Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tứ Quả Sa Môn

01/02/201105:27(Xem: 4193)
Tứ Quả Sa Môn


TỨ QUẢ SA MÔN

Thích Đức Thắng

Tứ quả là bốn quả vị sai biệt của các bậc Thánh Thinh Văn thừa, nhau tùy thuộc vào trình độ căn cơ của hành giả đã đạt được sau khi tu tập, đó là Tu-đà-hoàn (srota-āpanna) còn gọi là nghịch lưu quả, Tư-đà-hàm (sakradāgamin) còn gọi là Nhất lai quả, A-na-hàm (anāgāmin) còn gọi là Bất hoàn quà và, A-la-hán (arhat) tức là A-la-hán quả. Tu-đà-hoàn là quả vị của những chúng sanh phàm phu bắt đầu nhập vào hay dự vào dòng Thánh đạo nên bắt buộc hành giả phải đi ngược dòng sanh tử, do đó đức Đạo sư gọi bước đi của họ là nghịch lưu, có nghĩa là đi ngược dòng sinh tử để đi đến Thánh đạo, tức là hành giả muốn đạt được quả vị này phải đoạn trừ sạch Kiến hoặc ba cõi (một trong ba hoặc của vô minh là kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc). Tư-đà-hàm là quả vị của những hành giả dục giới cùng cõi trời Dục lục đã đoạn trừ được tư hoặc sáu phẩm trước trong chín địa của dục giới và, chỉ còn một lần sanh trở lại nhân gian nữa, cho nên cũng gọi là Nhất lai. Quả vị này vẫn còn trong dự lưu quả. A-na-hàm là quả vị của những hành giả đã đoạn trừ ba hoặc còn lại của chín phẩm dục giời và sẽ không còn sanh trở lại dục giới nữa, mà sẽ sinh về sắc giới hay vô sắc giới tùy thuộc vào kết quả sâu cạn của nó mà thôi. A-la-hán là quả vị cuối cùng của bốn quả, hành giả đã đoạn trừ hết kiến và tư hai hoặc không còṇ, là cực quả của hàng Thinh Văn thừa, vĩnh viễn đi vào Niết-bàn không còn tái sinh vào ba cõi nữa, cho nên gọi là bất sinh. Đây là Bốn quả sa-môn của Thinh Văn thừa, có nơi còn gọi là bốn quả Sa-môn chúng tôi trình bày sơ qua ý nghĩa của chúng mà thôi, dưới đây chúng tôi sẽ trình bày một cách chi tiết và những liên hệ duyên khởi với bốn hướng lệ thuộc trong nội hàm cần phải có trước khi hành giả đi đến những quả vị này.

1 . Tu-đà-hoàn (srota-āpanna)còn phiên là Tu-lũ-đa A-bán-na,, là quả Thánh tối sơ trong bốn quả Thinh Văn thừa, là sơ quả, quả vị đạt được của Thánh giả khi hành giả đã đoạn trừ sạch mọi kiến hoặc, nhờ hành giả thấy được lý của Tứ đế, đạt được mắt trí tuệ vô lậu thanh tịnh. Nhờ vào đây mà hành giả có thể đến thẳng quả Dự lưu, không đọa vào ba đường ác nữa, nên gọi là pháp vô thối đọa; nhưng vì hành giả của quả vị này còn chưa chứng nhập vào quả vị nên chưa gọi là quả mà gọi là hướng, có nghĩ là hành giả cò một tâm vị cuối cùng trong mười sáu tâm vị để chứng hập vào quả vị Tu-đà-hoàn, nên hành giả cần phải hoàn thành nốt tâm vị mười sáu mới hoàn thành được quả, là phải đoạn trừ hết kiến hoặc của ba cõi, dùng tất cả mười sáu tâm vị mà nhập vào địa vị vô lậu Thánh đạo. Thánh giả trong mưới sáu vị kiến đạo vì căn cơ có chậm có nhanh nên phân ra làm hai: (1) Tùy tín hành, là chỉ cho những vị căn độn, chậm chạp, tự mình không thể lịch duyệt văn bản giáo pháp, chỉ tin vào những lời dạy của người khác mà được ngộ đạo. (2) Tùy pháp hành, chỉ cho những vị có lợi căn bén nhạy, tự mình có thể lịch duyệt văn bản giáo pháp của Phật theo pháp mà thực hành. Vì ở đây hành giả tùy theo căn cơ mà theo pháp hành, đoạn được kiến hoặc của ba cõi, có nghĩa là người đang đi nghịch lại dòng sinh tữ luân hồi, nên dự vào dòng Thánh và chứng nhập vào sơ quả của bậc Thánh, cho nên gọi là Dự lưu. Tu-đà-hoàn phân ra làm hai vị nhân quả, đó là tự nhập vào từ “Kiến đạo” sơ tâm cho đến thập ngũ tâm, đó là giai đoạn tác nhân hướng đến quả Tu-đà hoàn thì, giai đoạn này gọi là Tu-đà-hoàn hướng. Sau khi hành giả đạt được Tu-đà-hoàn hướng rồi thì tiếp theo là phải hoàn thành vị cuối cùng của “Kiến đạo” là thập lục tâm vị (Khi hành giả tiến vào kiến đạo thì phải dùng trí vô lậu mà hiện quán về Tứ đế thì sẽ được mười sáu loại trí tuệ gọi là thập lục tâm, tức là đối với Tư đế, mỗi đế tự sanh ra bốn cách lý giải cộng lại thành mười sáu), nếu vị này hoàn thành được thì đạt được quả vị Tu-đà-hoàn rốt ráo, đó chính là cái quả của Tu-đà-hoàn, là cái sơ quả chính trong bốn Thánh vi của Thinh Văn thừa. Theo Thông Lộ Ký của Ngũ Giáo Chương 50 thì, hành giả của quả dự lưu được phân ra làm ba loại: (1) Hiện ban Dự lưu, là khi “Tư hoặc” ba cõi của hành giả đều đoạn tận thì sẽ đạt được quả vô học mà chứng nhập vào Bát Niết-bàn, dành cho các hành giả thuộc vào hàng có lợi căn. (2) Hiện tiến Dự lưu, nhờ có tiến tu mà hành giả đoạn trừ được sáu phẩm trước cho đến chín phẩm “Tư hoặc” của dục giới, mà chứng nhập vào “quả nhất lai” cùng chứng nhập vào “quả Bất hoàn” dành cho hành giả thuộc vào hàng có căn cơ hạng trung. (3) Thọ sanh Dự lưu, chỉ cho những hành giả sinh qua lại trong cõi trời hay cõi người hoặc một, hai lần cho đến bảy lần thuộc vào hàng có căn độn chậm lụt. Đó chính là hai thuộc tính của nhân quả Tu-đà-hoàn.

2 . Tư-đả-hàm (sakadāgamin), còn phiên là Sa-yết Đà-già-di, là quả Thánh thứ hai trong bốn quả Sa-môn Thinh Văn thừa, có nghĩa là Thánh giả khi tu tập đạt đến quả vị này thì chỉ còn có một lần sanh lại cho nên gọi là Nhất lai. Hơn nữa trước khi Thánh giả muốn đạt được Tư-đà-hàm quả này thì Thánh giả phải hoàn thiện Tư-đà-hàm hướng sau đó mới mong đạt được quả vị này, tức là thánh giả của Dự lưu quả (Sơ quả) ngoài việc hoàn thành việc đoạn trừ tư hoặc dục giới từ nhất phẩm cho đến ngũ phẩm của Tư-đà-hàm hướng, có nghĩa là lúc này hành giả mới chỉ đạt được Tư-đà-hàm hướng hay còn gọi là Nhất lai hướng ma thôi; chỉ khi nào Thánh giả hòan thành việc đoạn trừ Tư hoặc dục giới phẩm thứ sáu thì mới gọi là Tư-đà-hàm quả và, lúc này Thánh giả chỉ còn một lần sinh từ trên trời đến nhơn gian hay ngược lại từ nhân gian lên đến trời mới vào Niết-bàn. Từ đây trở lui về sau thánh giả không còn tái sinh nữa, lúc này mới gọi là Tư-đà-hàm quả hay là Nhất lai quả. Qua đây, cho hành giả chúng ta thấy rằng trong chín phẩm Tư hoặc dục giới mà nếu Thánh giả đoạn trừ được sáu phẩm trước thì tùy theo thuộc tính của kết quả đó mà Thánh giả nhận được theo tên gọi của nó, còn ba phẩm cuối chưa trừ được Tư hoặc, nên còn phải qua một lần tái sinh từ cõi trời vào nhơn gian mà vào Bát Niết-bàn, vì vậy cho nên gọi là Nhất lai. Theo Tăng Nhất A-hàm 20 (Đ.2, tr. 653c) đức Đạo sư dạy: “Sao gọi là hoa Bân-đà-lợi Sa-môn? Hoặc có người, hết ba kết sử, nhẹ dâm nộ si, thành tựu quả Tư-đà-hàm, lại đến thế gian này, tận cùng hết khổ; hoặc người nhanh nhẹn đến thế gian này, tận cùng hết khổ; hoặc người dõng mãnh, đối thế gian này tận cùng hết khổ, giống như hoa Bân-đà-lợi sớm nở tối tàn, đó gọi là hoa Bân-đà-lợi Sa-môn.” Y cứ vào đây, chúng ta có thể biết rằng cùng là Thánh giả của Nhất lai quả cũng có thể tế nhị phân ra làm hai: (1) Công dõng mãnh nhanh chóng tu hành của họ gọi là hoa Bân-đà-lợi Sa-môn. (2) Công chậm chạp lề mề tu hành của họ gọi là Nhất lai. Ở đây chúng tùy thuộc vào sự nổ lực tinh tấn của Thánh giả nhanh hay chậm và, cũng tùy thuộc vào đó mà có thời gian hòan thành nhanh hay chậm mà thôi.

3 . A-na-hàm (anāgāmin), còn phiên là A-na-già-di gọi tắt là Na-hàm, là quả thứ ba của Thánh giả trong Bốn quả Sa-môn Thinh Văn thừa, có nghĩa là ở đây, hành giả nào đọan trừ hòan tòan rốt ráo được ba phẩm còn lại cuối cùng trong chín phẩm thời gọi là A-na-hàm quả có nghĩa là Bất hòan quả (anāgāmi-phala); nếu trong ba phẩm còn lại mà hành giả chỉ đọan trừ được một hoặc hai phẩm mà còn lại hai hoặc một phẩm chưa đoạn trừ thì chưa gọi là A-na-hàm quả được mà chỉ gọi là A-na-hàm hướng có nghĩa là Bất hòan hướng (anāgāmi-pratipannaka). Như vậy, Quả thứ ba của Thinh Văn thừa là A-na-hàm quả này cũng chia ra làm hai như hai quả trên là A-na-hàm hướng và A-na-hàm quả. Nếu Thánh giả chỉ mới hòan thành được một hoặc hai trong ba phẩm còn lại thì gọi là hướng, còn nếu hành giả nào hòan thành cả ba phẩm còn lại thì gọi là A-na-hàm quả. Trong giai đọan hành giả hòan thành A-na-hàm hướng, tức là chỉ đọan trừ được một tư hoặc, thứ bảy, hay hai tư hoặc, thứ bảy và tám, tức là còn lại một hay hai phẩm thì hành giả đang ở trong giai vị, buộc phải thọ sanh một lần trong cõi trời thuộc dục giới (trời lục dục) gọi là Nhất gian (ekavīcika); cũng gọi là Nhất sanh, Nhất phẩm hoặc, cũng gọi là Nhất chủng tử. Trong giai đọan hành giả đã đọan trừ hòan tòan ba phẩm tư hoặc cuối cùng của cửu phầm tư hoặc thì, đó chính là lúc Thánh giả không còn tái sinh trở lại cõi dục nữa. Vì hành giả không còn tái sinh vào cõi dục nữa cho nên gọi là Bất hòan. Trong quả Bất hòan có thể phân ra làm năm loại, gọi là ngũ chủng bất hòan, có nơi còn gọi là ngũ chủng A-na-hàm, ngũ bất hòan quả, hay ngũ chủng ban đó là: (1) Trung ban, chỉ cho Thánh giả bất hòan quả khi chết ở cõi dục được sinh về cõi sắc, ở vị “trung hữu” của sắc giới mà nhập vào Bát Niết-bàn. (2) Sanh ban, Thánh giả đã sinh về sắc giới không lâu có khả năng phát khởi Thánh đạo, đọan trừ được hoặc nghiệp của vô sắc giới mà Bát Niết-bàn. (3) Hữu hành ban, Thánh giả sanh vào cõi sắc, tinh tấn thực hành thêm, qua thời gian lâu dài hơn nữa mà vào Bát Niết-bàn. (4) Vô hành ban, hành giả sanh về cõi sắc, nhưng chưa tinh tấn thực hành thêm, phải trải qua lâu ngày chầy tháng mới đoạn trừ được hoặc nghiệp của cõi vô sắc mà vào Bát Niết-bàn. (5) Thượng lưu ban, trước hành giả sinh về sơ thiền cõi sắc, dần dần sanh lên trong các trời khác ở cõi sắc, cuối cùng đến trời sắc cứu cánh hoặc trời Hữu đảnh mà nhập Bát Niết-bàn. Lại nữa, Thánh giả nào nhập vào Diệt tận định, chứng đắc giống như cái vui Niết-bàn tịch tịnh của Bất hòan quả, còn gọi là thân chứng hoặc gọi thân chứng bất hòan mà đọan trừ chín phẩm tư hoặc cõi dục, nhưng Thánh giả nào đạt được Bất hòan quả ở đây, thì sẽ lại sinh khởi phiền não dục giới trở lại mà tự thối đọa Bất hòan quả, vì vậy cho nên gọi là Ly dục thối (thối ly dục). Đó là những gì sai biệt có được từ A-na-hàm quả và Diệt tân định, tuy cái vui giống nhau nhưng một bên là Bất hòan quả còn một bên trở thành ly dục thối hay Bất hòan quả thối đọa.

4 . A-la-hán (arhat), còn phiên là A-lô-hán, A-la-a, A-lợi-a, hoặc A-lê-a, hay Át-la-hà-đế là quả thứ tư của bốn quả Sa-môn Thinh văn thửa, là một trong mười danh hiệu của đức Như lai, chỉ cho những vị Thánh đã đoạn tận tất cả những phiền não mà được Tân trí, đáng được người đời cúng dường; nhưng sau này nghĩa thứ nhất được dùng nhiều để chỉ cho những vị Thinh văn đệ tử của Như lai đã chứng được bốn quả vị mà nói hơn là nghĩa thứ hai. A-la-hán có ba nghĩa: Sát tặc, Ứng cúng, Bất sanh. Ở đây tùy theo thuộc tính của từng chức năng mà chúng thể hiện những công năng và những dụng quả của chúng mà chúng có những nghĩa được mang tên gọi. Trước hết quả vị này các hành giả Thinh văn thừa muốn đạt được cực quả này thì cần phải đoạn trừ sạch hết tất cả hai thứ vô minh tư hoặc và kiến hoặc lúc đó mới được gọi là sát tặc; từ kết quả này mà hành giả mới được nhận sự cúng dường của Trời - Người nên gọi là Ứng cúng và, cũng từ đây quả báo hết một đời cũng chấm dứt luôn, vĩnh viễn vào Niết-bàn không bao giờ tái sinh trở lại ba cõi nữa nên gọi là Bất sinh. Theo Câu Xá luận 24 thì, từ quả bất hoàn tiến tu để đoạn trừ hẳn các hoặc nghiệp. Bắt đầu từ sơ định phẩm một cho đến đoạn trừ hữu đảnh phẩm tám sau cùng thì lúc này được gọi là A-la-hán hướng. Ở đây nói về chức năng đoạn trừ hoặc của hữu đảnh trong A-la-hán hướng, còn đệ cửu vô gián đạo được gọi là kim cương định, tất cả mọi tùy miên điều bị phá trừ; trong vô gián đạo những khả năng đoạn hoặc thì định này tương ưng tối thắng … và trong đoạn hoặc định này cũng là đạo vô gián sau cùng và cũng là nơi sinh ra tận trí đạo giải thoát tối hậu. Do vì định này vừa đoạn trừ lậu tận vừa sinh ra đạo giải thoát tối hậu nên được gọi là Tận trí. Khi Tân trí được sinh ra thì cũng là lúc quả vô học A-la-hán thành tựu. Ở đây hành giả nhờ vô học mà thành quả nên biệt quả này không từ sự học của hành giả hữu học mà có nên được gọi là Vô học. Đây là quả vị cuối cùng của bốn quả Sa-môn theo quan điểm của các nhà Thinh văn thửa; tuy nhiên theo các nhà Đại thừa thì quả vị A-la-hán không những chỉ dành riêng cho các hàng Thinh văn không thôi mà dùng chung cho cả ba thừa như Thành Duy thức luận 3 (Đ. 31, tr. 13a đã dạy: “A-la-hán, chỉ chung cho quả vị Vô học của ba thừa.”

Về ý nghĩa của A-la-hán như trên chúng tôi đã đề cập sơ qua, ở đây theo luận Đại Tỳ-bà-sa 94 (Đ. 27, tr. 487b) thì, “ Nhằm đáp ứng sự thọ nhận cúng dường tối thắng của thế gian, cho nên gọi là A-la-hán, vì ở thế gian không có những mạng duyên thanh tịnh nào, ngoài các vị A-la-hán nơi đáng được sự nhận lãnh. Hơn nữa, A-la là chỉ cho tất cả phiền não, Hán là có khả năng làm tổn hại, dùng đao bén trí tuệ sát hại giặc phiền não khiến chúng không còn nữa, cho nên gọi là A-la-hán. Và A-la-hán còn có nghĩa là: A là không, La-hán là sanh, vì không sanh cho nên gọi là A-la-hán; nghĩa là là các vị A-la-hán không còng sinh trở lại trong sinh tử luân hồi ba cõi sáu đường nên gọi là bất phục sinh. Lại nữa, A-la còn có nghĩa là xa lìa, Hán có nghĩa là pháp ác bất thiện, vì hành giả xa lìa các pháp ác bất thiện nên gọi là A-la-hán.” và theo Đại Trí Độ luận 2 thì, A-la-hán có ba nghĩa: Sát tặc, Bất sanh và, Ứng thọ cúng dường. Nếu y cứ vào ngữ căn √arh của từ arhan (= arhat) có nghĩa là ‘đáng nhận’ (kham thọ) hay ‘được làm mọi việc’ (đắc tác mỗ sự) theo nghĩa này thì arhat chủ cách có nghĩa là tác Ứng cúng. Nhưng theo Câu Xá luận 24 thì chỉ nên làm việc người (Ứng tác tha sự), tức là nơi ứng cúng cho mọi người nên gọi là A-la-hán. Và theo Đại Thừa Nghĩa Chương 20 thì, A-la-hán có bốn nghĩa: (1) Phật Ứng đoạn tấc cả các pháp ác nên gọi là Ứng. (2) Như Lai Ứng chứng Niết-bàn tịch diệt nên gọi là Ứng. (3) Như lai Ứng hóa tất cả chúng sanh nên gọi là Ứng. (4) Như lai đoạn tận lậu hoặc đạt phước điền thanh tịnh, Ứng thọ vật cúng dường nên gọi là Ứng cúng. Theo Thành Duy Thức luận thuật ký 3 thì cũng định nghĩa A-la-hán như sau: “A-la-hán nghĩa chính là Ứng. Ứng có nghĩa là khế hợp thừa đương. thích ứng đoạn phiền não, thích ứng nhận cúng dường, ứng hợp với việc không tái sinh trở lại đời sau. Chỉ nói một nghĩa thì thông ba nghĩa, nên nói Như lai ứng, không nói ứng cúng (một nghĩa) nếu thêm chữ cúng vào thì chỉ có một nghĩa, liền mất hai nghĩa kia.” Qua những định nghĩa về A-la-hán như trên, tuy cũng có một vài điểm không đồng nhất, nhưng trên ý nghĩa đưa đến rốt ráo thì kinh luận nào cũng nói đến việc đoạn trừ xa lìa ác pháp bất thiện để đưa đến Niết-bàn thì cùng chung một quan điểm. Có thể đây là những sai biệt về cách thức định nghĩa hay giải thích theo từng thuộc tính của các bộ phái nên có những hình thức không đồng bộ như vậy.

Về việc phân loại A-la-hán cũng có rất nhiều loại tùy thuộc vào ý nghĩa và trình độ qua quá trình tu tập mà các kinh luận sắp xếp theo trình độ kiến giải qua sở đắc của từng loại căn cơ có được của hành giả. Theo Tạp A-tỳ-đàm tâm luận 5, Câu Xá luận 5 & 25 của Hữu bộ đem A-la-hán phân ra làm sáu loại:

(1) Thối pháp A-la-hán, tức là chỉ cho những hành giả khi gặp những trở ngại trên đườ tu liền thối mất những sở đắc mà họ (A-la-hán) đã đạt được.

(2) Tư pháp A-la-hán, do lòng sợ hãi thối thất quả vị, mà thường nghĩ đến việc tự sát.

(3) Hộ pháp A-la-hán, nhờ quả vị chỗ đạt được thường trợ giúp lo sợ (hậu quả) mà không đưa đến sự thối đọa.

(4) Trụ pháp A-la-hán, hành giả không cần đề phòng lòng thối thất, nhưng cũng không làm tăng thên lên, mà chỉ an trụ nơi quả vị đã đạt được.

(5) Kham đạt pháp A-la-hán, hành giả siêng năng tu luyện, cần cầu thăng tiến.

(6) Bất động pháp A-la-hán, hành giả đã đạt đến Đảnh vị, nên không thối đọa trở lại.

Sáu loại A-la-hán này, đều y cứ vào căn cơ lợi độn của các vị A-la-hán mà luận phân biệt. Năm loại trước gọi là “Thời giải thoát” (giải thoát tùy thuộc vào thời gian) thuộc vào độn căn. còn loại thứ sáu gọi là “bất thời giải thoát” (giải thoát không tùy thuộc vào thời gian), thuộc vào loại lợi căn. Trong khi Trung A-hàm 30, kinh Phước điền, Cam lồ vị luận, thượng, Thành Thật luận 1, phẩm Phân biệt Hiền thánh thì, cũng chia ra làm sáu loại A-la-hán như trên, nhưng lại thêm tuệ giải thoát, câu giải thoát (hai chướng định-tuệ đều đoạn trừ), vô ngại giải thoát (đoạn được hai chướng trí-tuệ, thông đạt tất cả văn nghĩa mà được bốn vô biện, cộng lại thành chín loại và được gọi là cửu vô học. Theo Tam pháp độ luận, q. trung thì phân A-la-hán làm ba loại: Lợi căn, độn căn và, trung căn; trong lợi căn lại phân làm ba loại: Lập trụ pháp, Thăng tiến pháp và, Bất động pháp; độn căn phân ra ba loại: Thối pháp, niệm pháp và, hộ pháp; trung căn phân ra ba loại: Tuệ giải thoát, câu giải thoát và, bất câu giải thoát. Theo những cách phân loại trên cho chúng ta biết rằng sự phân loại ở đây trước hết chúng tùy thuộc vào trình độ căn cơ sở đắc sau nữa là thời gian huân tập thực hành cạn sâu ngắn dài của hành giả mà có được trong tu tập.

Tóm lại, Tứ quả Sa-môn là bốn quả vị của các hàng Thinh văn thừa từ bước chân nghịch lưu ban đầu cho đến bước cuối cùng là vào Niết-bàn tịch diệt vĩnh viễn. Khi một hành giả bước chân vào dòng nghịch lưu của dòng sinh tử luân hồi thì tự mỗi hành giả phải tùy thuộc vào hướng đi, khi hướng đi đến đã đạt thì, sau đó quả vị mới hiện hữu. Khi nào quả vị của mỗi hành giả thành tựu cho mỗi hướng đến thì sau đó hành giả mới bước được bước kế tiếp, lệ thuộc vào thời gian và sự thành tựu của pháp ấy.

Tu-đà-hoàn là quả vị của những hành giả phàm phu bắt đầu nhập vào dòng Thánh đạo và, vì vậy nên bắt buộc hành giả phải đi ngược dòng sanh tử, do đó đức Đạo sư gọi bước đi của chúng ta là bước nghịch lưu, có nghĩa là mọi hành giả chúng ta phải đi ngược dòng sinh tử để đi đến Thánh đạo Niết-bàn tịch tĩnh, nếu hành giả muốn đạt được quả vị này phải đoạn trừ sạch Kiến hoặc ba cõi, để bước sang bước đi kến tiếp là Tư-đà-hàm hướng và sau đó hoàn thành Tư-đà-hàm quả.

Tư-đà-hàm là quả vị của những hành giả dục giới cùng cõi trời Dục lục đã đoạn trừ được tư hoặc sáu phẩm trước trong chín địa của dục giới và, chỉ còn một lần sanh trở lại nhân gian, cho nên quả vị này cũng gọi là Nhất lai. Quả vị này vẫn còn trong dự lưu quả, nên hành giả muốn tiến lên nữa thì phải đạt hướng A-na-hàm, sau đó mới có thể hoàn thành được quả vị của nó được.

A-na-hàm là quả vị của những hành giả đã đoạn trừ ba hoặc còn lại của chín phẩm dục giời và sẽ không còn sanh trở lại dục giới nữa, mà sẽ sinh về sắc giới hay vô sắc giới tùy thuộc vào kết quả sâu cạn của nó mà thôi, sau đó hành giả nhờ tu tập siêng năng tinh tấn mà đạt ala-hán hướng cuối cùng, đề sau đó hoàn thành quả vị cuối cùng trong bốn quả Sa-môn.

A-la-hán là quả vị cuối cùng của bốn quả, hành giả đã đoạn trừ hết kiến và tư hai hoặc không còṇ, đó là cực quả của hàng Thinh Văn thừa, vĩnh viễn đi vào Niết-bàn không còn tái sinh vào ba cõi nữa, cho nên gọi là bất sinh.

TỨ THIỀN
Thích Đức Thắng
Tứ thiền là bốn phương pháp thiền định dùng cho cả nội giáo và ngoại giáo cùng tu tập thực hành, nhằm đối trị các lậu hoặc, là nhân siêu việt mọi lưới hoặc nghiệp của dục giới, là quả sinh lên cõi sắc giới, là y địa căn bản nơi sinh ra các công đức, cũng có nghĩa là bốn loại thiền định căn bản sinh ra các thứ công đức; đó chính là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ thiền thuộc sắc giới, vì nghĩa này nên có nơi còn gọi là định sắc giới. Thiền là tên gọi tắt của Thiền-na (dhyāna), có nghĩa là tĩnh lự (yên lặng tư duy), là do nhờ yên lặng tư duy thẳm xét khéo léo mà đạt đến ý hiểu biết rõ rành như thật, cho nên Tứ Thiền còn gọi là Tứ Tĩnh lự, Tứ Định tĩnh lự. Ở đây, thể của Tứ thiền là “Nhất tâm tánh cảnh” còn dụng của chúng là “Thường tư duy suy xét ” Và đặc điểm của Tứ Thiền là ly cảm thọ của cõi dục mà cùng quán tướng của sắc giới tương ưng với cảm thọ. Từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền, hoạt động tâm lý phát triển theo thứ tự từ thấp đến cao, thế giới tinh thần hình thành không đồng tùy theo thuộc tính của chúng theo quá trình tự tu chứng của hành giả mà nói, tức là ba thiền trước cần theo thứ tự phương tiện (đối tượng pháp tu), còn đệ tứ thiền mới chính là Thiền chân thật.

(1) Sơ Thiền (prathama-dhyāna), trước khi hành giả đi vào sơ thiền thì buộc chúng ta phải trải qua thực hành trụ vào thô, tế, Dục giới định và Vị chí định. Trong thiền này phải có đầy đủ Bát xúc [động, dương (ngứa), khinh, trọng, lãnh, noãn, sáp (rít), hoạt (trơn)] và Thập công đức (nhập trí, khởi thông, đại vô lượng, thập lợi ích thành tựu, ngũ sự quả báo thành tựu, tâm tự tại, tu tập đối trị, đối trị thành tựu, tu tập chánh đạo, chánh đạo thành tựu). Trước tiên hành giả ngồi yên, đoan thân nhiếp tâm, điều hòa hơi thở, biết tâm mình chìm lặng lắng trong, tịch tĩnh an ổn, tâm mình tùy duyên, an trụ trong duyên không cho chạy tán loạn, đó gọi là hành giả trụ vào thô. Nhờ tâm này hành giả sau đó tiếp tục làm tâm mình trở nên hoàn thiện hơn trước, đó gọi là trụ vào tế. Sau đó, từ một hai ngày cho đến hai tháng tâm địa hành giả hoát nhiên từ từ được khai sáng một phần, thân chúng ta lúc này nhẹ nhàn như mây khói, như ảnh trong sáng sạch không, tuy là không tịnh nhưng vẫn còn thấy có tướng thân tâm, chưa có công đức bên trong định, đó gọi là định dục giới theo Thành Thật luận, còn trong luận Câu xá thì gồm thâu ở trong Vị chí định. Từ trong định này, tâm lắng trong sau đó chuyển đổi không còn thấy thân đầu, y phục, giường chiếu trong định dục giới nữa, giống như hư không, đó gọi là Vị chí định (định này không có trong Thành Thật luận, mà có trong Câu Xá luận), lúc này vì tánh còn chướng ngại nên chưa vào được Sơ thiền. Ở đây Vị chí định, thân và tâm hư tịch, trong không còn thấy thân, ngoài không còn thấy vật trải qua từ một ngày cho đến một tháng hay một năm, tâm định không hoại và, ở trong định biết tự tâm vẫn còn một ít dao dộng nhỏ, hoặc vẫn còn bát xúc nổi dậy. Đó chính là tứ đại cực nhỏ của sắc giới được hình thành hoán đổi tứ đại cực nhỏ còn lại của dục giới tạo ra xúc tướng này, đó chính là bắt đầu nhập vào tướng của Sơ thiền.

Sơ thiền là đệ nhất trong Tứ thiền, nếu đạt được sơ thiền thì trong tâm trở nên thanh tịnh, các lậu bất động, đó là trạng thái của Sơ thiền. Khi hành giả vào Sơ thiền câu hữu với năm chi là tầm, tứ, hỷ lạc và, tâm nhất tánh cảnh, tức là được bát xúc và thập công đức, tâm có khả năng trở nên tịch tĩnh tư duy suy xét, cảm thọ đến việc ly khai cái ác của dục giới mà sinh ra hỷ lạc; tâm cảm thọ hỷ, thân cảm thọ lạc, cho nên gọi là “Ly sanh hỷ lạc” có nghĩa là nhờ hành giả xa lìa ác của cõi dục nên sinh ra hỷ lạc trong thiền định; vì ở trạng thái này vẫn còn có sự hoạt động của tâm lý tầm và tứ, nên được gọi là Sơ thiền. Tầm còn dịch là giác (cựu dịch), tức là chỉ cho tâm sự phân biệt tác dụng còn thô của tâm; tứ còn dịch là quán (cựu dịch), là chỉ cho sự phân biệt tác dụng vi tế của tâm. Vì hành giả nào đạt được Thiền định này thì sẽ có tác dụng của hữu tầm và tứ, nên cò gọi là “hữu giác hữu quán”. Trong hiện tại nếu hành giả nào thành tựu được Sơ thiền thì, sẽ đạt được quả báo Sơ thiền thiên đối với sắc giới. Hơn nữa, khi hành giả ở trong thiền định này có thể đối trị tham nhuế, hại tầm, khổ, ưu, phạm giới là năm chủng loại làm chướng nạn trong tu đạo. Ngoài ra, ở trong định Sơ thiền dùng hoạt động tâm lý tầm tứ, cho nên có hoạt động của thấy, nghe, xúc lại có thể khởi lên ngữ nghiệp, đó là những giới hạn của sơ thiền có được trong lúc hành giả tu tập, nếu muốn vượt qua những trở ngại này thì hành giả phải bước sang Nhị thiền.

(2) Đệ Nhị thiền (dvitīya-dhyāna), là đệ nhị trong Tứ thiền, bên trong câu hữu với bốn chi là thanh tịnh, hỷ, lạc, nhất tâm tánh cảnh. Ở trong thiền định này xa lìa tâm lý hoạt động tầm, tứ của Sơ thiền, ở trong tâm tin vào tướng minh tịnh, cho nên gọi là “Nội đẳng tịnh”; do ở trong thiền định này sống trong trạng thái hỷ, lạc, nên gọi là “Định sinh ra hỷ lạc”. Hơn nữa ở trong thiền định này hành giả chúng ta có thể đối trị năm loại làm chướng ngại là tham, tầm, tứ, khổ, trạo cử trong lúc tu đạo. Vả lại, lúc hành giả ở trong Sơ thiền khi ngữ nghiệp còn khởi lên thì ở đây ngữ hành không còn nữa. Ngoài ra, sự tu tập đệ nhị thiền định có thể đưa hành giả đến quả báo sinh lên đệ nhị thiền thiên, ở tầng trời này có ba trời là Thiểu Quang (thiên chúng ở đây có ánh sáng tối thiểu), Vô lượng quang (thiên chúng ở đây ánh sáng từ từ tăng thêm cho đến vô lượng) và, Cực quang Tịnh (thiên chúng ở đây càng sáng hơn hai trời kia, từ dưới đất chiếu soi khắp, dùng ánh sáng làm ngữ âm, nên cũng gọi là Quang âm thiên). Ngoài ba trời này ra có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ nhị thiền thiên; vì thiên chúng của trời này an trụ vào thiền định mà sinh khởi ra cảm thọ hỷ lạc, nên trời này còn gọi là “Định sinh hỷ lạc địa” Đó là trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ nhị đạt được trong đệ nhị thiền.

(3) Đệ Tam thiền (tṛtīya-dhyāna), là đệ tam trong Tứ thiền câu hữu với năm chi là hành xả, chánh niệm, chánh tri (chánh tuệ), thọ lạc, tâm nhất tánh cảnh. Hành giả ở trong thiền định này đã lìa thoát trạng thái hỷ, lạc của nhị thiền, trụ vào chánh niệm, chánh tri, tiến lên một bước nữa là vui cầu được thắng pháp thuộc cảnh giới cao hơn mà luôn thực hành tu tập trong tinh tấn. Nhờ đã xa lìa hỷ, lạc của nhị thiền định, song hành giả, cái vui vi diệu của tự địa vẫn còn tồn tại, cho nên trạng thái lúc này được gọi là “Ly hỷ diệu lạc”. Hơn nữa, ở trong định này có khả năng đối trị được bốn loại tham, hỷ, hớn hở, định hạ liệt tánh làm chướng nạn lúc tu đạo của đệ nhị thiền định. Khi hành giả tu tập thiền định này, có thể được quả báo đối với đệ tam thiền thiên. Ở trong mười tám trời cõi sắc gồm có ba trời Thiểu Tịnh (thiên chúng trời này dùng cảm thọ lạc của ý địa nên gọi là “Tịnh”, nhưng cảm thọ lạc của họ ở trong đệ tam thiền thiên là tối thiểu, nên gọi là “thiểu”), Vô lượng tịnh (cảm thọ lạc của thiên chúng trời này từ từ tăng trưởng khó mà đo lường, cho nên gọi là vô lượng tịnh) và, Biến tịnh (cảm thọ lạc của thiên chúng trời này rất là thù thắng biến đầy khắp nơi, cho nên gọi là biến tịnh). Ngoài ba cõi trời này ra có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ tam thiền; vì thiên chúng của trời này xa lìa cảm thụ hỷ của đệ nhị thiền định mà trụ vào cảm thọ lạc của tam thiền, nên gọi là “Ly hỷ diệu lạc địa” Đó là trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ tam đạt được trong đệ tam thiền.

(4) Đệ Tứ thiền (caturtha-dhyāna), là đệ tứ trong Tứ thiền. Theo Đại thừa A-tỳ-đạt-ma Tạp tập luân 9 thì, Thiền định này câu hữu với bốn chi là xả thanh tịnh, niệm thanh tịnh, bất khổ bất lạc thọ, tâm nhất tánh cảnh. Hành giả ở trong thiền định này đã lìa thoát trạng thái diệu lạc của tam thiền, cho nên gọi là “Xả thanh tịnh”; vì chỉ có thể tu dưỡng công đức, nên được gọi là “Niệm thanh tịnh” và, cũng vì vậy nên trụ vào trong cảm thọ không khổ không vui. Hơn nữa, ở trong định này có khả năng đối trị được năm loại là hơi thở ra vào, tham, lạc, tác ý lâc, định hạ liệt tánh của đệ tam thiền định, làm chướng nạn cho việc tu đạo của hành giả.

Khi hành giả tu tập thiền định này, có thể được quả báo sanh về đệ tứ thiền thiên. trời này thuộc nơi tối cao của tứ thiền thiên sắc giới. Ở đay gồm có tám trời là Vô Vân (vị trí trời này ở trên tầng mây hợp kín, trời này từ khi khai thỉ mây địa nhẹ nhàng, giống như sao tán), Phước Sanh (trời này câu hữu với thắng phước của chúng sanh phàm phu, mới được sinh vào trời này), Quảng Quả (ở trong chư thiên sắc giới, trời này từ chỗ chúng sanh phàm phu nếu sanh về nơi đó là chỗ tối vi thù thắng), Vô Phiền (ở trong trời này không có bất cứ sự vật hay hiện tượng phiền tạp phân loạn nào và. vì thiên chúng trời này không cầu sinh về vô sắc giới, nên trời này còn gọi là Vô Cầu), Vô Nhiệt (thiên chúng trời này đã hàng phục mọi chướng ngại của phẩm trung và thượng, ý vui nhu nhuyến, lìa các nhiệt não, nên gọi là Vô Nhiệt), Thiện Hiện (thiên chúng trời này đã đạt được định tạp tu thiện phẩm, nhờ quả đức hiện rõ, nên gọi là thiện hiện), Thiện Kiến (thiên chúng của trời này đã lìa được chướng tu định, đạt đến chỗ vi tế, phàm những gì thấy được đều cực trong suốt, nên gọi là thiện Kiến), Sắc Cứu Cánh (thiên chúng trời này đã đạt đến chỗ cùng cực của khổ qua thân tối hậu sau cùng, tức là là thân tối hậu hữu sắc, qua trời này là Vô Sắc giới).

Ngoài tám trời này ra có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ tứ thiền; vì thiên chúng của trời này đã lìa thoát diệu lạc của đệ tam thiền thiên mà chỉ có thể tu dưỡng công đức, nên trời này gọi là “Xả niệm thanh tịnh địa”. Đó là trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ tứ đạt được trong đệ tứ thiền.

Như chúng ta đã biết qua Tứ thiền thì Tứ thiền có thể nhiếp thu cả tầm, từ, hỷ, lạc các chi Tịnh lự, trong đó chúng được phân bố theo thuộc tính cần thiết trong tu tập cho chính chúng mà hành giả phải theo tùy theo trình độ căn cơ mà thâm nhâp tuần tự vào định của mỗi hành giả.

Theo Tạp A-hàm 17 (Đ. 2, tr. 121b) thì thứ tự lúc hành giả vào chánh thọ Sơ thiền là đình chỉ ngôn ngữ, vào chánh thọ nhị thiền thiền thì đình chỉ giác quán (tầm, tứ), vảo chánh thọ tam thiền thì đình chỉ tâm hỷ, vào chánh thọ tứ thiền thì đình chỉ hơi thở ra vào; đó là những hình thức có được từ hành tướng hình thức của tứ thiền, còn nội dung ý nghĩa tư tưởng như các chánh định của tứ thiền như chu81ng tôi đã nói ở trên. Ở đây vì có sự sai biệt về hình thức cũng như ý nghĩa nội dung của chúng, nhất là sự thâu nhiếp của tịnh lự có sự khác biệt nên chúng được phân ra làm bốn loại: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền như trên; và cũng theo Tứ thiền này được phân ra mỗi loại thiền gồm có ba loại chi theo giá trị kết quả có được từ sự thực hành của hành giả đưa đến: Đối trị chi, Lợi ích chi và Tự tánh chi.

Theo Câu Xá Luận 28 (Đ. 29, tr. 145b) Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 9 thì đem Tứ thiền phân ra ba loại gồm mười tám chi thiền: Ba loại thuộc Đối trị chi, Lợi ích chi và, Tự tánh chi, còn mười tám chi thiền gồm có: Sơ thiền có năm chi, Nhị thiền có bốn chi, Tam thiền có năm chi và, Tứ thiền có bốn chi theo sơ đồ sau đây:

Sơ Thiền theo đối trị chi có hai chi là tầm (giác) tứ (quán), theo ích lợi chi có hai chi là hỷ và lạc, theo Tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả bao gồm năm chi.

Nhị thiền theo đối trị chi có một chi là nội đẳng tịnh, theo lợi ích chi có hai chi là hỷ và lạc, theo tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm bốn chi.

Tam thiền theo đối trị chi có ba chi là hành xả, chánh niệm và chánh tri, theo lợi ích chi có một chi là lạc, theo tự tánh chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm năm chi.

Tứ thiền theo đối trị chi có nai chi là xả thanh tịnh và niệm thanh tịnh, theo lợi ích chi có một chi là chẳng có cảm giác khổ vui, theo tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm năm chi. Trong ba loại chi này mang ý nghĩa của từng thuộc tính theo giá trị kết quả đưa đến cho hành giả sau khi thực hành mà rút ra từ từng loại có được:

Đối trị chi, có khả năng dùng để đối trị hay đoạn trừ các thứ phiền não hoặc nghiệp bất thiện thuộc dục giới và, cũng nhờ đối trị này mà đạt được những trạng thái tâm lý tịch tĩnh hơn có lợi cho mọi tư duy về ly dục và các pháp bất thiện.

Lợi ích chi, chúng có liên hệ đến tiến trình hội nhập tương ưng với cảm thọ chủ quan của cảnh giới đối với hành giả. Như sơ thiền tuy đã ly dục pháp ác bất thiện của dục giới, nhưng cảm thọ đưa đến hỷ lạc khi hành giả đã thoát ly dục giới, chỉ còn có tâm lý hoạt động phân biệt thô tế của tầm tứ và, còn cần phải nổ lực trong vấn đề đối trị hơn; khi nào đến lúc nhị thiền tầm và tứ đã đoạn diệt hết thì sẽ hình thành tín căn cho hành giả, gọi là nội đẳng tịnh.


05-02-2009 11:23:33
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2012(Xem: 3425)
Bây giờ tôi muốn giải thích về ba lời khuyên của ngài Atisha, gọi là Ba Kim Cương. Trong rất rất lâu, chúng ta trôi lăn trong luân hồi từ đời này sang đời khác. Chúng ta đã chết và tái sinh và lại chết, điều này gần như vô tân.
17/06/2012(Xem: 4105)
Thiền Quán còn gọi là Thiền Tuệ hay Thiền Minh Sát (tiếng Pali: Vipassana) đã được Đức Phật chỉ dạy cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, là phương pháp thiền đặc biệt chú trọng vào việc giữ sự chánh niệm liên tục.
15/06/2012(Xem: 6284)
Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .
11/06/2012(Xem: 4488)
“Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng – Niết Bàn Diệu Tâm, nay trao truyền cho ông Ca Diếp”. Thích Đức Trí
10/06/2012(Xem: 3357)
Phật giác ngộ nhờ con đường Bồ Tát, con đường mà ngài đã trải qua từ đầu đến cuối. Ngài nói rằng với ngài điểm khởi đầu của con đường bồ đề tâm là trong cõi địa ngục.
06/06/2012(Xem: 5360)
Chúng ta cũng nên biết: “Vô thường thì vô ngã”, tại sao? Vì thân tâm con người gồm có sắc và tâm, Sắc là thân do Bốn Đại “Đất, Nước, Gió, Lửa” hợp lại mà thành...
31/05/2012(Xem: 7383)
Áo nghĩa thư (Upaniṣad) còn được biết với một tên gọi khác nữa, đó là Vedānta, vì nó được xem là phần tột cùng của Phệ-đà... Thích Nhuận Châu dịch
31/05/2012(Xem: 6345)
Chính Đức Phật đã quy chuẩn cách dùng ngôn ngữ hay tiếng nói địa phương trong việc truyền đạt giáo lý... Thích Nhuận Châu dịch
30/05/2012(Xem: 3835)
Một trong các phương pháp thực tập sự kham nhẫn là học hạnh chịu đựng của đất. Đất có thể bao dung hết muôn loài vật trên thế gian này. Đất nuôi sống thiên nhiên, cỏ cây, hoa trái để nuôi dưỡng chúng sinh. Từ đất con người khai thác các loại tài nguyên khoáng sản để có điều kiện gia tăng sản xuất, nâng cao đời sống để nhân loại và muôn loài vật tồn tại.
28/05/2012(Xem: 10775)
Kinh A Di Đà thuộc hệ tư tưởng Đại thừa, ra đời trong thời kỳ phát triển Đại thừa Phật giáo... Thích Nguyên Thành
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]