Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thái Độ Của Người Phật Tử Đối Với Của Cải Vật Chất

30/04/201317:36(Xem: 6547)
Thái Độ Của Người Phật Tử Đối Với Của Cải Vật Chất

namphattu_1THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Đối Với Của Cải Vật Chất


Rajah Kuruppu
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Rajah Kuruppu, Chủ Tịch Hội Những Người Phụng Sự Đức Phật(Servants of Buddha Society), Chủ nhiệm Ban Biên Tập tạp chí The Vesak Sirisara.

Ông sinh ra trong một gia đình danh vọng và giàu có. Cha ông là Bộ Trưởng Chính Phủ Địa Phương và Văn Hoá. Bản thân ông cũng đã giữ những chức vụ như Thư Ký Chính Phủ, Bộ Khai Triển Kế Hoạch và Đầu Tư. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 60, ông dốc toàn thời gian và sức lực vào nhiều Phật sự, như là từ thiện và xây nhà cho người nghèo.

++++++++

Người giàu có được coi là có đầy đủ hay dư thừa tài sản. Có nhiều loại tài sản như tiền bạc, hay kiến thức hoặc thông tin kinh tế, tâm linh. Tuy nhiên bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào quan điểm của Phật giáo đối với của cải vật chất và kinh tế.

Mặc Cảm Tội Lỗi

Người Phật tử không nên có mặc cảm tội lỗi vì sinh ra trong gia đình giàu có, được thừa hưởng gia sản hay khi tích luỹ của cải vật chất. Những điều này cần được coi là quả của nhân thiện trong quá khứ. Luật nhân quả đóng một vai trò quan trọng trong triết lý của Phật đạo. Nhân thiện sẽ đưa đến kết quả lành và nhân bất thiện sẽ đem lại quả xấu ác. Do đó, được sanh vào gia đình giàu có là quả của nhân thiện trong những kiếp trước trong vòng sinh tử luân hồi. Được thừa hưởng gia tài và tích lũy được tài sản trong kiếp này cũng được coi là quả của hành động thiện lành trong chính kiếp sống này hay những kiếp quá khứ. Những hành động thiện lành như bố thí, rộng lượng sẽ đưa đến quả giàu có trong tương lai.

Sự Nghèo Khó

Nhiều tôn giáo cho rằng sống trong sự nghèo khó là được gần hơn với đấng thượng đế đầy quyền lực. Tuy nhiên, Phật giáo không chấp nhận việc có một đấng tối cao có toàn quyền định đoạt số phận của nhân loại. Đối với người Phật tử chỉ có Đức Phật, vị Thầy mà trời và người không thể so sánh với, là người có thể dìu dắt đệ tử của Ngài ra khỏi bản chất khổ đau của cuộc sống trong luân hồi. Hơn thế nữa, Phật giáo không lý tưởng hoá sự nghèo khó mà còn coi sự nghèo khó là nguồn gốc của tội ác và là chướng ngại của sự tiến bộ tâm linh. Nghèo khó là trái ngược với giàu có, và những ai phải chịu đói khổ, thiếu ăn khó thể có phương tiện, điều kiện để hướng tới sự phát triển tâm linh. Người Phật tử thường trải lòng từ bi đến những người phải bị nghèo đói và Đức Phật, chính Ngài cũng khuyên các vị vua chúa trong thời của Ngài hãy dùng mọi phương tiện để xoá bỏ đói nghèo. Có lần Đức Phật đã quán sát thấy một người đến nghe Pháp của Ngài đang bị cơn đói hành hạ, nên đã dạy đệ tử của Ngài trước tiên phải cho người đó ăn vì người ta không thể thâu nhận được giáo lý của Đức Phật khi họ đang đói.

Sự Tích Luỹ

Phật giáo không giới hạn mức độ của cải vật chất mà người ta có thể tích lũy được. Điều giới hạn duy nhất là của cải đó phải được tạo ra bằng những phương tiện chân chính, công bắng, không làm hại đến sự phát triển tâm linh của mình và lợi ích của người khác. Một yếu tố trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật để giúp ta thoát khỏi những khổ đau trong luân hồi là chánh mạng. Khi kiếm sống, ta cần tránh những nghề nghiệp liên quan đến vũ khí; đến con người như là mua bán nô lệ, mua bán phụ nữ; cướp mạng sống của con người; chế tạo thuốc độc và những chất gây say. Ta cần phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện, không thể bị chê trách, kết tội. Trong Phật giáo, sự chủ tâm rất quan trọng. Đức Phật đã nói như sau: “Hỡi các tỷ kheo, ta coi sự chủ tâm, tư tâm sở là nghiệp (cetanaham Bhikkhave, kammam vadami)”. Khi đã có chủ tâm, người ta sẽ biểu hiện ra bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ. “Nếu con người tạo ra của cải vì lòng tham muốn, hay để tỏ ra thành công hơn người khác, để trở nên trác táng, sống một cuộc đời quá hoang phí, vô tâm, thì đó là hành động bất thiện. Trái lại, nếu ta làm việc chăm chỉ hầu tích lũy tài sản để hoàn thành trách nhiệm với gia đình, thân quyến, bạn bè, mục đích thiện và để giúp những người cần được giúp đở thì những hành động đó được coi là thiện lành, đáng được tán thán”.

Một điển hình cho việc tích lũy tài sản một cách đúng đắn vì những mục tiêu đáng được tán thán trong thời của Đức Phật là ngài Anathapindika, một người giàu có nổi tiếng. Ngài tạo ra tài sản bằng sức lực của mình để hoàn thành các trách nhiệm và để ủng hộ những mục tiêu xứng đáng, mà nổi tiếng nhất là giúp đở Đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp.

Chất Chứa Và Bám Víu

Sự chất chứa và bám víu vào của cải, dầu đã được kiếm bằng những phương tiện đúng đắn, cũng tạo ra nghiệp ác. Sự chất chứa và bám víu vào tài sản là chướng ngại đối với việc thanh tịnh hoá tâm, để đưa đến việc đạt được mục tiêu cuối cùng của người Phật tử là Niết bàn. Hơn thế nữa, việc chất chứa và bám víu không giúp ta có được hạnh phúc, an bình trong chính kiếp sống này vì của cải vật chất đó không được sử dụng để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.

Một trong những người giàu nhất trên thế giới trong những năm cuối dưới thời thực dân Anh ở Ấn Độ là Nizam của Hyderabad. Ông ta bỏn xẻn đến nỗi hút cả những mẫu thuốc lá còn thừa lại của khách. Khi bác sĩ đến nhà để đo điện tâm đồ (E.C.G) cho ông, thì máy đo không thể hoạt động. Cuối cùng bác sĩ khám phá ra rằng để tiết kiệm điện, ông ta đã giảm cường độ điện trong nhà, đến nỗi không chiếc máy điện nào có thể hoạt động trong ngôi nhà đó. Phòng ngủ của gia đình Nizam thì giống như một căn lều trong khu ổ chuột với giường gối tả tơi, vài ba chiếc ghế, mấy gạt tàn thuốc tràn đầy những mẫu thuốc lá thừa và những chiếc giỏ rác. Sự kiện này đã được ghi lại trong quyển sách nổi tiếng, Freedom At Midnight (Tự Do Lúc Nửa Đêm), thiên sử về sự đấu tranh dành độc lập của dân Ấn Độ, do các tác giả Larry Collins và Dominique Lapierre thực hiện.

Hoàng đế Pasenadi, nước Kosala, có lần đã bạch với Đức Phật rằng ông đã đến Kho Bạc Nhà Nước để thừa nhận tài sản của một người rất giàu có, chết đi mà không có người thừa hưởng gia tài. Người này khi còn sống, dù rất giàu có, đã sống rất khổ sở, thiếu thốn. Đức Phật đã giải thích rằng trong một tiền kiếp, người này đã bố thí rộng rãi, nhưng sau đó lại hối hận, nên đã tạo ra nghiệp ác. Do hành động thiện là bố thí, nên ông có thể tích luỹ được tài sản nhưng lại không có ý muốn sử dụng nó cho lợi ích của bản thân hay cho người khác vì hành động bất thiện của việc tiếc nuối, hối hận vì đã bố thí. Sự giàu có như thế đã được so sánh với một hồ nước trong lành, mát mẻ, sạch sẻ nhưng ở trong một khu rừng thâm sâu hiểm hóc. Người ta khó thể đến được hồ nước vì lẽ đó. Cũng thế là việc có của cải, tài sản nhưng không có ý muốn dùng nó để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.

Người Xuất Gia & Người Tại Gia

Đức Phật đã tạo ra những giới luật khác nhau cho người xuất gia và tại gia. Người xuất gia đã từ bỏ thế giới vật chất và đời sống thế tục để dốc toàn lực và thời gian của họ vào việc phát triển tâm linh và đem lại lợi ích cho xã hội. Họ không được tự do tạo ra của cải. Tài sản riêng của họ phải giới hạn đến mức tối thiểu trong thực phẩm, y áo, thuốc men và chỗ trú ngụ. Một vị tu sĩ có thể nhận những phẩm vật khác cho Tăng đoàn, nhưng nếu cá nhân người ấy có nhiều vật sở hữu riêng, thì điều đó phản ảnh sự tham đắm và bám víu, không đúng với giới luật của người tu. Những giới hạn về việc tạo ra tài sản cá nhân như thế không áp dụng đối với người tại gia. Người cư sĩ cần có nghề nghiệp để hỗ trợ gia đình và bản thân. Có người bằng lòng với việc sở hữu một tài sản khiêm tốn, nhưng cũng có người dựa vào nhiều tài sản vật chất hơn. Đối với Phật giáo, nếu người cư sĩ tạo ra của cải bằng phương tiện chân chính, để sử dụng cho mục đích thiện lành thì không bị lên án. Phật giáo cũng có quan điểm tương tự về quan hệ tình dục. Tu sĩ không được có quan hệ tình dục nhưng người cư sĩ thì được phép, miễn là hành động đó không làm hại đến người khác và tuân theo luật lệ hôn nhân gia đình.

Các Giới Hạn

Người khôn ngoan phải biết giới hạn của đồng tiền. Dầu có người nói rằng tiền mua được tất cả, nhưng suy nghĩ như thế thì thật là nông cạn. Ngay chính một nhu cầu đơn giản thường nhật như một giấc ngủ ngon, tiền cũng không mua được. Nhiều người sống trong những ngôi nhà cao sang, với bao tiện nghi dành cho sự ngủ nghỉ, nhưng họ cũng không thể ngủ ngon giấc dầu dùng cả đến thuốc ngủ. Ngược lại, có những người thật nghèo khổ, lại ngủ ngon lành dưới một gốc cây, đầu gối trên cánh tay. Hơn nữa, ta không thể dùng tiền bạc để xua đuổi tuổi già, bệnh tật và cái chết hay dùng tiền bạc để kéo dài tuổi thọ. Cũng đúng là tiền bạc có thể giúp ta giảm bớt phần nào cái khổ của tuổi già và bệnh tật. Thí dụ, của cải vật chất có thể giúp người già được thoải mái hơn, và khi bệnh tật, người giàu có thể tìm được những phương tiện chữa trị và tư vấn tốt hơn. Tuy nhiên, tuổi già, bệnh tật và cái chết không thể tránh được nhờ giàu có. Lúc chết, ta phải để lại phía sau tất cả tài sản, cũng như người thân yêu, bạn bè. Những lời dạy của Đức Phật liên quan đến vấn đề này được tìm thấy trong Trung Bộ Kinh vẫn còn nguyên giá trị: “Khi đã đến lúc chết, không ai, dầu là quyến thuộc hay bạn bè, có thể ngăn chặn điều này xảy ra. Của cải phải để lại cho người thừa tự, còn người chết chỉ có thể mang theo nghiệp của mình”. Không có của cải, tài sản nào có thể mang theo qua thế giới bên kia. Tiền bạc không có nghĩa lý gì sau khi chết. Cái có thể được chấp nhận trong cuộc hành trình vào tương lai trong luân hồi, sau khi chết chính là nghiệp của mình, cả thiện và ác nghiệp. Chỉ có những hành động thiện giúp được chúng ta trong kiếp lai sinh trong làn sóng dữ của luân hồi. Cả người giàu và nghèo, người khôn và kẻ dại đều phải đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống –những thành bại, hạnh phúc và khổ đau. Kẻ dại thì vui mừng với sự thành công, đau khổ tràn đầy với thất bại. Nhưng người trí thì không để những biến cố này lay động họ, vì họ biết rằng đó là thế gian, và rằng tất cả đều vô thường. Do đó, trí tuệ vượt trội hơn tài sản vật chất vì nó giúp ta hạnh phúc, bình an trong tâm và trong cuộc sống. Dầu tiền bạc, của cải vật chất có thể là quan trọng khi chúng được sử dụng cho các mục đích cao cả, nhưng cũng không nên quá đề cao nó. Những giới hạn của nó đối với việc đạt được mục tiêu đi đến Niết bàn của người Phật tử cũng cần phải được xét đến. Dầu ta có thừa nhận rằng tiền bạc là vốn quý để cải thiện an sinh xã hội và tạo ra hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển tâm linh, nhưng ta cũng cần phải nhớ rằng xét cho cùng, chính là sự trưởng thành về tâm linh và trí tuệ mới đưa ta đến việc đạt được Niết bàn.

Những Rủi Ro

Người trí cũng biết rõ về những rủi ro của việc giàu có. Người giàu có thường có khuynh hướng trở thành khoe khoang, đánh mất đức tính khiêm cung cao quý. Ngoài ra họ cũng có khuynh hướng phát triển tâm bám víu mạnh mẽ vào những quyền lợi mà sự giàu có mang đến cho họ như quyền lực, vị thế, được nể trọng và có thể hưởng thụ những tiện nghi vật chất. Hơn thế nữa, một phần tài sản của họ cũng có thể bị đổ vào các hành vi bất thiện, trái với giới luật của Đức Phật như là sử dụng chất gây say, các loại thuốc độc hại, tham gia vào các hoạt động tình dục không chính đáng và cờ bạc. Ý thức được những nhược điểm này của sự giàu có, người trí luôn giữ tâm tỉnh giác để đảm bảo rằng sự giàu có không đưa họ vào con đường bất thiện. Trái lại, họ sẽ sử dụng tài sản của mình cho những hoạt động thiện lành, hữu ích và hoằng dương chánh pháp để đem lại an ủi tâm linh cho người. Những lời dạy sau đây của Đức Phật được ghi lại trong kinh Pháp Cú đã làm rõ hơn vấn đề này. “Tiền bạc chỉ huỷ hoại kẻ ngu, chứ không phải người sống có mục đích”. Mục đích ở đây là Niết bàn hay là sự giải thoát khỏi những khổ đau của luân hồi sinh tử, mà ta có thể đạt được qua việc thực hành theo Bát Chánh Đạo của giới, định và tuệ. Người trí sẽ không lạc bước khỏi con đường này chỉ vì sự giàu có của mình, mà sẽ sử dụng tài sản cho sự phát triển tâm linh của bản thân và của người khác.

Sự Đo Lường Giá Trị

Điều quan trọng cần ghi nhớ là Phật giáo không đo lường giá trị của một cá nhân hay một quốc gia qua của cải vật chất. Phật giáo cũng không bài bác sự tích lũy tài sản, coi đó là một hành vi xấu xa. Phật giáo thực sự đo lường giá trị của tiền bạc qua những phương cách kiếm tiền và việc chúng được sử dụng cho mục đích gì. Tiền bạc, của cải vật chất kiếm được bằng những phương tiện chân chánh và được sử dụng cho những mục đích thiện lành sẽ thực sự có giá trị.

Lời Kết

Do đó, Phật giáo không kết án sự thừa kế, sự kiếm tiền và tích lũy tài sản của người cư sĩ. Nếu tài sản được kiếm bằng những phương tiện chân chánh, không làm hại đến người khác, và được dùng để hoàn thành các bổn phận, cho những mục đích thiện lành, và người sở hữu không chất chứa, bám víu vào những của cải đó, thì không có gì trái với đường lối sống theo Phật giáo. Điều quan trọng là người trí cần phải ý thức đến những hậu quả tai hại mà tiền bạc có thể đem đến, để cảnh giác, để đảm bảo là tài sản của mình không hướng đến những hoạt động xấu ác làm hại bản thân và người khác.

Thông thường sự giàu có dễ đưa đến những hậu quả bất thiện. Những lời dạy của Đức Phật với hoàng đế Pasenadi của Kosala được ghi lại trong Tương Ưng Bộ Kinh đáng để cho ta suy gẫm và khiến người giàu có phải cảnh giác. “Thưa Đại Vương, những người, có được tài sản lớn, mà không bị chúng làm say đắm, không bị dẫn dắt đến sự vô tâm và sự hưởng thụ vô ý thức gây tai hại cho người, rất hiếm hoi trên đời này”.

Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Buddhist Attitude Toward Wealth, Nguồn: www.buddhisttimes.net/2010/03/01)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/07/2012(Xem: 17032)
Cách đây vài năm, để tìm tài liệu cho cuốn sách của tôi ‘thế giới vắng bóng con người’ (the world without us) tôi có viếng thăm một bộ lạc ở Ecuador, Nam Mỹ. Mảnh đất nhỏ này may mắn còn sót lại của rừng già Amazon nổi tiếng màu mỡ, nhưng cũng bị khai thác đến mức cạn hết nguồn thực phẩm nên người dân bộ lạc bắt buộc phải săn bắn loài khỉ nhện (spider monkey) để ăn thịt. Điều này làm cho họ rất đau lòng bởi vì họ vẫn tin rằng họ là con cháu của loài khỉ nhện này.
05/07/2012(Xem: 15182)
Truyen Tam Phap Yeu Giang Giai
05/07/2012(Xem: 11542)
Nếu muốn đạt được sự giải thoát, trước hết chúng ta phải quán xét thật cẩn thận những gì chung quanh ta, hầu quán nhận được bản chất đích thật của chúng...
04/07/2012(Xem: 9309)
Chư Phật Như Lai đã lìa mọi cái thấy, mọi tưởng, nên tâm không chỗ nào không hiện diện. Tâm chân thật ấy là tánh của tất cả các pháp.
26/06/2012(Xem: 13378)
Bồ đề tâm là vua các phép lành. Phát Bồ đề tâm là điều tối cần thiết của một đệ tử Phật. Có nhiều bản văn của chư Tổ viết để khuyên người phát tâm vô thượng ấy.
24/06/2012(Xem: 7913)
Đây là nhắc nhở cho tất cả về ý nghĩa "Đưa Tâm Về Nhà". Bây giờ mình phải ngược dòng lưu chuyển để đưa tâm về nhà. Như đã nói, hiện tại mình đang ở đây nhưng tâm mình thì đang lang thang ở quê người, đó gọi là xa quê, xa nhà, là mất gốc. Lang thang đây là lang thang ở trong các trần, đuổi theo các duyên, nó buông cái này, bắt cái kia hoài không chịu dừng. Chính đó là tâm sinh tử, là tâm biến động. Do vậy mà trôi theo dòng luân chuyển sinh tử luân hồi. Vua Trần Thái Tông tuy là vua nhưng ông cũng tu thiền, sáng tỏ được tâm nên trong bài kệ "Núi Thứ Nhất", vua nói rằng:
19/06/2012(Xem: 4731)
Một thời, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khóm rừng ở Icchànangala. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại. Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
19/06/2012(Xem: 3963)
Trong kinh điển Phật giáo, có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một số câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc...
18/06/2012(Xem: 5072)
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.
18/06/2012(Xem: 3428)
Bây giờ tôi muốn giải thích về ba lời khuyên của ngài Atisha, gọi là Ba Kim Cương. Trong rất rất lâu, chúng ta trôi lăn trong luân hồi từ đời này sang đời khác. Chúng ta đã chết và tái sinh và lại chết, điều này gần như vô tân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]