Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạt chuỗi mộng...

12/02/201408:48(Xem: 7453)
Hạt chuỗi mộng...

xau chuoi
HẠT CHUỖI MỘNG

NGÀY QUA MẤT

NGHIỆP THIỆN ÁC CÒN

HT Thích Thanh Từ

Chúng tôi thường nói với quí vị mỗi một ngày qua là lần đi một hạt chuỗi, rồi ngày khác tới là lần đi một hạt chuỗi. Như vậy hôm nay là cuối năm Ất Mão, chúng ta đã lần được bao nhiêu hạt chuỗi rồi? Đã lần hết ba trăm năm mươi mấy hạt. Vì có tháng thiếu nên không đủ ba trăm sáu mươi mà chỉ có ba trăm năm mươi mấy hạt chuỗi. Quí vị thấy mấy hạt chuỗi lần qua rồi, nó còn hay không? Tất cả quí vị nhớ ôn lại xem, từ đầu năm chúng ta đón giao thừa, lễ Phật ngày mồng một Tết. Giờ đây đón giao thừa nữa, như ba trăm năm mươi mấy ngày qua kiểm điểm lại đối với chúng ta nó còn hay không? Tất cả những ai muốn ôn lại thì chỉ còn nhớ mang máng ở trong ký ức của mình, chớ thực tế thì không còn, chỉ thấy hiện giờ. Mà bao nhiêu ngày qua rồi mất như vậy, tất cả qua rồi mất hay còn cái gì ?

Tuy nhiên ngày qua chúng ta tìm lại không được, chẳng khác những hạt chuỗi mộng chúng ta lần qua rồi mất không còn tìm lại được hạt nào, nhưng mà trong ba trăm năm mươi mấy ngày qua chúng ta đã gây những hận thù, đã vay nợ tiền bạc của những kẻ khác. Đến ngày chót của một năm và ngày mai sang năm mới, những oán thù đó, tiền bạc của cải ta vay mượn đó có phải trả hay không? Tuy mấy trăm ngày qua chúng ta tìm lại không được, nhưng những cái gì chúng ta đã tạo, hoặc là vay mượn tiền bạc của cải hoặc là gây oán thù với kẻ này người nọ, sang năm những cái đó có mất chưa? Hay là người ta sẽ đem hận khác trả lại cho mình? Như vậy chúng ta thấy nếu một năm qua, ngày tháng trôi qua nó không dừng lại, nhưng những cái vay mượn, cái hận thù, chúng ta đã gây thì năm mới khó mà mất. Hoặc ngược lại, nếu một năm qua chúng ta đã cho người vay mượn hoặc chúng ta gieo công đức với những người chung quanh, sang năm tới, những người đó có trả hay là quên ân đức chúng ta đã gieo? Chắc chắn không quên. Như vậy quí vị thấy mỗi ngày qua rồi mất, nhưng nghiệp chúng ta đã tạo hoặc thiện hoặc ác chưa mất hẳn. Đó là nhìn ngay hiện tại thực tế cuộc sống sanh diệt của chúng ta. Thời gian trôi qua không dừng, nhưng việc thiện ác gây ra rồi cũng khó mà mất.

Người Phật tử sơ cơ tu hành, phải nghĩ đến ngày qua không tìm lại được, nhưng những việc lành việc dữ ngày đó không mất. Dù có trải qua mười năm, hai ba mươi năm rồi năm bảy mươi năm đến ngày chúng ta ra đi, tức là cái phút chót bỏ thân tiền ấm sang thân trung ấm tới thân hậu ấm, nghiệp thiện ác vẫn còn. Nếu kiểm điểm lại năm bảy mươi năm đã sống, thời gian trôi qua không tìm lại được. Khi chúng ta sắp hấp hối bỏ thân này để sang thân khác, giờ phút ấy cũng như đêm giao thừa này, tất cả những việc thiện ác đã tạo trong một đời không phải là tiêu hẳn. Nếu là việc dữ sẽ hướng dẫn chúng ta sang đời khác chịu đau khổ. Vì chúng sanh đang gây nghiệp nên Phật luôn nhắc nhở và khuyên chúng ta thức tỉnh làm những việc lành. Dù đời này có khổ mà biết tạo nghiệp lành thì đời sau được an vui. Đó là phương hướng của người còn đi trong luân hồi.

Chúng ta còn đi trong luân hồi thì nên chọn con đường luân hồi thiện tức là đi lên chớ đừng chọn luân hồi ác để rồi phải đi xuống. Cũng như hiện tại chúng ta phải dời chỗ ở, nên dời chỗ có tiện nghi, có đầy đủ phương tiện sanh sống dễ dàng, chớ không nên tìm chỗ khổ đau đói rét v.v... đó là chúng ta khôn ngoan biết lựa chọn, sắp đặt cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Bằng không, chúng ta cứ mù mù mịt mịt không biết thiện không biết ác. Rồi cứ như vậy qua ngày, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, đến ngày cuối cùng phải mang nghiệp đen tối, chịu đọa trong cõi hắc ám. Đó là những người thật đáng thương, chịu đau khổ không biết đến đời nào ra khỏi. Chúng tôi đã nói theo chiều sanh diệt cho quí vị thấy. Chúng ta còn ở trong luân hồi thì chúng ta nên chọn con đường đi sáng sủa an lành hơn, thời gian qua là không trở lại, tuy vậy nghiệp đã tạo thì không bao giờ mất. Cho nên trong kinh Nhân Quả, Phật nói:

Giả sử bá thiên kiếp

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ.

Nghĩa là giả sử mình tạo nghiệp trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, nghiệp báo cũng không mất. Nghiệp đó tức là nghiệp lành, nghiệp dữ đã gây. Khi duyên hội ngộ tức là gặp nhân duyên đến rồi thì phải gánh chịu quả báo chớ không chạy trốn đâu được. Nếu chúng ta biết rõ nghiệp báo, hễ tạo nghiệp dữ, là gốc đau khổ, thì bị lôi cuốn trong vòng khổ đau mãi mãi; còn tạo nghiệp lành thì được an vui, tự tại. Đó là giai đoạn đầu của việc tu hành.

Đến đây tiến lên một bước nữa. Chúng ta đã tự biết mỗi ngày qua là một hạt chuỗi mộng lần qua kẽ tay rồi không còn nữa. Cứ mỗi ngày qua rồi, thì mất. Như vậy kết thúc của cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng dài, không có gì hết. Nếu tính một ngày là mộng ngắn, nhiều ngày mộng ngắn kết lại thành một mộng dài, gọi là tháng. Rồi mười hai tháng, thành mộng dài hơn là một năm. Ba mươi hoặc năm bảy mươi năm kết thúc lại thành một trường đại mộng, tức là mộng dài của cuộc đời. Trong một kiếp mộng như vậy, nếu chúng ta không thức tỉnh biết nó là mộng, cứ tưởng là thật, chạy theo nghiệp tạo khổ đời đời không hết. Đó là cái mê lầm của chúng ta.

Vì vậy đức Phật lúc nào cũng nhắc bảo chúng ta phải biết rõ cuộc sống không thật, thời gian không thật. Mỗi một ngày qua rồi mất, không ai kéo lại được, giữ lại được. Nói một cách gần hơn hết là một tích tắc đồng hồ đi qua rồi không trở lại. Thời gian trôi vùn vụt không dừng. Cuộc sống của chúng ta thì cứ tiến tới, tiến thẳng tới chỗ cuối cùng là chết. Không ai dừng được, không người nào có thể duy trì kiếp sống khi duyên đã mãn. Mỗi một ngày sống là thôi thúc mình đến gần cái chết. Quí vị mỗi sáng thức dậy, thử tìm lại ngày hôm qua xem nó ở đâu? Rõ ràng thời gian qua không tìm lại được nữa. Chúng ta còn mắc kẹt trong thời gian thì phải quí tiếc thời gian. Cần nỗ lực làm lợi ích cho mình, cho chúng sanh để khỏi mất thì giờ vô ích.

Nếu chúng ta có cái nhìn thấu đáo rõ ràng biết thời gian huyễn hóa, như tôi nói là những hạt chuỗi mộng hay những hạt chuỗi nước, thì chúng ta cũng ngay nơi thời gian huyễn hóa đó tìm cho được cái lẽ chân thật, cái không còn sanh diệt, không còn mắc kẹt, không còn bị lôi cuốn trong dòng sanh diệt của thời gian... như vậy chúng ta mới là người thoát ra khỏi dòng sanh tử. Bằng không như vậy thì chúng ta bị cuốn trôi mãi trong dòng thời gian. Vì vậy nên trong nhà Phật, có khi đức Phật chú trọng thời gian vô cùng, Ngài nhắc chúng ta lúc nào cũng phải quí tiếc thời gian, có khi Ngài nói thời gian là cái vô nghĩa, thời gian không có thật, tùy chỗ mà Ngài đánh giá thời gian. Nếu tính theo chiều sanh diệt thì thời gian rất là quí báu, lợi dụng thời gian để chúng ta tạo tất cả phước lành. Còn đứng về chiều vô sanh, thì thời gian vô nghĩa, không có giá trị gì. Vì chính thời gian là những hạt chuỗi mộng, như tôi thường kể cho quí vị nghe về cô Công chúa đòi xâu chuỗi nước. Chúng ta đừng dại khờ như cô Công chúa đó cứ đòi cho được xâu chuỗi nước để đeo vô cổ vì tới bao giờ mới xâu được xâu chuỗi nước. Những hạt nước kia, lóng lánh đẹp thật, nhưng ở xa nhìn thì nó đẹp, bằng khi nắm trong tay rồi, thì nó lọt qua kẽ tay và biến mất. Càng nắm bắt, càng mỏi mệt, chỉ nhọc nhằn thôi chớ không nắm được cái gì.

Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo thời gian mong mỏi nắm bắt những gì mà ta cho là hạnh phúc, thì hạnh phúc đó cũng lọt qua kẽ tay như là những hạt sương, những cái bóng hay là giấc mộng vậy thôi, không có gì thật. Công chúa sau khi nắm bắt những hạt nước lóng lánh đó mà không được hạt nào hết, mới chán nản rồi xin vua cha một xâu chuỗi thật và được vua cha cho một xâu chuỗi kim cương. Từ đó Công chúa không còn mơ xâu chuỗi nước nữa. Chúng ta cũng như vậy. Trước kia không biết hạnh phúc của nhân gian là sanh diệt là ảo ảnh, chúng ta cố nắm bắt nó thì nó luồn qua kẽ tay, biến mất. Khi biết rồi, chúng ta mới trở lại tìm cái chân thật mà đức Phật đã chỉ dạy. Tìm được cái chân thật đó, tức là chúng ta được xâu chuỗi kim cương, không bao giờ tan hoại. Từ cái giả chúng ta chuyển sang cái thật, từ cái sanh diệt bước vào cõi vô sanh. Như vậy mới là người tỉnh giác. Tỉnh giác được cái giả không còn mê lầm nữa. Người biết được cái thật sống trở về với nó, đó là người tu theo đạo giác ngộ.

Chúng ta giác ngộ cái gì?

Giác ngộ cái giả lâu nay tưởng là thật, nhận ra cái thật mà lâu nay bị bỏ quên. Khi bỏ quên cái thật, chấp cái giả cho nó là thật đó là mê, biết được cái giả gọi đó là giác. Người hiểu đạo Phật rồi rất là đơn giản, không có gì cầu kỳ huyền bí xa lạ hết, mà chỉ thấy rõ ngay nơi mình cái nào giả cái nào thật. Cái giả mà lâu nay mình lầm, chấp nhận nó là ta, giờ đây thấy nó là hư giả, đó là chúng ta đã giác ngộ được phần thứ nhất. Qua cái giả đó, chúng ta tìm được cái thật, đang ẩn náu trong cái giả, đó là chúng ta đã giác ngộ qua giai đoạn thứ hai. Chúng ta tiến thẳng vào con đường giác ngộ viên mãn không có sai lạc. Người thế gian thường lầm, cho cái giả là thật. Chính chúng ta cũng thế, tại sao thấy cái giả là thật? Như thân tứ đại chúng ta đây là thật hay giả? Ai động tới nó mình có ưng hay không? Bình thường lúc tỉnh táo nghe Phật dạy thì tứ đại này là giả hợp, không thật, biết nay còn mai mất, trong phút giây là tan nát, cũng như bọt nước, nhưng có ai thoi một thoi thì thấy giả hay thật? Lúc đó lại thấy thật.

Rõ ràng khi chúng ta bình tĩnh thì trí tuệ sáng suốt. Khi bị xúc phạm thì lúc đó mất bình tĩnh, trí tuệ bị che mờ, bản ngã si mê hiện ra, mình thấy nó là thật. Bởi thấy thật nên mới ăn thua tranh giành với nhau rồi tạo nghiệp. Cho nên ta theo đạo Phật là phải giữ bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt, có sáng suốt mới khỏi lầm cái giả làm thật. Đó là điều căn bản. Khi nghe Phật dạy, nghe quí thầy giảng thì coi như tỉnh hết rồi, coi như mình là Thánh nhân rồi, nhưng đụng việc với thế gian thì mình là phàm phu hẳn. Đó là chúng ta chỉ bình tĩnh được khi vô sự, khi có sự là mê. Đó là điểm tôi nhấn mạnh nhất. Chúng ta phải làm sao khi hữu sự coi như vô sự. Đó là điều thiết yếu, là sức mạnh của người tu hành. Ngài Vĩnh Gia nói: “Giả sử vòng lửa quay trên đỉnh, định tuệ vẫn tròn sáng không mất.” Như vậy mới thật là tỉnh ngộ.

Còn tỉnh khi lặng lẽ vắng vẻ, khi ồn náo thì mê, cái đó chưa phải là thật tỉnh. Người thiếu sự hướng dẫn của thầy, bạn, thiếu ý chí cương quyết mãnh liệt để nỗ lực tu hành nên ở mãi trong mê không giác nổi. Có nhiều người cả đời chưa bao giờ biết được thân này là hư giả, chỉ biết nó là thật, nên khi nói nó là giả họ không tin. Đó là vì thiếu sự hướng dẫn của thầy bạn, cho nên họ mê. Có người được thầy bạn hướng dẫn, nhưng thiếu ý chí mãnh liệt nên khi nghe thì tỉnh, khi hết nghe thì mê. Vậy chúng ta phải quả quyết và can đảm ngay khi biết cái nào là giả, cái nào là thật. Đừng mê cái giả và đừng bỏ cái thật để hằng sống và cố gắng mỗi ngày mỗi huân tu. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên chúng ta được như lời ngài Vĩnh Gia nói: Dù có vòng lửa xoay trên đầu, định tuệ vẫn tròn sáng không mất. Cho nên chỗ quan trọng mà chúng ta phải thấy là tâm chúng ta dễ xao xuyến lúc ồn náo. Bây giờ mình phải nỗ lực thêm, làm sao khi ồn náo mà không xao xuyến.

Ví dụ cụ thể là khi xưa mới tập ngồi thiền nhất là khoảng tám chín giờ tối, có những cái loa ở dưới núi vọng lên các bài hát, lảnh lót, lúc đó tâm bị phân tán. Chúng ta nỗ lực hướng dẫn nó, kềm hãm nó, lần lần sẽ làm chủ nó. Đến lúc nào đó, tiếng ca hát không còn đủ hấp dẫn như xưa nữa. Đừng tưởng rằng ngồi thiền trong chỗ yên thì được yên, khi có động chạy theo tiếng động, khi có động, tiếng động sẽ lôi mình đi, không bao giờ thắng nó. Đừng tưởng như vậy. Phải tin tưởng quả quyết rằng khi động chúng ta vẫn làm chủ được. Ngày nay làm chủ một phần, ngày mai làm chủ một phần, nhiều ngày như vậy, rồi ngày nào đó tất cả tiếng động đều vô nghĩa đối với chúng ta. Đó là lẽ chân thật chớ không phải tôi bịa đặt.

Giả sử chúng ta ở trong cảnh ngộ khắt khe hay ồn náo mấy đi nữa, miễn chúng ta làm chủ được, tôi tin rằng ai cũng tu được hết. Lúc rảnh rang thì chúng ta ngồi thiền, khi bận rộn hoặc cuốc cỏ trồng rau, chúng ta cũng tu được. Như vậy lúc nào mình cũng tu được, lúc nào mình cũng vui vẻ. Nếu cho rằng ngồi thiền mới tu được, cuốc rẫy không tu được thì sẽ thấy thiệt thòi, bởi vì có ngày không ngồi thiền được giờ nào, như vậy ngày đó không tu sao? Cuốc rẫy mà tu được thì không thiệt thòi tí nào hết. Thay vì ngày xưa ngồi một ngày ba tiếng đồng hồ, bây giờ cuốc rẫy sáu tiếng tu luôn, thì mình lời được thêm ba tiếng nữa. Đây chính là cái mà chúng ta hiện nay phải tập nỗ lực như vậy, sao cho sự tu của chúng ta không bị hoàn cảnh làm chướng ngại. Đó là điều thiết yếu.

Tuy nhiên lúc đầu phải chấp nhận, mình đang ngồi yên mà có tiếng động thì thế nào cũng bị xao xuyến. Khi đó chúng ta nỗ lực tu, càng ngày càng lâu, chúng ta sẽ tự tại trước tất cả tiếng động, như vậy đừng thối chuyển. Ai trong chúng ta cũng sẽ được thử thách. Đó là điều cần phải nỗ lực. Được vậy, mình sẽ cười, hồi xưa tiếng động là cái chướng, bây giờ có tiếng động mình ngồi cũng hay. Chúng ta thường mê lầm nhận cái giả làm thật, là chạy theo cái giả mà quên cái thật. Chúng ta cứ chấp vọng tưởng làm tâm mình, chấp tứ đại làm thân mình rồi suốt đời cứ chạy theo vọng tưởng, theo thân tứ đại, lo bảo bọc bồi dưỡng cho nó đủ thứ hết để rồi nó hoại.

Giả sử chúng ta trồng, khi nó trổ bông có trái, cho kết quả như ý thì mới săn sóc. Nếu nó èo uột hư gãy, biết rằng không thể cứu được, thì bỏ luôn. Không thể giữ được thì phải bỏ liều. Nhưng cái thân mình có bỏ được không? Ai cũng biết không giữ được mà không dám buông nó. Biết cái không bao giờ giữ được mà cứ cũng cố giữ. Thoi thóp sắp tắt thở mà cũng nói còn nước còn tát. Như vậy để thấy rõ rằng chúng ta bám vào nó cho đến phút cuối cùng, dù không có tí nào bảo đảm, không phải bảo chúng ta cố tình bỏ nó, nhưng hãy nhớ ta mang nó như mang bè qua sông, giữa sông nó có hư thì chúng ta sửa lại, khi tới bờ thì bỏ nó đi. Thân này là giả nhưng cần đến chỗ giác ngộ viên mãn nên chúng ta phải nương nó. Phải biết rõ nó là cái không giữ được, đừng bao giờ quên. Kiểm điểm lại lớp người trước đã tan hoại, mình cũng đang tan hoại. Tại sao cứ cho thân này là thật, rồi cố bảo vệ gìn giữ, tạo bao nhiêu nghiệp cũng vì nó. Đó là cái lầm lớn lao của chúng ta.

Người tỉnh giác biết rõ thân này là hư giả, nhân duyên hòa hợp không thật, kể cả vọng tưởng điên cuồng của mình. Khi suy nghĩ điều này, việc nọ, cái suy nghĩ đó là ai? Thí dụ chúng ta đang suy nghĩ điều thiện, nghĩ giúp người này người kia rồi, cho rằng cái suy nghĩ thiện là mình. Một lát có ai chọc tức, mình nghĩ hại người đó, thì cái suy nghĩ ác là ai? Thấy người kia dễ ghét, người nọ dễ thương, thấy dễ thương dễ ghét là ai thấy? Nếu nghĩ thương là mình, thì nghĩ ghét là ai? Vậy có bốn năm thứ mình sao? Cái nào là mình thật? Rõ ràng mỗi niệm sanh diệt, sanh diệt vô thường, từng đợt từng đợt như dòng nước chảy, nó không có thật. Mới niệm thương đây rồi đến niệm ghét, niệm buồn niệm giận xen lẫn nhau.

Chúng ta cứ chấp cái tâm sanh diệt từng đợt, từng đợt là thật thì sẽ đi trong con đường nào? Bám vào sanh diệt thì phải đi trong sanh diệt, phải đi trong luân hồi không chối cãi gì được hết. Nếu chúng ta cứ lầm chấp vọng tưởng cho đó là mình, chấp thân tứ đại này là mình thì không biết bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp mới thoát khỏi luân hồi. Chỉ bao giờ mình biết quả quyết rằng vọng tưởng là hư giả không thật thì chừng đó mới tìm cái chân thật. Như cô Công chúa nắm bắt những hạt nước không được, chừng đó không còn ham mê nữa, mới đòi nhà vua cho xâu chuỗi kim cương. Đó là xâu chuỗi thật, còn bao nhiêu hạt nước lấp lánh kia đều là hư giả.

Qua giai đoạn thứ hai là tìm cái chân thật trong cái hư giả. Được cái thật trong cái giả đó rồi chúng ta mới thấy mình từ trước đến giờ là kẻ ngu si. Mình lầm cái giả là cái thật, rồi bỏ quên cái thật. Cho nên trong kinh Phật nói: “Chúng ta có viên ngọc báu cột trong chéo áo mà quên.” Quên viên ngọc trong chéo áo rồi đi ăn xin đầu làng xó chợ, sống vất vưởng qua ngày lấy đó làm đủ. Kẻ có của báu bỏ quên chịu nghèo khổ là tỉnh hay mê? Đó là kẻ mê. Biết được cái thân hư giả này rồi, chúng ta tìm được cái chân thật của mình. Đó là tỉnh, đó mới thật là con người cầu đạo giải thoát. Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,

Thật thị thân bần đạo bất bần.

Bần tắc thân thường phi lũ hạt,

Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.

Người dòng họ Thích là kẻ bần cùng luôn luôn tự nhận mình là bần đạo. Nhưng có thật là bần hay không? Thân bần mà đạo không bần. Tại sao? Là vì tuy mặc áo vá mà có hạt châu vô giá. Hạt châu vô giá dùng hoài không hết. Biết rõ mình có hạt châu vô giá cho nên không chạy theo hư giả. Tìm được của báu chân thật, mới là người giác ngộ, người cầu đạo chân chánh. Chúng ta cứ chạy theo cái bên ngoài hoài thì không bao giờ thấy được kho báu nơi mình. Đó là chỗ thiết yếu của người tu hành. Phật là giác. Tu theo Phật là đi trên con đường giác ngộ. Tu theo đạo Phật mà không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Cũng như người đi về Sài Gòn, tức nhiên phải đi trên con đường về Sài Gòn. Nếu không tức là ngồi, hoặc là ở một chỗ, hoặc là đi con đường khác. Chớ thật tình mình đi trên con đường về Sài Gòn thì mỗi một giờ, mỗi một ngày đã tiến rồi.

Cũng vậy, chúng ta theo đạo giác ngộ thì ngày nào năm nào chúng ta cũng phải có giác mới được. Nếu chúng ta không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Như vậy chúng ta có giác hay không? Thật sự có chớ sao không? Tại vì chúng ta quen tưởng giác ngộ là như đức Phật, phải có Tam minh Lục thông. Tưởng mình không có Tam minh Lục thông thì không gọi là giác, thật sự không phải vậy. Ngày xưa lúc chưa tu, có bao giờ chúng ta nghĩ thân này là giả đâu! Hiện giờ được nghe lời Phật dạy, nghe giảng kinh, nhận thân này là giả, tức là có giác ngộ rồi, tuy nhiên lúc mê thì quên. Trong nhà Phật gọi giác ngộ như thế là bệnh rét cách ngày. Cái giác đó chưa là thuần giác, nhưng dù sao cũng là giác.

Đức Phật dạy: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là cái giác của đức Phật thường hằng chân chánh viên mãn không ai hơn. Đạt được như thế gọi là thành Phật. Còn chúng ta giác ngộ cách ngày cách giờ, cái giác ngộ đó chưa được gọi là Phật nhưng cũng có giác một chút chớ chẳng phải vô phần. Như vậy chúng ta không có mặc cảm rằng mình chưa từng giác. Chúng ta biết được hoàn cảnh xã hội, sự việc chung quanh là duyên hợp nên cũng hư giả. Biết như vậy tuy chưa thường xuyên, nhưng có biết chút nào là có giác chút ấy. Lại nữa, lâu nay chúng ta chấp nhận những vọng tưởng điên cuồng là tâm mình, giờ đây biết nó là vọng tưởng thì chúng ta có giác rồi. Giờ phút nào có biết như vậy là giờ phút đó chúng ta có giác. Kiểm điểm lại so với năm rồi, năm nay chúng ta tiến nhiều chưa?

Tu lâu mà thấy không tiến là tại mình chưa nhận ra, thấy nó thường quá, chưa có hào quang, chưa biết bay nên mình cho là không giác. Khi xưa cả năm chưa từng giác lần nào, bây giờ cái giác đó cách khoảng thưa thì một giờ, nhặt thì nửa giờ, hoặc là mười phút chẳng hạn. Như vậy là mình đã tiến bộ khá nhiều, đừng bi quan. Nếu là kẻ tu hành cầu đạo giác ngộ thì chúng ta phải thấy rõ rằng mỗi ngày, là mỗi ngày giác, không thể mê được. Nếu giác nhặt là chúng ta tiến, giác thưa là chúng ta lùi. Có người than thở với tôi, biết vọng mà vọng cứ sanh hoài làm sao. Vọng sanh thì mặc nó, đừng chạy theo, biết vọng đừng theo là giác. Trăm lần vọng thì có trăm lần giác, không buồn không sợ. Đó là tôi nói về tâm.

Giờ đây đến thân cũng vậy. Nếu có bệnh hoặc chướng ngại gì đi nữa, mình biết thân này là hư giả, thì ngay nơi thân này tỉnh giác. Giác thân giác tâm là cái giác căn bản. Mình biết rõ ràng thân tâm không lầm rồi, tìm ra cái thật nữa thì quí báu vô cùng. Đó là chúng ta đã nắm được viên ngọc vô giá trong tay. Nếu chưa tìm được viên ngọc đó mà biết thân hư giả, là chúng ta đã từ bỏ con đường giả để trở về con đường thật, tức đã tiến một bước rồi. Đó là một sự thật. Hiểu đạo rồi thì tự nhiên chúng ta tu hăng hái chín chắn chớ không thối chuyển. Mình biết là có giác, mà có giác tức là đánh với giặc phiền não, còn có đánh tức là chưa thua. Thua là xếp giáp chạy dài, còn đánh dù chưa thắng hoàn toàn nhưng chưa phải là kẻ thua trận.

Vừa dấy vọng, biết vọng là vọng lặng, đó là thắng được giặc rồi. Có thứ giặc mình giết nó, nó mất; có thứ giặc nó kéo mình đi xa một chút mới mất. Kiểm lại chúng ta toàn là thắng chớ không phải thua. Tại vì giặc nhiều quá, có triệu triệu chú thành ra mình cứ đánh hoài mà chưa hết, nên thắng lâu. Nếu thắng nhanh thì đã thành Phật rồi. Tất cả những chú giặc của mình là những đứa giả, Ông chủ mới là thật. Người thật đánh với kẻ giả lo gì không thắng. Tin quả quyết như vậy thì việc tu tiến của mình sẽ thành công, chắc chắn thành công một trăm phần trăm. Tôi nói thế để chúng ta thấy rõ việc tiến tu của mình.

Khi nhớ việc tiến tu của mình, chúng ta không nên quên hiện giờ là ngày ba mươi Tết. Qua một năm, tất nhiên chúng ta thấy mình cũng có già nhiều rồi. Nếu nhận xét tinh vi thì mình già đi từng giây từng phút huống là một năm. Chúng ta cũng thấy năm nay yếu đi một chút, năm tới yếu đi một chút mà mình không nỗ lực thì khó thành công. Nên nhớ qua một năm mình suy yếu đi, trí tuệ cũng yếu, tinh thần cũng yếu, vậy chúng ta phải nỗ lực, nhất là những vị sáu mươi tuổi trở lên. Con đường của mình sắp tới giai đoạn chót rồi, phải chạy nước rút, không thể chần chờ được. Chúng ta phải nỗ lực bằng mấy lần năm trước. Năm rồi ít nỗ lực thì dự bị cho năm tới phải nỗ lực bằng hai bằng ba. Bọn ma quân còn đông quá, nếu mình chần chờ thì nó thắng chớ mình không thể thắng được nó. Chẳng những sáu mươi tuổi trở lên phải nỗ lực, mà trẻ hơn cũng phải như vậy thế. Biết mình có sống tới sáu mươi tuổi hay không? Cần phải nhớ là mạng sống trong hơi thở, phải nỗ lực như những người đã lớn tuổi. Đừng ỷ lại đời còn dài đi từ từ cũng được, cần nỗ lực chớ không thể lôi thôi.

Nỗ lực thì mới có tiến và bảo đảm một ngày nào chiếc bè này rã, chúng ta bước lên bờ, bằng không thì không bảo đảm. Ai dám tin rằng ngày mai cũng còn an ổn khỏe mạnh như ngày nay. Khi thở ra mà không hít vào thì đã hết cuộc đời. Cho nên tất cả chúng ta phải nỗ lực, rất là nỗ lực mới được, chớ không phải nỗ lực tầm thường. Do đó tôi nghĩ rằng, nhớ đến ngày ba mươi đêm giao thừa thì chúng ta nên nhớ đến giây phút thở hấp hối, bà con chung quanh kẻ chấp tay niệm Phật, người thì lau nước mắt chờ đưa chúng ta qua thế giới khác. Nhớ như vậy thì đêm giao thừa sẽ là đêm thôi thúc mạnh mẽ trong lòng chúng ta, còn không nhớ như vậy thì ý nghĩa đêm giao thừa sẽ yếu ớt đi. Một năm qua là chúng ta đã già đi, phải nỗ lực tiến tới, tiến mãi không lùi. Đừng chần chờ nữa!

Ở trên tôi đã nói sự thật tôi thấy để nhắc nhở quí vị cố gắng trong sự tiến tu. Giờ đây tôi nói qua các vị Thiền sư. Cái thấy của các Thiền sư lúc nào cũng tương tự chớ không khác nhau mấy. Một hôm đến ngày Xuân, có người hỏi Thiền sư Quang Giác đời Tống có cảm tưởng gì về con người, Ngài làm một bài thơ như sau:

Khứ niên phùng thanh xuân
Châu nhan ánh đào lý
Kim niên phùng thanh xuân
Bạch phát yểm song nhỉ
Nhân sanh thất thập niên
Tật nhược đông lưu thủy
Bất liễu bản lai tâm
Sanh tử hà do ly.

Dịch:

Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay
Sanh tử làm sao khỏi.

Thiền sư mỗi năm qua thấy thân trẻ biến thành già, kể cả bảy mươi năm trôi nhanh như dòng nước chảy. Nếu không ngộ được Bản tâm xưa nay, làm sao thoát khỏi dòng luân hồi sanh tử. Chúng ta là con cháu trong nhà Thiền cần phải thấy như thế. Có được cái thấy này, chúng ta mới thức tỉnh tiến tu chóng thoát ly sanh tử. Vậy mong tất cả quí vị cùng chúng tôi, chúng ta dự buổi tiệc trà đạm bạc đêm giao thừa này, là một ấn tượng đánh thức chúng ta tỉnh giác cuộc đời là vô thường, phải nỗ lực tiến tu đừng để trôi qua vô nghĩa.

Chúc quí vị sang năm mới thường tỉnh giác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/07/2019(Xem: 4950)
Triết lý hay mục đích sống là lý tưởng, giá trị cốt lõi của mỗi người, chính vì thế mà ngày nay,hầu hết trong chúng ta, ai cũng có khuynh hướngtìm về sự thật, mộtgiải pháp cứu cánh, rốt ráo, an toànvì ‘hòa bình bền vững’, xã hội trật tự vàngày ngày an lành ... Hòa chungtrách nhiệm, bản hoài, thông điệp : ‘Chân lý chỉ có một’,[1]đồng nghĩa với ‘Sự lãnh đạo bằng chánh niệm’ qua cách tiếp cận của Phật giáo, mang vạn niềm vui đến với muôn loài. Thật vậy, Phật giáo với trọng trách mang ‘an vui lâu dài’, là nội dung cốt lõi của xã hội nhân loại, cũng là tiền đề cho một xã hội bền vững;trong đó mỗi cá thể cần củng cố,xây dựngnội tâmkiên cố dựa trên phương cách lãnh đạo bằng‘chánh niệm’, đểcùng nhìn lại, quán chiếu và cùng dẫn đến trách nhiệm sẻ chia …
29/06/2019(Xem: 6989)
"Nhân sinh": đời người, cuộc sống con người "Quan": cái nhìn, quan niệm "Nhân sinh Quan" nghĩa là "cái nhìn" hay "quan niệm" về đời sống của con người. A) Con người từ đâu mà có? Phật giáo giải đáp câu hỏi ngàn đời nầy bằng giáo thuyếtThập nhị Nhân duyên, tức là chuỗi 12 nhân duyên dây chuyền sau đây: 1) Vô minh: Do một niệm bất giác mà phát sinh mê lầm, chấp ngã chấp pháp, do đó mà khởi ra Phiền não - nên cũng gọi là Hoặc. Chúng ta không thể tìm ra điểm khởi đầu của sự Vô minhđã khởi đầu cho sự hiện hữu của chúng sinh và vạn vật, hữu tình cũng như vô tình.
12/04/2019(Xem: 3738)
Thế mới biết trăm sông rồi cũng đổ về biển, dung hòa một vị mặn của đại dương; muôn pháp cùng đổ vào biển tuệ, thuần một vị giải thoát.Những lời dạy của đức Phật được ghi chép thành Tam tạng kinh điển, trở thành một trong những kho tàng trí tuệ vĩ đại nhất của nhân loại. Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật được truyền bá rộng rãi khắp năm châu và bị ảnh hưởng cũng không nhỏ bởi nhiều nền văn hóa khác. Từ đó, đạo Phật phát triển với các biểu tượng về tôn giáo, về các hình thức nghi lễ, và kể cả những pháp môn tu hành của những khóa tu ở mỗi nơi.Chính vì thế, đạo Phật bị đa dạng hoá về hình thức lẫn nội dung tu tập, thể hiện qua nhiều pháp môn. Như vậy trong thời đại bây giờ, đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn; pháp môn nào là đúng, phápmôn nào là sai? Không có pháp môn nào là đúng và không có pháp môn nào là sai cả. Tại sao? Vì pháp môn tu không có lỗi, mà lỗi ở tại con người làm đúng hay sai mà thôi.
14/02/2019(Xem: 7079)
Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:
13/12/2018(Xem: 4186)
Suy nghĩ về Mười Hai Nhân Duyên - GS Trần Tuấn Mẫn , Nguyên văn đoạn kinh trong phẩm Phật-đà, Tương ưng bộ, như sau: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Này các Tỳ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”.
02/12/2018(Xem: 8587)
Thời gian gần đây nhiều Phật tử đã yêu cầu tôi giải thích những lời dạy vô giá của Phật theo phương cách hiện đại, xử dụng thuật ngữ và diễn giải thực tế, có hiệu quả, thực tiễn và không quá cao siêu. Theo phương cách dễ hiểu và thực tế để áp dụng trong đời sống hằng ngày. Đây là tập sách đầu của một chuỗi những tập sách nhằm mục đích đáp ứng những thỉnh cầu này. Đây là tập sách sưu tập gồm 50 lời dạy ngắn kèm theo chú giải chi tiết dài ngắn khác nhau, mục đích để khuyến khích tất cả những vị đã dành thời gian để đọc và thực hành những lời dạy này để phát triển sự hiếu biết chân thật và lòng từ bi.
05/11/2018(Xem: 3879)
“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng! Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời hãy từ đạt đến và an trú!” Đức Phật (Kinh Tăng Chi Bộ)
18/10/2018(Xem: 3777)
Phải nghi trước, rồi gỡ được nỗi nghi xong, bấy giờ tin tưởng mới chắc thật. Đó là chuyện của người tộc họ Kalama ở thành phố Kesaputta thời hơn 2,500 năm về trước. Thực tế, thời nào cũng có người Kalama, chứ không phải chỉ trong thời xa xưa. Có thể đoán rằng, những người mang dòng máu Kalama mạnh nhất, hẳn là các nhà khoa học – thí dụ, như các nhà vật lý thiên tài Albert Einstein, Stephen Hawking... Chớ hòng ai thuyết phục họ tin cái gì không thuận lý.
04/09/2018(Xem: 7315)
Tu Tứ Đế Pháp, Bốn Chân Lý Chắc Thật, Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi Chứng Đạo dẹp tan sự quấy nhiễu của ma quân ở cõi Trời Tha hóa thứ sáu vào nửa đêm ngày mùng 8 tháng 2 năm Tân-Mùi. Việt lịch Năm 2256 HBK*. Tr.BC.596. Sau Thời Hoa Nghiêm Phật đến vườn Lộc Dã Uyển truyền dạy Bốn Pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị từng theo Phật cùng tu thuở trước, thành bậc Tỳ Khưu đắc đạo. Năm vị đó là: 1/. A Nhã Kiều Trần Như, 2/. A-Thấp Bà, (Mã-thắng) , 3/ .Bạt-Đề, 4/. Ma-Ha-Nam, 5/. Thập-Lực-Ca-Diếp. Năm Vị nghe pháp Tứ Đế rồi, tu tập chứng A La Hớn Quả. Tứ Đế Pháp: 1. Khổ Đế. 2. Tập Đế. 3. Diệt Đế. 4. Đạo Đế. -Khổ Đế, là Ác quả của Tập Đế. -Tập Đế, là tạo Nhân xấu của Khổ Đế. -Diệt Đế, là Thiện quả của Đạo đế. -Đạo Đế, là Nhân tu của Diệt Đế.
14/08/2018(Xem: 6834)
Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinhcủa Nam Tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567