Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại thừa

26/05/201212:00(Xem: 6995)
Nguyên lý hòa bình trong Phật giáo Đại thừa


lotus_3

Đã từ lâu, vấn đề vai trò của tôn giáo trong việc kiến tạo và bảo vệ nền hòa bình thế giới đã thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chính khách mà hầu như của tất cả những ai đang ưu tư đến sự an ninh của toàn cầu. Kể từ Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Kyoto, Nhật Bản vào tháng 10-1970, qui tụ 250 đại biểu từ 39 quốc gia đại diện cho mười tôn giáo chính trên thế giới, đã xuất hiện những thay đổi rất có ý nghĩa trong cộng đồng các tôn giáo trong nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề lớn, từ lĩnh vực chính trị cho đến tín ngưỡng và xã hội.

Mặc dầu các tôn giáo đều có những quan điểm và đường hướng khác nhau về nhân sinh quan và vũ trụ quan, nhưng tất cả đều quan tâm đến một môi trường cộng sinh hài hòa giữa họ với nhau, vì tất cả đều ý thức rằng một khi sự quân bình nhận thức giữa các cộng đồng tôn giáo bị phá vỡ, mâu thuẫn và xung đột tất yếu sẽ xảy ra. Tuy mang những sắc thái tín ngưỡng đặc thù, mỗi tôn giáo đều có những điểm tích cực có thể đóng góp cho nền an ninh toàn cầu. Do đó, việc nghiên cứu, áp dụng những ưu điểm này sẽ mở ra một chân trời mới cho vấn đề hòa bình của nhân loại. Truyền thống Phật giáo Đại thừa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong các sinh hoạt xã hội tại nhiều quốc gia Á châu trong suốt hàng nghìn năm qua. Vai trò của Phật giáo Đại thừa đối với các quốc gia đó được thể hiện qua sự đóng góp của truyền thống này trong việc chuyển hóa cá nhân và cộng đồng, cũng như trong công cuộc kiến thiết những hình thái văn hóa và chính trị tiến bộ của mỗi dân tộc. Để phần nào hiểu rõ những đóng góp này, chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm của truyền thống này về sự tương hệ giữa việc tu tập tâm linh đối với nền hòa bình cũng như những tư tưởng căn bản mà truyền thống này có thể cung hiến cho việc giữ gìn nền hòa bình cho nhân loại hôm nay.

Nói đến đạo Phật là nói đến một truyền thống tâm linh hướng đến sự giác ngộ và giải thoát được truyền thừa suốt nhiều thiên niên kỷ qua. Quan điểm của Phật giáo về vai trò của đời sống tâm linh được thể hiện ngay trong ước nguyện chân thành của Thái tử Tất-đạt-đa khi Ngài quyết định từ bỏ mọi danh vọng cao tột của chính mình để sống cuộc đời thanh đạm của một người xuất gia, hầu tìm đến niềm an lạc đích thực trong đời sống tâm linh. Giữa hai con đường: quyền lực thế tục và sự chuyển hóa tâm linh, Ngài đã chọn con đường thứ hai và chính sự quyết định này đã khiến Ngài trở thành một trong những vị thầy tâm linh khả kính nhất trong lịch sử tôn giáo của nhân loại.

Phật giáo cho rằng tất cả những mâu thuẫn, nội kết, xung đột trong phạm vi cá nhân hay xã hội đều được phát sinh từ ba độc tố trong tâm thức, đó là tham, sân, và si. Những bạo động, chiến tranh chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của những loại phiền não này. Mâu thuẫn của cá nhân hay cộng đồng thường phát sinh từ sự tham cầu dục lạc, danh vọng, quyền lực kinh tế và chính trị cho cá nhân và tập thể. Chính vì thế, kinh điển thường gọi thế giới này là dục giới (Kāma-loka), tức thế giới được tạo thành từ tham ái, dục lạc. Kinh Vô lượng môn đà-la-ni cũng nói rằng: “Bất cứ nơi nào xảy ra mâu thuẫn trong chúng sanh, thì ý niệm sở hữu là nguyên nhân.” Mặt khác, chính sự cố chấp vào những tà kiến và những giáo điều cực đoan cũng dẫn đến các cuộc chiến tranh tôn giáo và ý thức hệ. Điều này đã được đức Phật cảnh báo trong kinh Phạm võng (Trường bộ I). Sự đắm chấp vào ý niệm ngã và ngã sở trong tư duy cũng như trong hành động cũng chính là nguyên nhân khác dẫn đến mâu thuẫn và bạo động. Từ nhận thức trên, Phật giáo cho rằng muốn giải quyết các mâu thuẫn, chiến tranh trong phạm vi cá nhân và xã hội, con người cần phải chuyển hóa nghiệp thức của chính mình qua sự tu tập thiền định. Thiền định có công năng giúp cho hành giả hóa giải những nội kết, chuyển hóa sân hận, si mê thành lòng từ ái, bao dung, cảm thông và hiểu biết chân chính. Đức Phật cũng luôn nhắc nhở các đệ tử của mình rằng hận thù không thể dập tắt được hận thù mà chỉ có lòng từ mới có thể chuyển hóa được tâm thù hận (kệ Pháp cú 223). Ngài còn dạy rằng trong số những chiến công của con người, chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất (kệ Pháp cú 103). Như thế, theo Phật giáo, hòa bình không chỉ có được qua những chính sách ngoại giao và thương thảo hài hòa giữa các chủng tộc, các quốc gia, mà sự tu tập và chuyển hóa tâm linh, đặc biệt là việc tu tập thiền định cũng góp phần mang lại nền hòa bình cho nhân loại.

Truyền thống Phật giáo Đại thừa luôn đề cao lý tưởng Bồ-tát với việc thực hành sáu pháp ba-la-mật. Kinh điển Bát-nhã thường xem Bát-nhã ba-la-mật là nhân tố tối quan trọng có ảnh hưởng đến năm pháp ba-la-mật còn lại. Nếu như thiếu đi trí huệ, các pháp còn lại cũng ví như năm người mù đang lang thang trên những nẻo đường vô định. Bát-nhã cũng mang những đặc tính siêu việt của Phật quả, như chánh giác (saṁbodhi), biến tri (sarvajñatā), như thị (tathatā)… Vì Bát-nhã có công năng giúp hành giả thấy được tánh Như thị (yathābhūtatā) của các pháp, nên pháp ba-la-mật này được xem là mục tiêu của sự thành tựu tối thượng trong Phật giáo Đại thừa.

Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên nhân gây ra nội chiến cũng như thế chiến chính là vấn đề ý thức hệ. Một khi con người còn mang nhận thức lầm lạc rằng ý thức hệ là nguyên lý tối hậu có tính cách quyết định, cấu thành, và chi phối xã hội thì họ dễ chạy theo những giáo điều mù quáng. Chính sự cố chấp vào những hình thái ý thức hệ khác biệt đó, họ sẵn sàng chống đối và đấu tranh nhau. Chỉ khi nào có được chánh kiến và chánh trí, con người mới có thể phá bỏ những rào chắn của thành kiến và ngục tù của vô minh. Bàn về điều này, giáo sư H. Nakamura cho rằng: “Ý thức hệ chỉ đơn thuần là một phương pháp để chuyển tải một điều gì đó mang tính tuyệt đối. Vì rằng sự tuyệt đối đó giống như là ‘không’ nên nó không thể được diễn tả chính xác bằng ngôn từ. Do vậy, để giúp con người có thể hiểu thêm về sự tuyệt đối đó, triết học và ý thức hệ đã ra đời. Dầu rằng không hoàn hảo lắm, nhưng những hình thái triết học và ý thức hệ này cũng chứa đựng phần nào chân lý của cuộc đời. Nếu hiểu được điều này, người ta sẽ không còn chém giết nhau để bảo vệ tính tuyệt đối trong lối tư duy của họ.” Phật giáo xem sự cố chấp cũng như những nhận thức lầm lạc về bản chất của ý thức hệ như thế thực ra chỉ là một hình thức của tà kiến và vô minh. Chỉ khi nào hiểu rõ được nguyên lý nhị đế (chân lý tương đối và tuyệt đối) bằng trí Bát-nhã, con người sẽ không còn bị chi phối bởi tà kiến trên.

Học thuyết xã hội của Phật giáo Đại thừa được hình thành trên nền tảng lý thuyết của tư tưởng Bát-nhã và tinh thần thực tiễn của giáo lý từ bi. Hai phẩm tính này chính là những cột trụ chính của Phật giáo. Chúng được ví như đôi cánh của một con chim hay hai bánh xe của một cỗ xe kéo. Thiếu đi một trong hai phẩm tính này, chỉnh thể Đại thừa mất đi tính toàn hảo của nó. Lòng bi mẫn không giống như tình thương cảm tính bình thường bởi lẽ nó luôn mang tính vô vị kỷ và xả ly. Mục tiêu chính của tâm bi hướng đến trạng thái khổ đau của tha nhân và làm sao để chia sẻ nỗi khổ của họ. Trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận, ngài Vô Trước giải thích rằng: “Khi quán chiếu sự khổ đau của chúng sanh, bậc Bồ-tát thường khởi tâm bi mẫn và cùng chia sẻ nổi khổ đó. Và vì cùng chia sẻ như thế, bậc Bồ-tát cũng phải gánh chịu nỗi khổ này. Tuy nhiên, nỗi khổ của vị ấy sẽ chuyển hóa thành niềm vui vì rằng ngay khi đối mặt với nỗi khổ đó, nhờ vào trí Bát-nhã, vị ấy liền nhận rõ thực tánh của những tướng trạng khổ đau này. Song mặc dầu bản thân không còn bị khổ đau chi phối, bậc Bồ-tát chỉ cảm thấy an vui khi biết rằng những chúng sanh khác được an lạc thật sự”. Như thế, xét cả hai phương diện lý thuyết và thức tiễn, tinh thần Phật giáo Đại thừa không chỉ chú trọng đến niềm hạnh phúc của hành giả, mà còn hướng đến niềm hạnh phúc của tha nhân.

Hòa bình là khát vọng muôn đời của loài người. Trong đạo Phật, sự tịch tĩnh, an bình là một trong những đặc tính của trạng thái Niết-bàn. Đó cũng là yếu tính trong tâm thức của một hành giả Đại thừa. Dầu rằng trạng thái an tịnh nội tâm của một hành giả và tinh thần hòa bình của cộng đồng xã hội bên ngoài là hai phạm trù khác biệt, nhưng chúng lại có sự tương quan mật thiết với nhau. Những sứ giả của hòa bình hay các nhà lãnh đạo quốc gia chân chính luôn phải đối mặt với biết bao thế lực bạo động, thù địch. Nếu họ được trau dồi và trang bị phẩm chất định tĩnh nội tâm thì không những họ có thể tìm ra những phương thức hữu hiệu để giải quyết những cuộc xung đột, bạo động, hay chiến tranh, mà ngay bản thân họ cũng không phải chịu đựng những áp lực nặng nề từ tác nhân ngoại tại. Thánh Đức Thái tử (574-622) được xem là hiện thân của Chuyển Luân Thánh Vương trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Chính ông đã thể hiện một nhân cách lý tưởng cho tinh thần đoàn kết dân tộc của Nhật và được xem là người đã kiến thiết nền văn minh Nhật Bản qua việc biên soạn bộ hiến pháp đầu tiên của đất nước này. Người dân Nhật luôn tôn kính và ngưỡng mộ ông bởi nhân cách cao thượng trước bao nghịch cảnh cũng như tinh thần hy sinh của ông. Thánh Đức Thái tử đã viết sớ giải cho ba bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, đó là kinh Thắng man, Duy-ma, và Pháp hoa. Hai bộ kinh đầu nhấn mạnh đến tư tưởng cũng như triết lý sống lý tưởng của hàng cư sỹ, trong khi nhiều phẩm trong bộ kinh thứ ba đề cao nhân cách, sự nghiệp, và sự thành tựu của người cư sỹ ở những vị thế khác nhau. Hẳn nhiên, khi chọn ba bộ kinh trên để viết sớ giải, Thánh Đức Thái tử muốn đề cao sự thành tựu cao tột của người Phật tử trong khi vẫn sống đời thế tục. Bên cạnh đó, ông cũng muốn đề cao những hành động vị tha của hàng Phật tử và xem đó như là phương thức áp dụng hữu hiệu những lời dạy của đức Phật vào thực tiễn xã hội. Triết lý xã hội của Phật giáo Đại thừa đã hun đúc nhân cách của Thánh Đức Thái tử, hành động cuối đời của ông đã góp phần chấm dứt nội chiến, thống nhất quốc gia, và thiết lập một kỷ nguyên hòa bình mới cho dân tộc Nhật.

Giáo lý từ bi vừa là tư tưởng nền tảng của Phật giáo vừa là nguyên lý căn bản của chủ nghĩa hòa bình trong truyền thống Đại thừa. Nền hòa bình bền vững chỉ có thể xác lập ở những nơi nào mà tinh thần từ bi của nhà lãnh đạo được thể hiện một cách chân thực và trọn vẹn. Một nhà cầm quyền lý tưởng là người biết kính thờ tổ tiên, tôn quý chánh pháp, phụng sự dân chúng, bảo vệ đất nước, không xâm lấn các nước lân bang. Nhà cầm quyền còn có thể xây dựng quốc gia mình thịnh vượng và an bình bằng chính sách ngoại giao khôn khéo và sự quan hệ hòa hiếu với các quốc gia khác. Trong kinh điển Đại thừa, Chuyển Luân Thánh Vương, một mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng, không hề dùng bạo lực để uy hiếp dân chúng, không làm tổn hại đến muôn dân, luôn xa lánh vũ khí. Chuyển Luân Thánh Vương nhiếp phục các quốc gia khác bằng uy đức của mình. Vua chúa và dân chúng tại các quốc gia bị thần phục vẫn sống bình yên và gắn bó với các nước khác. Như thế sự thành công của một nhà lãnh đạo không chỉ phát xuất từ tài năng, kiến thức, và sự nhiệt tâm, mà còn từ đức hạnh, và đặc biệt là lòng từ ái của vị ấy. Chính tâm từ bi sẽ giúp cho nhà lãnh đạo cai trị muôn dân trong thanh bình và nhiếp phục được tinh thần hiếu chiến của kẻ thù ngoại bang. Vào thế kỷ V TL, khi Cầu-na-bạt-ma, một Cao tăng Ấn Độ đến xứ Java truyền đạo. Bằng đức độ của mình, ngài Bạt-ma đã hóa độ Hoàng thái hậu, nhà vua và rất nhiều người dân xứ ấy theo đạo Phật. Lúc ấy ngoại bang tiến đánh xứ này, nhà vua bèn thưa lên với ngài Bạt-ma rằng: “Nay giặc ngoại xâm đem quân xâm chiếm biên cương, nếu trẫm đem quân đánh trả thì gây thương vong rất nhiều, bằng như không kháng cự, thì nước mất nhà tan, nay tôn sư có kế sách gì chăng?” Ngài Bạt-ma bèn đáp: “Giặc bạo tàn gây chiến thì ắt phải đánh trả, nhưng phải khởi tâm bi mẫn, chớ nên sanh niệm hại.” Vua vâng theo lời dạy ấy liền tự mình đem quân đánh trả. Vừa khi trống trận của quân Java nổi lên, kẻ thù bỗng nhiên hoảng sợ, vội rút lui. Nhiều văn bản Đại thừa thường nhấn mạnh vai trò của các nhà lãnh đạo quốc gia trong nhiệm vụ chống quân ngoại xâm, giữ gìn sự thanh bình của quốc gia mình. Một khi kẻ thù xâm lược, nhà lãnh đạo phải làm trọn bổn phận bảo vệ bờ cõi. Ngoài ra nhà lãnh đạo cần phải cảnh giác khi kẻ thù lợi dụng thiện chí hòa bình của mình, cần phải biết đâu là nguyên nhân của những cuộc nổi loạn trong đất nước mình. Khi kẻ thù không chịu thương thảo, nhà lãnh đạo buộc phải cầm quân giữ gìn đất nước.

Nguyên lý hòa bình của Phật giáo Đại thừa còn được hình thành trên nền tảng của giới luật của các hành giả Đại thừa, đó là Bồ-tát giới. Giới luật Phật giáo khuyến hóa các hành giả tránh xa các hành vi mang tính bạo động và chiến tranh. Không sát sanh được xem là một giới điều tối quan trọng trong tất cả các truyền thống của Phật giáo. Theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới, ngoài giới trọng không sát sanh bằng bất cứ hình thức gì, ở bất cứ nơi đâu, hay vào bất cứ lúc nào, hành giả Bồ-tát còn phải vâng giữ các giới khinh như không cất chứa, không buôn bán những khí cụ sát sanh hay các loại vũ khí giết người, cho đến không đi sứ làm môi giới, khiến cho chiến tranh giữa các quốc gia nổ ra. Luận Du già sư địa nói rằng; nếu các hành giả Bồ-tát nuôi lớn những hạt giống phẫn nộ, sân hận, dần dần khiến cho không chỉ miệng nói lời thô tục, mà thân còn dùng dao, gậy hại đến người khác, thì những hành giả đó đã tự hủy hoại hạnh nghiệp tu tập của mình. Kinh Đại Bát-nhã cũng nói rằng Bồ-tát giới được gọi là vô tướng giới ba-la-mật. Hành giả an trú trong vô tướng giới này mà hành trì các phẩm loại giới khác nhau như: danh tự giới, tự nhiên giới, luật nghi giới, tác giới, vô tác giới, v.v… Vì biết rằng tất cả pháp chỉ có một tướng duy nhất, đó là vô tướng, nên dầu hành trì các phẩm loại giới như trên hành giả không hề phát nguyện do nhân duyên trì giới này mà được sanh vào các chủng tộc cao thượng, dòng họ quyền quý, cũng không cầu chứng các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, mà chỉ mong an trú vào cảnh giới Bồ-tát, phụng sự, cúng dường chư Phật, làm lợi ích cho các loài hữu tình chúng sanh. Bồ-tát giới biểu trưng cho tinh thần vị tha của Phật giáo Đại thừa, là động cơ để giới tử phát khởi Bồ-đề tâm cao quý, là nhân tố để chuyển hóa nhân gian vốn vô thường và khổ đau. Theo luận sư Tông-khách-ba (Tsong-kha-pa), hành giả thọ trì giới không phải chỉ vì sợ thọ thân trong cảnh giới thấp hèn hay mong muốn được sanh vào cảnh giới tốt đẹp hơn, mà còn vì để mang lại sự an bình cho tất cả chúng sanh. Như thế, điểm nổi bật của Bồ-tát giới là tinh thần vô trụ, vô trước, và vị tha. Hành giả thọ trì Bồ-tát giới là để tận dụng mọi khả năng tự nội của mình xây dựng một xã hội thanh bình và tiến bộ hơn. Hành Bồ-tát giới cũng chính là một nhân tố thiết yếu để mang lại hòa bình cho xã hội.

Theo truyền thống Đại thừa, tinh thần vị tha được đề cao triệt để vì rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Hình ảnh và lời xưng tán của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp hoa được xem như là thông điệp quý báu nhằm nhắc nhở mọi người về khả năng vốn có của mình. Chính vì nhận thấy khả năng phi thường đó trong mỗi chúng sanh, nên trong mỗi niệm, mỗi hành vi của hành giả Bồ-tát luôn luôn mang chất liệu vị tha. Trong bốn lời thệ nguyện sâu rộng của Bồ-tát đạo, lời thệ nguyện độ khắp chúng sanh được phát khởi trước tiên. Điều này cũng phần nào nói lên được Phật giáo Đại thừa luôn đề cao sứ mạng chuyển hóa xã hội và đây cũng chính là điểm đặc biệt của truyền thống này. Nhưng để thể hiện tinh thần vị tha một cách thiết thực và trọn vẹn, hành giả Bồ-tát phải dùng đến pháp phương tiện. Trên bình diện chung, Phật giáo đề cao tinh thần bất bạo động và vô hại. Nhưng trong những trường hợp bất khả kháng việc dùng đến bạo động được xem là cần thiết và thích hợp. Kinh Phương tiện thiện xảo có ghi lại rằng, trong một kiếp quá khứ, khi đức Phật còn hành Bồ-tát hạnh, ngài đã từng giết một tên cướp để cứu 500 thương gia. Lúc ấy Bồ-tát nghĩ rằng nếu báo cho các thương gia hay ý đồ của tên cướp, các thương gia sẽ nổi giận và giết tên cướp kia. Như thế họ sẽ không giữ trọn Bồ-tát nguyện và gây tạo ác nghiệp. Còn nếu Bồ-tát im lặng thì tên cướp cũng sẽ gây tội ác và đọa địa ngục. Nhờ quán chiếu rằng nếu tên cướp không giết người mà qua đời thì hắn sẽ được sanh lên cõi trời, Bồ-tát quyết định giết hắn. Câu chuyện này cho thấy tính linh động của giới luật trong truyền thống Đại thừa. Mặc dầu phạm giới sát, nhưng vị Bồ-tát kia vẫn chưa tạo trọng nghiệp vì hành vi của vị ấy phát xuất từ động cơ tích cực và tấm lòng lân mẫn.

Khi bàn đến triết lý xã hội của Phật giáo, chúng ta không thể không nói đến nguyên lý duyên khởi, một trong những nét đặc thù trong triết học Phật giáo. Nguyên lý này đã được trình bày khá chi tiết trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy, nhưng đến giai đoạn Đại thừa, nó được diễn dịch rộng hơn, theo những quan điểm mới mẻ hơn. Một trong những quan điểm đó là triết lý “nhất niệm tam thiên” do đại sư Trí Khải của tông Thiên Thai đề xuất dựa trên giáo lý Thập như thị của Pháp hoa và tư tưởng pháp giới trong kinh Hoa nghiêm. Triết lý nhất niệm tam thiên (một niệm bao hàm cả ba ngàn thế giới) này được trình bày trong Ma-ha chỉ quán như sau: “Tâm vốn hàm đủ mười pháp giới (Phật, Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, A-tu-la, nhân, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), mỗi pháp giới cũng có đủ mười pháp giới nên thành ra trăm pháp giới. Cứ mỗi cảnh giới lại có đầy đủ ba mươi chủng loại thế gian (gồm thập như thị và ba chủng tánh: chúng sanh (chánh báo), không gian (y báo) và uẩn xứ (năm uẩn), thành ra ba mươi chủng loại). Như vậy trăm pháp giới trên có đủ ba ngàn chủng thế gian. Ba ngàn chủng thế gian này vốn lại gồm thâu trong một niệm”. Theo ngài Trí Khải, bản tánh nguyên sơ của chúng sanh vốn là thanh tịnh, tất cả pháp chỉ là hiện khởi của một niệm đơn lẻ, và niệm ấy vốn đồng đẳng với chư Phật, Bồ-tát, và chúng sanh. Không một niệm nào mà không hàm chứa cả mười pháp giới, do đó ba ngàn pháp giới trên chỉ hàm tàng trong một niệm. Khái niệm nhất niệm tam thiên này là một nguyên lý quan trọng trong vũ trụ quan Phật giáo, vì nó cho thấy rằng chỉ một niệm khởi lên trong tâm thức của một cá nhân đơn lẻ cũng có ảnh hưởng đến hàng ngàn thế giới của loài hữu tình. Cũng thế, mỗi niệm từ ái, an tịnh của mỗi người cũng có ảnh hưởng rất ý nghĩa đến nền hòa bình thế giới. Pháp sư Nikkyō Niwano, nhà sáng lập hội Rissho Kosei-kai (Lập Chánh Giáo Thành Hội), một tổ chức Phật giáo hoạt động trên nền tảng đạo đức của kinh Pháp hoa, cho rằng kinh Pháp Hoa mang thông điệp hòa bình của Phật giáo, do vậy chúng ta có thể tìm thấy vô số lời dạy về hòa bình trong bộ kinh này. Ông còn cho rằng lòng nhân ái chính là khởi điểm của hòa bình và hòa bình được xây dựng bền vững trên tinh thần từ bi vô vị kỷ của hành giả Bồ-tát. Theo ông, với nguyên lý nhất niệm tam thiên, con người có thể thay đổi môi trường thế giới theo bất cứ chiều hướng nào, và đây chính là nguyên lý để xây dựng một nền hòa bình đích thực cho thế giới.

Nói đến một thế giới thanh bình, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến cảnh giới Tịnh độ được diễn tả trong kinh A-di-đà. Theo bản kinh này, Tịnh độ cảnh giới thù thắng trang nghiêm, không có các cảnh bạo động khổ đau, về vật chất thì sung túc, tráng lệ, về tinh thần thì luôn có đầy đủ thuận duyên để tu tập. Sự thành tựu đại nguyện của Bồ-tát Pháp Tạng và phương pháp trì niệm danh hiệu của đức Phật có hào quang vô lượng và thọ mạng vô biên đã nói lên đường hướng của truyền thống này trong việc thiết lập một thế giới an lành và hạnh phúc cho vô lượng chúng sanh. Phương pháp trì niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà vừa giúp hành giả tạo duyên lành để sanh về cảnh giới của Ngài, nhưng nó cũng giúp cho tâm của hành giả thuần thục, an tịnh, và luôn an trú trong trạng thái tự tại, an vui. Thuật ngữ Tịnh độ không phải chỉ cho cảnh giới mà hành giả của truyền thống này muốn được sanh về, mà nó còn chỉ cho một trạng thái an bình, thanh tĩnh trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Trong Thập trụ tỳ bà sa luận, ngài Long Thọ giải thích rằng Tịnh độ là cảnh giới không cấu uế. Cấu uế ở đây là chỉ cho độc tố của chúng sanh và nghiệp báo của họ. Khi đã trực nhận được tánh không, độc tố này sẽ chuyển hóa thành công đức. Như thế, theo ngài, Tịnh độ chính là tánh không, và tánh không đó được diễn tả bằng ngôn ngữ như là một cảnh giới công đức vô lượng của những chúng sanh thanh tịnh. Đối với các đại sư và hành giả Tịnh độ, niệm Phật là phương pháp để từng bước điều phục, chuyển hóa tâm thức hành giả từ động đến tĩnh, từ mê đến giác. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) cho rằng niệm Phật là một quá trình tịnh hóa tâm để từ đó cảnh giới Tịnh độ được hiển lộ trong hành giả. Ngài cũng dạy rằng nếp sống đạo đức là một phần của quá trình này. Cùng cách lý giải này, kinh Duy-ma-cật sở thuyết cũng nói rằng: “Bồ-tát muốn nghiêm tịnh quốc độ Phật, thì trước phải nghiêm tịnh tâm mình, một khi tâm tịnh thì quốc độ Phật cũng được thanh tịnh.” Những lời dạy trên đã phần nào thể hiện tính thiết thực của giáo lý Tịnh độ đối với vấn đề hòa bình thế giới. Thứ nhất, Tịnh độ không phải là sự xinh đẹp, thanh tịnh của bề mặt trái đất do tác động của phương tiện ngoại tại, mà nó chỉ cho sự chuyển hóa, hay nói đúng hơn là sự tịnh hóa nội tâm; Tịnh độ không phải là cảnh giới nào xa xôi, một khi tâm hành giả được thuần tịnh, thì trú xứ của vị ấy cũng nhờ đó mà thanh tịnh. Vì thế khái niệm tịnh, uế của thế gian vốn xuất hiện trong tâm, chứ không phải trên đất đai, thế giới. Ngoài ra, khi đã an trú trong cảnh giới Tịnh độ, mọi ý niệm phân biệt, vọng chấp đều tan biến. Như thế, nếu nhận ra tính tương quan giữa tâm và cảnh, y báo và chánh báo trên, con người sẽ hiểu biết hơn, ý thức hơn trách nhiệm của họ trong việc kiến tạo một thế giới thanh bình và an lạc hơn.

Những nội kết cá nhân cùng những biến động, mâu thuẫn trong phạm vi tập thể, cộng đồng, quốc gia, và rộng ra trong phạm vi quốc tế đã thể hiện những điểm tiêu cực và giới hạn của các chính sách ngoại giao thế tục. Trong bối cảnh như thế, vai trò của tôn giáo càng được nhìn nhận và đề cao hơn. Lý tưởng Bồ-tát trong truyền thống Đại thừa thực sự đã thiết lập một cơ sở nhận thức đúng đắn cho khát vọng xây dựng một thế giới thanh bình và vị tha của nhân loại. Cơ sở nhận thức này bao gồm ba yếu điểm như sau: 1) Hạnh phúc hay khổ đau của muôn loài chúng sanh không do một thượng đế hoang tưởng nào đặt để, mà do chính chúng sanh quyết định; 2) Trên cơ sở của giáo lý nhân quả, nghiệp báo, hòa bình được kiến lập chỉ khi nào mỗi và mọi chúng sanh biết tu tập để chuyển hóa nghiệp thức của mình; 3) Khả năng thành tựu giác ngộ, trí giác, và tâm từ bi vốn có trong mỗi chúng sanh là nhân tố thiết yếu để biến ước mơ về một viễn cảnh hòa bình thế giới trở thành hiện thực. Quả là một điều sai lầm nếu ai đó cho rằng việc kiến thiết một thế giới thanh bình chỉ là điều hoang tưởng. Nhưng sự hoang tưởng này sẽ là sự thật nếu con người hôm nay dầu có kiến thức sâu rộng, nội lực dồi dào, đầy đủ lòng nhiệt huyết, và phương thức đúng đắn, nhưng lại thiếu đi tâm từ bi và lòng yêu thương đồng loại. Tinh thần vị tha của lý tưởng Bồ-tát được khởi đầu từ đại nguyện, được trưởng thành từ đại hạnh sẽ là nhân tố thiết yếu để chuyển hóa cuộc đời. Nếu chỉ nhờ vào biệt nghiệp của từng cá nhân đơn lẻ mà không cùng chuyển hóa cộng nghiệp của mọi người thì ước vọng hòa bình sẽ thật xa tầm với hạnh phúc của nhân loại. Hòa bình chỉ có thể kết nụ khi mọi người cùng biết gắn bó, chia sẻ, và đặc biệt cùng ý thức về tầm quan trọng của việc điều phục và chuyển hóa nội tâm để hướng đến cuộc sống cao thượng hơn cho mình và người.■

Thích Đồng Thành

Nguồn: Tập san Pháp Luân số 52

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/08/2013(Xem: 9316)
Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?”. Phật tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.
11/08/2013(Xem: 7228)
Hôm nay là ngày trăng tròn tháng giêng mà cũng có nghĩa là chúng ta đang bắt đầu bước vào thời gian cấm túc tu tập mùa đông. Có cả một đêm dài để thiền định thế này quả là một cơ hội tuyệt vời và càng may mắn hơn nữa là kể từ bây giờ chúng ta còn có đến hai tháng trời để sống hết mình theo Phật Pháp.
11/08/2013(Xem: 7779)
Theo sử sách, vừa mở mắt chào đời, thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) đã đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn bốn hướng, rồi đi bảy bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, nói rằng: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là chí tôn”. Xong Ngài nói tiếp: “Từ vô lượng kiếp đến nay, phen này là hết”. Hai lời tuyên bố đó có tính cách quyết định mục tiêu hành động của Ngài: đoạn trừ phiền não, quét sạch vô minh, giải thoát sanh tử, chứng đắc niết bàn, thanh tịnh an lạc.
10/08/2013(Xem: 9733)
Một thời đức Phật ngự trong vườn Cấp Cô độc, nước Xá Vê, bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ Kheo: - Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy chúng sanh sinh ra chết đi, chết đi sanh ra, sắc đẹp sắc xấu, thiện hoặc ác, chỗ lành hoặc chỗ dữ tùy theo nghiệp mà chúng sinh đã tạo ra. Ta thấy những sự kiện ấy đúng như thật, không hư dối. Nếu có chúng sanh nào làm ác, nói ác, nghĩ ác, phỉ báng Thánh hiền, tà kiến, thì do nhân duyên ấy, khi chết chắc chắn đi vào chỗ dữ, sinh nơi địa ngục. Nếu chúng sinh nào làm lành từ thân miệng ý, ca ngợi bậc Thánh hiền, không có tà kiến, do nhân duyên này, khi chết người ấy sẽ đi vào chỗ tốt, sanh nơi cõi trời.
10/08/2013(Xem: 13662)
Những câu hỏi này được ghi lại vào ngày 7 tháng 4, 2013 tại buổi pháp thoại thứ ba của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại khóa tu dành cho Các Nhà Giáo tại Thái Lan, vào tháng 4, 2013. Trong bài pháp thoại này, Thiền sư đã trả lời các câu hỏi không chỉ xuất phát từ những vấn đề cá nhân mà cả những vấn đề trong phạm vi giáo dục. Những đề tài trao đổi bao gồm cả việc thực tập chánh niệm đối với người trẻ.
31/07/2013(Xem: 7775)
Thiền không phải điều huyễn luận được sáng tạo từ ý thức, hoặc từ những quái thai biến chứng của tư tưởng bị dồn kín, đè nén trong những tra vấn cùng quẩn. Tất cả những vũ đoán về thiền là một cái gì đều hoàn toàn sai lầm lạc lối, nếu dùng trí thức hoặc ý niệm cố hữu để thẩm định, ắt hẳn lạc xa nghìn trùng. Thiền vốn khước từ tất cả, dù đó là hệ thống tư tưởng vĩ đại, được dàn dựng công phu hoặc dùng kiến thức đa năng soi chiếu vẫn là điều phủ quyết, chối bỏ mãnh liệt nơi thiền.
31/07/2013(Xem: 14464)
Một thời, đức Phật ngự tại vườn Lộc Uyển nước Ba La Nại, bấy giờ, đức Phật mới thành đạo chưa được bao lâu, khi đó Vua Ba Tư Nặc mới nối ngôi. Vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng: “Nay ta mới nối ngôi, ta nên cưới con gái dòng họ Thích, nếu được cho cưới, thật vừa lòng ta, nếu không bằng lòng, ta sẽ áp lực bức bách.”
27/07/2013(Xem: 9410)
Đi chùa lễ Phật, ở nhà ăn chay, tụng kinh niệm Phật, ra ngoài đời hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội là sinh hoạt nền tảng cần có của một Phật tử chân chính. Những hoạt động trên có tác dụng rất lớn khiến bản thân thanh tịnh, tâm hồn hướng thượng, gia đình hạnh phúc, vun trồng cội phúc cho mình và cho con cháu. Song đó chỉ là những điều kiện cần nhưng chưa đủ
25/07/2013(Xem: 4975)
Ngài Kyabje Ling Rinpoche (1903-1983) là một trong hai vị Thầy giáo thọ cao cấp nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma 14th. Mới vừa 10 tuổi Ngài đã vào trường Phật học, chưa đầy 20 tuổi đã hoàn tất xong học vị Tiến sĩ (Geshe). Đời Ngài là một bài học Phát Bồ Đề Tâm, chân tu thật học. Đến cuối cuộc đời Ngài vẫn còn ban những bài pháp cao quí cho gần 2000 thính giả tại Tu viện Sera vào đầu năm 1983. Ngài thị hiện tự tại nhập diệt vào tháng 12 năm đó với nhiều hiện tượng nhiệm mầu, thực chứng cả cuộc đời hành trì chánh pháp. Người dịch xin kính chuyển ngữ bài pháp Phát Bồ Đề tâm Ngài đã giảng tại Ấn Độ năm 1979. Mọi chỗ chưa sáng tỏ là do lỗi của người dịch, nếu có được công đức nào xin vì tất cả chúng sanh, nguyện hồi hướng cầu sinh Tây phương Tịnh Độ.
25/07/2013(Xem: 9081)
Năm nay là năm 2013, đây là năm kỷ niệm chu niên lần thứ 30 của Gia Đình Phật Tử Pháp Bảo tại thành phố Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi. Những khuôn mặt của 30 năm về trước và những con người theo suốt chiều dài lịch sử vừa qua, đến nay chắc chắn đã theo luật Vô Thường biến đổi khá nhiều. Nếu làm con tính nhẩm, các em Oanh Vũ 6 tuổi của thời 1983, thì năm nay cũng đã thành một thanh niên, thanh nữ 36 tuổi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]