Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô thường

17/10/201320:10(Xem: 6868)
Vô thường

hoasen3


VÔ THƯỜNG

MINH CHIẾU

MÙA AN CƯ

PL. 2547 – 2003


Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn Chí

Minh Chiếu

A. MỞ ĐỀ:

Đức Phật chỉ ra rằng: mọi vật có hình tượng, có thể chất đều sinh diệt, thay đổi không ngừng. Sự thay đổi của vạn vật là định luật. Định luật này chi phối mọi lãnh vực cuộc sống, không ràng buộc bởi thời gian, không gian.

Tâm niệm mọi loài chúng sanh cũng biến thiên thay đổi. Sự biến đổi, bất định nằm trong đặc tính của thể chất lẫn tinh thần danh từ quen dùng trong đạo Phật là Vô thường.

B. CHÁNH ĐỀ:

I. ĐỊNH NGHĨA:

Vô thường là thế nào? Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian biến đổi, hư hoại đều là Vô thường”.

Vậy Vô thường là không thường còn, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái cố định; luôn luôn thay đổi hình dạng; đi từ trạng thái “hình thành” đến “thay đổi” rồi “tan rã”. Qui luật đời người có 4 giai đoạn là: Sanh, Già, Bệnh, Chết; nơi sự vật gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không hay là Sanh, Trú, Dị, Diệt.

Chúng ta có thể quan sát đời sống chúng ta để suy nghiệm 3 khía cạnh sau: Thân Vô thường, Tâm Vô thường và Hoàn cảnh Vô thường.

1. Thân Vô thường:

“Thân tôi mạnh khỏe luôn, trẻ đẹp mãi, và đời tôi là cả một bài thơ…”. Ấy là quan niệm nông nỗi của một số nam nữ thanh niên quá yêu chuộng thân thể. Họ sống một cách vô tư, cứ tưởng thân thể họ trẻ mãi, hay nếu có già thì cũng còn lâu lắm. Họ không hay biết rằng thân thể từng giây phút thay đổi, không ngờ rằng nó già nó chết.

Những câu thơ sau đây nói lên được sự thay đổi mau chóng của thân ta:

“Anh không thấy Cha già soi gương buồn tóc bạc!

Sớm còn như tơ xanh, tối đã trắng như tuyết”.

Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn và trong mỗi thời kỳ 7 năm các tế bào cũ đã hoàn toàn thay đổi.

Như thế chúng ta thấy từ khi sanh đến khi chết, thân ta đã không biết bao lần thay đổi; và cái xác khi người ta đặt vào quan tài, thật không còn gì giống với thân ta khi mới sơ sanh.

Trong kinh Phật nói có 2 loại Vô thường:

1. Sát na Vô thường – sự thay đổi trong tích tắc.

2. Nhất kỳ Vô thường – sự chấm dứt một đời người, nên Vô thường là đặc ngữ của đạo Phật chỉ sự chết.

Đức Phật lúc còn là một Thái tử, đã than với bà Da Du trong cung vui, khi nghĩ đến cái Vô thường của thân người: “… Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!... Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người… Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”.

Thân là Vô thường, thế mà lắm người vì cung phụng xác thân đến nỗi giết hại vô số sinh vật và gây biết bao tội ác tày trời!

Vì tham lam và làm vẩn đục lương tri nên con người không thấy rõ được lý Vô thường của thân xác, nên mới nỡ tâm làm điều ác như thế!

Dưới đây là câu chuyện: Một chàng kia có bốn bà vợ.

Bà thứ nhất được chồng yêu mến, đi đứng nằm ngồi, làm lụng không rời nửa bước. Ăn uống áo quần thường được chồng lo cho trước hết. Lạnh nóng đói khát xem sóc tùy thời, chìu theo ý muốn, chẳng bao giờ cùng nhau to tiếng.

Bà Hai – đi đứng nói năng, thường ở hai bên tả hữu. Chồng gặp thì vui, xa chút thì buồn.

Bà Ba – thỉnh thoảng năm thì mười họa, khi cùng cực thiếu thốn, mới được anh chồng nghĩ đến.

Bà Tư – hẩm hiu hơn hết bị chồng sai bảo đủ chuyện, phục dịch đủ điều, nhưng chẳng bao giờ thèm hỏi đến.

Một ngày kia, anh chồng hấp hối, kêu bà vợ thứ nhất vô bảo:

- Ngươi phải đi theo ta!

Bà thứ nhất trả lời:

- Tôi không thể theo anh được.

Anh chồng nổi giận hỏi:

- Ta vốn yêu quý mi nhất, thương cưng chiều ngươi đủ thứ. Tại sao chẳng chịu theo nhau?

Bà vợ này đáp:

- Anh tuy có lòng yêu mến tôi thật, nhưng tôi không thể đi.

Anh chồng bèn kêu bà Hai đến bảo:

- Mình đi theo tôi đi.

Bà này đáp:

- Anh yêu mến chị Cả sao không bắt chị ấy đi, tôi không theo anh được.

Anh chồng bèn nạt nộ:

- Ngày trước ta tìm mi thật khổ sở không thể tả xiết. Nào chịu lạnh, chịu nóng, nhịn ăn nhịn tiêu mới giữ được mi. Tại sao chẳng chịu đi với ta?

Bà Hai vẫn đáp tỉnh bơ:

- Bởi lòng anh tham dục mới tìm đến tôi, chớ tôi đâu có cần gì anh. Nay sao lại đem việc gian khổ ấy mà buộc nhau làm gì!

Quá ngao ngán, anh chồng phải kêu đến bà vợ Ba mà rằng:

- Mình nên đi theo tôi.

Bà Ba tuy tỏ ra lưu luyến nhưng cũng chỉ khóc lóc mà nói:

- Tôi với anh ơn nghĩa nặng lắm. Nay đến phút cuối cùng tôi xin đưa tiễn anh tới ngoài thành mà thôi, không thể theo anh đến tận cùng được.

Sau cùng anh chàng bốn vợ đành phải kêu đến bà thứ Tư – người thường ngày bị chàng ta hất hủi mà bảo đi theo mình, chị vợ này bảo chồng:

- Tôi đã xa lìa Cha Mẹ đi theo hầu hạ anh, thì việc sống chết vui khổ phải có mặt với nhau. Giờ đây, tôi xin theo anh.

Bốn bà vợ trên là bốn thí dụ:

Bà thứ Nhất – dụ cho thân xác con người. Người đời ai nấy ưa mến xác thân mình như anh chồng kia mê bà Nhất. Nhưng đến khi chết, nó nằm trơ nơi đất, nào chịu đi theo.

Bà Hai – dụ cho của cải tiền bạc. Khi được thì vui, chẳng được thì buồn. Nhưng đến lúc chết của cải lại hoàn trả cho đời, nào chịu đi theo.

Bà Ba – dụ cho Cha Mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn hữu. Sanh thời lấy ân nghĩa tình ái, cùng nhau tưởng mến. Nhưng khi chết, dù họ có khóc lóc than vãn, cũng chỉ tiễn đưa được nhau đến nghĩa địa là cùng. Thương nhớ có lâu lắm cũng chẳng qua 10 ngày, nửa tháng là lại ăn uống cười nói bình thường, dần quên người chết.

Bà Tư – dụ cho Tâm ý con người. Trong thiên hạ ai mà không có lúc tự ái, bảo thủ ý mình, buông thả Tâm ý, tham dục, giận dữ, chẳng tin Chánh đạo. Đến khi chết, chỉ có Tâm ý là chịu đi theo để phải đọa vào ác đạo.

2. Tâm Vô thường:

Thân đã Vô thường, nhưng còn tâm niệm có Vô thường không? Tâm niệm cũng âm thầm dời đổi, lại có phần mau lẹ và vi tế hơn, nếu chúng ta không nhìn sâu vào ắt khó mà thấy được.

Tâm niệm chúng ta thay đổi trong từng phút giây: chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này, phút sau ta nghĩ chuyện khác. Hôm qua tinh tiến tu hành, hôm nay đã nhác nhớm thối chuyển. Thật đúng như lời đức Phật đã dạy:

“Tâm người như vượn chuyền cây,

Như ngựa rông nơi đồng nội…”

Tâm niệm ta sanh diệt trong từng sát na (tích tắc), và chính vì nó sinh diệt quá mau lẹ, nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả.

Cũng như hình ảnh trên ti vi là do nhiều hình ảnh nối nhau… Nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Cái ta phút trước đâu phải là cái ta phút nầy? Và cái ta phút nầy đâu còn là cái ta phút sau? Vậy cái ta nào là cái ta thật? Ta có ta không? Ta nào sướng? Ta nào khổ?

Thế mà người đời bám víu vào nó (ta), nhơn danh nó, vơ vét tài sản, danh lợi ở chung quanh và dù có dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác, gây bao đau thương cho đồng loại cũng mặc! Thật mê mờ lắm thay!

3. Hoàn cảnh Vô thường:

Như trên chúng ta đã thấy luật Vô thường ở khắp mọi nơi, chẳng những thân, tâm là Vô thường mà hoàn cảnh, sơn hà đại địa cũng Vô thường.

Trong sách thường nói “Bãi biển nương dâu”. Câu này mới nghe như là một hình ảnh bóng bẩy về văn chương, nhưng thật ra đó là một nhận xét rất đúng thực tế.

Chúng ta thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát thì muôn đời vẫn đứng yên một chỗ.

Không, chúng ta đã lầm, sông núi, đất cát cũng có khi lở, khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời” hay “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Thật thế, chúng ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm vinh nhục, giàu sang, nghèo hèn diễn ra trước mắt chúng ta như một bức tranh vân cẩu. Bao nhiêu người, trước đây nào dinh thự nguy nga, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, thế mà sau một cơn binh lửa, sự nghiệp bỗng tan tành theo mây khói. Bao nhiêu người quyền cao chức trọng, một phút sa cơ thất thế, bỗng trở thành những kẻ lang thang cầu thực, hay vướng cảnh tù đày.

Sự Vô thường đã sờ sờ trước mắt, thế mà có biết bao nhiêu người vẫn chưa tỉnh ngộ, cứ đeo đuổi bám víu vào những cái hào nhoáng nhất thời ấy. Kẻ bán tước, người mua quan, kẻ ham danh, người ham lợi… gây biết bao trò cười cho khách bàng quan, và bày ra lắm cảnh nhọc nhằn cho người trong cuộc.


II. Ý NIỆM VÔ THƯỜNG ĐƯỢC DIỄN ĐẠT QUA CA DAO, TỤC NGỮ:

“Công danh sự nghiệp áng mây tan,

Phú quý vinh hoa cơn gió thoảng”.

“Giàu sang như bóng ngựa qua,

Công danh như giọt sương sa trên cành”.

“Thế gian như giấc mộng dài,

Sanh không thác lại tay không có gì!”.

“Thế sự như hoa mau tỉnh ngộ,

Phù sanh mộng huyễn sớm hồi đầu!”.

“Trăng khi tròn khi khuyết,

Người ở đời sao khỏi lúc thịnh lúc suy”.

“Đời người chưa trọn đường tu,

Sớm còn tối mất công phu lỡ làng”.

“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật,

Thế cho nên tất bật suốt cuộc đời”.

“Thời gian nước chảy qua cầu,

Vô thường lặng lẽ bạc đầu không hay”.

“Dù tiếc thương hoa kia vẫn rụng,

Chán ghét nhiều cỏ vẫn xanh tươi”.

III. Ý NIỆM VÔ THƯỜNG ĐƯỢC DIỄN ĐẠT QUA KINH PHẬT:

“Cái gì đã sanh ra, cũng luôn bị sự tiêu diệt hăm dọa. Bất cứ chiếc bình nào ra khỏi bàn tay người thợ gốm, rốt cuộc rồi cũng bị tan vỡ! Đời sống của chúng sinh cũng thế”.

Đức Phật Thích Ca

“Nghĩ đến cái chết, đến cái đời mơ hồ, không biết mình sống bao lâu và không biết thời thế nó xảy ra cho mình như thế nào, nghĩ như vậy khiến mình sống theo chân lý”.

Kinh Thanh Tịnh

“Thân người chẳng khác cây mọc sát bờ, dây leo bên giếng, nào có gì là trường cửu. Chỉ một hơi thở tức trở về với hư không, sao lại an nhiên để thời gian trôi qua, không chịu tu hành”.

Cảnh Sách

“Ngày nay đã qua, mạng cũng giảm theo.

Như cá thiếu nước, nào có vui gì?

Ta phải siêng năng, tinh tấn tu tập.

Như cứu lửa trên đầu,

Nên nghĩ cơn Vô thường, mà cẩn thận đừng có buông lung”.

Kinh Xuất Diệu

“Lúc thanh niên cường tráng đã không kiếm ra tiền tài của cải cũng chẳng lo tu hành, thì khi già chẳng khác gì con cò già bên bờ ao. Chẳng kiếm ra mồi phải khô héo chết mòn”.

“Quán xem, muôn pháp ở đời,

Dường như mộng huyễn, có rồi hoàn không.

Khác chi bọt nước bềnh bồng,

Khác chi chớp nhoáng sương lồng ban mai”.

Kinh Kim Cang

IV. Ý NIỆM “VÔ THƯỜNG” ĐƯỢC NHẬN THỨC QUA MỘT SỐ DANH NHÂN:

“Bạn nhìn những người vĩ đại của thế giới, họ mang theo gì từ giường chết?”

Augustin

“Không có vật gì thường trụ, vật gì cũng biến đổi; người ta không thể tắm hai lần trong một dòng nước, vì từ giây phút này đến giây phút khác, dòng nước ấy không còn y như cũ, nó đã biến đổi và trở thành dòng nước khác”.

Heraclite

“Vui cực điểm phải buồn liền,

Vinh thạnh quá có nhục to.

Lợi to tát hại thậm sâu,

Thương nhiều thì ghét dữ.

Thân lắm thì thù thâm.

Hợp lâu thì tan lẹ,

Khen nhiều thì chê lắm.

Vui nhiều thì buồn đậm,

Có nhiều thì mất nặng.

Tài tụ thì thân tán,

Muốn nhiều thì hại mình”.

“Ta đau khổ không phải vì vạn vật biến đổi vô thường mà đau khổ chính vì chủ quan tham đắm, món mình ham thích không ở với mình”.

Bạn nên nhớ:

“Không một ai trong chúng ta có hộ khẩu thường trú trên trái đất này, tất cả đều là tạm trú”.

“Người xuất gia là người nhận biết định luật vô thường của cuộc sống, là người phân biệt cái gì Đời, cái gì Đạo, là người không chạy theo lợi danh trần tục, thà chịu Đời ghét, hơn là bị đời khinh”.

“Chớ hẹn tuổi già mới học Đạo,

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.

Mỗi Lần Thăm Nghĩa Trang

Diệp Minh Tuyền (09/85)

Mỗi lần thăm nghĩa trang

Tim chợt buồn man mác

Thắp cho bạn nén nhang

Chạnh lòng nghe thông hát.

Đường đời như khúc nhạc

Nghĩa trang – nốt cuối cùng

Đời người khi thôi hát

Về nằm dưới gốc thông.

Vũ trụ thì mênh mông

Tiếc đời người hữu hạn

Mới “có” rồi bỗng “không”

Một đời sao quá ngắn?

Sống, nhà cao cửa rộng

Chết, nằm dưới đất cằn

Sống, kẻ khinh người trọng

Chết, đất hóa công bằng.

Thôi cần gì bon chen

Cốt sống cho lương thiện

Ở đời ngoài tình thương

Tất cả đều phù phiếm.

Ra về lòng xao xuyến

Thương bạn nước mắt tràn

Thấy lòng thêm Thánh thiện

Khi chân rời nghĩa trang.

  1. V. NHỮNG CÂU CHUYỆN VÍ DỤ VỀ “VÔ THƯỜNG”

Trong Kinh nói về loài ngựa có 4 hạng:

1. Thấy bóng roi đã chạy.

2. Bị đánh một roi đã chạy.

3. Đánh ít mới chịu chạy.

4. Trở củ roi mà phan cũng không chịu chạy.

Loài người cũng có 4 hạng:

1. Nghe người ở xa chết đã lo tu.

2. Nghe người trong xóm chết đã lo tu.

3. Thấy người trong gia đình chết mới lo tu.

4. Chính bản thân mình già cả bệnh tật mà không lo tu.

Ngựa trở củ roi đánh mà không chạy thì chỉ có một cách là làm thịt bán. Người già cả tật bệnh mà không lo tu hành thì có nước để luân hồi sanh tử.

Ví dụ:


CON CHỒN BỊ CHẶT ĐUÔI

Có con chồn vào ăn vụng trong nhà bếp, người ta biết đặng ví bắt, nó giả đò chết.

Đứa đày tớ chặt đuôi, đứa con cắt hai lỗ tai nó cũng không chạy rán đau mà chịu. Sau nghe bà chủ nhà nói lột da để làm áo nó vùng chạy, vì nó nghĩ muốn lột da thì phải chặt đầu.

Con người cũng vậy, khi đã già nua tuổi tác mà không chịu tu hành chẳng khác nào con chồn nghe sắp bị lột da mà không chịu vùng chạy. Con người hết thời xuân xanh như con chồn bị chặt đuôi, mới già như chồn bị cắt lỗ tai, già nua bệnh tật như chồn sắp bị lột da.

ĐỔ THỪA LỖI CHO MINH VƯƠNG

Có hai người một già một trẻ bị chết xuống âm ty. Diêm Vương bắt tội thì ông già nói phàm đúng lý thì phải báo tin cho ông biết trước mới không oan. Diêm Vương nói đã có những tin báo trước:

  1. Tóc ông ta đã hoa râm,
  2. Răng lung lay,
  3. Sức khỏe suy yếu,
  4. Mắt lờ tai điếc,
  5. Thường bị đau ốm bệnh tật.

Anh trẻ viện lẽ anh ta chưa được những tin ấy.

Diêm Vương giải thích cho anh ta thấy những người đồng tuổi với anh ta mà bị chết: chết dịch, bị bắn, thắt cổ, chết đuối, rắn cắn, trúng gió, chết yểu, xe tông, đó là những tin đã báo trước cho anh ta.

Người ta thường ví cuộc đời Vô thường, ngắn ngủi, hảo huyền như giấc mộng Hoàng lương hoặc giấc mộng Nam Kha. Nguồn gốc những tích này như sau:

GIẤC MỘNG HOÀNG LƯƠNG (KÊ VÀNG)

Trong tiểu thuyết: “Trẩm trung ký” của Trần Tức Tế đời Đường viết:

Có một thư sinh họ Lư đến Kinh thành dự thi, vào quán trọ ở Hàm Đan gặp một Đạo sĩ họ Lã. Lư sinh nhờ Lã Đạo sĩ chỉ cho biết tiền đồ của anh ta ra sao?

Đạo sĩ cho anh ta mượn chiếc gối bằng sứ xanh, nói chiếc gối này sẽ thực hiện được nguyện vọng của mình.

Lư sinh đã ngủ thiếp đi và mơ mình làm khách tại một nhà giàu, ăn tiệc thịnh soạn, chủ nhân còn gả con gái xinh đẹp cho.

Sau đấy thấy mình đỗ tiến sĩ, được bổ làm Thừa Tướng. Năm đứa con anh lần lượt đỗ đạt, làm quan cả. Anh ta làm Thừa Tướng 10 năm, sống hơn 80 tuổi.

Khi Lư sinh tỉnh giấc, nồi Kê vàng của chủ quán vẫn chưa chín, Đạo sĩ già cười anh, lúc này anh mới biết mình nằm mộng.

Đời sau dùng “giấc mộng Hoàng lương” để diễn tả sự mơ ước hảo huyền – cuộc đời như giấc mộng.

GIẤC MỘNG NAM KHA

Lý Công Tá đời Đường viết “Nam Kha Ký” kể câu chuyện sau đây:

Có một anh thư sinh tên là Thuần Vu Phần, hướng Nam nhà anh có một gốc cây hòe già, cành lá sum suê.

Một hôm anh uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây. Bỗng anh nhìn thấy có người mời anh đến “Đại Hòe An Quốc”, đến nơi, Quốc Vương nước này tiếp kiến anh, ca ngợi học vấn và tài hoa của anh, đồng thời phong anh làm Thái Thú quận Nam Kha, gả công chúa cho anh.

Anh làm quan ở đó hơn 20 năm, sinh con đẻ cái, sống cuộc đời giàu sang phú quý. Cuối cùng anh được sai đi đánh giặc, chiến bại trở về, vợ chết, nhà vua nghi ngờ, thải hồi anh về quê.

Vừa lúc anh tỉnh dậy, biết đó chỉ là giấc mộng. Cái “Đại Hòe An Quốc” kia thì ra chỉ là cái tổ kiến lớn ở dưới gốc hòe già và quận Nam Kha chỉ là cái cành phía Nam, của cây hòe.

Đời sau dùng “Giấc mộng Nam Kha” để châm biếm những người may mắn nhất thời, liều mạng leo lên, cuối cùng rơi tỏm xuống với hai bàn tay trắng. Cũng ví với những người bị mê hoặc bởi những cái hảo huyền, cuối cùng vỡ mộng.

XUẤT GIA VÌ 4 ĐIỂM THUYẾT GIÁO

CỦA ĐỨC ĐẠO SƯ

Tại rừng Lộc Uyển, vua xứ Kuru gặp Tôn giả Lai Tra Hòa La, vua xin phép hỏi đạo.

Vua:

- Bạch Tôn giả! Người đời thường xuất gia vì 4 sự suy vong: Lão suy (già cả), Bệnh suy (bệnh tật), Tài suy (nghèo thiếu), Thân suy (không người thân thuộc). Nhưng theo Trẫm biết thì Tôn giả xuất gia không phải vì 4 lý do đó. Vì Tôn giả: trẻ đẹp, mạnh khỏe, giàu có, có nhiều vợ đẹp! Vậy thì Tôn giả xuất gia vì những lý do nào?

- Đại vương, tôi xuất gia vì 4 điểm thuyết giáo của đấng Đạo Sư mà tôi thấy đúng như thật. Thứ nhất: Ngài dạy mọi sự thế gian là Vô thường.

- Nghĩa là sao? Xin Tôn giả giải thích.

- Như thân thể của Đại vương đó, lúc nào cũng như lúc nào hay mỗi lúc một khác?

- Như vậy là Trẫm đã hiểu. Quả thật, thân thể là Vô thường, đổi khác luôn luôn, nhất là ở tuổi già như Trẫm. Năm nay đã khác năm ngoái, nói gì đến tuổi trẻ với lúc già, thật khác nhau như trời vực. Còn điểm thứ hai là gì, thưa Tôn giả?

- Thứ hai là Vô hộ, Vô chủ: Không ai giúp đỡ mình được, không làm chủ được thân mình.

- Sao lại không? Như Trẫm đây biết bao nhiêu người phò tá. Trẫm làm chủ cả nước, muốn chi được nấy, làm sao Tôn giả lại nói vậy?

- Đại vương, Đại vương có thể đem cái tài sản, ngai vàng để thuê mướn kẻ khác bệnh thay, già thay, chết thay cho Đại vương được không?

- Cái đó thì không được!

- Ví như Đại vương tạo nghiệp ác, phải đọa địa ngục, thì Đại vương có thể đem tài sản ấy đút lót cho Diêm vương để khỏi đọa, hay chính mình làm mình phải chịu?

- Đúng như vậy, mình làm mình chịu, không ai thay được. Thế là Trẫm đã hiểu Vô hộ. Còn Vô chủ thì sao?

- Đại vương có thể làm chủ cái thân xác Đại vương được chăng? Bảo nó không được bệnh, không được già, không được chết, nó chịu nghe chăng? Bảo cái tay đừng run, chân đừng quỵ, mắt đừng lờ, tai đừng lãng được không? Đại vương có thể bảo cái thân của Đại vương khi nó bệnh rằng: “Hãy khỏe mạnh trở lại!” không? Và Đại vương có biết khi nào thì nó bệnh, khi nào nó chết không?

- Đúng thế, quả thật Trẫm không thể làm chủ được cái thân này, dù Trẫm đang làm chủ cả quốc gia. Còn điểm thứ ba là gì, thưa Tôn giả?

- Thứ ba là trên thế gian không có cái gì của mình.

- Ủa, sao Tôn giả nói vậy? Trẫm có biết bao nhiêu là kho tàng châu báu, giang sơn gấm vóc này thuộc về Trẫm. Nói gì đến vật, ngay cả đến người, Trẫm cũng sở hữu từ quan đại thần lớn nhất trở xuống, Trẫm sai đâu chạy đó, sao lại không sở hữu?

- Đại vương, khi Đại vương nằm xuống, ngài có thể đem theo hết tất cả kho báu, giang sơn xuống âm phủ để tiếp tục sử dụng, hay phải giao lại cho kẻ khác, còn mình chết hay không? Đại vương có thể bắt tất cả đình thần, quyến thuộc, dân chúng qua bên kia thế giới để Đại vương tiếp tục làm chủ, hay Đại vương phải ra đi một mình, để người khác thay thế Đại vương trị vì thiên hạ?

- Thưa hiền giả, đúng thế! Trẫm không thể mang theo cái gì khi chết và phải chết một mình trơ trọi, để lại giang sơn này cho người khác. Thảm thương thay! Còn điểm thứ tư là gì, xin Tôn giả hãy giảng?

- Thứ tư là thế gian này thật thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho dục vọng, tham lam không bao giờ vơi.

- Nói vậy Trẫm e chỉ đúng với những người thường, chứ Trẫm đây mà còn thiếu thốn thèm khát cái gì. Vì Trẫm muốn gì chẳng có, đâu còn thèm gì nữa.

- Đại vương, giả như bây giờ Đại vương được tin phi báo của đội quân tuần tiễu rằng: phía Đông có mỏ vàng, phương Nam có mỏ bạc, phương Tây có mỏ kim cương, còn ở phương Bắc hiện có một xứ giàu có, đất đai phù nhiêu mà gặp ông vua trụy lạc bê bối, cai trị mất lòng dân, nên sự nghiệp phòng vệ rất lỏng lẻo, thì Đại vương nghĩ thế nào?

- Thưa Tôn giả, Trẫm sẽ hội họp quần thần, cắt công tác cho vị này phụ trách khai thác mỏ vàng, mỏ bạc, vị kia đào mỏ kim cương. Còn cái xứ giàu có phì nhiêu dễ chiếm ấy, thì Trẫm sẽ sai võ quan cử binh tới chiếm để mở mang bờ cõi.

- Đại vương, đó chính là sự thèm khát, túi tham không đáy nơi Đại vương. Người đã có một nước thì thèm chiếm thêm nước khác, cho đến kẻ vô sản thì thèm bắt con vịt, con gà của hàng xóm về làm của mình. Đại vương kết tội kẻ trộm vặt, bỏ tù nó, mà quên rằng mình là kẻ trộm lớn khi mưu tính như vậy. Do đó mà Phật dạy: thế gian luôn luôn thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho lòng tham và dục vọng.

- Hay thay! Bạch Tôn giả, quả như lời Tôn giả, bốn điểm thuyết giáo của đức Đạo Sư thật vi diệu. Lành thay đức Thế Tôn! Trẫm xin quy y bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác và xin cáo từ Tôn giả.

- Đại vương, xin từ biệt.

Ngày xưa, cũng có một câu chuyện liên quan đến vấn đề Vô thường, nhan đề là “Nụ cười Án Tử” trong Tự Điển Danh Ngôn Đông Tây của Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường. Câu chuyện như thế này:

Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói: “Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già, bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyến luyến không nỡ bỏ nước Tề mà đi nơi khác”.

Bọn quân thần xiểm nịnh là Lữ Sử Không, Lương Khưu Cư thấy Vua khóc cũng rống lên khóc và tâu rằng: “Lũ hạ thần này đội ơn Vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn xe xấu mà cưỡi cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà Vua”.

Một mình Án Tử đứng bên cạnh phá lên cười vang.

Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử: “Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cư đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?”.

Án Tử thưa: “Tâu Bệ hạ! Nếu người giỏi mà giữ được mãi nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy Vua ấy mà giữ mãi, thì Bệ hạ nay chắc đang mặc áo tơi, đội nón lá, đứng ở đồng cày ruộng, có đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi, mới đến lượt Bệ hạ, mà Bệ hạ lại than khóc thật là bất nhân. Nay tôi thấy Vua bất nhân, lại thấy bề tôi xiểm nịnh nên tôi cười”.

VI. QUYẾT NGHI:

Có người nghi rằng: Đạo Phật nói Vô thường, phải chăng vô tình gieo vào lòng mọi người những quan niệm chán đời thối chí?

Vì sự vật đã Vô thường thì không nên làm gì cả, có siêng năng hoạt động kinh doanh sự nghiệp rốt cuộc cũng không đi đến đâu! Tro bụi, người sẽ thành tro bụi hay sao?

Xin đáp: Đạo Phật chỉ ra định luật Vô thường giúp chúng sanh một cách nhìn đúng đắn về vạn sự vạn vật, thấy rõ mặt trái của đời, để loại trừ những sự mê lầm ngăn chặn người chạy theo vật dục.

Đức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với bệnh “Chấp thường còn không mất” thì dùng phương thuốc “Vô thường” để đối trị.

Khi lành bệnh, Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quý báu hơn, là “Chơn Thường bất biến” mà trong kinh Phật thường dùng danh từ “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”.

Trong phạm vi bài này chỉ nói về “Vô thường”, nên mạn phép giới thiệu bài thơ “Sắc Sắc Không Không” của tác giả Hương Tuyền đã nói lên một phần nào về “Chơn Thường bất biến”:

“Thuyền đi cô lái chẳng ngừng

Mái chèo cô đập lên vầng trăng trong.

Trăng tan ra khắp dòng sông,

Như đàn rắn bạc vẫy vùng đua bơi.

Ngừng chèo cô lái đò ơi!

Nước trong: trăng lại sáng soi giữa dòng.

Có chi là Sắc là Không,

Tan rồi lại Hợp, Hoại xong lại Thành.

Có chi là Tử là Sanh,

Tử Sanh cũng bởi Nghiệp mình tạo ra.

Có chi là Bệnh là Già,

Có thời vẫn Có, Không mà vẫn Không.

Vì Tâm kia vốn là Không,

Không Sanh Không Tử cũng không Bệnh già.

Không Thiện Ác, không Chánh Tà,

Không hình không tướng không Ta không Người.

Không biến chuyển không đổi dời,

Thân kia dẫu mất, Tâm thời còn nguyên.

Sắc Không thử ngẫm mà xem,

Khác chi mặt nước trăng in giữa dòng.

Đó là Sắc Sắc Không Không!

C. KẾT LUẬN:

Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Hiểu lý Vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái, mê mờ.

Chúng ta đã đau khổ vì màu sắc tốt xấu, vì tiếng dở hay, vì mùi vị ngọt bùi, cay đắng, vì vật thích thân, vừa ý.

Nay chúng ta uống thuốc “Giáo lý Vô thường”, để trừ bệnh tham ái và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn.

Biết được Vô thường, con người dễ giữ được bình tĩnh thản nhiên trước cảnh đời đổi thay bất ngờ và có thể lạnh lùng trước cảnh ân ái chia ly.

Biết Vô thường con người mới chán ngàn với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm chân lý an lạc thường còn.

Vì thật ra, cái vui chân thật thường còn, cái tánh chơn thường vẫn có, nhưng nó nằm bên trong cái lớp giả dối tạm bợ, vô thường của cõi đời này, nên chúng ta không thế thấy được.

Chúng sanh nhìn nơi tướng, Bồ Tát thì căn cứ nơi thể. Như khi nhìn biển – Tướng thì có sóng, Thể chỉ là nước. Tướng thì vô thường biến đổi, thể thì thường hằng bất biến.

Khi chúng ta cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối ấy, thì tất nhiên cái giá trị chơn thật, cái hạnh phúc chơn chánh, cái Phật tánh sáng suốt, chắc thật muôn đời sẽ hiện ra.

“Xin tạ ơn phố thị khách trần

Cho tôi thời khắc quán duyên thân

Cho tôi giác ngộ Vô thường huyễn

Tâm giải thoát hồng… dưới nắng Xuân”.

NHỮNG MẪU CHUYỆN VỀ VÔ THƯỜNG

Dạy Khỉ nói

Ngày xưa, có một ông vua nước nọ, đã hơn 70 tuổi, khi cao hứng liền ban ngay sắc chỉ xuống cho quan chức và thần dân: “Ai dạy khỉ nói được, nhà vua sẽ thưởng một ngàn lượng vàng, các quan ai làm được sẽ thăng chức cao, ai không làm được sẽ bị cất chức”.

Lệnh đưa ra, cả triều đình xôn xao, lo lắng vô cùng. Xưa nay có ai dạy khỉ nói được bao giờ. Đột nhiên, một ông lão hơn 70 tuổi đến xin yết kiến nhà vua. Lão quỳ trước bệ rồng tâu:

- Khải bẩm Hoàng thượng, thần có nghề gia truyền dạy khỉ biết nói, xin sẵn sàng làm theo ý Hoàng thượng.

Nhà vua hết sức hài lòng, nhưng ông lão lại nói thêm:

- Nghề dạy khỉ nói rất công phu, ít nhất 20 năm khỉ mới nói rõ ràng được như người. Vậy thần xin nhận trước 500 lượng vàng để đi khắp nơi tìm một con khỉ thật thông minh về dạy.

Nhà vua nghe nói rất hứng thú liền ra lệnh xuất kho cho ông lão 500 lượng vàng. Đình thần cũng mừng rỡ như trút được gánh nặng.

Nhưng khi ông lão về nhà, vợ con ông khóc lóc ầm ỉ nói với ông:

- Xưa nay có ai dám cả gan gạt vua bao giờ, ông có biết dạy khỉ bao giờ đâu mà dám nhận. Như vậy thì chỉ có “Tru di tam tộc” mà thôi.

Ông lão cả cười nói với vợ con:

- Nghe chi mà nghe lắm thế! Đức Phật đã dạy đời là vô thường. Năm nay tôi đã hơn 70, nhà vua cũng vậy, chắc chi nhà vua còn sống được đến 20 năm nữa. Mà vua chết, tôi chết thì chuyện chi cũng đều xí xóa cả, có chi mà lo!...

Thái Thanh

Nắm tro tàn

Ngày xưa… thuở đức Phật còn tại thế, một hôm có người Mẹ ôm xác con tìm đến đức Phật để khóc lóc và xin cứu sống cho đứa con của bà vừa mới chết.

Người Mẹ đau khổ tin vào thần thông và lòng từ bi vô biên của đức Phật sẽ cứu sống cho con mình.

Đức Phật thông cảm nỗi khổ đau của người Mẹ mất con và truyền cho bà đi xin một nắm tro mang về Ngài sẽ cứu. Nắm tro đó phải ở trong một căn nhà mà ba đời chưa có người thân thích chết.

Người Mẹ đau khổ vâng lời và ôm xác con vào xóm để xin tro tàn theo lời đức Phật dạy. Nhưng đi từ trưa đến tối, nhà này sang nhà khác, bà Mẹ đau khổ đều nhận được những câu trả lời giống nhau: “Gia đình chúng tôi cũng có người đã chết”. Chưa tuyệt vọng, người Mẹ đau khổ vẫn cố gắng đi thêm vài nhà nữa. Vì sợ nắm tro xin trong một gia đình có người chết sẽ không linh nghiệm nên bà Mẹ thương con vẫn cố gắng tìm kiếm.

Vẫn như những lần trước, bà Mẹ đau khổ đều nhận được những cặp mắt e ngại, những cái lắc đầu.

Suy đi tính lại, đã hơn một buổi và không nhớ rõ là đã vào mấy gia đình, người Mẹ tuyệt vọng lẩm bẩm: “Nhà nào cũng có thân nhân đã qua đời: thân thích, họ hàng ba đời biết bao nhiêu, làm sao tránh được cái chết”.

Trên đường trở về tìm đức Phật, người Mẹ mất con không còn kêu gào thảm thiết như lúc trước, tuy lòng thương nhớ con vẫn chưa nguôi. Đứng trước đức Phật, người Mẹ mất con kể rõ chuyến đi vừa rồi và thuật lại những lời từ chối của chủ nhà.

Nhân đó, đức Phật giảng về sự sanh tử, vô thường của kiếp người. Có sanh tất có khổ, có sống tất có chết.

Người Mẹ mất con đã thấu rõ lẽ sanh tử, vô thường, không riêng gì mình đau khổ vì có thân nhân qua đời, mà hầu hết mọi người đều nhận chịu định luật hủy diệt đó.

Cuối cùng, người Mẹ đành ôm xác con về chôn cất.

Minh Hưng



Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334



Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2013(Xem: 3894)
Nếu bảo rằng vì ngôn tự âm thanh đều vô thường nên không muốn đọc, không muốn nghe, thì chẳng khác nào đà điểu vùi đầu vào cát (để tránh hiểm nguy, hay trốn chạy thực tế?). Che mắt, bịt tai, từ ngàn xưa, vốn không phải là hành vi và thái độ của người trí. Người trí là người luôn mở mắt lắng tai để thấy, để nghe, để nắm bắt thực tại. Từ hàng thứ dân cho đến kẻ lãnh đạo (chính quyền, đảng phái, tôn giáo, tổ chức xã hội/dân sự, cơ quan truyền thông…), đều phải mở mắt, lắng tai, mới mong hiểu được sự thực.
19/10/2013(Xem: 8410)
Ngày 27, tháng 9, năm 2013 – “Nếu bạn có thể học đi xe đạp bạn có thể học làm thế nào để được hạnh phúc,” nhà sư Phật giáo 67 tuổi và là người hạnh phúc nhất trên thế giới nói. Khi còn nhỏ, nhà thơ Andre Breton, nhà làm phim Louis Buñuel và nhạc sĩ Igor Stravinsky là những vị khách thường xuyên của gia đình triết gia Ricard. Tuy vậy, nhận thấy đặc tính của những người bạn của song thân không có vẻ gì là hạnh phúc hơn nên Ngài đã tìm đến Hy mã lạp sơn bỏ sau lưng công việc của một nhà sinh học tại Viện Pasteur và thay đổi cuộc đời qua thiền tập. Tính đến lần cuối cùng, Ngài đã đạt được hơn 10,000 giờ đồng hồ. Phương pháp chụp MRI tinh tế tại phòng nghiên cứu về não bộ tại Wisconsin đã cho thấy mức lạc quan siêu đẳng và hầu như không có chút cảm nhận tiêu cực nào của Ngài. Ngài nói: “Tôi không thấy mọi thứ đều màu hồng nhưng những thăng trầm của cuộc sống không trụ trong tôi theo cách của đời thường.”
19/10/2013(Xem: 12349)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 25586)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 40963)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
12/10/2013(Xem: 12243)
Người ta thường đề cập đến quan điểm của các tôn giáo về cái chết, nhưng không mấy khi được nghe bàn luận về việc phải làm thế nào để đối đầu với sự đau đớn và bệnh tật. Thế nhưng con người lại thường hay đau ốm mà chưa chết ngay. Là những người Phật giáo, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem mình nên phản ứng ra sao trước sự đau đớn và bệnh tật có thể xảy đến với mình?
11/10/2013(Xem: 9290)
Trước hết phải là sự độ lượng ...
11/10/2013(Xem: 10741)
Khi Phật còn tại thế, Ngài thường dạy các đệ tử như sau: _ Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh xa: + Một là đắm say các dục vọng, tham muốn thấp hèn, thô bỉ, có tính cách phàm phu tục tử, không dẫn đến đức hạnh Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập, giác ngộ, giải thoát.
10/10/2013(Xem: 9887)
Đây là bài Kinh nói về hạnh nguyện độ sinh của Bồ tát Quán Thế Âm trong cõi Ta Bà giúp cho tất cả mọi người “quán chiếu cuộc đời” để đạt được giác ngộ, giải thoát.
08/10/2013(Xem: 4134)
Đức Phật từng dạy: “Không bệnh là lợi nhất, biết đủ là giàu nhất, bạn lành là thân nhất, Niết-bàn là an vui nhất” (Kinh Pháp cú). Bệnh là một trong bốn nỗi khổ lớn của đời người: Sinh, già, bệnh, chết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]