Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Của Om Mani Padme Hum

25/04/201203:11(Xem: 4651)
Ý Nghĩa Của Om Mani Padme Hum

Ý NGHĨA CỦA OM MANI PADME HUM

Lạt ma Zopa Rinpoche – Thanh Liên Việt dịch

ommaniTôi muốn thảo luận chút ít về ý nghĩa của thần chú OM MANI PADME HUM.

Mani tượng trưng cho phương tiện và padme tượng trưng cho trí tuệ. Nói cách khác, hai từ này gồm chứa toàn bộ con đường được Đức Phật Guru Thích Ca Mâu Ni khám phá; toàn bộ con đường tiệm thứ dẫn tới giác ngộ.
Hai từ này bao gồm toàn bộ con đường dẫn tới Niết bàn – sự giải thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân đích thực của đau khổ. Tất cả những con đường của các thừa thấp được bao gồm trong phương tiện và trí tuệ; do đó, chúng được bao hàm bởi mani và padme. Toàn bộ con đường Ba La Mật thừa và con đường Bồ Đề tâm đưa tới sự giác ngộ cũng được hoàn thiện bởi phương tiện và trí tuệ; vì thế nó cũng hoàn toàn được bao hàm trong mani và padme. Cuối cùng, toàn bộ con đường Kim Cương thừa – con đường của thừa (cỗ xe) bất khả phân, tantra, hay mật chú cũng được bao hàm bởi những phạm vi này.

Tantra có bốn phần, hay cấp độ. Cấp độ thứ nhất là kriya tantra, nó được chia thành tantra có biểu hiện và tantra không biểu hiện. Loại tantra có biểu hiện là con đường của phương tiện; loại tantra không có biểu hiện là con đường của trí tuệ; toàn bộ con đường kriya tantra được bao gồm trong mani và padme. Những tantra khác thì cũng thế. Nhờ thực hành loại tantra thứ tư là Yoga Tantra Cao cấp nhất (maha-anuttara yoga tantra), chúng ta có thể đạt được giác ngộ - tâm toàn giác; trạng thái siêu việt viên mãn trong mọi sự chứng ngộ và được tịnh hoá mọi ô nhiễm – trong một đời người ngắn ngủi của thời đại suy hoại này. Có hai giai đoạn trong Yoga Tantra Cao cấp nhất: giai đoạn phát sinh (đôi khi cũng được gọi là giai đoạn sáng tạo, phát triển hay tiến triển) và giai đoạn thành tựu (hay hoàn thành). Những giai đoạn này được bao gồm trong mani và padme, phương tiện và trí tuệ. Giai đoạn thành tựu có bốn cấp độ: sự tách biệt của tâm; huyễn thân; tịnh quang và sự hợp nhất. Huyễn thân, con đường của phương tiện, được bao gồm trong mani; tịnh quang, con đường của trí tuệ, được bao gồm trong padme. Cũng thế, có hai loại tịnh quang: tịnh quang ý nghĩa và tịnh quang ví dụ.

Để chuyển hoá tâm thức thành con đường trước tiên chúng ta phải đặt nền móng là ba phương diện chính yếu của con đường: sự từ bỏ, Bồ Đề tâm và trí tuệ chứng ngộ tánh Không.
Sự từ bỏ samsara (sinh tử) là tư tưởng hết sức nhàm chán sinh tử nhờ nhận ra rằng nó chỉ có bản tánh đau khổ; thấu hiểu rằng dưới sự sai sử của những tâm thức và nghiệp tiêu cực hỗn loạn, các uẩn của thân và tâm ta thì đau khổ tự bản chất. Thường thì chúng ta không tỉnh giác về điều này. Chúng ta có ảo tưởng rằng những sự vật có bản chất vô thường thì thường hằng; những gì nhơ bẩn tự bản chất thì trong sạch; những gì đau khổ tự bản chất thì vui thú; và những gì không có chút hiện hữu nào từ khía cạnh riêng của nó, là những gì chỉ đơn thuần được dán cho một danh hiệu, thì hiện hữu tự khía cạnh riêng của nó. Đây là quan điểm thông thường, ảo tưởng của chúng ta về thực tại. Sự từ bỏ là việc nhận ra sự thật là mọi sự hiện hữu có điều kiện đều có bản chất là đau khổ.

Chúng ta giống như những con bướm đêm nhìn thấy một ngọn lửa hừng hực như một nơi chốn đẹp đẽ để vui sống mà không hiểu được điều gì sẽ xảy ra khi chúng chạm vào nó. Chúng ta hoàn toàn ảo tưởng. Thậm chí nếu ngọn lửa bị che phủ thì chúng vẫn ráng hết sức để lao vào cho bằng được. Cho dù chúng cảm thấy lửa nóng, chúng vẫn cố gắng lao vào. Chúng cho rằng sự hỉ lạc phi thường nằm nơi phần chói sáng. Do đó điều gì sẽ xảy ra khi chúng thực sự lọt vào trong đó? Chẳng có chút xíu gì trong những điều chúng đã hy vọng. Hoàn toàn là một sự đối nghịch.
Chừng nào mà chúng ta còn ở trong luân hồi sinh tử, cuộc đời ta cũng liên tục lầm lạc như thế.

Chúng ta không hình dung rằng tự bản chất cuộc đời ta thì hoàn toàn đau khổ; chúng ta theo đuổi tâm thức ảo tưởng của mình như thể nó đúng đắn một trăm phần trăm, như thể những ý niệm sai lầm của ta thật hoàn hảo. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng ở những kế hoạch, những ảo tưởng của ta. Chúng ta tin chắc rằng những ý niệm sai lầm của ta thì hoàn toàn chân thật. Nó giống như việc nhìn một môi trường cháy đỏ là một công viên đẹp tuyệt trần và cố gắng lao vào đó, không nhận ra rằng ta sẽ bị thiêu đốt. Chúng ta nhìn cõi giới khổ đau này như một công viên tráng lệ.

Sự từ bỏ là việc nhận ra rằng luân hồi sinh tử của riêng ta chỉ là khổ đau tự trong bản chất; nhận ra rằng việc sống trong sinh tử thì giống như bị nhận chìm bởi những ngọn lửa hồng và cảm thấy không chịu nổi việc sống trong đó một giây phút mà không đạt được giải thoát. Khi ta cảm thấy nỗi khổ của riêng ta không thể chịu đựng nổi và tư tưởng tìm kiếm sự giải thoát xuất hiện một cách tự nhiên và liên tục, thì khi ấy chúng ta chứng nghiệm được sự từ bỏ luân hồi sinh tử.

Khi chúng ta thay đổi đối tượng và nghĩ về những người khác thay vì chính mình thì cảm xúc trở thành lòng bi mẫn. Khi đã có niệm tưởng mạnh mẽ về sự từ bỏ luân hồi sinh tử của riêng ta, khi ta quán chiếu về việc những người khác bị tóm bắt trong sinh tử và đau khổ, chúng ta bắt đầu cảm thấy một lòng bi mẫn kỳ lạ, mãnh liệt, không thể chịu đựng nổi; chúng ta cảm thấy không chịu nổi việc những người khác đang nằm trong sinh tử dưới sự kiểm soát của nghiệp và những niệm tưởng rối loạn của họ. Khi ta thấy những người khác bị tóm bắt trong sinh tử thì ta cảm thấy hết sức bất nhẫn, giống như bị một ngọn giáo đâm thủng trái tim, như một bà mẹ cảm xúc khi đứa con thân yêu duy nhất của bà rơi vào đống lửa. Thật không thể kham chịu nổi những điều như thế.

Theo cách đó, ta phát khởi lòng bi mẫn mãnh liệt phi thường ước muốn chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Chúng ta không thể ngơi nghỉ mà không làm điều gì đó để cứu giúp họ. Không có cách nào để nghĩ về chính ta, hạnh phúc của riêng ta; không có cách nào để tư tưởng quan tâm tới bản thân ta xuất hiện. Chúng ta không thể sống lặng lẽ mà không làm điều gì để giải thoát chúng sinh. Ta không thể chịu nổi việc họ phải ở trong sinh tử cho dù chỉ một giờ hay một phút. Đúng như thế, với việc chứng nghiệm sự nhàm chán, chúng ta không thể đứng yên mà không thành tựu sự giải thoát của riêng ta, không thể chờ đợi dù chỉ một giây phút, mà giờ đây mục tiêu của chúng ta được nhắm vào những người khác. Khi ước muốn này xuất hiện, chúng ta chứng ngộ lòng bi mẫn vĩ đại – ước muốn tất cả chúng sinh có thể thoát khỏi mọi nỗi khổ và quyết định bản thân mình sẽ thực hiện ước muốn này.

Bồ Đề tâm phát khởi từ thái độ này. Chúng ta tự hỏi: “Giải pháp lúc này là gì? Ta nên làm gì? Phương pháp nào tốt nhất cho ta để giải thoát tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ?” Chúng ta đi tới kết luận là phương cách duy nhất mà ta có thể dẫn dắt chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi đau khổ là thành tựu tâm toàn giác.

Do đó ước muốn phát triển một tâm toàn giác xuất phát từ cội gốc của lòng bi mẫn. Từ lòng đại bi, tâm vị tha của sự giác ngộ - Bồ Đề tâm - được phát triển. Ở đây lòng bi mẫn phát khởi tự nhiên đối với tất cả chúng sinh không có sự phân biệt giữa bằng hữu, kẻ thù và những người xa lạ – là những người giúp đỡ ta, những người đối xử tệ bạc và chỉ trích ta, và những người không giúp đỡ cũng không làm hại ta. Đối tượng của nó là toàn bộ chúng sinh đau khổ và lòng bi mẫn ước muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi sự che chướng.
Lòng đại bi ước muốn tất cả những ai không có hạnh phúc vô song của sự giác ngộ được thành tựu trạng thái của tâm toàn giác và tự mình nhận lãnh trách nhiệm trong việc nhìn thấy họ thực hiện điều đó.

Với Bồ Đề tâm phát khởi tự nhiên, chúng ta cảm thấy như người mẹ mà đứa con thân yêu duy nhất của bà bị rơi vào ngọn lửa. Chúng ta không thể đứng yên.
Ngày lẫn đêm, trong mọi lúc, tâm vị tha của sự giác ngộ phát khởi không chút nỗ lực. Vào lúc đó, chúng ta đã chứng ngộ Bồ Đề tâm. Người chứng ngộ Bồ Đề tâm được gọi là người “may mắn.” Một người như thế thật minh triết, thiện xảo và bi mẫn. Những người trong tâm có một trái tim hết sức tốt lành, Bồ Đề tâm, thì thực sự tuyệt hảo.

Trong phạm vi thế tục, những người có thể kiếm rất nhiều tiền, có thể giết chết kẻ thù, những người có nhiều căn nhà ở mọi nơi, được coi là người tài giỏi, khéo léo và khôn ngoan. Những người có thể lừa gạt người khác để bồi đắp cho thanh danh hay hạnh phúc của mình được cho là khôn ngoan, tài giỏi và tự lực. Những ý niệm này hoàn toàn sai lầm.
Cho dù bạn có thể tự giải thoát mình khỏi sinh tử bạn vẫn không hoàn tất công việc của bạn đối với bản thân hay những người khác. Vì thế, những Bồ Tát không tất yếu là thiện xảo hay bi mẫn, cho dù các ngài có thể tự giải thoát bản thân các Ngài ra khỏi sinh tử. Do đó, trí tuệ của việc chứng ngộ tánh Không được thực hành sau sự chứng ngộ Bồ Đề tâm.

Như thế, sau khi tâm thức bạn được tu hành tốt đẹp trong con đường tổng quát, bạn nhận lãnh sự nhập môn (quán đảnh) từ một guru kim cương đầy đủ phẩm tính, là vị có thể ban những nhập môn Yoga Tantra Cao cấp nhất. Một khi nhờ việc nhận lãnh bốn loại nhập môn Yoga Tantra Cao cấp nhất mà tâm bạn được thuần thục, bạn tu hành tâm thức bằng cách thiền định về hai con đường của nó: những con đường tiệm thứ của sự phát triển và thành tựu. Khi tâm bạn đạt tới cấp độ tịnh quang ví dụ, bạn giải thoát khỏi sự hiểm nguy của cái chết – không có cái chết không được kiểm soát, không có việc chết mà không có sự chọn lựa.

Như tôi đã đề cập ở trên, tịnh quang được biểu thị bởi padme, trí tuệ, và huyễn thân được biểu thị bởi mani, phương tiện. Nếu bạn có thể đạt tới giai đoạn này, bạn có thể đạt được giác ngộ trước khi chết, nhưng nếu bạn không thể, bạn có thể thành tựu tốt đẹp như thế sau khi chết, trong giai đoạn trung ấm, như nhiều Lạt ma cao cấp và yogi vĩ đại như Milarepa – bậc đã giác ngộ trong một đời.

Công đức phải tích tập trong ba vô lượng kiếp bằng cách đi theo con đường Ba La Mật thừa có thể hoàn toàn được tích tập trong một đời ngắn ngủi bằng cách thiền định về huyễn thân. Tịnh quang là thuốc chữa lành cho cái thấy nhị nguyên; những niệm tưởng hỗn loạn và thậm chí cái thấy nhị nguyên vi tế có thể hoàn toàn ngừng dứt bằng cách thiền định về tịnh quang với sự hỗ trợ của công đức rộng lớn mà bạn tích tập bằng sự thiền định về huyễn thân. Theo cách này bạn thành tựu sự hợp nhất thân hoàn toàn thiêng liêng thanh tịnh và tâm linh thánh của vị Phật hay Bổn Tôn mà bạn đang thực hành và trở thành một vị Phật.

Khi mặt trăng mọc, nó không cần phải nỗ lực để ánh phản chiếu của nó xuất hiện trên mặt nước: “Ta sắp phản chiếu trong mọi mặt nước trên Trái Đất.” Bất kỳ nơi đâu có nước, ánh phản chiếu của mặt trăng tự động xuất hiện. Tương tự như thế, sau khi bạn trở thành một vị Phật, sau khi bạn thành tựu Bổn Tôn mà bạn từng thực hành, bạn sẽ làm việc một cách tự nhiên không cần cố gắng cho lợi ích của tất cả chúng sinh. Bạn sẽ làm việc liên tục với thân, khẩu và ý thiêng liêng của bạn để dẫn dắt chúng sinh bao la như không gian tới hạnh phúc vô song của tâm toàn giác.

Đây chỉ là một giải thích ngắn gọn về ý nghĩa của thần chú OM MANI PADME HUM, nhưng tôi hy vọng là từ đó bạn có thể nhận ra làm thế nào mani và padme – phương tiện và trí tuệ - bao gồm toàn bộ con đường tiệm thứ đưa tới giác ngộ.

Vậy thì, nếu tâm bạn như một tảng đá thì nó giống như đất không được chăm bón; nó không được chuẩn bị tốt. Cho dù bạn gieo trồng những hạt giống, chúng sẽ không phát triển. Nếu tâm bạn vị kỷ, cứng cỏi, ngập đầy sự sân hận và bất mãn, giống như sắt thép, giống như một ngọn núi đá, gay gắt, xấu xa, thì cho dù bạn mong muốn đạt được giải thoát hay sự giác ngộ viên mãn, con đường mà mani và padme bao hàm sẽ không phát triển trong đó. Đất cần được nước tưới mát và chứa đựng những khoáng chất và phân bón – nhờ thế những sự vật mới có thể phát triển trong đó. Cũng thế, tâm hiện tại của bạn cần thay đổi từ trạng thái đặc cứng, xấu xa, khó chịu của nó. Nó cần được chuyển hoá, trở nên mềm mại – nó cần những sự ban phước Đức Phật Đạo sư.

OM MANI PADME HUM bao hàm danh hiệu của Đức Chenrezig (Quán Tự Tại), Đấng Bi Mẫn Vĩ đại. Trì tụng thần chú này thì giống như kêu gọi mẹ của bạn. Bạn kêu gọi mẹ bạn để bà quan tâm tới bạn và sau đó bạn thỉnh cầu bà những gì bạn ước muốn: kem, sô-cô-la, mọi sự! Khi bạn trì tụng OM MANI PADME HUM, bạn đang kêu cầu thánh hiệu của Đức Chenrezig và âm hum tác động lên tâm linh thánh của Ngài. Điều bạn đang kêu cầu Ngài là xin ban phước cho tâm bạn – không chỉ cho riêng bạn mà còn cho tâm thức của chúng sinh khác – để gieo trồng cội gốc của con đường dẫn tới giác ngộ, phương tiện và trí tuệ được bao hàm trong mani và padme.

Cuối cùng, điều còn lại cần giải thích là om. Khi thực hành và thành tựu con đường phương tiện và trí tuệ trong tâm bạn được biểu hiện bởi mani và padme – sự tịnh hoá mọi che chướng, nghiệp tiêu cực và ý niệm bất tịnh, hay cái thấy, của thân, khẩu và ý. Khi thân, khẩu và ý của bạn được tịnh hoá như thế, chúng trở thành thân, khẩu và ý kim cương của Đức Đạo sư Chenrezig.

Chữ om (Phạn ngữ hay Tây Tạng) có ba phần. Thân của chữ này là ah, âm mẹ. Trên nó là một đường gợn sóng được gọi là (trong tiếng Tây Tạng) một naro, nguyên âm biến đổi âm “ah” thành “o.” Trên đó là một số 0 nhỏ, nó thêm vào âm “m.” Ba thành phần này thêm vào cho “om” và biểu hiện ba kaya (thân), hay thân, khẩu và ý kim cương. Những ý niệm bất tịnh của bạn về thân, khẩu và ý chuyển hoá thành thân, khẩu và ý kim cương hoàn toàn thanh tịnh của Đức Chenrezig, Đấng Bi mẫn vĩ đại. Như thế, om có nghĩa là sự giác ngộ.

Như vậy, đây là ý nghĩa của OM MANI PADME HUM; sự bắt đầu, hay nguyên nhân, của con đường, bản thân con đường, và kết quả. Nó giống như một cái cây với gốc, thân và quả.

OM MANI PADME HUM cũng bao gồm mọi sự hiện hữu – sự duyên sinh và tánh Không: mani và padme. Mọi sự hiện hữu được gồm chứa trong hai chân lý; mọi điều này được bao hàm trong mani và padme: chân lý tuyệt đối trong padme, và chân lý quy ước, chân lý của tâm hoàn toàn bị ngăn che, trong mani.

Toàn bộ 84.000 giáo lý của Đức Phật – các giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, toàn bộ hàng trăm pho sách của Tengyur và Kangyur* – cũng được gồm chứa trong OM MANI PADME HUM. Nó bao gồm toàn bộ năm luận văn vĩ đại trong các Kinh điển mà các tu sĩ nghiên cứu trong các tu viện, chúng giảng khoa luận lý học chứng minh rằng Đức Phật là một giá trị, hay chân lý, hiện thể thiêng liêng – không dối gạt, không làm lạc lối và hợp lý.
Giáo lý của Đức Phật thì chân thực là bởi khi chúng sinh thực hành nó, nó có hiệu quả; nó chứa đựng kinh nghiệm, vì thế kết quả xuất hiện. Khi bạn thực hành, ngay cả điều đơn giản nhất trong những vấn đề của đời sống hàng ngày cũng được giải quyết. Vì thế đây chỉ là một bằng chứng nhỏ bé cho thấy bạn có thể được giải thoát khỏi nguyên nhân đích thực của đau khổ; cho thấy bạn có thể trở nên giác ngộ. Điều này chứng minh rằng giáo lý có giá trị, chân thật và sẽ không lừa dối bạn.

Các tu sĩ trong các đại tu viện nghiên cứu giáo lý luận lý trong nhiều năm. Họ thường nghiên cứu và thảo luận giáo lý Trung Đạo, nó giảng nghĩa hai chân lý, trong ba năm. Sau đó họ nghiên cứu trí tuệ siêu việt, giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, trong năm năm hay khoảng đó. Họ cũng nghiên cứu những giáo lý Luật học về hành vi đạo đức – làm thế nào điều phục thân, khẩu và ý – trong một năm hay hơn nữa. Rồi họ nghiên cứu Abhidharmakosha (A tỳ đạt ma Câu xá luận) trong nhiều năm. Họ nghiên cứu những giáo lý Kinh điển này và năm luận văn vĩ đại trong ba mươi hay bốn mươi năm, ghi nhớ, thảo luận và thi cử. Sau đó họ nghiên cứu các giáo lý Tantra trong nhiều năm và thực hành tất cả những con đường rộng lớn, viên mãn đó. OM MANI PADME HUM gồm chứa toàn bộ sự nghiên cứu của một đời người.

Cách này hay cách khác, có một sự khác biệt khi bạn trì tụng thần chú của vị Phật đặc biệt này, hiện thân của lòng bi mẫn của tất cả chư Phật – lòng đại bi không thể chịu đựng nổi nỗi khổ của chúng sinh và đưa dẫn họ thoát khỏi nó. So với lòng bi mẫn mà ta dành cho bản thân mình thì lòng bi mẫn này lớn hơn hàng trăm ngàn lần. Không thể có một sự so sánh. Và lòng bi mẫn vô hạn này của tất cả chư Phật hiển lộ trong phương diện đặc biệt này mà ta gọi là Đức Chenrezig, Vị Phật Từ Thị (Nhìn Chúng Sinh Với Đôi Mắt Bi mẫn).

Do bởi lòng bi mẫn của Ngài, chính Đức Phật đã thành tựu Đại Niết Bàn, phạm vi của an bình vĩ đại, không chút chọn lựa, được kết chặt bởi lòng bi mẫn. Chúng ta thì trái ngược lại: không chọn lựa, bị buộc chặt bởi những tư tưởngï ích kỷ, chúng ta mang lại tai họa cho chúng sinh khác và thậm chí cho cả bản thân ta. Được kết buộc bởi lòng bi mẫn, chư Phật hiển lộ trong phương diện Báo Thân đối với các Bồ Tát cao cấp và trong phương diện Hóa Thân đối với những Bồ Tát bình thường. Đối với chúng sinh bình phàm, các Ngài hiển lộ trong thân tướng của một tu sĩ, như Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay một vị vua; trong những thân tướng khác nhau, bất kỳ điều gì cần thiết. Nếu có một biểu thị sẽ điều phục chúng sinh thì đó là cách các Ngài sẽ hiển lộ – như một quan toà, một tướng lãnh hay thậm chí như một đồ tể hay một người khùng điên; như một người mù hay hành khất để làm cho những người khác tích tập công đức bằng cách thực hành lòng bác ái và nhờ đó tạo nên nguyên nhân cho hạnh phúc. Nếu một vài chúng sinh cần được dẫn dắt theo lối đó, các Ngài sẽ hiển lộ như một người giàu có; nếu một người khác cần được hướng dẫn trong một phương diện đặc biệt, và nếu đó là cách thế duy nhất để điều phục tâm thức của người đó, thì do bởi sự tham luyến mãnh liệt của anh ta, các Ngài sẽ hiển lộ như một gái điếm.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố trong giáo lý của Ngài: “Ta sẽ không hiển lộ như tất cả những điều này.” Ngài nói, “Ta không tham đắm nhưng ta hiển lộ như có tham luyến; ta không mù nhưng hiển lộ như mù loàø; ta không què nhưng hiển lộ như què quặt; ta không điên nhưng hiển lộ như khùng điên; ta không chút giận dữ nhưng hiển lộ như sân hận. Trong tương lai nếu ta hiển lộ trong những cách thế như thế, sẽ không chúng sinh nào nhận ra điều này.”
Tuy nhiên, để đưa dẫn chúng ta, Ngài đã hiển lộ là Đấng Ngàn Tay Ngàn Mắt (Thiên Thủ Thiên Nhãn) và thần chú của Đức Phật Bi Mẫn thì có phần khác biệt với những thần chú khác. Những thần chú khác rất mạnh mẽ nhưng thần chú này có một vài tính cách hay tác dụng đặc biệt – trong khi nó được trì tụng thì tâm thức trở nên an bình và bi mẫn hơn nữa một cách tự nhiên; tư tưởng làm lợi lạc người khác phát khởi tự nhiên và hành giả bớt có tư tưởng tự-quy.
Thông thường thì những người bình thường trì tụng OM MANI PADME HUM có một trái tim tốt lành cho dù họ không thấu hiểu giáo lý hay thiền định về con đường tiệm thứ dẫn tới giác ngộ. Điều này xảy ra hoàn toàn nhờ vào niềm tin nơi Đức Phật Bi Mẫn, Đấng Bi Mẫn Vĩ đại và việc trì tụng thần chú của Ngài. Bạn cần có một trái tim tốt lành ngay cả để có được hạnh phúc trong đời này, sự an bình của tâm hồn trong đời sống hàng ngày. Một trái tim tốt lành là điều vô cùng cần thiết; nó là cách thế duy nhất. Việc trì tụng thần chú này rất ích lợi. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tâm thức.

Khi bạn trì tụng thần chú OM MANI PADME HUM bạn không nên cảm nhận thái quá về thân tướng của Đức Chenrezig mà nên cảm nhận về tinh tuý hay bản tánh của Ngài. Nếu bạn không thoải mái khi quán tưởng Ngài ở trên đỉnh đầu bạn thì hãy quán tưởng Ngài ở trước mặt. Hãy quán tưởng lòng đại bi đối với tất cả chúng sinh hiển lộ trong phương diện ngàn tay ngàn mắt. Bản tánh của thân linh thánh của Ngài là ánh sáng. Ngài đang mỉm cười và đầy bi mẫn, đôi mắt từ ái nhìn thẳng vào bạn – một chúng sinh đau khổ, lầm lạc – và cũng nhìn tất cả chúng sinh khác. Nếu bạn có thể làm được, hãy quán tưởng một chữ HRIH trên một đĩa mặt trăng nằm trên một bông sen tám cánh trong trái tim Ngài. Từ đây, những tia cam lồ phóng ra và đi vào bạn, tịnh hoá bạn về mọi lỗi lầm, đặc biệt là thái độ ích kỷ, là chướng ngại chính cho việc phát triển Bồ Đề tâm của bạn.
Trong khi quán tưởng theo cách này, hãy trì tụng OM MANI PADME HUM trong mức độ bạn có thể./.


Lạt ma Zopa Rinpoche đã ban giáo lý này tại Khoá Thiền định Kopan thứ Mười sáu, Kathmandu, Nepal, 1983. Nicholas Ribush biên tập.
Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2013(Xem: 10601)
Bodh Gaya (Bihar), Ngày 3, tháng 12, năm 2013 – Lễ trùng tụng Tam tạng thánh điển quốc tế đã cử hành tại Bồ Đề Đạo Tràng thuộc tỉnh Bihar, Ấn độ. Hàng ngàn chư Tăng và Phật tử trên toàn thế giới đang tham dự buổi lễ này. Buổi lễ 10 ngày được tham dự bởi chư Tăng và Phật tử từ các quốc gia như Bangladesh, Căm bốt, Ấn độ, Nepal, Miến điện, Thái lan, Tích lan và Việt nam sẽ chấm dứt vào ngày 12 tháng 12 năm 2013.
08/12/2013(Xem: 32518)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
07/12/2013(Xem: 22315)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
05/12/2013(Xem: 4687)
Nếu không phân biệt thiện-ác, thì làm sao mà hành thiện? Nhưng nếu phân biệt thiện-ác, thì còn vướng mắc vào cái nhìn thiển cận, méo mó, sai lạc của nhị biên, còn chưa thấy được cái Không của sự vật…
03/12/2013(Xem: 58745)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23999)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19607)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
16/11/2013(Xem: 27747)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
06/11/2013(Xem: 3888)
Chỉ dạy chúng sanh tu hành thành Phật là bản hoài của chư Phật. Song vì trình độ khả năng sai biệt của chúng sanh, không thể đồng tu theo một môn và đồng kết quả như nhau được, bất đắc dĩ Phật phải dạy nhiều phương pháp tu khác nhau. Trong đó đại khái chia làm hai loại: tu còn luân hồi, tu ra khỏi luân hồi (giải thoát).
06/11/2013(Xem: 18395)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]