Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Áp dụng Phật Pháp vào đời sống

11/08/201307:09(Xem: 9020)
Áp dụng Phật Pháp vào đời sống
hoa_hong (8)

ÁP DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG 


HT. Thích Nhật Quang

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử.

Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?Phật tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.

Quả thật như thế, dù chúng ta có để tâm nghiên cứu học hỏi các phương pháp tu hành thật nhiều, nhưng không có phần hành trì, không hạ thủ công phu, thì cái hiểu của chúng ta cũng chỉ là hiểu, là kiến giải thôi. Vì vậy quí Phật tử nên quan tâm đến phần thực hành nhiều hơn. Công phu là công phu của chính mình, chứ không phải của ai hết. Chúng ta cũng không thể đợi chờ, ỷ lại vào một vị thầy nào. Ngay bây giờ, điều thiết yếu nhất là mỗi vị phải áp dụng tu hành. Người xưa dạy:Phật pháp không nhiều, người bền lâu khó có. Học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa. Trước sau không hề đổi, mới thật là người học Phật.

Qua lời dạy trên chúng ta thấy rõ, hiểu sâu hay nghiên cứu nhiều, mà không quan tâm đến phần hành, phần tu thì không mong có ngày thành tựu. Phật pháp không nhiều, quí ở giữ tâm ban đầu, thực hành chuyên nhất, mới thật là người để tâm tới việc học Phật. Chúng ta nắm được chìa khóa, biết cách mở cửa, chúng ta có thể mở được cửa vào nhà. Người đủ điều kiện mở cửa vào nhà mà cứ đi loanh quanh bên ngoài, chưa chịu mở cửa vào nhà, thì vẫn chịu kiếp lang thang. Chư Phật, Bồ-tát, các bậc Thánh hiền, những vị thiện hữu tri thức của chúng ta đều đã qua các giai đoạn thể nghiệm thật là sâu sắc, đến nơi đến chốn, do vậy các ngài được an lạc. Những gì các ngài dạy lại chúng ta đều từ sự thể nghiệm ấy. 

Người tu Phật không phải là triết gia, không phải thi sĩ, không phải học giả, mà là một người hành giả. Chúng ta chỉ có thể căn cứ từ nơi mình mà luận bàn, hơn là cứ tìm tòi chạy kiếm bên ngoài. Chúng ta nói tu học, nói áp dụng Phật pháp mà không trị được phiền não, không hết điên đảo lăng xăng, những mê mờ còn đọng lại trong lòng quá nhiều thì chưa thể gọi là tu Phật. Bởi vậy gặp chướng duyên tập khí tham, sân, phiền não, ganh tỵ, đố kỵ… dấy khởi lẫy lừng. Cho nên người con Phật phải quan tâm đến việc tu học của mình.

Người xưa dạy Phật pháp không có nhiều, tức là pháp Phật nói ra chung quy cũng chỉ có những điểm then chốt, chỉ mê khai ngộ giúp chúng sanh ta nhổ sạch gốc vô minh, phiền não. Những ai nhận được, hành trì đúng đắn, thể nghiệm hay sống được với thật pháp, nhất định có an lạc. Không nhất thiết chúng ta phải hành trì hết cả loạt những kinh điển đã được học, chỉ cần hành một phần nào trong đó thôi, cũng đã có an lạc rồi. Có khi ta học nhiều, nhớ thuộc, hiểu biết, trình bày càng nhiều càng làm loạn tâm thêm. Bởi vì như thế là tăng trưởng kiến giải, mà tăng trưởng kiến giải thì không thể an định được.

Chúng ta chỉ cần hiểu những điều chính yếu và khế hợp với căn cơ của mình thì có thể ứng dụng tu được rồi. Nắm được phương thức đó, nhất định chúng ta sẽ giác ngộ, giải thoát. Người xưa dạy Phật pháp không nhiều rất hay, bởi vì nếu Phật pháp nhiều, chúng ta sẽ không hành trì hết. Ta hành trì pháp thích hợp với mình, còn những phần khác hiểu qua thôi. Ví dụ kiểm nghiệm lại bản thân mình hay nóng nảy, nhớ lời Phật dạy quán từ bi trị bệnh nóng nảy thì nhắm thẳng phương pháp đó mà hành, nhất định hành cho đến nơi đến chốn. Có thế ta mới trị được bệnh nóng nảy của mình.

Học Phật pháp là để trị bệnh. Bệnh của chúng sanh là bệnh từ nhiều đời, nên thời gian điều trị không thể mau được. Do chúng ta mê lầm nên bị cuốn theo dòng thác sanh tử. Những tật xấu, những tập khí, những tham sân phiền não đã ăn sâu gốc rễ, nếu không bền lòng tận lực thì khó mong hết nổi. Biết như thế, bây giờ chúng ta nhắm ngay bệnh của mình mà trị. Chúng tôi rất tâm đắc với lời dạy Phật pháp không có nhiều. Chỉ cần nắm phần chính, phần thực sự khế hợp với mình và quyết tâm hành trì. Phật pháp mình hiểu là để áp dụng cho mình, trị bệnh của mình. Những huynh đệ đồng tu đồng học là những người cùng một lý tưởng, một khuynh hướng, một nhân duyên với mình. Đối với những vị này chúng ta nên hỗ trợ động viên để cùng tu cùng học. Thật ra nói cùng tu cùng học chứ thực tình việc tu học là cho chính mình, chứ không cho ai hết.

Người lâu bền khó có,là người có kiên tâm, có ý chí hành trì Phật pháp đến nơi đến chốn thật hiếm. Không phải không có, nhưng rất hiếm. Bản thân chúng ta cũng vậy, buổi sáng vui buổi chiều buồn, sáng phấn khởi, giữa trưa lại muốn bỏ cuộc, đại khái như thế. Nghĩa là chúng ta có bệnh bất nhất. Bởi bất nhất nên phần hành có nhưng quyết tâm bền chí, dũng mãnh tu tập cho đến nơi đến chốn thì rất ít người được. Người xưa phát tâm tu tập chừng nào bằng Phật mới vừa lòng, về phần này chúng ta thua người xưa nhiều.

Nghiên cứu lại lịch sử tu hành của các tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy Sơ Tổ Trúc Lâm, là một ông vua anh hùng của dân tộc. Khi Ngài đi tu đã hành hạnh đầu đà, đạt đạo dưới rừng trúc nên gọi là Tổ Trúc Lâm. Chúng ta cứ ngỡ một người quyền uy như thế, hưởng thụ như thế, chắc không tu nổi, mà nếu có tu cũng dễ rơi vào tình trạng bất nhất của mình. Nhưng không! Ông vua Việt Nam đi tu, lên rừng trúc tu hạnh đầu đà năm sáu năm trường, ngộ đạo rồi mới ra hoằng pháp lợi sinh.Cho nên bây giờ mới có hai bài Ngài viết để lại cho chúng ta là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo”. Người xưa đã làm được thì ngày nay chúng ta cũng làm được. Tổ thời Trần của tu như vậy, chúng ta cũng tu được như vậy. Các Ngài tu đắc lực, giác ngộ sáng được việc của mình, hôm nay chúng ta tu cũng giác ngộ, sáng được việc của mình. Bởi vì tinh thần giác ngộ, siêu thoát đó không dành riêng cho ai. Nó là thành quả dành cho các hành giả có tâm quyết liệt, khẳng định trong công phu tu tập. Vì vậy người tu phải có ý chí, kiên tâm bền bĩ, nhất định tu thành công.

Tâm ban đầu của chúng ta nếu được gìn giữ bảo quản liên tục, thì không có khó khăn nào, trở ngại nào ngăn cản bước chân ta nổi. Tâm ban đầu là tâm giác ngộ, tâm cầu thành Phật. Người tu nếu phát khởi tâm đó rồi, nuôi dưỡng liên tục trong suốt quá trình tu hành, nhất định tu sẽ thành công. Quý Phật tử nên nhớ phải phấn chí phát nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng mình, không thay đổi, không vì một sự duyên gì làm trở ngại việc tu hành cả. Nếu tất cả những người con Phật phát tâm tu hành, phát tâm học đạo giữ được tâm ban đầu của mình thì số người thành Phật rất nhiều.

Chúng ta có thấy được chỗ thâm yếu, vi diệu của Phật pháp thì mới phát tâm tin kính hướng về. Tu hành là tự nguyện, chứ không phải ai bắt buộc hết. Chúng ta phát tâm tìm hiểu, đến với đạo và học đạo. Chắc chắn quí vị thấy được giá trị đặc biệt của đạo mới đến với đạo. Ở ngoài đời, nếu nói về danh vị, nhiều Phật tử đã có danh vị, nhưng rõ ràng nó không thật sự đem đến an lạc, nên quí vị mới hướng về đạo. Khi vào đạo, biết được giá trị của đạo, chúng ta mới quyết tâm hành trì. Dù công phu có những trở ngại, nhưng cảm nhân giá trị của đạo, chúng ta quyết tâm từng bước đi lên, như thế nhất định sẽ sáng đạo.

Sáng đạo là gì? Chúng ta có thể sáng đạo được không? Được. Trước nhất nói đến tinh thần áp dụng đạo vào trong sống. Có người bảo: Đạo lý thì nói giải thoát mà đời sống là va chạm, phiền não, lăng xăng… Hai con đường ngược nhau, làm sao áp dụng để đạt đạo? Thưa quý vị, nghe qua thì như thế, nhưng thực sự đạo lý là để áp dụng vào đời sống. Đời sống có phiền não lăng xăng mới có chỗ cho chúng ta áp dụng đạo lý chứ. Chính cái mâu thuẫn ấy mới giúp chúng ta thành tựu được đạo lý trong cuộc đời. Người tu phải khéo, khéo áp dụng thì lợi lạc của đạo lý nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể nắm được, đến được, sống được đạo lý đó. Và vì thế, chúng ta có thể an lạc, giải thoát. Trước chúng ta có những bậc huynh trưởng, các ngài đã thành tựu. 

Ngày nay trên bước đường chúng ta đi, có bản đồ, có sự chỉ dẫn rõ ràng của những người đi trước, nhất định chúng ta cũng sẽ thành tựu nếu chịu cất bước. Song, nếu thiếu tâm bền lâu, không có ý chí thì khó mong thành tựu. Người tuy hiểu đạo nhưng không có tâm bền lâu, không có ý chí, sự hành trì một nắng mười mưa, bước tới một bước bước lùi ba bước, thì đi tới đâu. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có ý chí. Có ý chí làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Người gặp khó khăn bỏ cuộc, gặp trở duyên nản lòng sẽ không đi tới đâu.

Khi thấy được chỗ thâm diệu đặc biệt của giáo pháp, chúng ta học và yên tâm hành trì, nuôi dưỡng phát huy ý chí. Phải kiên cường, phải bền lâu, phải vững mạnh. Năm này chúng ta chưa làm được thì cuối năm hoặc đầu năm tới phải làm được. Ta không bỏ cuộc, không nản lòng, mà kiên tâm dứt khoát sẽ thực hiện được. Người có công phu hành trì rồi thì lòng sẽ rực sáng. Chúng ta khắc phục được một phiền não, trị được một cái dở của mình là bước được một bước trong công phu, trong lòng ta có niềm vui, có sự phấn khởi. Niềm vui đó sẽ là đà tiến, là cơ hội để chúng ta bước tới. Niềm vui đó lần lần sẽ tròn đầy, sáng rực trong lòng chúng ta.

Người tu theo đạo Phật nếu không vững niềm tin, không có niềm vui, sẽ không tu đến nơi đến chốn. Những niềm vui ấy không phải tìm bên ngoài, mà lưu xuất từ công phu hành trì của chúng ta. Ví dụ trước khi bắt đầu công phu, mình có bệnh nghe ai nói trái tai là hờn trong lòng. Hờn rồi tự nhiên bủn rủn, không muốn tu hành nữa, công phu cũng công phu mà dã dượi, không có nhuệ khí, không tăng tiến được. Những loại phiền não nho nhỏ như thế len lỏi trong lòng, chúng ta không có cách đẩy lui, nó sẽ phát triển. Nó phát triển trong các sự duyên, trong đời sống, trong tiếp cận hằng ngày của chúng ta. Càng phát triển nó càng làm mình không muốn tu nữa, cuối cùng tâm Bồ-đề lui sụt và chúng ta mất hết công phu, bỏ tu luôn.

Tôi nói những tùy phiền não thôi, không phải những phiền não chính như tham, sân, si mà còn nguy hại như vậy. Nếu chúng ta không có cách trị nó, chúng sẽ phát triển. Một hôm nào đó cái buồn sẽ buồn hơn, cái hờn sẽ hờn hơn v.v... Từ đó chúng ta không còn năng lực tăng tiến trên đường đạo. Tâm cứ u mê, mờ mờ mịt mịt, buồn thì không buồn hẳn nhưng nghe phiền phiền trong lòng, dã dượi lười biếng lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm, tùy phiền não khởi lên rất nhiều trong một ngày. Nó ở đâu mình cũng không biết nữa, nhưng cứ hiện ra một cách u u ám ám vậy. Loại này nếu không dứt khoát rất khó trị. Cho nên người không sáng suốt, không quyết tâm đối với Phật đạo khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phải mãnh liệt lên, mình mới vui vẻ, tăng tiến được.

Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu người tu thiếu sự kiểm soát, thiếu tích cực, chúng ta dễ lạc vào lối dở dở ương ương, không đi tới đâu hết. Thành ra người tu phải tích cực. Vì đây là tự nguyện, tự phát tâm, không ai bắt buộc, việc của mình thì mình phải làm, không đợi ai. Dù chúng ta có trông chờ, cuối cùng mình cũng làm thôi, chứ người ngoài không thể làm thay được. Như bây giờ chúng ta có Thầy, giả dụ Hòa thượng là người đạt đạo, dạy chúng ta tu nhưng mình không cố thực hành theo lời Ngài dạy, cứ để ngoại cảnh len vô phá vỡ sự thanh tịnh của tâm, thì dù Hòa thượng có thương xót, muốn độ bao nhiêu cũng không độ được. 

Thầy thành đạo mà đệ tử không tu cũng khó thành đạo. Vì đó là việc của mình, Thầy thương là chỉ dạy cặn kẽ phương pháp tu “con phải làm như thế, phải vượt qua như thế …” Nhưng chúng ta vượt qua, chứ không phải Thầy ban cho. Vì vậy quyết tâm hay kiên tâm là để trị bệnh ỷ lại, trông cậy, đợi chờ. Sự vật chung quanh chúng ta luôn đổi thay mau chóng, chúng ta liệu xem có thể đợi chờ được hay không? Hiểu như vậy, tất cả chúng ta phải gắng gổ, khắc phục hành trì. Mỗi người chúng ta là những hành giả phải về đến nhà, hưởng được lợi lạc trong Phật pháp.

Người học đạo phải là người biết rõ, vừa có ý chí vừa biết rõ. Biết rõ cái gì? Biết rõ tâm đạo của mình, biết rõ Phật đạo mình học, biết rõ chỗ đến của sự hành trì. Biết rõ để làm gì? Để chúng ta là chủ nhân ông quyết định cho sự tăng tiến của mình. Học đạo thì tiến cũng mình mà thoái cũng mình. Cho nên người tu Phật phải có tri thức, phải kiên tâm, biết một cách chắc thật mọi việc như thế. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp tu, phải hiểu chúng ta. Hiểu được như thế, nhận rõ như thế mới hy vọng Kiến Tánh.

Nói đến từ “kiến tánh”, có khi quý vị nghĩ “chắc điều này chỉ để cho mấy ông tổ, còn mình không kiến tánh nổi”. Không phải thế. Chúng ta tu phải là người vững tin nơi mình có sẵn tánh giác. Đã có sẵn thì việc nhận lại đâu phải quá tầm tay của mình. Người kiến tánh là người thấy được cái thật của mình. Thế thôi. Chúng ta thấy được khả năng tu hành có thể thành Phật của mình. Hoặc trái lại, mình biết bệnh một cách rõ ràng để trị liệu cho mạnh khoẻ trở lại. Chữ Tánh là gì? Tánh là không thay đổi, là chắc thật. Mình thấy được lẽ thật của các pháp, lẽ thật của chính mình, gọi là kiến tánh. Người kiến tánh là người tu hành bảo đảm, chắc chắn không lui sụt nữa. Như vậy có gì đáng sợ lắm đâu, tại sao chúng ta không dám nhận khả năng có sẵn của mình?

Có thể nói, chúng ta tu thì phải kiến tánh. Ở trên tôi nói chúng ta phải hiểu biết, phải thấy rõ. Bây giờ đã hiểu biết, đã thấy rõ thì phải kiến tánh, phải thấy được lẽ thật. Phật dạy:Chúng ta có khả năng làm Phật. Chúng ta có khả năng giác ngộ. Tất cả chúng sanh, không riêng ai hết đều có khả năng đó.Mình nắm chắc như thế, từ đó mà khởi xướng công phu. Chúng ta đến với đạo bằng cái thấy, cái biết của mình, hành đạo cũng từ cái thấy, cái biết ấy tức là cái kiến tánh của mình. Như thế công phu tu tập cũng từ kiến tánh mà sáng đạo. Cái đó mình có thể làm được, thực hiện được, đạt được ngay trong đời này.

Tu thiền không đăt nặng vấn đề tu chứng. Sở dĩ không nói là vì sợ chúng ta lầm chấp, chưa được mà nghĩ đã được. Ở đây với người tu thiền nêu lên tinh thần kiến tánh để chúng ta mạnh mẽ, chuẩn bị công phu tu hành, làm sao sáng được việc của mình. Sáng được việc của mình gọi là người sáng đạo. Người sáng đạo là người thấy được chất Phật, thấy được khả năng làm Phật của mình. Nếu quí vị đi chùa học Phật mà phát nguyện “Con đời đời làm chúng sanh” thì thôi, tu chi cho mệt! Tu mà nguyên xi như thế thì có lợi lạc gì đâu? Chúng ta biết chất Phật lâu nay mình có sẵn, nhưng chưa có cơ hội để nhận và sống được. Bây giờ mình có thầy có bạn, có Phật pháp chỉ đường, chúng ta phải gột rửa tất cả những gì bu bám xung quanh tánh Phật đó từ lâu nay, để hằng sống được với tánh giác. Đó là việc mình có thể thực hiện được. 

Trong công phu hằng ngày, có khi thầy chúng ta dạy một phương pháp rất bình thường, nhưng nếu khéo hành trì, chúng ta có thể sáng được việc của mình. Ví dụ hôm trước nhớ tới việc gì quí vị lao theo, tức là bị duyên dẫn đi. Bây giờ việc đó hiện ra, quý vị nhớ tới nhưng bỏ ngay, không lao theo. Đó là nhờ có học Phật, có hiểu Phật pháp, có hành trì, có ngồi thiền, mình biết những thứ đó là vọng tưởng không thật. Do vậy dù nó có hiện ba đầu sáu tay, mình cũng bái bái, không chạy theo nó, không để cho nó kéo mình đi. Vì thế mình dửng dưng bình thường đối với tất cả. Công phu ấy nếu được hành trì liên tục, quý vị sẽ được định tuệ, sẽ là người sáng được việc của mình. Từ đó Phật đạo hiện thành.

Người tu Phật, hành trì theo lời Phật dạy thâm niên, dù không nói sáng đạo hoặc sống đạo, mà tự nhiên bên trong có được Phật chất bình an, nó sẽ biểu hiện ra ngoài. Sự biểu hiện đó cho thấy người ấy rất an lạc, rất bình thản bởi các sự duyên chung quanh. Trong đời sống chúng ta dễ bị động bởi việc này việc kia, cho nên việc tu tập thiền định rất cần thiết. Người dễ bị động là người trong tâm chưa vững hoặc chưa sáng, nên cần phải hành trì Phật pháp nhiều hơn nữa. Nếu kiểm nghiệm thấy mình chưa chủ động được các việc, bên trong chưa sáng chưa vững, thì phải sắp xếp tu tập như thế nào cho vững sáng. Tu tập ở đây không có cách nào an toàn hơn làm sao thấy rõ, biết rõ, chủ động, đừng để mắc míu bởi bất cứ thứ gì. Bị kéo lôi bị mắc míu bởi một cái gì thì sẽ mất mình. Cố gắng làm sao làm chủ được, giữ được sự tỉnh sáng của mình là điều thiết yếu của một hành giả tu thiền.

Chúng ta mỗi người đều có một thói quen sâu dày riêng, nhà Phật gọi là nghiệp. Muốn trị được những thói quen ấy, phải dùng công phu. Muốn trị được thói quen, trước nhất chúng ta phải là người bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt mà trị được tập nghiệp của mình. Hòa thượng thường dạy phải tỉnh, phải giác. Làm sao lúc nào mình cũng tỉnh cũng giác, nghĩa là an nhiên, bình thường khi tiếp cận tất cả sự việc. Có tỉnh giác, có sáng suốt thì đối với thói quen mình có thể trị được, có thể làm chủ được, không bị nó dẫn đi. Thói quen là nghiệp. Như người có thói quen hút thuốc, khi hành công phu, họ tự dặn mình phải bớt hút thuốc hoặc bỏ hẳn. Trong điều kiện thuận tiện, không tiếp duyên với thuốc, họ dễ bỏ. Nhưng khi gặp duyên, gặp bạn ghiền thuốc, tự nhiên thói quen cũ hiện ra. Cũng như là người thích nhạc, đi ngang quán nhạc tự nhiên muốn đứng lại nghe hát. Cho nên muốn trị được những tập khí cũ, chúng ta cố gắng làm chủ được mình. Trong công phu chúng ta phải cố gắng, phải phấn đấu mới làm chủ được. Người biết tu như vậy, công phu liên tục trong mọi hoàn cảnh sẽ sáng được việc của mình không khó.

Nếu có công phu, chúng ta sẽ nhận ra được chất Phật của mình, trí tuệ sẽ hiện tiền. Từ đó mọi tập khí không làm gì được chúng ta. Thật ra tập khí sâu dày lắm, tuy mình có công phu, nhưng trị được những hơi hướm đó đòi hỏi phải quyết tâm. Để cho tập khí có cơ hội dấy khởi hoặc phát triển thì công phu hành trì của chúng ta sẽ găp trở ngại. Nhiều vị hành trì công phu nhiều năm mà thành quả không được bao nhiêu, bởi vì họ không làm chủ được những tập khí. Mỗi người có mỗi khuynh hướng nghiệp tập khác nhau, không ai giống ai cả. Ta tự biết mình có nghiệp tập gì thì nhắm thẳng cái đó mà tu. Một khi gột rửa được tập khí rồi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc, giải thoát. 

Bấy giờ không nói thành đạo, sáng đạo nhưng chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Người xưa có những phương thức hành trì thực tiễn, các ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Điển hình như những thiền sư thời Trần, các ngài dạy chúng ta phải nhìn lại mình, không chạy theo bên ngoài. “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.” Nhìn lại mình, soát xét lại mình, không bị những thứ bên ngoài kéo lôi, việc này ai cũng có thể làm được. Chỉ là mình không gan dạ, không làm liên tục nên không thành tựu. Nếu chúng ta gan dạ cố gắng hành trì liên tục như thế, nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.Chúng tôi mong mỏi dù trong hoàn cảnh nào, các Phật tử cũng có thể nắm vững yếu lý Phật dạy và áp dụng được. Lâu nay chúng ta bỏ quên, nên việc tu mất nhiều thời gian, chưa nếm được lợi lạc. 

Bây giờ chúng ta thấy rõ phương pháp tu, nhất định sẽ đến được chỗ sáng suốt, sống được với giác tánh của mình, không bị những tập khí làm trở ngại. Đời sống thanh thản, giải thoát là đời sống của người con Phật. Thiền Phật giáo Việt Nam, qua kinh nghiệm của các vị tổ sư, các Ngài đã chỉ dạy lẽ thật đó. Mong tất cả quí Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng những gì Phật Tổ đã chỉ dạy. Chúng ta đủ duyên hiểu và hành đến nơi đến chốn thì sẽ hưởng được những giá trị an lạc thiết thực nhất trong Phật pháp.

_____________________________

HỎI:
- Kính bạch Thầy! Con là một thiền sinh, có thắc mắc thế này: Chúng ta có cái biết thường hằng, bất sinh bất biến, nhưng khi chúng ta bị một tai nạn làm bất tỉnh, chẳng hạn như chúng ta bị chụp thuốc mê để giải phẫu, thì chẳng hiểu cái biết thường hằng đó nó đi đâu, xin Thầy hoan hỷ giải thích cho. Cám ơn Thầy.

ĐÁP:

Đây là câu hỏi trúng ngay cái ưu tư của tôi. Quý vị biết, sở dĩ sức khỏe tôi yếu là vừa rồi tôi cũng mới qua lần giải phẫu, bị chụp thuốc mê. Quãng thời gian chụp thuốc mê, tôi hoàn toàn không có cảm nhận gì hết, không biết gì hết. Khi nằm trong phòng giải phẫu, bác sĩ vừa vỗ tôi một cái, ông lấy cái gì chụp lên mũi tôi, lúc đó tôi quên bẵng đi cho tới hồi nghe có người cũng vỗ mình, biểu phải mở con mắt ra, rồi kêu uống nước, chừng đó tôi mới sực tỉnh. Thời gian từ khi chụp thuốc mê cho tới hồi kêu dậy, tối thiểu cũng phải hai tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn nữa. Tôi nhớ lại trong kinh Phật cũng nói Bồ-tát cách ấm còn phải lo. Cách ấm tức là khi mình bỏ thân này cho tới lúc nhận được thân sau, trong quãng đó chúng ta quên hết chuyện đời trước.

Ở đây nói riêng với người tu thiền thì thế này, chủ trương của người tu thiền là trí tuệ, tỉnh táo, sáng suốt. Cho nên chủng Phật phải được phát huy để trí tuệ luôn phát sáng. Ngay khi chúng ta còn mạnh khoẻ, nếu không cố gắng nhận cho được trí tuệ chân thật không sanh không diệt của mình thì khi các căn đóng lại, ta sẽ không còn cơ hội nhận kịp nữa. Do vậy, trong trường hợp bị chụp thuốc mê là các căn tạm thời đóng lại, nên tánh biết không có chỗ hiển lộ ra ngoài. Song không có nghĩa là nó không có. Chỉ vì chúng ta chưa nhận và sống được với nó nên thân căn khép lại, ta có cảm giác mình không biết gì nữa. Đối với người đạt đạo, nếu lìa rời thân tứ đại, tánh giác hòa cùng hư không trùm khắp. Chỗ này phải thân chứng, không thể dùng suy luận mà biết được. Nó không mất, chỉ không đủ duyên thì không hiển lộ ra thôi. 

Điều này có thể minh chứng được, vì khi thuốc mê hết, có người lay dậy chúng ta liền biết. Nếu tánh biết không sẵn có, làm sao mình biết được? Nó là cái chủ đạo, cái sẵn có của mình, luôn hiển lộ qua sáu căn. Nếu sáu căn tạm thời dừng hoạt động hay dừng hẳn thì tánh biết ấy sẽ trở về thể không lặng của nó, khi nào đủ duyên nó sẽ phát ra. Chúng tôi chỉ có thể tạm giải thích như vậy, nhưng thật ra điều này chúng ta phải thân chứng mới biết một cách đích thực, không thể suy nghĩ mà hiểu được. Suy nghĩ tức không đúng.


Thích Nhật Quang
(Thiền viện Thường Chiếu)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/10/2018(Xem: 4293)
Phải nghi trước, rồi gỡ được nỗi nghi xong, bấy giờ tin tưởng mới chắc thật. Đó là chuyện của người tộc họ Kalama ở thành phố Kesaputta thời hơn 2,500 năm về trước. Thực tế, thời nào cũng có người Kalama, chứ không phải chỉ trong thời xa xưa. Có thể đoán rằng, những người mang dòng máu Kalama mạnh nhất, hẳn là các nhà khoa học – thí dụ, như các nhà vật lý thiên tài Albert Einstein, Stephen Hawking... Chớ hòng ai thuyết phục họ tin cái gì không thuận lý.
04/09/2018(Xem: 8954)
Tu Tứ Đế Pháp, Bốn Chân Lý Chắc Thật, Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi Chứng Đạo dẹp tan sự quấy nhiễu của ma quân ở cõi Trời Tha hóa thứ sáu vào nửa đêm ngày mùng 8 tháng 2 năm Tân-Mùi. Việt lịch Năm 2256 HBK*. Tr.BC.596. Sau Thời Hoa Nghiêm Phật đến vườn Lộc Dã Uyển truyền dạy Bốn Pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị từng theo Phật cùng tu thuở trước, thành bậc Tỳ Khưu đắc đạo. Năm vị đó là: 1/. A Nhã Kiều Trần Như, 2/. A-Thấp Bà, (Mã-thắng) , 3/ .Bạt-Đề, 4/. Ma-Ha-Nam, 5/. Thập-Lực-Ca-Diếp. Năm Vị nghe pháp Tứ Đế rồi, tu tập chứng A La Hớn Quả. Tứ Đế Pháp: 1. Khổ Đế. 2. Tập Đế. 3. Diệt Đế. 4. Đạo Đế. -Khổ Đế, là Ác quả của Tập Đế. -Tập Đế, là tạo Nhân xấu của Khổ Đế. -Diệt Đế, là Thiện quả của Đạo đế. -Đạo Đế, là Nhân tu của Diệt Đế.
14/08/2018(Xem: 7466)
Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinhcủa Nam Tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây".
13/08/2018(Xem: 7311)
Các Phân Khoa Phật Giáo Thích Thái Hòa Tôi viết bài này, xin chia sẻ đến những ai muốn quan tâm đến lãnh vực giáo dục trong Phật giáo, nhưng chưa có điều kiện để nghiên cứu. Trong Phật giáo có năm phân khoa như sau: 1/ Phật giáo Đại chúng Thời Phật, xã hội Ấn Độ phân chia thành bốn giai cấp, gồm: - Bà-la-môn (Brāhmaṇa): Giai cấp Tăng lữ, giai cấp học giả của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Họ tự nhận sinh ra từ miệng Phạm-thiên. Giai cấp này làm mai mối giữa thần linh với con người. Họ có sáu quyền hạn: Tự ý làm đền thờ trời; làm thầy tế để tế trời; tự ý đọc Phệ đà (veda); dạy người khác đọc Phệ đà (veda); tự bố thí và tự nhận sự bố thí.
23/05/2018(Xem: 4162)
Bài viết này để trả lời một vài câu hỏi nhận được gần đây. Nếu giúp được một số độc giả, xin hồi hướng công đức từ bài viết để Phật pháp trường tồn. Trường hợp các câu trả lời bất toàn hay sơ sót, người viết, với vốn học và vốn tu đều kém cỏi, xin lắng nghe quý tôn đức chỉ dạy thêm.
10/03/2018(Xem: 10119)
To give the briefest conclusion that I can think of to the question- 'Do you think that sectarian diversity affects the stability of Buddhism as a whole?', I would have to say, 'Yes' and 'No'. My intention here is not to give a definitive answer, but to give readers 'food for thought', to enable each of us to be responsible and maintain pure intentions, to think for ourselves and develop genuine wisdom and compassion. In the spirit of the Dharma, rather than dwelling on any possible problems, we should mainly focus on solutions to any such problems. With the hope of maintaining the integrity and purity of Buddhism in this world.
03/02/2018(Xem: 16594)
Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gủi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
06/01/2018(Xem: 15499)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
08/12/2017(Xem: 18610)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
19/11/2017(Xem: 8203)
Tình, Tưởng. Cả hai đều thuộc về phạm trù của Tâm con người, không có ở trong các loài súc sinh, mặc dù súc sinh có cái biết bằng Giác (giác hồn, sinh hồn) nhưng, không tinh khôn bằng loài người, do Phật tánh bị chìm sâu bởi thú tính cao vời. Chỉ có loài người, Phật tánh được hiện hữu ở ba cấp thượng, trung, hạ, cho nên loài người là linh vật, chúa tể của muôn loài có khả năng dời núi, lấp sông do bởi cái tâm có tánh giác tinh anh Phật, Bồ Tát, Thánh, Phàm. Nói khác hơn, con người chỉ có một tâm nhưng, nó tự chia ra hai phần : Chủ tể và phụ tể. Nói theo Duy Thức Học; là Tâm vương, Tâm sở. Vai trò của Tâm vương là chủ động tạo tác ra vô số lời nói, hành động thiện, ác. Vai trò Tâm sở là duy trì, bảo vệ những thành quả (sở hữu) mà cũng chính nó tức tâm vương đã sáng tạo ra. Nghĩa là cái Tâm con người, nó vừa tạo tác ra các nghiệp, lại vừa đóng vai
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]