mại để con thà chấp nhận yếu đuối mà không tự bào chữa còn hơn làm cho người khác buồn lòng hay chán nản. Xin cha ban cho con một tâm hồn ngay thẳng để con đừng bao giờ nghĩ xấu về điều người khác làm cho con phiền lòng. Xin cha ban cho con một tâm hồn đơn sơ để con đừng trở thành gánh nặng cho những người chung quanh. Xin cha ban cho con một trái tim nhiệt thành luôn mở ra đón nhận những ai có thể ghét con, phân bì hay cạnh tranh con. Xin cha ban cho con một trái tim khiêm nhượng để con đừng cứng cỏi trước những lời chỉ trích, những thái độ giả dối, những lời phê phán độc ác và vội vàng. 

Xin cha ban cho con một tâm hồn quảng đại để con biết chịu đựng những cử chỉ hẹp hòi và ích kỷ. Xin cha ban cho con một ý chí vững vàng để con biết kiên nhẫn cho dù mệt mỏi ngay cả khi bị đối xử bạc bẽo. Xin cha ban cho con một ý chí tỏa rạng, để chung quanh con không ai nản lòng và thất vọng. Xin cha ban cho con đừng bao giờ xét đoán khi không có bằng chứng và biết xét đoán với lòng nhân hậu. Xin cha ban cho con đừng bao giờ tin lời người ta nói xấu nhau và nhất là đừng bao giờ lặp lại lời đó với người khác. Xin cha ban cho con biết lắng nghe, biết đoán ý, biết tha thứ để anh em con được hạnh phúc hơn”.


Khi tu, chúng ta cũng không thể thoát khỏi sự gièm pha, châm chích độc ác của người khác. Cho nên nếu không có tấm lòng quảng đại để chịu đựng được những lời lẽ cay độc, chúng ta sẽ phẫn hận trong lòng hoặc sẽ phản công lại bằng những lời độc địa không kém. Vì vậy, chỉ có tình thương đối với con người và ý thức được sứ mạng của mình thì những người tu hành mới có thể chịu đựng được. Người nào nhẫn nhục càng nhiều thì sức mạnh tinh thần người đó càng lớn.

Thứ ba, nhẫn nhục là vì muốn độ người khác. Phật giáo có vô số những hình ảnh nhẫn nhục này. Điển hình là ngài Xá Lợi Phất – ngài là một bậc nhẫn nhục đặc biệt. Trong hàng ngũ các đệ tử của Phật thì ngài Xá Lợi Phất được xem là trí tuệ đệ nhất. Nghe thiên hạ còn ca tụng ngài là một người nhẫn nhục hiếm có, ngài không bao giờ lớn tiếng với bất cứ ai và luôn hòa thuận với các huynh đệ. Một ông Bà-la-môn không tin vào điều đó và quyết định sẽ thử ngài. Một hôm, khi ngài đi khất thực, ông Bà-la-môn đi sau chửi rủa mọi điều, Xá Lợi Phất vẫn im lặng đi. Tức giận, Bà-la-môn bèn đấm vào lưng của ngài một đấm. Giật mình, ngài hỏi: “Cái gì vậy?” Ngài đứng lại một chút rồi đi tiếp, không hề nhìn lại xem ai đã đấm mình. Ông Bà-la-môn chạy lên phía trước xin sám hối và rước ngài về nhà mình thọ thực.

Hôm khác, ngài tìm cách độ một vị trưởng giả rất keo kiệt, bỏn xẻn, không bao giờ bố thí cho bất cứ ai. Ngài bèn đi đến nhà ông khất thực. Mặc dù đang ăn nhưng ông vẫn thản nhiên không đếm xỉa đến. Ngài kiên trì ôm bình bát đứng hoài. Ăn xong, thấy ngài Xá Lợi Phất vẫn đứng đó, ông ta súc miệng xong rồi nhổ vào bình bát của Ngài. Ngài Xá Lợi Phất liền đậy bình bát lại, cám ơn và chúc phúc cho lão trưởng giả rồi đi. Vị trưởng giả hết sức ngạc nhiên, ông nghĩ bụng không biết rằng ngài Xá Lợi Phất có đi nói xấu mình không, nên đi theo ngài. Ông thấy ngài Xá Lợi Phất bưng bình bát về hương thất của đức Phật và bạch Phật rằng: “Hôm nay, con đến nhà trưởng giả kia khất thực, ông ấy không cho nhưng có nhổ một ít nước bọt vào bình bát con. Con xin đức Thế Tôn vì lòng từ cho con rải những giọt nước này trên đường đức Thế Tôn đi kinh hành và xin chúc phúc cho vị trưởng giả đó”. Đức Phật đồng ý chú nguyện cho vị trưởng giả ấy được nhẹ phiền não, hướng về Bồ-đề... Chứng kiến những việc ấy, vị trưởng giả hết sức cảm động và từ đó bèn thay đổi thái độ, quy kính Tam Bảo.

Vì muốn độ người khác mà phải nhẫn những cái khó nhẫn như vậy.
Còn một cấp độ khác là nhẫn nhục Ba-la-mật – nhẫn nhục đáo bỉ ngạn. Nhẫn nhục ở đây là vì mục đích giải thoát. Phật tử học đạo cần phải hiểu rõ đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo dạy chúng ta ăn hiền ở lành hay làm lành lánh dữ theo luân lý thông thường trong cuộc sống mà thôi. Hằng ngày, khi tụng kinh, chúng ta thường nghe đọc:

 Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
 Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
 Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
 Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.

 Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
 Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp
 Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
 Nguyện hiểu nghĩa chơn đức Thế Tôn.

Chỗ rốt ráo của đạo chính là hiểu cho được nghĩa chơn thật của Như Lai. Như Lai ở đây không có nghĩa là một vị thần linh, có thể ban phước, giáng họa cho bất cứ ai mà Như Lai chính là Phật tánh sẵn có trong mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Vì thế, chúng ta cần phải tìm mọi cách để Phật tánh hiển lộ trọn vẹn. Nhưng mục đích này nếu không có người chỉ dẫn thì tự mình không thể thấy được. Vì vậy, chúng ta cần phải nương theo lời chỉ dạy của chư Phật, chư Tổ là những bậc giác ngộ. Chúng ta phải hết lòng, phải tha thiết lắm, họa may mới hiểu chút ít nào đó. Chứ không phải chỉ nghe chút chút mà có thể thấu hiểu được. Từ lúc phế bỏ hết những hình sắc tốt đẹp ở ngoài đời, những sự nghiệp thế gian để bước chân vào đời tu, ai cũng mong tiến được tới chỗ rốt ráo này. 

Nhưng rõ ràng, đấy không phải là chuyện dễ dàng. Người xuất gia không phải là người mà tướng văn, tướng võ có thể làm được, mà phải là người có chí xuất trần hay còn gọi là xung thiên chí (chí chọc trời). Vì thế, khi mới vào chùa, chúng ta bị thử thách rất nhiều để xem ý chí và lập trường của mình có vững chắc hay không. Và một trong những yếu tố quan trọng là phải dẹp trừ bản ngã. Phật tánh là “duy ngã độc tôn”, còn bản ngã mà chúng ta thường chấp chặt cho đó là mình, thật ra chỉ là giả tạo. Phải bỏ được cái ngã đó thì mới nhận chân được mình.

Ngài Phù Sơn Pháp Viễn đi với bảy mươi người đến gặp Hòa thượng Quy Tĩnh để hỏi đạo. Đến cửa Tam quan đã không cho vào mà còn chửi mắng là “Tăng châu huyện,” không có tâm tu hành. Ở đây, không có cơm thừa canh cặn để nuôi. Bị đuổi như vậy, nhưng những người này vẫn không chịu đi. Sau bị tạt nước rồi tung tro. Đám đông nổi giận rút lui hết, chỉ còn lại ngài Phù Sơn Pháp Viễn và Thiên Y Nghĩa Hoài. Lúc đó, Hòa thượng Quy Tĩnh mới hỏi:
- Tại sao lại không chịu đi?

Ngài Phù Sơn Pháp Viễn thưa: - Con nghe đạo danh của Ngài đã lâu cho nên mới lặn lội từ xa tới đây để học đạo thì sá gì một muỗng tro, muỗng nước mà bỏ đi. Hòa thượng Quy Tĩnh nghe vậy gật đầu chấp thuận rồi yêu cầu ngài Pháp Viễn sung chức Điển tọa, còn ngài Nghĩa Hoài được cho nhập chúng tu học bình thường. Một hôm, Hòa thượng Quy Tĩnh đi vắng, chúng xin Điển tọa cho ăn cháo nêm. Khi dọn ra quả đường thì Hòa thượng về đến. Ngài cũng vào ăn, rồi hỏi, hôm nay có ai cúng dường hoặc giỗ chạp gì mà lại nấu cháo nêm? Mọi người trong chúng hoảng quá liền thưa rằng Điển tọa bảo nấu. Hòa thượng liền cho gọi Điển tọa lên. Điển tọa thưa:
- Vì thấy chúng ăn uống khổ cực quá cho nên mới nấu một bữa cháo nêm.

Hòa thượng Quy Tĩnh bèn nói:- Khi nào ông làm trụ trì thì ông muốn cho chúng ăn gì tùy ý. Còn bây giờ, ông không có quyền lấy tiền của bá tánh thập phương để lấy lòng đại chúng. Sau đó, Hòa thượng bắt ngài Pháp Viễn đem y áo của mình ra bán đền tiền nồi cháo rồi đuổi ra khỏi chùa. Ngài Pháp Viễn xin sám hối không được. Ngài nhờ các bậc tôn túc ở lân cận xin giùm. Hòa thượng nạt: “Ông đưa các lão Hòa thượng đến để làm áp lực với ta phải không?” Rồi đuổi đi ngay. Ngài Pháp Viễn đành phải ra đi, chỉ xin Hòa thượng mỗi lần giảng pháp cho ngài được vào nghe. Hòa thượng đồng ý.

Nhẫn chịu nghiệp cũ
không tạo nghiệp mới.
Có như vậy, chúng ta mới
thực sự làm chủ chính ta

NS. Hạnh Huệ
(Thiền Viện Viên Chiếu)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2013(Xem: 32384)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
07/12/2013(Xem: 22281)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
05/12/2013(Xem: 4686)
Nếu không phân biệt thiện-ác, thì làm sao mà hành thiện? Nhưng nếu phân biệt thiện-ác, thì còn vướng mắc vào cái nhìn thiển cận, méo mó, sai lạc của nhị biên, còn chưa thấy được cái Không của sự vật…
03/12/2013(Xem: 58573)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23918)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19509)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
16/11/2013(Xem: 27717)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
06/11/2013(Xem: 3886)
Chỉ dạy chúng sanh tu hành thành Phật là bản hoài của chư Phật. Song vì trình độ khả năng sai biệt của chúng sanh, không thể đồng tu theo một môn và đồng kết quả như nhau được, bất đắc dĩ Phật phải dạy nhiều phương pháp tu khác nhau. Trong đó đại khái chia làm hai loại: tu còn luân hồi, tu ra khỏi luân hồi (giải thoát).
06/11/2013(Xem: 18299)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
24/10/2013(Xem: 3944)
Nếu bảo rằng vì ngôn tự âm thanh đều vô thường nên không muốn đọc, không muốn nghe, thì chẳng khác nào đà điểu vùi đầu vào cát (để tránh hiểm nguy, hay trốn chạy thực tế?). Che mắt, bịt tai, từ ngàn xưa, vốn không phải là hành vi và thái độ của người trí. Người trí là người luôn mở mắt lắng tai để thấy, để nghe, để nắm bắt thực tại. Từ hàng thứ dân cho đến kẻ lãnh đạo (chính quyền, đảng phái, tôn giáo, tổ chức xã hội/dân sự, cơ quan truyền thông…), đều phải mở mắt, lắng tai, mới mong hiểu được sự thực.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]