Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tứ Vô Lượng Tâm

24/04/201214:39(Xem: 10055)
Tứ Vô Lượng Tâm

hoacucdon_1

Trong việc tu tập sự rèn luyện trí tuệ là cần yếu soi sáng vô minh u tối để mở ra con đường sáng chiếu rọi cho giới luật rõ ràng mà thúc liễm thân tâm, miên mật mới có thể thoát khỏi mọi cám dỗ của dục lạc vì vô minh là gốc luân hồi. Đạo Phật lấy Từ Bi và Trí Tuệ làm căn bản cho việc tu tập. Trong vấn đề tự giác và giác tha đó, khi người tu sĩ tự mình giác ngộ rồi mới có cơ may giúp ích được người khác. Từ Bi là hình thức tu sĩ phải lột bỏ cái bản ngã của mình có mà phục vụ tha nhân. Thiền định là con đường tối ưu thanh lọc và đoạn tận các lậu hoặc cũng như các việc bất thiện khác để trở thành tâm thánh thiện an tịnh vượt khỏi mọi hệ lụy đến sanh tử ưu khổ của thế gian. Trong các pháp tu tập ấy, Phật dạy trước tiên phải dẹp bỏ tự ngã của mình mà trau dồi phẩm hạnh từ bi và rèn luyện tâm trí. Trong phạm vi bài này, tứ vô lượng tâm được đặc biệt chú tâm sâu sắc đối với người cư sĩ hay tu sĩ.

I. Định Nghĩa

Tứ Vô Lượng Tâm: Tứ Đẳng—Tứ Phạm Hạnh—Bốn Tâm Vô Lượng—Catvari-apramanani (skt)—Appamanna or Brahmavihara (p)—(Theo TĐPGVA)

Tâm vô lượng là tâm rộng lớn không thể tính lường được. Tâm vô lượng không những làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, dẫn sinh vô lượng phúc đức và tạo thành vô lượng quả vị tốt đẹp trong thế giới đời sống trong một đời, mà còn lan rộng đến vô lượng thế giới trong vô lượng kiếp sau nầy, và tạo thành vô lượng chư Phật. Bốn tâm vô lượng, còn gọi là Tứ Đẳng hay Tứ Phạm Hạnh, hay bốn trạng thái tâm cao thượng. Được gọi là vô lượng vì chúng chiếu khắp pháp giới chúng sanh không giới hạn không ngăn ngại. Cũng còn được gọi là “Phạm Trú” vì đây là nơi trú ngụ của Phạm Chúng Thiên trên cõi Trời Phạm Thiên.

II. Pháp Luận

1. Tứ vô lượng tâm: một đề mục từ nhứt tâm, bước đầu đi đến trí tuệ

Tứ vô lượng tâm là một pháp hay một đề mục dùng để rèn luyện phẩm hạnh, hay để tư duy, nghiên cứu tìm hiểu công dụng đối tượng này có liên hệ rất lớn đến trí tuệ. Từ bi là một trong những cửa ngõ quan trọng đi đến đại giác, vì nhờ đó mà thiện căn lướt thắng và cũng từ đó mà chúng ta không làm tổn hại chúng sanh. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “An trụ trong căn nhà Từ Bi ấy chính là một nơi kiên cố nhất, nơi bảo vệ cho thân tâm ta được an toàn trước mọi kẻ thù phiền não và sân hận. Nơi đó ta sẽ có sự an lạc.” Thế nên, Phật tử chơn thuần nên luôn xem từ bi lớn làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm y áo, và các pháp không làm tòa. Trong Đại Kinh Phương Quảng, Phật dạy.

….Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát này, vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát này và vô tướng tâm giải thoát này, những pháp này nghĩa sai biệt và danh sai biệt, hay nghĩa đồng nhất và danh sai biệt?

Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát và vô tướng tâm giải thoát này, có một pháp môn, này Hiền giả, do pháp môn này, các pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và này Hiền giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.

Này Hiền giả, thế nào là có pháp môn, do pháp môn này các pháp ấy có nghĩa sai khác và có danh sai khác? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi...

Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ...

Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô lượng tâm giải thoát

…..

2. Tứ vô lượng tâm trừ tham sân si

Riêng tứ vô lượng tâm phải được tu tập theo chánh trí. Lòng từ trừ diệt sân tâm; lòng bi trừ diệt hại tâm; lòng hỷ diệt trừ bất lạc; và lòng xả trừ diệt hận tâm. Cũng vậy, tu tập bất tịnh để trừ diệt tham ái và tu tập về vô thường để trừ diệt ngã mạn.

- Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt.

3. Tứ vô lượng tâm: pháp tu tập vô ngã, phát triển trí tuệ

Nhờ sự chứng ngộ Bồ Đề tâm, những thánh nhân - những vị Bồ Tát – sẽ hoàn toàn từ bỏ bản thân mình vì người khác. Các ngài không nghĩ tưởng gì về hạnh phúc của riêng mình mà thay vào đó dùng mỗi giây phút để tìm kiếm hạnh phúc cho những người khác. Như thế điều gì sẽ xảy ra? Với Bồ Đề tâm, các ngài có thể phát triển trí tuệ tối thượngnhận ra bản tánh đích thựccủa cái tôibản ngãvà những uẩn, sự kết hợp của thân và tâm là căn bản của cái được quy gán cho là cái tôi– và mọi hiện tượng khác.

Nhờ phát triển Bồ Đề tâm và trí tuệ tối thượng, các ngài có thể tiệt trừ mọi lỗi lầm của tâm thức, nguyên nhân của mọi đau khổ – những ô nhiễm thô sơ, những lầm lạc của tham, sân và si, và những ô nhiễm vi tế, là những gì có tính chất của những dấu vết để lại trong dòng tương tục của tâm thức do những mê lầm.

Như vậy, đây là điểm đặc biệt của Bồ Đề tâm, bởi với sự hỗ trợ của nó, bạn có thể phát triển không chỉ trí tuệ chứng ngộ tánh Không mà còn có thể ngăn cản những ô nhiễm vi tế và nhờ đó trở nên hoàn toàn giác ngộ, đạt được trạng thái toàn trí, tâm toàn giác, thấu suốt trực tiếp và không chút lỗi lầm, không chỉ nghiệp thô nặng mà cả mỗi nghiệp vi tế duy nhất của từng người trong vô số chúng sinh. Bạn sẽ nhận ra mọi đặc tính dị biệt, những ước muốn và mức độ thông tuệ của họ; thấu hiểu từng phương pháp độc nhất thích hợp với tâm thức của tất cả những chúng sinh khác biệt này vào những lúc khác nhau; và khám phá phương pháp thích ứng phù hợp với tâm của mỗi cá nhân chúng sinh vào những thời điểm khác nhau để dẫn dắt chúng sinh đó từ hạnh phúc này sang hạnh phúc khác, bằng đủ mọi cách để đạt được giác ngộ.

Như thế, Bồ Đề tâm khiến cho trí tuệ của bạn hoạt động khiến nó có thể chiến thắng ngay cả những ô nhiễm vi tế, làm cho tâm bạn hoàn toàn giác ngộ.

Theo cách này, Bồ Đề tâm khiến bạn trở thành một người dẫn đường hoàn toàn có phẩm tính, một bậc giác ngộ toàn hảo, và nhờ đó giải thoát vô số chúng sinh khỏi luân hồi sinh tử, đại dương của đau khổ, và mang họ tới hạnh phúc vô song của sự Toàn Giác. (Bồ đề tâm và Lòng bi mẫn)

4. Tứ vô lượng tâm: một tri kiến cần giải thoát

Khi bạn có một thái độ bi mẫn thì ngay lập tức bạn có sự an bình và hạnh phúc trong đời bạn. Bất luận bạn sống với ai bạn cũng thấy hạnh phúc và thoải mái. Khi bạn có lòng bi mẫn đối với người khác thì bạn hạnh phúc khi sống với bất kỳ ai. Cho dù bạn sống đơn độc một mình thì bạn cũng sung sướng. Nếu trong hiện tại bạn có hạnh phúc và sự thoải mái thì tâm thái này của bạn có tương lai tốt đẹp nhất. Không chỉ có thế, bạn cũng chết trong cách thế tuyệt hảo. Nếu bạn chết với lòng bi mẫn thì tâm bạn sẽ hạnh phúc và an bình và bạn sẽ không chết với sự ân hận hay tội lỗi. Cách thức tuyệt hảo để chết là chết với lòng bi mẫn đối với người khác. Cũng thế, nếu bạn muốn tái sinh trong một cõi tịnh độ, chết với lòng bi mẫn là cách thức tốt nhất để làm cho điều đó xảy ra. Nếu bạn chết với lòng bi mẫn thì không chỉ cái chết của bạn sẽ an bình và hạnh phúc, mà bạn cũng sẽ nhận được những tái sinh tốt đẹp trong tất cả những đời sau của bạn, giải thoát khỏi sinh tử và đạt được sự Toàn Giác – tất cả những phẩm tính tốt lành bao la của thân, ngữ, tâm linh thánh của Đức Phật sẽ là của bạn, và bạn sẽ có thể làm giác ngộ vô lượng chúng sinh.

Với lòng bi mẫn, cả hiện tại lẫn tương lai của bạn đều được hạnh phúc..

5. Tứ vô lượng tâm (vô sở trụ) và trí tuệ (tự tinh) đồng tâm không

Đặc tánh căn bản của Như Lai ( Tathagata), theo Ngài Long Thọ trong Trung Quán Luận là:.

Không tánh và Từ bi-Sunyata and Karuna: Không tánh và từ bi là hai đặc tính thiết yếu của Như Lai. Không tánh ở đây có nghĩa là Bát Nhã hay trí tuệ siêu việt. Vốn sẵn không tánh hoặc Bát Nhã cho nên Như Lai đồng nhất với Chân Như; vốn sẵn có từ bi cho nên Như Lai là đấng cứu độ của tất cả chúng sanh hữu tình.

Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ, vậy Từ biliên hệ như thế nào với Trí Tuệ?

Trước hết ta cần hiểu Trí tuệlà gì. Trí tuệhay Trí huệcòn gọi là Huệ, Tuệ minh, hay là Chiếu thấy. Trí tuệcòn được gọi là Bát-nhã,Bát-lại-nhã, Ban-nhã, Ba-lại-nhã, Bát-thích-nhãv.v. đó là các cách dịch âm khác nhau của chữ Prajnãtrong tiếng Phạn. Trí tuệhay Bát-nhãchỉ có thể phát triển trong một tâm linh an bình, trong sáng, tràn ngập lòng Từ bi mà thôi. Vì vậy Từ bilà mảnh đất duy nhất mà ta có thể đem gieo hạt giống của Trí tuệ, Trí tuệchỉ có thể nẩy mầm và lớn lên trong mảnh đất của Từ bi.

Tóm lại, Từ bilà một con đường cho người tu học bước lên, một phương tiện cho họ xử dụng, một mảnh đất cho họ vun xới. Con đường càng rộng rãi, phương tiện càng tinh xảo, mảnh đất càng phì nhiêu thì Trí tuệlại càng nẩy nở và thăng tiến nhanh hơn.

Từ bilà điều kiện bắt buộc và không thể thiếu sót của Trí tuệ. Từ-bi-Trí-tuệluôn luôn đi đôi với nhau, gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, tu tập trước hết phải khơi động lòng Từ bitrong ta để đưa ta đến Trí tuệ. (Hoàng Phong)

6. Tứ vô lượng tâm: bố thí pháp: phước đức vô lượng.

Bố thí pháp là nhận biết sự hiểm nguy của sanh tử nên nhắc cho người khác biết những lời Phật dạy với hy vọng cuối cùng họ sẽ hiểu và vượt thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng bố thí phải vô sở trụ thì mới vô lượng như hư không. Theo Kinh Kim Cang, Đức Phật nhắc nhở Tu Bồ Đề về Bố Thí Vô Sở Trụ như sau.

Ông Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành phép bố thí phải nên “Vô sở trụ.” Nghĩa là không nên trụ vào sắc mà làm bố thí, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà làm bố thí. Ông Tu Bồ Đề! Tại sao mà Bồ Tát không nên trụ vào sắc tướng mà bố thí như thế? Vì nếu Bồ Tát không trụ vào hình sắc mà bố thí, thì phúc đức đó không thể suy lường được

Lại nữa, ông Tu Bồ Đề! Bồ Tát không trụ vào hình tướng mà bố thí, thì phúc đức đó cũng nhiều như thế, không thể suy lường được.

Ông Tu Bồ Đề! Nếu tâm của Bồ Tát còn trụ vào pháp sự tướng mà làm hạnh bố thí, thì cũng ví như người ở chỗ tối tăm, không thể trông thấy gì hết, còn nếu Bồ Tát làm hạnh bố thí mà tâm không trụ trược vào sự tướng, thì như người có con mắt sáng, lại được ánh sáng của mặt trời, trông thấy rõ cả hình sắc sự vật..

Chúng ta phải bằng mọi cách giúp đỡ lẫn nhau. Khi bố thí, không nên ấp ủ ý tưởng đây là người cho kia là kẻ được cho, cho cái gì và cho bao nhiêu, được như vậy thì kiêu mạn và tự phụ sẽ không sanh khởi trong ta. Đây là cách bố thí vô điều kiện hay bi tâm dựa trên căn bản bình đẳng. Bố thí Ba la mật còn là cửa ngõ đi vào hào quang chư pháp, vì nhờ đó mà trong từng giây phút, chúng ta làm cho chúng sanh hoan hỷ cũng như làm trang nghiêm cõi Phật; nhờ Bố thí Ba la mật mà chúng ta chỉ dạy và hướng dẫn chúng sanh lìa bỏ tánh tham lam bỏn xẻn.

Có người cho rằng rằng mình chỉ có thể bố thí khi mình có nhiều tiền bạc. Điều này không đúng. Vài người có nhiều tiền bạc đôi khi ít chịu bố thí, hoặc giả nếu có bố thí cũng chỉ để mua danh mua lợi hay lấy lòng người xung quanh. Những người có lòng thương người lại ít khi giàu có. Tại vì sao? Trước nhất, vì họ hay có lòng chia xẻ với người những gì họ có. Thứ nhì, họ không có ý định làm giàu trên sự nghèo khó khốn cùng của kẻ khác. Chính vì vậy mà Đức Phật nhắc nhở chúng ta về pháp bố thí Ba La Mật. Bố thí Ba La Mật là cho một cách bình đẳng, không phân biệt thân sơ, bạn thù.

7. Thực hành

Khi thực hành các pháp này, chúng ta đừng cố công tạo những tình cảm giả tạo cũng như không nỗ lực để thích nghi đối với một ý tưởng trừu tượng của một người sống về tâm linh. Chúng ta đừng đè nén những cảm xúc phẫn nộ mà chúng ta chắc hẳn phải có hoặc kiềm chế sự lo sợ trong tâm về sức khỏe. Tình thương (từ) lòng bi mẫn (bi) niềm vui đồng cảm (hỉ) và lòng bao dung vô tư (xả) không làm biến đổi năng lực để nhận thức một cách rõ ràng, nhưng chính xác hơn, khi chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang sống cùng với tất cả mọi người, họ thay đổi những lý lẽ chúng ta tiến hành để tạo nên sự thay đổi. Động cơ thúc đẩy hoặc thái độ tinh thần của chúng ta trở thành một tổng thể hơn là sự cách biệt. Và khi chúng ta tiến triển nhiều hơn trong sự tu tập Tứ vô lượng tâm (Brahma Viharas), chúng ta có thể nhìn thấy các vấn đề một cách trung thực và có hành động mạnh mẽ khi chúng ta quan tâm đến bản thân và những người khác. Chúng ta tìm được chân lý điều trị cơ bản.

· THIỀN TÂM TỪ
SỐNG VỚI CHÁNH NIỆM, TRÍ TUỆ & LÒNG BI MẪN

Lòng bi mẫn xóa bỏ những ngăn cách, mở toang tất cả những cánh cửa để đi đến bến bờ tự do, giải thoát, làm cho những tâm hồn nhỏ nhen trở nên rộng mở như thế gian. Lòng bi mẫn mang lại một trái tim nhân ái, vị tha; nó chắp cánh cho những ai muốn từ bỏ thế gian muôn vàn phiền não và đầy ích kỷ này. -- Hòa thượng NYANAPONIKA

Tham sân si là ba thứ phiền não lớn trên thế gian này, chúng có công năng gây cho nhân loại chiến tranh, gia đình ly tán, không đoàn kết, trầm luân trong bể khổ luân hồi. Nhận thấy những phiễn não nguy hại ấy nên Đức Phật khuyên hàng Phật tử không nên dễ duôi, hãy nổ lực tinh cần tu tâm dưỡng tánh thường xuyên trong giây phút hiện tại để đoạn trừ chúng. Mặc dù chưa đoạn trừ hoàn hoàn, nhưng người Phật tử biết sống trong giấy phút hiện tại với tâm chánh niệm thì có khả năng tham sân si không phát sanh trong giờ phút hiện tiền. Lúc nào tham sân si vắng lặng thì thế gian, cuộc sống, con người tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Bước vào con đường Phật pháp, tôi cảm thấy nó có thể giúp tôi thoát khỏi những cảm giác xa cách và phòng thủ. Chính điều này có thể giúp mọi người sống với một trái tim rộng mở và không còn sự phân biệt hoặc ranh giới. Cuộc đời của Đức Phật hàm ý những điều: trí tuệ và lòng bi mẫn là kim chỉ nam cho những hành động của Ngài. Dù khi Ngài đang ở một mình, hoặc cùng với mọi người, trong lúc hoằng dương thuyết pháp độ đời khắp xứ Ấn Độ hoặc lúc dừng chân, hoặc khi giảng giáo pháp hoặc khi thiền định trong sự vắng lặng, hoặc cùng với những người ngưỡng mộ hoặc phỉ báng Ngài. Dường như không có một tình huống nào ngăn trở được lòng bi mẫn của Ngài, Ngài thật sự có một tấm lòng bao la rộng mở như thế gian.

Tinh hoa của giáo pháp Đức Phật, đó là điều mà tất cả chúng ta đều có chung một tấm lòng bi mẫn vì hòa bình và an lạc. Tiềm năng này không phải là một điều trừu tượng hoặc quá xa xôi, cũng không phải là một điều chỉ dành cho những người sống một vùng đất xa lạ cách đây lâu lắm rồi. Một cuộc đời có mối tương quan và xác thực có thể đến với chúng ta ngay cả cuộc sống ở thời đại này. Chúng ta có thể tạo nó thành vật sở hữu riêng cho bản thân. Rồi khám phá ra rằng những trái tim của chúng ta thật sự rộng lớn đủ để bao trùm sự thử thách hoặc cảm nhận toàn cõi thế gian - cả niềm hoan lạc lẫn đau đớn - là cơ bản của con đường tâm linh, và nó đến với sự giải thoát cùng nỗi hạnh phúc lạ thường. Cách sống này được nhà thơ Rilke mô tả một cách đẹp đẽ:

Ta sống trong cuộc đời với vòng tay rộng mở trải khắp thế gian.
Ta có thể chẳng bao giờ đạt được điều mơ ước cuối cùng.
Nhưng ta sẵn lòng dâng hiến bản thân mình cho nó.

Như chúng ta hết lòng tu tập trí tuệ, Chánh niệm và lòng bi mẫn, để chúng ta nhận chân rằng thói quen chấp thủ và sự phân biệt của chúng ta về những lầm lỗi không cần thiết sẽ dẫn đến đau khổ. Sự nhận thức này dứt bỏ được gánh nặng trong trái tim của chúng ta, để chúng ta có thể đối phó với bất cứ điều gì mà không sa đà trong nỗi sợ hãi, oán thù hoặc chấp thủ. Chúng ta có thể đối mặt với bất cứ ai mà không bị những cảm giác lạnh nhạt, xa cách bủa vây. Chúng ta có thể bắt đầu với một lối sống khiến cho những trái tim của chúng ta hòa hợp hơn là ngăn cách, mở rộng hơn là thu hẹp, tiến bước với sức mạnh của lòng từ bi hơn là bị lôi kéo lại với ảo tưởng xa cách phân biệt. Chúng ta có thể bắt đầu sống với một cách sống xứng đáng với tiềm năng phi thường của chúng ta - tiềm năng của sự tỉnh giác đích thật. Tiềm năng này là chân lý nằm trong cốt lõi của cuộc đời Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài. Chân lý này cũng là chân lý của chúng ta. Trái tim vô lượng hải hà của Đức Phật cũng có thể là của chính bản thân ta.(Sharon Salzberg)

Phần Tham khảo

Bốn Tâm Vô Lượng

(TT. Thích Đức Thắng)

Đây là bốn phạm trù tâm thức rộng lớn cao thượng không lường được phát sinh từ trong thiền định khi hành giả tu tập trong tự lợi và, lợi tha khi đem chúng ra ban vui cứu khổ cho chúng sanh cũng đạt được như mình của chư Phật và Bồ-tát.

Bốn loại tâm thức cao thượng rộng lớn không lường này, có được nhờ vào sự đạt định của hành giả trong khi tu tập phát sinh khi các thứ phiền não vô minh vọng động được lắng trong. Bốn phạm trù tâm thức này chúng tùy thuộc vào thuộc tính của căn cơ của hành giả mà có những tên khác nhau như: Bốn Phạm trú (catur-brahmavihāra), khi hành giả thực hành Bốn phạm trú, thì hành giả sẽ tái sinh tại cõi Trời (deva) theo luật tắc nhân quả tương đối của nhị thừa bị giới hạn. Theo Tăng nhất A-hàm 21 thì, hành giả tu Bốn Phạm trú sẽ vượt qua được trời Dục giới mà trụ vào Phạm xứ, cho nên Bốn vô lượng còn gọi là Tứ Phạm đường, Tứ Phạm xứ, Tứ phạm hạnh. Vì thuyết Tứ Phạm đường có liên hệ đến chủ trương của các ngoại đạo Bà-la-môn như trong kinh Tạp A-hàm 27 ghi lại, các ngoại đạo cũng có thuyết về pháp này, nhưng đức Đạo sư chuyển dụng như là pháp của riêng mình trong việc thể hiện lòng từ bi hỷ xả theo quan điểm của Ngài trong chỉ ác hành thiện qua pháp tu thiền định cho các đệ tử của Ngài như Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ đức Đạo sư dạy:

A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”

Cũng theo Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ và Đại Trí Độ luận 20 giải thích thuyết A-tỳ-đàm về Bốn vô lượng như sau: Một, duyên vào vô lượng chúng sanh, tư duy khiến cho họ được pháp vui mà nhập “Từ đẳng chí” gọi là Từ vô lượng. Hai, duyên vào vô lượng chúng sanh, tư duy khiến cho họ lìa pháp khổ, mà nhập “Bi đẳng chí” gọi là Bi vô lượng. Ba, tư duy vô lượng chúng sanh thường lìa khổ được vui; thâm cảm vui thích ở trong tâm, mà nhập vào “Hỷ đẳng chí”, gọi là Hỷ vô lượng. Bốn, tư duy vô lượng chúng sanh tất cả đều bình đẳng, không có bất cứ sai biệt giữa oán và thân, mà nhập vào “Xả vô lượng”, gọi là Xả vô lượng.

Theo Câu Xá luận 29 thì, từ vô lương có ba nghĩa: Một, lấy chúng sanh vô lượng làm chỗ duyên cho bốn tâm này. Hai, bốn tâm này có khả năng dẫn đến phước vô lượng. Ba, bốn tâm này có khả năng chiêu cảm quả báo vô lượng và, cũng theo Câu Xá luận 29 thuyết minh thì bốn vô lượng này dùng để đối trị bốn chướng: Dùng từ vô lượng đối trị sân, dùng bi vô lượng đối trị với hại, dùng hỷ vô lượng đối trị không an vui, dùng xả vô lượng đối trị tham sân dục giới. Đại thừa thì gọi là Bốn tâm vô lượng (Skt: catur-apramāṇavihāra; Pāli: catur-appamañña-vihāra), có nơi còn gọi là Tứ đẳng tâm, Tứ đẳng, Tứ tâm.

Bốn Phạm trú, hay Bốn vô lượng là:

Từ vô lượng (Skt: maitrī-apramāṇa, Pāli: metta appamaññā).
Bi vô lượng (Skt: karuṇāpramāṇa. Pāli: karuṇā appamaññā).
Hỳ vô lượng (Skt: muditāpramāṇa, Pāli: muditā appamaññā).
Xả vô lượng (Skt: upeksāpramāṇa, Pāli: upekkhā appamaññā).

Bốn phạm trù này dùng để đối trị bốn thứ phiền não đó là tham muốn, sân hận, đố kỵ, buồn lo trong lúc tu tập thiền định và, cũng từ thiền định này tạo điều kiện làm duyên cho bốn tâm thức cao thượng rộng lớn vô lượng phát sinh đối với vô lượng chúng sanh. Theo các nhà Đai thừa thì Bốn phạm trú của Tiểu thừa cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật (pāramitā). Đó là tâm thức của chư Phật và Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh trong việc ban vui cứu khổ. Vì tính đặc thù vô lượng (Skt: apramāṇa;Pāli: appamaññā), nên bốn phạm trù này thường được sừ dụng trong việc thực hành Bồ-tát đạo ban vui cứu khổ là chính.

1. TỪ VÔ LƯỢNG (maitrī-apramāṇa, metta appamaññā), đây là phạm trù của trạng thái tâm thức thứ nhất đó là lòng Từ, Sanskrit ngữ maitry, hay Pāli ngữ metta đều có nghĩa là êm dịu, là tấm lòng người bạn tốt, hay được định nghĩa là lòng thành thật mong cho tất cả chúng sanh có cuộc sống an lành hạnh phúc, là mong muốn bạn bè mình được an vui hạnh phúc, là lòng mong muốn giúp đỡ mang đến cho mọi người an vui hạnh phúc cho hết thảy, không phân biệt là kẻ sơ người thân nào khi thấy họ khổ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn đầu của bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha vừa để đối trị những phiền não sân hận nhỏ nhen cục bộ, vừa đem cái vui cái hạnh phúc lại cho người khác. Đức Đạo sư dạy:

Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ).

Ở nơi khác trong các kinh đức Dạo sư cũng dạy về tâm Từ vô lượng, nhưng lại sâu rộng hơn kīnh trước. Đây chính là pháp phương tiện tùy thuộc vào căn cơ chúng sanh mà Ngài khai thị, do đó cũng là đề tài Bốn tâm vô lượng nhưng sự thể hiện qua cách dụng ngữ và nội dung cũng sâu rông hơn tuy rằng ý nghĩa không khác:

Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Từ vô lượng?

“Phật dạy:

“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Từ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Từ vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

2. BI VÔ LƯỢNG(karuṇāpramāṇa, karuṇā appamaññā) đây là phạm trù trạng thái tâm thức thứ hai, đó là lòng Bi, Sanskrit ngữ karuṇā, hay Pāli ngữ karuṇā, giống nhau trên cách viết và nghĩa của chúng cũng đồng, là lòng mong muốn giúp cho người khác thoát khổ, là sự xoa dịu làm giảm đi, làm vơi đi sự đau khổ sầu não của người khác, là động cơ thúc đẩy tâm mình rung động trước sự đau khổ của người khác, tạo điều kiện cho người khác lìa khổ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ hai của bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha vừa để đối trị những phiền não tàn hại vừa tạo cho người khác mọi điều kiện đề xa lìa khổ đau cho người khác.

Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Bi biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Bi, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.”(Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ).

Cũng như tâm Từ đức Đạo sư đã dạy cho các Tỳ-kheo như trên, ở đây tâm Bi cũng vậy:

Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Bi vô lượng?

“Phật dạy:

“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Bi luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Bi vô lượng.”(Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

3. HỶ VÔ LƯỢNG(muditāpramāṇa, muditā appamaññā), đây là phạm trù trạng thái tâm thức thứ ba, đó là lòng Hỷ, Sanskrit ngữ muditāp, hay Pāli ngữ muditā, chúng có nghĩa là lòng vui thích ở đây không phải là trạng thái vui thỏa thích suông, cũng không phải là tình cảm riêng dành cho một người nào mà chúng thể hiện tâm hoan hỷ vui thích đối với người khác, trước sự thành công của họ về cuộc sống. Lòng hoan hỷ này phát xuất từ lòng tự nguyện, chúng có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ, đố kỵ vốn luôn luôn đối lập trực tiếp lại hoan hỷ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ ba của bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha vừa để đối trị những phiền não tật đố vừa tạo cho người khác mọi khích lệ thúc đẩy và tán thán cho sự thành tựu người khác cùng, giúp đỡ người khác thiếp tục có những thành công khác nữa trong cuộc sống.

Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Hỷ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ).

Cũng như tâm Từ, tâm Bi đức Đạo sư đã dạy cho các Tỳ-kheo như trên, ở đây tâm Hỷ cũng vậy:

Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Hỷ vô lượng?

“Phật dạy:

“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Hỷ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Hỷ vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

4. XẢ VÔ LƯỢNG (upeksāpramāṇa, upekkhā appamaññā), đây là phạm trù trạng thái tâm thức thứ tư, đó là lòng Xả, Sanskrit ngữ upeksā, hay Pāli ngữ upekkhā, là nhận thức vô tư không luyến ái không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn; là nhận thức chân thật đúng đắn với bản chất của mọi sự vật, không cực đoan nghiêng về bên nào, không vui cũng không buồn, không lệ thuộc vào bất cứ trạng thái nào khiến chúng ta bị lệ thuộc dính mắc, tâm luôn luôn giữ trạng thái bình thản trước mọi sự vật: nào khen chê, được mất, vinh nhục, sướng khổ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ tư của bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha vừa để đối trị những phiền não tham đắm vừa tạo cho người khác mọi điều kiện nhận thức đúng đắn chân thật về sự vật nằm ngoài mọi sự phân biệt do chấp trước dính mắc sinh ra.

Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Xả biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.”(Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ).

Cũng như tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ đức Đạo sư đã dạy cho các Tỳ-kheo như trên, ở đây tâm Xả cũng vậy:

Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Xả vô lượng?

“Phật dạy:

“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm xả luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Xả vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng).

I. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG THEO QUAN ĐIỂM CÁC NHÀ TIỂU THỪA

Phần trên chúng tôi mới giới thiệu tổng quát về Bốn Tâm vô lượng, dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến quan điểm của các bộ phái Phật giáo phát triển sau này mà đại diện hiện tại là Tiểu thừa và Đại thừa.

Theo các nhà Tiểu thừa thì Bốn tâm vô lượng được đức Đạo sự đem ra dạy rộng rãi cho bốn chúng đệ tử tại gia và xuất gia của Ngài và, cũng tùy thuộc vào thuộc tính của hai hàng đệ tử tại gia và xuất gia này mà Ngài tuyên dạy cho hợp với căn cơ của họ. Trên căn bản vẫn tùy thuộc vào luật tắc nhân quả để Ngài thuyết minh về pháp chỉ ác hành thiện mong hành giả đạt được những kết quả tốt lành trong nhân thiên qua việc thoát khổ được vui là trọng. Đối với các hành Phật tử cư sĩ tại gia ngoài việc thực hành trì năm giới không cho sai phạm mà còn thực hành trong tự lợi cho chính mình mà còn lợi tha cho tha nhân nữa được phát xuất từ lòng từ có được của chúng ta.

Theo Trường A-hàm 8, kinh Tán-đà-na đức Đạo sư dạy Phạm Chí về cách tu khổ hạnh làm sao gọi là rốt ráo chân thật thù thắng bật nhất. Vì pháp này không có gì cao xa và không tưởng siêu hình mà chính pháp thực tế hằng ngày các Ông thực hành là pháp trói buộc, cấu uế. Nếu những pháp này mà các Ông thực hành ngược lại thì pháp tu khổ hạnh đó sẽ trở nên thanh tịnh, đức Đạo sư nói:

Này Phạm-chí! Người tu khổ hạnh mà tự mình không giết, không dạy người giết, tự mình không trộm cắp, không dạy người trộm cắp, tự mình không tà dâm, không dạy người tà dâm, tự mình không nói dối, không dạy người nói dối. Người ấy đem tâm từ rải khắp một phương, rồi các phương khác cũng vậy, từ tâm quảng đại, bình đẳng vô lượng, khắp cả thế gian, không chút oán kết. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế…

Ở đây nếu người tu khổ hạnh hay hành giả tại gia nào thực hành được những điều mà đức Dạo sư đã dạy như trên một cách rốt ráo thì trong hiện tại hay tương lai chúng ta se đạt được những kết quả vô cùng to lớn như đức Đạo sư đã dạy tiếp cũng cùng một kinh:

Người khổ hạnh kia lại có thể biết được việc xảy ra vô số kiếp trước, hoặc một đời, hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số trước sau, đều thấy đều biết cả. Lại còn thấy biết mình từng sanh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, ăn uống như thế, sống lâu như thế, thọ khổ, thọ lạc như thế, từ kia sanh đây, từ đây sanh kia như thế. Những việc từ vô số kiếp như thế đều nhớ cả…

“Vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh xem xét các loài chúng sanh chết đây sanh kia, nhan sắc đẹp xấu, chỗ hướng đến tốt hay xấu, tùy theo hành vi mà bị đọa lạc; thảy đều thấy hết biết hết.

“Lại biết chúng sanh với thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, phỉ báng Hiền Thánh, tà tín điên đảo, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào ba đường dữ. Hoặc có chúng sanh với thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, tu hạnh chánh tín, khi thân hoại mệnh chung được sinh vào cõi trời, cõi người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh vị ấy xem thấy các chúng sanh có hành vi nào sinh tới chỗ nào, đều thấy biết hết. Đó gọi là khổ hạnh thù thắng bậc nhất.

Qua kết quả đã được đức Đạ sư dạy ở trên; nếu hành giả nào đạt được sự tu tập hoàn hảo về phương pháp tu này thì có thể nói là họ đã hoàn thành được hai minh trong ba minh của đức Phật đó là Túc mang minh và thiên nhãn minh. Vì chính họ đã nhờ có Túc mạng minh (pūrva-nivāsānusmṛti-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā) nên thấy được mọi việc trong quá khứ và, Thiên nhãn minh (cyuty-upapatti-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā) nên thấy được mọi việc trong vị laï, đây chỉ là bước đầu của việc thấy biết về quá khứ và tương lai; nhưng việc của Lậu tận minh (āsrava-kṣaya-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā)tức là Lậu tận trí chứng minh họ chưa đạt được. Chỉ khi nào hành giả sau khi thấy xong phải yểm ly xa lìa những hiện tượng có được đó và thành tựu việc yểm ly xa lìa chúng thì lúc đó trí vô lậu giải thoát mới có được và an lạc tịch diệt sẽ hiện hữu, tất cả mọi thứ phiền não hoặc đồng lúc không còn nữa. Đó là những gì đức Đạo sư đã dạy cho Phạm Chí và, dạy cho những hành giả tại gia cách thức thực hành bốn tâm vô lượng kèm với năm giới căn bản của các Phật tử tại gia theo kinh điển Tiểu thừa còn ghi lại.

Còn các hàng đệ tử xuất gia Thinh Văn Tỳ-kheo thì như trong Tăng Nhất A-hàm 7, phẩm An Ban đức Đạo sư dạy Tôn giả La Vân (Rahula: phiên là La-hầu-la) nhân Tôn giả luôn ôm lòng sầu lo, ngay đến trong lúc đi khất thực không cột được chánh niệm trong bước đi, lòng ưu sầu trói chặt, Thầy đã không giữ được chánh niệm phải bỏ giở cuộc đi khất thực giữa đường trở về Tinh xá Kỳ Hoàn ra ngoài gốc cây, kiết già phu tọa để cột tâm một chỗ, nghĩ về sắc, thọ, tưởng, hành thức là vô thường để đối trị tâm ưu sầu của mình. Trong lúc đó, đức Đạo sư cũng đi khất thực và sau khi thọ trai kinh hành xong đức Phật đến chỗ Tôn giả La Vân, bảo La Vân:

Thầy nên tu tâp và thực hành pháp An Ban; tu tập thực hành pháp này thì sẽ diệt trừ hết được những tư tưởng có được về ưu sầu. Hôm nay Thầy lại đang tu tập và hành ác, biểu lộ qua tưởng bất tịnh, nên trừ diệt hết những tham dục có được. Này La Vân, nay Thầy nên tu tập và thực hành tâm Từ, đã thực hành tâm từ rồi thì những sân nhuế có được đều sẽ được trừ hết. Này La Vân, nay Thầy nên thực hành tâm Bi, đã thực hành tâm Bi rồi thì tâm não hại có được đều sẽ được trừ hết. Này La Vân, nay Thầy nên thực hành tâm Hỷ, đã thực hành tâm Hỷ rồi thì tâm tật đố có được đều sẽ được trừ hết. Này La Vân, nay Thầy nên thực hành tâm Xả, đã thực hành tâm xả rồi thì tính kiêu mạn có được đều sẽ được trừ hết.

Bốn tâm vô lượng ở dây được đức Đạo sư đem ra để dạy cho các hàng đệ tử xuất gia của mình với mục đích nhằm đối trị với tâm sân nhuế, hại, tật và kiêu mạn của các Thầy Tỳ-kheo; vì bốn tâm này (là bốn trong mười loại tâm sở thuộc tiểu phiền não trong lục vị tâm sở) làm chướng ngại con đường đưa hành giả đến bến bờ giải thoát. Khi hành giả dùng bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả để đối trị với bốn tâm sở tiểu phiền não, chính là lúc hành giả chánh niệm chánh định trong pháp tu đối trị để thanh tịnh hóa ba nghiệp thân-khẩu-ý cho hành giả ngay trong cuộc sống hiện tại hiện tiền. Đây chính là phương pháp tu tự lợi dành cho các hàng đệ tử xuất gia; nếu Tỳ-kheo nào có những thứ phiền não phù hợp với bốn phương pháp đối trị này thì việc thực hành sẽ mang lại cho hành giả những kết quà tốt đẹp trong việc làm sạch ba nghiệp thân-khẩu-ý. Và để tiến xa hơn nữa trong triển khai sâu rộng hơn trong việc khế cơ cho các hàng Tỳ-kheo có căn cơn bén nhạy hơn trong việc thừa hưởng những pháp vị thậm thâm hơn trong việc vừa tự lợi vừa lợi tha, đức Đạo sư đã hướng dẫn các Tỳ-kheo qua bốn tâm vô lượng, thực hiện hạnh lợi tha không những cho mình và cho kẻ khác ngay trong lúc hành giả thực hiện tự lợi cho mình. Theo Trung A-hàm 21, kinh Thuyết Xứ đức Đạo sư đã dạy Tôn giả A-nan:

A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”

Ở đây Tỳ-kheo không những chỉ trải lòng từ, lòng bi, lòng hỷ, lòng xả cho chính mình để đối trị những phiền não bệnh mà còn trải lòng từ, bi, hỷ, xả của mình đến tận khắp tất cả thế gian không còn biên giới nữa, không kết oán, không sân nhuế, không tranh dành, khéo léo dàn trải bốn tâm đến vô lượng vô biên không còn ngắn mé, khéo dụng tâm tu tập, thành tựu an trụ. Khi Tỳ-kheo đã thực hiện tâm vô lượng như vậy rồi thì tâm họ sẽ được an ổn, được sức manh, dược mọi sự an lạc. Lúc này thân và tâm Tỳ-kheo không còn phiền não bức bách nữa, nhờ vậy mà trọn đời họ hành phạm hạnh. một cách hoàn hảo và trọn vẹn. Chính vì sự lợi ích của viêc thực hành bốn tâm vô lượng như vậy cho nên đức Đạo sư bảo Tôn giả A-nan hãy đem phổ biến rộng rãi dạy lại cho các Tỳ-kheo trẻ nên thực tập thực hành ngay trong cuộc sống cho chính họ. Cũng như Trung A-hàm 21 ở trên theo Tăng Nhất A-hàm 6 thì nội dung của kinh này cũng đồng ý nghĩa với nhau; nhưng trong kinh này chỉ, nêu lên vấn đề khác hơn kinh Trung A-hàm là khi hành giả đệ tử Hiền Thánh khi không sân, không nhuế, không có ngu si, tâm ý hòa vui mà đem tâm từ, tâm bi, tâm, hỷ, tâm xả trang trải khắp cả thế gian, không nơi nào là không đến, với tâm hành giả không oán không hận, vô lượng, vô hạn, không thể ti81nh biết hết được mà tư an trú, đem tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả rải khắp tràn đầy, ở trong đó được hoan hỷ rồi thì tâm ý hành giả sẽ được chính, cũng có thể gọi là chánh tâm chánh ý hay chánh niệm. Vậy thì khi hành giả đạt được bốn tâm vô lượng trong việc trang trải khắp cả mọi nơi trên thế gian khi không sân, không nhuế, không có ngu si, tâm ý hòa vui thì tâm ý sẽ được chánh niệm như những gì đức Đạo sư đã dạy trong Tăng Nhất A-hàm 6:

Nếu đệ tử Hiền Thánh kia không sân, không nhuế, không có ngu si, tâm ý hòa vui, đem tâm từ trải khắp một phương mà tự an trú; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết, mà tự an trú, đem tâm từ này rải khắp tràn đầy, ở trong đó được hoan hỷ rồi, tâm ý liền chính.

“Lại đem tâm bi trải khắp một phương mà tự an trú; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết, mà tự an trú, đem tâm bi này trang trải đầy khắp, ở trong đó được hoan hỷ rồi, thì tâm ý liền chính.

“Lại đem tâm hỷ trải khắp một phương mà tự an trú; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết, mà tự an trú, đem tâm hỷ này rải khắp tràn đầy, ở trong đó được hoan hỷ rồi, tâm ý liền chính.

“Lại đem tâm xả trải khắp một phương mà tự an trú; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết, mà tự an trú, đem tâm xả này trang trải đầy khắp, ở trong đó được hoan hỷ rồi, thì tâm ý liền chính.”

Ở trên là chúng tôi mới trích một số kinh tiêu biểu trong bốn bộ A-hàm của Tiểu thừa, tiếp theo chúng tôi sẽ cứ cứ vào các bô luận của các nhà Tiểu thừa giải thích về Bốn tâm vô lượng. Theo A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận 7 thì Bốn tâm vô lượng này nếu chúng cùng tương ưng với thọ, tưởng hành, thức, hoặc chúng cùng khởi lên với hai nghiệp thân, khẩu hay, chúng cùng khởi lên tâm bất tương ưng hành, thì đó gọi là bốn vô lượng như trong A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận đã giải thích:

Thế nào gọi là từ vô lượng? là từ cùng từ tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, hoặc từ cùng khởi lên nghiệp thân, khẩu, hoặc từ cùng khởi lên tâm bất tương ưng hành, thì đó gọi là từ vô lượng. Thế nào gọi là Bi vô lượng? nghĩa là Bi cùng bi tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức; hoặc nó cùng khởi lên nghiệp thân, khẩu, hoặc nó cùng khởi lên tâm bất tương ưng hành, thì đó gọi là Bi vô lượng. Thế nào gọi là Hỷ vô lượng? Nghĩa là Hỷ cùng Hỷ tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức; hoặc nó cùng khởi lên nghiệp thân, khẩu, hay nó cùng khởi lên tâm bất tương ưng hành, thì đó gọi là Hỷ vô lượng. Thế nào gọi là Xả vô lượng? Nghĩa là Xả cùng Xả tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức; hoặc nó cùng khởi lên nghiệp thân, khẩu, hay nó cùng khởi lên tâm bất tương ưng hành, thì đó gọi là Xả vô lượng.”

Qua cách luận giải về Bốn tâm vô lượng trong A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận của Tôn giả Xá-lợi-phất cho chúng ta thấy, đây là một cách giải thích khác đối với các kinh mà chúng tôi đã trích ra về Bốn vô lượng tâm; tuy nhiên nếu chúng ta thông hiểu một cách chính xác hơn về những lời dạy của đức Đạo sư qua các kinh thì chúng ta sẽ thấy cách giải thích này của Tôn giả Xá-lợi-phất không khác gì cách dạy của đức Đạo sư, hơn nữa những lời ghi lại trong A-tỳ-đạt-ma phẩm loai túc luận cũng chính là những lời dạy của đức Đạo sư mà chính Tôn giả đã từng nghe Ngài dạy, nên chỉ ghi lại mà thôi. Vì chính bốn tâm vô lượng khi đem trang trải ra cùng khắp từ tâm cho đến mọi vật mà hành giả an trụ, thì trong đó có cả thọ tưởng, hành, thức hay, chúng cùng khởi lên với hai nghiệp thân, khẩu hay, cùng khởi lên với tâm bất tương ưng hành cũng đồng ý nghĩa với luận này; tuy trên mặt dụng ngữ cách dùng có khác và đối tượng bốn tâm dàn trải ra có khác. Đây chính là những lời dạy tùy thuộc vào căn cơ, nên việc giải thích khác nhau tùy thuộc vào thuộc tính của chính những pháp đó nhằm vào những đối tượng mà nó cần. Cũng giống như A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận, luận thành Thật cũng có cách dụng ngữ khác và đối tượng của bốn tâm dàn trải hướng đến tuy là chúng sanh; nhưng mỗi cách dàn trải đối tượng phải tùy thuộc vào các thuộc tính của chúng, nên ở đây dù cũng dùng bốn vô lượng để đối trị với bốn căn bệnh, nhưng ở đây chú trọng về phần định nghĩa giải thích nhiều hơn, rộng hơn mà thôi. Theo luận Thành Thật thì bốn vô lượng được luận nghĩa và giải thích như sau:

Từ, bi, hỷ, xả: Từ là cùng tâm thiện trái nghịch lại với sân, như thiện tri thức vì thiện tri thức thường cầu lợi ích và an lạc. Hành giả cũng vậy vì tất cả chúng sanh thường cầu an lạc, cho nên người này cùng với tất cả chúng sanh là thiện tri thức.

Hỏi tướng trạng thiện tri thức gọi là gì?

Đáp: Thường tướng của nó là vì mong cầu lợi ích an lạc đời này và đời sau, nên cuối cùng chúng không trái nhau với việc cầu không lợi ích. Hành giả cũng vậy, chỉ vì chúng sanh mà cầu việc lợi ích an lạc chứ không cầu việc phi an lạc. Bi là cùng với tâm từ trái nhau với não, sao vậy? Nó cũng vì chúng sanh cầu an lạc vậy.

Hỏi: Giữa sân và não có sự sai biệt thế nào?

Đáp: Trong tâm sinh ra niệm sân, muốn đánh đập hại chúng sanh này, thì phải từ sân mà khởi lên nghiệp thân và miệng, đó gọi là não. Hơn nữa, sân là nhân của não, người ôm tâm sân thì thường hành não hại. Hỷ là cùng với tâm từ trái nghịch lại với tật đố (gen ghét). Ghen là thấy tâm hảo sự của người khác không chịu nổi nên sanh ra tật nhuế, còn người tu hành thấy ích sự được tăng cũa tất cả mọi người thì sinh ra vui mừng khôn tả, như tự mình được lợi vậy.

Hỏi: Cả ba tâm này đều là từ chăng?

Đáp: chính là ba loại sai biệt phát xuất từ từ tâm. Vì sao? Vì không sân gọi là từ, có người tuy không hay sân, nhưng khi thấy chúng sanh khổ không sinh lòng bi (thương xót). Nếu đối với tất cả chúng sanh mà thực hành sâu xa tâm từ, như người bất chợt thấy con mình gặp khổ não, bấy giờ tâm từ lay động thì đó gọi là bi. Hay có người đối với cái khổ của người khác thường sinh bi tâm, nhưng đối với việc tăng ích của họ lại không thể sinh tâm hoan hỷ. Vì sao biết? Vì thông thường có người thấy cái khổ của oán tặc còn sinh lòng thương xót, nhưng cũng có người thấy con hơn việ mình lại không vui; nhưng đối với người tu hành khi thấy ích sự của tất cả mọi người được tăng thì lòng sinh vui mừng như chính mình không khác thì đó gọi là hỷ, cho nên chúng ta biết sự sai biệt từ tâm với bi, hỷ là như vậy.

Hỏi: Xả những gì mới gọi là xả?

Đáp: Tùy thuộc vào kiến giải oán và thân nên từ tâm không giống nhau, như đối với người thân thì coi trọng không như đối với kẻ oán thì lại coi nhẹ và, đối với bi, hỷ cũng như vậy. Cho nên người tu hành muốn cho tâm bình đẳng thì đối với tân xả thân, đối với oán xả oán, sau đó đối với tất cả chúng sanh tâm từ bình đẳng và, bi, hỷ cũng như vậy. Cho nên trong kinh nói: “ Vì đoạn yêu ghét nên tu tập xả tâm.””

II . BỐN TÂM VÔ LƯỢNG THEO QUAN ĐIỂM CÁC NHÀ ĐẠI THỪA

Ở trên là quan điềm của các nhà Tiểu thừa về Bốn tâm vô lượng, cho chúng ta biết rằng đây tuy là vô lượng nhưng chúng cũng tùy thuộc vào cơ tâm của hành giả nên giá trị của chúng cũng được giới hạn trong vòng nhân quả mà cá nhân được đề cao hơn là tập thể trong việc thể hiện. Trong khi để đáp ứng tùy thuộc vào căn cơ cao hơn qua việc thể hiện bình đẳng tánh đưa đến cứu cánh rốt cùng, hành giả phải thực hiện con đường Bồ-tát hạnh của mình việc lợi tha được đặt ra là chính nên Bốn tâm vô lượng cũng tùy thuộc vào đó mà đức Đạo sư tuyên nói.

Theo Phật nói kinh Quán Phật Tam-muội Hải 6 thì, đức Đạo sư bảo A-nan, muốn phát triển bốn tâm tam-muội (định) đến chỗ cùng cực của nó, trong đó từ tâm tam-muội là nền tảng chính thì, liên hệ nhớ nghĩ đến nỗi khổ não của chúng sanh trong ba đường ác, trong đó nỗi khổ của những người thân của mình là gần nhất và, cứ như thuyết luân hồi nghiệp báo thì chúng sanh trong ba cõi sáu đường không ai không là những người thân của chúng ta xa hơn; vì vậy cho nên nỗi khổ của chúng sanh luôn liên hệ đến chúng ta, nên việc ban vui cứu khổ và tạo mọi điều kiện thực hiện lợi mình lợi người đối với họ là hạnh nguyện của những hành giả thực hành bồ-tát đạo trong chiều hướng tiến đến Niết-bàn an vui giải thoát. Biết vậy, tại sao chúng ta lại khởi tâm sát hại đối với chúng sanh? Sau khi đức Đạo sư dạy đến đây thì Vua Tịnh Phạn cùng tất cả đại chúng bạch Phật rằng:

Sao gọi là Từ tâm tam-muội? Nguyện xin Thế Tôn vì mọi người mà lược nói.”

Phật bảo đại chúng:

Từ tâm, trước hết nên khởi tưởng đối với những người thân. Lúc nghĩ đến họ thì nên nghĩ đến những khổ não của cha mẹ mình, nghĩ đến vợ con mình chỗ yêu thương của chúng sanh đang chịu mọi khổ não, thấy chúng sanh bệnh hủi, ung nhọt. Thấy rồi tự nghĩ nên tìm cách nào để cứu? Một lần tưởng nghĩ thành rồi thì nên nghĩ tưởng đến lần thứ hai, lần thứ hai nghĩ tưởng thành thì nghĩ tưởng đến lần thứ ba, lần nghĩ tưởng thứ ba thành rồi thì nghĩ tưởng cho khắp cả nhà, nghĩ tưởng cho khắp cả nhà thành rồi thì nên nghĩ tưởng đến khắp cả phường xóm, một phường xóm thành rồi thì cho cả một do tuần (Bốn mươi lý là một do tuần. Một lý = một dặm = 360 bước), một do tuần thành rồi thì cho cả Diêm-phù-đề (Ấn Độ), cả Diêm-phù-đề thành rồi thì cho cả ba thiên hạ, dần biến khắp cả mười phương thế giới.

“Thấy hết chúng sanh phương đông là cha mình, thấy hết chúng sanh phương tây là mẹ mình, thấy hết chúng sanh phương nam là anh mình, thấy hết chúng sanh phương bắc là em mình, thấy hết chúng sanh phương dưới là vợ con mình, thấy hết chúng sanh phương trên là sư trưởng mình, ngoài ra bốn phía là Sa-môn, Bà-la-môn v.v… Thấy tất cả chúng sang đang chịu khổ, hoặ măc bệnh nặng, hoặc ở trên núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò tro. Thấy tất cả những nỗi khổ này rồi, lòng khóc thương, muốn nhổ đi cái khổ này, tự nghĩ: ta nương vào hoa sen báu đến chỗ mọi người, đích thân tiếp xúc rửa sạch ung nhọt. Nhìn lửa địa ngục buồn thương rơi lệ muốn diệt lửa kia, nhìn thấy ngạ quỹ đâm thân ra máu tưởng hóa thành sữa, cung cấp ngạ quỷ khiến được đấy đủ, khi đã đầy đủ rồi vì họ mà nói pháp, khen Phật, khen pháp, khen Tăng Tỳ-kheo. Sau khi khen ngợi mọi lợi ích rồi, khiến thay đổi được tâm buồn thương không bao giờ xả bỏ kia và, như vậy tâm từ thật sự đã đả thông được tất cả, còn ba tâm kia cũng nói rộng như từ tam-muội vậy. Tâm từ như vậy gọi là tu tập từ, khi đã tu tập từ rồi thì tiếp đến là thực hành bi. Người tu tập bi, khi thấy mọi người chịu khổ như tim bị mũi tên vào, như con ngươi bị phá, lòng thật khổ thương, máu dâng khắp cơ thể, muốn nhổ khổ kia, nhưng lòng bi thương này không phải một mà có trăm ức cửa nên cũng nói rộng như đại bi tam-muội này vậy. Hành giả sau khi hành từ. bi rồi tiếp đến thực hành đại hỷ, hành giả nhìn thấy mọi người an ổn hưởng vui, lòng sinh hoan hỷ như chính mình vui không khác, khi đã sinh hoan hỷ rồi thì tiếp đến thực hành pháp xả. Là chúng sanh thì không đến đi, tướng từ tâm tưởng sinh. Tâm tưởng sinh chính là nhân duyên hòa hợp nên giả gọi là tâm. Tâm tưởng này cũng giống như hoa đớm từ bệnh điên đảo khởi lên, nên khổ cũng từ tưởng mà khởi lên, vui cũng từ tưởng sinh ra, tâm giống như ruột cây chuối không chắc thật.”

Ở đây đức Đạo sư đã dùng pháp bốn tâm vô lượng để dạy chung cho các đệ tử của mình dù là xuất gia hay tại gia, trong đó có cả phụ thân của Ngài nữa. Bốn tâm này nếu chỉ giới hạn cho riêng mỗi một cá nhân trong đối tượng thực hành thì thì vẫn là những hạn cuộc và sẽ không đưa hành giả đến cứu cánh rốt cùng được mà phải được mở rộng ra xa hơn nữa ngoài cá nhân mình mà còn những người chung quanh, trước hết là những người thân gần chúng ta nhất đó là cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc và xa hơn nữa là khắp pháp giới, đây mới chính là đối tượng thực hành bốn tâm vô lượng đưa đến rốt ráo. Qua đây đức Đạo sư dạy cho chúng ta cách quán oán thân bình đẳng trong vô ngã và vô pháp: Từ quan hệ nhân quả đến quan hệ duyên khởi có trong nhau đưa đến phát khởi từ tâm và cuối cùng đưa đến ngã pháp đều không để thực hành bốn tâm vô lượng. Cũng trong ý nghĩa này, theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn 16 nói về Bốn Tâm Vô Lượng, nếu đem Bốn Thiền phối hợp với Bốn Tâm Vô lượng này để phân tích thì, Bốn Thiền chỉ là chỉ có công đức tự chứng Thiền định cho chính mình chứ chưa có công đức lợi tha đối với kẻ khác, cho nên muốn có cái công đức lớn an vui thì buộc hành giả chúng ta phải có lòng thương xót lân mẫn đối với chúng sanh, tức là hành giả chúng ta phải tu tập Bốn định vô lượng đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn định này gọi chung là Tâm vô lượng. Từ cảnh mà chúng ta có được tên gọi, lấy vô lượng chúng sanh làm cảnh sở duyên và, tâm chúng ta là năng duyên luôn tùy thuộc vào cảnh vô lượng chúng sanh này mà phồi hợp tu tập, cho nên cả hai đều có được tên gọi chung là tâm vô lượng. Đây chính là cách tu tập dành cho các hành giả thực hành Bồ-tát hạnh trong lúc tu tập để hoàn thành Giác hạnh viên mãn chứng đắc Niết-bàn an lạc. Theo Pháp Giới Thứ Đê Sơ môn thì Bốn tâm vô lượng được trình bày như sau:

Một, tâm từ vô lượng là tâm luôn luôn ban vui cho người khác, nên gọi là từ. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh muốn cho họ được vui thì, trong tâm số pháp (Tâm sở) sinh định gọi là định từ. Từ này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm từ vô lượng.

“Hai, tâm bi vô lượng là tâm luôn luôn cứu khổ người khác, nên gọi là bi. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh chịu khổ muốn họ được giải thoát khổ thì, trong tâm số pháp sinh định, gọi là dịnh bi. Bi này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm bi vô lượng.

““Một, tâm hỷ vô lượng là tâm vui có được từ cái vui của người khác, mà sinh ra tâm hoan hỷ này, nên gọi là hỷ. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh muốn cho họ lìa khổ được vui mà hoan hỷ thì, trong tâm số pháp (Tâm sở) sinh định gọi là định hỷ. Hỷ này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm hỷ vô lượng.

“Hai, tâm xả vô lượng là tâm duyên vào người khác với tâm không ghét không yêu, nên gọi là xả. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh tất cả đều nhớ nghĩ một cách bình đẳng không ghét không yêu như chứng Niết-bàn, trong sạch vắng lặng thì, trong lúc nhớ nghĩ như vậy, tâm số pháp sinh định, gọi là định xả. Xả này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm xả vô lượng.”

Bốn tâm vô lượng ở đây được phát khởi khi hành giả vào Thiền định thì bốn tâm này tùy thuộc vào thiền định mà có được bốn định theo thuộc tính của nó mà phát sinh ra đó là định từ, định bi, đinh hỷ và định xả. Nếu như hành giả trong lúc thiền định mà phát khởi lên một trong bốn thứ tâm này thì định cũng sẽ tùy thuộc vào bốn tâm đó mà hiện hữu vô lượng, vì tâm này biến khắp đầy trong mười phương, rộng lớn vô lượng nên bốn tâm này cũng vô lượng. Và nếu hành giả biết cách kết hợp giữa thiền định và bốn tâm vô lượng này thì cứ tùy thuộc vào tính đặc thù của chúng mà chúng ta sẽ có mỗi một thứ định đặc biệt cho nó. Cuối cùng hiệu quả của nó sẽ đưa hành giả đến chỗ giải thoát nếu bốn loại định này cùng tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập và nổ lực áp dụng triệt để thì sẽ được giải thoát.

Cũng đồng quan điểm với Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn 16 nói về Bốn Tâm Vô Lượng, theo Thập Địa kinh luận 5 thì, từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm của Bồ-tát luôn luôn tùy thuận với không và thời gian rộng lớn vô lượng không phải hai, nếu các Ngài dùng tâm không sân hận, không đối đãi, không chướng ngại, không não hại trang trải khắp đến tất cả mọi nơi trên thế gian cùng đến tận hư không cõi thì đó gọi là vô lượng được thực hành rốt ráo:

Sao gọi là bốn vô lượng?”

Kinh dạy:

Là từ tâm của Bồ-tát tùy thuận rộng lới vô lượng không hai. Không sân hận, không đối tượng, không chướng ngại, không não hại, biến khắp cho đến mọi nơi trên thế gian, pháp giới thế gian, cứu cánh hư không giới, bao trùm lên tất cả hành thế gian. Như vậy bi tâm của Bồ-tát cũng tùy thuận, hỷ tâm cũng tùy thuận, xả tâm cũng tùy thuận rộng lớn vô lượng không hai, không sân hận, không đối tượng, không chướng ngại, không não hại, biến khắp cho đến mọi nơi trên thế gian, pháp giới thế gian cứu cánh hư không giới, bao trùm tất cả hành thế gian.”

Đó là phương pháp đem tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả qua các bản kinh luận, được dàn trải rộng khắp đối với chúng sanh không hạn định trong không gian hay thời gian mà khắp đến từ ba cõi sáu đường cho đến tận hư không giới; vì chúng không còn bị giới hạn vào bất cứ xứ, giới nào nữa cho nên được gọi là vô lượng.

Tóm lại bốn tâm vô lượng này dù là Tiểu hay là Đại thừa chăng nữa, con đường thực hành đưa đến tự lợi và lợi tha, chúng vẫn hiện hữu trong nhau; nhưng chúng chỉ khác nhau về mặt tiêu cực và tích cực mà thôi. Về mặt tiêu cực thì chỉ được giới hạn kết quả theo theo nhân quả tính của tự lợi, còn mặt tích cự thì không còn giới hạn trong nhân quả tính nữa mà vượt ra ngoài tính tiêu cực của nhân quả giới hạn, mà thể hiện tính duyên khởi có nhau trong bất nhị tính. Bốn tâm vô lượng vì thế chúng cũng tùy thuộc vào giá trị thuộc tính của chúng nhiều hay ít tùy thuộc vào đối tượng hướng đến của chúng qua chúng sanh là gián tiếp mang tính tiêu cực và trực tiếp mang tính tích cực. Vì bản thâm bốn tâm này giá trị của chúng đối với Tiểu hay Đại đều như nhau; nhưng đối tượng hướng đến để làm duyên hoàn thành giá trị của chúng là tiêu cực hay tích cực thì, hiệu quả của chúng có sự khác nhau giữa Tiểu và Đại mang tính tích cự chay tiêu cực mà thôi. Qua đó chúng là cũng chỉ làm duyên cho cả hai nhưng là tiêu cực hay tích cực mà chúng được thể hiện qua tự lọi và lợi tha mà thôi. Đây chính là con đường thực hành của các hành giả được thể hiện một cách tiêu cực qua giá trị tự lợi của nhân quả nhị nguyên, còn nếu theo chiều hướng tích cực thì đó là con đường thực hành của các hàng Bồ-tát mang tính tích cực vượt thoát để hoàn thành mục tiêu của mình tiến đến quả vị Chánh giác.

III. Kết Luận


T
ứ vô lượng tâm là căn bản để phát triển trí tuệ và đồng thời hư không hóa mọi hữu tồn trong tâm, tức là tâm không. Không chấp thủ trong hành động bố thí, như tài thí hay pháp thí nghĩa là không có nghĩ đến chủ thí, người được thí và cả vật thí. Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người ác. Điềugiác ngộ thứ sáu (Kinh Bát Đại Nhân Giác), Phật dạy Bồ-tát khi làm việc lợi tha phải biết tâm bệnh của chúng sanh là quá nghèo khổ nên hay oán hận, hay kết nhiều duyên ác. Bố thí là một đức tánh cần thiết mà Bồ Tát hay tu sĩ phải tu tập thuần thục tâm bình đẳng với mọi hạng chúng sanh mới có thê trước tự độ tự giác sau mới giác tha và rộng đô chúng sanh. Một bài học về giác ngộ này là phải bố thí, thực hành phạm hạnh từ bi bình đẳng cũng chưa đủ mà cần phải tu tập tâm bố thí bình đẳng là phải xả bỏ mọi ô nhiểm vẩn đục trong tâm thức bằng cách hàng phục tâm và an trụ tâm.

Trích Kinh Lăng Già Tâm Ấn:

Thế gian lìa sanh diệt

Như hoa đốm hư không,

Trí chẳng thấy có, không

Mà khởi Tâm đại bi.

Tất cả Pháp như huyễn

Xa lìa nơi Tâm thức,

Trí chẳng thấy có, không

Mà khởi Tâm đại bi.

Xa lìa chấp đoạn thường

Thế gian hằng như mộng,

Trí chẳng thấy có, không

Mà khởi Tâm đại bi.

S. Kumārajīva*

* S.
Kumārajīva; dịch nghĩa là Đồng Thọ (344-413), là một dịch giả Phật học nổi tiếng, chuyên dịch Kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Hán.

Tâm ấn

Lăng già tâm ấn học nằm lòng

Hiện hữu diệt sanh khắp cõi không

Hoa đốm thế gian như mộng huyễn

Hành thâm tánh giác tuyệt chơn không

Mượn gai lể bịnh là phương tiện

Khỏi bệnh,bỏ gai hết có không

Luôn khởi đai bi, thường đoạn dứt

Đại bi, trí tuệ pháp tâm không

Phổ Nguyệt (9/04/10)

Tham khảo

BỒ ĐỀ TÂM VÀ LÒNG BI MẪN. Lama Zopa Rinpoche. Thanh Liên dịch. Trích trong website Quảng Đức: http://www.quangduc.com

BỐN TÂM VÔ LƯỢNG(catur-apramāṇavihāra). TT. Thích Đức Thắng. Trích trong website Thư Viện Hoa Sen: http://www.thuvienhoasen.org.

Đại Kinh Phương Quảng (Mahavedalla Sutta). Trung Bộ Kinh do Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Pali và chuyển Việt dịch do HT. Thích Minh Châu, trích trong website Diệu Pháp, phần Chìa Khóa Học Phật (Kinh Điển): http://www.dieuphap.com:

THIỀN TÂM TỪ. SỐNG VỚI CHÁNH NIỆM, TRÍ TUỆ & LÒNG BI MẪN Nguyên Tác: "A HEART AS WIDE AS THE WORLD" Tác Giả: Sharon Salzberg; Tỳ Kheo Thiện Minh Dịch. Cùng Từ Bi và Trí Tuệ. Hoàng Phong, trích trong website Quảng Đức.

trù
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/12/2013(Xem: 10155)
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì : “Thủy Giác: mới tỉnh giác. Cái bổn tánh của hết thảy chúng sanh sẳn có lòng thanh tịnh tự tánh, đủ cái đức vốn chiếu sáng tự thuở nay, đó kêu là Bổn Giác (vốn tỉnh giác sẳn). Cái Bổn Gíac ấy do bề trong ung đúc và nhờ cái duyên ngoài thầy dạy, mới khởi ra cái lòng chán chuyện tham cứu thuận theo bổn giác lần lần sanh ra có trí giác ngộ kêu là Thủy Giác (sau mới tỉnh giác). Bổn Giác đó tức là bốn đức (thường, lạc, ngã, tịnh) vốn thành sẵn vậy. Thủy Giác là bốn đức mới thành ra sau nầy vậy.”
24/12/2013(Xem: 6490)
Một đệ tử của tôi kể rằng có một nữ doanh nhân thành đạt rất quan tâm đến các giới luật đạo đức theo Phật giáo. Một lần bà tìm được một mối kinh doanh mới, có một số tiệm rượu đang rao bán. Bà biết nếu nhân cơ hội này mua các tiệm ấy, thì bà có thể được nhiều lợi lộc. Tuy nhiên có điều gì đó đã ngăn cản bà lại.
24/12/2013(Xem: 5219)
Có người cần một bảng liệt kê các giới luật để đảm bảo rằng mình hành động một cách đạo đức, chân thật. Người khác thì cần giới luật để cảm thấy chắc chắn rằng họ đã đạt được mục đích tâm linh, ở cõi trời hay được giác ngộ. Đức Phật cũng đã chỉ bày cho ta những cách hành xử để tránh khỏi đau khổ, nhưng hành động đạo đức chân chính không chỉ nằm trong các bảng điều lệ giới luật nào.
24/12/2013(Xem: 12846)
Trong một buổi giảng trước khóa lễ Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm tổ chức tại quận Cam (Orange County, Los Angeles) ngày 22 tháng 10-2012, pháp sư Trang Trí đã giới thiệu cuốn sách Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật. Nói về nhân duyên biên soạn cuốn sách ấy, pháp sư cho biết: Trước kia, Ngài đã thấy rất nhiều người niệm Phật vô cùng tinh tấn nhưng tới phút cuối cùng không buông xuống nổi,
23/12/2013(Xem: 9657)
Tôi có một câu chuyện muốn nói cho quý vị nghe. Chuyện này cũng với tinh thần chỉ Ông chủ chứ không có gì lạ. Một sáng, khi xả thiền ra tôi có tuyên bố với một số người rằng: "Tôi quả thực là con ngỗng chúa biết uống sữa, lọc nước chừa lại". Câu nói đó quý vị nghe lạ đời phải không? Ðây là câu nói của các Thiền sư Trung Hoa thời xưa. Lúc trước tôi học tôi tu, đọc câu đó tôi cũng biết
23/12/2013(Xem: 4229)
Chúng tôi rất vui mừng hiện diện nơi đây một lần nữa tại Xalapa, và chủ đề mà tôi đã từng được yêu cầu để nói tối nay là nghiệp báo. Dĩ nhiên, khi chúng ta nghiên cứu về một chủ đề nào đấy trong Phật giáo, điều quan trọng để có một ý tưởng nào đấy về việc tại sao chúng ta muốn tìm hiểu về nó, điều quan trọng của nó là gì, và tại sao nó phù hợp trong toàn bộ phạm vi của Phật giáo. Một cách căn bản Đức Phật nói về kinh nghiệm của mỗi người,
23/12/2013(Xem: 5834)
Lozang Ngodrub dịch, Tâm Ưu Đàm hiệu đính Có bốn cách nghiệp sẽ chín trong những kiếp tương lai: Nghiệp Chín Hoàn Toàn: là loại tái sanh mà tâm thức ta sẽ nhận lãnh khi nó tách rời thân thể ta trong giờ phút lâm chung. Hành Động Tương Đương với Nguyên Nhân: tất cả những lời nói, ý nghĩ và hành động ta tạo ra trong bất cứ kiếp sống nào là do những thói quen trong quá khứ.
21/12/2013(Xem: 7129)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
18/12/2013(Xem: 13968)
Dân giàu nước mạnh xã hội văn minh phú cường khó có được, nếu người dân có nhiều bệnh tật, ngân sách chi tiêu y tế quá cao, đội ngũ sản xuất ốm yếu, học sinh sinh viên gầy, trí thông minh chưa đạt, đạo đức xã hội xuống cấp. Mà thiền, theo sự nghiên cứu của các khoa học gia và y giới quốc tế trong đó có người Việt chúng ta đều xác nhận, thiền có khả năng giúp cải tiến phần lớn các bất cập nêu trên. Đó là trọng tâm của bài viết gần đây “Thiền và canh tân đất nước”.
18/12/2013(Xem: 22068)
Nhân loại càng văn minh, thì con người càng bị cuốn hút vào các guồng máy do chính mình tạo ra. Từ đó, những khủng hoảng nầy chồng chất lên những khủng hoảng khác, tạo đủ thứ bệnh, và nhiều trường hợp, số phận, đành giao cho tử thần quyết định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]