Lá sen “cõng người” và chuyện tình Rùa Hạc giữa chốn thiền môn
Một lần phạm giới tu hành, Hạc đã bị sư chủ cho “hoàn tục”. Hạc bay đi, Rùa buồn ủ rũ, Rùa đã mất sau ba ngày tuyệt thực. Tình bạn vỏn vẹn 3 năm giữa Hạc và Rùa vẫn được người đời truyền tai nhau khi bước chân vào chùa Phước Kiển Tự (Hòa Tân – Châu Thành – Đồng Tháp). Ngôi chùa ngoài câu chuyện bi thương giữa hai linh vật, thì còn nổi tiếng vì độc hữu loài sen vua “cõng người” chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu trên đất Việt.
Sen “cõng người” trong Phước Kiển TựTừ nhiều năm nay, ngôi chùa nhỏ nằm trên vùng Nha Mân, được biết đến là cái nôi sản sinh con gái đẹp nổi tiếng phương Nam luôn tấp nập khách thập phương. Họ đến để tận mắt ngắm loài hoa sen khổng lồ có một không hai trên đất Việt Nam. Và, để trải nghiệm cảm giác ngồi trên lá sen dập dềnh trên mặt nước, tha hồ ngắm đất trời, cây cỏ và những loài cá hiền hòa dưới lòng hồ.
Vì sao lá sen có khả năng chịu đựng trọng lượng của một con người? Vì sao lá sen khổng lồ ấy lại chỉ mọc trong ao một ngôi chùa nhỏ tận vùng Đồng Tháp? Câu hỏi đó, hiện nay đang là đề tài nghiên cứu hấp dẫn và hóc búa của giới khoa học trong và ngoài nước.
Từ chợ Nha Mân, chúng tôi dễ dàng hỏi thăm về nơi đang giữ huyền tích lá sen khổng lồ, người dân vui cười chỉ dẫn tường tận và sẵn sàng xác nhận rằng, lá sen “cõng người” là sự thật. Hầu hết bà con ở quanh vùng đều ít nhiều được đứng hay ngồi chễm chệ trên là sen.
Chủ nhân của ngôi chùa nhiều dị biệt ấy, sư thầy trụ trì đời thứ 4 Thích Huệ Từ (75 tuổi) là người am tường sự việc nhất. Đã nhiều năm nay, ông không còn lạ lẫm gì với những câu hỏi và sự ngạc nhiên của bàn dân thiên hạ đồn đoán về loài sen khổng lồ trong ao chùa. Theo sư thầy, thì đó chỉ là sự ngẫu nhiên, một đột biến dị thể của loài sen.
Đó là một buổi sáng trong lành ngày 8/1/1992 (âm lịch), như bao buổi sáng khác ở làng quê Đồng Tháp. Sư thầy xắn tay áo xuống hồ nhổ ngó sen ra chợ bán như thường lệ, ra tới giữa hồ, sư thầy phát hiện một bông sen nở to khác thường, lại có gai bao bọc xung quanh. Hoa sen mang màu đỏ thắm phía ngoài, trong lại có màu trắng tuyết, nhiều gai. Sư thầy lặng lẽ quan sát, thì phát hiện ra đây không phải là bông hoa bình thường, vì hoa đổi màu liên tục theo thời gian trong ngày.
Buổi sáng, sen nở màu trắng ngà, đến tầm 9 giờ thì chuyển màu hồng rồi cúp lại. 3 giờ chiều sen nở ra màu đỏ thắm rồi chuyển dần sang màu tím, khi hoàng hôn vừa khuất núi, sen chuyển hẳn sang màu hồng và cúp lại. Vòng đời của sen tồn tại trong vòng ba ngày, ngắn hơn sen bình thường.
Vậy mới có câu chuyện, có hai người khách vào chùa ngắm sen. Một ông ngắm buổi sáng thấy hoa màu trắng, ông ngắm buổi chiều thấy hoa màu hồng. Hai ông này về kể lại cho bà con thì mỗi người một kiểu, họ cự cãi nhau, tranh luận rất gay gắt. Họ kéo đến hỏi sư thầy cho rõ ngọn ngành và phân đúng sai. Sư Thích Huệ Từ mỉm cười: “Cả hai ông đều đúng, sen trong chùa thay đổi màu theo thời gian trong ngày”. Từ đó, tin đồn về loài sen lạ nhanh chóng lan đi, phật tử và khách thập phương tìm về chùa ngày một đông.
Một phật tử ngồi trên lá sen niệm Phật.
Ngoài hoa sen lạ, thì cùng thời điểm đó, lá sen bắt đầu phát triển và to ngoài sức tưởng tượng. Lá sen hình giống một cái nia, bề rộng chừng 2m cứ xếp lớp mọc kín bưng ao sen, bề mặt lá sen nhẵn nhụi chia thành những ô vuông nhỏ, phía dưới có nhiều gai. Đặc biệt vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 tháng 10 (âm lịch), sen no nước nên phát triển rất nhanh và mạnh. Lá sen có thể tới 3m. Người dân thường gọi là sen vua hay sen nong nia.
Ngày đó, trong chùa có nuôi một chú Hạc rất thông minh và có thể hiểu được tiếng người. Sư Thích Huệ Từ liền bảo chú Hạc bay xuống lá sen đứng. Lúc đầu, Hạc đứng lên do tiếp xúc với móng chân sắc nhọn làm lá bị rách, nước thấm vào, xong sư thầy lấy chiếc mâm đặt lên trên bề mặt của lá sen, Hạc đứng lên thì không rách lá nữa. Thấy lạ, sư thầy đứng thử lên và thật ngạc nhiên, lá sen trụ vững ở sức nặng có trọng lượng hơn 50kg. Người dân ùn ùn kéo đến, đua nhau kiểm nghiệm sự thật là sen “cõng người”, tất cả đều sửng sốt khi đứng trên lá sen khổng lồ.
Thầy Huệ Từ giải thích: “Tất cả mọi người khi đến chùa thì việc đầu tiên là họ phải ngồi trên lá sen cho bằng được. Bạn có thể ngồi, có thể đứng tùy thích mà không hề có cảm giác chao đảo hay bồng bềnh. Lá sen giữ vững thăng bằng, chắc chắn như bức bê tông vậy. Theo tôi ở đây không có gì huyền bí cả. Là do lá sen rất to, tự thân nó đã tạo cân bằng và giữ lực khi tiếp xúc với mặt nước. Nó giống một chiếc thuyền độc mộc vậy. Người nào có trọng lượng trên 60kg thì lá cũng chỉ dập dềnh một lúc thôi, không sao cả”.
Loài sen lạ không mọc bất cứ đâu ngoài Phước Kiển Tự
Hòa thượng Thích Huệ Từ cho biết: “Đây là loài sen có nguồn gốc từ Amazon, vùng Nam Mỹ. Sự xuất hiện của nó tại chùa Phước Kiển Tự cho đến thời điểm này, vẫn chưa ai biết”. Phước Kiển Tự được xây dựng vào năm 1847 thời vua Thiệu Trị thuộc dòng họ Đoàn. Trải qua bao biến cố thăng trầm, từ ngày thầy Huệ Từ theo chú vào tu ở chùa vẫn chưa có gì đổi khác.
Ngày đầu, thầy trồng sen Bá Biển (sen trăm cánh), trải qua binh biến, chiến tranh, lũ lụt, sen Bá Biển tuyệt chủng. Với niềm yêu thích loài sen, hễ đi đâu thấy có hoa sen, hoa súng lạ là ông lại xin về trồng trong ao chùa. Có thời điểm, trong ao quy tụ hàng trăm loài sen, súng. Chúng đua nhau nở hoa các loại, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, rực rỡ đủ mùi hương sắc. Năm 16 tuổi, khi người chú của ông viên tịch, thì ông chính thức làm chủ trì Phước Kiển Tự cho đến bây giờ.
Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc, Phước Kiển Tự cũng chịu chung số phận với đồng bào Nam bộ, ao sen trăm hoa đua nở bị hai quả B52 xới tung, cánh sen tan tác, rũ rượi khét lẹt mùi thuốc súng. Ao sen thay bằng hố bom sâu hoắm, tù đọng nước đen như mực. Sau ngày giải phóng, thầy Huệ Từ tìm về, phục dựng lại chùa cũ và cải tạo hố bom trồng các loại sen, súng.
Cuộc đời tu hành của thầy Huệ Từ chưa bao giờ ông thấy loài sen kỳ lạ như vậy. Bản thân ông không hề biết xuất xứ của loài sen ấy, ông cố công tìm hiểu thì cũng chỉ biết nguồn gốc của loài sen này có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đứng bên hồ sen, thầy trải lòng: “Có cả khách nước ngoài tìm về đây, họ cứ trầm trồ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cũng có một vài đoàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật đến đây lấy mẫu nước, mẫu sen về nghiên cứu nhưng chưa thấy kết luận gì cả.
Thầy Huệ Từ.
Sen lạ trong Phước Kiển Tự vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, nhưng lạ thay loài sen này chỉ sống được ở ao của chùa. Nhiều người đến xin giống về trồng nhưng đều thất bại, sen không sống nổi ở bất cứ nơi ào, vùng nào”.
Mối lương duyên định mệnh của Rùa và Hạc giữa ao sen
Xung quanh câu chuyện về loài sen khổng lồ, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau về tình bạn giữa Rùa và Hạc trong Phước Kiển Tự. Đây không phải câu chuyện cổ tích, mà đây là câu chuyện có thật mới xảy ra trong chùa, giữa ao sen.
Hạc và Rùa là hai con vật được thầy Thích Huệ Từ mang về nuôi trong chùa nhiều năm trời. Trong đó, Rùa đến trước và sống lâu năm hơn Hạc. Rùa theo chủ nhân của nó từ thời chiến tranh, một thời gian chạy loạn, thầy Thiện Từ bị thất lạc mất chú rùa. Sau khi trở về, thầy cất công đi tìm nhưng mãi không thấy.
Một hôm, thầy đến nhà người dân có việc, bỗng thầy nghe tiếng dây xích cạ vào nhau loảng xoảng, thầy nhìn xuống thì hóa ra chú Rùa ngày nọ của mình. Người chủ yêu cầu thầy chuộc lại Rùa với giá 1.500 đồng. Thời trước giải phóng, đó là số tiền không nhỏ. Rùa sống hiền hòa bên ngôi chùa nhỏ cùng người thầy ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Người dân gọi Rùa là “ông Quy”.
Năm 1999, khi đang ra chợ, thầy Huệ Từ thấy con Hạc bị người thợ săn trói thắt cổ đem rao bán. Nhìn thương quá, thầy bỏ tiền mua chú Hạc rồi cởi trói và phóng thích Hạc về rừng. Nhưng Hạc không bay, nó lủi thủi theo chân thầy về tận chùa. Vậy là từ đó, thầy Huệ Từ có hai con vật làm bạn là Rùa và Hạc.
Từ ngày có Hạc, Rùa nhanh nhẹn hẳn lên, hễ thầy đi đâu, làm gì đều có hai con vật theo cùng. Hơn 3 năm ngày Hạc về chùa, thì nó phạm giới cấm của nhà Phật. Buổi sáng hôm đó, Hạc đứng hít khí trời trên lá sen, bỗng nó thấy con cá liền thò mỏ xuống rỉa và nuốt sống chú cá. Sư thầy trông thấy cảnh Hạc phạm giới, ông lặng lẽ quay vào đọc hết bài kinh. Rồi ông “nói” với Hạc hãy bay đi. Ở đây, không chấp nhận việc làm đó của Hạc. Hạc bay vòng vo mấy lượt quanh chùa, nó đậu trên ngọn cây bồ đề kêu lên thảm thiết một hồi mới cất cánh bay về hướng Nam.
Rùa ngay sau đó không còn hăng hái đi theo sư thầy ra vườn, hay tụng kinh hàng giờ nữa. Nó nằm thu mình trong một góc, không ăn không uống ba ngày thì chết. Sư thầy Huệ Từ cảm thương Rùa và Hạc, lập bàn thờ chúng ngay trong chùa và ngày ngày tụng kinh cho chúng siêu thoát. Trên tấm bia khắc tưởng niệm Rùa, Hạc, thầy Huệ Từ khắc “1948 – 29/7/2002”.
“Ông Quy”, được thầy Thiện Từ lưu giữ cẩn thận.
Lá sen “cõng người”, chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó lý giải, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã.
Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết.
Bài: Ngọc Thiện
Kỳ lạ ở ngôi chùa có loài sen “cõng” được người
Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng bởi “tình bạn” giữa cặp rùa và hạc mà ngôi chùa đặc biệt này còn được biết đến với loài sen có thể “cõng” được người.
Chuyện như trong cổ tích nhưng lại tồn tại giữa đời thường. Trong buổi tiếp xúc cùng chúng tôi, trụ trì Phước Kiển Tự (Nha Mân, Châu Thành, Đồng Tháp), Thích Huệ Từ cho biết: “Ngôi chùa là của gia đình tôi tự xây cất để thờ phụng phật trời và tổ tiên. Trước đây, chú tôi là Thầy Thích Huệ Trí là trụ trì đầu tiên. Năm 8 tuổi, tôi vào chùa theo chú tu hành rồi sau đó tiếp quản cho đến nay. Từ khi vào chùa, tôi chứng kiến nhiều sự vật lạ lùng nhưng không dám cho nhiều người biết. Bởi vì, người nào tin thì thôi, người không tin lại cho rằng mê tín dị đoan”.
Đôi hạc – rùa làm bạn với trụ trì Thích Huệ Từ
Kỳ duyên tương ngộ
Từ vùng đất Nha Mân, chúng tôi dừng chân ở chợ hỏi thăm đường vào chùa Phước Kiển không ai biết. Tuy nhiên, khi được hỏi chùa nào có loài sen lá to kì lạ và nơi xuất phát “tình bạn” quy và hạc thì người dân ai cũng rành. Anh Trương Văn Mến (ngụ Nha Mân, Châu Thành, Đồng Tháp) bảo với chúng tôi rằng, ở đây người ta quen gọi là chùa “lá sen”, chẳng ai nhớ đến tên thật của ngôi chùa này cả. Ngôi chùa ở sâu bên trong, từ chợ phải qua 10 cây cầu thì tới. Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi cũng dò tìm được đến ngôi chùa kỳ lạ này. Sân chùa vắng lặng, giữa sân có một cái ao sen với những chiếc lá to hơn chiếc nong đựng lúa. Gió mát từ sông thổi vào khiến khách phương xa đến viếng tự cảm thấy sảng khoái tinh thần. Từ trong chùa, một sư thầy tuổi ngoài bảy mươi, bước ra chào chúng tôi và vui vẻ mời viếng chùa.
Thầy trụ trì cho biết, chú rùa đã chết này bò vào chùa từ năm 1948. Nó là loại rùa nước ngọt nên dáng vẻ rất hiền và nhỏ bé. Thời buổi loạn ly, chùa bị giặc dội bom mấy lần, phải sơ tán khắp nơi. Những lúc ấy, thầy trụ trì và chú mà cũng thất lạc nhiều lần. Năm 1970, thầy trụ trì trở về tu bổ và sửa sang lại ngôi chùa. Chẳng biết sao, rùa lại biết đường mà quay về chùa. Tuy nhiên, chú rùa vừa đến trước ngõ thì bị một người con gái bắt. Cô ta bắt thầy trụ trì phải trả 1.500 đồng mới cho chuộc rùa về. Thầy thương rùa xa nhà đã lâu nên tìm đủ mọi cách, gom hết số tiền ít ỏi tích góp nhưng cũng không đủ. Đúng ngày, cô gái mang rùa ra chợ bán. Thầy trụ trì gom đủ số tiền liền chạy theo xin chuộc lại. Kể từ ngày đó, rùa làm bạn cùng thầy. Thầy bảo gì quy cũng nghe, tuyệt nhiên không bỏ chùa đi lần nữa.
Kể lại chuyện con rùa và con hạc sống thân thiết với nhau trong chùa, trụ trì Thích Huệ Từ cho biết: “Năm 1999, tôi ra chợ thấy người nông dân buộc chân, rao bán một con hạc to, cao đến hơn 1m. Thấy hạc là con vật linh thiêng, hơn nữa tôi là người tu hành không thể đứng nhìn kẻ khác sát sinh nên gom hết tiền mua con hạc ấy về với giá 3,2 triệu đồng để phóng sinh. Thế nhưng, sau khi cởi dây, con hạc không có biểu hiện sợ hãi mà tỏ ra vô cùng thân thiện, đứng yên một chỗ không chịu bay đi”.
Xác của chú rùa thông minh được giữ lại
“Tình bạn” của rùa và hạc
Khi mua hạc về, thầy Từ cũng ngạc nhiên vì quy- hạc vốn không chung loài bỗng trở nên gắn bó. Thầy trụ trì khẳng định: Hai con vật này không khi nào có xung đột với nhau. Bình thường con hạc cũng không bay ra ngoài kiếm ăn mà chỉ đi lại bên con rùa. Đêm thầy ngồi tịnh, hai con vật cũng đứng bên cạnh. Đôi khi con hạc còn giang sải cánh dài hơn 2m che ngang đầu tôi. Con rùa thì lâu lâu lại dúi đầu vào chân tôi như thể để chắc chắn tôi còn sống.
Tuy nhiên, tình bạn khăng khít, kỳ lạ đó sớm ngày bị chia cắt. Thầy cho biết: Một dạo có tin Trung tâm Bảo vệ động vật hoang dã đến bắt hạc về. Tuy nhiên trước đó mấy ngày, hạc bỗng chốc bỏ chùa bay mất. Sau cái ngày con hạc bay đi, chùa lại có chuyện lạ. Thầy trụ trì khẳng định, từ ngày con hạc bay mất con rùa ở lại không ăn không uống, chẳng được mấy ngày thì chết. Thương tiếc, cảm kích loài vật nhưng sống có tình có nghĩa, thầy trụ trì mang xác quy để nơi chánh điện ngày cũng như đêm tụng kinh siêu độ, cầu mong quy và hạc sớm gặp lại nhau.
Một số người dân kể về câu chuyện như gia thoại về chú rùa thông minh trong chùa. Có lần, tên Mười Phu, Trung đoàn trưởng quân ngụy đóng bên kia sông nghe tin chùa có con quy rất khôn, bèn dắt lính mang súng sang thử. Mười Phu nói với thầy trụ trì rằng, bây giờ ông xách nó ra cổng chùa, nếu nó bò ngược trở vào chùa đúng chỗ người ngồi thì lính tráng sẽ không làm phiền chùa nữa. Ngược lại, nếu rùa bò lệch đường, đám lính sẽ bắn chết, đem về làm mồi nhậu. Ban đầu, thầy trụ trì nghe tên Mười Phu nói thế cũng ngần ngại. Thầy sợ rằng nếu chẳng may rùa bò sai chỗ sẽ bị bắn chết. Không còn lối thoát nên thầy gật đầu đồng ý. Rùa được thầy mang ra cổng. Vừa đặt xuống đất, quy chậm chạp ngước đầu nhìn xung quanh rồi bò vào chùa trước những cặp mắt ngạc nhiên của đám lính ngụy.
Không thể để mất mặt, Mười Phu hạ lệnh cho đám lính mang rùa ra tận mép sông để thử tiếp. Lần này, hắn cẩn thận bảo đàn em đắp một con đường bằng bùn dẫn xuống sông với hy vọng rùa lâu ngày sống trên cạn, sẽ nhớ nước mà bò theo hướng khác. Ngờ đâu, con rùa vẫn lặng lẽ quay đầu bò vào chùa. Tên Mười Phu hốt hoảng hô lính bỏ về. Sau đó, hắn sợ hãi đốt nhang khấn xin trời phật tha tội vì lỡ nói lời xúc phạm linh vật.
Theo thầy Huệ Từ, nói là kỳ lạ nhưng hai loài này gần gũi nhau cũng là chuyện bình thường. Một khi hai con vật, tiếp xúc với nhau lâu nó sẽ trở thành thân thiện.
Hạc làm theo lời nói của con người?
Thấy hạc quyến luyến, thầy nghĩ con vật này chắc quí cửa chùa thanh tịnh nên để lại bên mình. Cũng từ đấy, thầy thấy từ con hạc lạ có những chuyện ly kỳ. Trao đổi vấn đề trên, trụ trì Thích Huệ Từ nhớ lại: Năm đó có một thợ ảnh đến chụp hoa sen quí ở chùa. Anh này thấy hạc lấy làm thích thú, ngỏ ý xin tôi cho hạc đứng trên lá sen để chụp một bức ảnh. Tôi bảo hạc, hạc liền đáp xuống lá sen giang hai cánh, miệng kêu to. Anh thợ ảnh xem chừng sợ chân hạc có vuốt nhọn làm rách. Tôi nói vui có ý bảo nó co móng lên không ngờ nó làm theo như thật.
Truyền thống cách mạng
Phước Kiển Tự là ngôi chùa có truyền thống cách mạng. Nơi đây từng là nơi trú ẩn và được quân ta dùng làm xưởng đúc vũ khí chống giặc thù. Chùa có 34 tăng ni tham gia chiến đấu và đều hi sinh vì dân tộc. Vị trụ trì đến bên xác của chú rùa đã khô cứng được cất giữ cẩn trọng trong cái hộp kính. Chỉ tay vào chú rùa này, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ở nơi đây mới có. Theo quan sát của chúng tôi, thân chú rùa chỉ nhỏ bằng chiếc nón lá. Tuy nhiên, câu chuyện thần kì về chú khiến ai cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Bài: Ngọc Lài
Độc đáo loài sen khổng lồ
Loài sen ở ngôi chùa này đã tạo nên một không gian đặc biệt mà thỉnh thoảng thầy Thích Huệ Tứ vẫn ngồi trên lá sen để thiền.
Đến chùa, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến loài sen khổng lồ với vẻ đẹp huyền bí. Từ hai hồ ở trước đằng sau chùa, theo quan sát của PV, loài sen này có lá hình tròn đều. Lá sen vào mùa nước lũ có thể đạt đường kính đến 2m2, một người nặng 70kg có thể đứng lên mà không chìm. Hoa sen to, có nhiều cánh, khi còn là búp non có màu trắng tinh khiết.
Điều đặc biệt và vô cùng kỳ lạ ở loài hoa này là màu sắc lúc hoa nở thay đổi theo thời gian. Theo lời trụ trì Thích Huệ Từ, hoa nở với màu trắng tinh khôi từ lúc 6h sáng. Đến giữa trưa, hoa có màu hồng. Khoảng 3h chiều thì chuyển sang màu tím nhạt rồi chuyển thành màu hồng. Sau ba ngày, hoa chuyển dần sang màu tím than và tàn hẳn. Đến mùa nước nổi, từ tháng 9 sang tháng 10, sen no nước phát triển nhanh và mạnh nhất.
Thông tin về tên gọi của loài sen này, thầy Từ cho biết, sen lạ xuất hiện nhưng vẫn chưa có tên gọi. Khách đến, mỗi người gọi một tên. Người thấy sen to như cái nia thì gọi là sen nia. Người thấy sen có nhiều gai bảo là sen gai. Người thì bảo giống như hoa sen Phật tổ ngồi trong truyền thuyết nên gọi là sen Phật.
Được biết, đây là loài sen quý và chỉ có thể sống và phát triển tại chiếc hồ nhỏ trong chùa. Tuy nhiên, với kinh phí ít ỏi, Phước Kiển Tự không đủ khả năng nâng cấp hồ với mục đích bảo vệ loài sen kỳ lạ và quý hiếm này. Đặc biệt, do thiếu nhân lực, vật lực, chùa cũng luôn bị thất thoát những vật phẩm quý giá. Gần đây nhất là việc 2 con rùa đá đã có mặt trong chùa hơn 50 năm cũng bị đánh cắp.
Trước khi chúng tôi ra về, thầy Thích Huệ Tứ trầm ngâm bảo: “Tôi bây giờ đã già rồi chỉ nhang khói hầu Phật chứ công tác bảo vệ chùa, bảo tồn loại sen quý hiếm chắc không làm được. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Đây là một loài sen lạ, quý, nếu không được gìn giữ thì sẽ biến mất rất nhanh”.
Sen lạ mọc lên từ hố bom
Giải thích về sự xuất hiện kì lạ của loài sen này, thầy Thích Huệ Từ chia sẻ: “Khi mới xây chùa, thầy trụ trì cũ có gieo trồng loài hoa sen trăm cánh. Tuy nhiên, kể từ ngày bị giặc ném bom, hồ thành đất, đất thành hồ nên không còn cây nào sống sót. Hồ bây giờ trước đây vốn là hố bom. Tôi đem xi măng tráng lại cho vuông vức rồi thả cá, gieo thêm sen súng để bán lấy tiền hương khói. Bẵng từ đó, không để ý đến, đến năm 1992, tôi mới giật mình phát hiện có loài sen lạ đang trú ngụ trong hồ sen giữa sân chùa”.