Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Số mạng, nghiệp báo đồng hay khác?

02/03/201204:13(Xem: 3389)
Số mạng, nghiệp báo đồng hay khác?

Số mạng, nghiệp báo đồng hay khác?

HT Thích Thanh Từ

Sự có mặt con người trong thế gian này, trọn một đời từng trải qua những cuộc thành bại, thạnh suy, nhục vinh, vui khổ... dường như có sự an bài đâu sẵn. Cái gì an bài đời sống con người? Nhà Nho gọi là số mạng hay thiên mạng. Họ cho rằng con người sanh ra mỗi mỗi đều do số định sẵn, hoặc trời sắp đặt cho. Như câu "nhân nguyện như thử thiên lý vị nhiên" (người mong như thế, lẽ trời chưa vậy). Hoặc nói: "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu." (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.) Chỉ do số trời đã định không ai thoát ra ngoài được. Nhà Phật nói là nghiệp báo. Tất cả chúng sanh có mặt trong vũ trụ đều do nghiệp trước tạo nên, phải chịu quả báo hiện nay. Hai bên đều thừa nhận có cái sẵn từ đời trước quyết định cho cuộc sống hiện tại. Vậy hai thuyết này đồng hay khác?

ÐỒNG

Ðứng về mặt sẵn có, hai bên đều thừa nhận như nhau. Con người sanh ra không phải bỗng dưng mà có, đều mang sẵn cái quá khứ còn lưu lại. Vì thế, có kẻ sanh ra đã sẵn sàng cho một cuộc sống sang cả sung túc, có người sanh ra gặp lầm than nghiệt ngã. Tại họ chọn lựa chăng? Hẳn là không. Tại sao có sự bất công tàn nhẫn ngay từ buổi đầu như thế? Nho nói: "số trước đã định", Phật nói: "Nghiệp trước gây nên." Cả hai đều thừa nhận có cái sẵn từ trước. Song một bên nói số, một bên nói nghiệp, không đồng nhau.

KHÁC

1. Nguyên nhân

Nói số định hay trời định cũng tương tợ. Số do ai đặt ra, hẳn là trời hay đấng thiêng liêng tối thượng nào đó. Ðã do trời định sẵn sự có mặt của ta; ta là công cụ của Ngài, trọn một đời ta phải hành động theo cái khuôn định sẵn ấy. Quả thật đời sống của ta không có giá trị gì hết. Nếu số định cho ta vui thì ta được vui, số định cho ta khổ thì ta phải khổ. Ta khó bề thoát khỏi số phận ấy. Số hay trời định cho thân phận ta, mà thật tình ta không biết gì về cái tột cùng ấy hết. Thật là gởi gấm thân phận mình cho một cái viển vông mơ hồ.

Nói do nghiệp báo nên có mặt trên thế gian này để đền trả. Nghiệp từ đâu có? Nghiệp do những tâm tư hành động của mình từ đời trước gây ra. Nếu đời trước hành động thiện nhiều thì đời nay ta sanh ra gặp hoàn cảnh tốt, mọi việc như ý. Nếu đời trước hành động ác thì đời này ta sanh ra trong hoàn cảnh xấu xa bất như ý. Thế là, hiện nay ta sanh ra trong hoàn cảnh tốt hay xấu đều do hành động tốt xấu của ta đời trước chiêu cảm. Ta là chủ nhân sắp đặt lấy cuộc sống hiện tại cho mình. Quyền tối thượng định đoạt là ở chúng ta, không ai khác. Kinh nhân quả nói: "Muốn biết nhân đời trước, chỉ xem quả hiện tại đang thọ; muốn biết quả đời sau, chỉ xem nhân gây tạo trong đời này." (Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị.)

2. Xuất phát

Mọi khổ vui của con người do số định sẵn. Con người phải chấp nhận số phận của mình, gặp hoàn cảnh nào cam chịu trong hoàn cảnh ấy. Nếu người gặp cảnh khắc nghiệt quá, chịu không nổi, họ đâm ra oán trời trách đất. Họ cho rằng trời đất đã chơi xấu với họ, đày ải họ, xử nghiệt ngã với họ, họ sống trong oán trách hận phiền.

Khổ vui do nghiệp chúng ta gây nên, dù gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng can đảm nhận chịu, không than thở oán trách ai. Mọi việc đều tại sự ngu khờ vụng dại của ta trước kia gây ra. Ta phải vui vẻ nhận chịu, chỉ cần khôn ngoan đừng tiếp tục sự ngu khờ như trước nữa. Ta làm ta chịu, nhận lấy trọng trách của mình. Không ai để chúng ta van xin, không ai để chúng ta oán trách. Can đảm nhận lấy trách nhiệm, vui vẻ để trả mối nợ tiền khiên.

3. Cảm thọ

Số đã định thì chúng ta bất lực, làm sao đổi được số. Nhất là số trời còn ai dám can thiệp vào. Trời đã định như vậy, chúng ta phải chịu như vậy. Người biết an phận, không dám trái lòng trời. Nghiệp thì biến chuyển, bởi vì nghiệp do hành động mà có, khi xưa ta hành động theo ngu tối nên chiêu cảm quả khổ, nay đổi lại ta hành động theo tâm hồn trong sáng thì quả khổ cũng suy giảm. Như trước ta xử sự xấu với một người bạn, gây ra sự buồn phiền hờn giận, nay ta hối cải xử sự tốt với bạn, sự hờn giận trước dần dần suy giảm. Hành động luôn luôn thay đổi, nghiệp cũng theo đó mà đổi thay. Nói nghiệp không phải cái cố định cứng ngắc, mà chuyển biến linh động tùy thuộc tâm tư và hành động con người. Vì thế, nếu trong hiện tại chúng ta cảm thọ cảnh vui hay khổ, biết do nghiệp lành hay dữ trước kia tạo nên. Nếu hiện nay chúng ta chuyển tâm niệm hành động thì sự cảm thọ cũng theo đó mà chuyển.

4. Hoán cải

Số mạng đã định thì làm sao đổi được. Cho nên nói số mạng đã định, con người đành bó tay cúi đầu nhận lãnh, không ai có thể cưỡng được số. Con người hoàn toàn bất lực dưới mệnh lệnh của đấng tạo hóa đã định sẵn. Nghiệp do mình tạo, chính mình có quyền thay đổi nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Trước kia mình học nghề trộm cắp, sau này mình học nghề thợ mộc thợ nề. Nghề nghiệp do sở thích của mình học tập mà thành. Trước mình dại khờ thích việc làm không hay, sau mình nhận thức được đổi thành nghề tốt. Nghề nghiệp đổi thay tùy theo tâm tỉnh giác của mình, đổi sang nghề nghiệp mới thì nghề nghiệp cũ từ từ phai nhạt. 

Vì thế, nói nghiệp là sửa đổi, cố gắng tích cực chớ không có nghĩa cam chịu đầu hàng. Tuy nhiên, có thiểu số người học Phật mà thiếu nghị lực, không có ý chí, họ không vượt qua được những trở ngại của nghiệp cũ, đành cam bó tay đầu hàng rồi đổ thừa tại nghiệp của tôi. Như đồng thời ghiền rượu, đồng biết rõ tai hại của rượu, cùng hứa bỏ rượu, song anh A thì bỏ rượu được, anh B lại bỏ không được. Vì anh A đủ nghị lực giàu ý chí, khi quyết định bỏ là can đảm bỏ, nên thắng trận. Anh B thì không có ý chí, thiếu nghị lực, tuy cũng muốn bỏ rượu mà khi bị cơn ghiền hành hạ không kham chịu, đành thua trận. Nghiệp chuyển được, song đòi hỏi giàu ý chí, đủ nghị lực.

5. Ðịnh chế

Nói số mạng là do một đấng quyền lực tối cao, qui định hết mọi sanh hoạt của chúng sanh trên thế gian này. Chấp nhận số mạng là con người thừa nhận và cam đặt mình lệ thuộc vào quyền lực đấng thiêng liêng ấy. Vì thế, số mạng phù hợp với thể chế quân chủ phong kiến, con người bị một đấng quân vương chi phối toàn bộ cuộc đời.

Nói nghiệp là quyền năng trong tay mình định đoạt. Cuộc sống đời này và đời sau do mình an bài lấy. Muốn an vui do mình, muốn đau khổ cũng do mình. Ta là chủ của mọi cuộc sống, nếu ta còn muốn tiếp tục. Không ai thay ta sắp đặt cuộc khổ vui, chỉ có ta mới là người ban vui cứu khổ cho ta. Ta phải sáng suốt gan dạ chọn lựa một cuộc sống đẹp đẽ vui tươi trong hiện tại và mai sau. Tự ta vạch sẵn một lối sống cho ta, tự ta tô điểm đời ta cho tươi sáng. Nếu có khổ đau đến với ta, ta hãy cười, vì đây là hành vi vụng dại ngày trước của mình. Chúng ta trả và chuyển những cái gì không hay của quá khứ, đồng thời xây dựng những điều an vui hạnh phúc cho vị lai. Mọi quyền lực trong tay chúng ta, thật thỏa thích thay! Cuộc sống của chúng ta là cuộc sống tự do tự chủ. Cho nên, lý nghiệp báo thích ứng thể chế dân chủ tự do của nhân loại hiện nay. Ta là chủ ta có quyền chọn lựa người thay ta lo việc nước việc dân.

PHÊ BÌNH

Nói số mạng là mơ hồ không xác thực. Nghiệp báo là thực tế rõ ràng. Thuyết số mạng đưa con người đến chỗ vô trách nhiệm về hành động của mình. Nghiệp báo dạy người nhận lấy trách nhiệm do mọi hậu quả tốt xấu đến với mình. Số mạng khiến con người thụ động, tiêu cực, phó thác, liều lĩnh. Nghiệp báo xây dựng con người chủ động, tích cực, nỗ lực và sáng tạo. Số mạng tập con người yếu đuối, an phận, đầu hàng. Nghiệp báo chỉ cho ta phải cố gắng, can đảm và thăng tiến. Số mạng thích hợp với thời quân chủ phong kiến. Nghiệp báo thích hợp với thời dân chủ tự do. Ứng dụng thuyết nghiệp báo trong cuộc sống, chúng ta thấy mình đồ sộ hiên ngang, đầy đủ quyền năng trong công cuộc kiến tạo con người và vũ trụ.

NGHIỆP BÁO KHÔNG THẬT

Tuy thuyết nghiệp báo thực tế, chủ động, tích cực...Song cuối cùng nhà Phật nói nó không thật. Bởi vì nghiệp do hành động tạo tác của con người. Hành động là tướng sanh diệt, cái gì sanh diệt nhà Phật đều cho là hư dối. Trong bài Chứng Ðạo Ca của Thiền sư Huyền Giác có hai câu "liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái" (liễu ngộ tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu ngộ cần phải đền nợ trước). Có thiền khách hỏi Thiền sư Cảnh Sầm ở Trường Sa: Tổ Sư Tử liễu chưa mà bị vua nước Kế-tân chặt đầu? Tổ Huệ Khả liễu chưa mà bị chết trong khám? Thiền sư Cảnh Sầm đáp: Ðại đức chưa hiểu nghĩa nghiệp chướng. Thiền khách hỏi: Thế nào là nghiệp chướng? Thiền sư Cảnh Sầm đáp: Bản lai không. Qua câu chuyện này, đa số người không hiểu gì cả. Sự thật là vầy, sau khi liễu ngộ Phật Tổ thấy các pháp duyên hợp hư dối. Thân này là pháp duyên hợp nên hư dối. Hành động tạo tác từ thân phát xuất lại càng hư dối hơn. Hành động đã hư dối thì nghiệp do hành động tạo thành làm sao thật được. Bởi thấy nghiệp hư dối nên xem thường không quan trọng, có đến cũng như trò chơi, có gì phải kinh hoảng sợ hãi. Cho nên khi vua nước Kế-tân muốn hại Tổ Sư Tử, cầm dao đến trước Tổ hỏi: Ngài thấy thân năm uẩn đều không, phải chăng? Tổ đáp: Phải. Vua nói: Ngài cho tôi cái đầu được không? Tổ đáp: Năm uẩn đã không, sá gì cái đầu. Vua chặt đầu Ngài.

Qua mắt chúng ta, thấy đó là trả nghiệp, đáng sợ, song với Tổ đã không thấy thật, nói gì là trả. Cũng như ông A khi chưa hiểu đạo, bị ông B làm vài hành động không vừa lòng, ông liền mắng chửi ông B. Thời gian sau, ông A hiểu đạo, đúng lúc ông B trả thù mắng chửi thậm tệ hơn trước. Song ông A thấy lời nói không thật, không có gì quan trọng, nên vẫn tươi cười không buồn, không đổi nét mặt. Như thế ông A có trả nợ trước hay không trả nợ trước? Thật sự, nợ đã vay thì phải trả, chỉ khác ở chỗ mê thì thấy thật, ngộ thì thấy không thật. Ðã không thật thì trả cũng như không trả. Vì thế, nói "liễu tức nghiệp chướng bản lai không". Cứu kính thấy nghiệp báo không thật, quả là thấu tột bản chất của nghiệp báo. Tuy không thật mà chẳng mất, đây là bí yếu của đạo Phật.

Trích Sách Bước Đầu Học Phật
Nguon: thuongchieu.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2011(Xem: 3986)
Chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác đều có nguyện lực và đều có ba giai đoạn: Nguyện trong tâm (ý), nguyện thành lời (khẩu) và nguyện bằng hành động (thân) ba-la-mật. Như đức Phật Sakyā Gotama đã phát nguyện ở trong tâm suốt 7 A-tăng-kỳ, nguyện thành lời suốt 9 A-tăng-kỳ, và nguyện bằng hành động ba-la-mật suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp(2). Như vậy là đức Phật Sakyā Gotama phải thực hành ba-la-mật trải qua 24 vị Phật tổ, kể từ Phật Dīpaṅkāra (Nhiên Đăng) cho đến Phật Kassapa (Ca Diếp).“Nguyện lực” hay “quyết định lực” là 01 trong 10 ba-la-mật (pāramī) (1) theo kinh điển truyền thống. Nó là năng lực của ý chí tiếp sức cho tư tác (cetanā) hoàn thành tâm nguyện của người học Phật và tu Phật.
31/12/2010(Xem: 3712)
Rõ ràng, đối với đạo Phật, tâm là cơ sở, là đối tượng, đồng thời cũng là công cụ của việc thực nghiệm đời sống tâm linh. Tâm là gốc của sinh và tử...
28/12/2010(Xem: 3303)
Phật tử Chơn Từ Bi hỏi: Con nghe nói đạo Phật là chánh tín nhân quả, lấy tứ diệu đế làm nền tảng là minh triết đạo Phật? Tại sao bây giờ con thấy trong các chùa, kể cả chùa Ban tri sự Phật giáo Tỉnh và các Huyện vẫn cúng sao giải hạn một cách công khai trong những ngày đầu năm và hàng tháng? Như vậy có trái với lời Phật dạy hay không?
28/12/2010(Xem: 3367)
Một trong các phương pháp thực tập sự kham nhẫn là học hạnh chịu đựng của đất. Đất có thể bao dung hết muôn loài vật trên thế gian này. Đất nuôi sống thiên nhiên, cỏ cây, hoa trái để nuôi dưỡng chúng sinh. Từ đất con người khai thác các loại tài nguyên khoáng sản để có điều kiện gia tăng sản xuất, nâng cao đời sống để nhân loại và muôn loài vật tồn tại.
26/12/2010(Xem: 8755)
Thượng tọa Henepola Gunaratana thọ cụ túc giới vào năm 12 tuổi, trong một ngôi chùa nhỏ ở làng Malandeniya, quận Kurunegala thuộc quốc gia Miến Điện. Thầy bổn sư của ngài là thượng tọa Kiribatkumbure Sonuttara Mahathera. Vào tuổi 20, ngài được thụ phong đại đức ở Kandy, năm 1947. Ngài hoàn tất chương trình giáo dục tại đại học Vidyalankara và đại học Phật học ở Colombo. Ngài sang Ấn độ trong 5 năm để làm việc thiện nguyện cho hội từ thiện Mahabodhi, giúp đỡ người Harijana ở những thành phố Sanchi, Delhi, và Bombay. Mười năm sau đó, ngài sang Mã lai, làm cố vấn tôn giáo cho hội Sasana Abhivurdhiwardhana, hội từ thiện Phật giáo, và Liên đoàn thanh niên Phật tử Mã Lai. Ngài cũng là giáo sư dạy các trường Kishon Dial, Temple Road Girls, và Trụ sở Nguyên tắc Phật học hội ở thủ đô Kuala Lumpur.
26/12/2010(Xem: 14066)
“Con đường Thiền Chỉ Thiền Quán”đã được Ngài Guṇaratana trình bày một cách khúc chiết, rõ ràng có thể giúp cho những ai muốn nghiên cứu tường tận chỗ đồng dị, cộng biệt, sinh khắc của hai pháp môn này hầu tránh tình trạng nhầm lẫn, võ đoán và phiến diện trong lý thuyết cũng như trong thể nghiệm con đường giác ngộ giải thoát. Rất nhiều sách trình bày nhầm lẫn giữa Định và Tuệ hay Chỉ và Quán, đưa đến tình trạng định không ra định, tuệ chẳng ra tuệ, hoặc hành thiền định hóa ra chỉ là những “ngoại thuật” (những hình thức tập trung tư tưởng hay ý chí có mục đích khác với định nhà Phật), và hành thiền tuệ lại có kết quả của định rồi tưởng lầm là đã chứng được các bậc tuệ quán.
12/12/2010(Xem: 6923)
Tái sinh và nghiệp là những vấn đề liên quan đến nhau gắn liền với mỗi cuộc đời. Mỗi khoảnh khắc là sự nối tiếp của khoảnh khắc trước đó...
28/11/2010(Xem: 6936)
Tài liệu này ghi lại phần luận của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma trong quyển sách Bồ-Đề Đạt-Ma Quán Tâm Pháp do thầy Minh Thiền dịch và giảng giải tại chùa Hội Tông, Phú Định, vào năm 1973, xuất bản bởi Nhà xuất bản Quế Sơn, Võ Tánh. Quán Tâm Pháp là tên chung cho ba thiên luận về Huyết Mạch, Ngộ Tánh và Phá Tướng.
13/11/2010(Xem: 4073)
Bồ Tát Đại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch, không dính danh lợi thế gian, có sức mạnh tự tại...
11/11/2010(Xem: 5152)
Đây là sáu phương pháp thực tiễn tu tập dành cho các hàng đệtử của đức Đạo sự từ tại gia cũng như xuất gia và,nhất là dành cho các hàng Bồ-tát tu tập muôn hạnh trong việctự độ và độ tha; có nơi còn gọi là Lục độ vạn hạnh.Lục ba-la-mật gọi đủ là Lục Ba-la-mật-đa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]