Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

GIÁC NGỘ LÀ GÌ? Phạm Doãn

02/09/201209:38(Xem: 5867)
GIÁC NGỘ LÀ GÌ? Phạm Doãn
buddha_hanhtang

GIÁC NGỘ LÀ GÌ?

Phạm Doãn

Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây tranh cãi trong Đạo Phật. Bởi vậy, khi tìm trong sách hoặc search trên mạng, quí vị sẽ không tìm thấy câu trả lời thật rõ ràng và thật thỏa mãn cho mình. Ngược lại các câu trả lời luôn luôn rất khác nhau, rất mơ hồ và …rất bế tắc! Nói theo kiểu Thiền Tông Trung Quốc là “không thể giải bày” (bất khả ngôn thuyết).

Chữ “giác ngộ” trong Đạo Phật, tiếng Pali và Sanskrit đều là “Bodhi”. Tiếng Anh là “enlightenment” hay “awakening”[1]. Khi sử dụng tiếng Anh nên gọi là “Buddhist enlightenment” hay “Buddhist awakening” để rõ nghĩa và phân biệt giác ngộ của Đạo Phật với các loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác.

Nếu hỏi giác ngộ là gì? Nên biết rằng giữa các tôn giáo, giáo phái có nguồn gốc từ triết học Bà La Môn hoặc các tông phái của Đạo Phật phát triển và giáo pháp của Đạo Phật nguyên thủy đều có những quan điểm và cách giải thích hoàn toàn khác nhau. Như vậy, Giác Ngộ chỉ là một từ chung chung, mang những nội dung khác biệt. Cùng nói đến một từ “giác ngộ”, nhưng nếu tìm hiểu cặn kẽ thì rõ ràng cách hiểu về giác ngộ của từng tôn giáo, pháp môn có khác biệt nhau rất nhiều. Phải nắm vững một điều rằng: Từ những quan điểm triết học khác nhau đã dẫn đến những phương pháp tu tập khác nhau và kết quả là những nội dung giác ngộ …không giống nhau.

I. Có nhiều loại giác ngộ khác nhau

1. Giác ngộ của các tôn giáo thần khải (Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo)

Trong các các tôn giáo thần khải (Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo) không có từ “Giác ngộ” (enlightenment). Một người trở thành một vị Thánh là do sự ban phước (blessing) từ Thiên Chúa (Đấng sáng tạo tối cao). Các bậc Thánh được gọi là the “Blessed One” trong tiếng Anh. Nhờ sự ban phước này, các vị Thánh có thể tiếp xúc với Thiên Chúa thông qua sự “mặc khải” (revelation). Ví dụ: Đấng Christ mặc khải trong sa mạc. Đấng Mohamed mặc khải trên núi Sinai.

Các tôn giáo thần khải đặt cơ sở trên niềm tin. Không có khái niệm “giác ngộ” mà chỉ có khái niệm “được ban phước” từ Thiên Chúa. Không có mục đích “giải thoát” mà chỉ có ước muốn đạt tới “thiên đàng”. Thiên đàng này là duy nhất, do Chúa dựng lên và do chúa ngự trị. Trong các thánh đường Hồi giáo (mosque), người ta thấy cảnh giới thiên đàng được vẽ trên các bức vách mô tả cảnh hoan lạc vui sướng, tương tự như khái niệm các cõi trời của dục giới.

2. Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái, đa số thuộc Bà La Môn giáo)

Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái, đa số thuộc Bà La Môn giáo) thường được tin là sự câu thông (connection) và nhận biết các cõi trời. Sự câu thông này được thực hiện bằng các kĩ thuật thiền định, yoga hoặc thậm chí bằng sức mạnh của đức tin. Theo triết học Bà La Môn, khi giác ngộ, bản ngã cá nhân (Atman) không còn thu thúc trong cơ thể trần gian mà mở rộng đến những cõi to lớn hơn, cao siêu hơn, tùy theo mức độ tu chứng. Cuối cùng là sự “trở thành một” với Đại ngã (Bhraman). Các đạo sư Ấn Độ nổi tiếng như Vivekananda, Krishnamurti, Osho, Thakar Sing, v.v… thường ca ngợi về sự trở thành một với thượng đế. Sự giác ngộ trong Ấn giáo thường được diển tả bởi cụm từ “Một là tất cả, tất cả là một” (One is all and all is one), hoặc “câu thông với thượng đế”. Trên thực tế, theo các triết gia Ấn Độ đương đại, chưa có một tôn giáo nào của Ấn giáo đã thực hiện được sự trở thành một với Brahman. Một số giáo phái của Ấn Độ giáo lấy Brahma (Đại Phạm Thiên), một vị thần trong sắc giới, làm hình tượng để thờ phụng. Một số giáo phái thờ phụng các vị thần Vishnu và Shiva. Còn lại rất nhiều giáo phái khác thờ các vị thần khác theo các huyền thoại.

Truyền thống Vedanta [2] thường đề cập đến tha lực, lực gia trì trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Vedanta luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của minh sư còn sống (living teacher). Minh sư (hay Guru) của giáo phái San Mat (Sihkism) được tin là có thể truyền năng lực tâm để khai tâm (initiate) cho đệ tử [3]. Mật tông của Phật giáo phát triển có các nghi thức quán đảnh. Hiện nay có rất nhiều giáo phái mới phát sinh. Rất nhiều guru, tổ sư, minh sư nói về giác ngộ. Tuy nhiên các loại giác ngộ đó không có cùng bản chất với sự giác ngộ của sa môn Gautama tại Bodhgaya. Đại Giác Ngộ của Đức Phật là kì tích duy nhất và khác biệt hoàn toàn với mọi loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác. Tôi không hề phủ nhận giá trị của những loại giác ngộ khác (của các tôn giáo hay giáo phái khác). Các con đường tu tập khác nhau dẫn đến các loại giác ngộ, tức các đẳng cấp tâm linh khác nhau. Tám vạn bốn ngàn pháp môn tại Ấn Độ đều có giác ngộ dựa trên các loại kĩ thuật tu tập thiền định khác nhau. Chỉ riêng có Đức Phật, sau khi đã giác ngộ bằng thiền định đã không thỏa mãn với loại giác ngộ như vậy, ngài đã tìm ra và thực hiện được một giác ngộ hoàn toàn khác biệt dựa trên các Tuệ giải thoát. Các loại giác ngộ đều có giá trị riêng và có vai trò nhất định của nó trong tiến hóa của loài người. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là sự phân biệt minh bạch giữa các loại Giác ngộ khác nhau. Một số rất đông người đã chọn con đường tu tập của các giáo phái Bà La Môn vì nhầm rằng đó là Đạo Phật. Ví dụ, một guru San Mat ( Ching Hai) lại tự nhận mình là một vị Phật (Buddha). Vị này dạy phương pháp tu tập theo truyền thống San Mat (thuộc Sikhism) bằng những khái niệm và ngôn ngữ quen thuộc của Đạo Phật để mọi người tin rằng đây là giáo pháp của Đức Phật đã từng giảng dạy. Như vậy là không chân thật và không công bằng! Tại sao đã gọi là “minh sư” lại không đủ can đảm để cho tín đồ biết rõ sự thật về nguồn gốc giáo phái của mình? Tại sao vị minh sư đó lại không dám trình bày so sánh về những cứu cánh giải thoát khác nhau, để những người “sơ cơ” chưa kịp hiểu biết, có thể chọn lựa con đường mình muốn chọn.

Để thu hút tín đồ, vị minh sư San Mat này đã cố ý lập lờ đánh tráo khái niệm “khai ngộ” và “giác ngộ”. Khi ngài nói “tức khắc khai ngộ, hiện đời giải thoát” thì đừng nên tin rằng bạn sẽ giác ngộ ngay tức khắc trong lúc này. Cẩn thận, vì sau đó ngài sẽ lại nói: “Khai ngộ rồi sẽ… tu tiếp đến khi giác ngộ”. Chiêu thức này cũng là cái trick, giống hệt khi Thiền Tông Trung Quốc nói “Đốn Ngộ” rồi sau đó sẽ “Tiệm tu”. Ở đây, vì phải trả lời câu hỏi “Giác ngộ là gì ? cho nên bất đắc dĩ phải đề cập tới những khái niệm lập lờ như “đốn ngộ’ và “khai ngộ” vốn xa lạ với kinh điển nguyên thủy. Đối với nhiều giáo phái, có khi chỉ với một vài trải nghiệm tâm linh không đáng kể trong các kĩ thật thiền định, đã được gọi là giác ngộ! Ví dụ, các tín đồ San Mat khi trải nghiệm được ánh sáng thì coi như đã thành công trong thiền định vì họ tin rằng ánh sáng là bản thể của thế giới và là “Phật tánh”. Có khi chỉ với vài ảo giác như nghe âm thanh lạ hay nhìn thấy những cảnh giới lạ v.v…(cái mà Đạo Phật gọi là tưởng tri) họ cũng nhận là thành quả của sự tu tập .

Osho, guru nổi tiếng đương đại, từng tuyên bố không thuộc trường phái nào, cũng định nghĩa giác ngộ bằng ánh sáng bên trong. Đoạn dưới đây trích từ tác phẩm “Osho tự truyện”:

” Giác ngộ không gì ngoài bạn trở thành ánh sáng, bản thể của bạn trở thành ánh sáng.

Có lẽ bạn nhận thức qua là các nhà vật lý học thường cho rằng nếu bất cứ những gì vận chuyển với tốc độ ánh sáng, nó trở thành ánh sáng, bản thể nội tại của bạn trở thành ánh sáng… bởi vì tốc độ quá lớn đến mức sự ma sát đó tạo ra lửa. Vật đó bốc lửa, chỉ còn ánh sáng mà thôi. Vật thể biến mất, chỉ còn phần lại phần phi vật chất.

Giác ngộ là kinh nghiệm của sự bùng nổ ánh sáng trong bạn.

Có lẽ sở cầu được giác ngộ của bạn chuyển động với tốc độ ánh sáng như một mũi tên, nên chính sở cầu đó, chính sự khao khát đó trở thành ngọn lửa, sự bùng nổ của ánh sáng. Không ai trở nên giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ. Chỉ có mặt trời mãnh liệt ngời lên trong bạn. (Upan41)

Tôi đã gặp hàng trăm nhà thần bí giải thích giác ngộ như có hàng nghìn mặt trời bừng sáng trong bạn. Đó là sự diễn đạt qua ngôn từ của các nhà thần bí, trong mọi ngôn ngữ, tại nhiều quốc gia khác nhau, với nhiều chủng tộc khác nhau.(Transm22)

“Giác ngộ đơn thuần là kinh nghiệm tâm thức của bạn không bị nhiễm ô bởi vọng tưởng, cảm giác, tình cảm. Khi tâm thức hoàn toàn trống rỗng, nó là một kinh nghiệm bùng nổ, sự bùng nổ nguyên tử. Toàn bộ tuệ giác của bạn tràn trề ánh sáng không nguồn gốc, không nguyên nhân. Và một khi nó diễn tiến, nó tồn tại, không bao giờ rời bạn dù chỉ một sát na; ngay cả khi bạn say ngủ, ánh sáng đó vẫn chói lọi bên trong. Và sau khoảnh khắc đó, bạn có thể thấy biết vạn pháp một cách vô cùng khác lạ. Sau thể nghiệm đó, không còn câu hỏi gì nữa trong bạn (Last113)…” [4]

Osho cũng như các guru San Mat đều nhấn mạnh trải nghiệm ánh sáng và coi đây là dấu hiệu của giác ngộ, thậm chí ngài Thanh Hải (Ching Hai) còn gọi là “Phật tánh”. Thực đúng như vậy, đây là dấu hiệu giác ngộ thông qua các pháp thiền thuộc truyền thống Ấn giáo. Đối với Đạo Phật, ánh sáng được nhận biết trong suốt qua trình tu tập Định và Tuệ nhưng đó không phải là dấu hiệu của giác ngộ. Phật giáo hiểu biết rất sâu sắc về bản chất của ánh sáng bên trong (inner light). Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật đã mô tả về hào quang và ánh sáng và chỉ liên hệ “ánh sáng” với “trí tuệ” (chưa phải sự hoàn toàn giác ngộ)

Này các Tỳ khưu, có bốn lại hào quang. Thế nào là bốn? Hào quang của mặt trăng, hào quang của mặt trời, hào quang của lửa và hào quang của trí tuệ (paññābhā).

- Này các Tỳ khưu, có bốn lại ánh sáng rực rỡ. Thế nào là bốn? Ánh sáng rực rỡ của mặt trăng, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, ánh sáng rực rỡ của lửa, ánh sáng rực rỡ của trí tuệ (paññā pabhā).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của lửa, ánh sáng của trí tuệ (paññā-āloko).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại sáng chói. Thế nào là bốn? Sự sáng chói của mặt trời, sự sáng chói của mặt trăng, sự sáng chói của lửa, sự sáng chói của trí tuệ (paññā-obhāso).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại rực rỡ. Thế nào là bốn? Sự rực rỡ của mặt trăng, sự rực rỡ của mặt trời, sự rực rỡ của lửa, sự rực rỡ của trí tuệ (paññā-pajjoto) [5]

Ngay khi thuyết giảng bài kinh đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân) Đức Phật cũng đã nói tới ánh sáng trong trải nghiệm giác ngộ của mình:

“… Như vậy, này các Tỳ khưu, đối với các Pháp (dhamma) trước đây chưa từng nghe, nhãn (cakkhu) đã khởi lên nơi Ta, trí (ñāṇa) đã khởi lên nơi Ta, tuệ (paññā) đã khởi lên nơi ta, minh (vijjā) đã khởi lên nơi Ta và ánh sáng (āloke) đã khởi lên nơi Ta.”

Tâm thuộc minh sát trí hiệp thế tạo ra “ánh sáng giác ngộ” mạnh mẽ (vipassanobhāso), nhưng tâm thuộc minh sát trí siêu thế tạo ra ánh sáng được xem là cực kỳ mạnh mẽ, chẳng hạn Ánh Sáng Giác Ngộ của Bậc Giác Ngộ tỏa khắp mười ngàn thế giới.

Ánh sáng ấy phát sanh như thế nào? Tâm khi lắng sâu trong định được kết hợp với Tuệ (paññā), tâm ấy sẽ tạo ra nhiều thế hệ sắc cực sáng do tâm sanh (cittajarūpa). Dùng ánh sáng ấy, chúng ta có thể thâm nhập vào thực tại cùng tột hay chân đế (paramattha sacca) để thấy các pháp như chúng thực sự là. Điều này cũng giống như khi đi vào một căn phòng tối, chúng ta cần phải có ánh sáng để thấy mọi vật ở đó vậy. [6]

Rõ ràng hai nhận thức rất khác biệt nhau. Nếu ánh sáng trong thiền là cứu cánh của San Mat thì ánh sáng trong thiền của Đạo Phật chỉ là phương tiện tu tập. Với một số người, khi ngồi thiền rồi thấy cái này, nghe cái nọ, thì rất vui mừng. Nếu đã gọi là thiền định thì đây phải là nổ lực dừng tâm vọng động lại, cho nên nghe và thấy các âm thanh lạ hay những hình tướng nào đó v.v…có khi đó lại là dấu hiệu của thất bại trong tu tập thiền định! Khi tọa thiền, hệ thống sinh lý thần kinh dễ bị xáo trộn, tâm rất dễ rơi vào các trạng thái “ảo giác”[7].

Tất cả các giáo phái Bà La Môn không có pháp quán nào có thể tạo ra “tuệ giác ngộ” (wisdom for enlightenment) để chấm dứt luân hồi sinh tử. Phật giáo nguyên thủy có pháp Tuệ Quán (Vipassana) dùng để tu tập các Tuệ cần thiết để giải thoát khỏi sự tái sinh vào tam giới, tức các Tuệ giúp nhận biết Níp Bàn (Nibbana). Các thiền định Bà La Môn chỉ có thể phát sinh ra các tuệ gọi là “tuệ của Định”. Tuệ phát sinh từ các loại Định Bà La Môn chỉ giúp đạt tới các cảnh giới thiên đàng trong tam giới, tức Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Các loại tuệ này (phát sinh từ thiền định) không có khả năng giúp nhận biết Níp bàn, nghĩa là không có khả năng chấm dứt luân hồi sinh tử. Tuy nhiên vẫn có các đạo sư Bà La Môn, trong vỏ bọc của Đạo Phật, khi thuyết giảng vẫn luôn đề cập đến một giác ngộ chấm dứt luân hồi sinh tử! Cách giảng thuyết này chỉ là nhằm để các tín đồ có truyền thống Đạo Phật dễ thấy gần gũi và tin tưởng hơn.

3. Giác ngộ của Đạo Phật phát triển

Hơn hai trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, đạo Phật thoái trào. Các triết gia xuất phát từ cái nôi Bà La Môn đã giải thích và qui kết minh triết của Đức Phật với các giá trị thuộc triết học Bà La Môn. Từ đó hình thành các tông phái Phật giáo mà về sau này các học giả gọi là Đạo Phật “phát triển”. Phát triển về đâu? Khi cứu cánh giác ngộ của Đức Phật đã là mức cùng tột. Chỉ có một hướng phát triển duy nhất là kéo giáo pháp cao vời của Đức Phật Gautama xuống tầm vóc tư tưởng của các triết gia trần thế. Ví dụ như các khái niệm “Đạo Phật thỏng tay vào chợ”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, “Đạo Phật cho doanh nhân”, “Đạo Phật phù hợp với các hình thái xã hội” v.v và v.v… Rõ ràng là các triết lý như vậy, rất phù hợp với cấu trúc tâm lý và khuynh hướng của số đông. Ngược lại, giáo pháp nguyên thủy, vì quá cao siêu, nên chỉ được số ít người thấu hiểu! Trong tình hình Đạo Phật thoái trào hiện nay, ít có tu sĩ thuộc Đạo Phật phát triển (Đại Thừa) nào đặt ra lý tưởng giác ngộ như ngày xưa Đức Phật đã đề ra. Kinh điển Đại Thừa nói chung không đưa ra “Pháp Hành” (practice) và cũng không nhắc đến bốn mức giác ngộ (bốn quả thánh) như Đạo Phật lúc còn nguyên thủy. Ngay cả một thiền sư Đạo Phật phát triển nổi tiếng hiện nay, cũng dừng giáo pháp lại ở mức Chánh Niệm Tĩnh giác!

Tịnh Độ Tông

Trong khi “phát triển”, các tông phái của Đạo Phật phát triển đã thay đổi cứu cánh giác ngộ vô thượng của Đức Phật thành một cứu cánh tạm bợ như khả năng tái sinh nơi cõi cực lạc của A Di Đà Phật. Lý do thì ai cũng hiểu. Vì sự thích hợp với trình độ của số đông. Ở đây không thể đặt câu hỏi “Giác Ngộ là gì?” đối với Tịnh Độ tông, tức pháp môn niệm Phật. Vì pháp môn Tịnh Độ không có chủ trương tu để thực hiện giác ngộ.

Thiền Tông Trung Quốc

Khi Thiền tông Trung Quốc xuất hiện, người ta nói đến một kỹ thuật hay nghệ thuật gì đó, có thể làm cho phàm phu tức khắc thành thánh nhân. Đó là khái niệm về đốn ngộ, tức chứng ngộ một cách đột ngột phi thường! Suzuki, một thiền sư học giả, đã viết trong cuốn sách Thiền Luận của ông như sau:

- “…vậy nội dung của Giác Ngộ là gì? Ta có thể mô tả nó bằng cách nào dễ hiểu để trí thức hiếu biện của ta có thể nắm lấy và đặt thành đề tài suy tư không? Bốn Diệu Đế không phải là nội dung của Giác Ngộ, cả đến Mười Hai Nhân Duyên, cả đến Tám Chánh Đạo. Chân lý nhoáng lên trong tâm Phật không phải như một tư tưởng có thể luận giải bằng lý trí.”

- “Thế nghĩa là gì? Chắc vậy, chứng La Hán không phải là vấn đề chuyên học, mà đó là một cái gì hốt nhiên xảy đến, trong chớp mắt, sau bao năm tinh chuyên tu tập. Thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm dài dẳng, nhưng đến một lúc nào đó thì chớp nhoáng cơn khủng hoảng vỡ bùng và người ta thành La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc thành Phật luôn nữa. Có thể lắm, nội dung của Giác Ngộ giản dị vô cùng ở bổn thể, nhưng sức chấn động thì thực là kinh khủng. Tôi muốn nói, về trí giải, nó phải vượt qua tất cả thế kẹt thuộc phạm vi nhận thức và ngôn ngữ văn tự; về tâm giải, nó phải là sự tái thiết toàn thể phẩm cách con người.”

- “…Rồi nay bỗng dưng cái Ngộ chụp lấy họ, một cách hoàn toàn bí mật, không ngờ trước, ấy thế là tất cả được giải quyết một lần; họ thành La Hán, hoặc Phật nữa.” [8].

Quan niệm về giác ngộ cũng như con đường tu tập dẫn đến giác ngộ của thiền tông Trung Quốc là hoàn toàn khác với giáo pháp của Đức Phật. Khác cả về hình thức tu tập cũng như về nội dung giác ngộ. Sự thực là Thiền Tông Trung Quốc cũng không có sự thống nhất, cũng bị phân phái thành các kiểu tu tập khác nhau. Sau đây là một trình bày vắn tắt về một quan điểm tu tập nổi bật của Thiền Tông Trung Quốc:

- Một số trường phái của Thiền Tông Trung quốc còn giữ sự tu tập về thiền định. Các trường phái này thực hành thiền bằng các bức tranh trâu [9]. Phương pháp thực hành và tiêu chuẩn đắc thiền khi tu tập trên các bức tranh trâu này hoàn toàn không có trong giáo pháp của Đức Phật. Sự giác ngộ của các thiền sư Trung Quốc, theo pháp tu mười bức tranh trâu, cũng không có chuẩn mực của bốn quả thánh như trong giáo pháp của Đức Phật.

- Có trường phái Thiền Tông Trung Quốc nhấn mạnh vào cái bất lực của ngôn ngữ nói và chữ viết vì nó chỉ là cái vỏ hình thức “chật chội” không chuyên chở được toàn vẹn cái nội dung thực mà con người muốn chuyển tải cho nhau. Nhất là trong sự chuyển tải, trao đổi các khái niệm triết học hay đạo học. Đây là lý do Thiền tông TQ đã đề xuất ra khẩu hiệu “bất lập văn tự”. Các trường phái này đả kích thiền định và chế tác ra một số phương pháp tu tập gọi là Công án (koan) và Thoại đầu. Với lý luận như sau:

Con người nhận biết thế giới bên ngoài bằng tư duy bên trong đầu óc. Đó là dòng chảy của những suy nghĩ miên man bất tận trong óc. Các suy nghĩ này cũng thể hiện bằng ngôn ngữ y hệt như bên ngoài. Nói cho dễ hiểu đó là những lời nói thầm (kiểu độc thoại) không dứt trong trí óc con người. (Inner speech or inner verbalization). Khi đối tượng xuất hiện ở ngoại cảnh, bên trong trí óc sẽ có liền một nhận thức, kèm theo các phán đoán vận hành bởi ngôn ngữ bên trong. Dù là lời nói bên ngoài hay suy nghĩ bên trong con người không thể nào không dùng đến các khái niệm của ngôn ngữ, cái vốn không thể chuyển tải chân lý trọn vẹn. Ngôn ngữ bên ngoài miệng hay lời nói thầm (dùng để suy nghĩ hay nhận thức) bên trong trí óc, đều là cái làm cản trở, làm sai lệch cái biết “như thực”. Thiền tông Trung Quốc gọi cái BIẾT qua tư duy ngôn ngữ này là cái Bị Sanh (be born). Khi tư duy ngôn ngữ bên trong trí óc bị chấm dứt thì cái BIẾT NHƯ THỰC xuất hiện. Cái biết “như thực” từ cõi “vô ngôn” này được tin là cái biết của Tánh giác. Thiền tông Trung quốc cũng tin rằng Tánh giác này là cái Vô Sanh trong kinh điển Đạo Phật!

Khi nhận ra cái chỗ Vô sanh tức Tánh Giác, Thiền Tông gọi đó là Kiến Tánh. Vào giai đoạn đầu của lịch sử Thiền Tông, với sự hưng phấn quá mức, thiền tông Trung Quốc chẳng ngần ngại tuyên bố rằng kiến tánh (nhìn thấy cái được cho là “vô sanh”) là đắc quả vô sanh, là thành Phật. Tuy nhiên, ngay trong thời đó một số tu sĩ đã thấy sự tin tưởng vào việc thành Phật ngay trong tích tắc là một niềm tin “không cơ sở” và “quá mức ngây thơ”. Rồi qua thời gian dài chịu đựng sự công kích vào hiện tượng thành Phật “tức khắc” này, thiền tông TQ buộc phải dịu giọng mà chấp nhận khẩu hiệu “Đốn Ngộ, Tiệm Tu”. Nghĩa là sau khi giác ngộ kiểu “ngay tức khắc”, các thiền sư phải tu tập lâu dài hơn nữa mới có thể thực sự chứng cái quả gọi là “Vô Sanh”, cái mà họ cho rằng tương đương với A La Hán hoặc là hơn A La Hán. Tiệm tu bằng phương pháp nào để được giác ngộ hoàn toàn hiện vẫn còn là điều Thiền Tông Trung Quốc chưa rõ!

Các thiền sư Trung Quốc đã chế tác ra nhiều kĩ thuật thiền, trong đó có một số kĩ thuật rất ấn tượng như la, hét đấm, đá v.v..(Ví dụ: Thiền Sư Đức Sơn [10]). Có lẽ các thiền sư Trung Quốc nghĩ rằng khi la hét đánh đá thiền sinh có thể gây ức chế dòng ngôn ngữ bên trong của thiền sinh? Nhưng trước đó hàng ngàn năm Đức Phật đã giải quyết vần đề một cách thật đơn giản. Đó là phương pháp Chánh Niệm trên thân, thọ, tâm, pháp (Tứ niệm xứ) . Chỉ vậy thôi. Chưa cần có các bậc thiền, khi có Chánh Niệm trên bốn niệm xứ, các dòng tư duy ngôn ngữ trong trí óc đương nhiên đã dừng lại!

Đức Phật là người tài giỏi cũng phải mất bao năm trời lăn lóc khổ hạnh mới thực hiện được Đại Giác Ngộ. Biết bao tu sĩ ngày nay đã bỏ cả đời người đi tìm giác ngộ mà còn mịt mù chưa thấy tăm hơi! Nhưng trên đất Trung Hoa vĩ đại thì sự việc lại khác! Chỉ với các thuật như Tham công Án, Khán thoại đầu, đấm, đá, đánh và hét v.v… thậm chí chỉ cần nhìn chiếc lá rơi, nghe âm thanh một mảnh sành vỡ v.v…các thiền sư Trung Quốc cũng đã thực hiện được giác ngộ ngay trong tức khắc! Thiền Trung Quốc nói bằng ẩn dụ rằng đó là “một cú nhảy thẳng vào trong sự giác ngộ”! Nhưng tại đây, câu hỏi là cái “giác ngộ ngay tức khắc” của cú nhảy tuyệt vời đó có phải là cái giác ngộ mà Đức Phật đã thực hiện hay không?

Mật tông Phật giáo

Mật tông Phật giáo (tức Kim cương thừa) tại Ấn Độ xuất hiện rất muôn, khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Không bị suy thoái như Thiền Tông, hiện nay Mật Tông phát triển rất mạnh với vô số các chi phái khác nhau. Đây là truyền thống tu tập bí mật có rất nhiều kĩ thuật tu tập. Trong rất nhiều kĩ thuật đó, có thể phân tích ra rất nhiều nguyên lý tu tập để dẫn tới giác ngộ [11]. Khi sử dụng Yoga (một trường phái của Ấn giáo) với các kĩ thuật tu tập trên các luân xa, trên luồng hỏa hầu kundalini, Mật Tông Phật Giáo đã đi lại con đường tu tập và giác ngộ theo Ấn Giáo. Khi sử dụng năng lực tính dục để thực hiện giác ngộ thì Mật Tông đã không còn mối liên hệ nào với Đạo Phật nguyên thủy nữa. Đây không phải chỉ nói đến mối liên hệ về phương pháp tu tập mà nói đến mối liên hệ về bản chất của Giác ngộ. Phái thiền Dzogchen của Mật tông Tây Tạng có quan niệm giác ngộ rất giống với Thiền tông Trung Quốc. Mật tông có những kĩ thuật nhằm đồng hóa thân tâm của người đệ tử chưa giác ngộ với thân tâm một vị thày đã giác ngộ hoặc với biểu tượng của một vị hóa thần (yidam). Do vậy, có thể thấy sự “giác ngộ” của Mật tông bắt đầu bằng sự tu tập dựa trên “tha lực”, tức những năng lực đến từ bên ngoài. Ít ra, trên các phương tiện thông tin hiện nay, chưa có bài viết nào, với các lý luận dẫn ra, cho thấy Giác ngộ của các giáo phái Mật Tông là giống với giác ngộ của Đức Phật.

Một điều phải nhắc lại ở đây rằng, mọi phương pháp tu tập đều có những giá trị riêng của nó. Bài viết ngắn này chỉ nhằm phân biệt rằng các loại giác ngộ khác nhau đến từ các con đường tu tập khác nhau.

II. Giác ngộ theo giáo pháp của Đức Phật Gautama

Rất nhiều những tôn giáo, những pháp môn, những đạo sư đã nói đến giác ngộ, nhưng thường không nói rõ những trạng thái giác ngộ đó có bền vững hay không? Có các đạo sư ca ngợi trải nghiệm “sống trong hiện tại” như một trải nghiệm giác ngộ. Thực ra, trải nghiệm “sống trong hiện tại” chỉ là kết quả của Chánh niệm (mindfulness). Trải nghiệm này không bền, nghĩa là chánh niệm có thể mất đi rất nhanh bất cứ lúc nào. Ngay cả khi đạt được thiền định, những trải nghiệm trong định cũng mất đi rất nhanh khi xuất ra khỏi định. Một số đạo sư thuộc Ấn Độ giáo chỉ nhấn mạnh vào cái “giác ngộ” trong đời sống này. Họ không bàn về sự chấm dứt tái sanh hoặc không chứng minh được khả năng chấm dứt tái sanh. Theo giáo pháp của Đức Phật, nếu không chấm dứt được tái sinh thì cái giác ngộ nhất thời trong đời sống ngắn ngủi này sẽ trở thành vô nghĩa. Tất cả các tôn giáo, giáo phái của Ấn Độ giáo đều không xem việc chấm dứt tái sanh là cứu cánh của giải thoát. Chỉ có hai tôn giáo sinh ra trên đất Ấn Độ đặt cứu cánh giải thoát là sự chấm dứt vòng luân hồi (samsara), đó là Đạo Phật và Đạo Jain.

Trong kinh điển hệ Pali, Đức Phật không quan tâm đến các phạm trù Thượng Đế, Brahman, Tánh giác hay Phật tánh. Ngài từ chối không bàn bạc nhiều về Brahman của Bà La Môn giáo, cũng không bàn bạc nhiều về cái Tánh Giác hay Phật Tánh như các luận sư của Phật giáo Phát triển về sau này. Đức Phật không dính mắc vào tranh cãi triết học. Giáo pháp của Đức Phật không nhằm phát hiện hết tất cả quy luật vận hành của thế giới vật chất hay của thế giới tâm linh. Giáo pháp của Đức Phật chỉ nhắm vào mục đích làm cho con người hết đau khổ trong cuộc sống, và sau khi chết, người giác ngộ có thể an trú tại Nibbana mà không phải tái sanh. Giáo pháp của Đức Phật giúp con người không phải lập lại những chu kỳ vô tận của đời người mong manh và ngắn ngủi bởi sinh-lão-bệnh-tử. Ly tưởng của Đạo Phật là thành tựu quả vị A-La-Hán. Trước khi giác ngộ, A La Hán vốn là con người bình thường đã được sanh vào cõi người. Ngài tu tập giới, định, tuệ theo đúng giáo pháp của Đức Phật để chấm dứt sự tái sanh. A La Hán là vị thực sự thực hiện được Vô Sanh. Khi giác ngộ, các vị A La Hán thường nói:

- “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm v.v…”

Đối với Đạo Phật, một cách khái quát, giác ngộ là khi:

- Tâm đạt được trạng thái định tĩnh, an lạc, thanh thản và vô sự vì không còn ô nhiễm (lậu hoặc) bởi tham sân si,

- Vượt thoát khỏi tất cả những đau khổ vốn có của đời sống vì chấm dứt được quá trình sinh tử luân hồi.

Giác Ngộ trong giáo pháp thực sự của Đức Phật do nổ lực hoàn toàn tự thân. Sự giác ngộ này không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc của một vị thày. Sự giác ngộ này không bám víu vào hạnh phúc của các cõi trời (thiên đàng), không tồn tại như một Đại Ngã mà hoàn toàn “Vô Ngã”. Chỉ riêng Đạo Phật nguyên thủy mới có các pháp Tuệ quán (Vipassana) hiểu như các pháp thiền quán để tạo ra các “tuệ giác ngộ”. Chỉ riêng Đạo Phật mới có bốn mức độ giác ngộ(còn gọi là bốn tầng thánh trí) [12]. Bốn mức độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết. Các bậc thiền định của Đạo Phật được mô tả rất chi tiết và có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào. Các bậc thiền định hay tuệ quán của Đạo Phật nguyên thủy đều được mô tả rõ ràng, đồng thời cũng có những chuẩn mực, tiêu mốc để xác định và còn ghi lại trong các bộ Nikaya. Ví dụ: Sơ thiền là trạng thái định với năm thiền-chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, định nhất tâm). Các giáo phái khác không bao giờ biết đến những chuẩn mốc này. Có giáo phái khi ngồi thiền thấy ánh sáng bèn cho mình đã đạt tới bản thể của thế giới, đã chứng ngộ Phật tánh. Có người khi ngồi thiền thấy các hình ảnh của chư thiên, thấy rồng bay phượng múa, bèn vui mừng cho rằng mình đã đắc thiền! Nếu hỏi đó là thiền gì? Định gì? Cấp độ gì? Giác ngộ gì? thì chắc chắn các giáo phái đó khó có câu trả lời minh bạch và thuyết phục!

Bởi vì nội dung giác ngộ có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành phải khác nhau. Một tu sĩ bà La Môn giữ phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời (thiên đàng) tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đối với Ấn giáo Bà La Môn, cõi trời cao nhất là giác ngộ cao nhất. Đức Phật cũng từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là Giác Ngộ tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời, và bằng sự tự tin mãnh liệt, đã khiến ngài thực hành một phương pháp riêng và đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Kinh điển có ghi lại diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề trong khi Ngài thực hiện giác ngộ. “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya. Bởi vì giác ngộ là đỉnh điểm cuối cùng cho một quá trình tu chứng, là trải nghiệm duy nhất và riêng biệt trong tâm của người tu chứng, cho nên không dễ dàng gì để nói hay mô tả về trạng thái này. Tuy nhiên dù sao ta vẫn có thể hình dung gián tiếp “trạng thái giác ngộ” qua con đường tu tập dẫn đến giác ngộ. Ta sẽ thấy giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy là kết quả của một quá trình tu tập rất khoa học để nhận biết tâm, làm trong sạch tâm, để phát triển các loại trí (wisdom) và cuối cùng nhận ra Níp bàn (như một đối tượng đặc biệt của tâm). Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự giác ngộ, không có sự ban phúc từ thượng đế hay một vị thày nào cho người tu tập. Các giáo phái thuộc hệ tư tưởng Bà La Môn hoặc các giáo phái bí mật như Sanmat cho rằng Thầy có thể truyền tâm, khai ngộ (initiate) cho đệ tử (cẩn thận chữ “khai ngộ” ở đây không phải là giác ngộ hoàn toàn). Điều này cũng đúng, vì tâm của tất cả các chúng sanh đều nằm trong một thể thống nhất (continuum) cho nên có những mối liên hệ nhất định với nhau. Tuy nhiên “initiation” chỉ là những tương tác thuận lợi (trong tam giới) để cố giúp sự tương đồng giữa tâm đệ tử với tâm người thày. Initiation không thể thay thế cho nổ lực tu tập tự thân của người đệ tử. Hai nữa, initiation là kĩ thuật trong sự tu tập thiền của các giáo phái Bà la Môn, tức những thiền đưa đến giác ngộ các cõi trời (thiên đàng) trong tam giới. Điều này khác hẳn với việc tu tập tuệ quán (Vipassana), mà Đạo Phật nhằm mục đích là một giác ngộ vượt thoát sự tái sinh trong tất cả các cõi trời. Sự tu tập của từng cá nhân có tiến bộ hay không còn tùy thuộc vào nghiệp người đó tốt hay xấu. Lịch sử Đạo Phật còn biết rõ Anan vốn là thị giả, người thân cận nhất, đồng thời cũng là người anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, nhưng mãi tận đến sau khi Đức Phật nhập diệt ngài mới chứng quả A La Hán. Rõ ràng Đức Phật không thể gánh nghiệp cho Anan hoặc cho bất cứ ai, cũng như không thể gia trì cho Anan hoặc cho bất cứ ai sớm chứng đắc đạo quả được. Trong khi có các giáo chủ Bà La Môn tuyên bố “gánh nghiệp”, “xóa nghiệp” cho các tín đồ! Nhưng Đức Phật trong qúa khứ đã không gánh nghiệp, xóa nghiệp cho bất cứ ai! Điều này quả không làm phấn khởi cho sự mong ước của đa số Phật Tử, nhưng thực sự Giáo Pháp nguyên thủy là như vậy! Chân lý là như vậy!

Ai cũng muốn sự tu tập của mình được nhanh chóng, ai cũng muốn tìm được con đường tắt, nhưng cũng nên hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập qua lịch sử của Đạo Phật còn để lại. Cái nào cũng có cái giá của nó! Rất khó để tin rằng một người có thể bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được! Nếu có, thì đó là một nội dung giác ngộ hoàn toàn khác với giác ngộ của Đức Phật dười cội Bồ đề.

Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ ( đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp-bàn.

Bốn mức giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy:

1. Tầng thánh trí thứ nhất: Sơ quả hay Tu đà hoàn (Sotàpatti, Dự lưu), còn được gọi là Thất lai, người không thể tái sinh quá 7 lần

2. Tầng Thánh trí thứ hai: là Nhị quả Tư đà hàmcòn được gọi là Nhất lai (Sakadàgàmì) chỉ tái sinh trong Dục giới một lần nữa

3. Tầng Thánh thứ ba:là Tam quả A na hàm (Anàgàmi), nghĩa là bậc Bất lai, người không còn trở lui các cõi dục giới nữa

4. Tầng Thánh trí thứ tưchính là quả vị A La hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não, không còn tái sanhnữa.

Trong kinh Sư Tử Hống, Đức Phật đã thuyết pháp mạnh mẽ, như tiếng rống của Sư tử, rằng chỉ có bốn quả Sa Môn (bốn bậc thánh) mới là đặc thù của Chánh Pháp mà ngài đã thuyết giảng.

– Này các Tỷ-kheo, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất; ở đây là có Sa-môn thứ hai; ở đây là có Sa-môn thứ ba; ở đây là có Sa-môn thứ tư; các ngoại đạo khác không có Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy. (MN 011- Tiểu kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ Kinh)

III. Níp bàn (Nibbana)

Giác ngộ của Đạo Phật gọi là Níp Bàn. Níp bàn không phải là một thực tại tuyệt đối cao nhất, không phải Brahman, không phải God, không phải đấng sáng tạo. Giác ngộ trong Đạo Phật là trạng thái tâm đoạn tận được các ô nhiễm (lậu-hoặc, taints), không còn bị tham ái, sân, si khống chế. Con người giác ngộ hoàn toàn tự do, không tái sanh, vô sanh (Ajāti), không ‘trở thành”, không già, không bệnh, không chết. Níp Bàn không phải là trạng thái đoạn diệt và hư vô (annihilation). Níp Bàn được ví như khi ngon lửa tắt đi nhưng thực sự nó không mất đi đâu, giống như khi nó sanh ra, nó chẳng từ đâu đến. [11]. Các bậc Thánh thường mô tả trạng thái giác ngộ như sau:

Tâm định tĩnh, an lạc, thanh thản, vô sự. Tâm giải thoát này kiên cố, không lay chuyển được (akuppa cetovimutti).

Sau khi giác ngộ, các ngài thường nói:

“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, nay không thối lui nữa!”

Níp Bàn là một phạm trù đặc biệt, không thuộc danh (consciousness) hay thuộc sắc (matter), không phải đoạn diệt và hư vô (annihilation). Thực sự với đầu óc phàm phu chúng ta không thể hình dung trực tiếp nội dung Níp-bàn là gì! Vì đây là lãnh vực trải nghiệm riêng của các bậc thánh. Tuy nhiên, quy trình đi đến giác ngộ để trải nghiệm Níp-bàn thì hoàn toàn có thể mô tả được! Trong Vi diệu pháp (abhidhamma), Phân tích đạo (patisambhidamagga), rải rác trong các bộ Nikaya, có những phần mô tả về Đạo Lộ đến Níp Bàn cũng như lộ trình tâm khi giác ngộ. Chính sự mô tả quy trình của tâm khi Giác Ngộ còn lưu giữ trong kinh điển là những tài liệu quý giá nhất giúp ta thấu hiểu Giác Ngộ là gì?

IV. Lộ Trình Tâm khi giác ngộ

Vi Diệu Pháp (abhidhamma), một bộ luận được Theravada xếp vào Chánh tạng, đã phân tích chi tiết tâm thức của con người thành các tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi). Đối với một người bình thường, ý môn lộ trình tâm vận hành theo một kiểu nhất định. Khi một người đạt giác ngộ, ý môn lộ trình tâm lại vận hành theo một kiểu khác:

1. Ý môn lộ trình tâm “bình thường” của tất cả mọi người (phàm phu)

Bắt đầu và theo thứ tự như sau:

- Tâm “Hộ kiếp rúng động” (một sát na)

- Tâm “Hộ kiếp dứt dòng” (một sát na)

- Tâm “Ý môn hướng” (một sát na)

- Tâm “Đổng Tốc” (7 sát na)

- Tâm “Thập Di” (2 sát na)

Cuối cùng, ý thức rơi trở vào dòng Hộ kiếp còn gọi Tâm Hữu phần (life continuum). Nếu kể cả tâm Hộ kiếp, thì một lộ trình tâm của ý thức của một người bình thường trong đời sống hàng ngày gồm có 12 sát-na tâm.

Khác với cách giải thích mù mờ, thần bí và huyễn hoặc về sự giác ngộ của tất cả các tôn giáo thần khải cũng như các giáo phái Bà la môn, Sanmat, Thiền Tông Trung Quốc v.v…và kể cả các Đạo Phật gọi là “phát triển”, giác ngộ trong Đạo Phật nguyên thủy là một sự kiện minh bạch. Với sự hổ trợ của năng lực Thiền định, người thực hành Tuệ quán (Vipassana) có thể nhận biết rõ ràng từng tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi) của mình, trong lúc chưa giác ngộ cũng như trong lúc giác ngộ. Đây không phải chỉ là một lý thuyết trên kinh điển. Trong quá khứ các vị A-La-Hán đã mô tả các tâm, lộ trình tâm bằng trải nghiệm của mình và ghi lại trong tạng Vi Diệu Pháp. Trong hiện tại, đang có các vị sư thực hiện thành công pháp tuệ quán này. Khi giác ngộ, người tu có thể tự nhận biết sự giác ngộ của mình bằng một lộ trình tâm giác ngộ với 11 tâm như sau:

2. Ý môn lộ trình tâm của người “Giác Ngộ”

Với kí hiệu cụ thể như sau:

- Đối với người có trí tuệ chậm lụt (Mandapanna)

Na – Da – Ma – Pa – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Bh –

- Hoặc đối với người có trí tuệ nhạy bén (Tikkhapana)

Na – Da – Ma – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Phala – Bh -

Giải thích các kí hiệu :

Na = bhavaṅga-calana– hữu phần (hộ kiếp) rúng động, – vibrating life-continuum

Da = bhavaṅgu-paccheda– hữu phần (hộ kiếp) dứt dòng – arrested life-continuum

Ma = manodvārāvajjana– ý môn hướng tâm -door adverting consciousness

Pa = parikamma– chuẩn bị của Đạo (magga) – preparation of the Path (magga)

U = upacāra– cận hành của Đạo (magga) – proximity of the Path (magga)

Nu = anuloma– thuận thứ cho cái đi trước và cái theo sau – conformity to what preceeds and to what follows

Go = gotrabhu– chuyển tộc – change-of-lineage

Magga = sotāpattimagga – Đạo Nhập Lưu – the Path of stream-entry

Phala = sotāpatti-phala– Quả Nhập Lưu – the Fruition of stream-entry

Bh = bhavaṅga– hữu phần (hộ kiếp) – life-continuum

Chỉ trừ một số người, mà Pháp Học chưa được nắm vững, thì có thể không nhận biết được các tâm trong tiến trình giác ngộ (nhập lưu). Một người thuần thục về Pháp học, với tuệ quán đúng cách, sẽ nhận biết rõ các tâm trong tiến trình giác ngộ, thấy được sát-na của tâm chuyển tộc, ngay lúc chuyển phàm thành thánh.

Kể từ khi Đức Phật đại giác ngộ và tuyên thuyết giáo pháp của Ngài cho tới ngày nay, chưa có một tôn giáo hay tông phái nào có khả năng mô tả “lộ trình tâm” của một người khi giác ngộ. Qua sự mô tả chi tiết lộ trình tâm giác ngộ, Đạo Phật có cái nhìn về sự giác ngộ rất rõ ràng, rất minh bạch và rất chuẩn mực so với sự mơ hồ đầy thần bí trong sự giác ngộ của tất cả mọi tôn giáo khác.

Một điều phải khẳng định ở đây là để có một lộ trình tâm giác ngộ, phải có một sự tu tập bài bản theo một đạo lộ nhất định. Đây là một một con đường duy nhất, một phương pháp duy nhất, một chánh pháp rất quí giá, xứng đáng gọi là Pháp-Bảo.

V. Đạo lộ đưa đến giác ngộ của Đạo Phật Theravada

Theravada chưa hẳn là Đạo Phật nguyên thủy, nhưng là một phái của Đạo Phật xưa cổ nhất, duy nhất còn tồn tại ngày hôm nay với Luật, Kinh, Thắng Pháp (vi Diệu Pháp) và các bộ chú giải (commentaries) khá đầy đủ. Phương cách tu tập của Theravada phần lớn dựa trên bộ luận Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của ngài Buddhaghosa. Bộ Thanh Tịnh Đạo không phải là quan điểm riêng của ngài Buddhaghosa. Đây là qui trình tu tập dựa trên Kinh-điển và Vi Diệu Pháp của Theravada.

- Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng giới(sila),

- Sau đó thực hành thiền định(samadhi) để hỗ trợ Giớivà hỗ trợ Tuệ quán(vipassana) sau này.

- Sự giác ngộ được thực hành tuần tự qua 16 tầng thiền tuệ từ thấp lên cao. Thiền tuệ là phương pháp quan sát thế giới (vật chất và tinh thần) bằng cách quan sát thân tâm của chính hành giả. Bằng năng lực của Định, hành giả thấy rõ từng tâm phát khởi, thấy rõ quá trình tâm duyên hợp phát sinh rồi hủy diệt. Sự biết và thấy rõ các tâmphát sinh ra các trí.

Qua mười một tầng tuệ đầu tiên hành giả sẽ bắt đầu trực nhận Níp bàn:

“…Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.

Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:

12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)

13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)

14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)

15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)

16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)

Như vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn…” [14]

Đạo lộ tu tập Theravada hoàn chỉnh được tìm lại căn cứ theo các bộ Nikaya, theo Vi diệu pháp, theo Phân tích đạo, theo Thanh Tịnh đạo luận (Visudhimagga). Ngay vào lúc giác ngộ, người giác ngộ sẽ trực tiếp nhìn thấy lộ trình tâm giác ngộ của chính mình. Khi đã “hữu duyên” biết đến những thông tin này, những ai tha thiết với sự truy tìm giác ngộ sẽ phải bật khóc khi biết đến tính minh bạch và tầm vóc vĩ đại của giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy.

Đạo Phật của Đức Phật Gautam được giảng dạy công khai, không dấu diếm, không bí truyền [15]. Tính thần bí và bí truyền cũng như tính luôn đề cao vai trò của giáo chủ hay của tha lực là một đặc diểm của Ấn giáo. Sự truyền tâm (initiation) chỉ là một kĩ thuật hổ trợ loại giác ngộ trong tam giới. Kĩ thuật truyền tâm không có tác dụng gì trong Giác Ngộ Tối Thượng của Đạo Phật Phật (ý nói Đạo Phật chính thống và nguyên thủy). Nguyên lý trong sự giác ngộ của Đạo Phật là sự phát tiển các Tuệ (wisdom) tức sự hiểu biết hướng đến giải thoát. Tuệ giác ngộ không phải là phạm trù mơ hồ hay thần bí. Tuệ để thực hiện giác ngộ có thể liệt kê, đếm và mô tả được [16]. Mười sáu tuệ trong sự thực hành Vipassana là những tuệ căn bản nhất. Chỉ có đầy đủ tuệ giác ngộ mới có được lộ trình tâm giác ngộ.

Lời cuối

Trên con đường tu tập tâm linh, ta nhất thiết phải hình dung về cái đích đến của mình. Nghĩa là, phải xác định loại giác ngộ nào mà mình muốn nhắm đến. Tức phải tìm câu trả lời thật chính xác cho câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”. Như trên đã trình bày, có rất nhiều loại giác ngộ do các minh sư, guru, giáo chủ đã từng thuyết giảng qua nhiều thời đại. Tu tập loại giác ngộ nào, đó sự lựa chọn của riêng của từng mỗi cá nhân. Đối với những ai ngưỡng mộ giáo pháp của Đức Phật, tất yếu phải nhận biết loại “giác ngộ” rất đặc thù của Đạo Phật. Giác Ngộ trong Đạo Phật không hề có tính thần bí mơ hồ. Đó là một trạng thái tâm đã được mô tả rõ ràng, minh bạch. Người giác ngộ sẽ sống trong hiện kiếp này với trạng thái định tĩnh, thanh thản, an lạc, vô sự; sẽ không còn có sự tái sanh để chịu lại khổ đau.

BS. Phạm Doãn

(Bài đã được viết lại ngày 28/08/2012)

Chú thích:

[1] Với một số người, chữ “enlightenment” có thể làm liên tưởng đến phong trào triết học gọi là thời kì khai sáng ở giữa thế kỉ 19. Chữ “awakening” cũng vậy, từ lâu chữ này đã mang một ý nghĩa phục sinh, phục hưng, phục dựng cho các phong trào tôn giáo hay văn hóa của phương Tây

[2] Vedanta là một trường phái triết học Ấn Độ phát triển dựa trên Upanisad.

[3] Đạo của ngài Thanh Hải (một nhánh của Sanmat) dùng chữ “truyền tâm ấn”. Xem phả hệ dòng Sanmat của ngài Thanh Hải tại link này: http://santmat.livingcosmos.org/surat-shabd-yoga/ssy-navtree.html

[4] Trích từ tác phẩm “Osho Tự Truyện”, chuyển ngữ: Minh Nguyệt, tác giả: OSHO

[5] Tăng Chi bộ kinh, chương nói về hào quang ( AN. 11.139)

[6] Trích từ Biết và Thấy, tác giả Pa Auk Sayadaw

[7] tham khảo thêm tại link này: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/psychological-view-of-meditative-experiences/

và http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/th%E1%BB%83-nghi%E1%BB%87m-kundalini/

[8] Thiền Luận, quyển thượng, luận hai, đoạn: Thiền và Ngộ

[9] Mười bức tranh trâu http://www.budsas.org/uni/u-tranh-chantrau/ix.htm

[10] Đức Sơn Tuyên Giám(zh. déshān xuānjiàn德山宣鑒, ja. tokusan senkan), 782-865, là Thiền sư Trung Quốc, một trong những Thiền sư lỗi lạc nhất đời Đường. Sư có 9 môn đệ được ấn khả, trong đó hai vị Nham Đầu Toàn Hoát và Tuyết Phong Nghĩa Tồn đứng hàng đầu. Sư nối pháp Long Đàm Sùng Tín thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hi Thiên. Nhân duyên ngộ đạo của Sư là một trong những câu chuyện thường được nhắc lại nhất trong giới Thiền. Sư nổi danh về việc sử dụng cây gậy để giáo hoá (đập) thiền sinh, từ đó mà sinh ra danh từ Bổng hát, chỉ cây gậy (bổng) ngang dọc của Sư và tiếng hét (Hát) vọng vang của Lâm Tế Nghĩa Huyền. (Wikipedia)

[11] Giới thiệu mật tông Việt Nam: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-m%E1%BA%ADt-tong-vi%E1%BB%87t-nam/

[12] Bốn tầng thánh trí: http://bsphamdoan.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o-references/b%E1%BB%91n-t%E1%BA%A7ng-thanh-tri/

[13] Nibbana: http://bsphamdoan.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o-references/nibbana-nip-ban/

[14] Biết và Thấy (Knowing and Seeing), đoạn: Biết và thấy niết bàn, tác giả: Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna), Tỳ khưu Pháp Thông dịch.

[15] “…Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). (Kinh Đại Bát Niết bàn, đoạn 25)

[16] Để hiểu rõ hơn về Tuệ Giác Ngộ của Đạo Phật nguyên thủy, quý vị có thể đọc thêm phân tích chi tiết trong bài: “Tuệ và Giác Ngộ” (http://bsphamdoan.wordpress.com/giac-ng%E1%BB%99-enlightenment/tu%E1%BB%87-va-giac-ng%E1%BB%99/)

(Nguồn: http://bsphamdoan.wordpress.com/giac-ng%E1%BB%99-enlightenment/giac-ng%E1%BB%99-la-gi/)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/12/2013(Xem: 10097)
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì : “Thủy Giác: mới tỉnh giác. Cái bổn tánh của hết thảy chúng sanh sẳn có lòng thanh tịnh tự tánh, đủ cái đức vốn chiếu sáng tự thuở nay, đó kêu là Bổn Giác (vốn tỉnh giác sẳn). Cái Bổn Gíac ấy do bề trong ung đúc và nhờ cái duyên ngoài thầy dạy, mới khởi ra cái lòng chán chuyện tham cứu thuận theo bổn giác lần lần sanh ra có trí giác ngộ kêu là Thủy Giác (sau mới tỉnh giác). Bổn Giác đó tức là bốn đức (thường, lạc, ngã, tịnh) vốn thành sẵn vậy. Thủy Giác là bốn đức mới thành ra sau nầy vậy.”
24/12/2013(Xem: 6430)
Một đệ tử của tôi kể rằng có một nữ doanh nhân thành đạt rất quan tâm đến các giới luật đạo đức theo Phật giáo. Một lần bà tìm được một mối kinh doanh mới, có một số tiệm rượu đang rao bán. Bà biết nếu nhân cơ hội này mua các tiệm ấy, thì bà có thể được nhiều lợi lộc. Tuy nhiên có điều gì đó đã ngăn cản bà lại.
24/12/2013(Xem: 5183)
Có người cần một bảng liệt kê các giới luật để đảm bảo rằng mình hành động một cách đạo đức, chân thật. Người khác thì cần giới luật để cảm thấy chắc chắn rằng họ đã đạt được mục đích tâm linh, ở cõi trời hay được giác ngộ. Đức Phật cũng đã chỉ bày cho ta những cách hành xử để tránh khỏi đau khổ, nhưng hành động đạo đức chân chính không chỉ nằm trong các bảng điều lệ giới luật nào.
24/12/2013(Xem: 12069)
Trong một buổi giảng trước khóa lễ Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm tổ chức tại quận Cam (Orange County, Los Angeles) ngày 22 tháng 10-2012, pháp sư Trang Trí đã giới thiệu cuốn sách Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật. Nói về nhân duyên biên soạn cuốn sách ấy, pháp sư cho biết: Trước kia, Ngài đã thấy rất nhiều người niệm Phật vô cùng tinh tấn nhưng tới phút cuối cùng không buông xuống nổi,
23/12/2013(Xem: 9261)
Tôi có một câu chuyện muốn nói cho quý vị nghe. Chuyện này cũng với tinh thần chỉ Ông chủ chứ không có gì lạ. Một sáng, khi xả thiền ra tôi có tuyên bố với một số người rằng: "Tôi quả thực là con ngỗng chúa biết uống sữa, lọc nước chừa lại". Câu nói đó quý vị nghe lạ đời phải không? Ðây là câu nói của các Thiền sư Trung Hoa thời xưa. Lúc trước tôi học tôi tu, đọc câu đó tôi cũng biết
23/12/2013(Xem: 4191)
Chúng tôi rất vui mừng hiện diện nơi đây một lần nữa tại Xalapa, và chủ đề mà tôi đã từng được yêu cầu để nói tối nay là nghiệp báo. Dĩ nhiên, khi chúng ta nghiên cứu về một chủ đề nào đấy trong Phật giáo, điều quan trọng để có một ý tưởng nào đấy về việc tại sao chúng ta muốn tìm hiểu về nó, điều quan trọng của nó là gì, và tại sao nó phù hợp trong toàn bộ phạm vi của Phật giáo. Một cách căn bản Đức Phật nói về kinh nghiệm của mỗi người,
23/12/2013(Xem: 5736)
Lozang Ngodrub dịch, Tâm Ưu Đàm hiệu đính Có bốn cách nghiệp sẽ chín trong những kiếp tương lai: Nghiệp Chín Hoàn Toàn: là loại tái sanh mà tâm thức ta sẽ nhận lãnh khi nó tách rời thân thể ta trong giờ phút lâm chung. Hành Động Tương Đương với Nguyên Nhân: tất cả những lời nói, ý nghĩ và hành động ta tạo ra trong bất cứ kiếp sống nào là do những thói quen trong quá khứ.
21/12/2013(Xem: 7077)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
18/12/2013(Xem: 13693)
Dân giàu nước mạnh xã hội văn minh phú cường khó có được, nếu người dân có nhiều bệnh tật, ngân sách chi tiêu y tế quá cao, đội ngũ sản xuất ốm yếu, học sinh sinh viên gầy, trí thông minh chưa đạt, đạo đức xã hội xuống cấp. Mà thiền, theo sự nghiên cứu của các khoa học gia và y giới quốc tế trong đó có người Việt chúng ta đều xác nhận, thiền có khả năng giúp cải tiến phần lớn các bất cập nêu trên. Đó là trọng tâm của bài viết gần đây “Thiền và canh tân đất nước”.
18/12/2013(Xem: 21760)
Nhân loại càng văn minh, thì con người càng bị cuốn hút vào các guồng máy do chính mình tạo ra. Từ đó, những khủng hoảng nầy chồng chất lên những khủng hoảng khác, tạo đủ thứ bệnh, và nhiều trường hợp, số phận, đành giao cho tử thần quyết định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]